|
VĂN HỌC NGHỆ THUẬT
-
ẢO
Vĩnh Hảo
-
--o0o--
-
-
Hồi mới qua Mỹ, tối nào chàng cũng lấy cuốn nhật ký ra viết đôi
dòng. Có khi hứng thú viết một hơi ba bốn trang. Nhiều chuyện
lắm. Biết bao nhiêu là điều mới lạ để học hỏi, để ngạc nhiên, để
sửng sốt, để thán phục, để chiêm ngưỡng hoặc để bỗng nhiên sực
nhớ rằng mình được may mắn rơi tỏm vào một thiên đường từ lâu mơ
ước. Và mới đây thôi, đâu chừng vài tháng trước, chàng hãy còn
viết, viết rất nhiều về tình yêu. Một cuộc tình cũng sướt mướt
lãng mạn như ai vậy. Nhưng giờ thì khác rồi. Ngày nào cũng giống
y chang một khuôn, đâu có hơi đâu mà viết nhật ký. Không có gì
lạ. Và khi nhìn cuốn nhật ký, tự nhiên chàng thấy ớn ớn như nhìn
một thứ thức ăn ướp lạnh lâu ngày. Không lý mỗi tối ngồi vào bàn
cầm bút lên là viết một mạch khỏi cần suy nghĩ rằng: “Hôm nay
thức dậy, làm vệ sinh. Ăn một gói mì cho đỡ đói rồi ngủ nướng
thêm một giấc cho đến hai giờ trưa. Tắm sơ một cái rồi đi làm.
Làm mệt lắm, chán lắm. Nhưng phải ráng. Gần một giờ khuya mới về
đến nhà. Lại ăn qua loa. Vừa ăn vừa nghe nhạc. Lên giường. Bấm
ti-vi coi bậy một show nào cho đỡ buồn. Rồi ngủ.”
-
Như vậy đó. Ngày nào cũng như ngày nào. Có gì mới lạ để mà viết!
Hết rồi. Qua rồi. Những ngày thăng trầm vinh nhục có còn đâu!
Hồi đó còn ngủ ké sofa nhà thằng bạn, có khi chui vào sleeping
bag ngủ luôn ngoài xe. Bây giờ thì chăn êm nệm ấm. Cái king bed
rộng rinh xoạc cả hai cẳng ra cũng chưa đụng tới hai mép giường.
Hồi đó căn phòng lạnh tanh, không có tiếng động, phải tự mình đi
ra đi vào, mở cửa đóng cửa, huýt sáo ca hát cho nhộn nhịp lên.
Bây giờ thì vừa cassette vừa ti-vi, có cả video nữa, thứ nào
trông cũng bảnh và dư sức hoạt náo. Tắt hết để ngủ thì vẫn còn
cái tủ lạnh riêng ở góc phòng siêng năng kêu rè rè suốt ngày
đêm. Rộn lắm. Có sót cái gì đâu. Thế mà vẫn thấy như thiếu một
cái gì. Cảm giác thiếu thốn không phải chỉ mới có lúc này mà có
tự đời thuở còn trắng tay vô sự kia. Nó nổi lên, đòi hỏi. Tìm
cách đáp ứng nó rồi, nó lại đòi hỏi thứ khác. Chẳng biết chung
cục là đâu. Ban đầu chàng tưởng rằng sắm cái cassette để nghe
nhạc là êm chuyện rồi. Không ngờ nó lại đòi phải có ti-vi.Từ
ti-vi lại qua video. Rồi đến tủ lạnh, microwave (để không dùng
chung hay dùng ké anh bạn share phòng kế bên nữa), rồi tủ sách
đầy tiểu thuyết diễm tình, hộc băng đầy những băng nhạc mùi mẫn,
đàn guitar, phim con heo, báo Playboy... không dễ có một thằng
thanh niên độc thân nào bì kịp những tư hữu mà chàng sắm, chàng
tự hào như vậy. Thế mà chàng vẫn cứ phải băn khoăn tìm hiểu xem
mình còn cần cái gì, thiếu cái gì nữa mà thấy đời sống cô quạnh
buồn hiu.
