|
VĂN HỌC NGHỆ THUẬT
-
TÌNH YÊU ĐẤT
Võ Hồng
- --o0o--
-
-
Lão
Túc bổ liên tiếp năm sáu nhát cuốc thật mạnh. Lưỡi cuốc vạt từng
mảng đất lớn, kéo ngã sấp xuống. Vết cắt láng nhẵn như có thoa
mỡ. Mặt đất cỏ mọc dày, vết cuốc cắt đứt rễ cỏ chằng chịt nghe
"rạo" một tiếng ngọt. Chốc chốc là một cây sục sạc, một bụi mắc
cỡ, một cây găng bị ngã theo mảng đất. Ðất mới tỏa ra một hương
thơm nồng, ấm, ngai ngái. Ðó là thứ mùi quen thuộc lão vẫn
thường ngửi mùi khi vào tháng Năm, lưỡi cày của lão xốc từng
mảng đất thổ, khi vào tháng Hai lưỡi cuốc của lão bổ xuống từng
nhát mạnh để cuốc cỏ mía. Nơi vết thương của lòng đất vừa mở,
hơi nóng tỏa nhẹ lên làm lão ngây ngất và khiến lão nghĩ rằng
đất là thứ da thịt có cảm xúc.
-
Ở
quanh rìa đám đất, những gốc duối, gốc móc, ó, móc mèo nằm ngổn
ngang hoặc chồng chất lên nhau. Gốc nào cũng vặn vẹo, sù sì,
mang từng dải, từng chùm, rễ dài. Chúng đợi khô để chui vào bếp
lửa.
-
Lão
Túc chống cán cuốc đứng nghỉ. Mồ hôi điểm giọt trên khuôn mặt,
họp lại chảy thành dòng xuống má xuống râu. Da mặt đen xạm như
một gốc tre bị hun khói. Nếp nhăn chằng chịt cày sâu trên khuôn
mặt, bao quanh đôi hố mắt trũng xuống, bao quanh cái miệng móm.
Lão không mặc áo mà chỉ đánh một cái quần đen bạc màu xắn lên
đến đầu gối. Da ở ngực, ở lưng, ở đôi cánh tay ống chân cũng đều
hừng hực một màu nâu cháy, màu của những choé rượu bằng đất nung
già lửa chảy men.
-
Mặt
trời đã đứng ở đỉnh đầu. Hai con chim bạc má đuổi nhau kêu chi
chách ở bụi cò ke um tùm gần đó. Lão đi lại gần ấm nước, với tay
cầm lên tu một hơi dài. Nước chảy từng dòng xuống ngực, xuống
bụng. Lão đưa mắt nhìn một vòng khu đất vừa khai phá. Bờ ranh
sát với đường cái đi, lão để chừa một hàng gai bàn chải làm hàng
rào. Ðầu kia là cái ao nước mọc đầy rong đuôi chồn màu xanh già.
Những chòm rau chóc đứng ven bờ đơm từng chùm hoa tím nhạt.
-
Khoảng đất này nguyên là đất bỏ hoang mọc đầy gai bàn chải. Bỏ
hoang từ bao giờ; lão không hề biết vì hồi còn nhỏ lùa bò đi qua
đây lão đã hồi hộp lo sợ khi nhìn rừng bàn chải âm u, vắng lạnh.
Hồi ấy nơi đây còn có một cây đa to. Thân đa đầy hang hốc, rễ
buông sù sì và hỏa lò vỡ, bình vôi bể chất ngổn ngang ở gốc cây.
Một không khí ma quái rùng rợn phảng phất, nhất là khi nhìn lên
chân núi đứng kề đó, lão thấy ngổn ngang những nấm mộ. Người
sống đi lại, buôn bán nói chuyện, cãi vả ở đầu xóm và giữa xóm.
Người chết nằm yên lặng ở cuối xóm nơi chân núi, dưới những ngôi
mộ. Khu gò hoang này, người trong xóm gọi là Gò Ðình. Chắc hồi
xưa nơi đây có cái đình. Bây giờ thì trong óc người dân xóm, Gò
Ðình là tượng trưng cho một cõi, một miền xa xôi hoang vắng
nhiều rắn rết, nhiều ma quái. Những lời truyền trong xóm không
thiếu gì để tô điểm cho cái không khí âm u huyền bí nơi đây. Có
người nói đã gặp, chỗ này; một đôi rắn thần to bằng cột nhà, dài
bằng mười thước và trên đầu có mào đỏ. Có người nói hòa thượng
chùa Ðồng Mạ đi qua đây giữa khuya đã gặp một con quỷ màu trắng
toát cao đến đọt cây gạo. Hòa thượng bắt quyết, nạt to lên một
tiếng và con quỷ tan đi. Biết bao nhiêu câu chuyện rùng rợn nữa
làm cho lão, hồi nhỏ, ngồi chồm hổm bên bếp lửa mùa đông, mở to
mắt say mê nghe và cứ xích dần vào gần đống lửa.
-
Lớn
lên, già đi, lão không còn sợ ma, sợ quỷ nữa. Ðã từng chứng kiến
bao nhiêu cái chết, cái chết của cha mẹ, của họ hàng, của người
quen, của người lạ, của người già và người trẻ, lão thấy nếu
người chết có hóa ra ma thật thì lão sẽ không ngạc nhiên khi
gặp. Lão tưởng tượng mình có thể đứng nói chuyện với ma được. Và
nếu ma có rủ lão chết thì lão cũng sẽ chết theo, miễn chết sao
cho nhẹ nhàng êm thấm, đừng đau đớn. Ðời lão có gì sung sướng
đâu mà lão tiếc?. Lên sáu tuổi đã phải đi chăn bò cho người ta.
Lên mười lăm tuổi thì cầm liềm cầm hái đi gặt. Rồi thì cày
ruộng, tát nước, gánh mạ, cuốc cỏ... Có bao giờ lão được an nhàn
ấm thân đâu? Hết thời Tây đến thời Nhật qua thời kháng chiến,
lão mơ ước có một đám đất của mình để gieo hột giống của mình,
cắt lên bó lúa của mình, nhưng không bao giờ lão có được. Sống
gần hết đời người mà lúc nào cũng chỉ có trên tay một cái rựa,
trên vai một cái cuốc, trên đầu một cái nón lá rách tả tơi. Nhìn
người ta có đôi bò, đôi trâu, có đụn rơm đứng ngất nghểu ở góc
sân, có bồ lúa nằm oai vệ ở giữa nhà, lão thèm thuồng một cách
tuyệt vọng. Ông Xụ kêu người ta tới cân bông. Ông Lá nhắn người
ta đến hốt đường. Ông Quyền bán lúa, ông Lâm bán bắp... Mọi
người nhà nông đều có một món gì để bán ra. Ngày mùa, họ lo âu
hoặc hớn hở. Còn lão; lão luôn luôn đóng vai người ngoài cuộc,
lúc nào cũng chuẩn bị đổ mồ hôi ra dưới ánh nắng để làm lấy
công. Lão không có dịp, lão không có quyền lo lắng và hy vọng.
Bấc sớm hay nồm trễ, lúa nhe kịp trỗ hay lúa ba thóc mới đòng
đòng, đó là câu chuyện của người ta, chỉ dính dáng đến người ta.
Lão cũng muốn nói góp vào, nói cho đậm đà câu chuyện nhưng mà
tủi thân biết bao khi câu chuyện chấm dứt. Vì khi về với thực
tế, lão lại chua xót thấy mình không hề có một vạt lúa, một nắm
bắp, một nương khoai.
-
Một
hôm lão chợt nảy ra ý kiến khai phá Gò Ðình. Vợ lão e dè phản
đối:
- Chỗ mồ mả rắn rít...
-
- Gặp
mồ mả thì mình lấy cốt.
-
-
Biết vậy nhưng mà...
