|
BỒ TÁT HẠNH
- Ý Nghĩa
- Vía Phật -
Bồ Tát Trong Năm
- ---o0o---
HÀNH TRÌNH
CUỐI CÙNG
CỦA ĐỨC PHẬT
Thích An Hải
--o0o--
Theo Kinh Đại
Viên Tịch Niết Bàn (Mahapannibbàna Sutta) Bài Kinh Thứ 16,
Trường Bộ Kinh (Dighamikaya), tạng Pàlì.- Vào năm 80 tuổi, tâm
đức Phật vẫn toả sáng, nhưng thân thể suy yếu, ngài chưa chùn
bước truyền dạy giáo Pháp hoá độ chúng sanh. Hành trình cuối
cùng của đức Phật từ núi Gijjhakùta (Linh thứu), cận thành
Rajagha, Kinh đô xứ Magadha (Ma Kiệt Đà), đức Phật cùng tôn giả
Aønandà, đi bộ đến thành Kusinàrà, rừng TaLa Song Thọ.
Mặc dù đức
Phật dừng lại nhiều nơi để nghỉ ngơi và thuyết pháp. Nhưng đây
là con đường dài mệt mỏi đối với người khỏe mạnh huống chi thân
ngài già yếu. Đó cũng là sự thể hiện tác phong trì bình khất sĩ
độ sanh, truyền thống đặc biệt của một bậc thầy gương mẫu thời
xưa. Rồi ngài cũng đến thành Vesali (Tỳ xá li).
Trước khi đi,
tại núi Gijjhakùta (Linh thứu), đức Phật thuyết bảy pháp bất
thối của một quốc gia và của giáo hội cho sứ giả của vua
Ajàtasattu (A xà thế) là Vassakàra và hội chứng tỳ Khưu Tăng
nghe như những lời dặn bảo cuối cùng cảm động dưới ánh sáng trí
tuệ của bậc đại thánh giả, nhưng không có vị nào hiểu ý đức Phật
sắp nhập diệt. Người ta chỉ ca ngợi nội dung hai bài pháp bất
thối cho đời cho đạo. Đức Phật bao giờ cũng thế không áp đặt ai
phải tu theo, ngài vạch rõ con đường đi xuống là đau khổ, đi lên
là hạnh phúc, tuỳ người nghe chọn lựa.
Đức Phật rời
Rajagha, cùng đại đức Aønandà đi đến AmpalathiKa, rồi từ đó đến
NaLanda. Nơi đây ngài ngự tại vườn xoài Bàvàrika. Trong dịp này
Đại đức Sariputta (Xá Lợi Phất) đến hầu Phật và tán dương trí
tuệ xuất thế của bậc đại giác. Thay vì chấp nhận, đức Phật nhắc
đến pháp tu diệt trừ Năm triền cái, trú tâm vào Tứ Niệm Xứ, phát
triển Thất giác chi, dẫn đến quả Chánh đẳng giác của một vị
Phật.
Từ Nàlandà,
đức Phật lần hồi đi đến Pàtaligàma. Nơi đây đức Phật thuyết
giảng cho chúng tăng nghe 5 điều nguy hại của sự phá giới và 5
điều lợi ích của sự giữ giới. Tại xứ này có hai vị đại thần
vương quốc Ma Kiệt Đà là Sunìdha và Vassàkàra, đang chỉ huy dân
quân xây thành đắp luỹ để phòng thủ người Vajjan, lúc ấy rất
hùng cường thịnh vượng. Đức Phật và tôn giả Aønanda trú trong
một căn nhà bỏ trống, nhận thấy Chư Thiên xuất hiện đây đó khắp
vùng, ngài nói đó là điềm Kiết tường, trú địa này sau sẽ thành
một thị trấn bậc nhất, một trung tâm thương mại lớn có tên gọi
là Pàtaliputta và sẽ bị ba nạn nước lửa và phân tranh. Hai vị
đại thần Vương quốc Ma Kiệt Đà và dân chúng thỉnh đức Phật và
đại chúng tăng về nhà thọ thực. Xong rồi đức Phật nói lên kệ tuỳ
hỉ: “Dầu cư trú nơi nào, người khôn ngoan sáng suốt luôn thận
trọng, hết lòng nâng đỡ nhau, đó là những người tốt biết tự kiểm
soát, hồi hướng phước báu đến những vị trời cư ngụ trong vùng
(...) Người được Chư Thiên chiếu cố sẽ hưởng nhiều may mắn!
Hai vị đại
thần thuận theo ý dân chúng đặt tên cổng thành này là cổng
Gotama để kỷ niệm và chuẩn bị một chiếc đò đưa đức Phật và chư
tăng qua sông, vì sông Hằng lúc ấy nước dâng cao, nhưng đức Phật
cùng các thánh đệ tử dùng thần thông bay qua sông.
Đức Phật ít khi dùng thần thông,
tránh xáo động tâm lý hiếu kỳ, có lẽ lần này quá gấp rút, quỹ
thời gian của ngài sắp cạn.
Từ bờ sông
Hằng, đức Phật đi đến Kotigàma. Tại nơi đây, đức Phật cho biết
do không thấu triệt chơn lý Tứ đế nên chúng sanh phải khổ đau.
Những ai thông hiểu và giác ngộ Tứ Đế, sẽ đoạn tận khổ căn sanh
tử.
Từ Kotigàma,
đức Phật đi đến Nàdika, tại đây ngài ngự trong lò gạch trống
hoang. Nhân dịp này, đại đức Aønanda, đến gần đức Phật cung kính
hỏi thăm về nơi tái sanh của những người trong làng đã quá vãng.
Đức Phật kể lại số phận từng người rồi ngài thuyết kinh Gương
Chánh pháp (Dhammàdàsa), nói về gương lành của đệ tử đặt trọn
niềm tin nơi đức Phật, đặc tính của pháp và đức hạnh hoàn hảo
của Chư tăng. Suy niệm sáng tõ về Tam bảo, trau dồi phẩm hạnh
cao thượng với những giới đức đưa đến giải thoát, được bậc thiện
trí khen ngợi người thoát ly mọi dục vọng, tâm an ổn trong thiền
định, chứng đạt pháp nghĩa, do vậy vị thánh đệ tử nhận biết viễn
ảnh của mình.
