PHẬT HỌC CƠ BẢN
KIẾN THỨC
CĂN BẢN PHẬT GIÁO
 
 
CHƯƠNG 6
 
TÔNG PHÁI PHẬT GIÁO

1.-  Các Tông Phái Phật Giáo Được Phân Chia Như Thế Nào?  
Đức Phật xuất thế vì lòng đại bi, đem giáo pháp giải thoát chỉ dạy cho tất cả mọi chúng sanh. Tùy theo căn cơ, lãnh vực của người thực hành Phật giáo mà phân chia ra Tiểu-thừa hay Đại-thừa. 
Sau khi đức Phật diệt độ, các chúng đệ tử ý thức rõ bổn phận của mình đã tổ chức các kỳ kiết tập kinh điển. Có tất cả bốn lần trùng tuyên giáo pháp của Như-Lai tại bốn địa điểm khác nhau : 
- Lần kiết tập thức nhất tại thành Vương-Xá, do ngài Ma-ha Ca-Diếp triệu tập 500 vị Đại-Đức Tỳ-kheo liền sau khi Phật nhập diệt để trùng tụng lại những lời Phật đã giảng thuyết rải rác khắp nơi trong 49 năm, khi Ngài còn tại thế. Lần kiết tập nầy không ghi chép lại bằng văn tự mà do trí nhớ của những bậc hiền giả cao đức thuộc nằm lòng những lời dạy thâm áo của Phật. Mặt khác, lúc bấy giờ chưa có giấy mực cho việc in ấn, vì thế một phần lớn các kinh điển được ghi trên lá bối nên gọi là : Bối-diệp kinh. Ngoài ra, ngài Ba-Sư-Ca (Caspa) cũng triệu tập tăng chúng lại một địa điểm khác để kết tập kinh điển, đó là nguyên nhân đầu tiên chia thành hai bộ phái : Thượng-tọa-bộ và Đại-chúng-bộ. 
- Lần kiết tập thứ hai, chuyên giải quyết về những nghi vấn trong giới luật, đã diễn ra tại thành Tỳ-Xá-Ly gồm 700 vị Đại-Đức Tỳ-kheo, sau khi Phật nhập Niết-Bàn 100 năm, do ngài Da-Xá chủ tọa. 
- Lần kiết tập thứ ba vào năm 200 năm sau khi đức Bổn-Sư thị tịch, do vua A-Dục triệu tập 1000 vị Đại-đức và các bậc Thiện-hữu-tri-thức tại thành Hoa-Thị. Lần nầy kinh điển được tổ chức biên chép thành bộ loại và ngài Mục-Kiền-Liên được bầu làm chủ tọa. 
- Lần kiết tập thứ tư, sau khi Phật diệt độ 600 năm, do vua Ca-Nị-Sắc-Tra chủ xướng và nhóm họp tại thành Ca-Thấp-Di-La, gồm 1,500 người do ngài Hiếp tôn giả và ngài Thế-Hữu chủ tọa. Việc ghi chép kinh điển bằng hai thứ văn tự Pali và Sanskrit lần nầy có phần hoàn bị hơn trong lần kiết tập thứ ba. 
Mục đích của việc kiết tập giáo pháp của đức Phật là để quảng bá sâu rộng tinh thần từ bi, vô ngã, lợi tha của Phật giáo đến khắp mọi nơi. 
Vào thế kỷ thứ 8 và 9 có các ngài Long-Thọ, Di-Lặc, Vô-Trước thành lập các tông như Trung-Quán, Du-Già, Duy-Thức cũng để truyền bá giáo pháp của Phật-Đà sâu rộng theo nhu cầu của thời đại. 
Việc chia các tông phái bắt nguồn từ Ấn-Độ, sau Phật giáo truyền vào Trung-Quốc (thế kỷ 1 Tây-lịch, năm 67, niên hiệu Vĩnh-Bình thứ 10) và tinh thần Phật giáo cũng biến thái cho phù hợp với dân tộc, nên Phật giáo lại chia ra thành 13 tông phái khác nhau như sau : Tỳ-Đàm, Thành-Thật, Luật, Tam-Luận, Niết-Bàn, Địa-Luận, Tịnh-Độ, Thiền, Nhiếp-Luận, Thiên-Thai, Hoa-Nghiêm, Pháp-Tướng và Chân-ngôn-tông. Việc lập tông của Phật giáo Trung-Quốc lại ảnh hưởng dây chuyền sang Phật giáo Nhật-Bản, vì Phật giáo Nhật-Bản ảnh hưởng sâu đậm từ Phật giáo Trung-Quốc, và theo từng giai đoạn lại chi ra thành 8 tông, 9 tông, 10 hoặc 12 tông như : Tam-Luận, Pháp-Tướng, Pháp-Hoa, Câu-Xá, Thành-Thật, Luật, Thiên-Thai, Chơn-ngôn-tông và sau thêm vào Thiền-tông thành 9 tông phái và dần dà có thêm Tịnh-độ là 10 tông. Ngoài ra, còn có thêm Tịnh-độ-chơn-tông và Nhật-liên-tông tức là 12 tông phái tất cả. 
