VĂN HỌC NGHỆ THUẬT

Mái Chùa Xưa
Võ Hồng
--o0o--
 
Làng tôi có ba ấp, mỗi ấp có một ngôi chùa. Tôi ở ấp Quảng Đức, lên năm tuổi đã biết tên chùa là Châu Lâm, đã thấy ông thầy chùa đầu tiên trong đời, thỉnh thoảng đi về trên con đường xuyên qua xóm. Ba tôi dặn :
- Không được kêu là : "Ông thầy chùa" nghe chưa ? Hổn.
Nhưng lại không bày tôi một cách kêu khác. Trong câu chuyện, khi nhắc tới ông thầy... đó thì ba tôi dùng ba chữ "Thầy Châu Lâm". Giọng kính cẩn có pha chút thân tình, Những người trong xóm khi nhắc đến tên thầy đều có chung một giọng như thế.
Đi trên đường, thầy cứ nhìn thẳng, nét mặt dịu dàng không vui không buồn. Tôi chịu không đoán được tuổi. Tóc và râu là hai bộ phận để căn cứ mà định tuổi thì thầy đều không có. Mặt lại không nếp nhăn. Miệng lại không cười. Đi giữa chúng tôi mà không gây nên tiếng động.
Chùa Châu Lâm ở cách biệt nơi chân núi, xa xóm cờ cây số rưỡi nhưng đối với tuổi ấu thơ của tôi như vậy đã là xa hun hút. Bởi vì muốn đi tới chùa, chúng tôi phải đi bọc vòng chân núi, đi theo một con đường quanh co có nhiều bụi gai bàn chải mọc đầy. Cảnh vật khác hẳn với cảnh vật trên xóm, tưởng như là hai thế giới riêng biệt. Bụi cây âm u rất nhiều. Chim hót tứ phía. Rắn mối và kỳ nhông bò rèn rẹt mỗi lần có bước chân tới gần. Ở trên miếng gai bàn chải chơm chởm, ở trên cành cây mọc chìa ra đường, thỉnh thoảng có con kỳ đà nằm yên lặng nghếch cái đầu màu đỏ lên nhìn. Những đoạn đường quanh co vội vã. Không dám chạy thẳng một mạch, không muốn làm phiền lòng những bờ duối bờ sậy, không muốn động chạm đến cả sự quây quẩn yên lặng và khiêm tốn của lũ cỏ gấu, con đường nhường nhịn, len lõi né tránh.
Ngôi chùa trông thấy trước mắt nhưng phải đi vòng qua những thửa ruộng thấp, đi lượn qua mấy ngôi tháp cao, đi bọc theo khu vườn nhỏ rồi mới tới cửa Tam quan. Đá lởm chởm dưới chân, đá chất gồ ghề làm bờ thành bờ dậu. Tất cả là công trình của bàn tay cần cù, là chứng tích của sự nghèo khó. Chắc thầy trụ trì và chú Điệu phải tự tay vần đá, kê chồng lên nhau, chèn ghép vào nhau trong những buổi mai còn đầy sương, trong những buổi chiều có tiếng sơn ca lanh lãnh hay trong đêm trăng thơm mùi hoa dại. Không có dấu vết của chiếc bay thợ nề trên những kẻ đá, nơi dung thân của lũ rắn mối, cắc kè.
Ấp tôi dân ít lại nghèo nên chùa không thể nào giàu được. Hình như tài sản của chùa chỉ có hai miếng đất thô, và để có lúa ăn, nhà chùa phải làm rẽ bảy gia gống ruộng. Bởi hoa lợi ít ỏi nên thầy trụ trì chỉ nuôi nổi một đồ đệ.
Người đồ đệ này là bạn chơi cùng lứa với chú Ba tôi nên chú tôi cứ tha hồ xưng hô bằng "thằng", bằng "mày" trong khi những đạo hữu cao tuổi gọi bằng "chú Điệu". Tôi thì bắt chước theo lũ nhỏ, kêu bằng "ông Điệu" dù Ông chỉ mới khoảng 16-17 tuổi. Ông Điệu lo sạ lúa, làm cỏ, tát nước ruộng. Một hôm bị bạn bè rủ rê, trong đó có chú Ba tôi, hái trộm luôn một trái dưa hấu của đám rẫy cạnh vườn chùa rồi bạch ra ăn với nhau. Thầy trụ trì bắt gặp. Thầy lùa cả bọn vô chùa để tra hỏi, sau đó thầy sai Ông Điệu ra liêu lấy cái roi mây. Ông bước đi rất chậm, tưởng như bàn chân đang bận suy nghĩ. Thầy bình tỉnh đợi. Khi cầm roi trên tay, thầy bắt ông nằm xuống. 