Từ làng
Nàdika, đức Phật đi đến thành Vesàlì phồn thịnh, trú tại vườn
xoài của cô kỹ nữ Ambapàli. Người có một nhan sắc kiều diễm hấp
dẫn đến độ đức Phật thận trọng khuyên nhắc chư tăng nên chú tâm
chánh niệm tỉnh giác. Đức Phật nhận lời thỉnh cầu cúng dường
trai tăng của Ambapàli, khước từ lời thỉnh cầu đến sau của các
thanh niên quyền quý Licchavì. Họ thương lượng với cô, nếu cô
nhường bữa cúng dường trai tăng cầu phúc nầy, cô sẽ được đền bù
một số tiền lớn, cô và gia nhân có thể ngồi không hưởng thụ suốt
đời. Chẳng những cô không khứng chịu còn phát tâm tịnh tín cúng
dường Phật và chư tăng khu vườn xoài rộng lớn thanh lịch để làm
Tinh xá. Sau đó cô xin Phật cho xuất gia làm nữ tu, tinh tấn tu
hành chứng đệ tứ thánh quả an lạc.
Từ thành
Vesali, đức Phật đi đến làng Beluvà, một ngôi làng nhỏ bé cận
thành, đức Phật quyết định an cư mùa mưa tại đây.
Trong khi an
cư, đức Phật lâm trọng bệnh, ngài khắc chế bệnh trạng bằng thiền
định hưởng thọ hạnh phúc Niết bàn. Tôn giả Aønanda biểu lộ sự
quan tâm ghi nhận lời “Di giáo” của đức Thế tôn khuyên nhủ tế
nhị rất quan trọng, bộc lộ rõ tính chất của Tam bảo, đáng lưu ý:
- Chúng Tỳ
khưu, còn mong mỏi gì nữa nơi Như Lai? Như Lai đã thuyết giảng
Chánh pháp không có sự công truyền và bí truyền. Như Lai không
bao giờ là vị đạo sư còn bàn tay nắm lại. Nếu nghĩ rằng: “Như
Lai sẽ là vị lãnh đạo của chúng Tỳ khưu hay chúng Tỳ khưu chịu
sự giáo huấn của Như Lai. Như Lai sẽ có lời Di giáo cho chúng Tỳ
khưu.
- Này Ànanda,
tuổi 80 đủ rồi. Như cổ xe đã cũ kỹ mà còn chạy được bởi các dây
chằng chịt cột các bộ phận lại. Thân Như Lai cũng như thế đó, sự
sống được duy trì nhờ những sợi dây ràng rịt đó!
- Này Ànanda,
chỉ khi nào Như Lai không suy niệm đến tất cả tướng, với sự diệt
trừ một số cảm thọ, chứng và an trú vô tướng tâm định, chính khi
ấy thần trí Như Lai được thoải mái.
- Này Ànanda,
thế nào là vị Tỳ khưu biết tự mình là ngọn đèn cho chính mình,
tự mình y tựa chính mình, không y tựa một gì khác; dùng chánh
pháp làm ngọn đèn, dùng chánh pháp làm chỗ nương tựa, không
nương tựa một gì khác.
- Này Ànanda,
một vị Tỳ khưu sống chuyên cần tinh tấn, giác tỉnh, chánh niệm,
từ khước mọi tham ái trong thế gian, luôn phát triển tâm định
với thân-thọ-tâm-pháp.
- Này Ànanda,
sau khi Như Lai viên tịch thì vị ấy là tối thượng trong hàng Tỳ
khưu, nếu vị ấy vẫn thiết tha học hỏi.
Người chỉ
nương tựa chính mình không nương tựa giáo pháp Phật là bậc Độc
giác, điều này rất hiếm, phần đông rơi vào giả ngã ảo kiến.
Người nương tựa giáo pháp không nương tựa chính mình thì chỉ có
hình thức, nội dung rỗng vì tâm lý không gạn lọc. Ý của Phật là
các đệ tử phải nương tựa giáo pháp của ngài soi rọi tự tâm, hành
giả giác ngộ chân tánh diệu dụng.
Một ngày kia,
đức Phật vào thành Tỳ Xá ly trì bình, độ ngọ tại đền Kàpàla,
ngài nhiều lần nói cho tôn giả Ànanda nghe, người tu chứng Tứ
thần túc có thể kéo dài tuổi thọ thêm một kiếp hay hơn nữa.(Tân
Đầu lư phả Tỳ Khưu tu chứng pháp này kéo dài tuổi thọ đến 600
năm). Nhưng tôn giả Ànanda không hiểu Phật ý, ngay lúc ấy không
thỉnh Phật Chuyển pháp luân. Đức Phật thông báo: “Ba tháng nữa
Như Lai sẽ nhập diệt. Ngài nói kệ:
“Mạng sống
hữu hạn hay vô hạn
Tu sĩ từ bỏ
không kéo dài
Nội tâm
chuyên nhất tu thiền định
Như thoát áo
giáp đang mặc!”
Tức thì đại
địa chấn động, sấm trời vang dội, tôn giả Ànanda nghẹn ngào cảm
xúc nói: “Đức Thế tôn, có Tứ thần túc, xin vì sự tốt đẹp, hạnh
phúc của tất cả, con thỉnh cầu ngài sống thêm một kiếp nữa!”.
Đức Phật trả lời: “Đã đủ rồi ! Nầy Ànanda không nên khẩn cầu Như
Lai nữa!”... Đức Phật giảng về tính cách vô thường của đời sống!
Tin tức được
truyền đi nhanh như một cơn bão cao tốc; hàng ngàn đệ tử xuất
gia, hàng vạn đệ tử tại gia khắp mọi miền đất nước có in dấu
chân giáo hoá của đức Phật, người ta sửng sốt nhìn nhau hỏi: “-
Đức Thế tôn, một bậc đạo sư gương mẫu, thương chúng đệ tử như
cha hiền thương con dại sẽ ra đi thật sao!” - Chỉ có những vị
thánh đệ tử chứng đạo hiểu rõ lý vô thường trầm tư im lặng! Gió
như ngừng thổi, cây rừng rủ lá, chim không hót!
- Đức Phật đi
đến giảng đường Kùtagàsa, tại khu đại lâm, ngài bảo tôn giả
Ànanda, triệu tập chư Tỳ Khưu đang cư trú quanh thành Tỳ Xá ly,
đến nghe ngài nói những lời vô cùng quan trọng với Chư Tăng:
- Này chư Tỳ
Khưu! Với 37 phẩm trợ đạo, nhân sanh quả giác ngộ, chính Như
Lai đã giác ngộ và thuyết giảng, hội chúng khéo học hỏi, thực
hành, trau dồi phát triển đầy đủ, truyền bá nếp sống phạm hạnh
cao quí đem lại lợi lạc cho chúng sanh cõi người và cõi trời.
