|
PHẬT GIÁO VIỆT NAM
-
CHỨC NĂNG
-
CỦA PHẬT GIÁO VIỆT
NAM NGÀY NAY
-
Trần Tuấn Mẫn
-
--o0o--
-
-
Suốt 20 thế kỷ từ khi
du nhập vào Việt Nam, Phật giáo đã bắt rễ thâm sâu vào mảnh đất
này, đóng một vai trò rất quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và
bảo vệ đất nước trải qua những thăng trầm trong lịch sử của dân
tộc.
-
Sau 1000 năm bị người
Trung quốc đô hộ, một thời kỳ độc lập bắt đầu với cuộc chiến
thắng vẻ vang quân xâm lược Nam Hán vào năm 939. Đây là một thời
kỳ vàng son của Phật giáo Việt Nam. Trong hơn 400 năm dưới các
Triều đại Đinh ( 968-980), Triều Lê (980-1009), Lý (1010-1225)
và Trần (1225-1400), các nhà nước đều ủng hộ Phật giáo như một
quốc giáo và được Phật giáo tích cực ủng hộ. Do đo mà đất nước
trở nên hùng cường, thịnh vượng và nhân dân hiền thiện, hạnh
phúc, với những thành tựu tốt đẹp nhất về quân sự và văn hoá
trong lịch sử phong kiến ở Việt
Nam.
Nhiều vị Tăng tài đức được mời làm Quốc sư. Vua, đại thần, tướng
lãnh… đều là những tín đồ và học giả Phật giáo. Nhiều người sau
khi hoàn thành việc nước, đã từ bỏ gia đình, tài sản để tu hành
tại một ngôi chùa hẻo lánh. Vua Lý Thái Tổ, người sáng lập Triều
Lý vốn là một Sa di, kế vị của ông là Lý Thánh Tông, cũng là một
nhà Phật học. Vua Trần Thái Tông là một Thiền sư, tác giả của
nhiều bộ sách Phật học giá trị, sau khi lãnh đạo nhân dân chiến
thắng lẫy lừng các đạo quân Mông Cổ, đã nhường ngôi cho con là
Trần Thánh Tông, từ bỏ ngai vàng mà đến núi Yên Tử tu tập và
sáng lập Thiền phái đầu tiên tại Việt Nam, tức Thiền Phái Trúc
Lâm.
-
Những dấu tích văn
hoá và tư tưởng Phật giáo Việt nam không chỉ thể hiện trong các
tác phẩm do các tu sĩ và học giả Phật học biên soạn tạo thành
một nền văn học phong phú mà còn thể hiện trong các sinh hoạt
hằng ngày, nhất là trong các công trình kiến trúc, điêu khắc
trang trí. Các nghệ nhân và các nhà kiến trúc Phật tử đã ghi
khắc niềm tin của mình trong xây dựng lăng mộ, chùa chiền, cung
điện, trong việc chạm khắc bia tượng và trang hoàng nhà cửa.
Phật giáo thâm nhập vào quần chúng nhân dân Việt nam qua các
chuyện thần kỳ, ca dao tục ngữ, ca trù dân gian…. Truyền từ thế
hệ này sang thế hệ khác. Nhiều đại tác phẩm trong văn học Việt
nam do các Nho gia viết như Truyện Kiều ( Nguyễn Du), Cung oán
ngâm khúc ( Nguyễn Gia Thiều), Bạch Vân Thi ( Nguyễn Bỉnh
Khiêm).v.v… cũng chứa đựng tư tưởng Phật giáo. Có thể nói, văn
hoá Việt Nam
thấm nhuần màu sắc Phật giáo.
-
II. Xã Hội Việt nam
ngày nay và chức năng của tôn giáo:
-
Khi đất nước được
giải phóng vào năm 1975, chính quyền và nhân dân Việt Nam phải
đối mặt với nhiều khó khăn trong một giai đoạn chuyển tiếp 15
năm do bởi những hậu quả của cuộc chiến tranh lâu dài vì độc lập
tự do và thống nhất đất nước và do những khác biệt giữa hai miền
Nam Bắc Việt Nam về cơ cấu chính trị, xã hội, kinh tế, và cả về
lối sinh hoạt, suy nghĩ. Nhưng rồi tình trạng này dần dần trở
nên tốt đẹp hơn và đời sống xã hội ngày càng được ổn định.
