PHẬT HỌC CƠ BẢN

 

Cư Trần Lạc Ðạo
(Trọn bộ 3 tập)
Toronto, Canada
1999 - PL 2543
--- o0o ---
 
Tập 1
 
(5)
Chánh Kiến và Chánh Tín
Từ ngàn xưa cho đến ngày nay, sự hiểu biết hay kiến thức của con người phát triển không ngừng, theo đà tiến hóa của nhân loại, theo sự phát triển của khoa học. Ðó là sự hiểu biết hay kiến thức về phương diện khoa học, về phương diện kỹ thuật, về phương diện vật chất, nhằm thỏa mãn nhu cầu về sự khám phá những bí mật của vũ trụ, nhằm thỏa mãn nhu cầu về tiện nghi cho cuộc sống của loài người. Tuy nhiên, sự hiểu biết hay kiến thức của nhân loại về phương diện tâm linh, về phương diện huyền bí, vẫn còn đang ở bước đầu chập chững, vẫn còn nhiều điều chưa giải thích được, nhiều hiện tượng không thể hiểu nổi, mặc dầu hiện nay đã có môn khoa học huyền bí. Do đó, con người vẫn còn nhờ đến, vẫn còn dựa vào sự giải thích của các tôn giáo trên hoàn cầu, vẫn còn sự hiện diện của hai chữ "đức tin", nghĩa là con người hãy cứ đặt niềm tin trọn vẹn, tuyệt đối vào những gì tôn giáo nói, nhưng không có sự giải thích, hay không thể giải thích được, hoặc giả được giải thích đó là những điều vượt quá tầm hiểu biết của con người!
Tuy chưa hoàn toàn đẩy lui được những niềm tin vô căn cứ, những mê tín dị đoan đày dẫy trong nhân loại, ở đông phương cũng như ở tây phương, những khám phá, những phát minh, những tiến bộ vượt bực của khoa học ngày nay về phương diện này cũng đã làm cho niềm tin của tín đồ nhiều tôn giáo bị lung lay tận gốc rễ trước ngưỡng cửa của thế kỷ mới sắp đến. Thế kỷ 21 sắp đến sẽ là thế kỷ của khoa học hiện đại, của kỹ thuật tiến bộ. Ðời sống vật chất của nhân loại sẽ sung túc hơn, tiện nghi hơn, đầy đủ hơn, văn minh hơn, hiện đại hơn. Thế kỷ 21 sắp đến cũng sẽ là thế kỷ của những tôn giáo có chánh kiến, có chánh tín. Ðó là những tôn giáo chủ trương phát triển trí tuệ, phát triển kiến thức và sự hiểu biết sáng suốt, chân chánh của con người, gọi là "chánh kiến". Ðó là những tôn giáo đem lại những niềm tin có căn cứ, những niềm tin chân chánh cho nhân loại, gọi là "chánh tín". Ðó là những tôn giáo không ép buộc, không hù dọa, không bắt tín đồ phải nhắm nghiền đôi mắt, giơ đôi tay lên trời và chấp nhận những "đức tin" không cần giải thích, không được giải thích, không thể giải thích.
Phật giáo, thực ra không phải là tôn giáo, chỉ tạm gọi là tôn giáo, là một tôn giáo hội đủ những yếu tố nêu trên, đem lại đời sống tâm linh sung túc cho nhân loại trong thế kỷ 21 sắp đến. Chúng ta đã thấy, đang thấy và sẽ thấy Phật giáo ngày càng phát triển mạnh mẽ, một cách hòa bình, một cách từ bi, khởi từ các nước Á châu sang các nước Âu châu, Úc châu và Mỹ châu bởi các lẽ trên. Phật giáo phát triển đến đâu, hòa nhập nơi đó, biến thành tôn giáo địa phương, đáp ứng nhu cầu tâm linh của dân chúng tại những địa phương đó. Cho nên chúng ta có thể thấy người Ấn Ðộ thờ tượng Phật giống người Ấn Ðộ, người Trung Hoa thờ tượng Phật giống người Trung Hoa, người Việt Nam thờ tượng Phật giống người Việt Nam, người Nhựt Bổn thờ tượng Phật giống người Nhựt Bổn. Ðức Phật ở khắp mọi nơi, trong tâm tất cả mọi người, chứ không phải chỉ có ở Ấn Ðộ.
Chúng ta cần nên biết rằng: Có hằng hà sa số Ðức Phật, chứ không phải chỉ có Ðức Phật Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni. Tất cả mọi chúng sanh đều có thể thành Phật, chứ không phải chỉ có một vị Phật duy nhất, độc tôn, bắt buộc mọi người phải thờ lạy và có trọn quyền ban phước giáng họa. Phật giáo không có những vị giáo chủ đầy uy quyền với các cận thần, phục sức giống y như những vị hoàng đế và thuộc hạ, thời quân chủ phong kiến. Phật giáo phát triển đến đâu, đem lại an lạc và hạnh phúc cho con người nơi đó, nhờ "tứ vô lượng tâm", tức là bốn tâm địa rộng lớn. Ðó chính là: "từ, bi, hỷ, xả". Phật giáo phát triển đến bất cứ nơi nào trên thế gian này, không bao giờ gieo rắc hận thù, không bao giờ đem theo mọi hình thức chiến tranh, không bao giờ đem theo mọi hình thức cai trị, một cách trực tiếp hay gián tiếp, không bao giờ dùng quyền lực chánh trị hay kinh tế để ép buộc người dân địa phương bỏ đạo đang theo, không bao giờ dùng lợi lộc hay ân nghĩa để khuyến dụ lòng người, không bao giờ cấm đoán tín đồ kết hôn với người khác đạo. Phật giáo hoàn toàn tôn trọng sự tự do tín ngưỡng của con người. Nhân loại đến với Phật giáo hoàn toàn do tấm lòng và sự tự nguyện chọn lựa mà thôi. Ðiểm tuyệt vời của đạo Phật là mời chúng ta "đến để mà thấy", chứ không phải đến để mà tin. Thực ra, "đức tin" không cần thiết, một khi con người đã thấy "đúng như thực", nghĩa là: thấy rõ, biết rõ và hiểu rõ.
Cốt tủy của Ðạo Phật là giúp con người đạt được "giác ngộ và giải thoát". Cho nên con người đến với đạo Phật bằng lý trí, bằng trí tuệ bát nhã, bằng sự hiểu biết chân chánh, tức là bằng "chánh kiến", để đạt được mục tiêu "giác ngộ". Cho nên con người đến với đạo Phật bằng niềm tin chân chánh và sáng suốt, tức là bằng "chánh tín", để đạt được mục tiêu "giải thoát". Con người đến với đạo Phật không phải bằng đức tin, hay niềm tin mù quáng. Con người đến với đạo Phật không phải qua các nghi lễ, các hình thức cúng kiến, không phải qua các hình thức mê tín dị đoan. Trong phạm vi của bài này, chúng ta sẽ học hiểu những giáo pháp Ðức Phật dạy trong tam tạng kinh điển, để có thể đến với đạo Phật bằng chánh kiến và đạt được chánh tín, nhằm mục đích tạo dựng cuộc sống an lạc, hạnh phúc hiện đời và nhằm mục đích giác ngộ, giải thoát mai sau. Là người Phật Tử chơn chánh, chúng ta phải tuyệt đối hiểu rõ ràng thế nào là chánh kiến, thế nào là chánh tín, những gì là tà kiến, những gì là mê tín, để khỏi lầm đường lạc lối vào tà giáo, ngoại đạo.
* * *
Trước hết, chúng ta cần biết qua những tà kiến và những hình thức mê tín dị đoan hiện đang lẫn lộn, pha trộn trong sinh hoạt Phật giáo, xuyên qua quá trình truyền bá, trải suốt chiều dài lịch sử, hơn hai ngàn năm trăm năm, và xuyên qua quá trình phát triển, trải suốt chiều rộng địa dư, từ Ấn Ðộ, sang Trung Hoa, sang Việt Nam, sang Triều Tiên, sang Nhựt Bổn, sang Tích Lan, sang Thái Lan, sang Miến Ðiện, sang Ai Lao, sang Cao Miên, và hiện nay đang truyền bá sang các nước Âu, Mỹ, Úc.
A . - Tà Kiến và Mê Tín:
Tà kiến là những kiến thức sai lầm, những sự hiểu biết vô căn cứ, khiến con người lạc vào tà đạo. Mê tín là những sự tin tưởng mù quáng, khiến con người mất hết sức phán đoán và trí thông minh. Tà kiến và mê tín đem lại những tai hại không thể lường trước được. Tà kiến và mê tín có thể làm hại trọn cuộc đời con người, có thể làm tan nát cả gia đình, có thể làm suy sụp chuyện quốc gia đại sự.
Chẳng hạn như người vợ ghen bóng ghen gió, đi xem bói xem quẻ. Ông bà thầy bói nói chồng có nhân tình, bèn tin ngay, không cần suy xét, không chịu tìm hiểu sự thực thế nào, có phải gia đình của người vợ mê tín dị đoan này sẽ tan nát hay không? Chẳng hạn như một vị tướng lãnh hay một nhà cầm quyền mê tín dị đoan, không có khả năng, không có lòng tự tin, bèn đi xem bói xem quẻ, trước khi chỉ huy hành quân, đánh trận hay trước khi thi hành chuyện quốc gia đại sự, có phải như vậy đã vô tình tiết lộ bí mật quân sự, bí mật quốc phòng cho đối phương biết hay không, có phải như vậy làm cho nước mất nhà tan hay không?
Những hình thức mê tín dị đoan thì quá nhiều, chúng ta chỉ tạm nêu lên các hình thức phổ biến, thường thấy hiện nay như là: bói bài bói toán, xem tay xem tướng, xét đoán vận mạng, chỉ đường tương lai, xin keo lắc xâm, coi ngày tốt xấu, lên đồng lên cốt, đồng cô bóng cậu, cúng sao giải hạn, giải trừ tai nạn, xin bùa hộ mạng, xin phép làm ăn, coi tuổi hôn nhân, van vái bình yên, cầu khẩn như ý, chuyển xấu thành an, trừ khử xui xấu, đốt tiền vàng bạc, hình nhân thế mạng, yếm người chết trùng.