Này chư Tỳ Khưu, đây là lời ta nhắn nhủ: “Các hành là vô thường,
hãy tin tấn lên để tự giải thoát.”
Đức Phật nhìn thành Tỳ Xá ly lần
cuối cùng rồi đi với đại đức Ànanda đến làng Bhandagàma. Tại nơi
đây đức Phật lại cho biết, do không thấu triệt Tứ đế, tất cả
chúng sanh phải khổ đau. Người thông hiểu và giác ngộ Tứ đế, sẽ
đoạn trừ được khổ căn sanh tử. Ngài nói kệ:
“Giới-định-tuệ là giải thoát tối thượng
Như lai đã
thành tựu những điều ấy
Đã truyền dạy
giáo lý cho chúng Tỳ Khưu
Bậc đạo sư đã
chấm dứt phiền não khát vọng!”
Đi từ Làng
này đến Làng khác; một hôm đức Phật dừng chân tại Bhoganagara,
trú vào đền Ànanda, thuyết pháp thoại Mahàpadasa, Bốn điều tham
chiếu lớn. Thật ra chỉ có một điều tham chiếu áp dụng cho 4 nơi
phát sinh những pháp ngữ của đức Phật. 1). Tỳ Khưu được nghe từ
miệng đức thế tôn nói...2). Tỳ Khưu nói tự thân được nghe và thọ
lãnh từ nơi Tăng chúng lời Phật...3). Tỳ Khưu được nghe và thọ
lãnh từ nơi nhiều vị Trưởng lão tôn túc đa văn biết giữ gìn
truyền thống và thọ trì pháp luật đã nói...4). Một vị Tỳ Khưu
nói chính tự thân được nghe và thọ lãnh từ một vị Trưởng lão đa
văn biết giữ gìn truyền thống và thọ trì pháp luật đã nói... Đây
là giáo lý, đây là giới luật, đây là giáo huấn của đức bổn sư.-
Những lời ấy, không nên chấp nhận, không nên gạt bỏ ngoài tai,
mà phải nghiên cứu tận tường từng chữ, từng tiếng rồi hãy đối
chiếu với kinh và luật. Nếu khi so sánh kỹ càng con nhận thấy nó
không phù hợp với kinh và luật, con có thể kết luận:- Chắc chắn
đây không phải Phật ngôn; Vị ấy hiểu sai con hãy loại bỏ những
lời ấy!- Nếu khi so sánh và đối chiếu, những lời ấy phù hợp nhất
trí với kinh và luật, con có thể kết luận: “Chắc chắn là Phật
ngôn, vị ấy đã hiểu đúng!”
Ngày nay đệ
tử Phật áp dụng 4 điều tham chiếu lớn này trắc lượng từ bốn
phương tám hướng, tức muôn vạn trường hợp khẳng định xuất xứ
Phật ngôn; nếu không, sẽ bị sai lầm đáng tiếc. Vàng thau lẫn
lộn, những trò ma giáo lừa bịp đã xảy ra để thủ lợi khá nhiều
rồi.
Từ
Bhoganagara, đi đến Pàvà, đức Phật trú tại vườn xoài của thợ rèn
Cunda,(Thuần Đà) Cunda đã cung thỉnh đức Phật cùng hội chúng
Tăng về nhà thọ thực. Với tâm rất trong sạch, Cunda dâng lên đức
Phật một vật thực đặc biệt gọi là Sùkaramadda. Có chỗ nói, đó là
thịt con heo rừng không già lắm cũng không non tơ, không phải
gia chủ cố ý giết nó để dâng lên đức Phật. Có chỗ nói đó là tên
của một loại nấm rất ngon. Theo lời chỉ dạy của đức Phật, gia
chủ chỉ cúng dường vật thực ấy, sau khi chế biến xong đến ngài,
phần còn lại đem chôn sâu xuống lòng đất, vì không ai có thể
tiêu hoá được vật thực này. Mọi người ngơ ngác nhìn nhau và đặt
dấu hỏi tại sao đức Thế tôn bảo thế? Tuy nhiên lời chỉ giáo của
đấng đạo sư được gia chủ nghiêm túc thực hành.
Thọ thực
xong, ngài bị ngộ độc lâm bệnh lỵ huyết rất nặng, ngài kham nhẫn
chịu đựng, dùng thiền định khắc chế cảm giác đau đớn nên thần
sắc an nhiên.
Mặc dù yếu
lắm, đức Phật nhất quyết đi bộ đến Kusinàra, nơi ngài sẽ nhập
diệt, độ đường khoảng 3 do tuần (9 Km). Chư tăng định võng ngài
đi, tác phong của Như Lai không phải thế, Ngài không đồng ý.
Đoạn đường cuối cùng có kinh sách ghi chép, ngài phải ngừng nghỉ
đến 25 lần. Có một lần ngài dừng lại dưới tàng cây cổ thụ bảo
đại đức Ànanda đi tìm nước uống đỡ khát. Đại đức Ànanda, khó
khăn lắm mới tìm được một dòng suối nhỏ, nơi ấy có 500 cỗ xe bò
vừa đi qua. Nhưng lạ thay, khi đại đức Ànanda đến, nước đục ngầu
trở thành trong trẻo.
Nghiên cứu
đến đây chúng tôi đau lòng rơi nước mắt. Đấng đạo sư vì cứu khổ
sinh tử cho chúng sinh mà khổ thế. Người đời nay nói là nối chí
ngài mà hưởng thụ vật chất phù hoa thái quá, lệch hướng không!
Lúc bấy giờ
có người tên Pukkusa, thuộc dòng họ Malla. Đệ tử của
Àlàvakàlama, đang đi trên đường thấy đức Phật hào quang toả sáng
ngưỡng mộ vội đến xin đảnh lễ, tõ ý thán phục thái độ trầm lặng
từ bi của ngài.- Sau khi nghe đức Phật thuyết về thiền định
thanh tịnh không xao động của người chánh niệm tỉnh giác,
Pukkusa tâm đắc, dâng lên ngài hai bộ y kim tuyến sắc vàng óng
ánh. Vâng lời đức Phật, Pukkusa cúng dường ngài một bộ và một bộ
trân trọng dâng đến đại đức Ànanda.
Sau khi đại
đức Ànanda, mặc y kim tuyến cho đức Thế tôn, sửng sờ thấy màu da
của ngài sáng ánh rỡ ràng. Khoa học cho biết người thanh lọc tâm
trong sạch, máu cũng trong sạch làm cho da ánh lên màu tinh
khiết. Đức Phật nói: “Có hai trường hợp màu da của ngài rực sáng
khác thường là đêm thành đạo và đêm viên tịch!”- Tôn giả Ànanda
vô cùng đau xót!”
