PHẬT GIÁO VIỆT NAM

(PHỒ MINH TỰ)
 
Nhà Trần là một triều đại làm vẻ vang cho lịch sử dân tộc Việt Nam với ba lần đại thắng quân Nguyên xâm lược vào thế kỷ XIII. Tổ tiên nhà Trần vốn làm nghề chài lưới trên sông Châu chảy qua đất Nam Định . Ở hữu ngạn sông Châu đã hình thành hương Tức Mạc, nay thuộc xã Lộc Vượng, cách thành phố Nam Định khoảng 5km về phía Bắc, là nơi sinh của người anh hùng Trần Quốc Tuấn và cũng là đất tổ của nhà Trần.
Khi vừa lên ngôi, Trần Thái Tông đã biến quê hương Tức Mạc của mình thành một công trường lớn. Từ năm 1239 thợ thuyền được tuyển chọn cùng với phu lính làm việc ròng rã mấy chục năm liền để xây dựng những lâu đài, cung điện, đền miếu, dinh thự, chùa chiền trên mảnh đất này. Mùa xuân năm 1262 Trần Thánh Tông về hành cung Tức Mạc ban yến lớn, hậu thưởng các hương lão và đổi hương Tức Mạc thành phủ Thiên Trường. Trong phủ Thiên Trường có hai cung điện được xây cất nguy nga lộng lẫy là cung Trùng Quang và cung Trùng Hoa để vua nối ngôi ở khi về chầu. Ngày nay hai cung điện đó đã bị chiến tranh tàn phá nhưng các địa danh ở đây đều gắn liền với những sự tích xa xưa: cảnh nội cung trước kia là sân trong phủ, cánh đồng cũ xưa là nơi giam giữ tù nhân dùng vào việc xây cất cung điện. Các xóm làng ở quanh phủ như Liễu Nhai xưa là vườn liễu; làng Lựu Phố xưa là vườn lựu; trường giảng văn, bình thơ; làng Phường Bông xưa là nơi diễn ca múa nhạc của hoàng tộc.
Nằm ở phía Tây cung Trùng Quang, chùa Phổ Minh vốn được xây dựng từ thời Lý. Đến thời Trần, chùa đã được trùng tu và mở rộng cho tương xứng với vị trí tôn quý của phủ Thiên Trường. Kiến trúc chính của chùa bao gồm chín gian tiền đường, ba gian thiêu hương và tòa thượng điện, xếp theo hình chữ "Công". Gian giữa nhà tiền đường có bộ cửa gồm 4 cánh bằng gỗ lim, chạm rồng, sóng nước, hoa lá và hoa văn hình học. Hai cánh ở giữa chạm đôi rồng lớn chầu mặt trời là tác phẩm điêu khắc gỗ đời Trần còn lưu lại cho đến ngày nay.
Tam quan chùa có ba gian bằng gỗ, tường xây gạch, mái lợp ngói cổ, trên cửa có bốn chữ "Đại hùng bảo điện", dưới thềm đá ba cấp làm thành bậc ở gian giữa, hai bên có đôi sấu đá chầu. Một con đường nhỏ chạy thẳng giữa một ao tròn, dẫn đến bức tường "bình phong" rồi đến sân trước chùa và hai nhà bia. Bia đá bên phải đề dòng chữ "Phổ Minh Thiền Tự" khắc năm Mậu Thân 1668. Bia đá bên trái có dòng chữ "Phổ Minh Bảo Tháp Từ Bi" khắc năm Bính Thìn 1916.
Trong chùa ngoài hệ thống tượng Phật, Bồ-tát? được thờ ở chánh điện, có thờ tượng Trần Nhân Tông nhập niết bàn, tượng Thiền sư Pháp Loa, Thiền sư Huyền Quang ở hậu điện. Chuông lớn của chùa có khắc bản văn "Phổ Minh Đỉnh Tự" đúc năm Cảnh Thịnh thứ tư (1796). Ngoài ra, xưa kia chùa còn có một vạc lớn được xem là một trong "Tứ đại khí" của nước ta.