-
Nhớ lại thời gian nàng đến để rồi khiến mình tương tư, chàng
không khỏi thấy trong lòng thoáng bùi ngùi. Nàng đến. Vâng, nàng
đã đến, rồi đi luôn ra khỏi đời chàng. Nàng là con ông chủ nhà,
tên là Xuân. Cái tên nghe như gợi lên một mùa lộc mới với tràn
đầy sinh lực và khát vọng tuổi trẻ. Chính nàng đã là đề tài nóng
bỏng, sôi động nhất khuấy trộn cả cuộc sống cô liêu buồn tẻ của
chàng. Nàng ngúng nguẩy chàng ràng trước mặt chàng như một con
gà mái hay một con chó cái đương thời động cỡn. Chàng biết ngay
điều đó có nghĩa là gì. ít ra chàng cũng có cái nhạy cảm để nhận
biết những dấu hiệu của yêu đương nơi Xuân. Và chính chàng,
chàng cũng cảm thấy là mình đã yêu. Và những gì chàng thiếu có
lẽ là đây. Nhưng Xuân tinh quái lắm. Nàng cứ sàng qua sàng lại,
lâu lâu bước thẳng vào phòng chàng một cách tự nhiên, cầm cuốn
sách, thử cuốn băng, giống y chang là nàng đã mết chàng rồi vậy.
Thế mà sự thực trái ngược hẳn. Cô ả đâu có chút cảm tình gì với
chàng đâu. Sách của chàng thì cô chê là tiểu thuyết rẻ tiền (hừ,
rẻ! cuốn nào cũng tám chín đô la chứ có ít ỏi gì đâu!); còn băng
nhạc của chàng thì nàng nói sao sến hoặc cải lương quá (hứ, Tuấn
Vũ, Chế Linh... toàn là thứ chiếng trong làng ca mà còn chê được
thì đúng là quê mùa!). Nhưng thôi, gái mới lớn lên ở Mỹ thì
trách sao chẳng sành nhạc Việt Nam. Chàng cứ việc mua quà, hết
món này đến món nọ, có cả thơ nữa—những bài thơ trữ tình lãng
mạn chép ra từ trong báo nhận bừa là của mình—thành tâm thành ý
dâng tặng cô ả. Cô nhận hết, không hề từ chối. Nhưng cuối cùng
mới biết cô ả chỉ đùa chơi với chàng thôi. Nhận quà là nhận quà,
có tặng thì có nhận. Còn yêu đương là chuyện khác: không phải ai
tặng cũng có thể nhận được. Xuân xanh mơn mởn, mộng ước cao vời,
cô ngước mặt nhìn lên và mới đây thôi, cặp bồ với một chàng kỹ
sư điện toán mới ra trường. Thật đơn giản như vậy mà chàng lại
hiểu theo cái cảm tính rất ư chủ quan và lạc quan của mình để
rồi trượt một cái thiệt đau. Người ta không yêu gì chàng hết. Rõ
ràng quá mà. Qua Mỹ gần bảy năm rồi mà không đi học. Chơi hết ba
năm đầu. Năm thứ tư mới quyết định kiếm việc làm vì ông bác đã
chịu hết nổi, không muốn thấy mặt thằng cháu vô tích sự, lười
biếng, lêu lỏng trong nhà ông nữa. Chàng chỉ có vỏn vẹn chút ít
vốn liếng tiếng Anh từ lúc học ở trại tị nạn cọng thêm chút ít
nhờ kinh nghiệm đi làm. Chút ít đó vừa đủ để hiểu manager nó
muốn mình làm cái gì. Và chút ít đó cũng chỉ đủ để tính tiền với
khách hàng, để thỉnh thoảng đi shopping mà thôi. Những cuộc tiếp
xúc như vậy thì đâu có đòi hỏi gì nhiều tiếng Anh đâu nào. Vậy
đó, rồi cứ đi làm. Đứng bán cho một cây xăng. Bằng cấp chẳng có,
chữ nghĩa mù tịt, còn Xuân dù gì cũng đã tốt nghiệp trung học
tại Mỹ, làm sao có thể nhìn chàng một cách đầy ngưỡng mộ như
chàng lầm tưởng. Mà xét cho cùng, cô ả đâu có đẹp gì đâu kìa!