-
Chính sách mở cửa của
nhà nước Việt Nam rõ ràng đã giúp đất nước tiến tới một bước
ngoặc trong sự phát triển kinh tế. Do vậy mà phát sinh một sự
thay đổi nhanh chóng trong nhiều lĩnh vực sinh hoạt xã hội, có
nguy cơ xói mòn nền tảng đạo đức của xã hội. Nhiều người, nhất
là giới trẻ, đã phải đối mặt với những nền văn hoá ngoại lai,
những lối sống mới và cuối cùng chấp nhận chúng mà không hề đắn
đo cân nhắc. Một tầng lớp xã hội mới gồm những người giàu, sản
phẩm của kinh tế thị trường, của tham nhũng, bất chính đã khởi
sự hình thành. Trong khi đó, dù có những thành tựu đáng kể về
phát triển kinh tế, nghèo khổ, thậm chí đói khát và lạc hậu vẫn
tồn tại ở một số vùng xa…
-
Hiện nay một số người
bảo rằng do chính sách mở cửa, xã hội Việt Nam bị ảnh hưởng bởi
hệ thống kinh tế tư bản và những xu hướng mới về chính trị, xã
hội văn hoá, điều này đòi hỏi một sự thay đổi chế độ chính trị.
Tôi không phải là một nhà chính trị nhưng tôi nghĩ rằng Trung
Quốc đã và đang đạt được những kết quả rất tốt đẹp nhờ chính
sách mở cửa từ hai thập niên vừa qua mà chẳng cần có một thay
đổi chế độ chính trị nào cả. Theo tôi, nhiệm vụ trước mắt là
phải thực hiện cho được một sự cân bằng giữa phát triển kinh tế
và phát triển đạo đức cho xã hội Việt Nam ngày nay.
-
Chính quyền không
ngừng kêu gọi nhân dân gìn giữ đạo đức, văn hóc truyền thống và
tôn trọng tinh thần tuân thủ pháp luật, nhưng số tội phạm vẫn
gia tăng liên tục, gây nhiều rối ren cho xã hội.
-
Trước tình hình suy
thoái đạo đức này, tôn giáo phải tham gia chữa trị căn bệnh của
xã hội bằng cách thiết lập một trật tự đạo đức. Cả chính quyền
lẫn tôn giáo đều hứa hẹn hạnh phúc cho nhân dân. Tuy nhiên, lời
hứa về hạnh phúc của tôn giáo thì hấp dẫn hơn vì người ta vẫn
bảo rằng hạnh phúc do tu tập thì tuyệt đối và vĩnh cửu. Chỉ có
tôn giáo mới có thể thực sự khắc sâu vào tâm thức người ta một
niềm tin sâu sắc, mãnh liệt, một tin tưởng vào sự tuyệt đối, vào
năng lực tối thượng. Niềm tin tưởng này hành động, phán đoán và
chẳng dính dáng gì đến luật pháp và sự thưởng phạt của đời
thường.
-
Tôn giáo và đạo đức
sẽ có khả năng đương đầu với sức mạnh kinh tế và chủ nghĩa tư
bản hay không? Câu hỏi này đã được nêu ra ở nhiều nước, đã phát
triển hay đang phát triển, và câu trả lời là "Vâng, sẽ có khả
năng". Tại miền Nam Việt Nam trước năm 1975, câu hỏi này cũng
được các nhà tôn giáo, các nhà đạo đức đặt ra và những nỗ lực
của tổ chức tôn giáo, đạo đức đã tỏ ra có hiệu năng trong việc
giảm thiểu những rối ren của xã hội.
-
Điều quan trọng là
phải có một sự hợp tác chặt chẽ giữa chính quyền và tôn giáo.
Chính quyền phải ủng hộ tôn giáo trong những hoạt động vì hạnh
phúc của số đông và vì sự phát triển của tôn giáo.