1) Bói bài bói toán, xem tay xem tướng, xét đoán vận mạng, coi đường tương lai: là vấn nạn không phải chỉ có trong Phật giáo, không phải chỉ có trong số người Việt chúng ta, mà hầu như có khắp nơi, từ đông sang tây, từ bất cứ dân tộc nào, từ bất cứ người theo tôn giáo nào trên khắp thế giới. Tại sao chúng ta lại có thể tin tưởng chuyện bói toán, xem tướng, đoán vận mạng, coi tương lai từ những người hành nghề hoặc là những người mù, những người dốt, những người thất nghiệp, hoặc là những người không biết làm cách nào khác để sinh nhai ngoài tài nói dóc gạt gẫm những người nhẹ dạ, yếu lòng, không có niềm tin vững chắc, đang gặp sự khó khăn, đang trong cơn bối rối? Chúng ta cần biết tương lai vận mạng để làm gì, để sắp đặt công ăn việc làm cho được tốt đẹp chăng? Tại sao chúng ta không tin tưởng nơi tài năng của chính mình, lại tin tưởng nơi những ông bà thầy bói, là những người thực sự không biết chính xác tương lai, vận mạng của chính họ, làm sao họ có thể biết được tương lai, vận mạng của chúng ta? Tục ngữ có câu: "Coi bói ra ma, quét nhà ra rác!" chính là nghĩa đó vậy.
Chúng ta thử suy gẫm câu chuyện sau đây: Có một anh chàng tuổi độ 28 bị quỉ sứ bắt đem về trình diện diêm vương. Diêm vương sai phán quan coi sổ bộ đời người, xem anh ta có tội gì để mà trừng phạt. Lúc đó, phán quan mới phát giác ra rằng anh ta bị bắt lầm, chưa đến số phải chết, cho nên bảo anh ta mau mau trở về dương thế, kẻo trể người nhà đem chôn hay đem thiêu cái xác, thì anh ta không còn cơ hội sống lại được nữa. Anh chàng tức giận về chuyện bắt lầm này, cho nên chỉ chịu trở về, nếu như diêm vương cho biết cuộc đời còn lại của mình ra sao. Diêm vương đồng ý cho phán quan tiết lộ cho anh ta biết như sau: Năm 28 tuổi, anh ta bị quỉ sứ bắt lầm. Năm 30 tuổi, thất nghiệp thất tình, vợ bỏ ra đi, tài sản tiêu tan, sự nghiệp tan tành, ngán ngẩm nhân tình, thất thểu lang thang, xe đụng gảy giò, ăn xin độ nhựt. Năm 40 tuổi, gây gổ kịch kiệt, bị chém đứt tay, trúng gió á khẩu, thân tàn ma dại. Từ đó, anh ta phải sống, cuộc đời còn lại, hết sức cơ cực. Ðến năm 82 tuổi, bị sét đánh chết, té lọt xuống sông, là mãn cuộc đời! Nghe xong vận mạng, biết chuyện tương lai, choáng váng mặt mày, té xỉu một hồi, lâu lắm mới tỉnh. Anh ta ấp úng, xin phép diêm vương, ở dưới đó luôn, không muốn trở lại, trần gian dương thế. Nếu chúng ta là anh chàng này, thì chúng ta sẽ nghĩ gì và làm gì? Diêm vương phán thì chắc đúng hơn mấy ông bà thầy bói trên trần đời. Cũng vậy, chúng ta đi xem bói bài, bói toán, có ông bà thầy bói nào dám cam đoan là nói trúng trăm phần trăm hay không?
Nếu ông bà thầy bói nói: mọi sự tốt đẹp, chúng ta hoan hỷ, thưởng thêm tiền bạc, nhưng rồi sau đó, thất vọng tràn trề, đau khổ vô cùng, khi gặp những điều, không gì tốt đẹp. Nếu ông bà thầy bói nói: sáu tháng sắp tới, gặp tai gặp nạn, có phải chúng ta, sẽ bất an ngay, bận tâm lo lắng, suốt sáu tháng trời, một cách tai hại, một cách vô ích, hay không? Lo lắng như vậy, có thay đổi được gì chăng, hay chỉ tổn hại cho sức khỏe mà thôi? Nếu quá ưu tư, lo lắng như vậy, chúng ta có thể, còn bị gạt gẫm, hao tài tốn của, cho những việc lập đàn cúng kiến, cầu xin an lành, tiêu tai giải nạn, một cách vô lý, một cách vô căn cứ, do những ông bà thầy bói bày đặt ra, để làm tiền những người mê tín dị đoan. Các nhà sư nào, kiêm nghề thầy bói, thực hết chỗ nói!
Các ông bà thầy bói có khả năng gì, có tài cán gì, mà có thể sai khiến thần linh để giải tai giải nạn cho chúng ta? Chính bản thân các ông bà thầy bói có hết tai khỏi nạn chưa, làm sao có thể cầu giải tai giải nạn cho chúng ta? Chúng ta cũng cần nên biết một sự thực là: Các ông bà thầy bói cũng đi chùa, cúng kiến lễ lạy, van vái cầu xin, điều này điều nọ, nhứt là họ hết sức thành khẩn, cầu xin Trời Phật, tha cho cái tội dối trá, gạt gẫm người đời, bằng cách cúng chùa hậu hỉ hơn mọi người! Sách có câu: "Tay cầm tiền của bo bo. Ði coi thầy bói mang lo vào người".
2) Lên đồng lên cốt: là hình thức mê tín dị đoan nặng nề. Ðồng cô bóng cậu là những trò bịp bợm, làm tiền trắng trợn, chỉ gạt được những người ngu si, yếu bóng vía. Một ông ngớ nga ngớ ngẩn, hay một bà son phấn lòe loẹt, ăn mặc diêm dúa, cử chỉ quái dị, múa may quay cuồng, ngồi lắc lư lắc lư, ợ ợ ngáp ngáp một hồi, rồi lè nhè tự xưng là cô ba cậu tư, là tề thiên đại thánh, là lê sơn thánh mẫu, là bà chúa chổm, là ngọc hoàng thượng đế, là ông này bà nọ, toàn là mạo xưng những nhân vật tưởng tượng trong các truyện tàu, hay trong các tiểu thuyết tây mà thôi. Thậm chí có khi họ mạo xưng là Phật, là chư Bồ Tát, là Thánh là Tiên, là Vua là Chúa, là Trời là Ðất, là đức Thánh Trần, là Quan Tướng Quân! Có nhiều người lợi dụng giáo pháp nhà Phật, lợi dụng hình tướng tu sĩ đạo Phật, trong các chuyện đồng bóng mê tín dị đoan này, để gạt gẫm những người nhẹ dạ dễ tin!
Làm sao ai biết được thế lực ma quái hay quỉ thần nào nhập vào thân xác họ, để làm thơ làm kệ, dạy việc này bảo việc khác? Thần thánh linh thiêng mà phải mượn xác phàm, nói chuyện tầm xàm, ợ ợ ngáp ngáp, có gì hay ho đâu, mà chúng ta phải tin, phải lễ lạy, phải nghe theo? Có người nghịch ngợm lén để vật nhọn trên ghế, cho mấy người đồng cốt ngồi lên, để xem thử họ có phải do thần thánh nhập, bất khả xâm phạm, mình đồng da sắt, như họ mạo xưng hay không, thì lập tức thấy ngay, họ la hét oai oái, um trời um đất, văng tục chửi thề, như mọi người hạ tiện khác thôi.
Ở tại hải ngoại, lại cầu thần linh, ở núi tà lơn, núi sam núi sập, qua đây nhập vào, đồng cô bóng cậu, thì quả thực là, mê tín dị đoan, quá sức tưởng tượng. Thần linh đó có, xin giấy xuất cảnh, cùng giấy nhập cảnh, hay là xuất cảnh, và nhập cảnh lậu? Ở tại hải ngoại, lại lập bàn thiên, cho thỉnh nước thánh, lấy từ năm non, bảy núi gì đó, có thể chữa bệnh, giúp chuyện tình duyên, giải quyết gia đạo, thì quả thực là, mê tín dị đoan, quá sức tưởng tượng. Vậy mà vẫn có, người đăng quảng cáo, trên báo lá cải, thu hút những kẻ, nhẹ dạ dễ tin, trong đó nhiều người, kỹ sư bác sĩ, chuyên gia chuyên viên, cũng nhắm mắt tin, nghe theo chí tử. Thực đáng thương xót lắm thay!
3) Coi ngày tốt xấu cho việc quan hôn tang tế: là một hủ tục của dân tộc ta cần phải được bài trừ mạnh mẽ. Căn cứ vào đâu để định ngày này tốt, ngày kia xấu? Hằng năm, các nhà làm lịch đặt thêm phần coi ngày tốt xấu này vào, bởi vì họ muốn cho lịch được bán chạy, muốn kiếm thêm nhiều tiền. Họ tùy tiện suy nghĩ, đặt ra ngày này nên làm việc này, ngày kia không nên làm việc nọ, rồi những người si mê tin theo. Thí dụ như người cha có đứa con bị bệnh, xem lịch thấy ngày này không nên chữa bệnh, không nên ra đường, bèn đợi mấy ngày sau, chờ xem lịch kiếm ngày tốt, mới mang con đi bác sĩ khám bệnh hay đi bệnh viện, thì ôi thôi, việc đã quá muộn màng, làm sao cứu chữa cho kịp nữa. Cho nên, chúng ta mới thấy mê tín dị đoan gây nên tai hại biết là bao nhiêu.
