-
-
|
PHẬT HỌC CƠ BẢN
-
Con Đường Cũ Xa
Xưa
(Bát Chánh Ðạo)
- Phạm Kim
Khánh
- Trung tâm
Narada, Seattle, Hoa Kỳ
1993/2536
- --- o0o ---
- Phần 4
- Chánh
ngữ
- Chánh ngữ là
lời nói có chân chánh, tức không tạo nghiệp bất thiện bằng lời
nói, trái lại trau giồi những thiện khẩu nghiệp.
- Lời nói là
một khả năng của con người có giá trị vô cùng trọng đại. Bằng
lời nói, ta biểu lộ những tư tưởng thầm kín để chia xẻ với người
khác. Người có Chánh Kiến và Chánh Tư Duy tức nhiên cũng có
Chánh Ngữ. Những người khác, dầu chưa đạt đến mức cao thượng ấy,
vẫn có thể tu tập, thận trọng chú tâm vào những gì mình sắp nói.
Nếu con người có thể kiểm soát được cái lưỡi không xương của
mình nhân loại ắt tránh được bao nhiêu phiền phức và đời sống
trên thế gian này sẽ tốt đẹp hơn bao nhiêu. Lời nói trong sạch
sẽ không đượm nhuần những tâm sở bất thiện như tham lam, sân
hận, ganh tỵ, ngã mạn, ích kỷ v.v...
- Bốn loại khẩu
nghiệp bất thiện là: nói dối, nói đâm thọc, nói thô lỗ cộc cằn
và nói nhảm nhí.
- a. Không
nói dối mà luôn luôn nói lời chân thật là đức hạnh đầu tiên
của Chánh Ngữ. Người nghiêm trì giới này cố tránh và kiêng cữ
nói lời giả dối, tức chuyện có nói không, chuyện không nói có.
Người ấy nói lời chân thật, tận tâm sống chân thật, chắc chắn,
đáng được tín cẩn. Tâm sở bất thiện nằm phía sau lời nói giả
dối, hay ý định làm cho người khác hiểu sai sự thật, có thể khác
nhau như khi nói dối để được lợi về tài sản vật chất, địa vị,
quyền thế, danh vọng v.v... cho mình hay cho người thân mình thì
đó là tâm tham. Nói dối cố tình làm hại người khác là tâm sân
v.v...
- Nói lời giả
dối tác hại cho người mà cũng làm hại chính mình. Xã hội chỉ có
thể tồn tại êm thấm trong sự tín cẩn lẫn nhau khi mà người này
có lý do để tín nhiệm người khác. Tật nói dối còn ảnh hưởng đến
tâm tánh tự nhiên của mình. Khi đã nói dối một lần ta bị bắt
buộc phải nói dối nữa để che đậy cái dối trước và như vậy, gài
chặt người nói dối vào một loại cạm bẩy rất chằn chịt, không lối
thoát. Lắm lúc, đến độ nào, chính người nói dối cũng không còn
biết đâu là sự thật.
- Giả dối là
một trở ngại quan trọng trên đường giác ngộ. Giác ngộ là thấu
triệt sự thật, thấy rõ thực tướng của sự vật, còn nói dối là nói
sai sự thật, cố tình làm cho người khác hiểu sai sự thật. Chứng
ngộ Chân Lý là trọn vẹn tự hòa đồng với sự thật, với cái gì thật
sự là như vậy. Người giả dối nghĩ một đàng nói ra một nẽo, lấy
giả làm thật. Con đường giả dối hẳn là ngược chiều với con đường
giác ngộ. Như vậy, cố tránh, cố kiêng cữ lời nói giả dối là vươn
mình cố vượt qua khỏi phạm vi luân lý của đời sống xã hội. Vấn
đề ở đây là trọn vẹn hòa đồng với Chân Lý.
