|
PHẬT GIÁO VIỆT NAM
-
Một Vài Nhận Xét
Về
HIỆN TÌNH PHẬT GIÁO VIỆT NAM
(Từ năm 1975- 1999)
N.T.H
-
---o0o---
-
Nói đến hiện tình tức là
chỉ cho tình trạng sinh họat đã đang và sẽ diễn ra trong một giai
đoạn nào đó, của một cá nhân hay một tập thể, mà qua đó chúng được
thể hiện như là một đối tượng để chúng ta khảo sát và đánh giá về
chúng. Chúng luôn luôn thể hiện sự lệ thuộc vào chính tự thể của
một cá nhân, hay một tập thể tha nhân mà sự hiện hữu đó như là
những sự kiện chính xác, để chúng ta đánh giá đúng sai về chúng
một cách công bằng và không sợ rơi vào thiên kiến chủ quan.
-
Hiện tình sinh hoạt của Phật giáo Việt nam, chúng cũng được nhìn
nhận và đánh giá như là một đối tượng nghiên cứu nghiêm túc cho
một chung cuộc sau này của lịch sử về giai đoạn đó. Phật giáo
Việt nam trong giai đoạn hiện tại, nếu nhìn một cách trung thực
và khách quan, thì đây quả thực là một giai đoạn đáng để chúng ta
ưu tư và lo nghĩ về tiền đồ của Phật giáo Việt nam, vì tự thân nó
Phật giáo đã đánh mất đi cái giá trị nội tại, đáng lý ra nó phải
được nuôi dưỡng phát huy một cách tự chủ trong quá trình gìn giữ
và kế thừa. Ở đây, chúng ta không quy trách nhiệm cho bất cứ một
cá nhân nào cả, mà là trách nhiệm chung của Phật giáo Việt
nam, chỉ vì mỗi người trong chúng ta quá vụng về trong cung cách
ứng đối với hòan cảnh chung quanh vào lúc bấy giờ, nên tình trạng
phân hóa nảy sinh, và chúng kéo theo sau những sự thực đau lòng
qua những hiện tượng hủ hóa của chính các vị lãnh đạo trong
Giáo-hội hiện tại, được thể hiện qua sự đánh mất chính mình (tự
ti) để làm công cụ tay sai cho một thế lực vô minh bên ngoài,
trong khi họ tự tôn một cách quá đáng đối với các đồng đạo của
mình, qua sự thể hiện cái ngã trịch thượng được gói gém và nuôi
dưỡng bỡi những đặc lợi đặc quyền cỏn con do thế lực vô minh mang
lại. Đây là hiện tượng phổ biến từ trên chóp bu Trung ương cho đến
các Quận, Huyện địa phương trong khắp cả nước, cũng từ đó Phật
giáo Việt nam, sức mạnh của tập thể yếu dần đi, và phân ra thành
hai giai cấp thống trị và bị trị rõ ràng.
-
Giai cấp thống trị được hưởng những đặc ân đặc quyền do nhà nước
ban phát, và do đó họ chỉ biết chú trọng đến bề mặt hình thức bên
ngoài được chỉ đạo sát sao bỡi một ban tôn giáo chính phủ từ trung
ương cho đến địa phương theo hướng đi của nhà nước qui định. Do đó
tuy rằng Giáo hội về mặt hình thức trông có vẻ có bề thế, và có
sức sinh hoạt năng động nhờ vào những phương tiện nhà nước ban
phát, nhất là phương diện truyền thông đại chúng. Nhưng trong nội
dung thực chất thì chúng hủ hóa mục nát, chúngống được là nhờ nhà
nước hà hơi tiếp sức, nếu không thì đã ngã gục từ lâu rồi. Rốt
cuộc rồi quanh đi quẩn lại cũng những gương mặt ấy, kể từ ngày
thành lập cho đến bây giờ, và có lẽ là mãi về sau này cũng có, vì
