PHẬT GIÁO VIỆT NAM

(THẬP THÁP DI-ĐÀ TỰ)
 
Chùa Thập Tháp Di-đà gắn liền với tên tuổi của người khai sơn là Tổ sư Nguyên Thiều hay Thọ Tôn, người họ Tạ, húy Siêu Bạch hiệu Hoán Bích, quê huyện Trình Hưng, phủ Triều Châu, tỉnh Quảng Đông. Theo thuyền buôn sang Việt Nam vào năm 1677, Ngài đến lưu trú tại phủ Qui Ninh nay thuộc tỉnh Bình Định, cách thành phố Qui Nhơn 25km. Nơi đây, trên ngọn đồi Long Bích nằm yểm hậu sát cạnh thành Đồ Bàn, nay thuộc thôn Vạn Thuận, xã Nhơn Thành, huyện An Nhơn, vốn có 10 ngôi tháp của người Chăm gọi là Thập Tháp. Thiền sư Nguyên Thiều đã dựng một thảo am trên ngọn đồi này để thờ Phật. Di-đà là danh hiệu Giáo chủ cõi Cực lạc, đồng thời cũng có nghĩa là lý tánh, bản giác của chúng sinh. Tập hợp các ý nghĩa trên, tổ đình này được mệnh danh là Thập Tháp Di-đà Tự.
Từ thị trấn Đập Đá, theo quốc lộ 1A, đến cầu Vạn Thuận, có một con đường đất bên trái dẫn tới khuôn viên chùa Thập Tháp Di-đà với một ao sen ngay phía trước. Cổng chùa là hai cột cao, có đôi sấu ngồi trên đỉnh cột. Chùa kiến trúc theo hình chữ "Khẩu"; gồm chánh điện, Đông đường, Tây dường và nhà phương trượng. Tất cả có 4 dãy nhà ba gian hai chái, lợp ngói âm dương, xây bằng gạch và đá ong. Cột lớn làm bằng danh mộc, kèo, trính, quyết đều bằng gỗ sao và muỗm.
Năm 1691, chùa Thập Tháp Di-đà được Chúa Nguyễn Phúc Chu ban cho biển ngạch và câu đối . Năm 1749, Hòa thượng Liễu Triệt trùng tu chánh điện, xung quanh có một hành lang bao bọc, bên trong thờ Tam Thế Phật (Di-đà, Thích-ca và Di-lạc), Tôn giả A-nan và Ca-diếp. Hai bên thờ Thập bát La-hán và Thập điện Minh Vương. Phía sau chánh điện có một tấm bia ghi bài minh tựa đề "Sắc tứ Thập Tháp Di-đà Tự bi minh" lập năm 1876 và một tấm bia ghi bài chí chùa Thập Tháp của Thị giảng Học sĩ Võ Khắc Triển lập năm 1928.
Tổ đình Thập Tháp Di-đà được truyền cho dòng Lâm Tế chánh phái. Kể từ Tổ khai sơn đến nay, tổ đình truyền thừa được 15 đời trải qua 328 năm. Trong các vị Tổ, Hòa thượng Phước Huệ đã được suy tôn làm Quốc Sư. Ngài đã được mời vào giảng kinh trong hoàng cung nhà Nguyễn từ đời vua Thành Thái đến vua Bảo Đại. Ngài còn giảng dạy Phật pháp cho chư tăng ở Phật học đường Trúc Lâm và Tây Thiên (Huế) từ năm 1935. Ngày nay trong khuôn viên chùa còn mộ tháp của Ngài bên cạnh các mộ tháp của các vị Tổ khác.
--o0o--