|
VĂN HỌC NGHỆ THUẬT
-
Lá Rụng Về Đâu?
-
Thu Nguyệt
-
--o0o--
-
-
“Ðợi
gió!” - Tôi suýt trả lời như thế với câu hỏi bất ngờ cất lên
phía sau:
-
- Con đang đợi ai à?”
-
- Dạ thưa thầy, không ạ! - Tôi kính cẩn chắp tay chào thầy trụ
trì - Con đang suy nghĩ để hoàn tất bức tranh này thôi. Thầy
xem, những chiếc lá này con phải vẽ chúng rơi vào khoảng nào là
đẹp nhất ạ?
-
Tôi mở cho thầy xem bức tranh tôi vẽ đường đi của gió, có mấy
chiếc lá bồ đề đang bay lơ lững chưa rõ hướng rơi. Thầy cười
hiền lành, chân tín:
-
- Thì lá rụng về cội chớ về đâu con !
-
Tôi cuốn bức tranh lại, nói như với chính mình
-
- Giá mà được như vậy ! Nhưng không biết ...
-
Tôi bỏ lửng câu nói và thầy mỉm cười, nhẹ nhàng đi vào trong.
-
Năm ngoái, tôi đến ngôi chùa này để vẽ. “Chùa trong
thành phố” là đề tài mà tôi ấp ủ. Những ngôi chùa cổ kính, rêu
phong, nằm tách biệt với đô thị ồn ào đã đi vào tác phẩm của
biết bao bậc đàn anh, tôi biết khả năng mình không chen vào lối
mòn ấy được, nên cố tự tìm cho mình một lối đi khác. Tĩnh lặng
trong sự ồn ào, đó là điều không dễ. Cuộc sống công nghiệp gấp
gáp, một làn khói nhang quyện lẫn vào trong khói xe có làm cho
người ta vài phút giây lắng lại ?
-
Chùa nằm trong vòng vây của đủ loại tiếng ồn. Những âm thanh hòa
trộn vào nhau tạo ra một cái gọi là “âm thanh phố thị”, mà khi
đã quen, ta như không còn nghe thấy nó nữa. Khoảng sân rộng
vuông vắn, ngay ngắn những hàng cây kiểng được chăm sóc kỹ càng.
Giữa sân là một cây bồ đề cổ thụ rợp bóng. May mà người ta không
thể chăm sóc nó theo kiểu chăm sóc những cây kiểng nhỏ kia. Nó
tha hồ vươn ra, xòa xuống những tán lá vàng, xanh, rách, lành...
lẫn lộn, để khi có những cơn gió dạo qua thì còn có cái để mà
rụng rơi.
-
Buổi trưa hôm ấy thật là vắng vẻ. Bất chấp những âm thanh của
phố ong ong ngoài kia, tiếng chim trong vòm lá trong trẻo cất
lên làm cho ta có cái cảm giác yên ắng thật tuyệt vời. Chùa cũng
là một cơ sở phật học cho nhiều tăng ni về đây học tập nên rất
đông người, chỉ có buổi trưa thì đôi lúc còn được yên tĩnh. Tôi
đang sung sướng tận hưởng những giây phút hiếm hoi, lắng nghe
tiếng gió, tiếng chim, thả rộng tầm mắt mà không vấp bóng
người... thì lại thấy thấp thoáng dưới cội cây bồ đề dáng một
chiếc áo lam. Một vị tu sĩ trẻ khỏang 20 -25 tuổi đang cúi lượm
những chiếc lá trên sân. Tôi thầm chán nản nghĩ: Lại một sự chăm
sóc quá đáng! Mảnh sân đã quá sạch sẽ rồi, có mấy chiếc lá rơi
để coi chơi mà cũng đi nhặt sạch! Nhưng hay kìa! Vị ấy chỉ nhặt
qua loa vài chiếc lá bỏ vào gốc cây rồi đi vô. Tôi thầm cám ơn
sự lười biếng, cẩu thả ấy. Thế nhưng hôm sau, rồi hôm sau nữa,
đúng vào giờ ấy, vị tu sĩ kia lại đi ra và lập lại công việc như
hôm trước. Tôi quan sát kỹ thì thấy vị ấy nhặt lá một cách rất
trang nghiêm, và hình như chỉ vừa đúng 8 chiếc lá, không hơn
không kém.Cúi nhặt, nhìn ngắm, rồi cẩn thận xếp vào gốc...