nguyên tắc hành chính chỉ huy mà, có thua gì việc cha truyền con
nối trong chế độc phong kiến đâu!? Một người có thể kiêm cả ba,
bốn, năm, hay sáu chức vụ gì đó, từ trên Trung ương đến địa
phương. Hiện tượng này là một hiện tượng của thiếu người hợp tác,
và cũng là do tham quyền cố vị, hay bè phái địa phương đẻ ra. Thật
ra, trong những khuôn mặt này, không hẳn họ có cùng chung một chí
hướng. Có người ngồi lại vì một lý do nào đó, hoặc vì cái lợi ích
chung, hoặc vì lợi ích riêng tây, hoặc vì tự ti, hoặc vì cơ hội,
hoặc vì vong thân đánh mất đi chính mình; nhưng nói chung thì
người vì lợi ích chung thì quá ít oi, hơn nữa những người có đôi
chút liêm sỉ tàm quý thì họ không bao giờ đứng ra họp tác cả,
ngoài ra thì hoàn toàn là những người cơ hội; nếu nói cho chính
xác và đúng với những hiện tượng đã và đang xảy ra trong Giới xã
hội thì họ là những người đã đánh mất chính mình. Sự hiện hữu của
họ vì thế, đã trở thành không có ích gì cho Tăng tín đồn Phật tử
cả, vì tự họ không có thẩm quyền ngay trong việc sinh hoạt Giáo
hội, chứ đừng nói chi đến những việc khác như can thiệp, hay bênh
vực Tăng tín đồ Phật tử bị nhà nước chèn ép, áp bức hay giam giữ
bất hợp pháp khi cầu cứu đến họ. Ở đây, không những họ không can
thiệp mà còn đồng lõa với các thế lực đó nữa là khác, họ dựa vào
thế lực nhà nước hù dọa, bắt nạt, làm tiền ăn hối lộ đối với giai
cấp bị trị, giống như là một cán bộ nhà nước không khác gì. Đó
chính là cái thế làm cho giai cấp dưới của Phật giáo Việt nam càng
ngày càng lánh xa, để rồi phân ra làm hai cấp rõ ràng, và cũng từ
đó họ không liên hệ thân cận và nắm được giai cấp dưới. Họ tự trở
thành những kẻ bị cô lập, nếu họ có liên hệ được chăng nữa, thì
chính sự liên hệ đó là thứ liên hệ hành chánh khi giai cấp dưới
cần thế thôi. Ngoài ra, họ chỉ biết tranh dành địa vị chỗ ngồi để
rồi chèn ép nhau, loại nhau bằng những thủ đoạn nếu được, bằng
cách dựa dẫm vào thế lực nhà nước để chơi nhau ngay trong những
người chính họ, vì vậy cho nên ngay trong chính những người ra làm
việc Giáo hội không ai tin ai, luôn luôn dè chừng nhau, và nạn bè
phái địa phương, môn phái cũng từ đây nảy sanh. Một tập thể mà từ
trên xuống dưới nghi ngờ nhau, dè chưng nhau, chỉ vì họ sợ rằng ai
cũng làm nhiệm vụ như chính họ đang nhận nhiệm vụ theo dõi người
khác, vậy thì làm sao mà cảm thông nhau, làm sao hòa hợp được, vì
thế cho nên sức mạnh tập thể không có. Giáo hội thì có đó nhưng
không có hồn, đến độ Tăng ni Phật tử thuộc thành phần bị trị, phần
nhiều không biết Thành hội là gì? Đặt ở đâu? Văn phòng II là gì
và hiện đang ở chỗ nào? Họ chỉ biết có chùa của họ, chỉ biết có
bổn đạo của họ, và ngược lại Phật tử chỉ biết cái chùa của họ, ông
Thầy của họ mà thôi. Một Giáo hội như vậy làm sao đứng vững nổi,
nếu không nhờ vào bàn tay phù phép của nhà nước thò vào nâng đỡ?
