-
-
|
PHẬT HỌC CƠ BẢN
Phật Học Cơ Bản
-
Tập Một
- Ban Hoằng Pháp
Trung Ương
GHPGVN
-
Chương Trình Phật Học Hàm Thụ (1998-2002)
Nguyệt San Giác Ngộ
- --- o0o ---
- Phần II
- Bài 2
- Tám Phần
Thánh Đạo (Bát Chánh Ðạo)
- Thích Tâm
Khanh
-
A- Dẫn nhập
- Thánh đạo
(Noble path) hay chánh đạo (Right path) đều biểu thị con đường
chân chánh, đưa đến thánh thiện, thánh quả, giải thoát. Ðạo
(Pàli: magga) là con đường chuyển hóa, là phương thức, pháp môn
tu tập đưa đến hạnh phúc, an lạc. Trong Phật giáo, chữ "Thánh"
không mang ý nghĩa siêu hình hay siêu thế. Nó diễn tả tất cả
giáo lý đạo Phật đều do chính Ðức Thế Tôn tuyên thuyết và vì mục
đích thoát ly mọi ràng buộc của vô minh, tham ái, nguyên nhân
của khổ đau. Vì thế, cũng như các phương pháp tu tập khác thuộc
37 phẩm trợ đạo, như 4 đề mục quán niệm (tứ niệm xứ), 4 phạm trù
về tinh cần và như ý (Iddhi; Tứ chánh cần - Tứ như ý túc), 7 con
đường đưa đến giác ngộ (Thất bồ đề phần)..., tám phần thánh đạo
(Bát chánh đạo) là tám con đường hành trì của một người quyết
tâm đi tìm sự thật và hạnh phúc chân thiện ở đời. Người tu tập
Bát thánh đạo là người hạnh phúc. Gia đình được xây dựng theo
Bát Thánh đạo là gia đình hạnh phúc và tương tự, một xã hội quốc
gia sống theo bát chánh đạo hẳn nhiên sẽ là một xã hội an lạc.
Có thể khẳng định tám phần thánh đạo là tám điều kiện cần và đủ
để được hạnh phúc, an lạc ngay tại cõi đời này gồm: Chánh kiến,
Chánh tư duy, Chánh ngữ, Chánh nghiệp, Chánh mạng, Chánh tinh
tấn, Chánh niệm và Chánh định.
-
B- Nội dung
-
I- Nội dung Bát thánh đạo:
- 1)- Chánh
tri kiến (Sammà ditthi): Trong Pàli ngữ, ditthi là biến từ
của dittha. Dittha, nếu là động từ sẽ mang nghĩa "thấy, trông
thấy"; khi là danh từ lại có nghĩa: "người được giác ngộ đến mục
tiêu cuối cùng". Trong khi Sammà mang ý nghĩa: "chánh trực, chơn
chánh". Sammà ditthi do vậy có nguyên nghĩa là: sự thấy, hiểu
biết chân chánh, chánh trực hay nhận thức đúng, rõ ràng như
thật. Các kinh Thánh Ðạo (Trung A Hàm 189), kinh Maha
Cattarisanka (Trung Bộ III - số 114), kinh Chánh tri kiến
(Trung Bộ I - số 9) đã đề cập đến Chánh tri kiến như sau:
- - Hiểu rõ về
4 sự thật (tứ đế), duyên khởi - vô ngã, mối liên hệ nhân quả
trong sự vận hành, từ nguồn gốc sanh tạo đến đoạn diệt và phương
thức tu tập để đoạn diệt các thức ăn nuôi dưỡng ái dục là chánh
tri kiến.
- - Biết được
thiện và bất thiện, các tính chất căn bản của chúng là chánh tri
kiến.
- - Sự am tường
về 5 uẩn của tự thân và thế giới là chánh tri kiến.
- 2)- Chánh
tư duy (Sammà samkappa): Chánh tư duy là chi phần thứ hai
trong bát chánh đạo sau chánh tri kiến. Do sự hiểu biết, cái
nhìn chân chánh mà sự suy niệm hay ý nghĩ đúng đắn phát sinh.
Quá trình suy niệm liên tục sẽ hình thành các tư tưởng
(thoughts). Chánh tư duy vì vậy là kết quả của quá trình trầm tư
lâu dài, định hình các tư tưởng hay hệ tư tưởng chánh trực.