- Ðến mức cùng
tột, chân thật là một Parami (Ba La Mật), tức là một trong mười
pháp có khả năng đưa người thực hành thuần tục từ bờ mê đến bến
giác (Sacca Paramita, Ba La Mật Chân Thật). Một vị Bồ Tát luôn
luôn chân thật, trong sạch và chánh trực. Phương châm của Ngài
là, "nói sao làm vậy, làm sao nói vậy", không hề sai chạy, không
bao giờ có sự chênh lệch giữa hành động và lời nói. Ðời công các
Ngài như thế nào đời tư như thế ấy. Dầu có phải hy sinh mạng
sống đi nữa Bồ Tát vẫn không hề nói lời giả dối. Sở dĩ chư vị Bồ
Tát rất chú tâm đến hạnh chân thật như vậy là vì ảnh hưởng của
sự giả dối rất sâu đậm.
- b. Không
nói đâm thọc là pháp tu học thứ nhì. Danh từ "pisunavacca"
được Ðức Thế Tôn dùng ở đây có nghĩa là lời nói nhằm bẻ gảy tình
bằng hữu. Thành ngữ mà người thế gian thường dùng là đâm bị thóc
chọc bị gạo. Ði đầu này nói xấu đầu kia, rồi trở lại đầu kia đặt
chuyện dèm pha người này nhằm tạo sự thù hằn, hờn giận hay chia
rẽ. Ðức Phật dạy:
- "Người trì
giới này cố tránh và kiêng cữ, không dùng lời lẽ có tánh cách
đâm thọc. Ðiều gì nghe ở đây, người ấy không lặp lại ở nơi khác
nhằm tạo chia rẽ, hoặc nghe ở nơi khác người ấy không lặp lại ở
đây với ý định làm cho hai đàng hờn giận lẫn nhau. Người ấy đoàn
kết những ai chia rẽ và khuyến khích những ai đoàn kết. Không
khí thuận hòa là niềm vui của người ấy. Người ấy hoan hỷ thỏa
thích và phấn khởi trong sự hòa hợp và, bằng lời nói, cố gắng
gieo trồng mầm mống thuận hòa" (Tăng Nhứt A Hàm. Anguttara
Nikàya, 176)
- Ðộng cơ thúc
đẩy, đưa đến lời nói đâm chọc thường là tâm bất mãn, sân hận hay
ganh tỵ. Thấy ai thành công hay thấy người có giới đức được tôn
trọng thì sanh tâm muốn hạ uy tín hoặc làm giảm suy giá trị. Ðôi
khi vì muốn ám hại hay muốn lấy lòng một người, cũng có khi chỉ
vì thỏa thích muốn thấy người ta giận dũi cấu xé lẫn nhau.
- Ðứng về phương diện nghiệp báo,
quả của lời nói đâm thọc rất là tai hại. Tâm sân, làm nguyên
nhân cho lời nói, đã là một căn bất thiện rồi, người có ác ý cố
gây chia rẽ thường nghiền ngẩm suy tư, tìm lời lẽ để châm chích
cho đúng lúc, đúng tâm lý v.v... Càng ấp ủ dưỡng nuôi trong
lòng, nghiệp ác càng nặng. Nếu cố tâm bày điều giả dối để thêm
bớt thì lại còn tạo thêm khẩu nghiệp giả dối. Cả hai, lời nói
giả dối và lời nói đâm thọc, phối hợp lại tạo thành một khẩu
nghiệp bất thiện vô cùng tai hại.
- Người nói đâm
thọc tựa hồ như loài muổi, hút máu đầu này rồi đến ve vản đầu
kia, hút một ít máu và trong lúc ấy, không quên để lại một phần
nọc độc. Miệng nói ngọt ngào như mật nhưng tâm thì đượm nhuần
chất độc.
- Lời chân
chính không tạo phiền phức cho ai mà chỉ đem lại hòa hợp và an
tĩnh. Thay vì gieo rắc mầm mống chia rẽ người ấy luôn luôn tạo
hòa khí giữa những người bất đồng ý kiến, xây dựng tình bằng hữu
giữa những người thù nghịch.
- Trong xã hội
loài người chúng ta không thể sống riêng rẽ một mình mà phải tùy
thuộc lẫn nhau. Vậy, trong sự lợi ích kế cận nhất của mỗi người,
chúng ta hãy cố gắng tập sống chung với nhau trong bầu không khí
thuận hòa, trong tình huynh đệ và trong sự điều hòa.