Trót ! Trót ! Trót ! Ông Điệu lăn qua lăn lại, khóc ồ lên, vừa "Lạy thầy con lỡ dại ! Lạy thầy con xin chừa". Sau năm roi, thầy ra lịnh cho ngồi dậy. Ông Điệu vâng lệnh ngồi dậy nhưng không bước ra hiên lấy gáo múc nước rửa mặt như tôi tưởng. Mà ông lại đúng ngay ngắn trước mặt thầy rồi bổng ông quì xuống lạy luôn ba lạy.
Tôi ngạc nhiên hết đổi. Ở nhà, mỗi lần bị cha tôi bắt nằm xuống đánh xong cho ngồi dậy là tôi vừa khóc hu hu vừa ra hiên múc nước rửa mặt. Lần nào cũng vậy, y như một nghi thức không thay đổi. Lần đầu tiên thấy một người bị đánh lạy tạ người vừa đánh mình, lòng tôi chợt nảy sinh một cảm giác lạ. Một sự kính trọng bồi hồi. Nhưng chưa hết. Thầy trụ trì ung dung nói :
- Đi vô làm lễ sám hối.
Ông Điệu "dạ", lại kẹt cửa lấy cái áo tràng màu xám choàng lên người. Ông châm một nén hương rồi tẻ ra cắm ở mấy bàn thờ Phật. Ông lại cầm dùi đánh nhiều hồi vào cái trống sấm. Rồi sau đó ông quì tụng niệm ê a một lát lâu. Lúc nhỏ khi chưa đi học, tôi hay theo chú Ba tôi đi chơi lang thang nên cái cảnh Ông Điệu bị đòn, tôi chứng kiến từ đầu đến cuối. Tôi giữ một ấn tượng tốt về nhà chùa là bởi sự kiện đó. Có lần chú tôi lén chỉ cho tôi coi một cái chum đất nung lên men đặt ở sân chùa.
Chú nói :
- Cái chum tương đó.
Tôi hỏi :
- Sao em để ngoài nắng vậy ?
- Đem dang cho tương nó ngon. Mày tưởng chùa gọt vỏ bí vỏ bầu rồi bưng đổ đó hả ? Không có. Đem bỏ vô chum tương, để lâu nó thành tương.
Chú tôi không có óc khoa học, hay tin lời người khác mà không chịu phối kiểm với thực tế, thỉnh thoảng lại hay nói ẩu nên tôi không biết sự thực có phải đó là một cách làm tương đơn giản hay không. Nhưng cho dầu không cho biết chắc, tôi cũng có thể quả quyết rằng cách làm tương ở chùa này phải là cách đơn giản thô sơ hơn hết. Cứ nhìn lối sống của thầy trụ trì và của ông Điệu là biết ngay. Ngoại trừ cái áo nâu dài mặc đi ra đường là tươm tất, còn khi ở chùa thì thầy mặc áo vải thô vạt hò màu xám có nhiều mụn vá nơi vai hoặc nơi cùi chỏ. Cái vạt áo nhọn làm cho dáng thầy từ mảnh mai trở nên gầy gò. Thuốc lá thầy hút là thứ thuốc tự tay thầy trồng. Vài chục cây thuốc mọc ở một vạt đất nhỏ đầy sỏi đá nơi cửa sổ nhà Đông, có những lá già ở gần gốc đã được tướt đi. Đi ra đường thì thầy mang guốc sơn, còn ở chùa thì mang guốc bằng gỗ cây sầu đông tự thầy đẽo lấy. Quai guốc là một mảnh da trâu cứng.