-
Vợ
lão không nói hơn. Ngoại trừ những chuyện cụ thể như nồi cơm
trách mắm, con chó con mèo, cây rau cây chuối... còn thì mụ
không nói lý luận được. Lão Túc cặm cụi phát một mớ bàn chải cho
ngã xuống sau mười ngày phơi nắng, lão chất đống lại đốt. Từng
nhát cuốc bổ xuống. Những đống bàn chải khác lại tiếp tục được
phát xuống, được đốt đi. Từng nhát cuốc bổ xuống. Kiến càng,
kiến lửa, kiến bù nhọt táo tác chạy loạn. Thằn lằn, rắn mối, kỳ
nhông chạy "rẹt" vào bụi rậm khi nghe bước nhân thình thịch,
nhát cuốc phầm phập. Cào cào, châu chấu, bọ ngựa, dế trũi, dế
mèn nhảy tới tấp, bay rào rào về phía trước mặt, nơi gai góc và
lá xanh chưa bị tàn phá. Tháng Bảy nền trời nặng những tảng mây
vẩn đục. Cơn mưa dông đầu mùa ào xuống. Nơi khoảnh đất vừa khai
phá, lão đánh vồng trồng khoai lang. Giữa hai vồng khoai, lão
rắc bắp. Nơi bờ ranh, lão gieo hột mướp, bí ngô. Ven bờ cái bàu
nước, lão trồng rau muống, rau húng, rau ngổ, cà dĩa, cà dái dê.
Lão cắm những hom củ mì. Lão giăm những đọt mía. Lão muốn trồng
đủ thứ, đủ thứ vào trong cái giang san bé nhỏ này của lão. Nhất
định là không có một diện tích nào bỏ trống. Lão thương yêu từng
mảng đất nhỏ. Nhổ một bụi cỏ dại nhưng trước khi vất đi vào bụi
râm, lão phải cẩn thận đập chùm để cho bao nhiêu đất bám vào đó
phải rụng xuống vào giang san của lão. Nhiều lần thuận tay chụp
một hòn đất định ném theo một con dông đang đào hang bươi những
rễ khoai, lão chợt ngừng tay lại bỏ hòn đất xuống rồi đảo mắt
tìm một mảnh sành, một viên đá. Lão sợ hòn đất lọt ra ngoài bờ
đường, làm gầy mòn đi cái giang san của lão. Lão thương đất như
thương con, như thương chính da thịt của mình. Có những buổi
chiều mùa Hạ, lão trải chiếu manh xuống đất rồi nằm ngửa mặt
nhìn trời. Da trời xanh láng nhuyễn như thịt một con mực vừa cắt
ra. Một tiếng sơn ca rung rinh trên từng cao. Lão cảm nghe ấm áp
tựa nơi lưng mình là mảnh đất thân yêu, mảnh đất của mình, mảnh
đất chắc chắn là của mình, nhẫn nại sinh ra khoai lúa là để cho
riêng mình. Còn ai thương lão hơn mảnh đất này không? Con lão
thì bỏ lão đi. Nó mê gái hơn cha. Lão nói với nó:
-
- Hết
mùa cày, thằng Lợt, mày phụ tay với tao phá rộng thêm miếng đất
Gò Ðình.
-
Thằng
Lợt im lặng, lầm lì không trả lời.
-
-
Chừng nào tao chết thì mày có miếng đất đó để trồng trọt làm ăn.
Có một miếng đất đỡ hơn là suốt đời chỉ đi làm mướn
-
-
Giàu có gì, miếng đất đầy mồ mả đó.
-
Lão
Túc quắc mắt nhìn con, chồm người tới trước trong một tư thế tự
vệ. Câu nói của thằng Lợt mổ vào tự ái của lão, bất ngờ như lão
vừa bị một con ong châm nọc. Nó xúc phạm tới mảnh đất của lão.
Lão giận dữ quát lên:
-
- Mày
nói sao? Ðất sao lại mồ mả? Ðất nào không mồ mả? Công tao khai
phá, đổ mồ hôi cục, mồ hôi hòn xuống đó. Mày...
-
Giọng
lão run lên. Thằng Lợt bỏ đi ra chuồng heo. Thực tình thì nó đâu
có ghét đất? Nó sở dĩ chán hết cả cày, cuốc, trâu, bò là vì con
Tỵ sắp đi Phan Thiết làm ăn.
-
Cô
con Tỵ bỏ xứ đi hoang mười lăm năm trời, mới về thăm quê. Mụ mặc
áo ni-lông và đeo đồng hồ tay. Mụ nói giọng Sài Gòn. Mụ bảo: "Ði
ở đày tớ cho người ta ở thành phố còn sướng hơn có ruộng ở nhà
quê. Mỗi tháng lãnh lương bốn, năm trăm đồng, để dành uốn tóc,
mua đồng hồ và may áo ny-lông". Con Tỵ nghe nói mê mẩn quyết đi
vào Phan Thiết nơi cô nó ở. Thằng Lợt nghe tin đau xót trong
lòng. Nó như người mất hồn để cái gì đâu quên cái đó. Con Tỵ rủ
nó cùng đi. Nó ngần ngại vì nhút nhát. Từ nhỏ đến giờ chỉ mới
nghe đi xe ngựa tới Phú Tân. Tuy Hòa xinh đẹp làm sao. Quy Nhơn
sang trọng như thế nào, nó chỉ mơ ước và sợ sệt mà không dám
mong đi tới. Nó khuyên con Tỵ đừng đi. Nó bày chuyện đem ra dọa
con Tỵ. Nhưng con Tỵ chỉ thò lò mắt ra nhìn, lông nheo dày đặc,
lông mày rậm ri. Ðó không phải là loại đàn bà biết sợ. Nên thằng
Lợt cuối cùng phải lén quấn mớ áo quần cũ trốn nhà đi theo nó.
-
Thằng
con bội bạc! Bây giờ nó ở đâu lão đâu có biết. Mê gái bỏ cha bỏ
mẹ, bỏ quê hương làng xóm. Ðó, nuôi con cầy cục từ nhỏ chí lớn,
thế là lớn lên có nhờ nó được gì không? Mảnh đất trung thành với
lão hơn. Và hiền lành nữa. Hơn cả vợ lão.. Vợ lão ăn hiếp lão
thường xuyên, nói một tiếng thì mụ trả lời lại mười. Mụ xô vào
giằng co với lão, đập thùm thụp vào lưng lão. Lão nhịn. Hôm nào
vô phúc lão nổi hăng lên cãi lại mụ thì chiều hôm đó lão phải
nhịn đói. Mụ nằm dài trên giường đắp chiếu rên hừ hừ, nhất định
không xuống bếp. Thằng Lợt bỏ nhà ra đi theo con Tỵ, cả xóm đều
biết nhưng mụ cũng nhất định đổ tội cho lão, bảo rằng tại lão mà
ra. Láng giềng của lão thì cũng chẳng ai hiền lành hơn. Họ nhìn
xéo và liếc trộm. Ðó là những người cũng nghèo như lão. Những
người giàu, những ông hương ông xã thì gọi lão bằng "thằng cha
Túc". Khi lão để râu dài, người ta gọi là "lão Túc". Mấy cán bộ
trẻ tuổi có người gọi lão bằng "cụ", nhưng lão phải trả lại bằng
rất nhiều tiếng "dạ", "dạ" trước câu nói và "dạ" sau câu nói.
Rốt cuộc chỉ có mảnh đất này là để cho lão an lòng, để cho lão
nương tựa. Nó không phản bội lão. Ðất không phản bội người, chỉ
có người mới phản bội đất. Người dậm chân thề nguyền rủa sả rồi
bỏ đi. Ðất vẫn ở lại nhẫn nại trung thành. Khi người về, người
cứ tưới mồ hôi xuống là đất lại nảy ra lá xanh, đơm hoa, kết
trái. Lão dang tay đặt xuống mặt đất. Lão duỗi chân cho chân kề
sát đất. Lão lăn qua nằm úp mặt xưống đất. Khối đất vững chắc
nặng trình trịch nằm câm nín như khuyến khích lão an tâm. Ðất
không vồn vập đón mừng, nên đất cũng không lạnh nhạt xua đuổi.