- c. Không
nói lời thô lỗ cộc cằn mà chỉ nói thanh tao nhã nhặn. Lời
thô tiếng cộc biểu lộ ra ngoài tâm hung tợn bên trong và được
thốt ra trong cơn nóng giận. Tánh cách thô bạo của lời nói như
thế có thể biểu hiện dưới nhiều hình thức như la rầy, mắng
nhiếc, chưởi rủa hay nói xiêng nói xỏ v.v... tất cả đều phát
sanh từ tâm bất mãn, sân hận và nhằm gây phiền muộn khổ đau cho
người khác.
- Những cơn
nóng giận thường bộc phát đột ngột, không có sự nghiền ngẫm suy
tính, do đó hậu quả không đến nổi trầm trọng lắm. Tuy nhiên, vì
nó có khuynh hướng tái diễn, nếu chúng ta lơ đểnh để lặp đi lặp
lại nhiều lần ắt thành thói quen và từ đó, trở thành tâm tánh
sân hận và hung bạo thì rõ ràng là một hiểm họa. Lời nói thô
bạo, biểu lộ sự nóng giận, lúc nào cũng là một tai hại cho người
nghe cũng như cho người nói, trong hiện tại cũng như trong tương
lai.
- Vào thời Ðức
Phật có vài vị tỳ khưu thường nặng lời lăng mạ một vị khác và vị
này trả lời lại. Ðức Phật khuyên:
- "Không nên
dùng lời thô lỗ cộc cằn. Người bị nói cộc sẽ trả lời thô. Những
lời gây thù trả oán thô tục thật là đau đớn. Lời qua tiếng lại
sẽ làm tổn thương như gây thương tích." (Kinh Pháp Cú, câu 133)
- Ngài giảng
dạy về sự lợi ích của người biết giữ im lặng trước những lời
lăng mạ của kẻ khác như sau, "Nếu giữ được im lặng như cái mõ
bể, con đã đắc quả Niết Bàn", ý nói người hành đúng như vậy,
dầu còn tại thế cũng được xem như đã đắc Niết Bàn.
- Tự kềm chế,
cố tránh và kiêng cữ những lời thô bạo trong cơn nóng giận là
trau giồi hạnh nhẫn nhục, cũng là một Ba La Mật, Khanti
Paramita, Nhẫn Nhục Ba La Mật,. Ðó là chịu đựng những lời khiển
trách khắc khe và khoan hồng bỏ qua những sai lầm của người
khác, tôn trọng những quan điểm dị đồng và cảm thông những thiếu
sót của người. Tự kiểm soát thân tâm là cái chìa khóa mở cửa đưa
vào hạnh phúc và để cho những cảm xúc vô độ lượng, vô trật tự,
đượm nhuần sân hận, điều khiển mình là tự đạt mình vào tình
trạng nô lệ tệ hại nhất.
- Túc Sanh
Truyện số 269 có thuật chuyện Bồ Tát, tiền thân của Ðức Thế Tôn,
là vua xứ Bernares (Ba La Nại), trong một kiếp sống. Ðức Hoàng
Thái Hậu, mẹ Ngài, là người hiền lương nhưng đôi khi ăn nói cộc
cằn. Hôm nọ Vua cùng đi chơi với Hoàng Thái Hậu và đoàn tùy
tùng, dạo chơi trong ngự uyển.Bên đàng có con chim ác là, màu
sắc xanh tươi lộng lẩy, nhưng mỗi khi cất tiếng lên thì giọng
kêu chác chúa, ai nấy cũng bịt tai, ngoảnh mặt than phiền. Một
lúc sau, đến nơi khác có con chim chích chòe, lông đen xấu xí mà
tiếng hát lãnh lót thanh tao dịu ngọt, ai cũng thích nghe, ai
cũng trông cho nó hát thêm nữa để nghe. Nhân cơ hội Vua mở lời
khuyên nhủ mẹ:
- "Kính Thưa
Mẫu Hậu thân mến, tiếng kêu của con chim ác là thật chác chúa
khó chịu, ai cũng muốn xa lánh. Thật không ai thích nghe lời thô
lỗ. Chim chích chòe trái lại, mặc dầu đen đúa xấu xa nhưng đã
thu hút mọi người bằng giọng hát thanh nhã dịu hiền. Như vậy,
lời nói của ta phải cẩn ngôn, êm dịu, hiền lành, đầy ý nghĩa
v.v..."
