|
VĂN HỌC NGHỆ THUẬT
-
Giọt Lệ Của Phật
-
Nhất Thanh Thích Nguyên Hiền
-
----o0o---
-
-
Có
bao giờ bạn nghe nói Phật khóc chưa?
-
- Phật là Đấng giác ngộ, Ngài đã vượt qua mọi tình thức tầm
thường của thế gian, không còn buồn vui, giận hờn, thương ghét
nữa, làm gì có chuyện Phật khóc?
-
- Bạn quên rồi đấy! Trong Kinh Báo Hiếu có câu: "Thế Tôn bèn vội
đến nơi, lạy liền ba lạy rồi rơi giọt hồng", chả phải là Phật
khóc đó sao?
-
- Vì sao Phật lại khóc?
-
- À, trong Kinh Báo Đáp Công Ơn Cha Mẹ, Đức Phật cùng đoàn đệ tử
đi về phương Nam, thấy núi xương khô lâu đời chồng chất, Đức
Phật đảnh lễ đống xương rồi rơi nước mắt. Ngài A-nan không hiểu
bèn thưa hỏi, Phật dạy: "Trong đống xương ấy, biết bao cốt hài
nhiều đời nhiều kiếp, có ông bà, cha mẹ, kẻ sanh ta hoặc chính
thân ta, luân hồi sanh tử trong nhiều kiếp số..."
-
"Ta lễ bái những người tiền bối
-
Và ngậm ngùi vì nhớ kiếp xưa..."
-
Từ nhỏ theo mẹ đến chùa lễ Phật, tôi vẫn thích ngồi bên mẹ tụng
Kinh Báo Hiếu vào những dịp Vu Lan. Có lẽ do kinh được Hòa
thượng Huệ Đăng dịch theo thể văn vần (song thất lục bát), dễ
đọc, dễ tụng, nên tôi thuộc làu kinh này mà không cần học. Thuở
ấy, đối với tôi, Phật cũng là một nhà đạo đức, dạy bổn phận làm
con phải có hiếu với cha mẹ. Chuyện thế gian ấy mà! Khổng giáo
còn dạy hiếu nghĩa nhiều hơn, Nhị Thập Tứ Hiếu mà thầy cô giảng
ở trường đôi lúc còn thiết thực và cao siêu hơn cả Mục Liên Tôn
giả – tôi nghĩ vậy. Còn nói Mục Kiền Liên là Đại hiếu, ừ thì đại
hiếu; kẻ đại, người tiểu cũng hiếu tất, miễn là làm cho cha mẹ
vui lòng, hết lòng phụng dưỡng cha mẹ, khuyên cha mẹ lánh dữ làm
lành, quy y Tam bảo.
-
Bây giờ, mỗi lần đọc Kinh Vu Lan Báo Hiếu, toàn thân tôi rúng
động, tâm thức bàng hoàng. Thường thì cùng tụng với đại chúng,
tụng được vài câu thì tôi không còn tụng nữa, hồn lạc vào một
thế giới khác.
-
Vì sao Phật lại khóc? Đó là câu hỏi lớn nhất, câu hỏi ấy đã cùng
tôi đi suốt bao năm trời học hỏi kinh điển.
-
Hơn một ngàn năm trước, thi sĩ Trần Tử Ngang có lần lên chơi
trên đài Ô Châu, nghĩ đến cái man mác vô cùng của thời gian, tự
dưng để cho hai hàng lệ lăn dài xuống má:
-
"Tiền bất kiến cổ nhân
-
Hậu bất kiến lai giả
-
Niệm thiên địa chi du du
-
Độc thương nhiên nhi lệ hạ".
-
Tạm dịch:
-
(Bao người kim cổ nay đâu
-
Ngàn xưa cho đến ngàn sau bẽ bàng
-
Mênh mang trời đất mênh mang
-
Một mình bất chợt hai hàng lệ sa).
-
Hơn một ngàn năm sau, nhà thơ Huy Cận, cũng một lần một mình
rong chơi vào cõi mênh mang vô tận của thời gian, bất giác rùng
mình khi nhác thấy con người nhỏ bé quá giữa vũ trụ đại ngàn,
giữa không thời gian vô tận. Thi sĩ viết:
-
"Một mảnh linh hồn nhỏ
-
Mênh mang thiên cổ sầu".