Ở hải ngoại, người Tây phương kị con số 13, nhứt là "Thứ Sáu 13", lâu lâu mới có một ngày như vậy trong năm. Nhiều cao ốc ở tây phương, không có từng lầu mang số 13, không có phòng mang số 13! Như vậy, dân Việt chúng ta không còn giữ "độc quyền" chuyện mê tín dị đoan nữa rồi. Trước đây, khi còn ở quê nhà, những người không mê tín dị đoan, cứ chọn những ngày "mùng năm, mười bốn, hăm ba", để đi làm giấy tờ, lo công việc. Họ gặp được nhiều thuận lợi hơn, nhanh chóng hơn, dễ dàng hơn, bởi vì trong những ngày đó, không có những người mê tín dị đoan ra đường, đi làm giấy tờ! Có những người làm tan nát, đổ vỡ tình duyên của con cái, chỉ vì mê tín dị đoan, tin nơi mấy ông bà thầy bói, trong việc chọn tuổi tác hạp hay không hạp, coi ngày tốt xấu để cưới gả. Bởi vậy, ca dao có câu:
Cọp vật mấy ông thầy bói
Sói tha mấy mụ coi ngày
Ai xui họ khéo đặt bày
Mình thương nhau thiệt trời rày tính cho.
Trong việc tang chế, có người mê tín dị đoan đi coi ngày tốt để chôn hay thiêu thân nhân quá vãng, nhằm mục đích giúp con cháu làm ăn được phát tài, giàu có. Nếu ông bà thầy bói nói thân nhân mình chết "ngày trùng", bèn xin bùa xin chú để yểm trấn, ếm đối người chết không được trở về, bắt con cháu đi theo. Nếu ông bà thầy bói nói tuổi người này không hạp, tuổi người kia không hạp, bèn không cho đi theo đám tang sợ xui xẻo. Những chuyện như vậy chỉ đem lại xích mích, xáo trộn, bất hòa, bực bội trong gia đình mà thôi. Những chuyện mê tín dị đoan như vậy phát xuất từ lòng tham lam, ích kỷ, hẹp hòi của con người, chỉ biết nghĩ đến bản thân mình, không nghĩ gì đến người thân đã qua đời, phát xuất từ lòng ngu si tin theo mấy ông bà thầy bói!
Những người Tây phương đâu cần coi ngày tốt xấu để khai trương cửa hàng, nhưng họ vẫn ăn nên làm ra, phát đạt còn hơn mình nữa là khác. Họ đâu có thờ thần tài, thờ ông địa, hay quan thánh đế quân gì đâu, nhưng họ vẫn làm ăn buôn bán, phát tài như thường. Họ chỉ tính toán ngày giờ theo dự án, theo kế hoạch làm việc, theo khả năng chuyên môn nghề nghiệp. Những bệnh nhân cần, điều trị khẩn cấp, làm ngay tức thì, không cần xem bói, không coi ngày giờ, tốt xấu gì cả. Còn chúng ta đi coi, ngày lành tháng tốt, khai trương cửa tiệm, một cách rầm rộ, thờ cúng thần tài, đủ thứ xôi chè, thuốc thơm thượng hạng, cúng rượu ngoại quốc, nhưng do không khéo, điều hành thương mại, sập tiệm như thường. Lúc đó, ông thần tài cùng mấy ông bà thầy bói có giúp được gì đâu?
4) Coi tay xem tướng, xét đoán vận mạng, chỉ đường tương lai: cũng là những hình thức mê tín dị đoan từ lâu đời, từ đông sang tây, từ Á sang Âu. Ðâu có phải người nào có tướng hiền lành, đàng hoàng, cũng thực sự có tâm hiền lành, đàng hoàng hết đâu. Ðâu có phải người nào có tướng phúc hậu, cũng thực sự được yên lành hết đâu. Ðâu có phải người nào có tướng to lớn cũng thực sự được an nhàn, sung sướng, giàu sang hết đâu, có khi còn lao động cực khổ hơn gấp bội là khác. Ðâu phải người nào có tướng học thức, trưởng giả, thuộc giới thượng lưu trong xã hội, đều có tâm quảng đại, trượng phu quân tử hết đâu. Sách có câu: "Dò sông dò biển dễ dò. Ðố ai lấy thước mà đo lòng người", chính là nghĩa đó vậy.
Sách cũng có câu: "Họa hổ họa bì nan họa cốt. Tri nhân tri diện bất tri tâm". Nghĩa là chúng ta chỉ có thể vẽ con cọp qua hình thức, qua tướng mạo bên ngoài, chứ khó mà vẽ được xương cốt bên trong vì không nhìn thấy được. Còn đối với con người, chúng ta chỉ có thể biết mặt mày, diện mạo, nhưng không thể biết được lòng dạ của người đó. Sách coi tay xem tướng ngày xưa đâu có điều khoản nào nói đến chuyện vượt biên, xuất ngoại. Vậy mà sau năm 1975, mấy ông bà thầy bói ở quê nhà hốt bạc, nhờ vào chuyện xem tướng mạo xuất ngoại, hay xem đường chỉ tay vượt biên của mấy người khách khờ khạo, muốn biết trước số mạng của mình ra sao, trước khi xuống tàu ra khơi. Cần biết rằng, chính cái tướng mạo của mấy ông bà thầy bói, mới quả thực đáng nghi là bịp bợm!
Chúng ta cần nên biết rằng:
Hữu tâm vô tướng, tướng tự tâm sanh.
Hữu tướng vô tâm, tướng tùng tâm diệt.
Nghĩa là người nào có tâm địa tốt đẹp, hiền lành, biết tu tâm dưỡng tánh, thì tướng mạo, mặt mũi do tâm cảm ứng sanh ra, cũng được cảm nhận hiền lành tốt đẹp như vậy. Trái lại, người nào dù có tướng mạo bẩm sinh tốt đẹp, nhưng tâm địa xấu xa, ích kỷ, tham lam, sân hận, si mê, dối trá, gian ác, chuyện gì cũng hăm he đưa người khác ra tòa, thì tướng mạo tốt đẹp kia cũng theo tâm xấu ác mà diệt mất, mặt mũi dần dần trở nên khó coi, nhăn nhó, cau có, quạu quọ, bặm trợn.
Chúng ta thử suy gẫm câu chuyện sau đây: Có một ông cụ và một chàng thanh niên, hai người cùng sống trong một chung cư. Ông cụ ở từng dưới, ngày nào cũng giựt mình vì tiếng đôi giày liệng trên sàn nhà ở từng lầu trên, mỗi khi chàng thanh niên đi làm về khuya. Ngày nọ, ông cụ bèn lên gặp chàng thanh niên, để khẩn cầu anh chàng đặt đôi giày xuống sàn, một cách nhẹ nhàng trong đêm khuya, bởi vì ông cụ yếu tim, có thể nín thở bất cứ lúc nào. Chàng thanh niên biết chuyện, nên ngỏ lời xin lỗi ông cụ và hứa sẽ không gây tiếng động trong đêm khuya như vậy nữa. Khuya hôm sau, đi làm về mệt, theo thói quen hằng ngày, chàng thanh niên cởi chiếc giày thứ nhứt, quăng đùng trên sàn nhà. Chợt nhớ tới lời đã hứa với ông cụ hôm trước, chàng thanh niên bèn khe khẻ đặt chiếc giày thứ hai, một cách hết sức nhẹ nhàng trên sàn nhà, không gây tiếng động nhỏ nào. Lát sau, khi sắp lên giường ngủ, chàng thanh niên nghe tiếng gỏ cửa một cách gấp rút. Mở cửa ra, chàng thanh niên thấy ông cụ đứng thở hổn hển, một tay ôm ngực, một tay vịn khung cửa, thều thào thốt không ra lời: Cậu trẻ ơi! Cậu làm ơn quăng luôn chiếc giày thứ hai xuống sàn đi, kẻo lão đợi nãy giờ, lão muốn đứng tim rồi đó.
Qua câu chuyện trên, chúng ta thấy rằng trong lòng mong đợi hay lo lắng bất cứ việc gì sẽ xảy ra trong tương lai, dù gần hay xa, cũng đều không ích lợi gì cả. Trong cuộc sống, chúng ta hay lo lắng quá nhiều chuyện, do trí tưởng tượng mà ra. Chẳng hạn như, chúng ta thường hay lo lắng viễn vông về tương lai, về chuyện tận thế năm 2000 sắp tới chẳng hạn.
Trong Kinh Kim Cang, Ðức Phật có dạy: "Quá khứ tâm bất khả đắc. Hiện tại tâm bất khả đắc. Vị lai tâm bất khả đắc". Nghĩa là: Chuyện quá khứ đã qua rồi, nhớ nhung, xót xa, tiếc nuối, chẳng ích lợi gì. Chuyện hiện tại thấy đó rồi cũng qua mau, luyến tiếc, luyến lưu, chẳng ích lợi gì. Chuyện vị lai chưa tới, lo lắng, ưu tư, chẳng ích lợi gì. Như vậy, chỉ chuốc khổ vào thân, nhức óc, mệt tim, như ông cụ trong câu chuyện trên đây mà thôi. Sách có câu: "Chuyện gì phải đến sẽ đến". Nghĩa là cho dù chúng ta có mong đợi hay không mong đợi cũng vậy thôi, chúng ta đã tạo tác nghiệp nhân, khi nghiệp quả phải đến, thì nhứt định sẽ đến. Chạy đàng trời không khỏi nắng! Lưới trời lồng lộng, tuy thưa mà khó lọt!
