|
VĂN HỌC NGHỆ THUẬT
-
THƯ KHÔNG GỬI
-
--o0o--
-
-
Thưa Thầy,
-
Không biết đây là lá thư thứ mấy, con đã viết mà không bao giờ
gửi đi, bởi vì, biết gửi về đâu để tới được tay Thầy?! Những thư
trước đã đầy nước mắt, thư này có khô ráo được không?
-
Chiều nay, quét lá ngoài vườn, con không ngớt nghĩ về con đường
hẻm năm xưa, nơi một gia đình người miền Bắc di cư, được xóm
người miền Nam đón nhận bằng tất cả ấm áp của tình người. Thầy
ơi, con đường hẻm đó, đối với con đã thiêng liêng như con đường
đất mấp mô dẫn ra bờ sông Ni Liên Thuyền khi sa-môn Gotama quyết
định bỏ lối tu khổ hạnh. Ngài men xuống ven sông tắm gội như một
hình thức làm mới lại tư tưởng, nhưng vì quá đuối sức sau nhiều
ngày tháng ép xác, Ngài đã ngất xỉu trên đường trở lại khu rừng
bên kia sông. May thay, một cô bé trong làng đang bưng mâm phẩm
vật vào rừng cúng thần linh đã kịp nhìn thấy ông thầy tu khổ
hạnh đó. Cô quỳ xuống dâng sữa. Giây lát, vị sa-môn tỉnh lại và
cho cô biết Ngài là thái-tử con vua Tịnh Phạn, đã bỏ cung vàng
điện ngọc ra đi tìm đạo.
-
Câu chuyện tuyệt vời này Thầy đã từng kể cho chúng con nghe
nhưng năm xưa ấy, với lứa tuổi lên chín, lên mười, đám trẻ nhỏ
trong xóm nghèo đâu có thấy hấp dẫn bằng chuyện Thạch Sanh-Lý
Thông, Tấm Cám, Phạm Công-Cúc Hoa ..... với những tình tiết ly
kỳ, những thắt mở hồi hộp hơn. Tuy thế, đám thiếu nhi Phật tử
chúng con siêng đi chùa lắm vì tới chùa được bác Sáu cho oản
chuối, được huynh Thiện Tâm dạy hát, dạy tụng kinh. Riêng hai
chị em con, cứ cơm nước buổi tối xong là vào chùa vì chùa gần
quá, qua nhà bà Hai bán gạo, nhà ông Năm xích lô, qua vườn rau
của cô Bẩy thư ký, tới tiệm chạp phô chú Lìn là nhìn thấy mái
chùa. Chùa nghèo lắm, hàng rào gỗ xiêu vẹo đã lâu, huynh Thiện
Tâm chắp vá mãi vẫn xiêu vẹo, nói chi đến sơn lại những bờ tường
rêu phong, loang lổ. Nhưng đất chùa rộng nên bác Sáu trồng đủ
các loại rau, các loại bầu bí làm thực phẩm cho chùa; Rồi không
biết do đâu, người trong xóm thấy rau trái nhiều đã tới xin mua
lại khi họ cần. Bác Sáu đâu có bán! Bác Sáu bảo, ai cần thì cứ
vào mà hái, cửa chùa có đóng bao giờ đâu.
-
Chùa nghèo, dân trong xóm cũng nghèo nhưng ai vào chùa xin rau
trái đều nhẹ nhàng bỏ vào thùng phước sương ít nhiều, tùy theo
khả năng mình. Thật thân thương biết bao tình người, nghĩa đạo.
Chùa nghèo như thế mà bác Sáu đã bế vào chùa hai đứa bé mồ côi
mà cha mẹ chúng bỏ trước sân chùa. Hai đứa bé đó là hai chú tiểu
mà bác Sáu gọi tên là Tốt và Lành. Ngày đó, con cũng còn quá
nhỏ, đâu có thắc mắc sao hai chú không có pháp danh đẹp đẽ như
Thiện Tâm, Thiện Hữu, Thiện Tường ...... mà lại là Tốt, Lành?
Hoặc hai chú cũng có mà con chưa bao giờ nghe ? Nhưng chúng con
thì được Thầy và bác Sáu gọi bằng pháp danh ngay sau khi quy y.
Quy y là gì ? Thuở ấy con nào hiểu, chỉ biết rằng, nhằm lễ Vu
Lan, huynh Thiện Tâm bảo “Các em quy y với Thầy đi, các em sẽ
chính thức là con của Phật, Thầy sẽ cho các em một cái tên mới,
như khi cha mẹ sinh con ra đều đặt tên cho các con vậy”.