-
Một mảnh hồn Đường, một mảnh hồn Việt, cũng như muôn vạn tâm hồn
phù du cõi mộng sẽ phải bật khóc khi cảm thấy buốt lạnh tồn sinh
một chút thân bèo bọt, sẽ phải rờn lạnh kiếp người giữa cùng
thẳm hư vô. Ta hoa đốm giữa thái hư ngát lạnh. Ta bọt bèo trên
đại dương chơi vơi. Ta làm gì? Ta là gì? Tuệ Trung Thượng Sĩ đã
có lần viết:
-
"Trường không túng sử song phi cốc
-
Cự hải hà phân nhất biển âu".
-
Trường không giả sử đôi vành chuyển, thì xá gì một điểm trắng
giữa trùng khơi bát ngát. Ta ở đâu? Ta có hay không? Nhìn phía
trước chẳng thấy người xưa, nhìn phía sau thì chưa ai đến. Có
phải người trước là ta bây giờ? Hay là cha ta, mẹ ta, anh em,
bầu bạn của ta? Ai giải đáp được câu hỏi này? Có ai không? Có ai
không?
-
"Cổ nhân bất kiến kim thời nguyệt
-
Kim nguyệt tằng kinh chiếu cổ nhân".
-
Người xưa không thấy được mặt trăng ngày nay, nhưng trăng ngày
nay đã từng chiếu đến người xưa đấy. Ta hụp lặn trong vòng sanh
tử luân hồi, bao nhiêu kiếp số rồi? Hằng hà sa số ư? Ổ! Ít quá!
-
Đức Phật dạy: "Không có một tất đất nào trên thế gian này mà
không có thân ta đã từng bỏ mạng ở đó. Không có một người nào,
một loài vật nào ta gặp trên thế gian này mà chưa từng là cha
mẹ, anh em, vợ chồng, bầu bạn của ta".
-
Mất cha mẹ, ta khóc; mất người yêu, ta khóc... "Nước mắt của
chúng sanh nhiều hơn nước bốn biển". Nhưng ta chỉ biết khóc
trước nỗi mất mát hiện tại, nước mắt của ta là nước mắt của thất
tình lục dục. Còn Đức Phật – người đã chứng được Lậu tận minh,
Ngài thấy hết nghiệp thức của chúng sanh trong suốt quá khứ,
hiện tại, vị lai rõ ràng như thấy kẻ chỉ ở bàn tay. Thế thì
trước đống xương khô lâu đời, Ngài trực nhận ra tất cả cha mẹ,
anh em, vợ chồng, bầu bạn, lục thân quyến thuộc và chính thân
xác của mình bao lần để lại trên đống xương này, rõ ràng như chỉ
mới hôm qua. Nói như cách nói của Vũ Hoàng Chương: "Nghìn thu
nửa chớp bốn bề một phương", làm sao không cảm động? Thương nghĩ
về sự luân hồi sanh tử của tất cả muôn loài, tìm phương hóa độ,
đó mới là Đại hiếu.
-
Đọc một câu kinh, nếu biết tư duy thì một chữ trong kinh Phật
cũng hàm chứa tất cả ba ngàn đại thiên thế giới. Trần Tử Ngang
rơi lệ khi nhác thấy cái vô tận của thời gian, nhưng thời gian
của nhà thơ nghĩ đến vẫn là hữu hạn, cái hạn định ở điểm cuối
cùng của dòng tâm thức. Còn cái thấy của Phật thì vượt ra khỏi
tình thức, tuyệt đối đãi, siêu nhị biên. Giọt lệ ấy mới là giọt
lệ của bậc đại trí, giọt lệ chứa đựng tất cả lòng chân từ bình
đẳng, kết quả của sự quán tưởng triệt để chân tướng của các
pháp. VU LAN BỔN KINH TÂN SỚ của ngài Trí Húc đời Minh trong Đại
Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh (trang 573, quyển 16 ) có đoạn viết:
"Từ hiếu có ba thứ:, một là Sanh duyên từ, hai là Pháp duyên từ,
ba là Vô duyên từ".