Sau thượng điện, cách một khoảng sân hẹp là tòa nhà mười một gian kéo dài theo hình chữ "Nhất". Giữa là năm gian nhà tổ, bên trái là ba gian nhà tăng, bên phải là ba gian điện thờ. Trong nhà tổ có pho tượng Bà Chúa Mạc, người từng về tu ở chùa, tạc bằng đá trắng ngồi trên tòa sen, dựa lưng vào bức nền có trang trí vòng ánh sáng với ba chữ "Thường tịch quang". Hai dãy hành lang nối liền nhà tiền đường và tòa nhà 11 gian tạo thành vòng ngoài của chữ "Quốc". Phía sau nhà tổ là vườn tháp, có tháp Bà Chúa Mạc bằng đất nung.
Công trình kiến trúc quý giá mang phong cách đời Trần còn được bảo tồn khá nguyên vẹn cho đến ngày nay là tháp Phổ Minh. Do công trình này mà chùa Phổ Minh còn được gọi là chùa Tháp. Tháp dựng vào khoảng năm 1305, niên hiệu Hưng Long thứ mười ba, đời vua Trần Anh Tông. Tháp cao khoảng 21m, gồm 14 tầng, xây trên 12 bậc gạch, càng lên cao càng thu hẹp dần và kết thúc bằng một chỏm nhọn hình bầu rượu có nhiều cạnh. Tầng trên đều trổ bốn cửa cuốn tò vò ra bốn phía. Lúc đầu 13 tầng trên được xây bằng gạch trần màu đỏ sơn son, về sau một tín chủ đã bỏ tiền trát vữa. Bệ thờ đặt trong lòng tầng tháp thứ nhất. Trang trí trên tháp đơn giản song rất mỹ quan: các lớp cánh sen và những hoa văn dây uốn lượn quanh cửa tháp cùng với hình rồng uốn khúc, vờn mây khắc họa trên các viên gạch ốp mặt ngoài trông rất ngoạn mục.
Nằm giữa vùng chiêm trũng với mái chùa cổ kính, cây cổ thụ sum sê, toàn bộ tòa tháp Phổ Minh nặng tới 700 tấn, gần 7 thế kỷ vẫn đứng vững, góp phần tạo nên phong cảnh uy nghiêm, siêu thoát. Giác Hoàng Điều Ngự Trần Nhân Tông đã ca ngợi thắng cảnh này như một "tiên châu" trong những tiên châu tươi đẹp của đất nước:
Sư về trong viện câu kinh vắng
Quán ở bên sông bóng nguyệt treo
Ba chục cung tiên cây tháp đặt
Trăm ngàn cõi Phật tiếng triều reo.
(Thiên Trường hành cung)
 Tương truyền rằng trong tháp Phổ Minh có tàng trữ xá lợi vua Trần Nhân Tông. Mười bốn vua nhà Trần được thờ phụng ở đền Thiên Trường, còn gọi là đền Trần, gần chùa Phổ Minh. Bên cạnh đền Thiên Trường là đền Cố Trạch thờ anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo. Sự kết hợp hài hòa giữa đạo và đời trên mảnh đất tổ của một dòng họ danh tiếng minh chứng cho lời khẳng định của câu ca dao cổ:
Đất Tức Mạc, phủ Thiên Trường
Từ xưa vốn dĩ danh hương lưu truyền
 Nhà thờ Bùi Huy Bích (1744 -1818) đã viết bài thơ Du Phổ Minh Tự (Thăm chùa Phổ Minh) như sau:
Loạn hậu trùng tầm đáo Phổ Minh
Nhàn hoa dã thảo mãn nham quynh
Bi văn tước lạc hòa yên bích
Phật nhãn thê lương chiếu dạ thanh
Pháp giới dữ đồng thiên quảng đại
Thổ nhân do thuyết địa anh linh
Liêu liêu cổ đỉnh kim hà tại
Thức đắc vô hình thắng hữu hình
Nghĩa là:
Sau loạn tìm về đến Phổ Minh
Hoa đồng có nội ngút trời xanh
Văn bia sứt mẻ nhòe mây khói
Mắt Phật âu sầu dõi ngũ canh
Cõi phép cùng trời bao rộng lớn
Người đây vẫn nói đất linh thiêng
Nao lòng đỉnh cổ rày đâu tá?
Mới biết vô hình thắng hữu hình.
(Ngô Đức Thô dịch)
--o0o--