-
Qua
tháng Mười bí ngô bò chằng chịt lên bụi bờ gai gốc nở những nụ
hoa vàng lớn. Lá bí lá mướp xanh rờn rợn che kín những thân gai
xương xẩu, như truyền cho lão sức sống dồi dào tươi mát. Thân
bắp vươn lên căng ứ nhựa, lá óng ánh chao đi chao lại thêm gió
phe phẩy. Rồi bắp trỗ cờ, hoa vàng rung rinh thả từng trận mưa
phấn nhẹ mỏng như sương. Rồi bắp răng chàng nhu nhú trong bẹ.
Trái bắp lớn dần, no tròn thêm, căng những hột non dưới lần bao.
Những con ong vò vẽ, ong bầu, ong mật bay vù vù rộn rã suốt
ngày, chui vào hoa này, bám lên hoa kia làm nhộn nhịp cả một khu
không khí. Vành khuyên chích choè gọi nhau, trả lời nhau, đuổi
nhau từ cành này sang cành khác. Một cặp chìa vôi bay đến đậu,
nói chuyện liến thoắng. Ðúng là những đứa lắm miệng lắm mồm.
Tiếng con chim gáy đổ hồi ở nơi xa hơn, chầm chậm, buồn buồn như
tiếng đếm nhịp của một ông giáo già dạy học ở nhà thờ. Chào mào
nghe ồn àn cũng rủ nhau tìm tới, cất tiếng chuyện trò. Tiếng
chim ở trước mặt, ở sau lưng, ở bên trái, bên phải chen chúc lẫn
lộn vào nhau. Sau một hồi làm náo loạn khoảnh đất yên tĩnh này,
chúng vội bay đi mất hết để lại một mình lão với tiếng cuốc phạt
từng nhát xuống đất, chầm chậm đều đặn, tiếng một cành cây bị bẻ
gẫy, tiếng một chùm lá cọ xát vào nhau. Có khác gì cuộc đời của
lão đâu? Hội hè, đình đám, Tết nhất giỗ chạp, giọng cười bên ấm
trà, câu chuyện vui trong khói thuốc... Tất cả chỉ là những món
trang điểm nhất thời. Lầm lì, chịu đựng, cán cuốc bóng nhẵn
trong gan bàn tay, ánh nắng rung rinh đốt nóng tròng mắt, đó mới
là cuộc đời thực của lão. Những buổi chiều đi về nhà, tay cầm
trái mướp mới hái, đầu đội thúng khoai mới dỡ hay một xâu trái
bắp tròng vào cán cuốc vác lên vai, lão thấy lâng lâng vui
sướng, chân bước nhẹ nhàng. "Mảnh đất của mình! Niềm thương và
hy vọng của mình!" Từng chặp lão bắt gặp ý tưởng ấy nó cứ len
lõi, như lấp kín trong óc lão, không chịu rời.
-
Mỗi
ngày cái khoảnh đất của lão mỗi nới rộng ra. Những bụi duối to
được chặt đi và lão hì hục dùng xà beng nạy cho bật rễ, kéo đặt
nằm trên mặt đất trông như những thân người quằn quại đau đớn.
-
Một
buổi chièu trên đường về nhà, lão Túc gặp ông chủ tịch xã. Lão
đưa tay trái lên gãi đầu, miệng lí nhí một lời chào:
-
- Dạ
thưa thầy...
-
Ông
chủ tịch tươi cười:
-
-
Thầy bà cái gì. Thời đại bây giờ. Ở dưới đất về đó hả?
-
- Dạ.
-
"Ở
dưới đất về", bốn tiếng đó làm mát một nơi nào trong bụng lão,
trong tâm can của lão. "Ở dưới đất về", bốn tiếng lão thường
nghe ông Phó Hai, bà Hương Năm hay nói mỗi khi gặp ai hỏi "đi
đâu về?". Ðất đây là đất trồng mía, trồng bông, trồng mè, trồng
đậu. Họ xuống đất để trông coi công cày, công gieo mạ hoặc công
cuốc cỏ. Khi hoa vụ lên, họ xuống dưới đất để ngó chừng ăn trộm
ăn đạo. Tới ngày hái bông đạp mía, họ xuống dưới đất để thu
hoạch hoa lợi. "Ở dưới đất về" là tiếng dành riêng cho nguời có
của. Ở dưới đất về, ông Phó Hai đi chậm rãi, khua guốc lốc cốc
trên đường xóm và tay cầm cái rựa cán dài. Tha hồ chặt cây dọn
bờ với một lưỡi rựa bén ngọt như vậy. Bờ dậu bao quanh đám đất
bao giờ cũng um tùm cây cối. Chúng mọc lấn ra, vươn chồi, trỗ lá
choán cả lối mọc của mía đậu, che tàn rợp giành giật ánh sáng và
không khí của mía của đậu. Lão tưởng tượng lưỡi rựa phát xuống,
dứt lìa những cành cây ươn ngạnh và gian trá. Thật sung sướng là
tấm lòng người chủ miếng đất nâng niu bảo vệ cây trái của mình
và chinh phạt tàn nhẫn lũ cỏ cây dại. Ở dưới đất về, bà Hương
Năm quằn vai dưới sức nặng của đôi giỏ đựng đầy tai bông trắng
xóa. Ở dưới đất về! ... Ðó là điệp khúc của một bài ca làm say
sưa tâm hồn lão như mới ngày nào đây, lúc còn thanh xuân, lòng
lão rung động theo câu hò điệu hát huê tình:
-
Tình
thương quán cũng như nhà,
-
Lều
tranh có nghĩa hơn tòa lẫm cao
-
Giờ
đây lão đã có một miếng đất để mà đi về, đã có từng đám cây trái
để mà bảo vệ, có bờ bụi phản loạn để mà chinh phạt. Lão không
còn là thứ người "hai tay đấm hai cùi" thứ người chỉ có đôi dép
cao su và cái rựa, thứ người chỉ sống nhờ vào sự thuê mướn của
kẻ khác. Niềm vui đó theo chân lão mà về đến nhà.
Mụ Túc đang lục đục trong bếp. Có tiếng một cái cối tiêu bị hất
văng lông lốc trên nền đất. Có tiếng nồi cơm đặt nặng một cái
"thịch" lên trên mặt rế. Mụ làm lụng bao giờ cũng nặng tay.
Chẳng cái chén, cái dĩa nào được nguyên vẹn với mụ. Không mẻ
miệng thì cũng nứt ngang nứt dọc. Lắm hôm phải lật cái khu chén
lên để đựng nước mắm. Lão vừa đi ngang qua cửa bếp định cất cái
cuốc xuống khỏi vai thì có tiếng đũa bếp quật mạnh đánh bịch một
cái và tiếp theo, tiếng con Mực la oẳng oẳng vừa tháo chạy ra
sân. Thân mình nó oằn oại. Nó ngã lăn xuống đất, kéo lết đôi
chân sau vừa nhe trắng cả hai hàm răng. Tiếng oăng oẳng phát ra
từ cái mõm lởm chởm đó như cũng có góc nhọn. Chúng kéo dài, đuối
dần, rời rạc dần. Trong bếp, tiếng mụ lầm bầm:
-
- Ðồ
quỷ sứ, ăn hỗn hào. Ðụng chỗ nào cũng thọc mỏ...
-
Lão
bước trở vào bếp. Mụ chụp ngay:
-
- Con
mẹ Cốc đó hả? Mồ tổ cha mày, sao mày không đem cái chày lại trả
cho tao? Nói mượn một chút mà giữ chết ở đằng đó. Nhà tao có ai
đâu mà sai. Ôn hoàng dịch tể hại mày.
