|
VĂN HỌC NGHỆ THUẬT
AM
MÂY NGỦ
Tác giả: Nhất Hạnh
PL. 2537-1993
--o0o--
-
Đối
với một người như Phụ vương nàng, Huyền Trân không thể kể lể dài
dòng. Trúc Lâm đại sĩ đã từng thăm viếng Chiêm Thành và đã lưu
lại kinh đô Trà Bàn của nước này hơn bảy tháng trời. Trong thời
gian đó, ngài đã làm người thượng khách của vua Chàm. Ngài đã
tìm hiểu về nếp sống văn hóa và phong tục của vương quốc này và
đã đem lòng yêu mến ông vua Chàm còn trẻ tuổi và can trường ấy.
Harijit là một ông vua thông minh. Hồi phụ vương nằng gặp chàng.
Harijit mới có ba mươi bảy tuổi. Vương hiệu của chàng là Jaya
Simhavarman đệ tam muội, người Đại Việt thường gọi chàng là Chế
Mân. Chính nhờ vào đảm lược của chàng mà Chiêm Thành phá vỡ được
âm mưu xâm lăng của quân đội Hốt Tất Liệt.
-
Phụ vương nàng mở đầu chuyến du Chiêm vào tháng ba năm Tân Sửu,
tức là bảy năm về trước. Ngày từ biệt kinh đô Phật Thệ ngài đã
hứa với Harijit là sẽ gả Huyền Trân, đứa con gái yêu quý của
ngài cho chàng. Hồi đó công chúa mới mười bốn tuổi. Ngài đã nói
với Harijit rằng công chúa còn bé lắm, và chàng hãy đợi tới lúc
công chúa lên mười tám mới nên cho phái bộ về Thăng Long để làm
lễ vấn danh. Huyền Trân còn nhớ cái ngày Thượng hoàng đi Chiêm
thành về. Đó là vào tháng mười một năm Sửu, khí trời đã rét lắm.
Trước khi về núi Yên Tử, Thượng hoàng đã ghé lại kinh sư đàm đạo
thật lâu với vua Anh Tông, anh cả của nàng. Có lẽ hai người đã
nói nhiều về chính sách ngoại giao Chiêm Việt. Hôm huynh vương
mở tiệc chay cúng dường Thượng hoàng, công chúa và anh nàng là
Huệ Võ Vương Quốc Chẩn cùng được vời đến tham dự. Anh Chẩn của
nàng hồi đó đã hai mươi tuổi rồi nên đì đứng khá chững chạc. Sau
bữa cơm, Thượng hoàng gọi riêng nàng lại và cho nàng biết ngài
đã hứa gả nàng cho vương quốc họ Chế. Hồi đó tuy đã mười bốn
tuổi rồi mà công chúa vẫn còn trẻ con lắm. Nàng đã đón nhận cái
tin đó như một cái tin không có liên hệ trực tiếp tới mình. Nàng
chỉ cúi đầu vâng dạ, và cho rằng chuyện chồng con là một chuyện
xa vời, không cần nghĩ tới lúc đó. Ai ngờ thời gian đi vùn vụt
như một mũi tên, và vào lúc bất ngờ nhất, phái bộ của nước Chiêm
Thành đã đến. Phái bộ này đông hơn một trăm người, do sứ thần
Chế Bồ Đài cầm đầu, đem theo không biết bao nhiêu là bảo vật
trân quý để làm lễ cầu hôn. Đó là vào đầu tháng hai năm Ất Tỵ,
khi chiếc bánh chưng cuối cùng trong cung vừa ăn hết và nàng vừa
mới lên mười tám tuổi. Bất thần đứng trước một tình thế cấp
bách, công chúa sinh hoảng. Nàng không biết tỏ cùng ai. Mẹ nàng,
hoàng hậu Khâm Từ, đã mất năm nàng lên sáu tuổi. Bà dì của nàng
là hoàng hậu Tuyên Từ, em ruột của mẹ nàng, thì tính tình nghiêm
nghị quá, không bao giờ công chúa nghĩ là có thể bộc lộ tâm tình
với bà. Nước Chiêm Thành đối với công chúa là một cái gì hoàn
toàn xa lạ. Từ nhỏ đến giờ, ngoài chuyến đi về thăm quê nội ở
Hải Dương, nàng chưa từng được đi đâu cả. Chính nước Đại Việt là
nước của mình mà công chúa còn chưa biết rõ thì làm sao nàng
biết được thế nào là nước Chiêm Thành. Từ lúc còn bé thơ, công
chúa đã thuộc lòng câu: "Nước Đại Việt, Bắc giáp Tống, Tây giáp
Lão Qua, nam giáp Chiêm Thành, Đông giáp biển Nam Hải" do thầy
học của nàng là Văn Túc Vương Đạo Tái dạy. Vị giáo sư này cũng
đã từng dạy anh nàng là Quốc Chẩn. Ông nói là từ xưa đến nay
Chiêm Thành và Đại Việt đã từng có can qua với nhau nhiều lần
rồi, và phần đất miền Nam của Đại Việt bây giờ ngày xưa vốn
thuộc về lĩnh thổ nước Chiêm.