Tương tự như chánh tri kiến, các tư duy được gọi là chân chánh
khi chúng được tạo ra từ sự chuyên chú khảo sát về tứ đế, duyên
khởi - vô ngã, 5 uẩn... Những tư tưởng nào không phản ánh được
nội dung của 4 sự thật, duyên khởi - vô ngã là tư tưởng sai lầm
hay còn gọi là tà tư duy như đức Phật đã tuyên bố: "Ai thấy
duyên khởi là thấy pháp. Ai thấy pháp là thấy Như Lai" (Tương
Ưng III, tr.144).
- 3)- Chánh
ngữ (Sammà vàcà): Do có hiểu biết và tư tưởng đúng đắn, lời
nói và ngôn hạnh của hành giả cũng nhu hòa, chánh trực. Luận
Thanh Tịnh Ðạo (Visudhi Magga) viết: "Khi hành giả thấy và tư
duy như vậy (tức trên cơ sở 4 sự thật và duyên khởi - vô ngã),
sự từ bỏ tà ngữ của vị ấy, một sự từ bỏ tương ưng với chánh
kiến, từ bỏ ác ngữ nghiệp gọi là chánh ngữ" (trang 40 - tập
III).
- Tà ngữ là
những lời nói - ngôn hạnh sai lạc gồm 4 biểu hiện: nói dối (vọng
ngữ), nói lời ác (ác khẩu), nói hai lưỡi (lưỡng thiệt) và ỷ ngữ.
Trong kinh ví dụ cái cưa (Trung Bộ kinh I - số 21), đức
Phật dạy về 5 loại ngữ hành mà một người tu tập chánh ngữ cần
thực hành:
- - Nói đúng thời, không nói phi
thời;
- Nói lời chân thật, không nói lời hư ngụy;
- Nói lời nhu hòa, không nói lời thô bạo;
- Nói điều lợi ích, không nói điều vô ích;
- Nói lời xuất phát từ lòng từ, không nói lời xuất phát từ lòng
sân.
- 4)- Chánh
nghiệp (Samma kammanta): Nghiệp (Kamma) là hành vi có tác ý.
Một hành động hay hành vi xuất phát từ nhận thức và tư duy chân
chánh được gọi là chánh nghiệp. Ngược với chánh nghiệp là tà
nghiệp. Sự từ bỏ các hành vi bất thiện thuộc tà nghiệp - như
giết hại, chiếm đoạt tài sảãn của người khác (bao gồm cả hối lộ,
nhận hối lộ, thâm lạm công quỹ...), tà hạnh trong các dục (như
nam nữ quan hệ bất chính, tự thủ dục...) - là những hành vi chân
chánh hay chánh nghiệp.
- Nguồn gốc của
mọi hành vi thuộc tà nghiệp đều dẫn khởi từ ba yếu tố: lòng tham
lam, sự sân hận và sự ái luyến si mê. Với nhận thức và tư duy
thanh tịnh không uế nhiễm, người tu tập nỗ lực loại trừ tất cả
mọi tư tưởng luyến ái, lòng thù hận. Tâm thức trở nên thanh
tịnh. Tâm thanh tịnh thì đời sống cũng trong sạch. Chánh nghiệp
do vậy cũng là đời sống trong sạch, gương mẫu, chánh trực.
- 5)- Chánh
mạng (Sammà àjìva): Yếu tố hay chi phần thứ năm trong Bát
thánh đạo là Chánh mạng. Trong tự điển Pàli, Ajìva có nghĩa là
sự nuôi sống, sự sanh sống, hàm nghĩa các hoạt động lao động
chân tay hay trí não để nuôi sống sinh mạng. Mọi hoạt động nghề
nghiệp sinh nhai được hiểu là chân chánh khi chúng không được
thực hiện bằng sự xảo trá, lừa lọc, làm hại đến bản thân, gia
đình, xã hội và quốc gia (dù của người hay của mình) như buôn
bán độc dược, heroin, vũ khí,... Luận Thanh Tịnh Ðạo giải thích:
"Chánh mạng có đặc tính là làm sạch. Nhiệm vụ của nó là đem lại
sự phát sinh một nghề sinh nhai thích đáng. Nó được biểu hiện
bằng sự từ bỏ tà mạng" (sđd, tr.41).