Chúng ta cần nên biết rằng: "Không ai có thể cứu mình được, trừ phi chính mình đã tạo tác thực nhiều phước báu". Khi nghiệp báo đến, Ðức Phật cũng không tránh khỏi, các đại đệ tử thời Ðức Phật cũng vẫn phải trả nghiệp báo, do các Ngài đã tạo tác từ nhiều đời trước kia, khi chưa biết tu hành. Chỉ có điều khác là: "Người có ít phước báo thì trả đủ, người có nhiều phước báo thì trả nhẹ hơn" vậy thôi. Trong Kinh Pháp Cú, Ðức Phật có dạy: "Dù lên non, xuống biển, vào hang, nghiệp báo vẫn theo con người như hình với bóng, không ai có thể tránh được", chính là nghĩa đó vậy. Ngày nay, có người lại đi cầu nguyện van xin Ðức Phật cứu khổ, không chịu tu tâm dưỡng tánh, không chịu dừng các nghiệp bất thiện, không chịu thực hành theo giáo pháp Ðức Phật dạy, để tự cứu mình, thì quả thực là vô ích vậy. Kinh sách có câu: "Chúng con khổ nguyện xin tự độ". Như vậy, đó mới là người có chánh kiến và chánh tín.
Ðức Phật là nhân vật có thực trong lịch sử, đã tu hành và đắc đạo, đã giác ngộ và giải thoát, mà còn không thể cứu chúng ta được, huống là những thượng đế, thần thánh, do chúng ta tưởng tượng ra, rồi van xin và khấn vái, rồi cầu nguyện và nguyện cầu, thì làm sao chúng ta được cứu rổi?! Hơn nữa, chúng ta cần nên nhớ các vị giáo chủ trên thế gian này cũng trải qua bốn giai đoạn của cuộc đời là "sanh, già, bệnh, chết", cũng bị khổ nạn khi quả báo đến. Có vị chưa đến tuổi già, chưa kịp lâm bệnh thì đã bị giết chết một cách thê thảm! Không ai không thể cứu chúng ta được, nếu chúng ta không biết tự cứu chính mình!
5) Xin xăm, gieo quẻ: là việc mà ai ai cũng hiểu là không đúng, nhưng cũng vẫn có người tin. Tại sao lại là không đúng? Bởi vì, chỉ có một tủ lá xăm, một lon cây xăm, với hơn trăm tờ, trăm cây, mà ứng với cả mấy chục ngàn người tới cầu xin hay sao? Vã lại, xin được xăm tốt, gieo được quẻ thuận, chính mình có tin là mọi việc sẽ tốt đẹp và thuận lợi hết hay không? Và trên thực tế, mọi việc đều tốt đẹp và thuận lợi hết hay không? Chắc chắn là không vậy. Trái lại, xin nhằm xăm xấu, gieo nhằm quẻ nghịch, chính mình không cam chịu như vậy, bèn tiếp tục xin xăm khác, gieo quẻ khác, cho đến khi nào, xin được xăm tốt, gieo được quẻ thuận, mới được hài lòng, và mới chịu ngưng. Như vậy, có nghĩa là vạn sự trên đời đều tốt đẹp, đều tùy thuận, đều như ý mình hết sao? Chắc chắn là không vậy.
6) Cúng sao giải hạn, xem hướng nhà cửa: là các việc thực là lạc hậu, vô căn cứ, kém văn minh. Nếu những chuyện này có thực, thì bất cứ ông bà nào biết cúng sao giải hạn, xem hướng nhà cửa, thảy đều được bình yên, đều được sung sướng, đều được giàu có, đều được vui vẻ. Họ đâu còn thì giờ lo cúng sao giải hạn, xem hướng nhà cửa cho thân chủ, đâu còn thì giờ gạt gẫm người đời, từ năm này sang năm khác, đâu phải tất bật chạy lo quảng cáo láo là linh thiêng ứng nghiệm như thần! Thần dóc, tổ láo thì có! Thử xét trong các tai nạn có nhiều người tử vong, trên một chuyến bay, trên một chuyến tàu, hay trên một chuyến xe, có phải hết thảy nạn nhân cùng "tuổi 31 bước qua, 33 bước lại", cùng "tuổi tam tai đại hạn", hay là họ thuộc đủ các hạng tuổi? Ở ngoài nghĩa địa, có phải chỉ có những hạng tuổi gặp vì sao xấu? Hay là có tất cả mọi người, từ trẻ sơ sinh chưa có vì sao nào chiếu mệnh, cho đến các người tuổi già?
Chúng ta tin tuổi chẳn tốt hay tuổi lẻ tốt? Nếu tuổi tây chẳn thì tuổi ta lẻ và ngược lại. Hơn nữa, chúng ta đang ở trên đất tây, vậy nên tính theo tuổi ta hay tuổi tây? Vào những năm có sao hạn tốt, có chắc chắn chúng ta được hoàn toàn bình yên, mọi sự như ý suốt năm? Vào những năm có sao hạn xấu, có chắc chúng ta gặp toàn chuyện bất bình, bất như ý? Hay là năm nào cũng có chuyện này chuyện khác, chuyện tốt chuyện xấu, chuyện vui chuyện buồn lẫn lộn? Tại sao vậy? Bởi vì, trong cuộc đời, chúng ta vừa tạo tác nghiệp nhân lành, đồng thời cũng tạo tác nghiệp nhân chẳng lành. Dù những năm gặp sao hạn tốt, nếu chúng ta làm việc quấy thì cũng gặp rắc rối như thường, nếu chúng ta không chịu làm việc thì cũng đói nhăn răng như thường, trừ phi trúng mánh hay trúng số, bằng không chỉ là trúng gió! Cho nên, cúng sao giải hạn có nghĩa lý gì đâu, tiền mất tật mang, thêm lo vào người, tất cả đều do nghiệp lành hay nghiệp chẳng lành, chính chúng ta đã tạo tác mà thôi.
Trong gia đạo, sự bất hòa xảy ra do bản tánh chấp chặt, chấp nê quá đáng của những người trong nhà. Chúng ta không chịu sửa đổi, để vui vẻ, cởi mở, hòa thuận, cùng chung sống với nhau cho được an lạc và hạnh phúc. Trái lại, khi có chuyện lục đục trong nhà, những người dại dột lại đi nghe lời mấy ông bà thầy bói, bảo thay cái cửa, sửa cái nhà, phá vách tường, đổi cái giường, xoay cái bếp, xáo trộn lung tung thêm trong nhà trong cửa. Họ chỉ bảo chúng ta phải làm toàn những chuyện tào lao tốn tiền, gây thêm rắc rối trong gia đạo mà thôi.
7) Ðốt giấy tiền vàng mã, xe hơi nhà lầu hình nhơn bằng giấy: là chuyện hết sức phi lý, không hiểu tại sao đến ngày giờ này, thế giới đang ở ngưỡng cửa của thế kỷ thứ 21, vẫn có người còn tin được. Chúng ta thử nghĩ xem, tiền giấy đô la của "Mỹ", lại được in ở bên "Tàu", mạo ghi là "Made in Hell", đem "sell in here", tức là đem qua các xứ phương "Tây" để bán, dân "Ta" bèn tin bừa, và mua đem về đốt cho thân nhân ở "Ðịa ngục" xài! Làm như vậy, vô tình chúng ta đã hại thân nhân ở dưới đó, họ đã tiêu xài tiền giả, nên bị gánh thêm tội lỗi! Những điều này phát xuất từ tâm chấp ngã, tâm tham lam, tâm ích kỷ, tâm phân biệt. Lúc sống, quen thói tranh đua, giành giựt, muốn lợi phần mình hay người thân mình. Lúc chết đi, cũng muốn được sung sướng, nhàn hạ với nhà lầu, xe hơi, kẻ hầu người hạ bằng giấy! Thực ra, sau khi qua đời, thân nhân của chúng ta đã đi thọ sanh, đầu thai nơi cảnh giới khác, trong vòng sanh tử luân hồi, theo nghiệp đã tạo tác lúc còn sanh tiền.
8) Hậu quả của tà kiến và mê tín dị đoan: Những người có tà kiến và mê tín dị đoan là những người tin bướng tin càng, mù quáng quàng xiên, mê mờ khờ khạo, tiêu mất lý trí, không còn sáng suốt, đâm ra khiếp nhược, không biết chân lý, mất lòng tự tin nơi khả năng của mình. Cuộc sống của họ luôn luôn bất an, lo âu sợ hãi, phập phồng thấp thỏm. Tại sao vậy? Bởi vì, họ luôn luôn dựa vào thế lực bên ngoài, dù không biết thế lực đó từ đâu tới, thiện hay ác, chính hay tà cũng không hay biết. Tâm của họ luôn luôn ích kỷ, chỉ biết nghĩ đến mình, phân biệt, kỳ thị. Cuộc đời của họ đầy sự khổ đau, trói buộc, lo lắng, ưu tư, sợ hãi. Họ sống trong sự tối tăm, ai nói gì cũng nghe, ai nói gì cũng tin, ai bảo gì cũng làm, không biết đâu là phải, là trái, đâu là chánh, là tà, đâu là đúng, là sai! Thực đáng tội nghiệp lắm thay!
Ngày xưa, còn ở quê nhà, khi có một buồng chuối trổ muộn, một gò mối lạ, một cục đất, một cục đá, hơi tượng hình người, những người mê tín dị đoan liền cho đó là Phật hiện thân, Bồ Tát giáng trần, xúm nhau tìm tới, lạy lấy lạy để, cầu xin van vái, đủ thứ mọi chuyện. Thực ra có ai được gì đâu, tiền mất tật mang. Chỉ có mấy ông xe đò, mấy bác tắc xi, mấy chú xích lô, mấy bà buôn gánh bán bưng xung quanh nơi đó là vui vẻ, mỉm cười vì trúng mánh. Ngày nay, ở khắp thế giới, ngay tại các quốc gia gọi là văn minh tiên tiến, cũng không thiếu gì các tin đồn thần thánh hiện nơi này, hiện nơi kia, trên bức tranh, trên vách tường, trên ngọn cây, trên đám mây, trên nóc nhà, lại được các tổ chức tín ngưỡng tối cao, xác nhận là có thực, chẳng biết căn cứ vào đâu? Ít lâu sau chính quyền địa phương phát giác là giả mạo ngụy tạo, bèn truy tố kẻ lợi dụng đức tin của mọi người để thủ lợi, lúc đó họ ẳm một số tiền không nhỏ, do bá tánh đóng góp, trốn biệt tăm biệt tích một cách tài tình! Như vậy mới biết là dân ta không hề giữ độc quyền về chuyện mê tín dị đoan như vậy, bởi vì có quá nhiều cạnh tranh trên khắp thế giới!