-
Con biết chị Tư bán xôi có pháp danh là Diệu Hương, chị Chín thợ
may có pháp danh là Diệu Liên v... v... nên con nghe lời huynh
Thiện Tâm, xin quy y cũng chỉ vì muốn được thầy cho một cái tên
đẹp đẽ mà thôi ! Ôi, tuổi nhỏ thơ ngây thật là tội lỗi !
-
Nào phải con chỉ không thắc mắc pháp danh của hai chú tiểu mà
pháp danh của Thầy con cũng không hề biết! Bác Sáu là chị, thầy
là em. Trong xóm gọi thầy là thầy Bẩy, chúng con cũng chỉ biết
thế. Vào chùa chỉ biết vòng tay thưa “Lạy Thầy ạ”. Thế thôi!
-
Sau khi chúng con quy y không bao lâu thì xóm nghèo đó ngập
trong biển lửa vì nội chiến giữa lực lượng Bình Xuyên với chính
quyền đương thời. Cà xóm đều chạy thoát nhưng tan tác muôn
phương. Với bận rộn của tuổi học trò, với những sân ga, những
bến đậu, những vui buồn của giòng sông tục lụy, con đã không hề
trở lại xóm xưa, không biết Thầy đã đi đâu, về đâu!!!
-
Nửa thế kỷ đã trôi qua, nửa thế kỷ như một sát-na của kiếp sống,
ở phút giây nào kỳ diệu đã bừng lên hai chữ “Diệu Trân” tận thẳm
sâu tiềm thức. Khi bỗng chợt nhớ lại pháp danh của mình, con đã
bật khóc nức nở, không phải chỉ khóc một lúc mà khóc một đêm,
một ngày, nhiều đêm, nhiều ngày. Bất cứ biết có người quen nào
về thăm quê hương, con đều nhờ tìm Thầy. Chùa xưa dù đã dựng lại
sau hỏa hoạn nhưng Thầy không trụ ở đó nữa. Chưa tuyệt vọng, con
lại nhờ tìm tông tích huynh Thiện Tâm nhưng huynh đã về quê xa
xôi làm rẫy ! Thầy như bóng chim bay ngang lưng trời, không để
lại dấu vết gì, chỉ còn lại trong con hai chữ “Diệu Trân”, quằn
quại tâm sám hối, không biết phải làm gì để đền đáp ơn Thầy?
-
Nơi xứ người, con khoác tấm áo lam lên thân tứ đại, tìm đến các
chùa, làm công quả, từ xắt bí, gọt khoai, rửa chén bát, tới lau
chùi nhà vệ sinh, quét dọn, đổ rác ...... Con im lặng làm việc
mà trong lòng không ngớt nức nở hai tiếng “Thầy ơi!”. Con sợ
nhất là khi thỉnh thoảng có người bạn đạo vô tình hỏi “Thầy
Bồn-sư của Diệu Trân là ai?” hay “Tổ-đình Diệu Trân ở đâu?” con
đều không kịp kìm giữ giòng nước mắt rào rạt trôi lăn. Một kẻ tự
nhận là Phật tử mà không biết pháp danh của Thầy Bổn-sư, không
biết Thầy nơi đâu, Tổ-đình nơi đâu, thì có xứng đáng là con Phật
hay không ?
-
Xong những công việc chấp tác, con mon men lên chánh điện, tìm
một chỗ ngồi khiêm nhường nhất để được nghe giảng pháp.
Giòng-Suối-Từ thầm lặng thẩm thấu vào sa-mạc mênh mông khổ não
trong con, tới một ngày con bỗng hiểu rằng Thầy không chỉ là
hình bóng Thầy Bẩy trụ trì ngôi chùa trong xóm nghèo mà Thầy còn
là thời công-phu-sáng, thời kinh-trưa, thời thiền lặng lẽ khi
trăng khuya bàng bạc bên khung cửa sổ. Thầy cũng là lời con phát
nguyện khi tụng kinh Pháp-Hoa:
-
“Con nay phát nguyện rộng
-
Thọ trì kinh Pháp-Hoa
-
Trên đền bốn ơn nặng
-
Dưới cứu khổ tam-đồ”
-
là
bài kệ sáng ngời khi con tụng kinh Kim-Cang:
-
“Nhất thiết hữu vi pháp
-
Như mộng, huyễn, bào ảnh
-
Như lộ diệc như điện
-
Ưng tác như thị quán”
-
là
bài tán Hội Liên-Trì khi con tụng kinh A-Di-Đà:
-
“Liên-Trì hải hội
-
Di
Đà Như-Lai
-
Quan Âm Thế Chí tọa Liên-đài
-
Tiếp dẫn Thượng-kim-giai
-
Đại thệ hoằng khai
-
Phổ nguyện li trần ai”
-
là
phút Quán Không, khi con tụng kinh Bát-Nhã, là Viên-Giác,
Lăng-Nghiêm, Đại-Bảo-Đàn ......... Thầy vẫn ở cùng con trên từng
lời Phật dạy. Thầy là người cha đã khai sinh ra con từ một bông
hoa đặt nhẹ trên đỉnh đầu trong không gian tưới tẩm hương Vu Lan
năm đó. Thầy nào có xa rời con? Thầy nào ngưng dạy dỗ? Chính
Thầy đang dắt con tới từng đạo tràng, dạy con biết cách cúng
dường, biết cách tu thân, biết nhận ra lỗi lầm, biết nhẫn nhục,
biết tha thứ. Sao bấy lâu nay con không nhìn ra mà cứ đau khổ
quằn quại “Thầy ơi! Thầy đâu?” trong tâm trạng đứa con lạc cha!