-
Không
nghe có tiếng trả lời, mụ ngước lên nhìn và thấy lão:
-
Thằng
già này nữa. Không phải sao không lên tiếng? Ði qua nhà mụ Cốc
đòi cái chày về.
-
- Ðòi
chày làm gì? -Lão ôn tồn hỏi.
-
- Ðòi
chày làm gì không biết hả? Ðể về tế cha tui phải không? Không
thấy cái cối ớt kia sao?
-
Lão
nhìn xuống cái cối nằm nghiêng ở gần ổ gà. Một con gà mái đen
nằm trố mắt nhìn lại lão. Hai trái ớt vàng ra xa ở dưới chân rổ
bát. Lão nói:
-
- Ðòi
hỏi cái gì. Không có chày thì lấy đũa mà giằm cũng được.
-
Lão
cười hì hì một tiếng nhẹ tiếp theo. Tức thì mụ ném vung đôi đũa
bếp:
-
- Còn
cười nữa? Tức chết người ta đi. Hết nước mắm, hết củi, cơm sống.
Nấu một nồi cơm mà thổi lửa hết hơi.
-
Lão
đi lại lượm từng chiếc đũa bếp, gõ vào nhau cho sạch đất. Lão
tiến tới gần mụ. Mụ tránh ra, thủ thế, nhưng lão chỉ đặt nhẹ một
bàn tay lên vai mụ.
-
Mụ
hất tay lão ra:
-
-
Dẹp! Dẹp!
-
Lão
cười hề hề. Niềm vui của lão khiến lão thấy thương hại cho mụ vợ
lùng khùng vùng vằng. Giá gặp một buổi nào khác thì lão đã tiếp
tay cho mụ xáng luôn cái bát xuống đất. Tiếp chân mụ đá luôn cái
cối cho lăn tuốt ra sân. Không, một người có đất, đất mịn màng
và màu mỡ như vậy, có đám lúa gục đầu ngậm sữa, có vạt bắp đang
chao những cánh lá trong gió, một người sung sướng như thế không
thể dễ dàng nóng giận. Màu xanh của lá, màu vàng của hoa, gió
mát và hương thơm đang phảng phất trong tâm hồn lão khiến lão
bình tĩnh và kiên nhẫn. Lão khom lưng ngồi xuống cầm cái ống
thổi lửa thổi phù phù vào đám củi chà. Ðốm lửa sáng lên, đỏ rực,
nới rộng ra, liếm vào cành củi, bật lên ngọn.
-
Bóng
tối xuống êm đềm ngoài sân. Mùi thơm của hoa mù u nồng nồng. Sau
bữa cơm lão bắc chõng ra nằm ở dưới hiên. Mụ ngồi se sợi đan
võng ở cây cột gần đó. Bầy muỗi đói bay va vào chân lão khiến
lão phải đập chan chát từng hồi. Nhìn vẩn vơ nền trời lấm tấm
sao, lão dịu dàng thả tâm hồn đi lảng vảng về những chặng đời
niên thiếu, trưởng thành của mình. Cũng dưới một nền trời sao nở
lấm tấm như đêm nay, hồi lên chín tuổi, lão đã phải băng đồng
một mình trong canh khuya đi lùng tìm con bê chạy lạc. Dân nhà
nông ở hai làng Bình Hòa, Phú Mỹ cứ sáng phải lùa từng bầy bò đi
hàng ba hàng bốn cây số xuống cánh đồng Hòa Mai, Hà Yến để có cỏ
thả cho bò ăn. Buổi chiều lùa về, bầy này đi lẫn lộn với bầy kia
vì con đường xóm hẹp. Ði cạnh những con bò cái hiền lành vô tư
lự là những con bê con ngây thơ.Những chàng bò đực khác bầy khi
gặp nhau thường chẳng mấy khi chịu yên. Chúng gầm đầu xuống khịt
mũi, quào hai chân trước xuống mặt đất rồi xông vào nhau mà húc.
Sừng đập chan chát. Bụi tung mịt mù. Bò cái bò con chạy tán
loạn. Người đi chợ cũng chạy tán loạn theo. Chính trong một cuộc
bò đực giao đấu đó mà con bê của lão chăn chạy lạc sang bầy bò
khác. Lùng kiếm không ra. Phải lùa bầy bò còn lại về chuồng.
Chịu năm quất roi mây có lằn ngang lưng. Chịu nhịn đói bữa tối
đó và cời quần áo lội qua sông Cây Dừa đến từng chuồng bò ở hai
làng Bình Hòa, Phú Mỹ mà kiếm. Bóng tối cũng dày đặc, êm và mềm
như đêm nay. Sao cũng nở chi chít và hớn hở như đêm nay. Mỏi
chân và đói, và lạnh, lão ngồi ở bờ sông mà bật khóc òa lên. Lão
sợ cây roi mây dài của chủ. Mỗi lần vụt tới, làn roi xé gió nghe
vút một tiếng dài và thân roi quấn tròn theo thân mình gầy nhom
của lão. Nhức nhối như có lửa trong thân roi. Ri rỉ như có máu
ứa ngay theo lằn roi.
Lão thở dài lăn mình trên chõng. Tiếng vạt tre cọt kẹt ở duới
lưng. Lão đưa một ngón tay lên chấm ở khóe mắt, ngạc nhiên thấy
đã có nước mắt đọng ở đó tự lúc nào. Lão quay sang bảo vợ:
-
- Hổm
rày bà chưa xuống dưới đất thăm. Bắp đã trổ cờ dưới đó.
-
Tiếng
ồm ồm của lão làm mụ Túc giật mình. Mụ đang xe sợi trên bắp đùi
để trần mà mắt thì lờ đờ ngủ gục, mụ hỏi lại:
-
- Cái
gì? Nói cái gì?
-
- Bắp
trổ cờ ở dưới đất mình.
-
-
Tưởng cái gi. Làm người ta giật mình.
-
- Mai
bà xuống vun gốc với tôi.
-
-
Mệt! Tưởng năm sở bảy sở gì. Có một vạt đất bằng bàn tay mà cũng
làm rộn.
-
Lão
lại cười hề hề:
-
- Một
bàn tay cũng là đất, năm sở bảy sở cũng là đất. Tao có một bàn
tay thì tao rộn theo một bàn tay.
-
Mụ
ngáp dài tỏ ý không muốn nghe nữa nên lão cũng chẳng thèm nói
thêm. Nói với đầu gối còn hơn nói với con mẹ này. Lão nằm lắng
nghe tiếng gió thổi xào xạc trong lùm cây sung, tiếng dầm chèo
gõ lộp cộp trên be thuyền đang bủa lưới ở mé sông. Bao nhiêu
tiếng đó đều quen thuộc với lão, ghé lại chặng nào trong Quá Khứ
lão cũng đều gặp nhưng mà riêng đêm nay lão đã thấy thiết tha
thân mật. Quả tình niềm vui của ban chiều đã theo lão không rời
và trong giấc ngủ chập chờn dường như lão chiêm bao thấy toàn
những giạ lúa đổ thành đống, thành đống cao, rộng mãi ra cao vút
lên, vô biên, tràn ngập khắp cả. Chỉ toàn những lúa là lúa.
Ngày thu mát lạnh tiếp theo ngày hè nóng nực. Cái ao con ở góc
mảnh đất mỗi ngày một hẹp chu vi. Ðất lấn ra ở ven bờ, đất chụm
lên rơm khô cỏ khô, đất bò đến đâu là cây cà dây muống tiếp chân
đi theo, châm rễ xuống để giữ cho đất khỏi lở. Lâu lâu giữa lúc
đang cuốc đất lão chợt nghe tiếng con cá vẫy đuôi một cái mạnh
dưới lòng ao. Lão dừng cuốc quay lại nhìn vừa mỉm cười lẩm bẩm
nói: -À! vẫy mạnh đi con. Ðợi hôm nào ông bắt về um một chảo.