* * *
Trên đây, chúng ta đã nghiên cứu qua về những điểm gọi là tà kiến và mê tín theo quan điểm của Phật giáo. Tức nhiên, những người theo đạo Phật và những người đang muốn tìm hiểu giáo lý của đạo Phật, một cách nghiêm túc, tâm trí minh mẫn, trí tuệ sáng suốt, với tâm bình thường, tâm chính trực, tâm bất tùy phân biệt, không thành kiến, không thị phi, không tranh chấp, không hơn thua, không loạn động, không kỳ thị, đều hoan hỷ tiếp nhận. Phần trên chỉ mới nêu lên những thí dụ điển hình nhứt về tà kiến và mê tín. Phạm vi của bài viết không đủ kích thước, không đủ tầm vóc, để tìm hiểu hết tất cả những tà kiến và mê tín trên thế gian này. Tại sao vậy? Bởi vì theo lời Ðức Phật dạy, con người do "vô minh phiền não" từ lâu đời, từ vô thủy, cho nên rất khó lãnh hội lý lẽ, rất khó nhận chân sự thực, rất khó giác ngộ chân lý, một cách nhanh chóng và dễ dàng được. Cần có thời gian và sự quyết tâm.
Sau đây, chúng ta sẽ tìm hiểu những điều hợp với chân lý, hợp với lẽ thực, hợp với trí tuệ, đúng với Chánh Pháp, để áp dụng trong cuộc sống hằng ngày, hầu xây dựng cuộc sống an lạc và hạnh phúc hiện đời. Trong Kinh A Hàm, Ðức Phật có dạy: "Không nên tin ngay tất cả những gì người xưa nói, tất cả những gì người có thế lực đạo cũng như đời nói, tất cả những gì người bề trên nói, tất cả những gì có nhiều người tin theo, có ghi trong sách vở. Chỉ nên tin những gì có thể kiểm nghiệm được, đúng với chân lý, đúng với lẽ thực, thông qua trí tuệ sáng suốt, thấy có ích lợi cho bản thân và cho mọi người".
Trước khi Ðức Phật ra đời, ở xứ Ấn Ðộ, có hằng trăm đạo giáo khác nhau. Có đạo thờ thần lửa, thờ thần sấm sét, có đạo thờ rắn, có đạo thờ bò. Có đạo chủ trương, hành hạ xác thân, cực kỳ đau đớn, như là lấy roi, tự đánh vào thân, đi trên lửa hồng, đứng ngoài nắng cháy, như thiêu như đốt , nằm trên bàn chông, ngủ ngồi quanh năm, treo ngược hai chân, ăn uống đồ hẩm. Bởi vì họ quan niệm rằng thân xác của con người chính là nguyên nhân gây nên tất cả tội lỗi. Trong các thư viện tại thành phố Toronto, xứ Canada hiện nay, nhiều sách nghiên cứu về các tôn giáo ở Ấn Ðộ có ghi lại những hình ảnh vừa kể. Những người có quyền thế, trong đạo cũng như ngoài đời, thời bấy giờ, cũng như bất cứ thời nào, trên trái đất này, đều cố tình tạo ra những sự kiện linh thiêng huyền bí, để dễ bề mê hoặc lòng người, để củng cố địa vị ăn trên ngồi trước, vinh thân phì da của họ, không làm mà có ăn, khoác bên ngoài lớp vỏ tín ngưỡng tôn giáo.
Khi Ðức Phật đi khắp bốn phương để giảng giải chân lý, truyền bá Chánh Pháp, nghĩa là đem ánh sáng trí tuệ khai mở tâm trí mờ tối của con người. Vô số người ngưỡng mộ, qui y, bỏ con đường mê tín sai lầm, trở về với chân lý. Ðiều này làm cho giáo chủ các đạo khác mất dần tín đồ, niềm tin suy sụp, không còn uy tín, đem lòng căm giận, lấy làm tức tối, gây nhiều rắc rối, tạo lắm chướng nạn, trở ngại bước đường hoằng pháp của Ðức Phật, qua các hình thức phỉ báng mạ lị, vu khống xuyên tạc, vu oan giá họa.
Con người vì vô minh cho nên rất dễ tin theo những gì có vẻ linh thiêng huyền bí, những gì có vẻ khó hiểu mơ màng, cứ nghe nhiều người loan truyền là tin theo ngay, không cần suy nghĩ, không cần tìm hiểu, hư thực ra sao? Có khi chúng ta tin theo những gì người đời trước tin, làm theo những gì người đời trước làm, hoặc nhắm mắt tin theo những gì mà các tổ chức tín ngưỡng rao truyền, xác nhận là thực, một cách ngây thơ, không cần suy xét, không cần chiêm nghiệm, không dùng lý trí, không thể kiểm chứng, không cần biết những điều đó là đúng hay sai, sự thực như thế nào? Ngày xưa bên Tàu, có một thiền sư, trước khi ngồi thiền, bảo người đệ tử, bắt nhốt con mèo, hay chạy tứ tung, ngao ngao om sòm. Người thuộc đời sau, không hiểu lý do, tưởng rằng việc đó, ích lợi thiêng liêng, cho việc ngồi thiền, bèn kiếm cho được, vài ba con mèo, bắt nhốt xong rồi, mới ngồi ngay ngắn, ở trên bồ đoàn, lim dim tọa thiền!
Vì không chịu học, tìm hiểu giáo lý, biết bao nhiêu người, gọi là Phật Tử, tại gia xuất gia, tin theo đạo Phật, khác gì ngoại đạo. Ngoại đạo ở đây, nghĩa là vẫn thờ, tượng Phật tại gia, hay là tại chùa, nhưng vẫn thường làm, "ngoài tâm cầu đạo", chỉ biết lo chuyện, cúng kiến lễ nghi, cầu nguyện khấn vái, cầu khẩn van xin, đủ thứ mọi điều, không hiểu không biết, Phật ở nơi đâu. Tại sao lạ vậy? Bởi vì chư Tổ, có dạy rõ ràng:"Phật Tức Là Tâm, Tâm Tức Là Phật". Ngoài Tâm không Phật, cầu đạo ngoài Tâm, là nghĩa lý gì? Phật không ở chùa, không ở trong tượng, bằng đồng hay cây, không ở trên mây, trên non trên núi, không ở dưới suối, dưới sông dưới biển. Chúng ta không cần, phải đi đến xứ, Ấn Ðộ xa xôi, bất cứ nơi đâu, mới thấy được Phật. Vậy chúng ta đi, tìm Phật ở đâu? Xin được trả lời: Phật đang ở ngay, trong tâm chúng ta. Hay nói cách khác: Phật chính là Tâm, của chúng ta vậy. Chúng ta làm việc, lợi mình hại người, Tâm Phật ẩn mất. Chúng ta làm việc, lợi mình lợi người, Tâm Phật hiển hiện. Thực là đơn giản!
Trong Phật giáo, có ba môn học giúp con người phát sinh trí tuệ bát nhã, gọi là "Tam Huệ Học", gồm có: văn huệ, tư huệ và tu huệ, nói gọn là "Văn-Tư-Tu". Nghĩa là muốn phát triển trí tuệ sáng suốt, trên bước đường tu học, chúng ta cần phải lắng nghe, phải học hỏi, xong rồi phải tư duy, phải quán tưởng, phải suy nghĩ, một cách chín chắn, một cách tường tận. Khi nhận thấy có ích lợi cho bản thân và cho mọi người, mới đem ứng dụng tu hành, mới đem áp dụng vào cuộc sống hằng ngày. Không phải nghe thấy bất cứ điều gì, cũng tin theo ngay, cũng làm theo ngay, không cần nghĩ suy, không cần kiểm chứng, không cần tìm hiểu gì cả, dù điều đó được ghi là lời Phật dạy cũng vậy, được chép trong các sách gọi là kinh điển cũng vậy thôi!
* * *
B . - Chánh Kiến và Chánh Tín:
Chánh kiến là kiến thức chân chánh, hay sự hiểu biết sáng suốt, đúng lẽ thực, đúng chân lý. Chánh tín là niềm tin chân chánh, niềm tin có căn cứ, thông qua trí tuệ sáng suốt của con người. Nói tóm gọn là: Thấy "đúng như thực" và tin "đúng như thực" gọi là chánh kiến và chánh tín. Chánh kiến là bước thứ nhứt trong "bát chánh đạo", gồm có: chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định. Chánh kiến là điều kiện thiết yếu hàng đầu, để giúp con người có chánh tín, để giúp con người có thể phán đoán, nhận xét và nhìn thấy vạn hữu sự vật đúng với bản chất của nó, đúng với chân thật tướng, không tự dối, không trốn tránh sự thực và không trốn tránh cuộc đời. Ðạo Phật là đạo xuất thế gian nhưng không xa rời thế gian. Ðạo Phật vào đời để giác ngộ và giải thoát người đời, khỏi phiền não và khổ đau, khỏi sanh tử luân hồi, nhưng không bị vẩn đục vì đời, ví như hoa sen mọc từ bùn nhơ nhưng không nhơ vì bùn, mà vẫn tỏa hương thơm ngát. Ðạo Phật cứu độ nhân loại đang còn ở thế gian này được giác ngộ và giải thoát, chứ không phải đợi đến khi con người chết mới độ về Tây phương cực lạc!
Trong phạm vi bài này, chúng ta chỉ tìm hiểu bốn chánh kiến quan trọng sau đây: Một là "Lý Nhân Quả", còn gọi là "Lý Nhân Duyên". Hai là "Lý Vô Thường". Ba là "Lý Trùng Trùng Duyên Khởi". Bốn là "Thập Như Thị".
