|
PHẬT GIÁO VIỆT NAM
LỜI NÓI ĐẦU
Từ
lâu, nhiều ngôi chùa ở Việt Nam đã trở thành nơi lưu giữ các giá trị
văn hóa đặc sắc của dân tộc. Tìm hiểu ngôi chùa không chỉ là để nhận
thức con đường du nhập và truyền bá đạo Phật ở nước ta mà còn là để
lĩnh hội nhiều phương diện của văn hóa Việt Nam. Chính điều đó sẽ
góp phần nâng cao lòng tự hào và ý thức bảo tồn những di sản văn hóa
quý giá mà tiền nhân đã sáng tạo.
Trong
bối cảnh đất nước đang đổi mới, hòa vào phong trào bảo vệ và phát
triển văn hóa dân tộc, nhiều công trình nghiên cứu về chùa Việt Nam
đã được công bố. Biên soạn cuốn sách DANH LAM THẮNG CẢNH này, chúng
tôi muốn góp phần khiêm tốn của mình giới thiệu với bạn đọc những
nét khái quát về lịch sử, cảnh quan, lễ hội, nghệ thuật kiến trúc và
điêu khắc cùng những sự kiện văn học có liên quan đến 45 ngôi chùa
nổi tiếng trên đất nước ta. Theo thiển ý, đây là những ngôi chùa
tương đối tiêu biểu cho sự phát triển của đạo Phật ở Việt Nam, cho
các hệ phái cũng như các địa phương trên cả nước. Bên cạnh các bài
viết là những tấm ảnh màu ghi lại phong cảnh, công trình kiến trúc
và điêu khắc các ngôi chùa. Tất nhiên vẫn còn rất nhiều danh lam
tiêu biểu khác mà hoặc do chưa có đầy đủ tư liệu, hoặc do khuôn khổ
tập sách, chúng tôi chưa thể giới thiệu ở đây. Xin bạn đọc rộng lòng
lượng thứ.
Viết
cuốn sách này, chúng tôi được may mắn tiếp thu, kế thừa những tư
liệu và nhận định của các nhà nghiên cứu đi trước qua các công trình
biên khảo về Phật giáo Việt Nam cũng như về lịch sử các ngôi chùa.
Kết hợp với các chuyến đi thực tế đến các địa phương, chúng tôi đã
tìm hiểu, đối chiếu, bổ sung tư liệu để hoàn thành các bài viết của
mình. Nhân dịp cuốn sách được xuất bản, chúng tôi chân thành cảm ơn
chư vị trụ trì các tự viện, tịnh xá đã tận tình giúp đỡ chúng tôi
thu thập nhiều tư liệu; cảm ơn các tác giả những công trình mà chúng
tôi đã tham khảo qua thư mục in ở cuốn sách; đặc biệt cảm ơn các ông
Trương Ngọc Tường, Trần Tuấn Mẫn và Nguyễn Thái Hòa đã đóng góp
nhiều ý kiến quý báu. Dù vậy, cuốn DANH LAM NƯỚC VIỆT chắc chắn vẫn
không tránh khỏi những hạn chế và thiếu sót.
Cuốn
sách này rất vinh dự được Hòa thượng Thích Thiện Siêu, Phó Chủ tịch
Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam kiêm Trưởng
ban Giáo dục Tăng Ni, viết lời giới thiệu. Chúng tôi vô cùng biết ơn
sự quan tâm của Hòa thượng. Chúng tôi chân thành cảm ơn các dịch giả
tiếng Anh - Trần Phương Lan, Nguyễn Văn Nghệ, Châu Văn Thuận và Thùy
Dương. Chúng tôi cũng xin cảm tạ Ban Giám đốc Nhà xuất bản Mỹ Thuật
đã tạo mọi điều kiện thuận lợi cho cuốn sách được ra mắt.
Thành phố Hồ Chí Minh, tháng 12-1993
VÕ VĂN TƯỜNG - HUỲNH NHƯ PHƯƠNG
--o0o--
|
|