Suốt nửa thế kỷ qua, con nào khác chi kẻ cùng tử trong phẩm “Tín
Giải”, kinh Pháp-Hoa, không nhận ra cha mình dù cha đang ở trước
mặt.
-
Thưa Thầy,
-
Thầy đã quá từ bi và kiên trì đối với một đệ tử vô minh tột cùng
như con. Phải nửa thế kỷ, tấm màn vô minh mới hé cho con chút
ánh sáng. Không thể tình cờ người bệnh chợt khỏe, trẻ nhỏ chợt
lớn. mà chắc chắn phải có sự chăm sóc, nuôi dưỡng dưới hình thức
nào đó.
-
Đêm qua, ngồi thiền dưới trăng khuya, hương đêm chợt dấy trong
hồn con một cảm xúc cực kỳ mãnh liệt. Đó là cảm xúc khi Thầy vẩy
nhẹ đóa hoa trên đỉnh đầu con trong mùa Vu Lan năm nào và nói:
“Pháp danh con là Diệu Trân”. Cảm xúc kỳ diệu đó, mãi đến ngày
nay con mới cảm nhận được. Con xin tạ ơn Thầy, Thầy Bổn-sư của
con. Trong mầu nhiệm của những điều không thể dẫn giải bằng lý
trí, con nay tin chắc rằng Thầy đã không ngừng dạy dỗ con. Ngay
cả những người chỉ sống bằng lý trí, tuyệt đối không tin những
gì mà họ không nhìn, nghe, sờ mó được, họ đều quên rằng họ có
nhìn, nghe, sờ mó được không khí đâu! Nhưng họ đã không thể chối
bỏ sự hiện hữu của không khí trong mênh mông vũ trụ này.
-
Viết thư này cho Thầy, con tưởng rằng sẽ lại khóc tầm tã như
những lá-thư không-gửi trước. Nhưng Thầy ơi, con đang nghe được
tiếng bầy sẻ lao xao bên bờ tường. Chúng không ríu rít ca ngâm
như mấy ông bà thi sỹ tưởng tượng mà chúng đang gọi con, chỉ để
xin cơm nguội. Con mang cơm cho chúng hàng ngày, con biết rõ mà.
Những cây bưởi đang đơm hoa cũng kêu khát nước, con nghe từng
nhánh lá réo gọi dưới nắng hè chói chang; và những bông súng
đang kèn cựa, xô đẩy những nụ sen đầu mùa rất thư thả mà vững
chãi, nhô lên khỏi mặt nước. Thầy đang dạy con những bài học khó
hơn, phải quán tưởng sâu sa hơn, lắng tâm tĩnh lặng hơn, mới
giao cảm được sự chia xẻ thân thương cùng vạn hữu quanh ta. Khi
nhận được điều đó, ta sẽ không còn cô đơn nữa.
-
Thưa Thầy,
-
Từ
nay con đã có câu trả lời khi các bạn đạo hỏi:
-
-
Thầy Bổn-sư của Diệu Trân là ai?
-
-
Thưa, Thầy Bổn-sư của tôi là những vị dạy tôi biết nhận ra Phật
tánh của mình.
-
-
Tổ-đình của Diệu Trân ở đâu?
-
-
Thưa, Tổ-đình của tôi là nơi Phật Pháp được rao giảng, như tinh
thần phẩm “Hiện Bảo Tháp” trong kinh Pháp-Hoa, Phật Đa Bảo đã
phát nguyện: “Nơi đâu có vị Phật thuyết kinh Pháp-Hoa, tôi sẽ
hiện tháp nơi đó để tán thán”.
-
Trong không gian thơm ngát hương đạo vị, con cảm nhận rất rõ
Thầy vừa dạy con điều ấy.
-
Con xin quỳ xuống, kính cẩn năm vóc tạ ơn Thầy.
-
Đệ tử của Thầy
-
Diệu Trân
-
(Như-Thị-Am, mùa An Cư Kiết Hạ 2006)
--o0o--
|
|