|
VĂN HỌC NGHỆ THUẬT
-
Ông Già Áo Lam
-
Vinh
bực mình về ông già "chùa" hết sức, lúc không cần ý kiến ổng thì
ở đâu ổng nhẩy vô, lúc cần ý kiến ổng thì ổng lại thối thác: "chuyện
này tôi vô ý kiến", tưởng "vô ý kiến" như vậy cũng hay, coi
như ổng đứng ngoài, như vậy Vinh có thể triển khai ý mình một
cách cụ thể cho ban huynh trưởng biểu quyết thì đùng một cái ổng
lại nhẩy vô : "Theo ý tôi thì anh em nên nghĩ lại, chuyện này
không nên làm như vậy,...vân vân và vân vân...." Đã nhiều
lần Vinh cùng vài anh em trong ban huynh trưởng muốn mời ông già
này về hưu cho rồi, nhưng ngặt một nỗi là cái anh Liên đoàn phó
Chúc và cô nàng thủ quỹ Liên lại cứ năn nỉ và đề nghị ông già ở
lại:
-
- Bác ở lại để đóng
góp và chỉ dạy cho chúng con, vả lại ít nhiều bác cũng đã tham
gia Gia đình Phật tử từ lâu, chứ nếu bác từ chức, chúng con khó
tìm được người khác, mà giả sử bên chi hội có một chú, một bác
nào đó thương mà lãnh vai trò đó, nhưng chú đó, bác đó lại không
biết nhiều về tổ chức thì cứ đưa ý kiến ra tùm lum, tụi con thi
hành thì khó, mà không thi hành cũng khó !
-
Thủ quỹ Liên xen vô :
-
- Thôi, bác cứ ở lại
giúp chúng con, đơn vị đang trong giai đoạn vừa củng cố vừa phát
triển, mà bác đi ra thì chúng con như "con thiếu cha, nhà thiếu
nóc" làm sao !!! ?
-
Một vài người trong
ban phụ huynh nghe mùi tai, thông nhĩ, cũng đốc thêm vào, và
đương nhiên ông già lại đảm chức "bác gia trưởng" như cũ, có
người cho rằng : "Ông Bảy làm gia trưởng là đúng lý quá rồi, ổng
không làm thì ai làm, biểu tui làm, tui biết gì đâu mà làm, lọt
chọt tùm lum, tội nghiệp tụi nhỏ !"
-
Dĩ nhiên là Vinh
không phải không thấy mấy điểm đó, anh cũng thừa biết ngày nay
mình có học xong khoá huấn luyện nọ, khoá huấn luyện kia thì
cũng chỉ là người huynh trưởng mới toanh vừa bóc nhãn, so với
cuộc đời áo lam của ông già chùa thì mình thua xa, thuộc loại
tiểu hậu bối của ổng. Sở dĩ gọi tiểu hậu bối vì ổng có thể là
hàng huynh trưởng của các anh huynh trưởng của mình nữa là khác.
Thật sự Vinh không hẳn có thành kiến nhiều với ông Bảy, anh cũng
không quên những công lao của ông ta trong những ngày đầu đầy
gian nan tái hoạt động đối với gia đình Phật tử ở địa phương
này. Gọi là "tái" là vì trước đây nó đã hình thành, nhưng do một
lý do nào đó Vinh không rõ, nó "ngủm củ tỏi". Mãi đến ba năm
sau, tự nhiên trong chi hội xuất hiện sự tham gia một hội viên
mới là ông Bảy thì đề án gia đình Phật tử lại được gầy lại. Lúc
đó trong chi hội cũng không còn tin tưởng gì đề án này cho lắm,
nhiều người nói lãng ra :
-
- Thành lập thì dễ,
duy trì mới khó ! Chết ngắc một lần rồi, bây giờ tụi nhỏ thấy
chùa là tránh ra thì không biết làm sao gọi chúng lại !
-
- Tui nghe nói : tụi
nó lánh vì chùa biểu tụi nó tu nhiều quá, nó quợn !!!