- Do lời khuyên
của người con sáng suốt kể từ đó về sau Hoàng Thái Hậu giữ gìn
lời ăn tiếng nói và trở nên thanh nhã dịu hiền.
- d. Không
nói nhảm nhí mà chỉ nói lời hữu ích. Pháp học này được Ðức
Phật dạy như sau:
- "Người
(thọ trì phẩm hạnh này) cố tránh và kiêng cữ nói lời nhảm nhí,
vô ích. Người ấy nói đúng lúc, đúng như sự việc xảy ra, nói
những lời hữu ích, nói về Giáo Pháp và Giới Luật. Lời nói của
người ấy là một kho tàng, thốt ra đúng lúc, hữu ly, hòa nhã và
đầy ý nghĩa." (Tăng Nhứt A Hàm, Anguttara Nikàya, bài số 176)
- Lời nói nhảm
ắt vô ý nghĩa, nông cạn và không mang lại lợi ích nào. Những lời
lẽ như thế ấy chỉ khơi động vọng tâm. Ðức Phật khuyên nên hạn
chế những ngôn từ thuộc loại này. Ðối với bậc xuất gia, lời nói
phải thật là cẩn ngôn, phải được chọn lọc và chỉ nói những gì
thích hợp với Giáo Pháp. Ngài dạy:
- "Này chư
Tỳ Khưu, khi các con tụ họp đông đảo thì chỉ có hai việc nên
làm: hoặc thảo luận về Giáo Pháp, hoặc im lặng cao thượng."
(Trung A Hàm, Majjhima Nikàya, bài số 26)
- Thảo luận về
Giáo Pháp là đề cập đến bản chất thật sự của vạn hữu, là đề cập
đến Con Ðường dẫn đến chứng ngộ Chân Lý cùng tột, Niết Bàn, và
do đó, quả thật là hữu ích. Ðàng khác trầm lặng là một hình thức
nhàn lạc của kiếp sinh tồn. Lại nữa, khi ẩn rút trong im lặng
chúng ta hoàn toàn đơn độc để nhìn vào bên trong chúng ta, vào
bản chất thật sự của chúng ta, để tận tường thấy rõ mình như
thật sự mình là vậy. Chừng đó ta có thể học được phương cách
vượt qua những khuyết điểm và giới hạn của cuộc sống bình
thường. Hàng cư sĩ tại gia, vì nhu cầu xã hội, còn phải cần nói
năng lịch thiệp trong câu chuyện giao dịch hằng ngày. Mặc dầu
vậy, Ðức Phật dạy không nên lơ đểnh để buông trôi quá xa, vì
người chú nguyện đi trên con đường giải thoát phải hết sức thận
trọng phân biệt điều nào sẽ dẫn đi đâu, và phải luôn luôn chuyên
cần canh chừng "anh chàng nói láo" sâu ẩn lẫn trốn bên trong
chúng ta một cách rất là kín đáo.
- Không nên nói
lời nhảm nhí mà luôn luôn có lời hữu ích. Vào thời Ðức Phật có
tên sát nhân khát máu nọ gia nhập vào đảng cướp, gây nhiều tội
ác và về sau trở thành đao phủ thủ của triều đình. Nhờ Ðức
Sàriputta (Xá Lợi Phất) cảm hóa, tánh tình anh đổi hẳn từ hung
tàn bạo ngược trở nên hiền lành lương thiện và sau khi chết tái
sanh vào cảnh Trời. Ðức Phật giải thích rằng sở dĩ anh tái sanh
tốt đẹp là nhờ lời khuyên hữu hiệu đượm nhuần từ bi của bậc đạo
đức cao thượng. Ngài dạy:
- "Chỉ một
lời nói hữu ích, làm cho người nghe an tĩnh, còn quý hơn cả ngàn
tiếng nói vô ích." (Kinh Pháp Cú, câu 100)
- Không phải
nói nhiều mà chứng tỏ rằng mình học rộng biết nhiều. Cũng không
phải nói nhiều mà mình tạo lợi ích cho mình hoặc cho ai khác.