Một cảnh chùa nghèo nàn như vậy không thể ban phát lợi lộc vật chất cho ai hết, nhưng nhờ đó mà nó trở nên thân mật với mọi người. Ai muốn ghé chơi chùa cũng được, ghé vào giờ nào cũng được, của Tam quan gần như không bao giờ đóng. Nhà chùa không phải coi chừng kẻ trộm cắp vì chẳng có chi đáng để trộm cắp. Có mấy bụi chuối mốc đúng ở mái chùa là hay có trái hườm trên những buồng chuối nặng. Lũ chim chào mào tọc mạch bao giờ cũng thấy trước và lén mỗ trộm. Người từ xóm lại phải đi băng qua một quãng đồng trống, ai công đâu xách một buồng chuối trên tay. Quả rằng chỉ có lũ chim là chuyên môn ăn trộm quả chùa. Mấy trái mãng cầu chín quên hái ngoài vườn, chùm ớt đỏ, nơi bụi ớt ở vại nước rũ rê lũ chim đội mũ, chim chìa vôi tụ hội lại vừa ăn vừa nói chuyện rinh rã. Bụi thơm, cây mít ở sau lưng chùa thì có lũ sóc ranh mãnh dòm chừng.
Người tìm đến chùa thường để xin nghĩ mát hay để tìm nước uống. Đó là trường hợp những người cây lúa, cuốc cỏ mía ở những đám ruộng đám thổ gần đó. Buổi trưa nghĩ tay, về trong xóm thì xa, ngồi dưới gốc cây thì hanh nắng, sẳn có chùa gần xin vào nghĩ ở chái sau. Nước uống thì sẳn ở chum, dùng bao nhiêu cũng có, tha hồ. Tuy nhiên, dùng chỉ hết mươi gáo nhưng họ bảo nhau ra giềng xách châm vào cho đầy đủ đầy lu, đỡ tay chú Điệu một bửa. Hôm nào mo cơm gói theo mà thiếu đồ ăn thì chú Điệu múc chó chén nước.
Mấy đứa chăn bò, lũ nhỏ hái củi hay ghé xuống chùa xin muối. Bò lùa thả ăn ở chân núi con chúng thì tụ hội lại đánh đáo đánh trống hoặc sục sạo vào các bụi cây để hái ổi, hái sim, múi dẻ, nhản chày... Khi không nhắm mùa trái cây thì bứt đỡ lá dang lá me rồi xuống chùa xin muối lên chấm ăn. Bước qua vại nước thấy có ớt chín thì lén hái một hai trái để lên giã chung với muối. Nếu thầy trụ trì hay chú Điệu bắt gặp thì cũng chỉ "Ê ! Ê !" vài tiếng và người phạm lỗi rút tay ram bẽn lẽn cười rồi đi luôn.
Không ai nỡ nghĩ rằng đó là một sự ăn cắp. Cái không khi tịch mịch bao dung nuôi dưỡng hỉ xả.
Lên bảy tuổi tôi đi học ở trường Thiên Đức, cách nhà một con đò và hai cây số đường bộ. Trường nằm ở trên chỏm núi. Do mấy người bạn lớn dẫn dắt, một hôm đang giữa giờ học tôi cũng "xin phép thầy cho ra ngoài". Thật tình tôi không hiểu "đi ra ngoài" là đi đâu mà cứ thấy mấy chị lớn hay giơ ngón tay lên xin. Gạn hỏi mãi một chị tên là Khoan, - sau này lên lớp Tư tôi cứ kêu là chị Lưu Khoan bởi ngẫu nhiên tôi đọc được trong một cuốn sách tập đọc cũ của cha tôi kể sự tích ông Lưu Khoan có người thị nữ bưng bát cháo lên hầu, lỡ tay đánh đổ cháo ra áo chầu vân vân, - giảng cho tôi nghe :
- Đi ra bụi duối ngồi mát.
Tôi nói :
- Ngồi trong lớp đâu có nực ? Mát buồn ngủ luôn.
- Nhưng đâu bằng ở ngoài núi ? Sẵn trái duối chín hái ăn luôn.
- Nhằm trúng cây duối ngọt thì trái duối chín ăn như đường phèn, - tôi đang nghĩ tiếp. Nhằm cây duối trái đắng thì bỏ đi, lựa cho được cây duối ngọt. Kiến vàng đít bự ưa trái duối lắm, bò từng đàn...
- Đôi hồi chạy tuột dốc xuống luôn chùa Cảnh Phước, - chị Khoan tiếp. Xin vài trái chanh chấm ăn với muối.