-
- Hổng phải, tại việc
chùa mấy năm trước đây nhiều quá, chỉ em nào thích Phật pháp thì
còn đến, nhưng đa số tụi trẻ thì ham chơi, chúng phụ làm thì
mình cũng phải để chúng chơi một chút thì còn giữ được, chứ biểu
chúng làm hoài, đứa đang ở trong thì cũng muốn xù, nữa là đứa
đang ở ngoài thì làm sao nó chịu vô. Vậy là lèo tèo, tắt ngủm cù
đèo !!!
-
- Ôi thôi, cũng khó
nói lắm, cũng cùng một tuổi trẻ mà trăm đứa trăm ý, trăm tính
nết khác nhau, phần lớn là thích động nhiều hơn tĩnh, trong khi
đây là hội Phật, để tụi nó quạy riết thì còn gì danh xưng Phật
tử !!!!
-
....
-
Không phải gì đến
mười người mười ý nữa, mà có khi chỉ 9 người cũng đến 10 ý, nay
thế này mai thế nọ, việc Phật sự trong chi hội cứ thế mà rối
beng như mì sợi. Nhưng rồi một ngày kia, ông Bảy tự nhiên tham
gia vào chi hội, ông lôi kéo và kêu gọi vào thanh niên trẻ đã có
thời đóng góp nhiệt tình với chi hội trở về, Chúc là một trong
số đó, rồi ông đề nghị gởi Chúc, Liên và vài em nữa đi học trại
Lộc Uyển, cùng tham dự trại nọ trại kia học hỏi cách sinh hoạt,
tiếp tay cùng Vinh. Ông khuyến khích phụ huynh cổ động con em
tham gia sinh hoạt gia đình Phật tử, chẳng quản nắng mưa, gió
tuyết, tuy tuổi đã ngoài 60 nhưng ông vẫn lặn lội đến với bọn
anh. Từng chút một, từng ngày một, từng tháng một và đã hơn hai
năm nay, ông cùng vài huynh trưởng tập sự ban đầu đã đưa gia
đình Phật tử Quán Âm từ con số không đến 30 đoàn sinh và 7 huynh
trưởng. Nếu với thời gian như vậy và một đơn vị chỉ 37 người như
vậy mà ở Việt Nam, hay ở nơi cộng đồng người Việt đông như Hoa
kỳ, thì đây là một thành quả quá khiêm nhường, nếu không muốn
nói là "bệ rạc", nhưng ở một thành phố nhỏ tại Âu Châu, cộng
đồng chỉ lèo tèo hai, ba ngàn người Việt Nam định cư rải rác,
bao gồm nhiều thành phần chính trị, tôn giáo và xu hướng khác
nhau, thì phải nói đó là một thành quả to lớn và công lao của
ông Bảy không ít.
-
Nhưng có lẽ trời sanh
ra con người càng già nua càng trở nên thận trọng, càng trẻ con
tư tưởng càng phóng túng, cho nên giữa ông Bảy và nhóm của Vinh
đôi khi có những ý kiến không thuận với nhau. Có lần, sau một
buổi lễ, đơn vị anh thu được một ít tiền quỹ do bán bánh trái,
chè, nước trong buổi lễ, sau khi cúng dường để chuẩn bị làm chùa
một phần, phần còn lại xung vào quỹ, anh dự định cho anh em đi
picnic ngoại ô một chuyến và nhân cơ hội đó khao quân ngoài trời
cho vui, thì ông Bảy cản lại, ổng nói :
-
- Các con muốn đi
chơi xa thì đi cho thật xa, thu về thật nhiều lợi ích, chẳng hạn
vài tháng nữa có trại Ban Hướng Dẫn tổ chức nè ! Đó, để dành
tiền đi chuyến đó đi. Còn bây giờ mình có đoàn quán thì cứ về đó
sinh hoạt, còn ăn uống thì các anh chị nên giữ giới của người
Phật tử cho các em noi theo, chứ mặc áo lam ra đồi, ra hồ ăn mặn
coi không được chút nào !
-
Vinh cãi lại :
-
- Đâu có ăn mặn chú
Bảy, tụi con cho các em ăn chay mà, nhưng tính đi Eurodisneyland
một chuyến cho các em vui thôi, để các em hăng say sau những
ngày tháng đóng góp cho chi hội mệt mỏi.
-
- Vé eurpdisney cũng
đâu rẻ, theo tui các anh nên cho các em chơi hay đi đâu đó cho
có ý nghĩa, chứ vô trỏng dĩ nhiên là tụi nhỏ thích rồi, nhưng
hao ngân quỹ mình quá !!!