-
Lời
hăm dọa có đượm vẻ thân tình. Nếu một ngày nào lão thả lờ hay úp
nơm mà bắt được cá thì chắc lão sẽ ôm cá lên tay mà nhìn như ôm
một người bạn. Và lão sẽ ăm thịt người bạn đó, ngon lành, âu
yếm. Khi mặt trời lên cao nước ao ấm áp thì rồng rồng bơi lội
từng đàn. Cá sặc, cá rô thi nhau đớp móng làm rung rinh mặt
nước. Hoa súng vươn mình lên cao xòe nở từng cánh trắng. Mặt ao
trông giống cái khăn trải bàn có thêu thùa lá hoa rậm rạp.
-
Một
ngày tháng Mười năm đó, ông thư ký địa bạ của xã đi ngang qua
đám đất, lấy chân gạt tấm cửa ngõ bện bằng chà gai tre, lững
thững bước vào. Lão đang cởi trần cuốc cỏ đám mì, vội vã quay
lại. Lão mời ông thư ký vào ngồi ở cái chòi nhỏ. Vừa đặt đít
ngồi lên vạt liếp tre, ông thư ký chép miệng:
-
-
Chà! Ở đây gió mát quá. Ngủ trưa thì sướng tuyệt.
-
Lão
"dạ" một tiếng rụt rè.
-
Chòi
này cụ làm để giữ dưa?
-
- Dạ
giữ dưa giữ bắp luôn thể.
-
Lão
móc túi đựng thuốc ra mời. Thuốc xắt mỏng như sợi râu mày xanh
úa. Lão nói:
-
- Mời
ông thư ký hút thử. Thuốc này là giống Vân Hòa tôi xin được vài
chục cây đem trồng ở góc kia.
-
Lão
đưa ngón tay chỉ về phía đám thuốc đang ra hoa. Những cành lá
dày, rộng, mọc ở dưới chân đã bị tướt hết. Khói thuốc phì phà
đầy nghẹt cái chòi nhỏ. Chợt ông thư ký đằng hắng một tiếng lớn
rồi trịnh trọng nói:
-
- Mấy
bữa nay xã phát động công tác kiến điền. Ai có ruộng đất đều
phải làm tờ khai. Cụ...
-
- Dạ,
thưa ông thư ký, đất này là đất bỏ hoang tôi mới phá vỡ.
-
- Tôi
biết... tôi biết... -ông thư ký vội ngắt lời- Cụ khai để đứng
tên làm nghiệp chủ kẻo sợ sau này có người tranh đoạt.
-
- Dạ.
-
- Ðất
khai hoang thì cụ được ăn hoa lợi năm năm khỏi phải đóng thuế.
-
- Dạ.
-
Thấy
ông thư ký ngồi im lặng không nói tiếp, lão lúng túng hỏi:
-
-
Nhưng mà cách thức khai báo...
-
- À,
cụ cứ ra trụ sở xã rồi anh em làm giùm cho. Cốt là cụ phải đo
đạc miếng đất theo chiều dài, chiều ngang rồi tính diện tích.
-
Những
tiếng "chiều dài, chiều ngang, diện tích" khó hiểu khó nhớ làm
cho mặt lão nhăn nhó lại.
-
-
Ðược rồi. Ðể tôi bày cho cụ. Biết chưa? Cụ đo một bề này, -ông
thư ký giơ ngón tay chỉ- coi nó được mấy thước. Biết chưa?
-
- Dạ.
-
- Rồi
cụ đo bề này, - ngón tay lại chỉ về một phía khác,- Biết chưa?
-
- Dạ.
-
-
Xong đâu đó, cụ ra trụ sở xã, chúng tôi tính toán giùm cho.
-
- Dạ.
-
Tiễn
chân ông thư ký xong, lão loanh quanh nghĩ đến việc đo đất. Ðo
bằng cái gì bây giờ? Thước đâu mà đo? Cả năm cả đời có bao giờ
lão mó động đến cái thước? Ðơn vị đo lường của lão là gang tay,
sải tay, đòn gánh, cây sào. Ðơn vị nhỏ thì chi li bề bộn hơn:
lóng tay, mút đũa, mút chìa vôi, hột bắp, hột gạo, hột kê, con
mọt... Cái ngạch địa này rộng năm gang... mặt trời lên hai
sào... cái mụn bọc to bằng mút chìa vôi.. đóng cái răng cối
xuống thêm nửa hột gạo... đó, những dụng ngữ thông thường mà tai
lão hằng nghe, miệng lão hằng nói. Lão đi rảo nửa xóm mới mượn
về được cái thước. Lão nối chắp hai sợi dây gàu làm một và đo đủ
năm thước. Nơi mỗi đầu dây lão cột một thanh củi vót nhọn. Lão
đợi một đêm trăng sáng và rủ vợ cùng đi để mụ giúp tay với lão,
nhưng mụ ương ngạnh cãi lại:
-
- Tui
không biết đo đạc tính toán.
-
- Thì
ai biểu mụ đo đạc? Mụ chỉ cần cầm một đầu dây rồi tôi sai gì mụ
cứ làm theo.
-
- Từ
thuở cha sinh mẹ đẻ tới giờ tui đâu có đất có ruộng mà biết làm
theo?
-
Giọng
lão nằn nì:
-
- Mụ
chịu khó một chút mà.
-
-
Không.
-
Im
lặng một phút, chợt mụ oang oang lên như để phân bua với hàng
xóm:
-
- Ðo
đo đạc đạc... đạc điền đạc thổ cái gì... Làm như giàu lắm. Ðo
cái gì lại để ban đêm mới đo? Quá là đi ăn trộm.
-
Lão
uất người, nạt một tiếng:
-
- Im
đi. Cha mày. Cái miệng như cái mõ làng.
-
Và
lão vội vã xách cuộn dây gàu đi tuốt. Cái mõ oang oang sau lưng
lão.
-
Thật
là đồ ngu. Lão đã chọn ban đêm để đừng ai xoi mói nhìn vào công
việc của lão. Lão ngượng như khi sung sướng mà bị ai bắt gặp.
Như ngày Tết mặc áo mới. Như ngày cưới vợ, lão đi đón dâu bị
hàng xóm chạy ra đường xem mắt. Lão lầm bầm trong miệng những
tiếng rời rạc, vô nghĩa.
-
Ðến
đám đất, lão cởi áo vắt trên cái chòi theo thói quen. Ðêm mát
lành lạnh. Mặt trăng sáng trắng như cái dĩa bạc chạy vun vút
trên nền trời không mây. Lão đi lại một góc rào vẹt cành cây, lá
cây để cắm sát một cây nọc xuống. Lão cầm đầu dây kia chậm rãi,
tránh những cây dưa, nhảy qua những vồng khoai... đi cho đến lúc
sợi dây căng thẳng mới dừng lại. Lão cắm cái cọc thứ hai xuống.
Miệng dõng dạc đếm: Một.Tiếp theo, lão giật mạnh sợi dây cho cây
cọc ở góc rào nhổ lên, lão thu dây vào lòng bàn tay rồi chậm rãi
bước tới cho đến khi sợi dây lại căng thẳng dưới tay lão. Cứ như
thế, chầm chậm, nghiêm trang, lão đem hết tâm hồn mình ra để cắm
ngay ngắn chiếc cọc để kéo thật thẳng sợi dây, để dõng dạc đếm:
Một... Hai... Ba... Bốn... Không được mất một thước đất. Phải đo
cho hết, phải đếm cho đủ. Lão cứ mong sao cho đất dài mãi, dài
mãi vô tận ở dưới bước chân mình. Ánh trăng chao qua chao lại,
rót chảy theo lòng lá môn lá bắp nghiêng nghiêng. Lão lắng nghe
tiếng chó tru ở các xóm rải rác xa xa, tiếng con ếch ồm ộp ở bờ
ao, tiếng dế ri rỉ như xỉa xói vào bóng tối.
