CÓ KHỔ MỚI BIẾT TU
Upasika Kee Nanayon
Diệu Liên-Lý Thu Linh
(Dịch theo Tough Teachings To Ease The Mind, Tricycle Spring
2005)
---o0o---
Upasika Kee Nanayon, sinh năm 1901, là một
trong những vị nữ giảng sư nổi tiếng ở Thái thời hiện đại.
Vị cư sĩ này đã xây một trung tâm tu tập cho nữ tu/cư sĩ
trên một ngọn đồi ở tỉnh Rajburi, phía tây Bangkok, nơi bà
sống cho đến lúc tịch vào năm 1978. Các bài giảng của bà đã
được Đại đức Thanissaro dịch ra tiếng Anh, trong quyển
“Thanh Tịnh Và Giản Đơn”.
Những người nằm bịnh thật may mắn vì họ có cơ
hội không phải làm gì ngoài việc quán sát cái đau, nỗi bứt
rứt. Tâm họ không vướng bận gì khác, không cần phải đi đâu,
làm gì. Họ có cơ hội để luôn quán sát cái đau và để luôn
buông cái đau đó.
Quán sát sự thay đổi, sự bứt rứt và vô ngã tưởng
(trong Phật giáo, là ba dấu ấn của sự hiện hữu; anicca,
dukkha và anatta; thường được biết như là vô thường, khổ và
vô ngã) khi chúng ở kề cận bên bạn, khi bạn đang nằm bịnh ở
đây, là rất hữu ích. Chỉ cần nhớ đừng nghĩ bạn là cái đau.
Chỉ cần nhìn các hiện tượng tự nhiên của các sự kiện sinh
tâm lý khi chúng khởi lên rồi qua đi. Chúng không phải là
bạn. Chúng cũng không thực là của bạn. Thực sự, bạn đâu có
quyền kiểm soát gì đối với chúng.
Hãy quán sát chúng! Thật ra bạn kiểm soát được
chúng tới đâu? Bất kể thân bạn đang có bịnh gì, điều đó
không quan trọng. Quan trọng là cái bịnh trong tâm. Thông
thường ta không để ý đến sự thật là ta có bịnh trong tâm các
căn bịnh của uế nhiễm, tham luyến. Chúng ta thường chỉ để ý
đến những căn bịnh nơi thân, lo sợ tất cả mọi chuyện khủng
khiếp có thể xảy đến cho thân. Các loại thuốc ta dùng để
chữa bịnh cho thân chỉ có thể tạm thời trì hoãn bản án tử
hình của ta. Ngay chính những người trong quá khứ không có
bịnh hoạn gì cũng không còn với chúng ta nữa. Cuối cùng thì
tất cả mọi người đều phải bỏ thân nầy. Khi tiếp tục quán
tưởng như thế, bạn sẽ thấy sự thật của vô thường, khổ và vô
ngã một cách trung thực ngay nơi bản thân, và từng bước,
từng bước, bạn sẽ trở nên ngày càng nhàm chán với mọi thứ.
Bạn phải quán sát cái đau của mình thật kỹ lưởng
để thấy rằng thật ra không phải bạn là cái đau. Căn bịnh đó
không phải của bạn. Đó là căn bịnh của thân, căn bịnh của
một hình thể vật lý. Hình thể vật lý và sự kiện tâm linh
phải thay đổi, bạn cần chú tâm vào chúng khi chúng xuất
hiện, quán sát, theo dõi từng bộ phận nhỏ nhặt của chúng.
Một sự hiểu biết tường tận về đặc tính của các hình thể vật
lý và diễn biến tâm linh sẽ giải thoát bạn khỏi những khổ
đau, căng thẳng.
Có những người đang khỏe mạnh, an nhiên, bỗng
đột ngột qua đời mà không biết điều gì đã xảy ra cho họ.
Tâm họ hoàn toàn mờ mịt về chuyện gì đang xảy ra. Điều đó
còn tệ hơn người nằm bịnh trên giường có thể dùng cái đau
của họ như là một phương tiện để tu tập và phát triển tâm
nhàm chán, không bám víu. Bạn không cần phải sợ hãi cái
đau. Nếu nó đang ở đó, cứ để nó ở đó nhưng đừng để tâm phải
đau đớn theo nó.
Vì thế khi đau bịnh, bạn hãy tự coi mình may
mắn. Nằm đó, đối mặt với căn bịnh, bạn có cơ hội để thực
tập thiền minh sát trong từng phút giây. Không quan trọng
là bạn đang ở nhà hay nằm viện. Đừng để tâm bạn phải quan
tâm đến việc bạn đang ở đâu. Bạn không cần gán mình vào một
nơi chốn nào. Chỉ cần nắm lấy cơ hội để quán sát các hiện
tượng đến rồi đi.