-
Thế là "out" chuyến
đi eurodisney lần đó. Một lần khác nhân một ngày nghỉ lễ cuối
năm vào ngày thứ hai trong tuần, mọi người sẽ được nghỉ week-end
3 ngày, anh em đề nghị tổ chức tiệc tất niên, ý kiến xong xuôi
đâu vào đó, thậm chí Khanh, con trai ông Bảy, đoàn phó đoàn
thiếu nam, còn nói :
-
- Anh Vinh ơi, đừng
để tin này cho ba em biết nha, ổng biết là ổng góp ý vô thì coi
chừng ổng bác ra cho coi !
-
Nhưng rồi không hiểu
sao ổng cũng biết, ổng lại đề nghị :
-
- Tất niên là việc
các con muốn vui chơi một chút, tui cũng không phản đối....
-
Khanh nháy Vinh ra ý
muốn nói "như vậy ổng không cản, đỡ quá !"
-
- ... Nhưng mà sắp
tới đây là ngày mùng 8 tháng 12 âm lịch, tức ngày Đức Phật thành
Đạo, theo truyền thống thì đó là ngày Dũng. Vậy theo ý tui, các
con nên tổ chức đi thăm viếng một trại dưỡng lão cách đây 30 cây
số, trong đó có 3 cụ già Việt Nam rất cô đơn và tội nghiệp.....
-
Sau một loạt tràng
giang đại hải ý nghĩa ngày Dũng của Thanh và Thiếu Nam, thế là
ban Liên đoàn và phụ huynh phải thuận theo ý ông Bảy và đến
chừng định ngày thì lại đúng vào ngày mà ban Liên đoàn định làm
tất niên. Thế là cuối cùng ngày tất niên bị dời lại 2 tuần sau
đó, cùng với thời gian dự trù là suốt một buổi chiều và tối, thì
bữa tiệc tất niên cũng bị "giảm biên chế", từ thức ăn mặn và hát
karaôkê, nay chỉ còn cắt bánh bông lan, ăn chè và hát karaôkê
chừng một hai tiếng rồi về vì hôm sau còn phải đi làm và đi học.
Hỏi chứ : tự nhiên ở đâu có ý kiến của ổng làm trét lét hết
trơn, khiến Vinh, Khanh và vài ba huynh trưởng nữa tính lấy le
với đoàn sinh mình bị cụt hứng hết trọi !, làm sao không tức !!
- * * *
-
Thật sự ông Bảy không
phải là không thông cảm ý của các anh em trong gia đình Phật tử,
chính ông cũng đã từng là đoàn sinh ngành Thiếu, rồi theo tổ
chức mười mấy năm cho đến lúc lãnh vai trò Liên Đoàn Phó. Ngày
nay huynh trưởng ở hải ngoại do những chuyển biến trầm nhiều hơn
thăng của tổ chức, một đoàn sinh chỉ chừng 4 hoặc 5 năm là phải
gồng vai đeo loon Liên Đoàn Phó, có khi chưa qua trại huấn luyện
A-Dục nữa là khác. Chứ thời ông làm gì có chuyện đó !
-
Hiện tại đưa ông lui
về quá khứ hơn bốn mươi mấy năm về trước, gợi ông nhớ lại những
kỷ niệm vui nhiều hơn buồn với Gia đình Phật tử Chánh Thiện, đối
với ông đó là một quãng đời vui vẻ nhất. Mỗi tuần đến ngày sinh
hoạt, trong sân chùa không bao giờ vắng tiếng cười của anh chị
em áo lam của ông, từ một em Oanh Vũ đến một huynh trưởng cao
niên đều hòa đồng trong tình Đạo nghĩa Đời. Rồi biến cố 75 xảy
ra, đơn vị Chánh Thiện tan nát, các em ông lần lượt tan hàng vì
phải gia nhập đoàn Thiếu niên Tiền Phong làm "cháu ngoan bác
Hồ", ngành Thanh thì bị bắt đi nghĩa vụ, đi thanh niên xung
phong, còn vài trường hợp thì đi biệt xứ. Trong giai đoạn tang
thương ấy, ông vẫn đi lại với chùa và vài ba em còn nặng tình
với tổ chức, có những trưa hè, anh em kéo nhau ra vườn chùa tìm
một bóng râm nào đó ngồi vòng tròn tâm sự, cái vòng tròn ngày
xưa bao bọc cả sân chùa thì cái vòng tròn ngày nay chỉ cần một
bóng cây nhỏ cũng đủ che rợp cả anh, chị, em. Còn vài người,
ngồi nhắc kỷ niệm cũ, nhắc đàn em đứa nào còn thấy mặt, đứa nào
vắng bóng ; đứa nào đã tử trận ở Kampuchia và đứa nào đã làm mồi
cho cá !!!, đó là quãng đời đau buồn nhất của ông.