1) Lý nhân quả: Ngày nay, nhờ kiến thức khoa học, chúng ta đã hiểu rõ, nếu gieo hạt cam xuống đất, cộng thêm những "trợ duyên" như nước tưới, ánh sáng, phân bón, công chăm sóc, thời gian sau, chúng ta có thể gặt được quả cam. Nói gọn là: "Nhân nào quả nấy". Ðôi khi có nhân nhưng thiếu trợ duyên, cũng không gặt được quả. Cho nên được gọi lý nhân quả hay lý nhân duyên, chính là nghĩa đó vậy. Lý nhân quả ứng dụng trong ba thời: quá khứ, hiện tại và vị lai. Nghĩa là: Có những nghiệp nhân tạo tác trong quá khứ, chúng ta nhận nghiệp quả trong hiện tại. Có những nghiệp nhân tạo tác trong hiện tại, chúng ta sẽ nhận nghiệp quả trong vị lai. Cũng như có những hạt giống trồng được quả sớm, có những hạt giống trồng được quả sau một thời gian nào đó, ngắn hay dài.
Cho nên chúng ta đừng ngạc nhiên, khi thấy có những kẻ đang gây nghiệp nhân xấu xa, tức là họ đang làm các việc xấu ác, các việc bất thiện, nhưng vẫn được sung sướng, bình yên. Tại sao vậy? Bởi vì họ đang hưởng nghiệp quả tốt, từ nghiệp nhân lành tạo tác từ nhiều kiếp trước, trong kinh sách gọi đó là "phước báo". Tức là họ đang hưởng phước báo đã gieo từ nhiều kiếp trước. Ðến khi hưởng hết phước báo đó, thì họ sẽ bắt đầu gặt "quả báo" từ những việc xấu ác, những việc bất thiện, do chính họ đang gây ra. Ðến khi đó, nhẹ thì tán gia bại sản, tiêu tan sự nghiệp, nặng thì vong mạng thảm tử, chết chẳng toàn thây. Trong Kinh A Hàm, Ðức Phật có dạy:"Con người khi đang hưởng phước báo, cũng như mủi tên bắn lên không trung. Mủi tên bay lên rất nhanh, rất mạnh, cũng như con người gặp mọi sự may mắn, tốt đẹp, như ý. Ðến khi phước báo hết, con người bắt đầu đền trả nghiệp báo, cũng như mủi tên hết trớn thì rơi xuống đất vậy".
Do đó, chúng ta đừng ngạc nhiên khi đã làm hay đang làm không biết bao nhiêu việc lành, việc thiện, việc tốt, giúp người, giúp đời, bố thí, cúng dường, đi chùa, tụng kinh, niệm Phật, nhưng vẫn gặp khốn nạn, khổ sở, điêu đứng, kiện thưa, đói rách, nạn tai liên miên. Tại sao vậy? Bởi vì những nghiệp nhân thiện lành chúng ta đã làm hay đang làm hiện đời chưa tới lúc có kết quả. Trái lại, chúng ta đang thọ lãnh nghiệp báo xấu, là hậu quả từ những nghiệp nhân chẳng lành, do chính chúng ta đã tạo tác trong quá khứ trước kia. Hiểu được như vậy, chúng ta mới có thể vẫn tinh tấn, tiếp tục làm việc thiện, việc tốt, không mệt mỏi, không ngừng nghỉ, để tạo tác thêm phước báu, trong khi vẫn đang chịu nghịch cảnh, khổ nạn. Ðó là chánh tinh tấn trong bát chánh đạo vừa kể trên.
Chúng ta đừng vội cho là "ở hiền không gặp lành", đừng vội nghĩ làm ác sướng hơn, đừng vội tin thủ đoạn nhiều thì lợi lộc nhiều. Tại sao vậy? Bởi vì, không thể nào gieo hạt cam ngọt lại gặt quả chanh chua được, hoặc ngược lại. Nhân nào thì quả nấy, có lửa thì có khói, gieo gió thì gặt bão, sinh sự thì sự sinh, làm thiện thì gặp lành, làm ác thì gặp ác, chạy trời sao khỏi nắng! Cũng có những trường hợp quả báo nhãn tiền. Quả báo có nghĩa là nghiệp quả hay nghiệp báo phải nhận, từ nghiệp nhân đã tạo tác. Quả báo nhãn tiền tức là gieo nhân nào thì gặt ngay "kết quả tốt", hay nhận ngay "hậu quả xấu" hiện đời. Thí dụ như chăm chỉ thì học giỏi, cần mẫn thì sung túc, tiết kiệm thì có dư, điều độ thì sống lâu, có ăn thì no bụng, thể dục thì khỏe thân. Thí dụ như ngậm máu phun người liền dơ miệng mình, nghiện ngập thì khổ thân, lười biếng thì nghèo nàn, cờ bạc thì nợ nần, hoang phí thì đói rách, trộm cướp thì ở tù, hại người thì người hại, gậy ông lại đập lưng ông, viết thư nặc danh thì xanh xao hao sức, chẳng ích lợi gì cho thân và tâm của tác giả.
Tuy nhiên, dù nghiệp nhân đã lỡ tạo tác rồi, từ nhiều kiếp trước, hay ngay kiếp này, nhưng nếu chúng ta "biết dừng nghiệp, biết chuyển nghiệp", tức là biết ăn năn sám hối, biết quày đầu hướng thiện, biết tu tâm dưỡng tánh, biết tu nhơn tích đức, thì khi nghiệp quả hay nghiệp báo, nói chung là "quả báo" có đến, cũng sẽ nhẹ bớt đi nhờ có "phước báo" do chính mình tạo tác được, che chở cho mình. Chuyện lớn sẽ hóa nhỏ, chuyện nhỏ sẽ hóa không. Bằng như không biết dừng nghiệp, không biết chuyển nghiệp, thì khi nghiệp quả hay nghiệp báo, nói chung là quả báo có đến, chúng ta sẽ lãnh đủ. Thí dụ như chúng ta có biết tiết kiệm, biết dành dụm thì sẽ có khả năng trả bớt, trả dứt nợ nần xưa vậy. Tiền tiết kiệm dụ cho phước báo, nợ nần xưa dụ cho quả báo.
Trong Kinh A Hàm, Ðức Phật có dạy thí dụ như sau: Một người bị bắt buộc phải nuốt một nắm muối thì quả thực là khổ sở vô cùng. Nếu người đó có thể bỏ nắm muối vào một tô nước rồi uống thì sẽ đỡ khổ hơn một chút. Nếu người đó có thể bỏ nắm muối vào một lu nước rồi uống thì sẽ đỡ khổ nhiều hơn chút nữa. Nếu người đó có thể bỏ nắm muối vào một hồ nước lớn rồi uống thì sẽ không thấy khổ sở bao nhiêu, hoặc không có thấy khổ gì cả. Nắm muối tượng trưng cho "quả báo" phải thọ nhận, từ nghiệp nhân xấu ác, bất thiện đã tạo tác. Tô nước, lu nước hay hồ nước lớn tượng trưng cho "phước báo" ít hay nhiều, từ nghiệp nhân thiện lành, tích lũy được từ nhiều kiếp cho đến ngày nay vậy.
Hiểu được lý nhân quả một cách tường tận như thế, chúng ta sẽ bớt phiền não và khổ đau rất nhiều. Chẳng hạn như mới gặp người nào đó, nhưng họ ghét chúng ta cay đắng, thì phải quán: chuyện đó không phải là tự nhiên, không phải là tự dưng họ ghét mình. Nhứt định chúng ta đã có gây oán hờn, từ đời trước với họ, có khi ngay đời này, tại chúng ta không biết, không để ý đó thôi. Hiểu được như vậy, chúng ta không bực bội, không phiền não, không trách cứ người đó, chỉ biết trách mình và càng thận trọng hơn trong cách cư xử, trong hành động, trong lời nói, ngay cả trong tư tưởng, để không tạo thêm nghiệp nhân mới, giảm bớt oán hờn xưa. Chẳng hạn như có người đem bụi dơ ném vào chúng ta. Chúng ta hiểu ngay là nghiệp quả hay nghiệp báo, nói chung là quả báo, đang đến. Chúng ta chỉ nên tự lo trong sạch thân và tâm của mình, không ném trả bụi dơ lại người đó. Bằng không cả hai đều lấm dơ lem luốc!
Sách có câu: "Trách người một, trách ta mười. Bởi ta tệ trước nên người bạc sau". Nghĩa là chúng ta có bị người đời đối xử bạc bẽo cũng do chúng ta đã đối xử tàn tệ với họ trước. Chúng ta hãy can đảm nhận lỗi, qui tội về mình, đừng đổ lỗi cho người, đừng than phiền, đừng trách móc ai cả. Chúng ta cần nên biết rằng: "Không bao giờ có quả mà không có nhân". Nghĩa là không bao giờ có chuyện gì xảy ra mà không có nguyên nhân xa và nguyên nhân gần, chỉ tại chúng ta không chịu quán chiếu, không chịu tìm hiểu đó thôi.
Hiểu được lý nhân quả một cách tường tận như thế, chúng ta sẽ thấy phiền não và khổ đau hay an lạc và hạnh phúc đều do chính chúng ta chủ động tạo tác, không do thượng đế, hay bất cứ thần linh nào, ban phước hay giáng họa cả. Chúng ta có làm bất cứ điều gì, thì phải có can đảm chịu, can đảm nhận. Nói gọn là: "Dám làm thì dám chịu". Cũng như sách có câu: "Tự tác hoàn tự thọ" chính là nghĩa đó vậy. Chẳng hạn như khi có chuyện bất hòa, tranh chấp trong gia đình, chúng ta phải cố gắng tìm hiểu nguyên nhân nào gây ra, có phải do tâm ích kỷ, do lòng tham lam, do sự cố chấp, do những người trong nhà chấp chặt ý kiến cá nhân hay không. Tìm được nguyên nhân rồi chúng ta tích cực sửa đổi, tích cực chuyển hóa tâm hồn của chính chúng ta. Như vậy, chúng ta mới có khả năng xây dựng một mái ấm gia đình an lạc và hạnh phúc.