Chỉ được cái cao ráo, trông có vẻ đẫy đà hấp dẫn mà thôi. Nếu cô
ở Việt Nam, xí, đố mà chàng để mắt nhìn tới. Ở đây thiếu con gái
Việt cô ta mới làm eo, làm trời làm đất như vậy thôi. Dù sao,
chàng cũng cám ơn cô ta. Cám ơn cô cho chàng mấy tháng mộng mơ,
mấy tháng tương tư và mấy tháng mới đây thôi: thất tình. Ồ, cái
cảm giác thất tình sao nghe thú vị mới lạ chứ! Mỗi sáng thức dậy
hát bậy một câu trên giường: “Một sớm mai thức dậy, tình yêu rời
chăn gối, bay theo những cơn mưa phùn... ”của Đức Huy, nghe thấm
thía làm sao! Thấm thía nhất cũng bởi vì bản nhạc này là bản
ruột của Xuân, cô ả thích bản này lắm mà! Còn chàng thì thích
Tuấn Vũ hơn, cho nên từ lúc thất tình, trong khi chờ cà phê
sáng, chàng bật cuốn băng của ca sĩ thần tượng này ra nghe rên:
“Đời tôi cô đơn nên yêu ai cũng... không xong... ” nghe đúng là
giọng tri âm! Chưa hết, nhờ quằn quại trong thú yêu đương mà
chàng cũng đã nắn nót ghép chữ đẻ ra được hai bài thơ thống
thiết về tình phụ và đã được đăng một cách trịnh trọng trong một
tờ báo quảng cáo địa phương với tên chàng nổi bật kèm theo. Tờ
báo này chắc chắn Xuân sẽ đọc mà, vì cuối tuần nào cô cũng ra
chợ Việt mang về một lô báo Việt ngữ thảy lên bàn ở phòng khách
để cả nhà xem. Đọc rồi, cô sẽ hối tiếc. Hối tiếc là đã sai lầm
đá đít một thi sĩ tài hoa.
-
Nhưng bây giờ, niềm đau kỳ diệu đó cũng đi qua rồi. Nó đi qua và
kéo tuốt luốt cả hứng cảm làm thơ của chàng. Và cũng nhờ vậy mà
chàng nhận ra một sự thực rất ư là nực cười, rằng xét cho cùng,
những thi sĩ, văn sĩ, nhạc sĩ của nhân loại có hơn gì chàng đâu!
Họ nổi danh là nhờ cái hứng cảm thất tình đó mà. Chỉ có những
bài thơ, những tiểu thuyết, những bản nhạc thất tình mới đủ ma
lực để cuốn người ta vào cái thế giới ê ẩm riêng tư đầy ý nghĩa.
Cho nên, mới đây đọc báo thấy đăng tin: “Nhà thơ X. kết hôn cùng
cô Y.” hoặc “Nữ văn sĩ V. sánh duyên cùng anh T.” là chàng bật
cười buông một câu ta thán rằng: “Ồ, một nhà thơ đã chết, một
nhà văn vừa bị chôn.” Phong vận tài hoa của một người coi như bỏ
đi khi hắn được thắng lợi vẻ vang trong lãnh vực tình cảm. Chàng
nghiệm ra một chân lý rất đơn giản nhưng xác thực: muốn thành
một thi sĩ hay văn sĩ lỗi lạc thì phải yêu cho hết mình và phải
thất bại trong tình yêu đó. Một đời sống tình cảm quân bình,
thành công, êm thắm thì chẳng đẻ ra được cái gì xuất sắc và sẽ
chẳng làm nên trò trống gì cả.
-
Ấy vậy mà chàng cũng đành vùi chôn thiên tài của mình dù rằng
chàng đã có, ít nhất cũng một lần, thất tình. Có lẽ nồng độ yêu
đương của chàng dành cho Xuân không đủ to lớn để kéo dài niềm
đau trong chàng. Huống chi, giữa Xuân và chàng hãy còn một
khoảng cách mênh mông cả về tâm hồn lẫn thể xác. Hai tâm hồn hầu
như chẳng ăn khớp gì với nhau—xét theo cá tính, sở thích. Còn
hai thể xác thì hãy còn thọ thọ bất thân.Chàng chưa đụng được
tới ngón tay của Xuân dù rằng đã có lúc chàng cố ý làm vậy
(nhưng cũng hụt nữa!). Niềm đau, vì thế, chỉ hành hạ chàng đâu
chừng một tháng hơn thì lịm dần rồi mất hút. Cảm hứng làm thơ
cũng chết tiệt. Và bây giờ, muốn khôi phục lại thi tài của mình
đồng thời khỏa lấp cảm giác thiếu thốn đang xuất hiện trở lại
trong tâm thức, chàng chỉ có nước đi tìm một đối tượng khác.
Chàng thấy rõ điều đó, nhưng thực hiện nó không phải là chuyện
đơn giản. Người ta đi học, ngày ngày đến trường, không lớp này
thì lớp kia, thế nào cũng làm quen được một vài cô bạn học cùng
xứ để chọn lựa, hay ít nữa cũng có thể kết bạn với vài cô gái
nước ngoài như bọn Mễ, Đại Hàn, Nhật Bản, Mỹ trắng, hay Mỹ đen
v.v... Còn chàng, có đi học đâu mà có cơ hội đó! Người ta đi làm
xưởng này, công ty nọ, mấy chục người hoặc hàng trăm người cùng
làm chung, gặp nhau mỗi ngày, thế nào cũng quen nhau, hò hẹn
nhau. Còn chàng, đứng bán cây xăng từ bốn giờ chiều đến mười hai
giờ khuya (có khi làm thêm giờ phụ trội—over-time—đến hai giờ
sáng) mà chỉ đứng bán một mình, quen biết ai đây! Khách tới đổ
xăng, trả tiền rồi phóng xe đi, có ai rỗi rảnh đứng lại mà ngó
ngàng chi đến chàng. Có đối thoại chăng nữa thì cũng chỉ how are
you một cách lấy lệ không cần nghe câu trả lời, rồi thank you
một cách không ơn nghĩa chi hết.