-
III. Chức năng của
Phật giáo tại Việt Nam ngày nay:
-
Đất nước được giải
phóng vào năm 1975, mở ra một kỷ nguyên mới của nước cộng hoà xã
hội chủ nghĩa Việt Nam. Trong bối cảnh chính trị này, một cuộc
vận động được phát khởi nhằm thống nhất các tổ chức và các hệ
phái Phật giáo ở hai miền Nam và Bắc Việt Nam. Vào ngày 06 tháng
11 năm 1981, một đại Hội được tổ chức tại Hà Nội với sự tham dự
của 165 đại biểu, soạn thảo một bản hiến chương, theo đó Giáo
Hội Phật giáo Việt Nam là tổ chức duy nhất đại diện cho toàn thể
Tăng Ni và Phật tử tại Việt Nam. Đại hội cũng đưa ra một chương
trình hành động cho Giáo Hội Phật giáo Việt Nam, gồm các điểm
sau:
-
Thực hiện sự hợp tác
hoà hợp dân tộc giữa các hệ phái Phật giáo, giữa Tăng ni Phật tử
;
-
Truyền bá Chánh pháp
và nêu rõ tính tích cực của Phật giáo;
-
Thiết lập một hệ
thống giáo dục cho Tăng Ni và một lối sống đúng đắn cho các Phật
tử;
-
Tăng cường truyền
thống yêu nước của Phật giáo Việt Nam, mối liên hệ gắn bó của
Phật giáo với nhân dân Việt Nam và sự đóng góp tích cực của Phật
giáo vào công cuộc xây dựng và bảo vệ tổ quốc;
-
Ổn định kinh tế nhà
chùa để cải thiện điều kiện sinh hoạt của Tăng Ni và đóng góp
tạo phồn vinh cho đất nước;
-
Tăng cường mối liên
hệ hữu nghị với Phật tử và các tổ chức Phật giáo trên thế giới,
tham gia xây dựng hoà bình và hạnh phúc cho nhân loại.
-
Thật khó có thể miêu
tả hết những thành tựu nhiều mặt của giáo hội Phật giáo Việt nam
suốt gần 20 năm qua kể từ ngày giáo hội được thành lập.
Ơ273;ây tôi chỉ có thể nêu ra một số nét. Hiện nay, Giáo hội
Phật giáo Việt Nam lãnh đạo và tổ chức tất cả các hoạt động Phật
sự của khoảng 30.000 Tăng Ni trong 15.000 tự Viện và 40 triệu
Phật tử trong toàn nước. Bên cạnh Giáo hội trung ương, có 44
tỉnh, thành hội Phật giáo. Hội đồng trị sự giáo hội trung ương
gồm 9 ban ngành viện chịu trách nhiệm về những mặt hoạt động
khác nhau: đó là các ban ngành Tăng sự, Giáo dục Tăng Ni, Hoằng
Pháp, Văn hoá, Nghi lễ, Hướng dẫn Phật tử, Kinh tế nhà chùa, Từ
thiện xã hội, Phật giáo quốc tế và Viện nghiên cứu Phật học Việt
nam. Mỗi ban ngành đều có nhân sự và trụ sở tại mỗi tỉnh thành.
Ba học Viện Phật giáo Việt nam và 26 trường cơ Bản Phật học cùng
nhiều khoá chuyên môn ngắn hạn hay dài hạn, đang đảm nhiệm giáo
dục và đào tạo Tăng ni. Hơn 100 Tăng ni sinh tốt nghiệp đang du
học tại các đại học nổi tiếng ở nước ngoài. Viện nghiên cứu Phật
học Việt nam đã tập hợp, dịch thuật và xuất bản 27 tập kinh
Palì, và Hán ngữ nhằm hình thành một bộ Đại Tạng Kinh Việt nam
cho Tăng Ni Phật tử và các nhà Phật học Việt nam. Trên toàn
nước, Giáo hội Phật giáo Việt nam đã xây dựng 25 bệnh viện miễn
phí, 655 phòng phát thuốc, 196 lớp học tình thương cho trẻ em
đường phố, 116 nhà từ thiện. Số sách báo Phật giáo đủ loại cứ
tăng dần mỗi năm….