-
Rồi cũng như bao
người, ông phải đưa gia đình ông rời quê hương ra đi, mười mấy
năm lưu lạc, chật vật mưu sinh nơi xứ người đã lấp dần tâm tình
nhớ thương của ông dành cho gia đình Phật tử. Bốn tiếng Gia đình
Phật tử tưởng rằng đã đi vào dĩ vãng và có lẽ quãng đời còn lại
của ông sẽ không bao giờ có dịp trông thấy màu áo lam và cái
đoàn thể thanh thiếu niên trẻ kia mà suốt quãng đời thơ ấu đến
thanh niên ông đã theo đuổi. Nhưng bỗng một ngày, gia đình ông
nhận được thơ mời dự lễ Phật Đản của chi hội Phật giáo tại địa
phương, tại cái tỉnh ông ở không có chùa, chi hội được toà thị
chính cho mượn một địa điểm trong một ngày để chi hội làm lễ.
Trong dịp đó ông gặp Vinh, hôm đó Vinh có ý mời Khanh tham gia
gia đình Phật tử, nghe vậy ông liền hỏi :
-
- Bộ ở đây cũng có
gia đình Phật tử sao ?
-
Vinh vui vẻ trả lời :
-
- Dạ chưa chú Bảy,
chúng con được sự khuyến khích của Thầy mỗi lần về làm lễ, nên
cũng muốn lập gia đình Phật tử, nhưng khó quá, con thì không
biết gì nhiều mà các anh em thì không ai tham gia với chi hội,
thành ra không lập được là vậy !!!
-
Chuyện lễ lộc qua đi,
cũng chưa gây được một nguồn kích động nào đối với ông, thì bỗng
dưng chi hội nhận được thơ mời dự trại gia đình Phật tử của Ban
Hướng Dẫn, Khanh được Vinh rủ đi, ông cùng đi theo. Ba ngày nơi
đất trại, trong khuôn viên chùa, đồng phục áo lam của các trại
sinh kéo nguồn tâm tư của ông dâng tràn. Ông cảm xúc trước hai
tiếng : Dân tộc và Đạo Pháp. Dĩ vãng vui buồn kéo về dồn dập,
hình ảnh chùa cũ quê xưa chiếm trọn hồn ông, chiếc áo lam ngày
nào tưởng rằng không bao giờ được nhìn thấy thì nay ông lại được
những đàn em khoác lên nơi xứ lạ quê người này, bông sen trắng
lại tiếp tục nở trên tuyết. Và từ đó, khi trở về địa phương ông
hết lòng khuyến khích Khanh tham gia cùng Vinh, ông vận động chi
hội cùng các phụ huynh nên cho con em tham gia Gia đình Phật tử.
Ông gởi thêm vài đoàn sinh đi học trại huấn luyện Huynh trưởng
Lộc Uyển để tạo thêm tinh thần và nồng cốt cho đơn vị, đồng thời
chấp nhận lãnh chức Bác Gia trưởng cho Gia đình Phật tử Quán Âm
tại địa phương này.