-
Sau khi cơn đau của mối tình đơn phương lắng dịu, chàng đi tìm
cảm giác mới, khung cảnh mới bằng cách ra ngồi la cà ở một quán
cà phê Việt Nam vào mỗi cuối tuần. Ở đây có hai ba cô chạy bàn
trẻ trung, lịch thiệp và hiếu khách. Chàng thấy cô nào cũng có
vẻ dễ mến hơn Xuân. Sự tương phản thấy rõ giữa họ và Xuân khiến
chàng đâm ra ghét Xuân hơn. Tại sao ở đời lại có một thiếu nữ
kiêu kỳ đáng ghét như Xuân vậy kìa, chàng tự hỏi. Từ đó, chàng
siêng năng đi uống cà phê hơn. Uống xong, bỏ tiền tip (buộc-boa)
rất hậu. Dần dần, chàng cảm thấy hình như mình đã trở thành một
người khách đặc biệt mà các cô hầu bàn ở đây mong đợi. Nhìn
chung quanh, bàn nào bàn nấy ba bốn cậu thanh niên choai choai
ngồi rung đùi, to tiếng cười nói. Nhiều cậu còn buông lời chọc
ghẹo các cô hầu bàn nữa. Còn chàng, lúc nào cũng vậy, ngồi một
mình lặng lẽ, đăm chiêu, phà khói thuốc, lắng nghe tiếng nhạc,
hoặc lắng lòng vào một mộng tưởng xa xôi nào đó, y như một nhà
hiền triết đang suy gẫm về một nan đề sâu xa cấp thiết cho thời
đại. Phong độ của chàng vì thế hẳn nhiên là phải nổi bật giữa
đám người lao xao chỉ biết tán gẫu và sống ồ ạt theo ba động bên
ngoài. Chàng cảm thấy rõ ràng như vậy.
-
Từ lúc bước vào quán cho đến khi bước đến quầy trả tiền rồi lững
thững bước ra ngoài, chàng có cảm tưởng là bao nhiêu cặp mắt
đang đổ dồn về mình: một con người xa lạ, thầm kín và hết sức
cao vợi. Nhất là các cô hầu bàn, hẳn là các cô phải tấm tắc khen
trong lòng với bao ngưỡng mộ cũng như ao ước được chàng đoái
hoài đến. Đó là các cô chưa biết chàng đã từng có hai bài thơ
đăng trên báo; chứ nếu biết thì các cô làm sao mà cầm lòng cho
đậu! Ngoài phong độ uống cà phê một mình trong im lặng, chàng
còn tạo thêm được ba đặc điểm xuất sắc khác khiến cho người
ta—các cô hầu bàn—không thể nào lẫn lộn chàng với một kẻ tầm
thường nào khác. Thứ nhất, bước vào quán đúng mười giờ sáng ngày
thứ bảy và chủ nhật—chàng thường lái xe đến bãi đậu sớm hơn giờ
đó một chút để bảo đảm giờ khắc xuất hiện của mình. Thứ hai, chỉ
chọn duy nhất một cái bàn trong góc tối mà từ đó chàng có thể
quan sát tất cả mọi người ra vào—nhất là các cô hầu bàn, vì khi
mang thức uống cho bất kỳ khách nào bắt buộc các cô đều phải đi
ngang chỗ chàng ngồi. Chiếc bàn trong góc này hầu như đã trở
thành chỗ ngồi ưu tiên của chàng vì sau mười giờ sáng, khách mới
vào đông và khi vào, khách thường tìm chỗ ngồi thoáng, gần cửa
ra vào nhất chứ chẳng ai nhọc công bước tới góc bàn tăm tối ở
cuối tiệm gần restroom (phòng vệ sinh) cả. Thứ ba, chỉ uống cà
phê đen thôi chứ nhất định không uống thứ gì khác. Có lần chàng
thử gọi một ly mãng cầu xay nhưng các cô hầu bàn bảo đã hết. Từ
đó, chàng nhất quyết chỉ gọi cà phê đen thôi. Quán này là quán
cà phê, thì không thể xảy ra trường hợp hết cà phê. Cà phê đen
đá cũng chưa chắc ăn, vì biết đâu lại có lúc hết đá bất tử. Còn
cà phê sữa đá thì trông có vẻ như con nít còn ham sữa quá. Huống
chi, người ta có thể tưởng ra được một thi sĩ hay một văn nhân
đang đăm chiêu bên tách cà phê đen chứ nói ông ta đang đắm mình
bên cạnh ly kem dừa, ly mít xay hay ly cà phê sữa đá thì thật là
chẳng thích hợp chút nào. Sinh tố và kem để dành cho đàn bà con
nít; cà phê sữa đá thì dành cho bọn thanh niên mới lớn còn thèm
sữa mẹ, dùng cái muỗng dài khoắn đá lên cho rộn ràng rôm rả.