-
Ðến ngày thứ sáu thì tôi không nén nổi tò mò. Sau vài ngày làm
quen và tìm hiểu, tôi được biết:
-
Ðạo Trí - pháp danh của vị ấy - vào chùa từ năm 6 tuổi. Ðược
thầy hết lòng thương yêu vì tính tình ôn hòa, kiên nhẫn, chịu
khó. Suốt mười hai năm ở trong thiền viện, Ðạo Trí là niềm hy
vọng của thầy, của các huynh đệ, bởi đạo hạnh và công phu tu.
-
Năm ấy, thiền viện mở khoá tập tu cho tăng ni sinh một số chùa.
Dịp này Ðạo Trí đã quen với Tâm Nhân. Hai người nhanh chóng trở
thành bạn thân với nhau bởi Tâm Nhân tỏ ra gần gũi và rất đồng
điệu với Ðạo Trí. Tuổi mới lớn, ở thiền viện lâu năm, chung
quanh là thầy và các huynh trưởng, dẫu yêu thương nhưng luôn
nghiêm khắc, Ðạo Trí không có dịp bày tỏ những suy nghĩ vu vơ
lãng mạn của mình. Như một trái gòn, ém trong mình một số lượng
bông mà chính nó cũng không thể rõ hết, nay được nứt võ, trở
mình, nó nghĩ rằng nếu được sổ tung ra, thì chắc nó sẽ nặng hơn
trọng lượng mà nó có. Tuổi mười tám dễ dàng kết thân và trở
thành bạn tâm đầu ý hợp với những ai tỏ ra ra quí phục, biết
lắng nghe và tỏ ra đồng điệu với mình. Tâm Nhân đã mang đến cho
Ðạo Trí những điều mà ở thiền viện mọi người không có. Tất cả
những nỗi lòng, tâm sự, ước mơ...(mà trước đây Ðạo Trí không
nghĩ rằng mình cũng có những điều như thế) được trút ra. Một cây
bút chì khi nằm trong tay đứa học trò lớp vỡ lòng, nó chỉ viết
ra được những chữ cái, đến khi gặp một kiến trúc sư thì nó tưởng
rằng mình có thể làm nên những ngôi nhà! (Mà quên rằng trên đầu
mình còn có một cục tẩy và bên cạnh còn có sẵn một cái dao gọt
viết.!)
-
Thế rồi Ðạo Trí trốn thầy “ xuống núi” theo Tâm Nhân về ngôi
chùa này để đi học.
-
“Phải học hành đàng hoàng trước đã, đó là điều chắc chắn đúng
trong thời đại ngày nay, người tu sĩ cần phải có một trình độ
học vấn uyên thâm mới mong đem đạo pháp đến gần với cuộc sống
hiện đại, công việc hoằng pháp mới thuận lợi được; thầy đang
còn trẻ và với khả năng của mình, nếu được học hành đến nơi đến
chốn sẽ tiến rất xa...” đó là lời khuyên của Tâm Nhân.
-
Không biết Ðạo Trí sẽ tiến xa đến đâu, nhưng trước mắt là cách
sống và suy nghĩ của Ðạo Trí đã phải khác trước. Bước đầu là
hình thức bên ngoài: Cũng vẫn ba màu áo ấy nhưng chất liệu vải
nay đã khác; cũng vẫn chỉ đôi dép đỡ chân nhưng nay phải êm hơn;
từ chiếc xe đạp cà tàng để đến trường, nay vì thời gian gấp gáp,
phải thay bằng chiếc xe máy mới theo kịp giờ giấc học tập từ lớp
Phật học đến các môn học bên ngoài: Anh văn, Hán văn, vi tính,
..v..v... Có gì quan trọng đâu, đó chỉ là phương tiện, chấp làm
gì! Tỏ ra kham khổ quá mà chi, mình phải hòa đồng với mọi người
xung quanh chớ.
