VĂN HỌC NGHỆ THUẬT

CHÙA
Thi Vũ
--o0o--
 
Tuổi trẻ có hai mùa. Xuân nồng hớn hở. Và hè da diết chia ly, khi tiếng ve rền đỏ những cành phượng li ti lá.
Còn gì nơi trí nhớ về những mùa xuân chưa mất ? - Rất nhiều mùi và màu giàu ấn tượng. Mùi lá mát những chậu cúc đại đóa hay thược dược. Mùi diêm sinh của pháo. Mùi vải mới trên áo, và bánh, mứt... Mùi mưa phùn tê tệ Mùi mở rộng ra chân trời màu. Vàng như mai. Hồng như đào. Lục như yếm, áo. Mơ như má và môi còn hằn nét chẻ hạt dưa...
Nơi cơn mộng quay mòng mùi và màu trùng điệp ấy, còn thoảng chút trầm ẩn ướp mãi đời từ bé. Đó là mùi nhang, với bóng tối thật lung linh trong ngôi chùa lặng, thếp mình vào góc núi.
Bây giờ còn rất ít người sống với điều họ thuyết giảng. Họ chỉ khoe chữ và khoe tài. Chùa biến ra sắc màu lố lăng. Chùa đang là nỗi ngậm ngùi chuạ Sống gần hết đời mới thấy những kẻ rao dạy không ru dỗ được cơn khát tâm tự Và điều thực sự dạy dỗ ta đã không thốt bằng lời từ những người chẳng cố tâm dạy dỗ. Những người ấy chỉ sống. Sự sống truyền qua, như loài hoa thơm hương, lan đẫm suốt phong sương.
Hồi nhỏ, đem tôi lên chùa là những người đàn bà "thất học". Nói thất học là nói quá. Ý rằng họ không "làu thông" kinh điển, giáo luận như các vị thượng tọa, đại đức. Họ phây phây, phơi phới giữa đời, tựa cơn gió mát. Tuy thổi đến lòng ta bao lá mộng của rừng. Thương chẳng cần nói. Dạy không dùng lời. Chỉ khi nào cần ru ta ngủ, họ mới hát, và hát mấy lời núi sông tích tụ mà thôi.
Mẹ tôi và thím Bính. Phải rồi. Hai người đàn bà ấy dẫn tôi đến chùa. Đặt tôi nơi triền núi. Từ đó, tôi làm kẻ chăn mây, ngơ ngác trước bao thị phi phố chợ.
Thuở ấy tôi còn bé. Chiếc xe kéo chạy trên đường sạn đá gồ ghề, dốc ngược, sau dãy Thiên Thai, Ngự Bình. Tội nghiệp người phu xa.
Ngồi trên lòng thím, tôi nhướng người cho sức đè bớt nặng. Gió phần phật mùi nhựa thông. Lá thông hình kim, rụng lâu ngày vàng nhạt, dệt chồng trên lối đi êm ái.
Chùa khuất trong mây. Chùa là không khí. Không phải người. Mỗi kỳ Tết, mẹ và thím Bính thuê xe đi bảy, tám chùa. Từ đồi này sang núi nọ, quanh co lối rừng. Tôi bay theo chiếc nôi mây yên ả. Nơi nào cũng chứng kiến chừng ấy cử điệu. Hai bà đốt nhang, thắp đèn, lạy Phật, vái tổ, băng qua dãy Thập điện bên hiên. Rồi để lại mớ hương đèn cùng thếp tiền nhỏ cúng chùa. Thầy trụ trì lặng lẽ trầm mặc, lẳn vào màu áo nâu, chẳng thắp lên xôn xao gì giữa triền thông lục biếc.
Thanh âm trổi nhất nơi thế giới hành hương là tiếng chuông ngân khi hương khói. Bàn tay gầy guộc kẻ tu hành nắm lấy cán dùi, nhẹ nhàng như cành mai đỡ hoa, hay côn bổng trên tay võ sự Ông chạm vào thành chuông hãm âm, xin thỉnh. Sau đấy, phớt gọi thanh âm, dóng lên dư ba trong, vang, và lan nhanh vào không trung muôn trùng cánh. Khi chúng tôi rời chùa, vị sư lại khuất chìm vào cảnh vật mơ hồ lãng đãng. Nhớ chùa thuở ấy, trí tôi không mang hình bóng tượng. Chỉ phảng phất rất nhiều một khí hậu, một tâm ảnh, một bóng tối lung linh, một nhà sư không tiếng động, và hai người đàn bà chưa nói một câu kinh nào cho tôi nghe.
Mùa xuân có những bụi mưa và rất nhiều thinh lặng phiếu diễu. Chùa có mùi trầm hương và những thế giới chưa khui. Tôi bước vào chẳng ai để ý. Rồi ra đi không lời chào. Như dã tràng chẳng hề hỏi sóng vì sao không xe cát. Đời thích đặt lên nhiều câu hỏi, để phải tự giải thích lấy, rồi bất an hay hằn học. Cho nên lòng người còn đầy phố chợ. Tâm chưa trống không cho tranh tượng thoát ly.
Mẹ tôi và thím Bính đã xây cho tôi ngôi chùa nơi góc núi. Tôi bỏ lại đó tuổi thơ, và đi hoài cho tới nay, vẫn chưa qua khỏi cửa tam quan. Đàn mây tôi chăn, vài khi pha màu nắng, vài khi pha màu trăng.
Nay mẹ tôi không còn nữa. Nhưng vào cữ đông lạnh, tôi đã biết cắt một mảnh thinh lặng từ tiếng trống trầm hùng, hay ngân chuông vang vọng, may tấm áo chờ xuân.
Thi Vũ
Tết Ất Sửu, 1985
--o0o--