Phật giáo Việt-Nam cũng chịu ảnh hưởng bởi Phật giáo Trung-Quốc, nhưng chỉ phái Thiền-tông là được phổ thông hơn cả. Còn các tông khác như Tịnh-Độ, Thiên-Thai ... cũng có người nghiên cứu và tu tập, nhưng tầm ảnh hưởng không sâu rộng như Thiền-tông. Sau có tông Tịnh-độ cũng gần như sát nhập vào với Thiền-tông làm một về nội dung lẫn hình thức. 
Ngày nay các tông phái thạnh hành nhất tại các nước theo Phật giáo như Nhật-Bản, Trung-Quốc, Tây-Tạng, Thái-Lan, Tích-Lan ... là pháp môn tu thiền định mà tầm ảnh hưởng của nó cũng rất lớn mạnh ở khắp Âu, Mỹ. 
2.- Câu Xá Tông Căn Cứ Vào Đâu Để Thành Lập Và Do Ai Khởi Xướng ? 
Bộ Luận-Câu-Xá do ngài Thế-Thân tạo, nói cho đủ là "A-Tỳ-Đạt-Ma Câu-Xá-Luận", có hai nhà dịch giả là ngài Trần-Chơn-Đế và ngài Huyền-Trang. 
Bản dịch trước đã bị thất truyền. Đến đời nhà Đường (thế kỷ thứ 7) ngài Huyền-Trang sau khi đi tham học ở Ấn-Độ về mới dịch lại bộ Luận Câu-Xá. 
Tông Câu-Xá hẳn do ngài Trần-Chơn-Đế khởi xướng thành lập tông, nhưng không thấy dấu hiệu phát triển. Bộ Luận-Câu-Xá gồm có 9 phẩm và 30 quyển. Nội dung gồm 5 phần : 1- Giải thích, 2- Vạn loài, 3- nhân quả của mê lầm, 4- nhân quả của tỏ ngộ, 5- luận về vô ngã. Đây là bộ Luận thuộc Tiểu-thừa mà ngài Thế-Thân Bồ-Tát lập để đối lại lối lý luận của Tiểu-thừa về pháp Tứ-Đế và trạng thái an lạc của Niết-Bàn. Ngài căn cứ vào bộ Luận Đại-Tỳ-Bà-Sa gồm có 200 quyển để rút tỉa ra ý chính cho Câu-Xá-Luận. 
Tông Câu-Xá bị thất truyền ngay nơi phát nguyên ra, không phải lý do chính là tông chỉ lập tông thuộc Tiểu-thừa mà do thiếu người kế thừa. Mặc dù không được truyền bá sang các nước khác như các tông phái khác, tông Câu-Xá vẫn giữ một thế đứng độc tôn trong số 13 hệ phái Phật giáo ở Trung-Quốc trong hơn 10 thế kỷ. 
Ngày nay, tông Câu-Xá chỉ còn được nhắc đến trong giới Phật giáo cũng chỉ thuộc về phạm vi nghiên cứu hơn trên thực tế. 
3.- Tông Thiên Thai Phát Xuất Từ Đâu ? Do Ai Thành Lập Vào Thời Nào Và Y Cứ Bộ Kinh Gì Lập Tông ? 
Thiên-thai-tông phát xuất từ Phật giáo Trung-Quốc, do ngài Thiên-Thai Trí-Giả Đại-sư thành lập tại núi Thiên-Thai. Ngài mở đạo tràng giáo hóa đồ chúng tại đó nên lấy tên là tông Thiên-Thai. 