-
Ðạo Trí đã bước đầu thành công, học hành rất tốt. Vậy mà... mỗi
khi có dịp gặp lại các huynh đệ cũ, nghe những lời phân tích,
trách cứ... Ðạo Trí lại cảm thấy buồn, thấy hình như mình đã
sai, đã chạy theo vọng tưởng nhiều quá. Khổ tâm nhất là khi gặp
lại thầy, thầy không nói gì cả, không trách mắng cũng không
khuyến khích, vẫn điềm đạm từ bi nhìn Ðạo Trí như ngày nào;
nhưng không hiểu sao Ðạo Trí không thể yên tâm được! Những câu
nói của mọi người cứ như một cuộn băng cứ quay đi quay lại rối
tinh trong đầu: “Ðã được Hoà Thượng tự thân tận tình chỉ dạy,
đường thẳng không đi lại đi đường vòng.” ... “Học viện đã nhiều
hơn tu viện, người của tu viện lại chạy ra học viện!” ... “Liệu
đã đủ bản lĩnh để vừa học vừa tu?”... “Trường lớp như một cái
tiệm uốn tóc, người có tóc vào đó, khi bước ra chưa chắc ai cũng
được một mái tóc đẹp, huống chi mình là người đã cạo trọc đầu !”
... “Con đường nào cũng được, miễn về đích là tốt, hãy đi đúng
con đường mà mình đã chọn, đừng nhảy lung tung”....
-
Nghiệp phước khó đoán! Thôi thì tùy duyên vậy. Ðể tự nhắc nhở
mình, Ðạo Trí quyết định làm một việc: Mỗi trưa, sau giờ quả
đường, khi mọi người đã đi nghỉ cả, Ðạo Trí lại ra gốc bồ đề,
nhặt lấy tám chiếc lá gom vào gốc cây...thể hiện lòng mong mỏi,
triết lý sống của mình.
-
Không biết công việc ấy Ðạo Trí thực hiện được bao lâu, bởi sau
đó tôi phải đi công tác xa một năm. Tôi ấp ủ bức tranh và mong
ngày trở lại chùa. Và giờ đây tôi đang đứng chờ... Ðã quá cái
giờ mà Ðạo Trí đi ra nhặt lá, vẫn chưa thấy bóng người đâu. Ðạo
Trí đã trở về thiền viện? Ðạo Trí đã đi học xa? Ðạo Trí đã đủ
vững, không còn cần đến cái việc tự nhắc nhở mình một cách lãng
mạn, giáo điều như vậy nữa. Hay là Ðạo Trí đã... chính điều
này làm tôi không dám hỏi thăm về Ðạo Trí. Tôi sợ...
-
Vài cơn gió thoảng qua, những chiếc lá bồ đề lại rơi một cách
nhẹ nhàng thanh thản. Khi đã chắc chắn rằng không còn có Ðạo Trí
ra nhặt lá nữa, tôi đứng tần ngần thầm gởi ước mong vào những
cơn gió. Cơn gió nào sẽ đưa những chiếc lá kia về cội, cơn gió
nào sẽ thổi chúng bay xa ? ...
-
Và có lẽ bức tranh của tôi sẽ là bức tranh với những chiếc lá
đang bay lơ lững chưa biết sẽ về đâu.
-
Rời chùa ra về, khi bước qua cội bồ đề, tự dưng tôi cúi xuống
nhặt lấy tám chiếc lá. Chưa biết vì sao và để làm gì.
--o0o--
|
|