Kinh sách Tây Tạng có lời dạy rằng nói nhiều lắm khi đưa đến hậy
quả tai hại, như trường hợp con két, vì ham nói mà phải chịu
cảnh chim lồng.
- Chánh nghiệp
- Chánh nghiệp
là tạo nghiệp chân chánh, tức không sát sanh, không trộm cắp và
không tà dâm, ba điều tu tập đầu tiên trong ngũ giới. Giới thứ
tư, vọng ngữ, đã đề cập đến trong phần Chánh Ngữ. Phần lớn các
kinh sách không đề cập đến giới thứ năm -- không dùng chất say
-- trong Chánh Nghiệp. Nên hiểu rằng không dễ duôi uống rượu và
dùng các chất say là giữ gìn tâm cho được luôn luôn sáng suốt để
luôn luôn quyết định chân chính.
- a) Không
Sát Sanh: là không có ý cắt đứt, ngăn chặn, tiêu diệt hay
làm trở ngại sức tiến triển của năng lực một đời sống, không cho
nó liên tục trôi chảy, là không làm tổn thương cuộc sống của bất
luận sinh vật nào, cũng không sai biểu, xúi dục hay quyến dụ
người khác làm những điều này. Trong hình thức thô sơ nhất, hành
động sát sanh gồm đủ năm yếu tố là: Có một sinh vật đang sống,
có sự hiểu biết rằng sinh vật ấy đang sống, có ý định cắt đứt sự
sinh sống của sinh vật ấy, có sự cố tâm cố gắng làm cho con vật
chết và chính tác động sát sanh.
- Ðức Phật dạy:
"Ai cũng run sợ trước gậy gộc. Tất cả đều qúy trọng đời sống.
Hãy lấy bụng ta suy lòng người. Không nên giết cũng không nên
làm cho người khác giết." (Kinh Pháp Cú, câu 129).
- Một ngày nọ
khi vào thành Savatthi (Xá Vệ) để trì bình Ðức Phật thấy một đám
trẻ con cầm gậy xúm lại đập một con rắn nước. Ngài dừng chân lại
hỏi:
- - Này các
con, các con đang làm gì đó?
- - Bạch Ngài
chúng con đập con rắn.
- - Tại sao các
con đập nó?
- - Bạch Ngài,
vì chúng con sợ nó cắn.
- Ðức Phật mở
lời khuyên rằng trong khi làm đau đớn con rắn các con hãy nghĩ
đến chính các con. Hành động hung bạo này sẽ làm tổn thương đến
hạnh phúc của các con trong tương lai. Người nào muốn tìm hạnh
phúc cho mình chớ nên đánh đập kẻ khác. Và Ngài dạy:
- "Kẻ nào
tìm hạnh phúc cho chính mình bằng cách hành hạ chúng sanh khác,
cũng ưa thích an lạc, kẻ ấy sẽ không được hạnh phúc."
- Khi giảng về
Trì Giới Ba La Mật (Sĩla Paramita), Ðại Ðức Nãrada có lời khuyên
dạy như sau:
- "Mọi
người đều quý trọng đời sống của mình. Không ai có quyền cướp sự
sống của kẻ khác. Bồ Tát rải tâm từ đến tất cả chúng sanh, cho
đến những con vật bé nhỏ đang bò dưới chân và không khi nào sát
hại hoặc làm tổn thương một sinh vật nào. Con người vốn sẵn có
một thú tính xúi dục giết hại những chúng sanh khác để ăn thịt
mà không chút thương hại. Cũng có khi sát sanh, như săn bắn hay
đi câu, để tiêu khiển thì giờ. Dầu để nuôi sống thân mạng hay để
tìm thú vui, không có lý do nào chánh đáng để giết một sinh linh
hoặc làm một cách nào khác cho một sinh linh bị giết. Có những
phương pháp tàn nhẫn, ghê tởm, cũng có những phương pháp mà
ngươi ta gọi là "nhân đạo" để sát sanh. Nhưng, làm đau khổ một
chúng sanh khác là thiếu lòng từ ái.