- * * *
-
Thời gian
gần đây ông thường hay đau ốm luôn, đôi lúc muốn từ chức vai trò
Gia trưởng và mời một phụ huynh khác trong chi hội đảm nhận
giùm. Thêm nữa, bây giờ các anh em ý thức được nhiều, đã qua
giai đoạn hình thành, đơn vị có phần vững chãi hơn xưa. Ban Liên
đoàn đã có thể tự quyết và điều hành sinh hoạt cho đoàn. Đã vài
lần ông xin từ chức thì lại có phụ huynh và huynh trưởng đứng ra
mời ông ở lại. Trong tâm tư ông muốn rút về vị trí một người
Phật tử tại gia để chuẩn bị hành trang cho cuối cuộc đời. Nhiều
đêm thao thức ông ôn nhớ lại quãng đời của ông, ông nghĩ về bà
Bảy, vợ ông, và thằng Khanh. Bà Bảy tần tảo với ông hơn hai mươi
mấy năm qua, chưa một lần trách móc ông khi ông tham gia gầy
dựng gia đình Phật tử. Mấy năm gần đây ông phải lo cho đơn vị,
bà vẫn vui vẻ lên chùa làm công quả và đứng tên trong ban bảo
trợ gia đình Phật tử. Gần cuối đời, ông muốn cùng bà sống cho
trọn tình một kiếp người. Thằng Khanh được ông bà bồng bế nó rời
quê hương từ năm nó mười tuổi, mười mấy năm qua ông hết sức dạy
nó Việt ngữ để nó có hội nhập với xã hội phương Tây cũng không
thể quên tiếng mẹ đẻ. Ông hy vọng "đi cày" thêm vài năm, đợi
Khanh ra trường, có việc làm thì cũng vừa lúc ông xin nghỉ hưu
là vừa.
- * * *
-
Dù đã 12 giờ khuya
rồi, Vinh vẫn không thể kềm chế được lòng, anh lại nâng máy gọi
lần nữa đến nhà ông Bảy :
-
- A lô, thưa thím,
chú Bảy về chưa thím ?
-
Giọng bà Bảy vẫn đều
đặn, nhưng không dấu nỗi lo lắng :
-
- Chưa con à ! Không
biết có chuyện gì không mà sao thím lo quá !
-
- Khanh còn thức
không thím ?
-
- Còn, nó cũng đang
đứng đây nè ! Con nói chuyện với nó nha !
-
- Dạ, cám ơn thím !
-
- A lô, Khanh đó hả
em ? Em và chú có khởi hành cùng lúc không mà sao tới giờ chú
cũng chưa về nữa hả em ?
-
- Dạ có, xe em 5
người, xe anh Chúc cũng 5 người, xe anh Thắng khởi hành cùng
lúc, ba em ngồi xe anh Thắng, đến chừng khoảng nửa đường thì em
và anh Chúc không thấy xe ảnh đâu nữa, tụi em ghé vào một trạm
nghỉ đứng đợi, rửa mặt, mà đợi hơn tiếng đồng hồ cũng không thấy
nên tụi em phải về trước.
-
- Trong xe Thắng có
chú rồi còn ai nữa em ?
-
- Thằng Đạt, thằng
Phú trong đoàn Thiếu của em.
-
- Ờ, thôi ; anh gọi
qua nhà Thắng thử coi, chừng nào em có tin gì mới nhớ gọi cho
anh nghe !
-
Cả đêm hôm đó Vinh
không tài nào chợp mắt, vợ anh cứ giục :
-
- Thôi, anh ngủ đi
mai còn đi làm, em nghĩ chắc không sao đâu !
-
Bốn tiếng "chắc không
sao đâu" lại càng gây cho người ta suy nghĩ đến nhiều vọng tưởng
bất an. Làm sao anh không lo khi đáng lẽ kỳ trại họp bạn lần này
anh phải đi cùng anh em, thì anh bị bận việc bất ngờ, nên đành
giao Đoàn cho Chúc cùng chú Bảy đưa anh em đi trại, đi 3 xe mà
giờ trở về chỉ có hai, còn một xe chưa biết ở đâu. Anh gọi sang
nhà Thắng thì vẫn không có ai nâng máy, chứng tỏ Thắng cũng chưa
về, thỉnh thoảng ba thằng Đạt và ba thằng Phú lại gọi lại cho
anh:
-
- Chú Vinh đó hả ?
Sao thằng nhỏ chưa thấy về ?
-
Anh phải trấn an và
sạo thêm rằng :
-
- Nó đi cùng xe với
chú Bảy, chắc ghé chùa nào đó dọc đường, không chừng còn ngủ lại
đó nên chưa về !