-
Từ những hiện tượng trên cho chúng ta một cái nhìn đúng hơn về
Giáo hội hiện tại. Ở đây chúng ta không đặt vấn đề là Giáo hội hợp
pháp hay không hợp pháp, tự nó sẽ trả lời cho chính nó qua việc
sinh hoạt hằng ngày của Giáo hội này, có chủ quyền hay không có
chủ quyền trong việc thực thi kế sách sinh hoạt cho Giáo hôi, hay
đó cũng chỉ là một con cờ tay sai cho chủ nghĩa đế quốc mới, thực
hiện tham vọng thống trị phi dân tộc, phi nhân bản tại đất nước
này qua chủ nghĩa Max-Lê của ý thức hệ ngoại lai Tây phương đã
đang và sẽ áp đặt trên đất nước này? mà chúng ta chỉ xét trên khía
cạnh sức mạnh của đoàn kết và hiệu quả phát triển là không có, nếu
có chăng nữa thì những hiện hữu có được đó được hình thành bỡi thế
lực nhà nước, cọng vào sự lợi dụng của giai cấp bị trị mà theo họ
với hoàn cảnh xã hội như vậy thế chẳng đặng đừng phải hợp tác vì
tương lai của Phật Giáo Việt nam họ phải chấp nhận, nên chúng ta ở
bên ngoài thấy có những hiện tượng phát triển thật sự trên mọi
lãnh vực như: về giáo dục mở ra các trường Cơ bản ở mỗi tỉnh, cấp
địa phương; còn cấp Trung ương mở ra hai trường Cao đẳng, ba Học
viện Phật giáo tại ba miền Bắc, Trung, Nam, và một Viện nghiên cứu
Phật học. Về hoằng Pháp thì thỉnh thoảng mở ra các lớp bồi dưỡng
Giảng sư tại Trung Ương cũng như địa phương. Về Tăng sự thì tổ
chức an cư Kiết hạ hằng năm, tổ chức Giới đàn những nơi nào có
Tăng ni nhiều cứ ba năm một lần trong khắp cả nước v.v… nhưng thật
chất đó chỉ là những hình thức bên ngoài được nhà nước dàn dựng
lên và bảo trợ chỉ đạo một cách sát sao ở bên trong. Phật giáo của
Giáo hội này làm bất cứ việc gì mà không có sự đồng tình đồng ý
của nhà nước, và những Đảng viên chỉ đạo trực tiếp nằm trong guồng
máy Giáo hội gật đầu thì đừng hòng thực hiện được. Như vậy những
hiện tượng Giáo hội phát triển về nhiều mặt ở trên như chúng tôi
đã đề cập cũng không ngoài sự bảo trợ và chỉ đạo trực tiếp này,
cộng với cái thế chẳng đặng đừng của giai cấp Tăng lữ và quần
chúng Phật tử bị trị này. Ở đây, nếu không có sự hiện hữu cộng tác
có lý do riêng của giai cấp bị trị thì thử hỏi giáo hội và nhà
nước có làm gì được không? Vì vậy, Giáo hội không có bất cứ một
giá trị nào đối với quần chúng Tăng tín đồ Phật tử ngoài việc bị
giai cấp dưới lợi dụng mà họ không biết, họ cứ tưởng đó là sự
thành công của họ!
-
Qua những hiện tượng trên cho chúng ta thấy, hiện tại nếu bảo là
có sự phát triển, thì sự phát triển đó là sự pháp triển của Phật
Giáo Việt nam chứ không phải sự phát triển của Giáo hội Phật giáo
việt nam, hay nói một cách chính xác hơn thì đó chính là sự phát
triển của giai cấp bị trị Phật giáo Việt nam vào lúc bấy giờ. Đây
là một giai cấp đã và đang lớn mạnh trong một hoàn cảnh khó khăn
bị chèn ép bỡi trong lòng nội tại của chính nó, và hoàn cảnh bên
ngoài buộc nó phải tự hủy. Nhưng nó vẫn sống và vẫn mạnh hơn lúc
nào hết nhờ vào những lý do như chúng tôi vừa nêu ra. Cái nguyên
nhân đưa đến sự bền vững và lớn mạnh của giai cấp Tăng tín đồ bị
trị, chúng được hình thành và hiện hữu nhờ vào:
-
Thứ nhất, vì Giáo hội không có hệ thống hành chánh ở cấp cơ sở
(xã, phường, thôn, ấp, làng xóm) nên Giáo hội không đi sát, sâu,
và nắm vững hạ tầng cơ sở nên Giáo hội trở thành không có quần
chúng (đây là điều nhà nước muốn và Giáo hội cũng đã đáp ứng yêu