Vào đời nhà Tùy (thế kỷ 7 Tây-lịch) có ngài Thiên-Thai, tên tự là Đức-An, một bậc danh Tăng cao đức mở trường giảng kinh Pháp-Hoa, Luận-Trí-Độ, kinh Niết-Bàn ... cho nhiều người tu đắc và y cứ vào đó Ngài lập tông Thiên-Thai. Tông Thiên-Thai lấy kinh Pháp-Hoa làm căn bản, căn cứ vào bộ Luận-Trí-Độ làm kim chỉ nam và lấy kinh Niết-Bàn làm điểm tựa. Ngài Thiên-Thai là người kế thừa tông pháp của ngài Huệ-Văn Đại-sư. Đời Bắc-Tề (566) ngài Huệ-Văn căn cứ vào bộ Luận-Trung-Quán để phát minh được cái diệu lý của các pháp. Sau truyền xuống ngài Nam-Nhạc Huệ-Tư. Ngài Huệ-Tư truyền xuống ngài Thiên-Thai Trí-Giả là người kế thừa tông môn đời thứ 3. Sau khi ngài Trí-Giả Đại-sư viên tịch có các ngài Chương-An tổ thứ 4 ; Thiên-Cung tổ thứ 5 ; Tả-Khê tổ thứ 6 ; Tạm-Nhiên tổ thứ 7 ... kế tục nối dòng y pháp. Nhờ sự triển khai rộng rãi trong tông môn của ngài Thiên-Thai mà tầm ảnh hưởng rất lớn lao trong Phật giáo Trung-Quốc lúc bấy giờ. 
Nhờ đó tông Thiên-Thai được truyền sang Nhật-Bản và duy trì được kế tục mãi cho tới ngày nay. 
Tại Việt-Nam, tông Thiên-Thai cũng được nhiều người biết đến, nhưng tầm ảnh hưởng không mấy lớn rộng như Thiền-tông. 
Việc phân chia tông phái trong Phật giáo chỉ có lợi khi nào các hàng đệ tử của Phật biết cùng nhau tu dưỡng và phát huy tinh thần Phật giáo để quảng bá sâu rộng trong dân gian ; còn như việc phân chia trong tánh cách chia rẽ vì bè nhóm, địa phương, thầy tổ, óc kỳ thị, cố chấp, hẹp hòi ... là những mối nguy cơ cho Phật giáo, không đưa lại được một lợi ích nào cả. 
Khi nói đến tông Thiên-Thai là người ta luôn nhắc tới tên ngài Trí-Giả, người đã có công đầu trong việc toàn thành pháp môn tu tập mà chư tổ đã di chúc nối dòng tông phái được duy trì bất tuyệt trong dân gian. 
4-. Tông Hoa Nghiêm, Người Sáng Lập Và Dựa Vào Đâu Làm Tông Chỉ ?  
Tông Hoa-Nghiêm phát xuất từ Phật giáo Trung-Quốc vào đời nhà Đường (608-907) do ngài Đế-Tâm Đỗ-Thuận sáng lập. 
Dựa vào bộ kinh Hoa-Nghiêm để lập tông và có chia ra thành 5 hình thức giáo hóa khác nhau gọi là Hoa-Nghiêm ngũ giáo như : Tiểu, thỉ, chung, đốn, viên (tiểu thừa, đầu mối, cuối cùng, đạt đến đích và thành chánh quả tức giải thoát). 
Kế truyền ngài Đỗ-Thuận có các Ngài : Vân-Hoa Trí-Nghiêm Pháp-sư là tổ thứ 2, ngài Hiền-Thủ Pháp Tạng Pháp-sư tổ thứ 3, ngài Thanh-Lương Trừng-Quán tổ thứ 4 cho đến đời tổ thứ 5 là ngài Quế-Phong Tông-Mật Thiền-sư. 
Đến đời nhà Tống (thế kỷ 9 Tây-lịch) các ngài Mã-Minh, Long-Thọ tiếp nối truyền đăng giáo pháp của tông Hoa-Nghiêm và là tổ thứ 6 và thứ 7 vậy. Bộ kinh Hoa-Nghiêm được xem như là vua của các kinh. Theo truyền thuyết, kinh Hoa-Nghiêm đang còn nằm bí mật tại Long-Cung, được ngài Long-Thọ vận dụng sức thần thông đến đó lấy được quyển hạ đem về truyền lưu trong dân gian. Chính Hòa-Thượng Đỗ-Thuận là Hóa thân của ngài Văn-Thù Bồ-Tát đã căn cứ vào bộ kinh nầy để thành lập tông Hoa-Nghiêm và là vị Sơ tổ kế truyền chánh pháp. Tông Hoa-Nghiêm được truyền bá sâu rộng là nhờ sự biết triển khai giáo lý Đại-thừa như thập huyền môn (1), lục tướng (2), ngũ giáo để làm ra các sách luận giải nhiều vô số, nhất là lý nghĩa sâu sắc của kinh Hoa-Nghiêm như ánh sáng mặt trời rọi chiếu khắp không gian vô tận. 