Tách cà phê đen của chàng thì chỉ cần một cái muỗng nhỏ khuấy
nhẹ cho tan đường, chẳng gây tiếng động nào đáng kể và khi uống,
có thể nhấm nháp, thong thả, từ từ: cử chỉ thích hợp cho một
người có đời sống nội tâm phong phú. Các loại thức uống có đá và
ngon, ngọt, béo, đều có tính cách giải khát, hưởng thụ, đáp ứng
trực tiếp cho vị giác và có thể là cho bao tử nữa. Trong khi đó,
cà phê đen—một thức uống mang vị đắng mà nói cho cùng thì chàng
cũng chẳng mấy hứng thú gì để uống cả—thì có vẻ như một chất xúc
tác khơi động đời sống tâm linh sâu thẳm. Không khi nào chàng
uống được hơn nửa tách cà phê. Nó chẳng có gì hấp dẫn đối với
chàng cả. Nhưng ít nhất, nó là lý do chính đáng để chàng được
ngồi lâu một chỗ và đóng cho trọn vai trò của một người bí ẩn,
phi phàm. Và nó cũng là cái cớ để chàng tự do ngắm nhìn các cô
hầu bàn trẻ trung lúc nào cũng tươi cười và đon đả đón khách.
-
Sau hai tháng cần cù đến quán đúng giờ đúng khắc, đúng địa điểm,
đúng menu (thực đơn, nhưng thật ra chỉ có thức uống thôi, gọi ẩm
đơn thì đúng hơn) cố định và đúng cả những động tác trầm ngâm
phì phà khói thuốc, nhâm nhi ly cà phê đắng, chàng nghiệm ra
được những ý nghĩ cao đẹp cho phong cách đặc biệt của mình mà
trước đây chàng không hề nghĩ tới. Rằng một kẻ giữ được giờ giấc
qui định hẳn nhiên là một kẻ mô phạm, mực thước; rằng một kẻ chỉ
chọn một địa điểm cố định chứng tỏ hắn ta là kẻ chung tình trọn
nghĩa, không có mới nới cũ; rằng một kẻ chỉ chọn lấy duy nhất
một thứ thức uống có vị đắng thuần chất chứ không pha loãng bởi
sữa hay đá xác định hắn là con người có lập trường vững chắc và
có thừa khả năng chịu đựng những đắng cay ngang trái trên đời.
Ôi, bao nhiêu là phẩm cách cao quí chỉ tập trung nơi mỗi một con
người! Nhưng các cô hầu bàn xinh tươi kia, có ai là tri âm nhìn
ra được những đặc tính của chàng không nhỉ? Có. Có lẽ có, ít
nhất là một cô. Chàng tin như vậy.