Đức Phật cũng
cho biết rằng, đêm ấy vào lúc canh ba, ngài sẽ tịch diệt trong
khu rừng Sala (Long Thọ), thuộc tiểu Vương quốc Mallà, giữa hai
cây Sàla, gần thành Kusinàra!
Đức Phật tắm
lần cuối nơi dòng sông Kakuttha thật thoải mái. Sau đó, ngài nói
với đại đức Ànanda, trong đời ngài có hai bửa cơm vô cùng phúc
báu là vật thực cúng dường Bồ tát trước khi chứng quả chánh giác
và vật thực cúng dường lần cuối trước khi Như lai viên tịch.
Này Ànanda,
rất có thể có người làm cho Thuần Đà hối hận. Cần phải làm tiêu
tan sự hối hận ấy. Phải nói như thế nầy:-“Hiền giả, thật lợi ích
và công đức cho ông, vì được Như Lai dùng bữa ăn cuối cùng từ
ông cúng dường và nhập diệt. Chính tôi tự thân lãnh thọ lời nói
này của đức Thế tôn (...) Ông thật có nhiều phúc báo tốt đẹp
trong tương lai như tái sanh nhàn cảnh, tuổi thọ cao, gặt hái
nhiều may mắn danh vọng trong cảnh vua chúa cõi Trời, cõi
Người.”
Lần hồi đức
Phật và tôn giả Ànanda vượt qua sông Hiramàvati, đến Kusinàra,
vào giữa khu rừng Sàla, của dòng họ Mallà.- Ngài nằm nghỉ giữa
hai tàng cây Long Thọ, đầu hướng về phía bắc, với hình dáng nằm
của sư tử chúa sơn lâm và chánh niệm tỉnh giác, nhìn những hoa
Long thọ trổ sai mùa rơi rơi xuống. Từ trên cao hoa Mandàrana
(Mạn đà la, một loại sen quí của cõi trời), Chư Thiên rắc xuống
quanh ngài. Những tiếng nhạc du dương của Thiên giới trổi lên
cúng dường Phật. Ngài nói: “Như thế, chưa phải thiết thực tôn
trọng, kính cẩn, sùng bái làm vẻ vang Như Lai. Chỉ có đệ tử nào
hành trì thành tựu chánh giác vô thượng, tuỳ pháp, sống thực lợi
ích chúng sanh, người ấy biết tôn trọng, kính cẩn làm vẻ vang
Như Lai.”
Ngày nay, có
những ông cha bà mẹ sống mòn mỏi ở một xóm nghèo, suốt đời không
biết đến nhạc cổ truyền dân tộc, nói chi đến những làn điệu cách
tân. Vừa nhắm mắt lìa đời con cháu rước nhạc Tây, nhạc Tàu đến
làm rùm beng. Hoặc có những ông sư sống hẩm hiu dưa muối nơi
chùa quê, viên tịch, các đệ tử làm đám lớn, cúng dường trai
tăng, chẩn bần, hát Phật...tiền muôn bạc vạn, thật lạ lẫm với
Phật ý. Tại sao là Phật tử, người ta cứ biểu dương các pháp hữu
vi vô thường, khi vô thường đến, không hành trì thành tựu chánh
giác vô thượng dẫn dắt hương linh cha mẹ, đền ơn thầy tổ đạt đến
đỉnh cao chân thường an lạc!
Lúc bấy giờ
Đại Đức Upavàna, đến đứng trước Thế tôn tõ ý buồn. Với giọng từ
bi cố hữu, ngài bảo Đại Đức Upavàna nên đứng sang một bên, Đại
Đức Ànanda thấy vậy rất ngạc nhiên vì trước kia Đại Đức Upavàna,
từng là một thị giả cung kính phục vụ đức Phật. Ngài giải thích,
“Các con phải biết, hiện giờ có nhiều vị Trời đến tề tựu chung
quanh nơi đây và than phiền về sự che áng của Đại Đức Upavàna.”
Kế tiếp, đức Thế tôn đề cặp đến
4 thánh tích ghi dấu đậm nét đến đời sống của một đức Như Lai
như sau:
-
Nơi Bồ Tát đản sanh -Vườn Lumbini (Lâm Tỳ Ni), giáp với
Tây Tạng.
-
Nơi đức Phật Thành đạo - Buddha Gaya, cách nhà ga xe lửa
Gaya khoảng 10 Km.
-
Nơi đức Phật Chuyển pháp luân – Isipatana, nay là
Sarnath.
-
Nơi đức Phật diệt độ - Kusinàrà, nay là Kasi, cách nhà ga
Gorakhpur 40 Km.
Ngài cho
biết, những ai đang đi chiêm bái một trong những thánh tích ấy
với tâm tịnh tính, nếu từ trần sẽ tái sanh vào nhàn cảnh.
Đức Thế tôn khen ngợi 4 đức tánh
của tôn giả Ànanda, tương xứng một bực Chuyển luân thánh vương
như sau:
- Chúng Tỳ
Khưu Tăng luôn hoan hỉ khi được yết kiến Đại Đức Ànanda; sẽ hoan
hỉ khi được nghe Đại Đức Ànanda thuyết pháp và sẽ thất vọng buồn
nản khi Đại Đức im lặng.
- Chúng Tỳ
Khưu Ni và Cư sĩ tại gia luôn hoan hỉ khi được yết kiến Đại Đức
Ànanda, sẽ luôn hoan hỉ khi được nghe Đại Đức Ànanda, thuyết
pháp và sẽ thất vọng buồn rầu khi Đại Đức làm thinh.
Trong bầu
không khí khẩn trương căng thẳng, lời nói Đức Thế tôn như một
luồn gió thoảng nhẹ nhàng êm mát. Ngay khi ấy bên ngoài có tiếng
ồn náo, vì một Du sĩ tên Subhadda, ( Tu Bạt Đà La). Tuổi thọ rất
lớn nói:
- Lâu lắm mới
có một đấng Thế tôn toàn giác xuất hiện trên thế gian. Vào canh
chót đêm nay ngài sẽ nhập diệt. Tôi có đôi điều hoài nghi muốn
hỏi, ngài sẽ giảng dạy giáo pháp để đánh tan mối hoài nghi của
tôi, có thể quí thầy cho tôi vào gặp ngài trong giây lát?