- 6)- Chánh
tinh tấn (Sammà vàyàma): Tinh tấn (Vàyàma) là sự nỗ lực,
siêng năng chuyên cần, cố gắng hết sức bằng tất cả nghị lực bản
thân. Chánh tinh tấn là năng lực thúc đẩy tiến trình tu tập của
một hành giả khi vị này quyết tâm cắt đứt mọi bất thiện pháp
trong cuộc sống tự thân. Nó được biểu hiện qua 4 phạm vi:
- - Nỗ lực làm tiêu trừ các bất
thiện pháp đã phát sanh như các tật xấu, khiếm khuyết của bản
thân.
- Nỗ lực ngăn ngừa, dập tắt các ác pháp đang hoặc chưa phát
sanh.
- Nỗ lực làm phát sanh các thiện pháp như các tư tưởng, hành vi,
ngôn ngữ có chất liệu từ bi, vô ngã, hy sinh, phụng sự...
- Nỗ lực trau dồi và làm tăng trưởng các thiện pháp đã phát
sanh.
- Các phạm trù
thiện, ác thuộc đạo đức, luân lý được thể hiện qua hành vi của
thân, lời nói của miệng và tư tưởng của ý. Do đó, chánh tinh tấn
còn là năng lực kiểm soát chuyên chú các hoạt động của thân,
khẩu và ý.
- 7)- Chánh
niệm (Sammà sati): Sati theo Pàli ngữ mang nghĩa: sự ghi
nhớ, sự chú tâm, thường được dịch là Niệm. Chánh niệm là sự chú
tâm quán tưởng 4 đề mục: thân thể, cảm thọ, tâm thức và các
pháp. Sự chú tâm và ghi nhớ, suy nghĩ thường trực về 4 đề mục
trên đưa đến sự loại trừ 4 tà niệm:
- - Thân thể là
một hợp thể bất tịnh mà cho là đẹp đẽ, thanh tịnh, đáng ưa
thích.
- Các cảm thọ (bao gồm tất cả các trạng thái, thái độ tâm lý của
các quan năng 6 căn khi tiếp xúc 6 trần) dù là đau khổ, vui
sướng hay vô kí (1) đều do nhân duyên sanh, có khuynh hướng đưa
đến khổ (dukkha) mà cố chấp là hạnh phúc, an lạc.
- Tâm lý, tâm thức con người luôn thay đổi, vô thường mà bảo thủ
cho là trường tồn.
- Mọi sự vật, hiện tượng trên đời luôn chuyển biến theo vô ngã
mà chấp là có ngã, không phải do nhân duyên sanh.
- Luận Thanh
Tịnh Ðạo viết: "Khi hành giả nỗ lực như thế (tức luôn chú tâm
trên 4 đề mục) sự không quên lãng trong tâm tương ưng chánh
kiến, rũ bỏ tà niệm, thì gọi là chánh niệm. Nó có đặc tính là an
lập. Nhiệm vụ của nó là không quên" (sđd, tr.41).
- 8)- Chánh
định (Sammà samàdhi): Ðịnh (Samàdhi) là trạng thái tâm tập
trung thuần nhất, an tịnh, không dao động. Kinh Ðại Tứ Thập (Trung
Bộ III, số 117) định nghĩa về chánh định: "Thế nào là chánh
định với các cận duyên và tư trợ ? Chính là Chánh kiến, Chánh tư
duy, Chánh ngữ, Chánh nghiệp, Chánh mạng, Chánh tinh tấn, Chánh
niệm. Này các Tỷ kheo, phàm có sự nhất tâm nào được tư trợ với
bảy chi phần này, như vậy, gọi là chánh định cùng với các cận
duyên và tư trợ" (tr.205).
- Theo lời dạy
trên, Chánh định là sự nhất tâm có mặt của 7 chi phần trước mà
đặc biệt là Chánh kiến. Như vậy, định hay sự nhất tâm, an định
nào không có mặt của chánh kiến được gọi là tà định.
-
II- Liên hệ giữa Bát thánh đạo và
Giới, Ðịnh, Tuệ
- Con đường đưa
đến giác ngộ theo 8 chi phần thánh đạo tuy không mô tả đầy đủ về
3 nhóm Giới luật, Thiền định và Trí tuệ nhưng về đặc tính thực
nghiệm, chúng luôn được bao gồm trong ba môn học vô lậu: Giới,
Ðịnh, Tuệ. Ðức Phật đã giảng rõ: "Hiền giả Visakha, tám thánh
đạo không bao gồm trong ba uẩn, nhưng ba uẩn bao gồm được cả tám
thánh đạo. Bất cứ chánh ngữ nào, chánh hành nghiệp nào, chánh
mạng nào, đều thuộc Giới uẩn. Bất cứ chánh tinh tấn nào, chánh
niệm nào, chánh định nào, đều thuộc về Ðịnh uẩn. Bất cứ chánh
kiến nào, chánh tư duy nào đều thuộc về Tuệ uẩn" (Tiểu kinh
Phương Quảng - Trung Bộ I, số 44).