-
Cô ta tên Tuyết. Phải, Tuyết. Và thật là trắng như tuyết. Nhưng
không phải cô trắng mà đồ cô mặc lúc nào cũng trắng—áo em trắng
quá nhìn không ra. Chàng đọc thầm câu thơ đó khi ngắm nhìn Tuyết
và thực không nhớ nổi là câu thơ đó do mình sáng tác hay là của
thi sĩ nào mà nghe độc đáo như vậy. Trong góc bàn tối sâm sẩm mà
chàng hay ngồi, chàng thấy hình như Tuyết có làn da xẫm bóng như
màu vẹc-ni mới phết lên gỗ, hoặc nói cho văn chương như chàng
thì cô có nước da màu bánh mật—chàng không hiểu bánh mật là gì
cả, chỉ quen dùng để chỉ nước da ngăm ngăm mà thôi. Trông nàng
khỏe và có duyên. Có duyên nhất là cái miệng méo và rộng. Méo
thì chàng không để ý gì nhiều cho lắm. Chỉ biết đại khái là khi
nói hay cười, đôi môi nàng đã tỏ ra là không được ngăn nắp,
không chịu sự kiểm soát của nàng một cách nghiêm chỉnh. Còn rộng
thì dễ thấy hơn. Khi nàng cười, hai khóe miệng nàng tưởng chừng
như muốn kéo tới mang tai, vẽ nên một vành bán nguyệt nên thơ
sầu mộng (chàng nghĩ đến bốn chữ này khi liên tưởng đến nụ cười
của nàng). Người xưa thường nói: “Đàn ông miệng rộng thì sang,
đàn bà miệng rộng tan hoang cửa nhà.” Câu ấy không ảnh hưởng gì
đến quan điểm mỹ thuật của chàng cả. Thiếu gì đàn ông miệng rộng
mà chẳng thấy sang chút nào. Ngược lại, đàn bà miệng rộng hồ dễ
có mấy người làm nhà cửa tan hoang? Phụ nữ Tây phương đó, cô nào
cô nấy miệng chạy cả gang tay, không lý họ đã góp công làm tan
nát xứ sở phồn thịnh văn minh của họ sao! Huống chi cái miệng
rộng rất ư là lợi thế. Ăn, uống, nói, cười, đánh răng, súc miệng
và... hôn nữa, thứ gì cũng được thong thả, thoải mái. Nhất là
khi cười: cái miệng rộng có vẻ như lúc nào cũng chực cười khiến
cho ta cảm thấy tươi vui cả cuộc đời.
-
Chàng quả quyết là Tuyết đã yêu mình. Tất nhiên là phải yêu rồi.
Một thanh niên trầm lặng, tác phong đứng đắn, cuộc sống ổn cố,
nổi bật giữa đám người lăng xăng, chộn rộn và kịch cỡm, dễ gì
Tuyết khỏi rung động.
-
Lần này, không giống như lần trước với Xuân, nhất định là chàng
đã không quá tưởng tượng. Có những dấu hiệu hiển nhiên cho thấy
rằng Tuyết đã yêu chàng. Gần nửa tháng nay, khi chàng đến, Tuyết
tự động pha một tách cà phê đen mang ra cho chàng mà không cần
phải khách sáo hỏi: “Anh uống chi?” như bổn phận của các cô hầu
bàn phải làm thế. Cử chỉ tế nhị đó của Tuyết là gì nếu không
phải là muốn nói với chàng rằng nàng đã quan tâm đến chàng?
Thường thì chỉ có vợ chồng chung sống với nhau mới biết rõ sở
thích cũng như những nhu cầu từ cao đến thấp của người phối
ngẫu. Thái độ của Tuyết khiến chàng có cảm giác như mình là một
người chồng đi làm mới về, được vợ săn sóc mang ra thức uống
phục vụ. Chàng coi đó như là cách biểu lộ tình cảm tối thiểu
nhất mà Tuyết đã dành cho chàng. Chưa hết, thứ bảy tuần trước,
khi chàng vừa bước vào tiệm là Tuyết đã đon đả trờ tới hỏi ngay:
-
“Sao hôm nay anh đến trễ vậy?”
-
“à, tại kẹt xe.”
-
Nhìn lại đồng hồ, chàng thấy mới mười giờ năm phút. Trễ mới năm
phút. Chàng thầm nghĩ: “Mới trễ có năm phút mà nàng đã tỏ vẻ lo
lắng, sốt ruột như vậy huống gì trễ một, hai tiếng đồng hồ hay
cả tuần lễ! ôi, thực là tội nghiệp cho nàng. Tại sao ta bắt nàng
chờ đợi mong mỏi ta suốt một tuần lễ để chỉ gặp ta có mỗi sáng
thứ bảy và sáng chủ nhật! Ta đâu có thể hà tiện thì giờ với nàng
như vậy!" Từ đó, chàng bắt đầu sắp xếp lại thời khóa biểu của
mình. Thay vì chỉ đi uống cà phê vào mỗi cuối tuần, chàng quyết
định ngày nào cũng có mặt. Bớt tiêu xài một chút, bớt ngủ một
chút, là chàng có thể mang lại niềm vui và sự ấm áp cho một tâm
hồn. Nghĩ vậy, chàng thấy lòng hăng hái hơn và tự nhủ dù sao
chàng cũng chẳng thiệt thòi gì cho lắm.
-
Để có mặt tại quán cà phê mười giờ sáng mỗi ngày, chàng phải
thức dậy chín giờ sáng thay vì mười hai giờ trưa. Đó là một cố
gắng phi thường, vì chàng làm việc ca đêm, từ nửa đêm đến sáng;
nếu phải thức dậy lúc chín giờ sáng có nghĩa là chàng chỉ mới
ngủ được vài tiếng đồng hồ mà thôi. Không những là cố gắng phi
thường, chàng còn cho đó là một sự hy sinh rất ư lãng mạn của
một kẻ có đời sống mực thước như chàng. Nhưng mặt khác, chàng
cũng có cảm nghĩ rằng mình đã làm một cử chỉ ban phát cơ hội một
cách cao cả cho một người phái yếu mà xét cho cùng người ấy chưa
phải là đối tượng hội đủ điều kiện để được chàng đoái hoài yêu
thương.