Ta không thể ngăn cản nỗi đau hay niềm vui, ta
không thể cấm tâm phán đoán sự việc, hình thành tư duy,
nhưng ta có thể sử dụng chúng theo một hướng khác. Nếu tâm
dán nhãn cho cái đau và nói, "Tôi đau", ta phải xem xét sự
gán ép đó kỹ lưởng, quán sát nó cho đến khi bạn nhận ra được
cái sai của nó: cái đau đó không thật sự là ta. Nó chỉ là
một cảm giác phát khởi rồi qua đi, chỉ có thế.
Quán sát bất cứ những gì phát khởi một cảm giác,
một cảm xúc, một tư tưởng và rồi hãy để nó qua đi mà không
chấp, không bám víu vào đó. Bắt đầu bằng cách thực tập kiềm
chế tâm, chú tâm ghi nhận, quán sát những biểu hiện của sự
căng thẳng, đớn đau. Tiếp tục thực tập cho đến khi tâm có
thể duy trì thái độ đó trong trạng thái trống không rõ ràng
của tâm. Nếu bạn có thể thực hành viên mãn điều đó, thì sự
giải thoát cuối cùng của cái đau sẽ xảy ra ngay tại đó, ngay
tại nơi cái tâm trống rỗng.
Hãy giử chánh niệm về cái đau ngay ở nơi mà
trạng thái đó chỉ là một cảm giác trong thân. Nó có thể là
cái đau ở thân, nhưng không cần thiết phải là cái đau của
tâm. Trước hết hãy bảo vệ tâm, hãy buông bỏ mọi thứ, rồi
hướng vào bên trong tìm cái phần sâu thẳm, tận cùng nhất của
chánh niệm và trú ngay tại đó. Ta không cần phải liên can
đến cái đau ở bên ngoài, ngay nếu như chúng dường như quá
sức chịu đựng của ta. Hãy tìm cho được những khía cạnh sâu
thẳm của tâm, lúc đó ta có thể để mọi thứ khác qua một bên.
Nếu cái đau là loại bạn có thể quán sát, thì hãy
cố gắng quan sát nó. Tâm sẽ ở trạng thái trung tính bình
thường, an tĩnh với tánh không bên trong nó, quán sát cái
đau khi nó chuyển đổi, rồi qua đi. Nếu quá sức đau đớn, thì
quay lại, trở vào bên trong, vì nếu bạn không thể kiểm soát
cơn đau, thì tham sẽ khởi dậy chen ngay vào, với ý muốn xua
đuổi cái đau để tìm sự dễ chịu. Và nó cứ chồng chất, nối
tiếp nhau, khiến tâm ở trong trạng thái hoảng loạn cùng
cực. Nếu cái đau đột ngột, cao độ, lập tức quay trở lại,
tập trung sự chú ý vào tâm. Ta không muốn dây dưa với thân
và cái đau. Tập trung trú vào điểm sâu thẳm của chánh
niệm. Đạt đến chỗ bạn có thể thấy được trạng thái tâm thanh
tịnh, không đau đớn theo cái đau ở thân, và duy trì trạng
thái tâm luôn sáng suốt.
Một khi tâm luôn sáng suốt, thì dầu thân đang
đau đớn bao nhiêu, đó cũng chỉ là các hiện tượng tâm sinh
lý. Tuy nhiên tâm không liên can. Nó để mọi thứ sang một
bên. Nó buông xả.
Bạn phải tiếp tục thực tập như thế không ngừng
nghỉ. Khi nào cái đau khởi lên, không kể mức độ đau, đừng
gán ép cho nó là gì hay dành cho nó một ý nghĩa nào. Ngay
nếu như có sự dễ chịu phát khởi, cũng đừng bám vào sự dễ
chịu đó. Cứ tiếp tục buông nó đi, thì tâm cũng được nhẹ
nhàng thoát khỏi mọi bám víu hay chấp vào "ngã" trong từng
phút giây. Bạn phải luôn dồn hết sức chánh niệm và năng lực
vào sự thực tập nầy.
