-
-
|
PHẬT HỌC CƠ BẢN
- Phật Học Cơ Bản
-
Tập Một
- Ban Hoằng Pháp
Trung Ương
GHPGVN
-
Chương Trình Phật Học Hàm Thụ (1998-2002)
Nguyệt San Giác Ngộ
- --- o0o ---
- Phần II
- Bài đọc thêm
- Phật giáo,
Triết lý sống thời đại
- HT Thích Trí
Quảng
- Ngày nay, nói
đến Phật giáo, người ta thường xem như một tôn giáo nặng phần
cúng bái, cầu nguyện. Thiết nghĩ việc cúng lễ, cầu nguyện là
điều đương nhiên không thể thiếu đối với tôn giáo.
- Tuy nhiên,
thực chất của đạo Phật đặt nặng vấn đề tu hành hơn; vì vậy cầu
nguyện, lễ bái cũng là một trong những phương pháp tu hành,
không phải là cứu cánh. Thật vậy, Ðức Phật khẳng định Ngài đưa
ra vô số phương tiện, thường được tiêu biểu bằng con số 84.000
pháp tu, để giúp mọi người đạt đến cứu cánh giác ngộ, giải
thoát.
- Pháp phương
tiện Ðức Phật chỉ dạy nhiều như vậy, vì tùy hoàn cảnh, khả năng
của từng người khác nhau; tùy phong tục, tập quán, luật lệ thay
đổi theo từng địa phương và tùy thời điểm mà Ngài hướng dẫn pháp
tương ưng thích hợp cho người chấp nhận được.
- Một cách
khách quan, chúng ta thấy rõ nhu cầu tín ngưỡng là đòi hỏi thiết
yếu, không thể thiếu được trong cuộc sống con người ở thời Ðức
Phật. Vì vậy, với trí tuệ của bậc Chánh Biến Tri, Ngài chấp nhận
thực tại khách quan ấy; nhưng thực sự, Ðức Phật ít nói đến việc
cầu nguyện, mà thường đề cập đến vấn đề tu tập để làm chủ bản
thân, làm chủ xã hội, làm chủ thiên nhiên : đó là mục tiêu chính
trong việc giáo hóa của Ðức Phật.
- Ðiều này thể
hiện rõ nét trong hầu hết các kinh điển, Ðức Phật thường hướng
dẫn người thực hiện 3 việc: làm chủ bản thân, làm chủ xã hội và
làm chủ thiên nhiên; nói khác, Ngài khẳng định con người không
lệ thuộc thần linh, nhưng buộc thần linh phải phục vụ cho người.
- Trước nhất,
Ðức Phật dạy rằng mọi người đều có khả năng thành Phật, tức đạt
đỉnh cao của tri thức và việc làm siêu việt, nhưng chúng ta tự
đánh mất khả năng cao quý ấy, kinh gọi là đánh mất bản tâm. Tự
mình đánh mất khả năng làm chủ bản thân và tự van xin cầu
nguyện, đem trao vận mạng cho thế lực thần quyền quyết định
giùm, mà không hề biết họ là ai. Từ đó, con người tưởng tượng ra
đủ các thứ thần có quyền năng chi phối cuộc sống họ, cần phải
cầu nguyện: từ thần sông, thần núi, thần cây..., thậm chí đến
thần vôi, thần bếp. Vì không thấy được khả năng vô tận của mình,
nên cảm thấy nhỏ bé trước thiên nhiên bao la, sợ hãi thế lực
siêu nhiên đè bẹp, nên tự hạ thấp mình, cầu nguyện các thế lực
khác. Và thực tế cho thấy các thế lực đó chẳng giúp được gì cho
con người, nên không mấy người cầu nguyện được kết quả.
- Phải chăng
người cầu nguyện có kết quả là nhờ họ biết kết hợp việc cầu
nguyện với sự phát huy khả năng mình. Trên tinh thần ấy, Phật
giáo chủ trương có vấn đề tha lực chi phối ta, nhưng bản thân ta
cũng cần hướng về đối tượng để tự phát huy khả năng. Ðiển hình
như người tu pháp môn Tịnh độ, nương vào Ðức Phật Di Ðà ở cảnh
giới Tây phương. Phật A Di Ðà tiêu biểu cho vị đã thành đạt vô
lượng quang, vô lượng thọ, vô lượng công đức; nói khác, Ngài có
đầy đủ trí tuệ, sức khỏe và phương tiện.
- Khi Ðức Phật
Thích Ca dạy chúng ta tu nương với Phật Di Ðà hay mười phương
Phật, Ngài đều đưa ra những đức tánh tốt của những vị đó, nhằm
gợi ý cho chúng ta phát huy những đức tánh ấy ở chính cuộc sống
chúng ta. Nương Phật Di Ðà tu cũng có nghĩa là đánh thức khả
năng hiểu biết, khả năng sống lâu, khả năng sử dụng phương cách
độ sanh, giúp người. Nhờ nương với vị sáng suốt, tuổi thọ cao,
nhiều phước đức như Phật Di Ðà, từng bước mình cũng khắc phục
được mặt yếu và phát huy được bản thân.
- Khi kết hợp
tha lực với tự lực, tạo được sức mạnh cho bản thân, lúc ấy, chủ
động được cuộc sống, nên không cần phải nhờ đến sự giúp đỡ bên
ngoài nữa, và giảm thiểu việc cầu nguyện để tự giải quyết. Quá
trình tiến tu này đạt kết quả nhờ khéo kết hợp cầu nguyện và tu
hành. Trái lại, chỉ cầu nguyện mà không tu, giao phó toàn bộ cho
Phật làm giùm ta, chắc chắn không thể được và cũng không phải là
điều Phật muốn.