-
Ngay chiều hôm sứ thần Chiêm Thành cùng phái bộ dâng lễ vật cầu
hôn của Chàm, vua Anh Tông đã về cung Thánh Từ báo liền cho Thái
hậu Tuyên Từ biết.
-
Lúc đó công chúa đang đứng hầu ngay bên Thái hậu mà cũng không
được anh mình ban cho lấy một lời. Công chúa biết đây là việc
đại sự quốc gia, mình không có quyền lạm bàn, dù việc có liên
quan tới thân mạng mình đi nữa. Vua chỉ nhìn nàng hồi lâu mà
không nói gì. Một lát sau, thu hết can đảm, công chúa hỏi: "Vậy
huynh vương đã nhận lời chưa?". Hỏi xong câu hỏi, công chúa
ngước nhìn Thái hậu thì gặp hai con mắt rất đổi nghiêm nghị của
bà. Nàng sợ sệt cúi đầu, nhưng vua Anh Tông đã dịu dàng nói:
"Chưa, việc này trọng đại lắm, ta phải hỏi ý quần thần mới
được".
-
Sáng hôm sau, vua Anh Tông thiết triều để nghị luận về việc cầu
hôn của vua Chàm. Buổi trưa hôm ấy Huệ Võ Vương Quốc Chẩn về
cung và báo tin cho dì và em gái biết là triều đình đã quyết
định nhận sính lễ của vua Chàm. Anh Chẩn thuật lại những chi
tiết của buổi chầu. Ban đầu, nhiều người chống đối việc chấp
nhận sính lễ. Quan tham tri chính sự Đoàn Nhữ Hài là một trong
những người chống đối mạnh mẽ nhất. Ông này đã từng đi sứ Chiêm
Thành và cũng đã từng đề nghị việc sứ thần Việt không nên lạy
vua Chàm mỗi khi vào bệ kiến, nhưng Văn Túc Vương Đạo Tái đã
đứng dậy nói rằng ông hoàn toàn tán đồng việc gả công chúa cho
vua Chàm. Ông nói: "Thượng hoàng là người trông xa nghĩ rộng, và
một khi ngài đã có chủ định về vấn đề nào tức là ngài đã cân
nhắc và suy xét kỹ càng. Tại miền Bắc, giặc Nguyên vẫn lăm le
muốn trở lại Đại Việt; nếu ở miền Nam hai nước Chiêm và Việc
không chung sống hòa bình với nhau thì cả hai đều có thể trở
thành mồi ngon của họ. Công chúa về Chiêm là để thắt chặt tình
hữu nghị giữa hai nước và để xây dựng một nền hòa bình Chiêm
Việt lâu dài, đâu phải là một chuyện gả bán thông thường. Vả
lại, một lời hứa của Thượng hoàng, ta không thể xem như là có
thể xoá bỏ một cách dễ dàng được. Đó là danh dự của cả một nước.