- Sự liên hệ
giữa các chi phần trong bát chánh đạo với ba nhóm giới luật,
thiền định và trí tuệ không phải là mối liên hệ khách quan, máy
móc, chúng biểu thị tính nhất quán trong học tập giáo lý và thực
nghiệm. Có thể giải thích theo hai hướng: Sự liên hệ giữa các
chi phần trong nhóm và sự liên hệ giữa ba nhóm Giới, Ðịnh và
Tuệ.
- 1)- Liên
hệ về tính chất thực nghiệm giữa các chi phần trong nhóm:
- - Các chi
phần chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng được xếp chung vì có
tính chất chung loại. Lời nói, hành vi cuộc sống và nghề nghiệp
đều biểu hiện ở thân và khẩu. Vì vậy chúng được xếp vào nhóm
Giới.
- - Niệm, nhất
tâm và tinh tấn là ba yếu tố hỗ tương đưa đến Ðịnh. Luận Thanh
Tịnh Ðạo giải thích: "Ðịnh không thể tự bản chất làm phát sinh
an chỉ, nhưng với tinh tấn hoàn tất nhiệm vụ nỗ lực, niệm làm
nhiệm vụ ngăn ngừa dao động, thì Ðịnh có thể đạt đến an chỉ"
(sđd, tr.42).
- - Tuệ gồm
chánh kiến và chánh tư duy. Ngoài sự nhận thức, hiểu biết là
biểu hiện cụ thể của trí tuệ, tư duy hay tư tưởng cũng được xếp
vào Tuệ uẩn. Vì sao ? Ngài Buddha Ghosa Thera (Phật Âm) giải
thích: "Tuệ (tức chánh kiến) tự nó không thể định rõ một vật là
vô thường, khổ, vô ngã. Nhưng với tầm - tư duy trợ lực, bằng
cách liên tục đánh vào đối tượng, thì có thể... Bởi thế, trong
Tuệ uẩn chỉ có chánh kiến là đồng loại, nhưng chánh tư duy cũng
được hàm trong đó, vì chánh tư duy trợ lực cho chánh kiến" (sđd,
tr.43).
- 2)- Sự
liên hệ giữa các nhóm Giới, Ðịnh, Tuệ: Thông thường, con
đường giải thoát được giới thiệu theo thứ tự tiệm tiến Giới,
Ðịnh, Tuệ như Luật tạng viết: "Do Giới sanh Ðịnh, do Ðịnh sanh
Tuệ". Tuy nhiên, do quan hệ duyên khởi và thực tiễn tu tập theo
căn tánh, tam vô lậu học được trình bày khởi từ nhóm Tuệ. Các
kinh Chánh Tri Kiến, kinh Ðại Tứ Thập xác định chánh kiến là chi
phần chủ yếu của Bát thánh đạo. Tất cả các chi phần còn lại đều
phải có mặt của chánh kiến hay quá trình tu tập Giới và Ðịnh
luôn phải song hành với Tuệ.
-
III- Hai con đường
- Như đã nêu,
đạo là con đường tu tập chuyển hóa đưa đến thánh quả. Trong kinh
Ðại Tứ Thập, Ðức Phật đã dạy về hai con đường của các bậc hữu
học và vô học (2): "Do có chánh kiến, chánh tư duy khởi lên; do
có chánh tư duy, chánh ngữ khởi lên; do có chánh ngữ, chánh
nghiệp khởi lên;..., do có chánh định, chánh trí khởi lên; do có
chánh trí, chánh giải thoát khởi lên. Như vậy, này các Tỳ kheo,
con đường của vị hữu học gồm có tám chi phần và con đường của vị
A La Hán gồm có mười chi phần" (tr.191).