Tôn giả
Ànanda nói, đạo hữu chớ nên làm rộn, Thế tôn đã mệt mỏi lắm! Tu
Bạt Đà La tiếp tục cầu xin, tôn giả Ànanda tiếp tục từ chối và
đến lần thứ ba, đức Thế tôn nghe được, bảo tôn giả Ànanda, vị
đạo sĩ ấy do vì muốn hiểu biết chớ không phải làm phiền, nên cho
ông vào hỏi ngài giải đáp ông sẽ lãnh hội mau chóng.
- Bạch đức
Thế tôn, tất cả những giáo sĩ đương thời có thông suốt chơn lý
như các ngài nói hay không, hay chỉ có vài vị thông suốt, còn
các vị khác thì không?
- Hãy để yên
đó Tu Bạt Đà La, không nên bận trí với những việc như thế! Trong
bất luận giáo đoàn nào nếu không có Bát thánh đạo thì cũng không
có bốn quả Sa môn. Nếu có người hành đúng giáo lý ấy, với đời
sống chơn chánh, thế gian sẽ không vắng bóng các bậc thánh
ALaHán
Năm hai mươi
chín tuổi, Như lai đã ra đi tìm những gì tốt đẹp nhất. 51 năm đã
trôi qua kể từ ngày đắp y mang bát, ta là một tu sĩ tịnh tâm tu
đức.
Ánh sáng trí tuệ bừng lên với
nhận thức chính xác, Tu Bạt Đà La quì xuống bái bạch:
- Lành thay,
đức thế tôn! Tựa hồ như có người sửa lại ngay ngắn một vật đã
lật đổ, hay khám phá một vật đã được dấu kín (...) giáo lý đức
thế tôn truyền dạy làm cho tâm con tỏ sáng. Xin phép ngài cho
con thọ lễ quy y Phật, Pháp, Tăng. - Đức Phật dạy:
- Này Tu Bạt
Đà la, người xuất gia làm Tỳ Khưu phải trải qua một thời gian
thử thách. Tuy nhiên, do sự hiểu biết của con hôm nay, Như lai
sẽ mở ra một biệt lệ.
Sau đó, đức
Phật bảo tôn giả Ànanda làm lễ xuất gia cho Tu Bạt Đà la, vị lão
Tỳ Kheo này đã kiên trì tinh tấn tu tập chứng ngộ chân lý trong
những ngày cuối cùng của cuộc đời sống an lạc.
Việc đức Phật
giảng giải, quyết trạch cho Du sĩ Tu Bạt Đà La có ý nghĩa trong
hay ngoài đạo Phật, nơi nào không có Bát thánh đạo thì không có
Tứ quả Sa môn, đủ thấy hiệu quả của Bát thánh đạo là như thế
nào. Bát thánh đạo là Diệu đế thứ tư trong Tứ Diệu Đế. Kể từ khi
Sơ chuyển pháp luân đến nhập diệt, giáo lý ngài tuyên thuyết rất
nhiều, nhưng không ngoài Bát thánh đạo. Bát thánh đạo có ý nghĩa
như luân lý, triết lý, đạo đức, giới định tuệ, từ đây làm cho
tâm lý hành giả phát sinh con đường Trung đạo đến Bồ Đề Niết
Bàn. Thế mà ngày nay có một số vị đàm huyền luận diệu uyên bác,
nhưng không thực hành Bát thánh đạo trong đời sống hằng ngày, đủ
biết họ đã đi sai đường Phật đã đi.
Xin đừng nhầm
Tu sĩ Bạt Đà La quy y cuối cùng này với đức Phật và một Tu sĩ
Tu Bạt Đà La đã quy y trước cũng lớn tuổi xuất gia, sau khi đức
Phật nhập diệt đã thốt: “ Đức Phật nhập diệt không có gì đáng
phiền muộn, từ đây chư Tỳ Khưu muốn làm chi thì làm, không sợ ai
khiển trách.” Câu nói ấy làm nhân duyên cho đức Kassapa (Ca
Diếp), triệu tập chư thánh tăng kết tập Tam tạng Kinh điển, ba
tháng sau khi Phật nhập diệt.
Suy cho cùng
ông Tu Bạt Đà La tu hành chơn chánh và ông Tu Bạt Đà La nói lời
quấy quá đều là ân nhân cho chúng đệ tử đời sau có gương tốt để
soi, có kinh luật luận để tu học!
Đại đức Ànanda, bạch với đức Thế
tôn:- Sau khi đức thế tôn diệt độ, nhục thể phải được tôn trọng
thế nào?- Đức Phật dạy những lời tối hậu:
Này Ànanda,
con không nên bận tâm với việc làm vẻ vang nhục thể Như Lai. Hãy
để những người chiến sĩ sáng suốt, những vị Bà la môn và những
người cư sĩ trí tuệ tin tưởng vững chắc nơi Như Lai làm việc
này.- Hãy chú tâm, tận lực, tinh tấn, cố gắng, cần mẫn trong
việc mưu tìm hạnh phúc châu toàn của chính con là quả vị
AlaHán!
Đại đức
Ànanda, nghe xong lời dạy quí báu của đức thế tôn rồi bước sang
một bên đứng khóc và than vản:-“ Than ôi! Ta chỉ là một tu sĩ có
pháp học nhưng chưa hoàn toàn giải thoát, cần phải hành nữa.
Nhưng sau cùng đức đạo sư đã sắp tịch diệt. Đức thế tôn mà ta vô
cùng quí mến!”
Đức Phật cho
gọi ngài đến dạy:- Hỡi Ànanda, chớ có phiền muộn. Chớ có khóc
than. Như Lai đã từng dạy rằng tất cả chúng ta đều phải phân
ly, cách biệt và xa lìa những gì chúng ta ưa thích và quí mến!
Nầy Ànanda, con đã tạo nhiều phước báu. Con sẽ sớm thanh lọc mọi
ô nhiễm!- Và đức Phật tán dương công đức tôn giả Ànanda, rồi bảo
tôn giả vào thành Câu Thi Na, báo tin cho hoàng tộc Malla về sự
sắp viên tịch của ngài. Tất cả những người mến mộ Phật hay tin
đều khóc than đến đãnh lễ Phật.
Quang cảnh
cuối cùng rất cảm động, những lời dạy của đức Phật ngọt ngào,
vang vọng đến hôm nay:- “Này Ànanda, sau khi Như Lai viên tịch,
nếu trong chúng đệ tử có người nghĩ rằng: Lời nói của bậc đạo sư
không còn nữa. Chúng ta không có bậc đạo sư.- Chớ có những tư
tưởng như vậy.- Pháp và luật ta đã giảng dạy, sau khi ta diệt
độ, chính pháp và luật ấy là đạo sư của các con!”