-
Nói chung, Phật giáo
Việt nam đã đạt được những thành quả quan trọng trong việc tham
gia phát triển đất nước. Bây giờ tôi xin trình bày vắn tắt một
số đặc trưng của đạo đức học Phật giáo và một số nỗ lực của giáo
hội Phật giáo Việt nam nhằm phổ biến những đặc trưng ấy trong
quần chúng.
-
Theo đạo đức học Phật
giáo, ba gố rễ tệ hại gây đau khổ cho cuộc đời là tham, sân, và
si. Bạo lực, chiến tranh, cạn kiệt tài nguyên, ô nhiễm môi
trường, khủng hoảng và mọi xấu ác đều là những biểu hiện của ba
căn bản xấu xa ấy. Phật giáo giảng dạy và dẫn dắt người ta đến
sự tiêu trừ ba thứ độc dược ấy. Học thuyết về Nghiệp – Tái sinh,
nhân quả… khẳng định rằng người phải chịu trách nhiệm về những
hành động của chính mình. Học thuyết vô ngã khích lệ người ta
quên mình và hành động vì lợi ích của số đông.
-
Phật giáo đặt ra cho
các tín đồ 5 giới để sống đời đạo đức. Đó là: không sát sinh,
không trộm cắp, không tà dâm, không nói xấu và không dùng chất
gây say. Nếu mọi người, Phật tử hay không phải Phật tử, tuân
theo năm giới này thì đạo đức cá nhân sẽ toàn thiện và cuộc đời
sẽ trở nên an lành hạnh phúc.
-
Các Phật tử đến chùa
để lễ Phật, hành thiền hay tham dự các khoá giáo lý. Thói quen
này làm phong phú đời sống tâm linh của họ và tạo sự tỉnh lặng,
sáng suốt cho tâm họ. Ban hướng dẫn Phật tử là một bộ phận nhằm
truyền bá đạo đức Phật giáo. Ban đã thành lập nhiều đoàn Phật tử
gồm thanh niên, người lớn tuổi thâm nhập quần chúng làm công tác
xã hội và kêu gọi mỗi người giữ gìn nếp sống đạo đức. "Gia đình
Phật tử" là một bộ phận nhằm hướng dẫn và huấn luyện các thanh
thiếu niên Phật tử. Đội ngũ này gồm 50.000 đoàn viên và 6000
huynh trưởng được chia thành từng nhóm gia đình sinh hoạt tại
nhiều chùa ở miền Trung và miền nam Việt nam. Ban hoằng pháp
tuyển chọn các Tăng ni nhiều khả năng để huấn luyện qua các khoá
dài hạn và ngắn hạn được tổ chức tại nhiều tỉnh thành. Đội ngũ
giảng sư được chuyên môn hoá này dẩm nhiệm công việc giảng dạy
Phật pháp, truyền bá đạo đức Phật giáo và nêu ra cho mọi người
một lối sống tốt đẹp hơn.
-
IV. Kết luận:
-
Phật giáo là một tôn
giáo của từ bi và trí tuệ. Nguyên tắc căn bản của đạo đức học
Phật giáo là mọi người cần phát triển lòng từ bi. Về mặt đạo
đức, trí tuệ thật sự chính là sự hiểu biết thực tiễn thể hiện
thái độ và hành vi trong đời sống xã hội. Phật giáo luôn có thái
độ cởi mở đối với các tôn giáo và các hệ ý thức. Phật giáo chấp
nhận bất cứ hệ thống đạo đức, triết học hay chính trị nào miễn
là hệ thống ấy có thể giúp người ta đạt hạnh phúc và hoàn thành
cứu cánh.
-
Trong tinh thần hợp
tác, đoàn kết và hoà hợp dân tộc, tôi tin chắc rằng Phật giáo
cũng như các tôn giáo khác tại Việt nam có thể đóng một vai trò
quan trọng trong việc giúp nhà nước và nhân dân Việt nam ổn định
xã hội và phát triển đất nước.
--o0o--
|
|