Xin Hoàng thượng và triều thần suy xét". Sau khi Văn Túc Vương
nói thế, quan nhập nội hành khiển là Trần Khắc Chung cũng đứng
dậy tán thành. Trước hết quan hành khiển nhấn mạnh về sự quan
trọng của lời hứa Thượng hoàng. Sau đó ông nói đến việc vua
Chiêm đề nghị nhượng đất hai Châu Ô và Ri làm lễ dẫn cưới. Ông
nói rằng việc gả bán này rất có lợi vì nó giúp ta mở rộng bờ cõi
về phía Nam mà không tốn một giọt máu viễn chinh. Luận cứ của
ông đã thuyết phục được quan tham tri chính sự Đoàn Nhữ hài và
những người đứng về phía chống đối. Có nhiều biện tài cho nên
ông đã thuyết phục được vua và triều thần, nhất là khi Hoàng Đế
Anh Tông là một người con chí hiếu. Cuối cùng, cả triều thần đều
đồng ý việc chấp nhận sính lễ và định ngày mai sẽ báo tin cho
phái bộ Chiêm thành là lễ cưới được tổ chức vào tháng sáu sang
năm.
-
Nghe anh Quốc Chẩn thuật tới đó. Huyền Trân liền rút lui về
phòng nàng. Số phận công chúa như thế là đã định. Hết rồi những
ngày thơ ấu. Hết rồi những ngày vô tư cười đùa dưới mái cung
quen thuộc. Hết rồi những mơ ước thường tình. Một nàng công chúa
sinh ra là để đền trả công ơn đất nước. Cũng không khác gì một
vị hoàng tử phải can đảm ra gánh vác trách vụ của một ông vua.
Trước kia, khi hầu chuyện với Thượng hoàng, nàng thấy việc về
Chiêm của nàng là một cử chỉ đẹp đẽ, phù hợp với nguyện vọng của
hai dân tộc Việt Chàm. Bây giờ đây nghe thuật lại những lời của
quan hành khiển, nàng lại có cảm tưởng nàng là món hàng đem đi
đổi chác. Công chúa gục đầu trong hai tay và khóc nức nở một hồi
lâu.
-
Tối hôm đó, công chúa được vua Anh Tông gọi đến vỗ về và khích
lệ. Công chúa nghiêng đầu chăm chú nghe những lời dạy bảo của
anh. Chưa bao giờ vua Anh Tông dàng cho nàng nhiều thì giờ như
thế. Vua nói sang năm, đến ngày công chúa vu quy, vua sẽ cho
phép ngàng đem theo bất cứ người hầu cận nào mà nàng ưng ý và
vua cũng sẽ chọn nàng một thị nữ gốc Chàm để lo việc thông dịch
cho nàng trong những tháng đầu. Vua khuyên nàng từ ngày mai nên
bắt đầu học tiếng Chiêm Thành và hứa sẽ tìm cho nàng một vị giáo
thọ trong số những người học sĩ Chàm có mặt ở kinh đô. Vua lại
nói rằng thế nào những liên lạc ngoại giao Chiêm Việt cũng sẽ
trở thành khắn khít trong tương lai và có thể Thượng hoàng sẽ có
dịp đi vân du sang Chiêm trong vài năm tới. Công chúa hỏi anh và
chuyện nhượng địa. Vua nói rằng việc vua Chàm có ý định dâng hai
châu Ô và Ri là do từ ý vua ấy đề nghị để bày tỏ thiện chí muốn
xây dựng tình hữu nghị giữa hai nước chứ không phải chuyện mua
bán. Việc này không ảnh hưởng gì đến quyết định của Thượng hoàng
ngày trước, cũng không ảnh hưởng gì đến quyết định hôm nay của
vua. Trong triều có người vì tham đất nên tán thành chuyện thông
gia giữa hai nước, nhưng riêng vua, vua không nghĩ như họ. Vua
rất quan tâm đến hạnh phúc của công chúa và nghĩ rằng cuộc nhân
duyên này có thể mở ra một chân trời ngoại giao mới, có rất
nhiều hứa hẹn. Nghe vua nói thế, Huyền Trân nhìn vua với cặp mắt
biết ơn. Mấy năm gần đân, anh Thuyên của nàng thường bận rộn vì
việc nước, ít khi có dịp nói chuyện tâm tình với các em. Một
lần, cách đây hơn sáu tháng, vua có gọi Huyền Trân vào và cho
nàng xem tập Thủy Vân Tùy Bút của vua, trong đó toàn là
những bài thơ và những bức họa thủy mặc do chính vua ngự chế sau
những buổi chầu và vào những ngày tương đối nhàn nhã. Tập này
vua chưa từng cho ai xem hết, ngoài nàng, và vua dặn đừng cho ai
hay biết là vua có vẽ và có làm thơ. Anh Thuyên của nàng vừa
thông minh vừa thận trọng nên rất được Thượng hoàng tin cậy. Hồi
trẻ, anh chỉ có một cái tật là ưa rượu xương bồ, dấu Thượng
hoàng mà uống, và một lần Thượng hoàng đã bắt gặp. Việc này xảy
ra vào năm Ất Mùi, lúc Huyền Trân mới được tám tuổi. Năm đó,
Thượng hoàng đang tập sự xuất gia ở hành cung Vũ Lâm. Một hôm
bất thần ngài về kinh sư mà các quan trong triều không ai hay
biết cả. Trong lúc ấy, vua Anh Tông uống rượu xương bồ say quá.