- “Này
Ànanda, chư vị Tỳ Kheo lão niên hãy gọi vị Tỳ Kheo niên thiếu
bằng tên họ, hay hiền giả. Vị Tỳ Kheo niên thiếu hãy gọi vị Tỳ
Kheo Lão niên là Thượng toạ hay Đại đức.”
- “Nếu chúng
Tăng muốn, sau khi Như Lai diệt độ, có thể huỷ bỏ những học giới
nhỏ nhặt, chi tiết.”
- “Hành tội
phạm đàn mặc tẩn đối với Tỳ Kheo Channa.- Hành tội phạm đàn mặc
tẩn là Tỳ Kheo Channa muốn nói gì thì nói, chúng Tỳ Kheo sẽ im
lặng không giáo giới”.
Vì đức Phật
không nêu rõ giới nhỏ nhặt có thể bỏ, nên đại đức Ca Diếp chủ
toạ cuộc kết tập Tam Tạng đầu tiên với sự đồng ý của chúng tăng,
không huỷ bỏ một học giới nhỏ nào. Chúng ta vẫn biết nền tảng,
căn bản giới luật không bao giờ lỗi thời trong việc rèn luyện
chúng sanh trở thành các vị thánh cao quý. Nhưng thời đại hôm
nay, có những giới nhỏ nhặt vị Tỳ kheo không giữ cũng không
phạm, tức học giới ấy không cần thiết, phải bỏ!
Đức Phật hỏi
tiếp:- Này chư Tỳ Khưu, còn điều nào nghi ngờ phân vân về Phật
bảo, pháp bảo, hay phương pháp thì nên nói ra, chớ để hối tiếc
về sau. Đức Phật hỏi đến ba lần câu hỏi trên, nhưng tất cả Tỳ
kheo hiện diện im lặng, tỏ ý không nghi ngờ điều chi, vì 500 vị
Tỳ Kheo này đều là thánh tăng từ bậc Dự lưu đến Tứ thánh quả.
Đại đức Ànanda, cung kính nói:- Bạch đức Thế tôn, thật kỳ diệu
thay (...) con tin tưởng trong chúng Tỳ Kheo này, không còn phân
vân gì nữa.- Đức Phật hài lòng nói lời tối hậu: “- Này các Tỳ
Khưu, nay Như Lai khuyên bảo các ông: Các pháp hữu vi là vô
thường, hãy tinh tấn chớ có phóng dật.” -Đó là lời nói cuối
cùng của đức Thế tôn.
Từ đó trở về
sau, ngài không còn nói câu gì nữa, lấy Niết bàn làm đề mục,
nhập định từ Sơ thiền đến Diệt thọ tưởng định. Không gian im
lắng, đại đức Ànanda, không chịu nổi hỏi đại đức Anuruddha (A
Nậu Đàla) : “Thưa tôn giả, Thế tôn đã diệt độ?- Này hiền giả Thế
tôn chưa diệt độ, ngài mới nhập Diệt thọ tưởng định!”- Từ Diệt
thọ tưởng định trở lại Sơ thiền, từ Sơ thiền trở lên Tứ thiền,
xuất khỏi Tứ thiền - Xuất khỏi Tứ thiền, tức thì ngài viên tịch.
Đại địa chấn động, người người sửng sốt, sấm trời vang động!
Toàn dân
thành câu Thi Na, long trọng thiết lễ cúng dường đức Phật suốt 6
ngày. Đến ngày thứ bảy, 8 vị tộc trưởng Malla, theo lời tôn giả
Ànanda, pháp táng kim thân đức thế tôn như pháp táng một vị
Chuyển luân Thánh Vương. Tám vị này gội đầu tắm rửa sạch sẽ, mặc
y phục mới tinh tươm, định khiên kim thân đức Thế tôn ra ngoài
thành phía nam, nhưng phải theo ý Chư Thiên là đi về phía Bắc,
đi qua trung tâm thành câu Thi Na, rồi sẽ về hướng Đông đến đền
Makutabandhana và sẽ làm lễ trà tỳ hoả táng tại đây.
Sau khi hoàn
tất nghi lễ, bốn vị tộc trưởng Mallà định châm lửa thiêu giàn
hoả, nhưng lửa không phát cháy. Vì Chư thiên muốn chờ Đại đức
Mahakassapa ( Ma Ha Ca Diếp) cùng với 500 vị Tỳ Khưu đến đảnh lễ
Thế tôn xong, lửa trà tỳ tự phát cháy, tất thảy đều cháy sạch,
chỉ còn lại duy nhất là xá lợi.
Kim thân đức
Thế tôn vừa thiêu xong, thì có một dòng nước từ trên cao chảy
xuống và một dòng nước từ dưới đất phun lên tưới tắt giàn hoả.
Người dân Mallà dùng nước hoa thơm tưới vào giàn hoả xong rồi
thu lượm xá lợi đức thế tôn đặt nơi tôn nghiêm nhất của giảng
đường. Dùng cây thương làm hàng rào, dùng cây cung làm bức
thành xung quanh, trong 7 ngày tôn trọng, cung kính đảnh lễ,
cúng dường với các điệu múa, Càpàla, nhạc, vòng hoa, hương.
Bảy vương
quốc ở các vùng lân cận, hay tin đức Phật viên tịch cử sứ giả và
quân đội đến tỏ ý mong muốn có được ngọc xá lợi của Phật để tôn
thờ. Trong đó bao gồm vương quốc hùng mạnh nhất là xứ Magdana
(Ma Kiệt Đà) của vua A Xà Thế, và Tiểu vương quốc Câu Thi Na, họ
đều nói một câu duy nhất: “Đức Thế tôn là một người Sát đế lỵ
(Dòng hiệp sĩ thống trị) chúng tôi cũng là người Sát đế lỵ xứng
đáng được một phần xá lợi của đức Thế tôn, để dựng tháp và tổ
chức nghi lễ thờ kính, chiêm ngưỡng”
Khi được nghe
nói như vậy, người Malla, ở Câu Thi Na, tuyên bố giữa đại chúng:
“ Đức Thế tôn đã diệt độ tại vườn của chúng tôi, chúng tôi sẽ
không cho ai một phần Xá lợi nào của đức Thế tôn.
Giữa lúc các
nhà quí tộc hiệp sĩ, tay nắm cán thương, tay cầm đốc kiếm tranh
đấu gay go thì Bà la môn Dona xuất hiện nói với mọi người:
“Các tôn giả,
hãy nghe lời nói của tôi,
Đức Phật
chúng ta dạy chúng ta kham nhẫn.