- Giết một
con thú đã là hành động bất chánh, nói chi đến giết một người,
mặc dầu nhiều lý do đã được viện ra, gọi là chánh đáng, có khi
gọi là cao qúy, để con người tàn sát con người."
- Ðể giải thích
cho một thanh niên tên Subha, thắc mắc trước trạng huống bất
đồng giữa loài người Ðức Phật dạy:
- "Nếu
người kia trọn đời chỉ biết sát sanh, nguời thợ săn chẳng hạn,
bàn tay luôn luôn đẫm máu, hàng ngày sống trong sự giết chóc và
gây thương tích không chút xót thương. Do tính hiếu sát ấy, nếu
tái sanh trong cảnh người, người ấy sẽ yểu mạng.
- "Nếu
người kia luôn luôn thận trọng, không hề xúc phạm đến cuộc sống
của ai, sống xa gươm đao giáo mác và các loại vũ khí, lấy lòng
từ ái đối xử với tất cả chúng sanh. Do sự không sát sanh ấy, nếu
tái sanh trong cảnh người, người ấy sẽ trường thọ.
- "Nếu
người kia độc ác, luôn luôn tìm cách hại người, luôn luôn dùng
đấm đá và gươm đao đối xử với mọi người. Do nết hung dữ bạo tàn
ấy, nếu tái sanh trong cảnh người, người ấy sẽ ươn hèn yếu bệnh
hoạn.
- "Nếu
người kia không bao giờ làm tổn thương ai. Do đức tánh hiền
lương nhu hòa ấy, nếu tái sanh trong cảnh người, người ấy sẽ
mạnh khỏe... " (Kinh Cũllakammavibhanga Sutta số 135 của bộ
Trung A Hàm, Majjhima Nikãya).
- Quả của
nghiệp sát sanh nặng hay nhẹ tùy theo tầm quan trọng của chúng
sanh bị giết vì sự cố gắng để thực hiện hành động sát sanh và
tai hại gây ra khác nhau. Sát hại một người thánh thiện là gâsy
nhiều tai họa hơn là giết một tương cướp.
- b. Không
trộm cắp: là không có ý lấy hoặc xúi dục người khác lấy một
vật có chủ mà không được cho đến mình. "Lấy một vật không được
cho đến mình" có thể bao gồm nhiều hình thức như trộm cắp, tức
lén lút lấy của người như móc túi, khoét vách đào ngạch vào nhà
lấy trộm v.v... ; như cướp gịưt tức công khai lấy của người bằng
võ lực hoặc bằng cách hăm dọa, lẹ làng gịưt lấy món đồ rồi bỏ
chạy, làm cho người ta không kịp trở tay; như gian lận, tức giả
dối, tráo trở dành quyền sở hữu của một người khác; như lường
gạt, buôn bán của ít nói nhiều, giá thấp nói cao hay đo, lường,
cân thiếu, của hư xấu nói tốt, v.v... Tất cả những hình thức
trên đều tạo nghiệp trộm cắp.
- Một khi nhân
đã gieo rồi thì qủa đương nhiên ắt phải trổ, sớm hay chầy, nơi
này hay nơi khác. Theo đúng giáo huấn của Ðức Bổn Sư, không thể
van lơn cầu cạnh hay hối lộ hoặc gian lận bằng cách nào mà ta có
thể đổi được định luật nhân qủa, cũng không thể lẩn trốn nơi
nào, dầu trên trời lồng lộng mênh mông, giữa đại dương sâu thẳm
hoặc ở thâm sơn cùng cốc mà ta có thể tránh khỏi hậu quả của
nghiệp bất thiện đã tạo. Không có vị Trời nào, chí đến Ðức Phật
đi nữa, có thể can thiệp vào sự báo ứng của nghiệp. Qủa của
nghiệp trộm cắp là nghèo nàn, khốn khổ, bị thất vọng và làm thân
nô bộc.