-
Khi
đã đo đủ hai chiều, lão lẩm nhẩm đọc thuộc những con số, những
con số kỳ diệu đang biến lão thành chủ nhân của một sản nghiệp
do mồ hôi và bắp thịt của lão gây dựng nên: sáu dây bốn thước
chín tấc, bốn dây... Lão học thuộc dãy con số đó trên đường về.
Lão học thuộc dãy con số đó khi vục gáo vào lu múc nước rửa
chân, khi leo lên chõng nằm, khi lơ mơ đợi giấc ngủ đến.
-
Sáng
hôm sau, lão đi đến trụ sở xã. Suýt tí nữa thì quen tay cởi bật
cái áo ra để tìm chỗ vắt. Lão quen ở trần nên da chai đi, mặc áo
vào một lát thì thấy nực và ngứa ngáy. Ông thư ký địa bạ tươi
cười chào trước:
-
- A,
cụ Túc. Thuốc lá của cụ hút đậm hơn thuốc Cùng Sơn. Hôm nào hái
ủ được nhiều nhiều, cụ nhớ để giành cho tôi một ghim. Ðã đo đám
đất xong chưa?
-
Dạ,
mới đo hồi hôm.
- Ðược bao nhiêu?
- Dạ, sáu dây bốn thước chín...
- Sáu dây là cái gì? -Lông mày của ông thư ký nhíu lại.
- Dạ, thưa quên. Tôi lấy cái dây để đo. Mỗi dây năm thước.
- À, được. Mời cụ lại bàn đây.
-
Lão
tìm chỗ để đặt nón rồi tiến lại cái bàn giấy. Ông thư ký rút một
tờ trong chồng giấy có in chữ sẵn đặt ở mép bàn, vừa mở nắp bút
máy.
-
- Cụ
tên gì?
- Dạ, Nguyễn Ðương.
- Không phải tên Túc à?
- Dạ không. Nguyễn Ðương là tên trong bài chỉ thuế thân.
- Sanh quán, chánh quán? Làng Ngân Sơn phải không?
- Dạ phải.
-
Ngòi
bút chạy rèn rẹt trên giấy.
-
-
Làng Ngân Sơn... tổng An Sơn... Quận Tuy An... ông thư ký vừa
đọc to vừa viết. Y như trong một lớp học. Cái miệng đang đọc
rang rảng của ông thầy giáo. Bàn tay nhẫn nại cầm bút của học
trò. Miệng ông thư ký méo xệch, uốn éo theo đường đi của ngòi
bút.
-
- Thổ
canh nhất khoảnh. Bề dài bao nhiêu?
-
- Sáu
dây là bốn thước chín tấc...
-
- Sáu
dây vị chi đi ba mươi thước.
-
Ông
viết những con số thật to, chầm chậm, cẩn thận, tô đi tô lại
nhiều lần
-
Bề
ngang?
-
- Dạ,
bốn dây ba thước cộng với ba là hai mươi ba thước tám tấc...
-
Lão
Túc chăm chăm vào đầu ngòi bút. Nét chữ đều đặn hiện ra, nhẹ
nhàng, ngoằn ngoèo khiến lão muốn chóng mặt. Như khi ngồi xe đổ
xuống dốc xe uốn mình theo con đường lượn vòng và ở dưới mắt,
dải sông, lùm cây, xóm chợ, ruộng lúa chao qua chao lại. Ông thư
ký không hỏi lão nữa mà đang nhíu khoặm đôi lông mày xuống để
tính toán:
-
- Tám
lần chín là bảy mươi hai, viết hai nhớ bảy. Tám lần bốn là ba
mươi hai với bảy là... với bảy là ... ba mươi chín... với bảy
là...
-
Ngòi
bút gạch, xóa, bôi, sửa nhiều lần. Ông lấy thêm tờ giấy khác,
lại viết, lại tính, lại bôi. Những vết nhăn ngắn cày sâu ở
khoảng cách giữa hai chân mày. Lão Túc chắp tay đứng im lặng,
chăm chăm nhìn. Lão có cảm giác mình đang phạm tội. Quấy rầy kẻ
lớn! Lão chuyển sang sợ hãi khi chợt nghĩ đến sự lúng túng của
ông thư ký. Ông ta có thể tính sai làm mất đi vài thước đất. Bao
nhiêu là mồ hôi, là hơi thở phì phò, là gân cốt vươn lên cúi
xuống mới có được một thước đất. Ngọn bút tài ba mà cũng ác
nghiệt. Nó có thể xóa mất, một cách dễ dàng, bao nhiêu công lao
của người ta. Một vệt đờm loáng thoáng ở đâu trong cổ họng bắt
lão muốn ho nhưng lão không dám.
-
Tiếng
đằng hắng của ông thư ký làm lão giật mình. Vẻ mặt tươi tỉnh,
ông giơ ngọn bút vẽ một vòng tròn bao quanh con số thành như sợ
để không thì nó trốn mất. Ông giơ tờ giấy lên xa đôi mắt một
chút, chụm sát đôi môi lại rồi một tay xoa cằm, ông dõng dạc
tuyên bố:
-
- Tám
trăm ba mươi mét ca-rê.
-
Lão
Túc hơi cong lưng xuống và "dạ" một tiếng nhỏ. Khi nhận ân huệ,
mọi người đều cong lưng và nói khe khẽ như vậy.
-
- Cụ
ký dưới tờ khai này đi.
-
Vừa
nói, ông thư ký vừa ấn bút vào tay lão. Lão rùng mình khi tay
chạm vào cán bút. Giọng lão thiểu não:
-
- Ông
cho tôi... lăn tay.
-
-
Không được. Thời đại bây giờ mà đâu còn có chuyện lăn tay điểm
chỉ?
-
-
Thưa ông, tôi cố gắng đi học bình dân mà tối dạ u mê quá, học
đâu quên đó. Tay quen cầm cày cầm rựa nên hễ cầm bút là cứ tuột
ra. Ông thư ký cười to, nhìn xuống những ngón tay của lão sù sì
cong vẹo như rễ duối rễ bàng.
-
-
Thôi được. Ðưa tôi cầm tay cụ ký giùm cho.Ông đặt cán bút vào
giữa lòng bàn tay lão rồi nắm trọn bàn tay ấy kề gần mặt giấy
đẩy lên đẩy xuống. Ngòi bút xóc giấy liên tục, mực toé ra như
hoa cải.
-
- Cụ
đừng đè xuống... để yên tôi lái cho.
-
- Dạ.
-
- Cái
lưng cứ ngồi thẳng. Kìa! Ðừng đè chớ. Cầm lỏng lỏng cây bút một
chút.
-
Khi
ông thư ký ra lệnh "thôi" thì một chữ "Ðương" méo mó đã nằm yên
trên mặt giấy. Tim lão đập rộn ràng. "Bút sa gà chết". Chẳng
biết lão vừa ký nhận cái gì. Nếu đó là một văn tự vay nợ, một tờ
giấy bán đất thì thật là rồi đời lão. Nhưng mà không có lý. Lão
nghèo nàn thế này, ai nỡ lừa đảo lão làm chi. Cán rựa của lão
bóng loáng vì phạt bờ chặt gốc trên mảnh đất đó, lưỡi cuốc của
lão phầm phập tháng này sang tháng khác trên mảnh đất đó, nào ai
còn không biết. Lão đem lòng thành ra mà ở với thiên hạ.
-
Trên
đường về, lòng lão bâng khuâng rộn ràng. Mảnh đất của lão đã có
tên tuổi, đã được làng biết đến, và công nhận chính thức. Nó
được hiện hình bằng chữ trên một tờ giấy in, vuông vức ngay ngắn
được xếp chung với hàng trăm tờ giấy khác, hàng trăm miếng đất
miếng ruộng khác. Nó không là thứ đứa con hoang.(Ðất hoang cũng
giống như con hoang vậy). Nó đã được công nhận, được xếp vào
hàng ngũ bình thường. Tên của lão đã có trong sổ bộ bắt đầu từ
hôm nay. Người ta gọi lão là nghiệp chủ. "Nghiệp chủ Nguyễn
Ðương... thổ canh nhất khoảnh diện tích tám trăm ba mươi
ca-rê..." Chẳng biết "ca-rê" là cái thứ gì. Nhưng hễ có "ca-rê"
tức là có đất.