- Ngày nay,
chúng ta nương theo Ðức Phật A Di Ðà tu, suy nghĩ về vô lượng
thọ của Ngài, tức vấn đề sức khỏe, tại sao Ngài sống đạm bạc mà
lại khỏe mạnh, trường thọ. Từ đó, chúng ta tu, làm chủ bản thân
hay làm thế nào để xây dựng cuộc sống mình không bị khổ sở vì
bịnh tật thể xác lẫn tinh thần hành hạ.
- Kinh nghiệm
cho thấy ốm đau sanh ra vì sống không hợp lý, như người tu khổ
hạnh ép xác, không đủ dinh dưỡng, tất phải bịnh. Ngược lại, các
vị Thiền sư sống rất đơn giản nhưng lại rất khỏe, tuổi thọ cao.
Quan sát thấy rõ các Ngài thường sống ở môi trường không khí
trong lành, yên tĩnh, lượng thực thực phẩm đủ dinh dưỡng dùng
cho cơ thể và sống không tổn hại cho các loài, không tranh chấp
tính toán vơ vét lợi cho mình. Phương cách sống như vậy hoàn
toàn phù hợp với tinh thần khoa học ngày nay. Thật vậy, qua các
kiểm nghiệm khoa học cho biết không khí ô nhiễm, ăn uống quá độ,
ăn nhiều thứ độc tố, cùng với đủ thứ stress vì lo toan, thủ lợi
cho cá nhân một cách quá tham lam, mù quáng, cộng với vô số
tiếng động đinh tai nhức óc, hoặc chạy theo biết bao bận rộn
không cần thiết trong cuộc sống..., tất cả đã tác hại rất nhiều
cho sức khỏe, gây ra đủ thứ bịnh tật, làm giảm tuổi thọ con
người.
- Vì vậy, trên
bước đường tu theo Phật giáo, làm chủ lấy mình, tự lành mạnh hóa
thân tâm, cố làm sao bớt lệ thuộc vật chất, ăn mặc, giảm tiêu
hao năng lượng, tránh gây ồn náo, bớt tác hại ô nhiễm môi sinh,
hạn chế tranh giành hơn thua, đừng quá tham lam ích kỷ. Thực
hiện được phần nào những điều ấy, tinh thần chúng ta chắc chắn
có được phần nào sảng khoái, cơ thể tươi vui, khỏe mạnh.
- Bước thứ hai
của người tu phát tâm Ðại thừa, giáo hóa chúng sanh, thường nghĩ
chúng ta không thể nào sống một mình và không thể tốt với xã hội
không tốt. Chúng ta ý thức sự tác hại lớn lao của ô nhiễm môi
sinh, không dám làm gì tổn hại, nhưng người khác không nhận thức
như vậy hoặc quá tham lam cứ gây ô nhiễm, tất nhiên cuộc sống ta
cũng bị vạ lây. Hoặc chúng ta đạo đức trong một xã hội tuột dốc,
sa đọa, nhiều tệ nạn nhiễu nhương, thì cũng khó lòng an ổn.
- Vì vậy, Bồ
Tát hành đạo không tìm chỗ trong lành, yên tĩnh, an nhàn như
giai đoạn một, mà tiến một bước xa hơn nhằm tịnh hóa xã hội và
thiên nhiên, tức con người và thế giới con người. Bấy giờ, Bồ
Tát lo giải quyết việc cho người, làm sao giúp họ hiểu được gây
ô nhiễm tác hại cho sự sống của họ, của tất cả mọi người, mọi
vật trên hành tinh này. Bồ Tát đã lo xong phần tự giác và đến
giai đoạn giác tha, dùng vô số phương tiện để nâng hiểu biết của
người, khiến họ ý thức được tốt xấu, lợi hại, điều đáng làm và
điều không nên làm.
- Trên tinh
thần ấy, bước thứ hai, Bồ Tát đã thực hiện công việc giáo dục
người, vì theo Phật dạy, tất cả thành bại đều do con người quyết
định. Hướng dẫn cho người đồng tình với mình trong việc bảo vệ
thiên nhiên, làm cho xã hội lành mạnh, đó chính là xây dựng Tịnh
độ ở Ta bà.
- Với ý thức
như vậy, Bồ Tát dấn thân không biết mệt mỏi, giúp người an lành
là giúp mình an lành, cứu người thoát khổ là cứu mình khỏi khổ.
Mang tinh thần giáo dục rộng lớn vô cùng ấy mà Bồ Tát Văn Thù Sư
Lợi cho biết tất cả chúng sanh thành Phật, thì Ngài mới thành,
hoặc Ðịa Tạng Bồ Tát phát nguyện nếu còn chúng sanh trong địa
ngục thì Ngài không thành Phật.
- Tóm lại, Phật
giáo hướng dẫn triết lý sống hiểu biết đúng đắn, lành mạnh, đạo
đức cho riêng bản thân mỗi người, được hàng Thanh Văn tu tập,
ứng dụng ở giai đoạn một. Sau khi đạt được thành quả tốt đẹp ở
bước đường tự giác xong, Thanh Văn tiến tu Bồ Tát đạo, giáo
dưỡng cho người hướng thiện, xây dựng xã hội tốt đẹp, thế giới
hòa bình, an lạc. Triết lý sống tròn đủ chân thiện mỹ của Phật
giáo đã trường tồn hơn 25 thế kỷ và cũng sẽ là mô hình lý tưởng
hiện đại và trong tương lai cho nhân loại nương theo để kiến tạo
ngôi nhà chung xanh sạch, đầy cảm thông, hiểu biết, đầy tình
thương, hạnh phúc, ấm no./.
--o0o--
|
|