cầu của họ). Thử hỏi một tổ chức mà không có hạ tầng cơ sở thì họ
làm việc với ai, và họ dựa vào đâu để hiện hữu? Vì nhà nước biết
thế cho nên buộc họ phải làm chỗ dựa cho Giáo hội, và giáo hội vì
thế trở thành công cụ cho họ để mà hiện hữu. Trong khi đó nhà nước
luôn coi trọng hạ tầng cơ sở và luôn luôn nắm vững hạ tầng cơ sở
để làm nền tảng cho chế độ của họ. Chính vì chỗ hở này mà Giáo hội
không nắm vững được quần chúng Phật tử và Tăng ni, và cũng vì chỗ
hở này mà giai cấp bị trị lợi dụng nó để tự hóa thân biến mình trở
nên đoàn kết và vững mạnh hơn. Ở đây, họ không cần gì hết, chỉ cần
quan hệ tốt với nhà nước địa phương là họ sẽ được tất cả(vì nhờ có
cán bộ hủ hóa từ trên cho đến dưới cho nên đây cũng là một cái
duyên thuận để giai cấp bị trị phát triển nội bộ), như vấn đề xuất
gia, học tập, thọ giới, tấn phong Hòa thượng, Thượng tọa .v.v… Nhà
nước đâu có muốn cho Phật giáo phát triển, và tất cả mọi sinh hoạt
tín ngưỡng khác cũng vậy, trước hết và trên hết của mọi vấn đề ở
đây là phải có sự chấp thuận của nhà nước trong việc nếu muốn đi
tu, nếu muốn học tập, nếu muốn tấn phong Hòa thượng, Thượng tọa
hay muốn bất cứ việc gì đều phải được sự chấp thuận của nhà nước,
còn Giáo hội là cơ quan, để nhà nước nhờ vào đó mà họ thoát khỏi
tai tiếng là cấm đoán tự do tín ngưỡng tôn giáo, nên buộc Giáo hội
phải ra nội qui ai muốn đi tu thì phải được sự đồng ý của cha mẹ,
và được sự chấp thuận của chính quyền địa phương, nhưng trên thực
tế thì có ai muốn đi tu làm đơn xin nhà nước bao giờ, và nếu có
xin đi nữa thì cũng bị nhà nước bác bỏ, vì họ không muốn chịu
trách nhiệm về chữ lý trên mặt giấy tờ nếu có việc gì xảy ra;
nhưng đối với nhà nước này thì cái gì cũng có thể xảy ra; biết vậy
cho nên họ không bao giờ làm việc này. Nhà nước thì lúc nào cũng
tuyên truyền là mọi người ở trong nước Xã hôi chủ nghĩa đều có
quyền tự do tín ngưỡng, tự do tôn giáo; nhưng có một điều rất
nghịch lý là khi đã cạo đầu xuống tóc, mặc pháp phục rồi thì người
này không có chỗ ở, vì nhà nước đâu có cho nhập hộ khẩu thường trú
ở trong chùa, nếu chùa nào có liên hệ tốt với nhà nước địa phương
thì mới được tạm trú. Như vậy cũng bằng là cấm không cho tu rồi!?
Những điều này thì Giáo hội không bao giờ can thiệp, và đặt vấn đề
với nhà nước đâu; từ đây nảy sanh ra không biết bao nhiêu là tệ
nạn, Tăng ni thuê nhà ở trọ, hay ở nhà bổn đạo, vì những nơi này
Tăng ni được quyền tạm trú còn chùa thì không được!? Đó là một
trong vô số cái bất hợp lý như vậy, đối với tôn giáo nói chung và
Giáo hội Phật giáo nói riêng, mà các cấp lãnh đạo không bao giờ
dám hở môi, vì vậy cho nên giáo hội phải lãnh đủ tai tiếng búa
rìu thay cho nhà nước. Khi mà giai cấp thống trị không cưu mang
nổi những việc này cho Tăng tín đồ Phật tử, thì giai cấp bị trị tự
lo lịu về tương lai cho Phật giáo, bằng cách liên hệ tốt với chính
quyền địa phương, để họ cho phép tạm trú tại địa phương họ, và dần
dần đâu cũng vào đó và được hợp thức hóa một cách đàng hoàn, bằng
sự khéo léo giữa người với người thì mọi chuyện đều im xuôi. Chính
nhờ vào sự hiện hữu bằng cách này mà giai cấp Giáo hội thống trị
mới có người để họ mở trường dạy học, mở Giới đàn thọ giới chứ nếu
không có như vậy thì tu sĩ tìm đâu ra để họ mở trường dạy học, mở
Giới đàn để thọ giới? Thứ hai, vì Giáo hội không có cơ sở hạ