Giáo lý Phật-Đà gồm hai tính chất là khế-lý và khế-cơ tức là dù triển khai cách nào đi nữa cũng phải cho phù với chân lý và hợp trình độ căn cơ của người lãnh hội. Tông Hoa-Nghiêm cũng từ chỗ khế hợp đó mà chánh pháp được truyền đăng là công đức không thể nghĩ bàn mà chỉ có các bậc thiện căn ngộ đạo mới làm được. 
********
(1( và (2) xem bài nói chương V 
 5.- Tông Lâm Tế Được Truyền Thùa Ra Sao Và Ai Là Người Chủ Xướng ?  
Tông Lâm-Tế là một trong 5 tông thuộc về Thiền-tông. Tông Lâm-Tế từ lúc tổ Huệ-Năng (đất Tào-Khê) truyền xuống tới các ngài Nam-Nhạc, Mã-Tổ, Bách-Trượng, Hoàng-Mai tới ngài Lâm-Tế Nghĩa-Huyền là tổ thứ 5 nối dòng tông pháp. 
Nhưng phải nói chỗ phát nguyên của tông Lâm-Tế là do tổ Bồ-Đề Đạt-Ma, tổ 28 của Phật giáo Ấn-Độ sang truyền giáo tại Trung-Quốc vào đời nhà Lương (thế kỷ 6 Tây-lịch) và phó pháp cho ngài Huệ-Khả. Từ ngài Huệ-Khả kế tục truyền lưu dòng Thiền cho tới đời Lục-tổ Huệ-Năng. Đời thứ 6 dòng Lâm-Tế là ngài Thạch-Sương-Viên Thiền-sư, dưới Ngài lại chia ra làm hai phái là Dương-Chi và Hoàng-Long. 
Phật giáo Việt-Nam ảnh hưởng dòng Thiền-Lâm-Tế rất sớm, do ngài Tỳ-Ni-Đa-Lưu-Chi, người Thiên-Trúc đến ruyền đạo tại Trung-Quốc, nhưng Phật giáo ở đó lúc bấy giờ đang bị ách nạn vào đời Võ-Đế Bắc-Chu (574 Tây-lịch), Ngài bèn đến Quảng-Châu (giáp giới Bắc Việt) để dịch kinh Tượng-Đầu Báo-Nghiệp Sai-Biệt từ chữ Phạn sang chữ Hán. Đời nhà Chu (580 Tây-lịch) niên hiệu Đại-Tường thứ 2, Ngài sang Việt-Nam trụ tại chùa Pháp-Vân (tỉnh Hà-Đông) dịch kinh Tổng-Trì. Năm 594 Ngài truyền tâm pháp cho ngài Pháp-Hiền rồi tịch. Dòng Lâm-Tế do ngài Pháp-Hiền kế truyền được cả thảy là 19 đời cho tới năm 1916 và được 31 vị kế thừa ngôi Pháp-bảo. 
Tại Việt-Nam còn một phái thiền thứ 2 do ngài Vô-Ngôn-Thông là sơ tổ. Ngài đến nước ta vào đầu thế kỷ thứ 9 (820) ở chùa Kiến-Sơ (tỉnh Bắc-Ninh). Sau truyền pháp cho ngài Cảm-Thành Thiền-sư rồi tịch vào năm 826, niên hiệu Bảo-Lịch đời Đường. Dòng Vô-Ngôn-Thông truyền đến thế kỷ 13 là 15 đời pháp và 40 vị cao đức kế tục truyền bá chánh pháp. Tông Lâm-Tế thạnh hành mãi và sau có các ngài Minh-Hải Pháp-Bảo đến Hội-An, Quảng-Nam lập nên chùa Chúc-Thánh để truyền pháp và dòng thiền Lâm-Tế Việt-Nam tới nay truyền được là 44 đời pháp (ngài Minh-Hải đến Hội-An đời chúa Nguyễn thế kỷ 17). 