-
Lão
vui chân rảo bước. Chân vấp phải một hòm đá đau điếng nhưng lão
chỉ nhảy lò cò lên vài bước, xuýt xoa rồi thôi. Có chảy máu chút
chút cũng không sao. "Tám trăm ba mươi ca-rê Nguyễn Ðương thổ
canh nhất khoảnh..."
-
Ăn
được một mùa lúa sạ thì bỗng một chiều kia thằng Lợt lù lù bước
vào cửa. Chân nó đi khập khểnh. Lão hỏi, giọng bình thản như
chưa bao giờ biết cảm động:
-
- Sao
đi cái chân cà nhắc vậy?
-
Thằng
lợt nhìn lầm lì xuống đất, trả lời nhát gừng:
-
- Tại
xe nhà binh nó cán.
-
- Chớ
con mắt mày để đi đâu? Ði sao không ngó trước ngó sau?
-
Thằng
Lợt đổ quạu liền:
-
- Sao
lại không có con mắt? Ðạp xe ba gác chở củi cho người ta, xe nhà
binh chạy ẩu, qua "cua" phanh không kịp tán lăn nhào. Không chết
là may.
-
- Sao
không bắt người ta đền?
-
- Sao
ông không vô đó bắt đền giùm? Bộ dễ bắt đền lắm hay sao?
-
- Ðó
là tại mày lỗi.
-
- Lỗi
cái gì? Tôi đi đúng luật.
-
- Thế
thì mày giỏi.
-
- Chớ
sao...
-
Câu
chuyện cắt ngang ở đó, vô duyên, ngớ ngẩn. Hai cha con không lái
nổi câu chuyện khiến nó đâm vào ngõ bí. Thằng Lợt đặt cái va-li
làm bằng thiếc xuống chõng. Mụ Túc chạy lại xum xoe sờ mó. Mụ
bảo nó mở khóa và mụ lôi ra nào bít tất cũ, sơ mi cũ, bài ca
vọng cổ và lục cục nhiều món mà mụ không biết dùng để làm gì. Mụ
cầm một cái đưa lên hỏi:
-
-
Chai thuốc gì đây, mày?
-
-
Thuốc gì? -Thằng Lợt nhíu mày- Ðó là lọ bi ăng tin chải tóc.
-
- Chá
thằng này sang dữ. Còn cái áo gì mà cụt ngủn vậy? Bận làm sao?
-
- Cái
đó mà kêu là cái áo? Cái xì líp. Bận thay quần xà lỏong.
-
Lão
túc ngồi ở ngạch cửa nhìn vợ con, bực mình thấy vợ lão vồ vập
một cách thái quá. Cái chân khập khễnh của thằng Lợt mới là điều
đáng cho lão suy nghĩ, âu lo. Nó có còn đi cày được không? Nó có
còn cuốc cỏ mía được không? Nó có còn khiêng nổi cái che không?
-
Chợt
vợ lão hỏi:
-
- Mày
còn tiền dư được mấy ngàn?
-
-
Tiền ăn cướp hay sao mà dư? Nằm nhà thương thí hai tháng mới
lành cái chân. Ðạp xe ba gác không được, chủ cho thôi. Phải xin
một trăm rưỡi tiền xe về xứ.
-
Lão
hỏi:
-
- Còn
con Tỵ đâu? Sao nó không về với mày?
-
- Mắc
mớ gì mà nó về với tôi?
-
- Là
tao hỏi vậy thôi. Chớ nó không ở chung với mày sao?
-
-
Thân ai nấy lo.
-
Mụ
Túc chen vào:
-
- Thế
hai đứa bay hết thương rồi sao?
-
-
Thương cái gì nữa? Nó vô Phan Thiết theo người khác - À đàn bà
là vậy đó -lão Túc thở dài- Nó vô trong đó làm nghề gì?
-
- Ban
đầu, đi ở cho người ta. Bây giờ nó đi làm đĩ.
-
-
Trời thần ơi!
-
- Mụ
Túc kêu lên.
-
Hai
vợ chồng già nghĩ thương cho sự thất bại của thằng Lợt nên thôi
không nói đến chuyện con Tỵ nữa. Riêng lão Túc, lão cảm thấy an
lòng, mặc dù cái chân khập khễnh của thằng Lợt làm lão lo lắng
vẩn vơ. Như thế là rõ ràng thành phố phụ bạc con người như lòng
lão nghĩ. Chỉ còn đồng quê. Chỉ còn mảnh đất.
-
Hôm
sau những nhát cuốc của lão giáng xuống mạnh hơn, những phát rựa
chém xuống ngọt hơn. Lão thêm tình yêu đối với đất, đồng thời dự
tính trong óc cũng nhiều hơn.
-
Ðể
cho thằng Lợt nghỉ dăm ngày rồi lão sẽ bắt nó ra đây chặt phụ
cây, đốn phụ chà với lão. Nó sẽ luôn luôn ở cạnh lão trên mảnh
đất này. Có bị thành phố hất hủi nó mới chịu an phận trên luống
cày. Tháng Năm tháng Sáu rỗi rãi việc đồng áng lão sẽ mạnh dạn
phá thêm một khoảnh rộng nữa. Sẽ rắc một giạ giống lúa reo, sẽ
gặt về năm mươi giạ lúa mới, phơi khô giê sạch. Lúa sẽ xô đẩy
sào sào dưới chân lão khi lão đi cày lúa trên sân phơi. Lúa sẽ
rơi rào rào trên nong khi thằng Lợt nâng cao thúng cho lúa chảy
xuống từng lớp mỏng và lão cầm chắc cái quạt to đứng sau quạt
phần phật. Mụ Túc sẽ đi đi lại lại lê cái chổi quét dụm những
ngọn lúa lép. Bầy gà của lão sục sạo tha hồ trong đám rơm mới
đập thơm nhát mùi lúa giập, mùi nắng, mùi bùn. Ngoài lúa ra,
mảnh đất thân yêu còn sản xuất mỗi thứ một ít đủ cho lão dùng.
Có bắp, có khoai, có mè, có đậu, rau cà... Tháng Chạp dây bầu,
dây mướp quằn quại dưới sức nặng của những trái xanh. Tháng
Giêng, những trái bí ngô nằm lăn lóc trên mặt đất phơi màu da
vàng xanh loang lổ...
-
Lão
buông ý nghĩ, đi dần về phía bụi ngô tìm ngắt hoa bí đực. Bí bò
lan đầy mặt dất, lá xanh che kín một vùng, chỉ thỉnh thoảng nở
vàng một hoa, lão rón rén đi nhón bước giữa đám lá um tùm. Trong
cái vạt áo được cuộn lên làm bọc, hoa bí vàng chứa mỗi lúc một
thêm nhiều. Hoa bí có vị ngọt của cánh đài, cánh tràng, có mùi
thơm của phấn hoa. Mỗi buổi cơm chiều là có một rổ hoa bí luộc
chấm nước...
Thốt nhiên dưới bước chân lão, lão nghe một tiếng "bóc". Một cảm
giác tê buốt như tự đâu châm vào da thịt. Lá bí lay động rẽ ra
một con đường hẹp cho một thân rắn trườn tới, thật mạnh, vun
vút. Thân rắn màu đen sậm, óng ánh. Lão la lên:
-
-
Trời ơi! Rắn hổ mang...
