PHẬT GIÁO VIỆT NAM

 
Chùa Tây An là một trong những ngôi chùa cổ nổi tiếng ở Nam bộ, có giá trị về mặt lịch sử và kiến trúc. Chùa do Tổng đốc tỉnh An Giang là Doãn Uẩn xây dựng năm 1847, tọa lạc ở ngã ba Núi Sam, cách thị xã Châu Đốc 5km. Sách Đại Nam nhất thống chí đã giới thiệu: "Chùa ở định phận thôn Vĩnh Tế, huyện Tây Xuyên, nguyên Tổng đốc mưu lược tướng Trung Tĩnh Tử Doãn Uẩn kiến trúc năm Thiệu Trị thứ 7 (1847). Chùa đứng trên núi, mặt trước trông ra tỉnh thành, phía sau dựa theo vòm núi, tiếng người lặng vắng , cổ thụ âm u, cũng một thắng cảnh thiền lâm vậy".
Gần 150 năm qua, chùa Tây An đã được sữa chữa nhiều lần. Hai lần sửa chữa lớn nhất là: Năm 1861, Hòa thượng Nhất Thừa trùng tu lại chánh điện và hậu tổ. Đến năm 1958, Hòa thượng Bửu Thọ đứng ra vận động dân góp tiền của, công sức xây dựng ba ngôi lầu cổ, mặt chính của chùa và sữa chữa ngôi chính điện. Kiến trúc chùa mang phong cách nghệ thuật Ấn Độ và Hồi giáo kết hợp với kiến trúc cổ dân tộc.
Nơi cổng tam quan có bức tượng Quan Âm Thị Kính bế con Thị Mầu. Trước thềm chùa có hai con voi - một con màu đen hai ngà, một con màu trắng sáu ngà - đứng chầu. Bên trong chánh điện có khoảng 200 pho tượng Phật, Bồ-tát, La-hán, Thần và Tiên, đa số bằng danh mộc, mang ý nghĩa triết lý Phật giáo và có giá trị nghệ thuật cao. Sinh động nhất là bộ tượng Tứ Thiên Vương (Đông Thiên Vương, Tây Thiên Vương, Nam Thiên Vương, Bắc Thiên Vương) và bộ tượng Bát bộ Kim Cương.
Chùa còn có nhiều câu đối và hoành phi trạm trổ rất công phu. Tất cả công trình được tạo tác bởi bàn tay điêu luyện của các nghệ nhân An Giang, Đồng Tháp vào thế kỷ XIX.
Phía sau chùa có nhiều tháp mộ, Trong đó đáng chú ý nhất là mộ Phật Thầy Tây An. Thầy tên là Đoàn Minh Huyên quê ở Tòng Sơn (Sa Đéc), sinh năm Đinh Mão (1807), mất năm Bính Thìn (1856). Là người có tinh thần cải cách tôn giáo, Từ năm 1849, Thầy đã đi truyền đạo nhiều nơi và chữa bệnh cho nhiều người nên có uy tín lớn trong nhân dân. Sau đó Thầy về tu tại chùa Tây An. Nhân dân kính trọng tài năng và đức độ của thầy nên đã tôn xưng là Phật Thầy Tây an.
Hằng năm, chùa Tây An có các ngày lễ chính: rằm tháng giêng (thượng nguyên), rằm tháng mười (hạ nguyên) và 12 tháng 8 âm lịch (giỗ thầy Tây An). Vào các ngày lễ ấy và các tháng lễ hội núi Sam, Châu Đốc (từ tháng 1 đến hết tháng 4 âm lịch hàng năm), khách hàng hương các nơi đến chùa chiêm bái rất đông.
--o0o--