Thế là tôi lập tâm muốn đi hoang một bữa. Tôi đợi chờ chữ Nho của thầy Lê Ngu Tân. Thầy hiền, không đứa nào sợ. Chị Khoan đợi tôi ở ngoài cửa lớp. Thấy tôi ra, chị khen liền :
- Được đó. Mày phải dạn lên một chút. Thôi bữa nay khỏi ăn duối đi. Tao cho mày xuống chùa Cảnh Phước.
Không cần hỏi tôi có đồng ý không, chị cứ xổ dốc luôn. Trời ơi ! Triền dốc thì đứng mà chị cứ chạy băng ào, chạy quá đà phải ôm luôn một nhánh cây mới hãm bớt tốc lực. Nhiều lần như vậy. Cuối cùng chúng tôi lọt vào sân chùa.
Kèm với sự bỡ ngỡ, cái cảm tưởng đầu tiên của tôi là chùa Cảnh Phước giàu hơn chùa Châu Lâm. Có nhiều màu trắng của vôi mới nơi trụ hiên, nơi vách. Có sự bằng phẳng rộng rãi nơi sân, các lối đi được viền bằng cỏ tóc tiên. Hoa được trồng thành bồn. Có một dãy những cái hồ lớn đắp bằng xi măng trong thả bèo hay trồng sen. Vườn chùa kế tiếp theo sân. Một cây sàn vọt nước cất tiếng kẽo kẹt. Nhiều cây chanh lá xanh um đứng kề thêm giếng. Khế, ổi, bụi môn bạc hà, cây bưởi, vạt bắp, vạt củ mì, và xa hơn, những cây cao có hoa màu đỏ đứng cạnh những ngôi tháp. Nhiều lần sau tôi lại có dịp xổ dốc để xuống thăm chùa Cảnh Phước và mỗi lần như vậy giúp tôi khám phá thêm một nét phong lưu của chùa. Thầy trụ trì vui vẻ nhìn chúng tôi, ngắt cho những trái chanh vừa vò đầu âu yếm. Những lúc ấy tôi bỗng nhớ đến khuôn mặt trầm ngâm của thầy Châu Lâm và không hiểu tại sao tôi chợt thấy thương thầy. Tôi thương ngôi chùa nghèo, có nhiều màu xám nơi cửa nơi vách, có một cái sân không đủ sức để bằng phẳng và vuông vức, có nhiều sỏi đá đến nỗi cây khế cũng không trỗ được màu xanh.
Chùa Châu Lâm có một cái tên nôm là "Chùa Đống Ma". Tên đó dành cho những người bình dân trong xóm gọi. Chùa Cảnh Phước không có tên nôm. Trong tuổi ấu thơ, tôi đã nghĩ rằng đó là một sự thiệt thòi của kẻ giàu. Lớn lên, tôi biết rằng có nhiều ngôi chùa vừa giàu có vừa có đủ hai tên. Như Chùa Đá Trắng với tên "Sắc Tứ Từ Quang Tự", Chùa Tổ với tên là "Sắc Tứ Bát Nhã Tự". Sắc tự tức là được nhà vua công nhận và ban cho cái tên. Như là những con người ở ngoài đời vừa giàu vừa sang. Ở Phong Thăng có một ngôi chùa giàu mà không được "sắc tứ".   Nhưng có tên là chùa Bảo Sơn. Bảo Sơn, Linh Sơn, Phước Sơn... những cái tên khi đọc lên có âm dụng đến cả âm ba, món trang sức không đòi hỏi phải có nhiều tiền mới sắm được. Có một món quà chùa sẵn lòng tặng cho ai cần : đó là những cành bông điệp.  
Không biết tục lệ xuất phát từ đâu mà cả làng tôi mỗi lần có việc cúng kiến là chỉ chăm chăm đi hái bông điệp để cắm lên bàn thờ. Nếu nhằm ngày Tết tháng Giêng thì có thể cắm thêm bông vạn thọ, bông trang đỏ. Những loại khác như cúc, thược dược, huệ, hồng... dầu đẹp nhưng là món cắm chơi giữa người trần với nhau. Tục lệ đó chắc đã nhắm một mục đích kinh tế rõ rệt : cay bông điệp trồng một lần mà ra bông cả vài chục năm bởi nó là thân mộc lớn cỡ bằng cây táo nhơn. Hoa có hai loại, màu đỏ và màu vàng mọc thành chùm nên chỉ cần bẻ ba nhánh nhỏ là đủ ghép thành một bình. Chùa trồng ba, bốn cây ở trên lối đi và như vậy là đủ cho nhu cầu của một xóm.