Thật không
tốt đẹp nếu có sự tranh giành,
Khi phân chia
xá lợi của bậc Thượng nhân.
Chúng ta hãy
cùng nhau đoàn kết nhất tâm.
Hoan hỉ chia
xá lợi làm tám phần.
Chúng ta hãy
dựng tháp khắp mọi phương,
Để đại chúng
mười phương tin tưởng đấng pháp nhãn.”
Không khí trở
nên lắng dịu, mọi người tỏ ra hiểu biết, đồng thanh nói:
- Này tôn giả
Bà la môn, ngài hãy phân chia Xá lợi làm tám phần đồng đều.- Bà
la môn Dona hoan hỉ đáp:- “Thưa vâng các tôn giả”. Sau khi Sứ
giả các nước cung kính nhận Xá lợi Phật xong. Bà la môn Dona
thưa với chúng hội:
- Các tôn
giả, hãy cho tôi cái bình (đựng xá lợi nầy). Tôi sẽ dựng tháp và
tổ chức các nghi lễ trang trí cái bình kỷ niệm.- Hội chúng hân
hoan dâng cho Bà la môn Dona cái bình từng đựng Xá lợi Phật ấy!
Người Moriyà
ở Pipphalivana, nghe tin đức thế tôn diệt độ ở Kusinàrà, liền
gởi một Sứ giả đến người Malla xin Xá lợi. Nhưng đã trễ và nghe
nói:
- Nay không
còn phần xá lợi nào của đức thế tôn, vì xá lợi của đức thế tôn
đã được phân chia, các tôn giả hãy lấy tro còn lại - Rồi các vị
này lấy than tro còn lại.
Như vậy có
mười nơi xây tháp thờ xá lợi, bình đựng tro hoả táng nhục thân
Phật như sau:
1. Vua nước
Magadha (Ma Kiệt Đà) là Ajàtasathu, con bà Videhi, xây dựng tháp
thờ xá lợi đức thế tôn tại Vương xá thành và tổ chức lễ cúng
dường.
2. Những
người Licchavi ở Vesàli, xây dựng tháp thờ xá lợi đức thế tôn
tại Vesàli, tổ chức lễ cúng dường.
3. Những
người Sakya ở Kapilavatthu, xây dựng tháp thờ xá lợi đức thế tôn
tại Kapilavatthu và tổ chức lễ cúng dường.
4. Những
người Buli ở Kallkappa, xây dựng tháp thờ xá lợi đức thế tôn tại
Kallkappa, tổ chức lễ cúng dường.
5. Những
người Koli ở Ràmagàma, cũng xây dựng tháp thờ xá lợi đức thế tôn
tại Ràmagàma, tổ chức lễ cúng dường.
6. Bà La Môn
Vethadìpaka, cũng xây dựng tháp thờ xá lợi đức thế tôn tại
Vethadìpaka, tổ chức lễ cúng dường.
7. Những
người Mallà ở Pàvà, cũng xây dựng tháp thờ xá lợi đức thế tôn
tại Pàvà, tổ chức lễ cúng dường.
8. Những
người Mallà ở Kusinàrà, cũng xây dựng tháp thờ xá lợi đức thế
tôn tại Kusinàrà, tổ chức lễ cúng dường.
9. Bà La Môn
Dona, cũng xây dựng tháp thờ bình đựng Xá lợi, tổ chức lễ cúng
dường.
10. Những
người Moriya ở Pipphalivana cũng xây dựng tháp thờ những than
tro xá lợi của Phật, tổ chức lễ cúng dường.
Như vậy có
tám tháp xá lợi, tháp thứ chín thờ bình đựng xá lợi và tháp thứ
mười thờ tro xá lợi Phật.
Hành trình
cuối cùng của đức Phật từ núi Linh Thứu, Vương xá thành đến rừng
Ta la song thọ, địa phận thành Câu Thi Na, chậm và dài với nhiều
ý nghĩa giáo hoá độ sanh đã dừng lại... Với bao thương tiếc của
đệ tử đương thời còn gây xúc động bồi hồi mãi đến hôm nay. PL
2547 năm trôi qua, mỗi năm đệ tử Phật ôn lại một lần, hành trình
cuối cùng của một đạo sư gương mẫu khả kính.
Thời gian lâu
xa như vậy, có thể nói nước chảy đá mòn, nhưng sự nghiệp độ thế
của đức thế tôn, tức tinh thần tu tập, chứng đạo, truyền bá Phật
pháp chưa phai nhạt trong tâm môn đồ pháp quyến nhiều thế hệ.
Bởi vì đạo Phật là đạo trí tuệ hoá giải khổ đau sinh tử, nơi nào
có sinh tử thì nơi đó cần có Phật giáo tiếp hiện độ sinh.
Nếu thế, tại
sao đức Phật có sinh tử?- Thân thị hiện của đức Phật là thân
người, dù quí báu mạnh khoẻ, thì thân ấy phải có sinh tử. Còn
tâm người đã tu chứng Niết bàn, dù đang ở trong sinh tử từng
phút giây đều có hoạt lực hoá giải khổ đau. Những điều ấy thể
hiện rõ nét từng chi tiết tự tại của ngài khi đại sự sinh tử
đến!
Để đạt đến
hiệu quả an ổn sáng suốt như đức Phật, chúng ta phải làm sao? -
Xin nhắc lại lời cuối cùng của đức Phật: - “ Này chư Tỳ Khưu,
nay Như Lai khuyên bảo các ông: Các pháp hữu vi là vô thường,
hãy tinh tấn chớ có phóng dật!”
- Trong
Tương ưng Bộ Kinh có nói: “Nơi mà bốn nguyên tố cấu thành vật
chất có đặc tánh dính liền, duỗi ra, đốt cháy và di động, không
còn chỗ đứng, thì ở nơi ấy có Niết bàn.”- Tức Niết bàn ở trong
tâm vị nào thường phát khởi siêu trí vô nhiễm, vô sanh, bát nhã
ba la mật! Như vậy, ngoài tâm thanh tịnh không có Niết bàn. Nếu
ngoài tâm có Niết bàn là Niết bàn của người khác, không phải của
chính ta. Theo Hoà Thượng Thích Minh Châu- Từ Điển Phật học Việt
Nam. Trang 486, có 2 loại Niết Bàn:
1. “Niết bàn
có dư y là Niết bàn trong ấy tham sân si được đoạn tận, nhưng
còn thân do quả báo đời trước, nên thân ấy còn phải già, bệnh,
chết. Như Đức Phật, khi ngài giác ngộ dưới gốc cây Bồ đề là ngài
chứng được Niết bàn có dư y.
