|
PHẬT GIÁO VIỆT NAM
-
(CHIÊU THIỀN TỰ)
-
-
Sự
tích chùa Láng gắn liền với truyền thuyết Thiền sư Từ Đạo Hạnh,
một vị cao tăng dưới đời Lý Nhân Tông. Đạo Hạnh tục danh làng Từ
Lộ, con viên Tăng quan Đô Án Từ Vinh. Hồi còn trẻ Từ Vinh trọ
học ở làng Láng - tức là Yên Lãng, huyện Từ Liêm, Hà Nội ngày
nay - ông lấy bà Tăng Thị Loan và sinh ra Từ Lộ. Do có sự bất
đồng dẫn đến hiềm khích mà Diên Thành Hầu đã nhờ Pháp sư Đại
Điên đánh chết Từ Vinh. Quyết trả thù cho cha, Từ Lộ vào ẩn
trong hang đá Trì Sơn, tu luyện rồi sau đó đánh Đại Điên mang
bệnh đến chết.
-
Cởi mối oan nghiệt, Từ Đạo Hạnh tập trung tu học pháp thiền. Ông
có hai người bạn đồng đạo gần gũi là Thiền sư Minh Không và
Thiền sư Giác Hải, cả ba đều biết nhiều pháp thuật. Sau Từ Đạo
Hạnh về tu ở chùa Thiên Phúc tức chùa Thầy ở núi Sài Sơn. Tương
truyền rằng Từ Đạo Hạnh đã hóa thân và đầu thai làm con trai của
Sùng Hiền Hầu, em vua Lý Nhân Tông, tên là Dương Hoán. Vì vua Lý
Nhân Tông không có con, nên Dương Hoán được lập làm Đông Cung
Thái Tử và trở thành vua Lý Thần Tông (1128 - 1138). Về sau con
của Lý Thần Tông là Lý Anh Tông (1138 - 1175) đã cho dựng chùa
Láng để thờ vua cha và tiền thân của cha là Thiền sư Từ Đạo
Hạnh. Trong chùa, ngoài tượng Phật còn có tượng vua Lý Thần Tông
và tượng Thánh Từ Đạo Hạnh.
-
Chùa Láng có tên chữ là Chiêu Thiền Tự với ý nghĩa rằng: "Vì có
điều tốt rõ rệt nên gọi là Chiêu. Đây là nơi sinh ra Thiền sư
Đại Thánh nên gọi là Thiền". Ngày 7 tháng 3 âm lịch là ngày sinh
của Thiền sư Từ Đạo Hạnh, trở thành ngày hội chùa Láng.
-
Nhớ ngày mồng bảy tháng ba,
-
Trở về hội Láng, trở ra hội Thầy
-
Chiêu Thiền Tự nằm cách trung tâm thủ đô Hà Nội khoảng 7km về
phía Tây. Xưa kia chùa dựng trên một địa thế rất đẹp nằm giữa
cánh đồng bao la, chung quanh có những cây muỗm và cây đa cổ thụ
khiến cho cảnh chùa thêm u tịch. Chùa đã trải qua nhiều lần
trùng tu, kiến trúc hiện nay là do lần trùng tu vào giữa thế kỷ
XIX với vẻ cổ kính vẫn còn giữ được của một danh lam từ tám thế
kỷ trước.
-
Nét độc đáo đầu tiên đập vào mắt du khách là cổng chùa hao hao
giống kiến trúc cổng ở cung vua phủ chúa ngày xưa: đó là một
hàng bốn cột hoa kiểu bằng gạch với ba mái cong thanh thoát. Ba
mái này không phủ lên đỉnh cột mà gắn vào sườn cột, mái giữa cao
hơn hai mái bên. Sân chùa lát gạch Bát Tràng, nối cổng chùa với
cửa tam quan. Qua tam quan là một con đường rộng lát gạch, hai
bên có tường hoa dẫn tới Bát giác đình, nơi ngày hội đặt tượng
Thánh cho dân làng làm lễ dâng hoa. Trong cùng là chùa chính bao
gồm tiền đường, tòa thiêu hương, thượng điện, hành lang, nhà tổ,
tăng phòng và các gian nhà phụ.
-
Vẻ
bề thế của quần thể kiến trúc hài hòa, cân xứng với không gian
thoáng đãng khiến cho chùa Láng đã từng được coi là đệ nhất tùng
lâm ở phía Tây kinh thành Thăng Long xưa.
--o0o--
|
|