- Năm chi tạo
nghiệp trộm cắp là: Có một vật sở hữu của người khác, mình biết
như vậy, mà có ý định đoạt vật ấy làm sở hữu của mình, rồi cố
gắng đoạt lấy.
- Người thực
hành Chánh Nghiệp lánh xa mọi hình thức trộm cắp, dầu là sự trộm
cắp hiển nhiên, lộ liễu hay vi tế, kín đáo, ẩn núp dưới một lớp
gì khác, trái lại, luôn luôn cố gắng phát triển những đức hạnh
thanh bạch, liêm khiết, chân thật và chánh trực.
- c. Không
tà dâm: tức là giữ gìn đời sống gia đình cho được trong
sạch, không lang chạ phóng túng, là pháp tu học thứ ba trong
Chánh Nghiệp.
- Về phương
diện luân lý giới này nhằm bảo vệ hạnh phúc gia đình, không để
cho người ngoài xâm phạm vào tình trạng an lạc trong nhà, tạo sự
tín cẩn lẫn nhau và xiết chặt tình nghiã giữa vợ và chồng. Về
mặt đạo đức, giới này giúp làm giảm thiểu năng lực tự nhiên có
chiều hướng lan rộng của dục vọng và đằng khác tăng trưởng hạnh
từ khước buông bỏ và tự chế của lối sống thanh cao.
- Lẽ dĩ nhiên
đời sống độc thân của các vị tu sĩ chân chánh là hình thức trong
sạch đáng qúy trọng nhất, vì các Ngài có thể tận dụng tất cả
năng lực và thì giờ của mình để phục vụ kẻ khác. Tuy nhiên, Ðức
Phật là vị giáo chủ thực tế, Ngài không bao giờ trông chờ hàng
tín đồ tại gia cư sĩ sống cuộc sống của các bậc xuất gia. Hiểu
biết bản năng và những kích thích của đời sống, khát vọng và
những thúc giục của con người Ðức Bổn Sư không ép buộc người
Phật Tử cư sĩ sống tuyệt đối độc thân như các vị Tỳ Khưu. Nhưng
Ngài khuyên chúng ta nên thận trọng, đừng để sai lầm làm nô lệ
cho thể xác và do đó, làm giảm suy phẩm giá con người.
- Quả của
nghiệp Tà dâm là có nhiều kẻ thù và đời sống gia đình, giữa vợ
và chồng, không có hạnh phúc.
- Chánh mạng
- Chánh Mạng là
hành nghề chân chánh để nuôi mạng. Kinh sách thường đề cập đến
năm nghề không nên làm là: Buôn bán khí giới, nuôi hay bán thú
để làm thịt, buôn bán người để làm nô lệ, buôn bán độc dược,
buôn bán rượu và các chất say. Tinh thần của năm điều kiêng cữ
này là không nên nuôi mạng sống bằng những nghề mà, trong khi
hành , ta trực tiếp hay gián tiếp tạo nghiệp bất thiện.
- Trong bài
thuyết minh về Tứ Diệu Ðế, đạo hữu V.F. Gunaratna viết:
- "...Cuộc
chiến đấu để sống và những nhu cầu khẩn thiết được tạo nên để
bảo tồn đời sống cá nhân và nuôi sống gia đình bắt buộc con
người phải xem công cuộc làm ăn sinh sống là một vấn đề trọng
đại và do đó, có một thúc dục cấp bách đẩy con người đi dài theo
kiếp sống để thành tựu điều này.
- "Xét rằng
những gì công bằng và lịch sự đều bị vứt bỏ, biến tan theo chiều
gió, và xét rằng những hậu qủa tai hại sẩy đến cho kẻ khác sẽ bị
lãng quên, không ai để ý đến, con người có thể bị quyến rũ đi
vào con đường bất chánh. Ðó là điều mà chúng ta phải thận trọng
giữ mình, đừng để bị rơi vào những quyến rũ tương tợ. Bằng mọi
giá chúng ta phải giữ cho Chánh Mạng của mình được trong sạch.