Sự liên hệ giữa dân xóm và nhà chùa là một liên hệ tinh thần, dầu không sâu đậm thiết tha nhưng mà lúc nào cũng sẵn sàng hiện diện. Khi có niềm đau nỗi buồn quá sức giải quyết của người thì về chùa để tìm sự an ủi và hy vọng. Nhà có tang mời thầy tụng kinh siêu độ, nhà có người đau ốm trầm kha mới thầy tụng kinh cầu an. Mười năm một lần, ban trị sự Ấp tổ chức đàn tràng mời thầy hành lễ, làm chay múa lục cúng suốt ba ngày đêm để cầu an cho dân chúng cả Ấp. Người lớn trẻ con, thanh niên thiếu nữ dập dìu tới dự, áo quần tươm tất tắt mặt mày tươi  vui khiến tôi nghĩ rằng đây vừa là lễ Tạ Ơn cho mười năm đã qua vừa là Lễ Cầu An cho mười năm sẽ tới. Cỗ bàn dọn ra, ai có mặt cũng được mời ngồi và cầm đủa thọ trai, không phân biệt kẻ lớn người nhỏ kẻ sang người hèn. Y như trong những ngày lễ lớn làm chay ở chùa vậy.
Trong những ngày đó, người có cầm tới bao đèn bao đang hay buồng cau nãi chuối, người có góp phần công đức năm cắc một đồng hay gói trà phong bánh đều được mời dự bữa cơm chay ngang hàng với kẻ chỉ tới tò mò đứng coi. Có người quá nghèo thì tới lãnh phần gọt vỏ bí vỏ khai hay vo gạo đãi đậu. Có người tối mặt tối mày trong bếp.
Một lần tôi theo ông tôi tới dự lễ Rằm tháng Bảy ở chùa. Thầy trụ trì ngồi nói chuyện bình thản với khác trong khi các người nấu cỗ dọn bàn cứ tự động lo liệu lấy. Họ tự sai phái, phân công làm như chuyện chùa là chuyện của nhà họ. Những tiếng kêu gọi, hỏi han, dặn dò đan chéo vào nhau :
- Đưa đây chai dầu phộng !
- Ra vác thêm bó củi, em em. Lãy bó gộc ở chỗ gốc táo đó.
- Lu gạo để ở đâu ? Chớ tin này vét hết rồi.
- Hỏi chú Điệu. Chú Điệu ơi ! Ủa, mà cứ xúc thúng gạo lúa Gòn của cô Năm mới đội tới đó cũng được mà.
- Bí sáp này chắc lấy giống ở Đờ-răng [ Đơn Dương ]. Trái to mà dài như con heo. Ở trong chùa Tổ, nấu chay có la-ghim Đờ-răng và Trà Lạch [ Đà Lạt ] chở xuống. Phải, chùa Tổ là chùa nổi tiếng nhất của cả tỉnh, có nhiều đạo hữu giàu ở các tỉnh khác cũng xin quy y làm đệ tử. Một số các đệ tử gốc ở Dran, Đà Lạt. Mỗi kỳ lễ lớn, họ gởi theo xe hàng xuống từng giỏ cần xé to những bắp su, cà rốt, khoai tây, đậu Hòa Lan, củ cải... Người ra tả rằng, - có lẽ phần lớn theo tưởng tượng - các bà đệ tử đều mập mạp, áo dài kim tuyến lóng lánh và vàng đeo đày cổ tay, ngón đeo đày cà rá hột xoàn. Khi ngồi nghĩ đến một cỗ chay thịnh soạn ở Chùa Tổ, các bà Lý Bà Hương chắc có ước ao được thưởng thức coi nó ngon ra làm sao nhưng tôi tin rằng đồng thời họ lại cũng đang thêm yêu thương ngôi chùa nghèo của họ và cuộc đời tầm thường của chính họ. Nghèo nàn là một sợi dây thân ái ràng buộc mọi người. Khi có đồng tiền dính dự vào thì đồng tiền gây mầm chia rẽ.