-
Tình yêu bấy giờ nẩy nở một cách rộn rã trong chàng. Và dường
như nó chấn động đến tận tủy xương chàng những rung cảm cực mạnh
đến nỗi chàng đã tự thốt với chính mình rằng: “Ồ, đây mới thực
sự là tình yêu. Trước kia ta chạy theo Xuân chỉ là cái rung động
nhất thời, gượng gạo mà thôi!” Xúc cảm mạnh đến thế nhưng vẫn
không đủ để đẩy những hứng cảm của chàng trào vọt thành thơ.
Chàng đã không làm được một câu thơ nào để tặng Tuyết từ khi yêu
nàng. Sự kiện đó càng làm cho chàng tin chắc vào quan điểm trước
đây của mình. Rằng khi một kẻ thắng lợi trong tình cảm, hồn thơ
của hắn bị chết tiệt đi. Cho nên, hoặc là chọn lấy tình yêu,
hoặc là ôm lấy đau thương để nẩy ra được những bài thơ bất hủ.
Bây giờ, chàng không nẻ ra được câu thơ nào dù đã cắn móp cả cái
nắp bút nguyên tử. Chàng thở dài. Đành thôi vậy. Không thể có
được cả hai cái vĩ đại cho cùng một kiếp người. Có lẽ Thượng Đế
chỉ muốn chọn chàng như một tình nhân lý tưởng của các hồng nhan
hơn là một thi nhân siêu tuyệt của nhân loại. Huống chi, bỏ
Tuyết ngay lúc này, quả là điều khó làm.
-
Chàng nghĩ, chàng và Tuyết đã yêu nhau và đang tiến đến một cách
êm xuôi trên con đường tình ái đầy những hứa hẹn. Không cần
thiết phải mơ tưởng đến một đoạn trường dang dở. Và trong tình
yêu dành cho Tuyết, chàng cảm thấy còn có một niềm trắc ẩn, một
thứ bi mẫn nào đó đi kèm. Không nên bỏ Tuyết. Không nên làm nàng
thất vọng. Tuyết yếu đuối, cần được yêu thương vỗ về. Không lý
do nào chính đáng để chàng phải chọn một cái gì khác mà bỏ nàng
cho dù cái đó có là một sự nghiệp vẻ vang trên thi đàn. Không có
tình yêu (hay nói trắng ra là thất tình), chàng có thể trở thành
một thi sĩ cô đơn múa bút trên những trường thi tuyệt sắc. Nhưng
thiếu tình yêu (hay nói trắng ra là không được chàng yêu
thương), Tuyết chỉ biết lặng câm mà ôm lấy sầu hận, đau khổ suốt
đời. Nghĩ vậy, chàng thấy xốn xang thương cảm và quyết là sẽ
trao đến Tuyết trọn vẹn tình yêu của mình cho dù nàng không xứng
với chàng đi nữa.
-
Sáng hôm nay, chàng cũng có mặt đúng giờ. Chàng sắp đặt sẵn
trong đầu những gì sẽ nói với Tuyết. Chàng muốn cho nàng một bất
ngờ. Chắc chắn là nàng sẽ vui mừng, sửng sốt đón nhận sự bất ngờ
đó. Khi Tuyết mang cà phê đến, chàng nói mà không nhìn mặt
Tuyết, với giọng của một ông chủ hỏi cô thư ký riêng của mình:
-
“Hôm nay Tuyết rảnh không?”
-
Tuyết đặt cà phê lên bàn, cười một cái thật có duyên với cái
miệng rộng rinh của nàng:
-
“Hôm nay? Em đang bán ở đây nè.”
-
“ý anh hỏi chiều tối kià.”
-
“à rảnh. Nhưng chi vậy anh?”
-
“Anh lấy vé rồi, tối nay đi xem phim nghe.”
-
“Xem phim? Ơ... có lẽ em đi không được đâu.”
-
Chàng cau mày, ngạc nhiên tột độ. Bất ngờ quá. Nàng đã không
sửng sốt. Nàng đã không vui mừng. Nàng đã không sung sướng với
ân huệ chàng ban mà chính chàng mới là kẻ bất ngờ, sửng sốt vì
nàng đã có vẻ như không muốn đón nhận cái cơ hội quí giá mà
chàng hào phóng tạo ra.