Yếu tố Chánh Mạng dẫn đến giới đức trong sạch, người hành nghề
theo đúng Chánh Mạng mới có thể trang nghiêm trì giới, bằng cách
tránh xa sự buôn bán khí giới, bán thú để làm thịt, bán người
làm nô lệ, bán rượu, bán độc dược.
- "Thông thường
ta nghĩ rằng phải tránh chỉ có bấy nhiêu nghề đó để giữ cho
Chánh Mạng được trong sạch. Không phải chỉ có vậy. Trong bộ
Trung A Hàm, Majjhima Nikãya, có đoạn ghi rằng hành những nghề
có "sự lường gạt, nịnh bợ, mờ ám, chia rẽ, cố ăn" đều được sxem
là không Chánh Mạng. Một cách tổng quát , như đã ghi trong
Trường A Hàm Dĩgha Nikãya, Chánh Mạng được xem là tránh xa những
lối sống bất chánh và sống đời chân chánh."
- Các vị Tỳ
khưu sống không nhà cửa, không gia đình, và tất cả tài sản chỉ
bao gồm có bộ y và bình bát. Các Ngài không phải buôn bán hay
làm lụng để sinh sống như người tại gia cư sĩ nhưng cũng có giới
Chánh Mạng. Ngài Ðại Ðức Ledi Sayadaw phân làm bốn loại Chánh
Mạng cho các vị tu sĩ là:
- 1. Tránh xa
sự nuôi mạng bằng những phẩm hạnh sai lạc như phạm một trong ba
thân bất thiện nghiệp và bốn khẩu bất thiện nghiệp.
- 2. Tránh xa
sự nuôi mạng bằng những phương tiện bất chánh, đối với nhà sư
như nịnh bợ, đưa thơ từ qua lại v..v...
- 3. Tránh xa
sự nuôi mạng bằng cách gạt gẫm người khác như dụ dỗ người theo
mình tu học để được phép thần thông hay khoe mình đã đắc Thánh
Qủa, hay nói cho người ta bực mình phải cho ra một vật gì để
mình đi cho rồi, hoặc nữa, bỏ ra một món quà nhỏ để câu lấy một
món qúy giá hơn...
- 4. Tránh xa
sự nuôi mạng bằng những kiến thức trần tục như coi tướng số, bói
quẻ...
- Tóm lại,
Chánh Mạng tạo điều hòa trong đời sống xã hội và đem lại an lành
hạnh phúc cho từng cá nhân. Nếu người sống tà mạng hàng ngày gạt
gẫm, giết chóc, hoặc say sưa, trộm cắp và do đó gây xáo trộn cho
toàn thể cộng đồng thì người có Chánh Mạng đem lại tình trạng an
toàn, hòa hợp cho tất cả mọi người.
- Ba chi Chánh
Ngữ, Chánh Nghiệp, Chánh Mạng hợp thành phân hạng giới, hay phần
luân lý trong Bát Chánh Ðạo. Giới là những quy tắc đạo đức có
tác dụng như tấm bảng màu đỏ dựng bên lrề đường để cảnh cáo hiểm
họa sa đọa, những gì không nên làm, những điều nên tránh
(varitta). Ðằng khác Giới cũng là nếp sống kỷ cương được xem như
những tảng đá vững chắc cẩn trên con đường đưa đến an tĩnh hoàn
toàn, hạnh phúc tuyệt đối, những gì nên làm (caritta).
- Giới được ban
hành nhằm tạo thân và khẩu nghiệp trong sạch, nhưng chính phẩm
hạnh tuyệt hảo tự nó chỉ là phương tiện. Mục tiêu tối hậu của
Giới - hiểu theo Bát Chánh Ðạo - là thoát ra khỏi mọi hình thức
khổ đau của đời sống và vượt đến hạnh phúc trường cửu, Niết Bàn.
--o0o--
|
|