- Do đó, Bát
chánh đạo cũng có hai loại: hữu lậu và vô lậu. Dù được trình bày
dưới hình thức 8 chi phần hay 10 chi phần, trọng điểm của việc
tu tập Bát thánh đạo vẫn là đoạn trừ lậu hoặc, tham ái, chấp
thủ. Sự phân loại trên chỉ nhằm mục đích nhấn mạnh đến vai trò
của trí tuệ (Chánh trí) trong việc giải thoát (Chánh giải thoát)
mọi lậu hoặc khỏi tâm thức. Ðiều này khẳng định tầm quan trọng
của trí tuệ. Ðạo Phật là đạo của trí tuệ như kinh Bát Ðại Nhân
Giác đã viết: "Duy tuệ thị nghiệp".
-
IV- Tu tập Bát thánh đạo
- Cũng như tất
cả giáo lý khác, Bát thánh đạo là giáo lý hướng đến và phục vụ
cho cuộc sống. Vì vậy, học tập Bát thánh đạo không thể dừng lại
ở mức độ khảo sát, tìm hiểu. Chúng cần được thể nghiệm trong
cuộc sống.
- Con người là
một tập hợp hai thành phần thân thể vật lý và đời sống tinh
thần. Tu tập Bát thánh đạo vì vậy được đặt trên nền tảng của hai
phương diện: tu tập thân và tu tập tâm.
- 1)- Tu tập
thân: Thân thể vật lý (tức nội sắc uẩn) luôn có liên hệ với
thế giới môi sinh (ngoại sắc uẩn). Một cơn gió thoảng qua đem
lại cho cơ thể cảm giác mát mẻ nhưng cũng có thể đem lại những
chứng bệnh cảm mạo, phong hàn. Sống trong hoàn cảnh bất như ý,
điều kiện cư trú ẩm thấp hay khô hạn, không vệ sinh hay thiếu
môi cảnh cây xanh... đều đem lại những biến chứng bệnh tật. Tu
tập chánh kiến, chánh tư duy là thấy và tự nhận thức mối liên hệ
duyên khởi của các nội phần cơ thể và ngoại phần cơ thể hay
tương quan của thân thể và môi sinh. Tu tập chánh nghiệp - chánh
mạng - chánh ngữ là tự điều chỉnh khả năng đề kháng của cơ thể
phù hợp với môi trường học tập, lao động, làm việc; góp ý và
thực hiện công tác cải tạo môi trường sinh thái và tăng cường
rèn luyện cơ thể qua tập thể thao, sinh hoạt điều độ. Tu tập
chánh niệm - chánh định về thân là biết rõ và làm chủ các hoạt
động của cơ thể, giữ trạng thái quân bình không để các dục làm
kích động hay ức chế. Trong kinh Thân Hành Niệm (Trung Bộ kinh -
số 119), Ðức Phật dạy: "Này các thầy, khi bước tới, bước lui
biết rõ việc mình làm; khi ngó tới ngó lui biết rõ việc mình
làm; khi ăn, uống, nhai, nếm...; khi đi, đứng, ngồi, ngủ, thức,
nói, im lặng biết rõ việc mình làm. Trong khi vị ấy sống không
phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần, các niệm và tư duy thế tục được
đoạn trừ. Nhờ đoạn trừ các pháp ấy, nội tâm được an trú, an tọa,
chuyên nhất, định tĩnh".
- Tu tập Bát
thánh đạo dù bất cứ chi phần nào cũng đều phải có mặt của chánh
kiến. Do vậy, tự nhận thức và theo dõi, làm chủ bản thân luôn là
hai yếu tố không thể thiếu trong quá trình tu tập thân.
- 2)- Tu tập
tâm: Tâm thức luôn trôi nổi, biến động theo các điều kiện
bên trong hay bên ngoài cơ thể. Tu tập thân không thể đặt ngoài
phạm vi tu tập tâm và ngược lại. Khi tâm bị dao động hay ức chế
bởi phiền não (kilesa), hoạt động thân thể sẽ rối loạn ngay cả
cái nhìn về cuộc đời cũng trở nên buồn thảm. Thơ ca vẫn để lại
bao lời than oán, ngậm ngùi:
- "Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu,
Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ" -- (Kiều, câu 1243-1244)
- Do vậy, tu
tập tâm có tầm quan trọng đặc biệt trong việc ổn định cuộc sống.