-
Sanh duyên từ tức là nghĩ đến tất cả chúng sanh như là cha mẹ,
ta đời đời không có kiếp nào là không thọ sanh từ cha mẹ. Khi
quán tưởng như thế, tất cả kẻ oán người thân đều bình đẳnh, lấy
đó để điều phục sự sân hận, san tham và tật đố, cho đến chứng
đắc Từ Tâm Tam-muội. Phàm người nào có duyên với ta, ta đều đem
niềm vui đến cho họ, vớt cái khổ não của họ. Cha mẹ đối với ta
thâm ân trời biển nên ta phải báo đáp trước.
-
Pháp duyên từ tức quán tưởng tất cả các pháp đều là duyên sanh,
cho nên Kinh Phạm Võng nói tất cả đất, nước đều là thân ta, tất
cả gió, lửa đều là thân ta. Tất cả chúng sanh đều do Tứ đại
(đất, nước, gió, lửa) hợp thành, cho nên không có sự khác nhau
giữa ta và người, không có sự khác nhau giữa thọ mạng và kiếp
số. Tứ đại đã không hai, cho nên từ tâm duyên đến tất cả cũng
bất nhị. Khi quán tưởng như thế thì chứng đắc được Từ Tâm
Tam-muội, năng lực cứu khổ còn thù thắng hơn Sanh duyên từ nhiều
lần nữa.
-
Vô duyên từ tức là biết rõ Tâm, Phật và Chúng sanh, cả ba chẳng
có gì sai khác. Cả pháp giới là nhất tướng, chân thật bình đẳng,
không trụ ở tướng của các pháp và tướng của chúng sanh, quán
Bồ-đề tức là phiền não, Niết-bàn tức là sanh tử, khởi thệ nguyện
vô tác, cứu bạt hết cái gốc của khổ. Quán phiền não tức Bồ-đề,
sanh tử tức Niết-bàn, khởi thệ nguyện vô tác, ban cho tất cả
niềm an lạc. Từ ở đây chính là Bi, Bi ở đây chính là Từ, thuận
theo tính chất của pháp tánh mà tu tất cả pháp... Đó chính là
Đại Từ Đại Bi.
-
Giọt lệ của Phật chính là giọt lệ Đại Từ Bi.
-
Mùa Vu Lan lại đến trong lòng mỗi người con Phật. Ta đọc tụng
kinh điển Đại thừa, ta có đủ sức tin những điều Phật dạy không?
Nếu tin được lời Phật thì ta không bao giờ rắp tâm làm hại một
ai cả. Ngay cả Nho giáo còn dạy: "Vô cố nhi thương nhất côn
trùng, phi hiếu dã; Vô cố nhi tổn nhất thảo mộc, phi hiếu dã"
(Vô cớ mà làm thương tổn một loài sâu kiến thì không phải là
người có hiếu; vô cớ mà làm tổn hại đến một loài cây cỏ cũng
không phải là người có hiếu). Huống hồ mưu hại một ai. Nếu hiểu
và tin lời Phật dạy thì tự nhiên mọi người sẽ yêu thương nhau,
thế gian này sẽ bình yên và hạnh phúc biết mấy.
-
Dòng sông Ái vẫn chảy trôi mãi hoài không dứt, ta lang thang,
vất vưởng nẻo luân hồi bao kiếp số. Ta yêu, ta ghét, ta hận thù,
ta chém giết... Tất cả bởi vô minh, tất cả do mê mờ không biết.
Duyên khởi trùng trùng đã may mắn cho chúng ta một lần được ngồi
đọc tụng kinh Phật, nghiền ngẫm một câu kinh là chiêm nghiệm một
chân lý, là thắp sáng hiện hữu nhiệm mầu lung linh qua một giọt
lệ của Đấng Đại Từ Bi. Xin đảnh lễ A-nan Tôn giả cho con lời
kinh vàng ngọc, xin đảnh lễ Mục Liên Tôn giả cho con niềm tin
hiếu hạnh, xin đảnh lễ nụ cười, giọt lệ, hạnh phúc và khổ đau,
cho con một lần biết yêu thương thắm thiết trần gian điên dại
này.
--o0o--
|
|