Thượng hoàng thong thả đi quán sát trong cung điện từ giờ Thìn
đến giờ Tỵ mà cũng không thấy vua đâu. Nghe ngài hỏi, cung nhân
liền đánh thức vua, nhưng lúc ấy vua say quá dậy không nổi.
Thượng hoàng lập tức đi về cung Thiên Trường, xuống chiếu cho
các quan ngày mai về họp tại phủ Thiên Trường. Mãi đến quá trưa
vua mới tỉnh. Nghe cung nhận thuật lại cớ sự, vua sợ quá vội đi
ra thì không thấy bóng ai cả. Qua tới chùa Tư Phúc, vua gặp một
người học trò đại tập tên là Đoàn Nhữ Hài, liền nhờ anh này thảo
cho một tờ biểu tạ tội, rồi hai vua tôi lấy thuyền đi về phủ
Thiên Trường. Sáng hôm sau Đoàn Nhữ Hài thay vua đội mưa quỳ
trước sân từ sáng đến chiều để dâng biểu. Đọc biểu thấy lời lẽ
khẩn thiết, Thượng hoàng cảm động gọi vua và bảo:
-
- Ta còn sống đây mà người còn dám làm như thế, thì khi ta chết
đi cớ sự sẽ như thế nào?
-
Vua dập đầu tạ tội. Từ đó trở đi vua không động đến rượu xương
bồ.
-
Những năm mới làm vua, anh Thuyên của nàng cũng còn ham chơi
lắm. Ban ngày bận việc triều chính, cho nên anh chỉ đi chơi ban
đêm. Cũng như Quốc Chẩn và nàng, vua không ưa bị tù túng. Ban
đêm vua thường đi chơi bằng kiệu, thăm viếng hết mọi nơi trong
kinh kỳ. Thường thường vua có đem theo mấy người thị vệ. Có một
lần đi chơi đến quân phường, vua gặp một bọn vô lại đang ném đá
vào nhau. Một đứa ném đá vào đầu vua chảy máu, người hầu la lên:
-
- Đây là kiệu của vua, bọn bay đừng xâm phạm.
-
Bọn vô lại chạy tứ tán. Hôm sau Thượng hoàng thấy vết thương ở
trán, hỏi, vua cứ thực thà tâu lại cớ sự. Hôm ấy vua cũng bị
Thượng hoàng quở cho một hồi.
-
Anh Thuyên của nàng sinh vào năm Tí, làm vua từ lúc mười tám
tuổi. Lên ngôi hồi tháng ba thì tháng chín mẹ mất. Phủ phục bên
linh sàng của Hoàng thái hậu Khâm Từ, anh khóc đến đỏ cả hai
mắt. Huyền Trân lúc ấy cũng khóc, nhưng công chúa cứ tin là mẹ
mình có thể sống lại bất cứ lúc nào. Anh Quốc Chẩn khóc to lớn
hơn ai hết. Anh gào thét đến nỗi Thượng hoàng phải tới nắm vai
anh thật chặt và nhẹ nhàng bảo anh khóc nhỏ lại. Thái hậu Khâm
Từ là một bà mẹ rất ngọt ngào, thông minh và nhân từ. Đối với kẻ
dưới, bà rất rộng lượng cho nên ai cũng yêu mến bà. Bà lại nổi
tiếng là người can đảm không ai bằng. Có một hôm bà ngồi trên
vọng lâu cùng với Thượng hoàng xem võ sĩ đánh thi với cọp thì có
một con cọp nhảy được lên lầu khiến tất cả đều hoảng sợ bỏ chạy.