2. Niết bàn
không dư y, là Niết bàn không còn báo thân nữa, nên thân không
bị già, bệnh, chết chi phối. Như Lai đức Phật nhập diệt ở
Kusinara, khi ấy đức Phật chứng Niết bàn không có dư y. Thường
thường danh từ này được dùng là đức Phật nhập Niết bàn hay nhập
Bát Niết bàn để chỉ đức Phật khi mệnh chung.”
Điều này sẽ
làm người sơ cơ hiểu lầm:- Niết bàn là cõi chết thê lương! Có
thể nói Niết bàn có dư y là Niết bàn còn sanh y, Niết bàn không
có dư y là Niết bàn không có sanh y thiền giả tự tại giữ thân
hay bỏ tuỳ thích. Người đắc Niết bàn (Hữu dư hay Vô dư) sinh tử
chỉ là bóng mây hiện tượng trong bầu trời tâm chân như bao la.
Để kết thúc
bài viết nầy, chúng tôi xin dẫn lời Tỳ Khưu Mang Đồng Tử hỏi
Phật, trong bộ Trung A Hàm, Kinh Tiển dụ, số 221, như sau:
- Bạch Thế
tôn! Thế giới này thường hay vô thường. Hữu biên hay vô biên. Tự
ngã với thân khác hay là một. Như Lai sau khi diệt độ còn hay
mất. Hay cũng còn cũng mất. Hoặc chẳng phải còn chẳng phải mất?
Đức Phật đáp
khẳng định quan điểm truyền giáo:
- Dù thế giới
này là thường hay vô thường. Hữu biên hay vô biên. Tự ngã với
thân khác hay là một. Như Lai còn mất sau khi nhập diệt còn hay
mất thì thực tế chúng sanh vẫn đang bị luân hồi sinh tử khổ. Và
vấn đề cấp thiết nhất hiện tại là giải quyết sự luân hồi sanh tử
khổ trước (...) Đó là tu tập Tứ Diệu đế, là căn bản phạm hạnh,
có thể đưa đến trí tuệ, giải thoát và chứng nhập Niết bàn.
Lược trích
Kinh Đại Viên Tịch Niết Bàn.
Tham khảo đối
chiếu Kinh sách:
- Cuộc đời
Ánh đạo của đức Phật. Cư sĩ Khánh Vân. -NXB.TPHCM. 1994
- Đức Phật và
Phật Pháp. Naràda Thera-NXB.TPHCM. 1998
- Đại cương
Kinh Trung A Hàm.TT.Thích Thiện Nhơn -Lưu hành nội bộ1993
- Giáo Trình
Trường Bộ Kinh.TT.Thích Thiện Tâm-Cơ bản Phật Học TPHCM 1994.
- Những Ngày
và những lời dạy cuối cùng của đức Phật HT. Thích Minh Châu
-NXB. Tôn giáo 2003
- Nghi Lễ và
Tự Viện Tỳ Khưu Thiện Minh -NXB. TPHCM 2002
- Phật và
Thánh Chúng Thích Minh Tuệ -THPG. TP HCM. PL.2538-1991
- Từ Điển
Phật Học Việt Nam Thích Minh Châu-Minh Chi -NXB.Khoa học
Xã Hội Hà Nội - 1991
Chú Thích:
* Bảy Pháp
bất thối của một quốc gia:
1.
Dân Vajjì thường tụ họp đông đảo với nhau.
2.
Dân Vajjì thường tụ họp trong niệm đoàn kết, giải tán
trong niệm đoàn kết.
3.
Dân Vajjì không dám ban hành những luật lệ chưa được ban
hành, không huỷ bỏ những luật lệ đã được ban hành, sống đúng với
truyền thống và cổ lệ đã được ban hành.
4.
Dân Vajjì biết tôn kính, đãnh lễ, cúng dường và nghe lời
dạy của các bậc trưỡng lão trong bổn quốc.
5.
Dân Vajjì không bắt bớ và cưỡng ép những người nữ phải
sống với mình.
6.
Dân Vajjì biết tôn kính, đãnh lễ, cúng dường các tự miếu
nội ngoại thành và không xao lãng những nghi lễ cổ truyền.
7.
Dân Vajjì bảo hộ, che chở và ủng hộ nhiệt thành các vị
thánh A La Hán ở tại bổn xứ, khiến cho các vị A La Hán chưa đến
sẽ đến được sống an lạc.
* Bảy Pháp
bất thối của hội Chúng tăng:
1.
Chư Tỳ Khưu thường hay tụ họp và tụ họp đông đảo với
nhau.
.
Chư Tỳ Khưu thường tụ họp trong niệm đoàn kết, giải tán
trong niệm đoàn kết và làm việc tăng sự trong niệm đoàn kết.
3.
Chư Tỳ Khưu không dám ban hành những luật lệ chưa được
ban hành, không huỷ bỏ những luật lệ đã được ban hành, sống đúng
những điều học đã được ban hành.
4.
Chư Tỳ Khưu biết tôn kính, đãnh lễ, cúng dường và nghe
theo những lời dạy của các bậc tôn túc, trưởng lão, niên cao lạp
trưởng.
5.
Chư Tỳ Khưu không bị chi phối bởi tham ái và bị tác thành
một đời sống khác ( bị lôi cuốn trong sanh tử luân hồi)
6.
Chư Tỳ Khưu ưa thích chỗ độc cư nhàn tịnh.
7.
Chư Tỳ Khưu tự thân an trụ Chánh niệm, khiến các bậc đồng
phạm hạnh chưa đến muốn đến ở và các bậc đồng phạm hạnh đã đến
được sống an lạc.
* Năm điều
nguy hại của sự phá giới:
1.
Tài sản bị tiêu hao do sống phóng dật.
2.
Tiếng dữ đồn xa.
3.
Tâm tư dao động, sợ hãi khi vào hội chúng đông người.
4.
Khi mạng chung, tâm thức bị rối loạn.
5.
Tái sanh vào khổ cảnh, ác thú, địa ngục.
* Năm điều
lợi ích của sự giữ giới:
1.
Có đủ tài sản do sống không phóng dật
2.
Tiếng lành đồn xa.
3.
Tâm tư ổn định, không bị giao động khi vào chỗ đông
người.
4.
Khi mạng chung, tâm thức không tán loạn.
5.
Tái sanh vào lạc cảnh, thiện thú, thiên giới.
* Cảm thọ của
đức Thế tôn khi kinh qua các tầng thiền định và nhập diệt. (Xem
lược giải kinh Nhiều Cảm Thọ).
--o0o--
|
|