PHẬT GIÁO VIỆT NAM

 
Tịnh xá Trung Tâm tọa lạc tại số 7 đường Nguyễn Trung Trực, quận Bình Thạnh, thành phố Hồ Chí Minh. Đây là ngôi tịnh xá thuộc hệ phái Tăng già Khất sĩ Việt Nam. Hệ phái này do Tổ sư Minh Đăng Quang, thế danh là Nguyễn Thành Đạt, người làng Phú Hậu, tổng Bình Phú, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long, sáng lập từ năm 1944 với hạnh nguyện mà cũng là danh nghĩa để sau này trở thành truyền thống:
"Nối truyền Thích-ca chánh pháp
Đạo Phật Khất sĩ Việt Nam"
Ngài lập phương châm hành đạo với chủ trương: "Nên tập sống chung tu học" trong giới tăng đồ. Ngài cũng khuyến khích mọi người cùng chung xây dựng một cõi đời hạnh phúc, nhân đạo tại trần gian bằng cách:
Mỗi người phải biết chữ,
Mỗi người phải thuộc giới,
Mỗi người phải tránh ác,
Mỗi người phải (học đạo) làm thiện.
Ngài phát tâm thể hiện chí nguyện đi theo và tái tạo con đường phạm hạnh sa môn khất sĩ của chư Phật - Tăng xưa bằng hình ảnh:
Nhất bát thiên gia phạn
Cô thân vạn lý du
Dục cùng sanh tử lộ
Khất hóa dộ xuân thu
Nghĩa là:
Một bát cơm ngàn nhà
Thân đi muôn dặm xa
Muốn thoát đường sinh tử
Xin độ tháng ngày qua
Tịnh xá được bắt đầu xây dựng vào tháng 4 năm 1965 và kéo dài suốt 10 năm, trong một khuôn viên rộng 5490m2 do Bà Phán Nguyễn Văn Chà, pháp danh Diệu Kiến phát tâm cúng dường. Lúc đầu Tịnh xá bao gồm tòa chánh điện, nhà thờ Cửu huyền thất tổ, hai dãy nhà tăng và các cốc của chư tăng. Nơi đây trở thành trụ sở của Trung ương Giáo hội Tăng già Khất sĩ Việt Nam từ năm 1966 đến năm 1980.
Từ tháng 11 năm 1980, Thượng tọa Giác Toàn (trụ trì) và Thượng tọa Giác Phúc (giáo phẩm hệ phái) đã tổ chức trùng tu Tịnh xá bao gồm tầng trệt và tầng lầu. Chánh điện xây pháp tháp kiểu bát giác, theo họa đồ của kiến trúc sư Nguyễn Hữu Thiện. Phần tháp cao 4,40m, mỗi cạnh 2,25m. Ở nóc tháp có 13 tầng, tượng trưng cho 13 tầng nấc tiến hóa của chúng sinh (lục phàm, tứ thánh, tam tôn). Tháp được làm bằng gỗ giáng hương, chung quanh chạm nổi hình hoa sen. Phần trên là 12 bức chạm nổi minh họa cuộc đời đức Phật Thích-ca. Toàn bộ cấu trúc của tháp do ông Thiện Ngộ và nhóm thợ Trường Mỹ nghệ Long An thực hiện từ năm 1982 đến năm 1984.
Bên trong pháp tháp chánh điện tôn trí bảo tượng đức Phật Thích-ca. Chung quanh vách tường có 8 bức phù điêu, mỗi bức cao 2,20m, dài 4,50m, giới thiệu cuộc đời đức Phật. Đây là công trình của các điêu khắc gia Minh Dung và Hai Long.
Phía sau chánh điện là nơi thờ Cửu huyền thất tổ, giữa có tháp thờ Bồ-tát Địa Tạng. Ngoài sân trước có pho tượng Bồ-tát Quan Thế Âm cao 9m, đứng trên tòa sen cao 3m.
Trước năm1975, trên toàn miền Nam. Giáo hội Tăng già Khất sĩ có khoảng 300 tịnh xá, mà văn phòng trung ương là Tịnh xá Trung Tâm. Hội đồng lãnh đạo Giáo hội do ngài Trưởng lão Giác Chánh làm Tăng chủ và Thượng tọa Giác Nhiên làm Tổng trị sự trưởng tức Viện trưởng Viện Hành Đạo. Theo gương của Tôn sư Minh Đăng Quang, các đệ tử của Ngài đã thành lập nhiều đoàn du tăng khất sĩ, gồm 6 giáo đoàn chư tăng và 3 giáo đoàn ni giới. Với bộ y vàng, không nón mũ, giày dép, tay bưng bát, các nhà sư khất sĩ đã dấn bước trên khắp các thành phố và làng mạc miền Nam. Đi đến đâu họ cũng tổ chức thuyết pháp, xây cất tịnh xá, tích cực tham gia quyên góp cứu trợ đồng bào nạn nhân chiến tranh và thiên tai. Trên những nẻo đường hành đạo, nhà thơ Trần Quê Hương đã cảm tác thành những dòng thơ in trong tập Suối về Hoa Nghiêm:
Mỹ Tho thành phố quê hương mẹ
Gót trải đầu tiên bước nhịp nhàng
Bình bát ngàn nhà cơm gạo tẻ
Nhớ tình phụ mẫu, nhớ mang mang.
An Đức già lam dừng bước nghỉ
Bên con sông nhỏ nước êm đềm
Khi đêm dìu dịu hương lan lý
Say ngất mùi thiền, vượt cõi thiên.
Mỹ Tho cũng chính là nơi mà năm 1946, Tôn sư Đăng Minh Quang, sau một thời gian hơn 2 năm tu trì tại chùa Linh Bửu, đã bắt đầu dẫn đoàn du tăng đi hành đạo. Từ 1976 đến nay, những đệ tử của Ngài đã tiếp nối bước chân hoằng hóa bằng cách tĩnh tu và hành đạo tại những ngôi tịnh xá của hệ phái, dưới ánh sáng những lời giáo huấn và sự chứng giám của chân dung Tổ sư được tôn trí thờ phụng tại Tịnh xá Ngọc Viên (Tổ đình), Tịnh xá Trung Tâm và tịnh xá các nơi.
--o0o--