-
Nỗi lo lắng khiến anh
cảm thấy đêm dài ra, mệt nhọc, anh thiếp trên sa-lông lúc nào
không hay.
-
Tiếng điện thoại reo,
Vinh choàng bắn dậy, đồng hồ trên tường chỉ 5 giờ sáng, bên kia
đầu giây, tiếng Chúc cất lên có vẻ dồn dập :
-
- A lô, Anh Vinh đó
hả ?
-
Vinh đáp nhanh :
-
- Ờ, có tin gì không
em, anh đang lo quá !
-
Giọng Chúc run và lạc
dần trong ống nghe :
-
- Xe anh Thắng bị
accident (1) rồi, cả 4 người đều bị đưa vô nhà thương, người ta
gọi về cho thím Bảy, Khanh mới gọi cho em, Khanh chở thím Bảy
lên nhà thương rồi. Thôi, em lên đó liền bây giờ, anh tìm cách
báo cho nhà thằng Phú, thằng Đạt biết nha, em sợ báo tin này cho
người ta quá !!
-
Chúc buông điện
thoại, Vinh nghe tiếng máy cúp mà vẫn chưa chịu gác máy, anh
chết lặng một lúc, vợ anh từ trong phòng đi ra hỏi :
-
- Có chuyện gì vậy
anh ?
-
Vinh thuật lại vắn
tắt cho nàng nghe, cô nàng cũng chết sững, ngồi phịch xuống
sa-lông. Anh bỏ mặc vợ, chạy vào phòng thay quần áo, phóng nhanh
ra cửa, vừa đi vừa nói với lại :
-
- Anh nhờ em phôn cho
ba thằng Đạt, ba thằng Phú giùm anh, bây giờ anh lên bệnh viện
ngay. Đến sáng anh chưa về thì phôn vào hãng xin phép cho anh
đau ngày hôm nay.
-
Dứt lời anh biến mất
sau cánh cửa.
- * * *
-
- Tai nạn xảy ra do
một chiếc xe vận tải muốn vượt một chiếc xe vận tải khác nên đổi
tuyến và lách ra tuyến giữa, nhưng không ngờ chiếc xe vận tải
bên trong cũng lại bất ngờ đổi qua tuyến giữa thành ra chiếc xe
vận tải ngoài bị ép phải đâm thẳng ra tuyến ngoài cùng, tài xế
thắng không kịp nên đầu xe lao thẳng vào bên phải đầu xe người
Việt Nam đang chạy tuyến ngoài, khiến chiếc xe Việt Nam bị đâm
tung vào thành tường ranh giới đường, lộn ngược hai vòng, bắn xa
thêm 100 thước trước khi dừng hẳn. Cũng may xe không nổ. Một số
xe sau đâm vào chiếc xe vận tải đó, và dồn ứ lại trên xa lộ.
Cánh cửa bên phải phía trước xe Việt Nam móp nát vào trong, đầu
người già bị va chạm mạnh vào khung xe, người tài xế và hai
thiếu niên bị dồi như bột bánh mì, cả 4 đều bị thương nặng.
-
Lời viên cảnh sát
công lộ vừa thuật lại khiến mọi người chết lặng. Bà Bảy đứng
không nổi bỗng quỵ xuống, Chúc và Khanh vội đỡ bà ngồi vào dãy
ghế trong phòng đợi. Má của Đạt hỏi giồn :
-
- Rồi bây giờ họ có
sao không ?
-
Viên cảnh sát trả lời
:
-
- Họ đang trong phòng
cấp cứu, tôi không biết gì hơn !
-
Nói xong, chừng không
thấy ai hỏi gì nữa, viên cảnh sát bỏ đi. Vinh quay sang cha mẹ
của hai em đoàn sinh, anh muốn cất tiếng nói, nhưng nghẹn lời
không nói được, ba của Phú như cảm thông với anh, liền vỗ vai
anh rồi ra hiệu cho mọi người yên lặng ngồi đợi tiếp.
- * * *
-
Hai ngày căng thẳng
đầy ngột ngạt trôi qua, hai ngày nơi phòng thăm viếng của bệnh
viện không ngớt người Việt Nam lui tới thăm hỏi các nạn nhân tai
nạn, người trong chi hội và trong gia đình Phật tử thì lúc nào
cũng túc trực thay phiên nhau đến đó, người đồng hương của cộng
đồng cũng lui tới thăm viếng hỏi han, khiến các nhân viên y tá
người Pháp cũng lấy làm lạ là sao 4 nạn nhân này lại có nhiều
thân nhân đến thế !