Trong Kinh Hoa Nghiêm, Ðức Phật có dạy: "Vũ trụ vạn vật đều do nhơn duyên sinh". Nghĩa là vũ trụ vạn vật đều do nhơn và do duyên sinh ra, chứ không do một vị thượng đế, một đấng tạo hóa toàn năng nào sinh ra, tạo ra cả. Có người thắc mắc: Thế nào là nhơn duyên sinh? Câu trả lời: "Thử hữu cố bỉ hữu. Thử sinh cố bỉ sinh". Nghĩa là: "Do cái này có nên cái kia có, do cái này sinh nên cái kia sinh". Chẳng hạn như có chọc chó nên mới bị chó cắn. Muốn không bị chó cắn thì đừng chọc chó! Thực vậy, thời nay chúng ta hiễu rõ, có lửa mới có khói, có ăn mới có no, có tu mới có chứng, có học mới có hiểu, có mây mới có mưa, có gieo trồng nhân mới có gặt hái quả. Không có ông trời nào làm ra mưa cả, mặc dù chúng ta quen gọi trời mưa hay trời nắng! Không có thiên lôi nào làm ra sấm sét để hù dọa con người cả. Chỉ tại con người, lạc hậu kém cỏi, ít học giáo lý, mê tín dị đoan, tưởng tượng có trời, tin có thượng đế, quyền năng tuyệt đối, có thể ban phước, có thể giáng họa, rồi tự hoảng sợ, giống như con nít, hay sợ bóng ma, sợ luôn ông kẹ, chỉ vậy mà thôi, không có gì khác.
Khi trong gia đình, có chuyện bất hòa, chúng ta hiểu ngay, là chính mình đã, "làm việc gì đó", mới khiến người khác, phản ứng như vậy. Chúng ta phải tự xét lại mình, trước khi mở lời trách người khác. Chắc chắn do mình đã làm "chuyện đó", nên mới có "chuyện này" xảy ra, nên người ta mới làm "chuyện kia" đáp ứng vậy đó thôi. Nghĩa là:"Có chuyện này xảy ra nên chuyện kia mới xảy ra". Chẳng hạn như mình có kỳ cục, người khác mới bực bội. Chẳng hạn như mình có nói khó nghe mới bị chúng chửi! Nếu mình dễ tính, dễ thương thì được yêu mến, quí trọng. Thấy người khác tỏ vẽ bực bội, nếu chúng ta chỉ biết trách cứ, chỉ biết đối đáp, chỉ biết trả đủa, thì càng làm chuyện lớn thêm mà thôi. Tây phương có câu: "Do not sweat the small stuff, it is all small stuff". Chuyện nhỏ bỏ đi, đừng thêm to chuyện. Chiêm nghiệm suy xét kỹ lưỡng như vậy, chúng ta tạo được gia đình hạnh phúc không khó. Chúng ta cần nên biết rằng: "Không việc gì trên đời tự nhiên sinh ra cả". Không thể tự nhiên có cái cây mọc lên, mà không có hạt giống ở trong đất. Không thể tự nhiên có người đến mắng chửi khơi khơi, hoặc không thể tự nhiên có người ghét, mà không do chính chúng ta đã làm điều sái quấy, dù vô tình hay cố ý. Không thể tự nhiên mình gặp tai nạn chết người, mà không có quả báo từ trước, do chính mình tạo tác. Không thể tự nhiên con cái ngỗ nghịch mà chúng ta không có lỗi gì cả. Sách có câu: "Nhân chi sơ tánh bổn thiện". Con cái có mất dạy là do chúng ta không biết dạy đó thôi, đừng trách tuổi trẻ, hãy trách chính mình. Hiểu được như vậy, còn gì đáng ngạc nhiên, đáng bực bội nữa đâu?
Muốn trị thân bệnh, tức là trị dứt bệnh tật của thân thể, chúng ta phải đi khám bác sĩ, phải uống thuốc, phải ăn uống điều độ, phải giữ vệ sinh cá nhân, vệ sinh chung, phải tập thể dục. Chứ không phải chỉ biết cầu xin thượng đế, van vái Trời Phật, tìm uống nước sông nước suối, cho là nước tiên nước thánh, mà hết bệnh được. Nếu sự thực có như vậy, các vị giáo chủ đã đến đó lấy nước về uống trị bệnh, không cần bác sĩ, không cần bệnh viện! Càng tệ hơn nữa là đi gặp mấy ông bà thầy bói, mấy ông bà đồng cốt, để thỉnh bùa chú, thỉnh kính chiếu yêu, dán đầy nhà cửa, trừ tà trừ ma, hay đem đốt uống! Muốn trị tâm bệnh, tức là muốn giảm bớt cái quả phiền não và khổ đau, chúng ta phải biết rõ nguyên nhân nào gây ra những phiền não và khổ đau đó, rồi tích cực tu sửa, chứ không than trời trách đất gì cả. Cảnh giới thiên đàng hay địa ngục tùy thuộc nơi chúng ta tạo tác, chứ không từ bất cứ nơi nào tới, không do trời thần quỉ vật nào quyết định cả. Ðó là chánh kiến quan trọng mà tất cả chúng ta cần phải có, phải hiểu, phải biết, để cuộc sống có ý nghĩa hơn.
2) Lý vô thường: Trong Kinh Kim Cang, Ðức Phật có dạy: "Phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng". Nghĩa là bất cứ những gì có hình, có tướng trên thế gian này đều là hư vọng, giả dối, không tồn tại vĩnh viễn. Mọi sự sự vật vật trong thế giới này đều trải qua bốn giai đoạn: "sinh, trụ, dị, diệt" hoặc "thành, trụ, hoại, không". Từ những vật nhỏ như cái bàn, cái ghế, cái nhà, cái cửa, kể cả cái xác thân tứ đại của chúng ta, đến những thứ to lớn như núi non, quả địa cầu, thảy đều được sinh ra, được hình thành, tồn tại trụ thế một thời gian nào đó, rồi cũng bị biến dị, hư hoại, cho đến ngày nào đó, bị tiêu diệt, hủy diệt, thành ra không có còn nữa. Chúng ta ai ai cũng biết rằng: "Có sinh ắt có diệt".
Cũng trong Kinh Kim Cang, Ðức Phật có dạy:
Nhứt thiết hữu vi pháp
Như mộng huyển bào ảnh
Như lộ diệc như điển
Ưng quán như thị tác.
Nghĩa là tất cả mọi pháp, mọi sự sự vật vật trên cõi đời, đều như là giấc mộng không thực, như là huyễn hóa, ảo thuật giả tạo, như là bào bọt, bóng nước mong manh, như là ảo ảnh mơ màng, như là giọt sương dễ tan, như là điện chớp thấy đó mất đó, không có gì tồn tại vĩnh viễn cả. Hiểu được lý vô thường một cách tường tận, một cách sâu sắc, chúng ta sẽ không phiền não và khổ đau nhiều, như khi có chiếc xe bị hư hoại, khi có một vật quí bị mất mát hay rớt bể, thậm chí khi người thân có mệnh hệ nào hoặc chính chúng ta đến ngày phải bỏ lại xác thân tứ đại và ra đi. Hoặc khi con cái lỡ tay đập bể đồ đạc gì, dù quí giá đến đâu, nhưng nhờ hiểu được lý vô thường một cách thấu đáo, chúng ta sẽ không vì tiếc của, la rầy, mắng nhiếc con cái. Gia đình nhờ đó được an lạc và hạnh phúc.
Hiểu được lý vô thường một cách mạnh mẽ, chúng ta không ngạc nhiên khi thấy một người thân thiết biến thành kẻ thù không đội trời chung, một người tốt biến thành kẻ xấu hay ngược lại, một người ơn biến thành kẻ oán, một kẻ si mê biến thành người giác ngộ. Tại sao vậy? Bởi vì: Tâm của con người cũng như thân của con người, không phải bất biến, không phải vĩnh cửu, không phải cố định, mà chỉ là một dòng năng lực chuyển biến không ngừng, tùy duyên mà có, tùy duyên mà thành, và cũng tùy duyên mà diệt. Cũng vậy, con người tùy theo lợi lộc mà tâng bốc tán dương, khen ngợi ca tụng, bốc thơm xum xoe. Con người cũng tùy theo lợi lộc mà hạ nhục phỉ báng, chỉ trích bới móc, bôi tro trét trấu, ném đá giấu tay, viết thư nặc danh, hăm he hù dọa, vu oan giá họa, lôi nhau ra tòa, kiện cho sạt nghiệp! Thực chẳng có gì đáng ngạc nhiên cả! Mọi sự thăng trầm của thể chất hay những hiện tượng của tâm linh, giống như một dòng nước, luôn luôn trôi chảy, luôn luôn biến đổi, không bao giờ ngừng nghỉ, dù trong một phút giây. Một thành phố với bao nhiêu nhà cửa, cầu cống, đường xá, xa lộ, đồ sộ nguy nga, vĩ đại huy hoàng, nhưng chỉ qua một đêm có trận động đất, chỉ còn là một đống gạch vụn khổng lồ mà thôi. Thường xuyên quán chiếu lý vô thường như vậy, chúng ta sẽ giảm bớt phiền não và khổ đau rất nhiều.
3) Lý trùng trùng duyên khởi: Trong Kinh Hoa Nghiêm, Ðức Phật giảng dạy rõ ràng lý trùng trùng duyên khởi. Chúng ta cần phải biết rằng trên cuộc đời này, mọi sự vật không bao giờ bình yên trôi chảy, không bao giờ an ổn như ý chúng ta mong muốn. Việc này vừa xong thì việc khác xảy đến. Chuyện này chưa dứt thì chuyện khác đã tới, liên tục và liên tục không bao giờ ngừng, cũng như gió ngoài biển khơi vậy. Tây phương có câu: "Que sera sera! " hay "What will be will be! ". Tạm dịch: "Chuyện gì phải đến sẽ đến!". Không tránh được chuyện đời, chúng ta hãy chấp nhận một cách bình thản vậy. Không thể cầu được bình yên khi chúng ta không có phước báo.