Bạn phải coi như mình may mắn được nằm bịnh ở
đây, để quán sát về cái đau, vì bạn có cơ hội để phát triển
đến con đường hoàn toàn tỉnh thức, đạt được tri kiến và
buông xả tất cả. Không ai có cơ hội tốt hơn những gì bạn
hiện đang có. Một người nằm bịnh trên giường có cơ hội để
phát triển tri kiến với từng hơi thở vào ra. Điều đó chứng
tỏ bạn đã không uổng phí kiếp người của mình, bạn biết thế,
vì bạn đang thực hành những lời dạy của Đức Phật cho đến độ
bạn có thể đạt được sự hiểu biết rõ ràng về bản chất chân
thực của sự vật.
Người ta thuờng suy gẫm về sự chóng qua của cuộc
đời khi nó liên hệ đến người khác, khi ai đó bị bịnh, hay
chết, nhưng họ rất ít khi suy gẫm về sự chóng qua của chính
cuộc đời mình. Hoặc nếu có, thì việc đó cũng chỉ xảy ra
trong thoáng chốc, sau đó họ quên ngay tất cả, lại hoàn toàn
đánh mất mình trong những vấn đề khác. Họ không đem những
sự thật nầy vào bên trong để suy gẫm về những sự vô thường
đang xảy ra với chính họ trong từng phút giây.
Thiền quán không phải là một việc mà bạn có thể
lấy một hay hai tháng nghỉ để dự một khóa tu chuyên sâu. Đó
không phải là sự thực hành đúng. Nó không thể so sánh với
những gì bạn đang làm hiện giờ, quán sát cái đau cả ngày,
mỗi ngày và cả đêm, trừ lúc ngủ. Khi cái đau thật trầm
trọng, nó càng tốt hơn cho sự hành thiền của bạn vì nó cho
bạn cơ hội để biết một lần cho tất cả vô thường là gì, căng
thẳng, khổ đau là như thế nào, sự bất lực của bạn ra làm
sao.
Thiền quán không phải là việc bạn đợi đến lúc
chết hay sắp chết mới bắt đầu. Đó là việc bạn chỉ phải tiếp
tục thực hành, tiếp tục "minh sát". Khi căn bịnh thuyên
giảm, bạn cũng phải "minh sát" nó. Khi nó trở nặng, bạn
cũng "minh sát" nó. Bạn cứ tiếp tục phát triển tri kiến như
thế, tâm sẽ chế ngự được sự tăm tối, vô minh của nó. Nói
cách khác, những thứ như tham dục, uế nhiễm sẽ không còn dám
phiền rộn đến tâm như chúng vẫn thường làm trong quá khứ.
Khi tâm trở nên thức tỉnh với mọi thứ, bước kế
tiếp là quán sát tâm một cách khéo léo để xem nó trở nên
trống rỗng như thế nào, xuyên suốt cho đến khi không còn tư
tưởng nào bày trò gì, không có sinh, không có diệt, không có
biến đổi gì cả.
Vì thế hãy chú tâm vào, quán sát ngay nơi ấy,
ngay nơi tâm, ngay nơi thức, và hãy để chỉ có cái biết của
việc buông bỏ cái biết (the knowing that lets go of
knowing). Điều nầy có nghĩa là bạn sẽ buông bỏ cho đến chỗ
tâm thức không còn đặt tên, dán nhãn hiệu cho chính nó. Sẽ
không còn phân biệt tốt, xấu hay bất cứ thứ gì. Tính nhị
nguyên cũng không còn ảnh hưởng gì.
Nhưng vì điều nầy nẳm ở một mức độ sâu hơn, bạn cần phải
chắc rằng sự nhận thức của bạn thật sắc bén, tinh xảo. Phải
chắc chắn rằng sự nhận thức bén nhạy nầy được duy trì liên
tục. Bạn sẽ nhận ra rằng bạn không còn bám víu vào các nhãn
hiệu, các ý nghĩa; các suy nghĩ về tốt hay xấu đều ngừng
lại.
Do đó Đức Phật dạy chúng ta nên xem vạn pháp như
không, như trống rỗng, đó là cách chúng ta nên nhìn sự vật.
Pháp bảo ở ngay đây, trong thân và tâm của ta, chỉ là ta
không nhìn ra được hay nhìn một cách sai lạc. Nếu chúng ta
nhìn sự vật với con mắt của chánh niệm và trí tuệ, thì còn
gì có thể khiến ta khổ đau? Tại sao lại phải sợ đau, sợ
chết? Nếu ta có thể hiểu rằng chính sự bám víu khiến ta khổ
đau, thì tất cả việc ta cần làm là buông bỏ, và ta sẽ thấy
được sự giải thoát khỏi khổ đau sẽ xảy ra như thế nào ngay
trước mắt ta.