- Không khí của một bữa cỗ chay khác xa với một bữa cỗ mặn. Không có sự náo nức của người dực lễ cỗ. Không ai tham ăn, háu ăn, mọi người đều hườn đãi mời mọc nhau. Chỉ vì món chay của nhà quê hồi đó không có những mỹ vị đam mê. Xào thì đậu đũa xào dầu, mướp xào dầu, khoai lang xào dầu. Đại khái là một món rau trái được lăn qua trong dầu phộng rồi nằm trong chảo đậy vung hầm hơi cho chín. Món canh thì nhờ đậu phộng mà ngọt, khác nhau chỉ có bát này là bí đỏ, bát kia là bầu, bát nọ là rau cải.
Trong bữa ăn có bày luôn cả các món tráng miệng. Và mười lần như một, thế nào cũng có một người đưa ra ý kiến :
- Ăn chay thì gặp bỏ nhiều món vô chung một bát rồi ăn mới ngon.
Lần nào dự bữa ăn chay tôi cũng có ý đợi chờ xem ai sẽ đầu tiên nói lên câu đó. Ở nhà tôi thì y như cô Bảy tôi lãnh phần nói trước. Và chú Ba tôi thực hành liền. Chú lấy một bát canh, bẻ bánh tráng nướng bỏ vô, gắp xào đậu xào khoai, nộm đu đủ bỏ vô và chú chuẩn bị biểu diễn. Cô tôi đảy đĩa cốm và bánh in lại gần (ở miền Trung, cốm là thứ bánh làm bằng bột nếp rang trộn đường đóng khuôn) :
- Bỏ luôn miếng cốm vô.
Chú Ba cười liền :
- Phải đó, như vậy mới đúng điệu ăn chay.
- Khi tôi lớn lên đi đây đi đó, tôi được dẹp ghé thăm nhiều ngôi chùa sang trọng, được dự nhiều bữa tiệc chay thịnh soạn ngon lành. Mỗi lần như vậy là lòng tôi lại bùi ngùi nhớ đến ngôi chùa quê của tôi, đến những bữa cỗ chay thanh đạm nghèo nàn, thanh đạm đến mức "có thể trộn nhiều món vào nhau" mà không sợ mất hương vị. Bởi lẽ, than ôi, có hương vị gì đâu mà gọi bằng mất ?
Những kỷ niệm ngày thơ ấu dầu có thời gian cách trở nhưng bây giờ đây mỗi lần nhớ lại là tôi thấy hiện lên rõ ràng trước mặt. Tôi có thể nghe cả giọng nói với âm thanh riêng biệt của từng người. Bà Bộ, buôn trầu cau ở Chợ Chiều, mỗi lần lễ xong tới mục thiêu vàng là khệ nệ lãnh bưng cái nia lớn trên xếp đầy những tờ giấy tiền, thanh y, giấy vàng bạc ra trước sân chùa. Bà châm lửa đốt từng xấp rồi chắp tay nhìn ngọn lửa một cách cung kính. Những tàn tro giấy vỡ ra, bị hơi nóng cuốn hút bay lên, lượn lững lờ. Bà xuýt xoa vái bốn phía rồi nói với những bà con đứng nhìn chung quanh :
- Các Đẳng tới nhận áo và vàng bạc đó. Các Ngài đứng ở trên cao. 
Không ai bày tỏ ý kiến. Bà đành nói tiếp, như để thuyết phục một kẻ hoài nghi, tưởng tượng nào đó, cái lý luận bà đã chuẩn bị sẵn ở nhà, có lẽ đã nói nhiều lần ở nhiều nơi rồi :
- Chớ trời đâu có gió mà tàn tro cứ nhắm trên cao mà bay ?
Mọi người vội vã nghiêm chỉnh và kính cẩn. Cả cái không gian âm u của buổi chiều nơi sân chùa như đầy những vong linh, những cô hồn tụ hội. Bà Bộ thật xứng đáng được các Đẳng ban thưởng. Tôi chưa thấy một khuôn mặt nào rạng rỡ như khuôn mặt bà lúc ấy.
Trải qua cuộc chiến giằn co, ấp Quảng Đức của tôi đã thành bãi chiến trường. Đồng bào bỏ nhà cửa ruộng vườn lũ lượt gòng gánh ra đi. Ngôi chùa xưa chắc còn tịch liêu tàn phế hơn xưa, những con chim chào mào chìa vôi chắc cứ ngang nhiên làm tổ ngay ở chái sau, hiên trước./.
--o0o--