tầng, cho nên quần chúng Phật tử họ không nắm được. Từ sự ngăn
cách giữa quần chúng Phật tử và các cấp lãnh đạo từ cấp quận huyện
trở lên của Giáo hội được coi như là một sự ngăn cách lớn, nên
Giáo hội hiện đang chơi vơi giữa từng không, có thể rớt lúc nào
cũng được nếu nhà nước muốn. Vì Giáo hội không đặt trên bất cứ nền
tảng nào vững chắc nào hết, nên sự hiện hữu của họ như là một cái
bóng đối với giới Phật tử tại gia, hay đó chỉ là một tổ chức chánh
trị do nhà nước lập ra để tuyên truyền cho chế độ mà thôi. Ngược
lại giai cấp bị trị, họ chỉ gần gũi và thân thích những vị cũng
đồng với cảnh ngộ của họ, cùng với tầng lớp của họ, sát cánh với
họ trong sinh hoạt tâm linh như tu học, lễ bái, ma chay, giỗ chạp,
cầu an, cầu siêu nói chung là mọi hoạt động về tinh thần, họ gắn
bó với nhau qua tình nghĩa Thầy trò, tình nghĩa đồng đạo, tình
nghĩa chòm xóm. Họ đoàn kết nhau để vương lên trong sự áp bức chèn
ép của giai cấp thống trị; họ biết cách lợi dụng để tự sinh tồn mà
không đánh mất chính họ. Đó là điều mà mọi người trong giai cấp bị
trị lấy là hảnh diện, và nhìn thẳng vào đời đi lên với hai bàn
chân của chính mình, cho dù họ gặp rất nhiều khó khăn trong lúc
sinh hoạt, như hội hợp phải xin phép nếu không phải là những ngày
lễ lớn theo truyền thống, đã được nhà nước cho phép thì dứt khoát
không được, thì họ sinh hoạt theo lối khó khăn. Sự hiện hữu và
phát triển của giai cấp bị trị này, nó đã nói lên được cái huyết
mạch truyền thống lâu đời của dân tộc, nó đã ăn sâu, đã đúc kết
nên một giai cấp chân lấm tay bùn, lao động vất vả, luôn luôn bênh
vực lẫn nhau, giúp đỡ lẫn nhau, đùm bọc lẫn nhau trong những khi
hoạn nạn ập đến; luôn tự chủ không đánh mất chính mình. Nó là một
Giáo hội chính thống của Phật giáo Việt nam, là Giáo hội của những
kẻ thấp cổ bé họng, Giáo hội của vô danh nhưng hữu thực, đó chính
là G.H.P.G.V.N.T.N. Hay nếu muốm đặt cho nó một cái tên để gọi thì
đó là một trong những danh xưng hợp tình hợp lý nhất trong hiện
tại.
-
Tóm lại, như đã trình bày ở trên chúng ta đã nhìn thấy hiện tình
Phật giáo Việt nam là như vậy, chúng bị phân hóa thành hai giai
cấp rõ ràng là giai cấp thống trị và giai cấp bị trị. Sự hiện hữu
của chúng được đánh giá như là một sự ô nhục một thời trong suốt
dòng lịch sử Phật giáo Việt nam, chúng được hình thành và hiện hữu
một cách nhức nhối bỡi các thế lực vô minh nội tại cũng như ngoại
tại, đáng lý ra nó phải là một khối mạnh đoàn kết. Chúng ta không
trách ai hết mà chúng ta hãy tự trách chính mình, không đủ trí tuệ
để lèo lái con thuyền Phật giáo Việt nam vượt qua cơn bão táp, mà
tự nhận chìm chính mình để tránh bão táp!? Rốt cuộc rồi chúng ta
được gì? Chia rẽ, phân tán, yếu dần yếu dần và chìm nghỉm trong
tiếng cười của bão táp phong ba. Hãy nắm tay nhau lại, sát cánh
bên nhau, đoàn kết nhau lại, hãy tha thứ cho nhau những lỗi lầm
nếu có trong quá khứ, hay trong hiên tại, mà vực dậy con thuyền
Phật giáo Việt nam. Hiện tại vẫn chưa phải là đã trễ, chỉ sợ chúng
ta không đủ dũng khí của một bậc trượng phu đứng lên cùng nhau vực
dậy con thuyền, và đặt chúng vào hướng đi thích hợp đối với sự
giải thoát, và tự chúng ta hợp nhau lèo lái tiến lên, mà không cần
bất cứ một thế lực nào khác ngoài chúng ta ra, thì đó mới đích
thực là hướng đi đúng của Phật giáo Việt nam.
-
Trình bày:
Nhị Tường
-
Cập nhật: 01-05-2003
--o0o--
|
|