Lúc ấy bà thản nhiên lấy một chiếu chiếu lên che cho vua và
mình. Con cọp gầm lên nhưng không động đến hai người, và cuối
cùng nhảy xuống. Một lần khác ngự ở điện Thiên An với Thượng
hoàng để xem tập voi ở Long Trì, cũng có một con voi xông vào,
định lên trên điện. Quân hầu chạy tứ tán, chỉ có một mình bà
ngồi lại với Thượng hoàng. Con voi cuối cùng rồi không xông lên
điện. Bà thật xứng đáng là con gái của Hưng Đạo Vương Trần Quốc
Tuấn, người có công đầu trong việc đánh bại cuộc xâm lăng của
quân Nguyên.
-
Sau khi mẹ của công chúa mất thì bà dì của nàng được phong làm
Thái hậu Tuyên Từ. Liền sau đó, anh Quốc Chẩn cũng được phong
làm Huệ Võ Đại Vương. Anh mới mười ba tuổi, công chúa nhớ rất rõ
ngày lễ phong vương của anh Chẩn. Súng sính trong bộ áo mão lịch
kịch và nặng nề, anh Quốc Chẩn của nàng tập đi từng bước chậm
rãi và đường bệ, trông tức cười làm sao. Mặt anh ấy bí xị gần
như muốn khóc. Anh Chẩn chỉ ưa chạy nhảy, leo trèo và đánh nhau
với các vương tôn cùng lứa. Thái hậu Tuyên Từ rất nghiêm khắc.
Tuy bà có thương yêu ba anh em nàng thật nhưng không ai dám dễ
ngươi với bà. Anh Thuyên đã làm vua mà cũng sợ bà thin thít; bà
nói gì anh cũng vâng lời răm rắp. Có lần Thượng hoàng nói với
anh:
-
- Ngày trước quần thần thường xưng tụng ta là một ông hiếu
hoàng, thực ra quan gia mới xứng đáng danh hiệu đó.
-
Thượng hoàng gọi vua là "quan gia". Có một bữa Huyền Trân hỏi
"quan gia" là gì, ngài nói:
-
- Quan gia là người biết xem đất nước là của công chứ không phải
là của riêng mình và xem cả thiên hạ là nhà của mình.
-
Mặc dù Thái hậu Tuyên Từ dạy dỗ rất nghiêm, Huyền Trân vẫn không
bỏ được tính nết tinh nghịch của mình. Vắng mặt bà, nàng vẫn cứ
đùa giỡn thỏa thích. Tuy tinh nghịch nhưng không bao giờ nàng
rắn mắt cho nên các cung nhân thường cưng quý nàng và không bao
giờ mách lại với Thái hậu. Anh Quốc Chẩn của nàng cũng thường
hay kéo nàng tới tham dự những cuộc chơi mà anh tổ chức với các
vương tôn công tử cùng lứa tuổi. Anh thường rủ nàng sang sân
chùa Từ Phúc chơi, và ngoài thì giờ học hành hai anh em thường
tìm tới dưới bóng mát của những cây tùng, cây bách phía sau chùa
để nô đùa cùng các bạn.