Sách có câu: "Có phước thì hưởng phước". Chúng ta không thể hưởng phước, trong khi không chịu làm phước, chỉ biết van xin, cầu nguyện, làm sao có phước được mà hưởng? Cũng như muốn xài tiền, thì phải làm việc kiếm ra tiền, phải có tiền, vậy thôi, đi xin tiền thì ai cho? Ðó là sự thực hiển nhiên. Chúng ta nhận thức được như vậy, thì sẽ không ngạc nhiên, không đau khổ khi phải đối đầu với những cảnh ngộ phiền não, liên tiếp xảy ra trên cuộc đời này, trong cuộc đời của chúng ta. Người nào chịu đựng được bát phong, tức là tám ngọn gió thế gian, luôn luôn thổi tới tấp, người đó được gọi là "bát phong xuy bất động", đó chính là bậc đại nhân. Bát phong đó chính là: "lợi, suy, hủy, dự, xưng, cơ, khổ, lạc", tức là lợi lộc, suy sụp, hủy báng, khen tặng, tán thán, chỉ trích, khổ nạn, sung sướng. Sách có câu: "Phước bất trùng lai, họa vô đơn chí" nghĩa là các điều phước, các việc may, thường không đến hai lần, trái lại, tai họa thì tới liên miên, hết chuyện này đến chuyện khác xảy ra dồn dập.
4) Thập như thị: Trong Kinh Diệu Pháp Liên Hoa, thường gọi là Kinh Pháp Hoa, Ðức Phật có dạy mười điều đương nhiên đúng như thế, còn gọi là "thập như thị". Ðó là: như thị tánh, như thị tướng, như thị thể, như thị lực, như thị tác, như thị nhơn, như thị duyên, như thị quả, như thị báo, như thị bản mạt cứu cánh. Nghĩa là: Do tâm tánh của con người như vậy, cho nên hình tướng của con người là như vậy. Do bản thể của con người như vậy, cho nên nghiệp lực của con người là như vậy. Do tạo tác của con người như vậy, gây ra nghiệp nhơn như vậy, cộng thêm nghiệp duyên như vậy, cho nên nghiệp quả của con người là như vậy. Vì nghiệp báo của con người như vậy, cho nên từ xưa đến giờ cứu cánh của con người cũng chỉ là như vậy.
Thí dụ như khi người ta đưa lửa tới đốt, chúng ta đưa bổi ra đón, lửa có điều kiện cháy lớn hơn. Nếu chúng ta không đón ngọn lửa do người ta đem tới, thì ngọn lửa đó chỉ đốt hư không mà thôi. Không ai có thể đốt cháy hư không được. Một lát ngọn lửa cũng sẽ tắt queo, không gây thiệt hại gì! Cũng vậy, khi bị người khác công kích, chỉ trích, mạ lị, miệt thị, chúng ta "không chấp" vào đó, coi chuyện đó là những chuyện "đương nhiên phải có" ở thế gian đầy tranh chấp, ganh tị, đố kỵ, chúng ta sẽ an ổn, không ai xâm phạm được, không ai đốt được khi tâm của chúng ta bình thản, trống rỗng như hư không.
Thí dụ như giới chủ nhân thì muốn công nhân làm việc nhiều, năng xuất cao, nghiệp vụ tốt nhưng lãnh lương thấp. Trái lại, giới công nhân thì muốn lè phè, chọn việc nhẹ, nghỉ nhiều, làm ít, nhưng lãnh lương cao! Cuộc đời là như thế, là "như thị". Thí dụ như hai con gà ghét nhau vì tiếng gáy, hai con người ghét nhau vì tiếng nói, hai cô ca sĩ có bao giờ thương nhau. Cuộc đời là như thế, là "như thị". Thí dụ như chúng ta đem lợi lộc đến thì người ta yêu mến, còn đem phiền toái tới thì người ta chửi bới. Ðem quà tới thì được, đem họa tới thì không. Khi đến các nơi công cộng, có tiền thì hậu đãi, không tiền thì bạc đãi. Cuộc đời là như thế, là "như thị". Thí dụ như con người vốn tánh tham lam và lười biếng, tu thì không muốn, hoặc chỉ hành ít ít, chút chút thôi, nhưng lại thích được lên thiên đàng, hay vãng sinh tây phương cực lạc, hưởng sự sung sướng, hoặc đợi đến khi chết, bà con đăng báo cầu chúc tiêu diêu nơi miền cực lạc! Cuộc đời là như thế, là "như thị".
Hiểu được đủ mười điều đương nhiên, "thập như thị", như thế, như vậy, tức là chúng ta đã thấy tột chơn tướng của mọi pháp trên thế gian này. Ðược như vậy, được như thế, được như thị, tức là chúng ta đã qua cơn mê, hết mơ toàn chuyện trên mây, chúng ta sẽ sống đời an lạc và hạnh phúc. Tại sao vậy? Bởi vì chúng ta đã giác ngộ và giải thoát. Giác ngộ tức là qua cơn mê, hết nằm mơ. Giải thoát tức là an lành tự tại thong dong.
* * *
Tóm lại, để chuẩn bị bước sang thế kỷ mới, thiên niên kỷ 2000, để có một cuộc sống tâm linh sung mãn, vững vàng, mạnh mẽ, để có một cuộc sống an lạc và hạnh phúc ngay hiện đời, chúng ta hãy phát tâm cầu học và áp dụng Phật Pháp ngay trong cuộc sống, một cách tích cực, một cách mãnh liệt, một cách tinh tấn, không bao giờ thoái chuyển. Trong kinh sách, Ðức Phật có dạy: chúng ta được thân làm người như hiện nay rất là khó. Bởi vì do nghiệp lực dắt dẫn, chúng ta đã từng trôi lăn nhiều đời nhiều kiếp trong sáu nẽo luân hồi. Ðó là: thiên, nhơn, a tu la, địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh. Chúng ta đã từng chịu đựng khổ đau không biết cơ man nào mà kể cho xiết qua các cảnh giới trong ba đường khổ. Bây giờ chúng ta hãy lắng lòng, phát nguyện tu tâm dưỡng tánh, phát triển trí tuệ bát nhã sáng suốt vi diệu, để phá tan màn vô minh che phủ tâm trí của chúng ta tự bấy lâu nay. Cho đến một ngày nào đó, gần hay xa tùy theo công phu tu tập, chúng ta sẽ được giác ngộ và giải thoát, sẽ được thoát ly sanh tử luân hồi, sẽ được hưởng cảnh giới cực lạc, cảnh giới Niết bàn.
Màn vô minh u tối đã che lấp trí tuệ sáng suốt của chúng ta không biết bao nhiêu đời, bao nhiêu kiếp rồi, cũng như những đám mây đen dầy đặc che khuất ánh sáng của mặt trăng, cũng như bóng tối bao phủ căn phòng đã ngàn năm qua. Nhưng chỉ cần học hiểu, thực hành giáo lý của Ðức Phật ngay trong cuộc sống hiện tại, có ngày chúng ta bổng dưng bừng sáng, giác ngộ, thấu hiểu chân lý, ngay trong phút giây. Cũng như chỉ cần một cơn gió mạnh đủ thổi sạch những đám mây đen kia, để mặt trăng trở lại sáng, cũng như chỉ cần bật ngọn đèn lên thì căn phòng sáng lên lập tức, không cần phải đợi ngàn năm sau mới sáng tỏ được.
Trong Kinh Kim Cang, Ðức Phật có dạy: "Người có chánh tín là người đã gieo trồng căn lành nơi vô lượng ngàn muôn Ðức Phật. Người có chánh tín được vô lượng phước đức. Người có chánh tín không còn chấp tướng ngã, tướng nhân, tướng chúng sanh, tướng thọ giả, tức là không còn chấp ngã, không còn chấp pháp". Chư Tổ có dạy: "Tu mà không học là tu mù. Học mà không tu là đãy sách". Dù là Phật Tử tại gia hay xuất gia, đã phát tâm tu theo Phật, thì phải học hiểu giáo pháp, để có chánh kiến và chánh tín, bằng không chỉ là tu mù, dễ lầm đường lạc lối, mê tín dị đoan. Còn nếu chỉ đọc kinh sách và tìm hiểu cho biết, không chịu tu tâm dưỡng tánh, thì cũng như cái đãy, cái bị đựng sách mà thôi.
Vừa học đạo lý vừa tu tâm dưỡng tánh, vừa tu tâm dưỡng tánh vừa học đạo lý, nhứt định có ngày chúng ta sẽ hoát nhiên đại ngộ, tâm trí chúng ta sẽ bừng sáng. Như vậy, cuộc đời của chúng ta bước sang kiếp mới, bước ra khỏi vòng u mê tăm tối ngàn năm, kể từ phút giây giác ngộ đó vậy. Sau khi qua cơn mê, xa cuộc đời trầm luân, hết mơ chuyện huyễn hoặc, ta sẽ ươm thật nhiều, trái yêu thương ngọt ngào, hái đem cho mọi người. Rồi đây sau cơn mê, trí tuệ được khai thông, sông cạn lại thành ròng, qua đến bờ bên kia, phiền não thành an lạc, khổ đau thành hạnh phúc, đấu tranh thành hòa bình, hận thù thành yêu thương, cay đắng thành ngọt ngào, nghi ngờ thành cảm thông, ta bà khổ thành cực lạc quốc, thế gian thành thiên đàng, mọi người thành nhất thể. Thật là hạnh phúc thay! Thật là vi diệu thay! Thật là nhiệm mầu thay!
-o0o--