-
Rồi chuyện gì đến đã
phải đến : Thắng bị trật cổ, gẫy tay trái và trật một bên chân
trái, cả ba nơi đều phải bó bột, tuy nhiên anh là người hồi tỉnh
trước nhất, ngay cuối ngày đầu tiên. Kế đến Phú và Đạt, cả hai
đều ở sau xe, do lúc xe bị lộn đều bị trật chân và lọi tay, cũng
phải bó bột, và tỉnh dậy sau Thắng vài giờ. Hai em còn nhỏ, khi
tỉnh lại bị đau nên khóc rưng rức. Chỉ có ông Bảy là nặng nhất :
bể xương sọ, gẫy chân, ông vẫn mê man, vết thương trên đầu vẫn
chảy nước, mặt ông sưng húp híp. Đến sáng ngày thứ 3 sau khi tai
nạn xảy ra, ông trút hơi thở cuối cùng do chấn thương quá nặng.
Thi hài được đưa vào phòng lạnh chờ giờ tẩm niệm.
- * * *
-
Sau khi mọi nghi lễ
chấm dứt, Thầy về hộ niệm cùng ban trị sự chi hội đọc lời tán
thán công đức ông Bảy, hơn trăm người dự tang lễ đều bùi ngùi
xúc động. Bà bảy khăn ngang áo xô trắng ngồi khóc thút thít,
Khanh cũng áo xô trắng, mũ, gậy đứng kế bên. Đàng sau ban trị sự
là toàn thể huynh trưởng và đoàn sinh gia đình Phật tử đồng phục
chỉnh tề nghiêm trọng tiễn đưa bác Gia trưởng. Thắng ngồi xe
lăn, nhờ một đoàn sinh đẩy, anh cũng cố đến tiễn biệt ông Bảy
lần cuối. Vinh thay mặt anh em đọc lời tiễn đưa ông Bảy, tiếng
anh nghẹn dần và cắt khúc nhiều đoạn :
-
- ...Với lời từ hoà,
bác đã chỉ bảo chúng con từng điều từng điều một.... bác thương
sót chăm lo cho chúng con từng ly từng tý .... mỗi khi anh em
chúng con lầm lỗi, bác luôn tha thứ cho chúng con trong tình
thương yêu vô bờ bến ....
-
- Bây giờ .... chúng
con có đốt đuốc tìm khắp nơi cũng chưa chắc tìm được một bác Gia
trưởng thư hai như vậy !!!
-
Vinh tắt nghẹn lời,
cố dồn nén xuống, anh tiếp :
-
- Hết rồi, thế là hết
rồi, bác ơi, thế là hết rồi !!!
-
Và anh khóc nghẹn
ngào, vợ anh liền nắm tay kéo anh xuống. Ông chi hội trưởng nhìn
người nhân viên nghĩa trang ra hiệu là nghi thức đã xong, quan
tài có thể đưa vào giàn thiêu. Chúc liền lách mình đến bên linh
cửu người quá cố rút lại chiếc cờ đoàn vẫn phủ trên nắp quan tài
từ hôm niệm ông Bảy đến nay, anh xếp lại, lẩm bẩm :
-
- Từ giã bác Bảy, mùa
Vu Lan năm nay, chúng con không còn bác nữa, bác ơi !!
-
Rồi anh để mặc cho
các giọt nước mắt thi nhau chảy xuống. Tiếng máy chạy, chiếc
quan tài từ từ được đưa vào đường hầm dẫn vào giàn thiêu. Bà bảy
vẫn khóc, Khanh đứng cầm hình ông Bảy và bát nhang lặng lẽ gục
đầu. Nhiều tiếng sụt sịt nổi lên đó đây hòa với tiếng niệm Phật
không ngớt của Thầy và ban hộ niệm : "Nam mô Cực lạc Thế giới
Tiếp Dẫn Đạo Sư A Di Đà Phật"
-
(1)
accident : Tiếng Pháp có nghĩa là "tai nạn"
--o0o--
|
|