-
Năm Huyền Trân được mười ba tuổi thì hoàng tử Mạnh sanh. Hoàng
tử Mạnh là con vua Anh Tông. Mẹ của hoàng tử là hoàng hậu Thuận
Thánh, con gái đầu của Hưng Nhượng Vương Quốc Tảng. Bà đã sinh
đến hai hoàng nam rồi nhưng đều không nuôi được cho nên kỳ này
bà bàn với vua giao phó hoàng tử Mạnh cho thúc phụ của Thượng
hoàng là Chiêu Văn Vương Nhật Duật nuôi. Nhờ vậy mà Huyền Trân
thường có dịp cùng anh Quốc Chẩn đến chơi nhà ông chú để thăm
cháu mình. Mỗi lần đến nhà ông chú, Huyền Trân lại được phép ẳm
hoàng tử Mạnh. Đứa cháu mà nàng ôm trong tay, nàng nghĩ, sẽ trở
thành một ông vua sau này, và nàng tinh nghịch lấy một ngón tay
đưa vào nách cháu để nhìn ông vua tí hon cười lên sằng sặc trong
tay mình.
-
Năm sau Thượng hoàng đi du hóa ở Chiêm Thành. Khi trở về ngài
cho Huyền Trân biết là ngài đã hứa gả nàng cho vua Chiêm. Ngài
nói là ba bốn năm nữa vua Chiêm mới cho người sang dâng sính lễ.
Ở xú nàng con gái lớn lên cha mẹ đặt đâu thì con ngồi đấy. Công
chúa cúi đầu vâng dạ, nhưng trong thâm tâm vẫn nghĩ rằng ba bốn
năm sau còn là chuyện xa vời.
-
Cho đến buổi trưa ngày anh Quốc Chẩn nhận sính lễ, Huyền Trân
mới thấy rõ đời mình đã thực sự chuyển sang một hướng mới. Nàng
đã khóc, nhưng chiều hôm đó, vua Anh Tông đã ôn tồn dạy bảo cho
nàng, với tất cả tình thương của một người anh cả cho đứa em út.
Đêm đó, Huyền Trân thao thức không ngủ. Nàng đợi cho đến sáng để
vào hầu Thái hậu Tuyên Từ, xin phép bà để về núi Yên Tử thỉnh
huấn Thượng hoàng hiện đang tu hành trên ấy. Thái hậu truyền lấy
kiệu cho nàng đi và cho Thị Ngọc đi theo nàng để hầu cận. Thị
Ngọc cũng suýt soát tuổi nàng và dáng người cũng dong dỏng cao
như nàng.
-
Ngồi trên kiệu, Huyền Trân nghĩ đến thầy học của nàng là Văn Túc
Vương Đạo Tái. Theo anh Quốc Chẩn thuật lại thì Văn Túc Vương là
người đầu tiên đã đứng lên tán thành chuyện hôn nhân của nàng và
vua Chiêm. Ông là người nổi tiếng bậc nhất về văn học ở kinh sư.
Ông thương yêu Huyền Trân rất mực, và thường nói với Thượng
hoàng rằng công chúa một cô gái thông minh. Văn Túc Vương không
phải như quan hành khiển Trần Khắc Chung. Nếu ông có tán đồng về
việc nhân duyên này thì không phải là vì ông đã tính tóan chuyện
được mất theo lẽ thường tình. Chắc chắn là ông đã nghĩ tới ý
nguyện của Thượng hoàng và hạnh phúc của công chúa. Huyền Trân
rất mến thương ông. Phụ vương của nàng cũng tỏ ra có biệt nhãn
đối với ông. Thượng hoàng yêu mến ông hơn hết trong số các em
chú bác khác của ngài. Văn Túc Vương là con của Thượng tướng
Trần Quang Khải, người đã sáng tác thi tập Lạc Đạo, và
cũng là người có công lớn trong cuộc kháng chiến chống giặc
Nguyên từ năm Nhâm Ngọ cho đến năm Mậu Tý. Công trạng của ông có
thể nói là ngang hàng với công trạng của Hưng Đạo Vương Quốc
Tuấn, ông ngoại của công chúa, bởi vì ông văn vũ toàn tài. Văn
Túc Vương cũng thừa hưởng khí chất văn tài đó của ông và không
biết do một nhân duyên mầu nhiệm nào đó, đã được Thượng hoàng
yêu mến đặc biệt. Có một lần công chúa thấy Thượng hoàng vời ông
vào cung, truyền sai làm những món hải vị hiếm có để thết đãi
ông, rồi ngồi nhìn ông ăn. Thượng hoàng lúc đó đang tập sự xuất
gia cho nên đã ăn chay trường rồi.
--o0o--
|
|