-
Tuyết trở vào trong quầy. Chàng móc thuốc ra, tay run run bật
lửa. Máu nóng máu lạnh chạy loạn xạ trong người. Khói thuốc tuôn
ra cay xé đôi mắt.
-
Một chốc, Tuyết lại bước ra, ngang chỗ chàng, nói ghé một câu
như an ủi:
-
“Em sợ là em không rảnh. Để em coi lại đã nghe.”
-
Rồi nàng mang thức uống đến bàn khác. Chàng lầm bầm một mình:
“Khỏi, khỏi cần coi lại. Đừng hối hận nhé. Không có cơ hội khác
đâu.”
-
Nhưng khi Tuyết quay trở vào, nhoẻn miệng cười và hỏi: “phim gì
vậy? hay không anh?” thì chàng thấy tươi tỉnh trở lại, hăm hở
đáp ngay:
-
“Phim A Kiss Before Dying. Nghe nói hay lắm!”
-
“Vậy à!”
-
Tuyết lại vào trong. Chàng tự nghĩ có lẽ Tuyết giả đò suy nghĩ
lại để chàng năn nỉ hoặc để tỏ ra mình không phải hạng con gái
dễ dãi. Và chàng thực không biết Tuyết nói như thế là đã có ý
nhận lời mình hay chưa. Bỗng thấy một đứa bé gái chừng bốn năm
tuổi từ ngoài cửa vừa chạy vừa nhảy lơn tơn đến chỗ Tuyết.
-
“Má,” đứa bé gọi.
-
“Ai dẫn con ra vậy?” Tuyết hỏi.
-
“Ba, ba ngoài kia kìa.”
-
Người đàn ông ba của đứa bé đẩy cửa bước vào. Một gã đàn ông
trung niên lực lưỡng, dáng đi hiên ngang hùng dũng, không để mắt
nhìn ai, bước thẳng đến chỗ Tuyết nói đôi câu gì đó với nàng rồi
ẳm đứa bé gái về.
-
Chàng móc thêm thuốc, run tay bật lửa. Hút lia lịa. Không khí
trong quán có vẻ lạnh một cách khác thường. Hút chưa hết điếu
thuốc, chàng đã vội dụi tắt rồi đứng dậy, đến quầy trả tiền.
-
Tuyết vẫn cười rất tươi với cái miệng rộng có duyên của nàng.
Nhưng bây giờ, chàng mới thực sự thấy rằng đàn bà con gái mà
miệng rộng thì thật khó coi quá đỗi, chắc chắn không làm tan
hoang cửa nhà thì cũng tan hoang cửa lòng chứ chẳng chơi!
-
Tuyết có vẻ như hiểu tim đen chàng, hơi thương hại, vừa thối
tiền vừa nói:
-
“Cám ơn anh đã có ý mời em xem phim. Nếu có dịp khác rảnh... ”
-
Chưa đợi nàng nói hết câu, chàng đã quay đi rồi. Ra ngoài, chàng
nghĩ có lẽ chàng nên phóng xe nhanh về nhà, lấy giấy bút ra để
cho mạch thơ tuôn trào một dòng miên man bất tuyệt.
-
Nhưng khi về đến phòng, chàng chỉ biết nằm thừ ra. Không nẻ ra
được câu thơ nào dù cõi lòng tan tác. Trời có vẻ lạnh lắm ở bên
ngoài. Bên trong cũng vậy. Chàng run. Lấy thuốc ra hút và thầm
nghĩ: “Có lẽ ta đã vượt ra thế giới của những kẻ đang no đủ
trong tình yêu cũng như những kẻ đang đói khát tình cảm: kẻ cần
thơ, kẻ cần tình. Thực ra, đâu có bắt buộc phải chọn hoặc cái
này, hoặc cái kia. Không chọn gì cả mới là khó!”
-
Chàng cầm hai cái vé xi-nê lên nhìn. Hình như có lờ mờ tựa đề
của phim in trên vé: A Kiss Before Dying (Nụ Hôn Trước Khi Chết
- có người dịch tiểu thuyết này thành Nụ Hôn của Tử Thần, chàng
có thấy ngoài tiệm sách Việt bán cuốn đó nhưng mắc tiền quá,
không mua). Chàng thở dài. Chàng đã chết rồi đây nhưng chưa được
nụ hôn nào cả. Chàng vứt hai cái vé xi nê vào sọt rác. Nằm lăn
ra giường. Ngủ.
-
Trích từ tác phẩm Biển Đời Muôn Thưở,
-
Xuất bản 1992
-
Virginia 1991
--o0o--
|
|