Toàn bộ kinh điển, luật, luận Phật giáo không đi ra ngoài định
hướng ấy. Nhận thức hay có chánh kiến, suy nghĩ tìm ra mối liên
hệ nhân duyên trong liên hệ nội tại của các trạng thái tâm lý và
thái độ tâm lý ứng xử là bước khởi đầu để điều chỉnh, sửa đổi
các hành vi thân khẩu (thuộc chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh
mạng) và cuối cùng là gột rửa khỏi tâm những bất thiện pháp,
phiền não, ganh ghét, oán hận có nguồn cội từ tham, sân, si. Nỗ
lực tu tập thiền định (chánh định - chánh niệm) là con đường đặc
biệt quan trọng, giải quyết tất cả các rối loạn tâm lý của nhân
sinh. Ðồng thời nó xác định tính chất đặc thù của Phật giáo,
khác hẳn các tôn giáo khác.
- "Chúng ta có
thể rút ra một kết luận rõ ràng về những gì phải làm của một
người tu tập giải thoát. Hành giả chỉ có hai việc phải làm, như
Thế tôn đã dạy, học hỏi Phật pháp và tu tập thiền định. Ðây là
ngõ đường chúng ta đến với đạo Phật, đi vào đạo Phật" (Phật
học khái luận, tr.283).
-
C- Kết luận
- Thế giới hiện
nay đang từng bước phát triển, đi vào đa phương hóa toàn diện.
Nhiều học thuyết, lý thuyết triết học, đạo học đang được tái
thẩm định để tìm ra những giá trị ứng dụng cho nền văn minh hiện
đại. Các nguyên lý, quy tắc đạo đức cổ lệ cũng được thay đổi.
Tuy nhiên, nếu phải tìm ra những phạm trù đạo đức chung để xây
dựng và góp phần ổn định mọi rối loạn trong cuộc sống nhân sinh
thì Bát thánh đạo chính là định hướng cho đời sống cá nhân, gia
đình và xã hội ở mọi quốc gia trên thế giới. Chừng nào con người
còn đau khổ, Bát thánh đạo vẫn còn là kim chỉ nam hướng dẫn mọi
hành vi, lời nói và tư tưởng thuộc tam nghiệp; chừng nào xã hội
còn có nhu cầu phát triển tốt đẹp, bát thánh đạo vẫn còn là định
hướng tu chính chính sách, đường hướng tổ chức hoạt động xã hội;
và chừng nào mọi quốc gia trên thế giới còn mong muốn đem lại an
lạc cho nhân loại, chừng đó bát chánh đạo vẫn là đóng góp của
Phật giáo vào tiếng nói chung của nhân loại trong tiến trình hòa
bình thế giới. Có thể khẳng định giá trị của tám phần thánh đạo
như một bản đồ tu tập cho mọi người ở mọi thời đại. Ðây cũng là
ý kiến được rút ra từâ kinh nghiệm tu tập của Giáo sư Rhys
Davids, chủ tịch hội Pàli Text Society:
- "Dầu là Phật
tử hay không phải Phật tử, tôi nghiên cứu từng hệ thống tôn giáo
lớn trên thế giới, và trong tất cả, tôi không tìm thấy trong tôn
giáo nào có cái gì tốt, cao đẹp và toàn vẹn hơn Bát thánh đạo
của đức Phật. Tôi chỉ còn có một việc làm là thu xếp nếp sống
tôi cho phù hợp với con đường ấy". (Ðức Phật và Phật pháp,
1989, tr.295,bd)./.
-
* Chú thích:
- (1) Vô kí:
các cảm thọ không thuộc về thiện, ác cũng không thuộc về bất
thiện hay khổ.
- (2) Hữu học,
vô học: ba quả đầu trong 4 thánh quả Thanh văn được gọi là Hữu
học (còn phải học) còn quả thứ tư (A La Hán) được gọi là Vô học.
-
* Thư mục sách tham khảo:
- 1. Ðức
Phật và Phật pháp (bd), HT. Nàrada, Thành hội Phật giáo TP.
Hồ Chí Minh, 1989, (dịch giả: Phạm Kim Khánh)
- 2. Phật
học khái luận, TT. Thích Chơn Thiện, Ban giáo dục Tăng Ni,
1993
- 3. Thanh
tịnh đạo luận (bd), Buddhaghosa, tập III, 1993 (dịch giả:
Trí Hải)
- -oOo-
-
Câu hỏi hướng dẫn ôn tập
- 1- Trình bày nội dung
Bát thánh đạo và liên hệ với Giới - Ðịnh - Tuệ.
- 2- Rút ra các giá trị
thực nghiệm qua ứng dụng giáo lý Bát thánh đạo trong cuộc
sống tự thân.
|
--o0o--
|
|