-
Tay
trái buông xuống, vạt áo bị tuột ra, hoa bí rơi tung toé xuống
đất, nằm gác trên lá. Lão bước ra khỏi đám bí. Máu ri rỉ chảy từ
vết rắn cắn ở trên mắt cá chân mặt. Nhức ở nơi ấy, như có nhiều
mũi kim châm tới. Sự đau nhức tiến lên rất mau, đến bắp chân,
trên bắp chân như những lưỡi lửa liếm tới, tràn lan ra, tỏa xung
quanh, như mép những đợt sóng con dạt vào bờ, tràn rộng, tỏa ra
xa. Nhức lên đến bắp đùi. Lão hết bước được nữa. Chân trái run,
lão kéo lê chân mặt. Phải gắng về nhà, cho thật nhanh. Rắn lục
cắn dẫu độc nhưng còn dễ chữa. Nọc rắn hổ mun, hổ chuối còn có
thuốc bài trừ. Chớ rắn hổ mang... Lão giận mình sao không lưu
tâm đến cái hang rắn này hôm vỡ đất. Lão giận mình sao hôm nay
hái hoa bí chi quá sớm. Hay là lão tới số rồi. Nghĩ đến đây,
nước mắt của lão tuôn ra làm hai dòng, chảy vào miệng nghe mằn
mặn. Lão nặng nhọc cố lê từng bước. Nhưng mỗi bước mỗi chậm
hơn.Mỗi nặng hơn. Loạng choạng, mắt lão hoa lên. Từng vòng vàng,
vòng đỏ quay cuồng lộn xộn. Còn năm thước nữa mới đến đường cái.
Lão cố nhướng mắt lên, cố vận dụng sức lực chuyền đến đôi chân.
Còn bốn thước rưỡi nữa. Lão loạng choạng, nhưng gượng cho khỏi
ngã.
Tay
lão run theo chân. Vẫn còn bốn thước rưỡi nữa. Tai lão ù đi. Lão
thấy lạnh ở hai vai, cái cổ cứng lại. Chân mặt của lão nặng như
khúc gỗ. Có còn là chân của lão thật không? Lão cố nhìn xuống
xem nó có còn đấy không. Nó đã rời ra chưa. Lão lặng người đi.
Ðầu lão xoay vần. Bụi duối xanh, con đường vàng, bờ tre xa, dãy
núi, vòm trời... chao đi, đảo lộn, xoay vòng, nhanh dần, mờ mờ,
rung rinh. Lão ngã quỵ xuống đất.
-
Người
đi qua trông thấy vực lão về nhà. Xóm giềng giã gừng, pha nước
tiểu đổ cho lão. Lão tỉnh lại, đưa ngón tay chai sạn sù sì chỉ
xuống chân ú ớ nói:
-
- Rắn
hổ mang... mổ.
-
Mọi
người "ồ" lên. Tiếng nói rào rào như sóng dậy.
-
-
Chết! Chết! Trời ơi! Bị rắn cắn chỗ nào?
-
-
Kiếm đâu cho có nước lò rèn?
-
- Ðâu
phải chó dại cắn mà uống nước lò rèn? Mô Phật không biết ở gần
đây có xương chồn đèn không.
-
Lời
bàn tán kéo dài, bàn tán ở quanh giường lão, ở trước sân, ở
ngoài ngõ. Lão Túc rên hừ hừ. Mỗi lần trở mình, lão la hét lên
như có ai cứa dao vào thịt lão.
Tin lão bị rắn hổ mang cắn chuyền đi thật nhanh. Ông Câu Ðáp
chuyên môn hốt thuốc
Nam
chống gậy đến. Mặt ông đỏ gay vì rượu. Chòm râu thưa, da mặt
mỏng và bóng nhẵn. Ông lại gần, xích cái va li thiếc của thằng
Lợt còn đặt nằm trên chõng, ghé đít ngồi xuống. Ông lật miếng lá
xanh ai đã nhai đắp lên vết rắn cắn, ném "bạch" xống đất rồi
dõng dạc hỏi:
-
- Ðứa
nào đắp món gì đó?
-
Mụ
Túc lật đật cung kính đáp:
-
- Dạ
thưa ông Câu, tui nhai lá hẹ mới đắp lên.
-
- Hứ!
Lá hẹ mà ăn thua gì?
-
Ông
vén ống quần lão Túc, nắn bóp cái chân bị nạn. Nó sưng to gấp
rưỡi cái chân kia. Da căng bóng. Lão Túc la rống lên như một con
heo bi thọc huyết. Ông Câu Ðáp chậm rãi nói:
-
- Nếu
thiệt rắn hổ mang cắn thì không cứu được. Mà cái điệu sưng nhức
này thì đúng là rắn hổ mang.
-
Mụ
Túc khóc òa lên chắp hai tay vái lia lịa:
-
- Lạy
ông Câu, xin ông Câu làm phước cứu giùm.
-
Mặt
ông Câu vẫn nghiêm trang lạnh lùng:
-
- Thì
tôi cũng chữa cầu may. Không dám bảo đảm. "Gầm tại chỗ, hổ về
nhà". Có hai con rắn đó là độc hơn hết. Mái gầm cắn thì chết tại
chỗ. Rắn hổ thì về nhà mới chết.
-
Ông
dừng câu nói, lể mể tháo lưng quần lấy ra một gói bọc lá chuối
tươi:
-
- Ðem
giã nắm bắp đóng chông này cho nhỏ rồi bỏ thêm chút muối.
-
- Dạ.
-
- Lấy
xác đắp lên chỗ rắn cắn. Còn nước thì cho uống.
-
- Dạ.
-
Khi
ông Câu Ðáp ra về thì láng giềng cũng lục đục về theo. Chỉ còn
bà Gậy nhà ở liền trước lặt và ông Bộ còn nán lại. Lũ trẻ nhỏ
hiếu kỳ thì tổ chức cuộc chơi đánh đáo ở ngoài đường, ngay cửa
ngõ. Tiếng cười nói, tiếng cãi nhau ồn ào. Ở trong nhà, lão Túc
vẫn rên, tiếng rên càng lúc càng mệt nhọc. Ðến xế chiều lão thở
hổn hển. Hàng xóm đến thăm đông trở lại. Nhóm này bàn tiếp về
phép chữa rắn cắn. Nhóm kia không tin rằng ngẫu nhiên mà lão Túc
bị rắn cắn. Họ che miệng nói nhỏ vào tai nhau:
-
- Các
đẳng ở đó... linh lắm.
-
Người
nghe gật đầu khe khẽ và gật liên tiếp bốn năm cái.
-
Một
nhóm khác thảo luận về việc đồng Tấn Lương bị khô nước, chủ rẽ
kiện chức yển đập Sơn Chà. Mấy nhóm thanh niên tụ họp xa hơn, ở
gốc ổi, gốc mít, nói chuyện nhân tình nhân ngãi, gả bán cho nhau
rồi thích thú cười ngặt nghẽo.
Chợt ở trong nhà có tiếng mụ Túc khóc rống lên:
-
- Ớ
ông ơi, sao ông thế này? Ớ ông Túc ơi! Hu hu..
-
Mọi
người chạy đổ xô vào nhà. Người ta chen chúc nhau tìm một chỗ
đứng. Mụ Túc quỳ bên giường, tóc xổ tung che nửa mặt. Thằng Lợt
đứng khoanh tay gần đó, nước mắt chảy ròng ròng. Lão Túc nằm thở
thoi thóp. Ðôi mắt đã dại. Ðôi tay mân mê giường chiếu. Chợt lão
mấp máy môi. Mụ Túc kề sát tai lại gần lão. Mọi người im lặng.
Lão nuốt liên tiếp những miếng đờm khò khè chạy lên tận cổ. Rồi
lão thều thào nói đứt quãng:
-
-
Miếng đất Gò Ðình.. thằng..
-
Mắt
lão trợn ngược. Mụ Túc khóc òa lên:
-
- Ớ
ông ơi! Ông bỏ tui ông đi một mình. Ớ ông ơi!
--o0o--
|
|