Tông Lâm-Tế không mấy thịnh hành tại Nhật-Bản, vì thiền Tào-Động với tầm ảnh hưởng quá sâu rộng đã làm cho tông nầy không tìm ra thế đứng trong giới Phật -giáo tại đây, nhưng lại thích hợp tại Trung-Quốc, Việt-Nam .... 
 6.- Tông Pháp Tướng Là Gì ? Dựa Vào Kinh Nào Và Do Ai Khai Sáng ? 
Tông Pháp-Tướng là một trong 13 tông phái thuộc Phật giáo Trung-Quốc, lấy chỗ rốt ráo tận cùng về tánh, tướng của vạn pháp để thành lập tông, nên gọi là Pháp-Tướng. 
Căn cứ bộ kinh Giải-Thâm-Mật, phẩm "Nhất thiết pháp tướng" và cũng dựa vào luận Duy-thức, cho rằng vạn pháp do thức biến để tạo thành nên tông Pháp-Tướng còn gọi là tông Duy-Thức. 
Lấy thâm ý của phẩm Du-Già trong kinh Giải-Thâm-Mật thì cái lý của Không và Hữu ứng nhiếp lẫn nhau tạo thành viên mãn chân thật. Đó cũng là thâm ý của phẩm Thắng-Nghĩa-Đế trong kinh Giải-Thâm-Mật, nên có một tên gọi khác cho tông Pháp-Tướng là Thừa-giáo, tức là ý nghĩa đức Phật nói pháp lần thứ 3 trong các thời thuyết giảng chánh pháp. Tông Pháp-Tướng đã được ngài Khoán-Cơ chùa Từ-Ân Trung-Quốc khai sáng nên còn có tên là tông Từ-Ân. Tông chỉ đều dựa vào bộ kinh cốt cán Giải-Thâm-Mật và các bộ luận như Du-Già, Duy-Thức ... Căn nguyên sâu xa của tông Pháp-Tướng đã phát nguyên từ Ấn-Độ, sau khi đức Phật nhập Niết-Bàn khoảng 1000 năm có ngài Bồ-Tát Vô-Trước từ nơi giảng đường thuộc nước A-Du-Đà, hằng đêm thường lên cung trời Đâu-Suất để nghe Phật Di-Lặc giảng luận Du-Già. Ngài Vô-Trước bèn giảng thuyết lại luận Du-Già cho đại chúng và hình thành được 100 quyển. Sau ngài Vô-Trước có em là Thế-Thân cũng làm ra luận Duy-Thức và đề cao giáo nghĩa do anh chủ xướng nên lúc bấy giờ tông Pháp-Tướng còn gọi là tông Du-Già. 
Khi ngài Huyền-Trang đời Đường đến Tây-Thiên-Trúc và thọ giới ngài Giới-Hiền ở chùa Na-Lan-Đà và tông Du-Già hay Pháp-Tướng được truyền sang Trung-Quốc. Khi vào Trung-Quốc tông ý Pháp-Tướng được triển khai do tông môn của phái chùa Từ-Ân kế tục nối truyền. 
Tông Pháp-Tướng thuộc về lý nên khó cho người có căn cơ trình độ thấp thực hành. Ngày nay việc kế thừa tông pháp vì thế không còn được phát huy sâu rộng trong giới Phật giáo nữa. 
7.- Tông Tịnh Độ : Người Sáng Lập Và Căn Cứ Vào Kinh Gì Để Tu Chứng ? 
Tông Tịnh-độ là một tông phái có tầm ảnh hưởng sâu rộng trong dân gian trong thời kỳ mạt pháp để hướng dẫn hành giả con đường tu tắt cầu sanh về thế giới Cực-Lạc của đức Phật A-Di-Đà, sau khi chết. 
Tông Tịnh-độ từ ngài Phổ-Hiền là sơ tổ. Ngài chuyên tu tập pháp môn niệm Phật cầu vãng sanh về cảnh giới an lạc. Trong đời mạt pháp, pháp môn tu tập dễ thực hành và chứng đắc nhất chỉ có tông Tịnh-độ. Tại Trung-Quốc, Nhật-Bản, Việt-Nam pháp môn niệm Phật có nhiều người tu tập, vì thế tư tưởng tông Tịnh-độ được xiển dương rộng rãi và gần như đã gắn liền song song với Thiền-tông làm một. Tại Trung-Quốc, vào đời nhà Tấn (381) có ngài Huệ-Viễn ở núi Lô-Sơn chuyên việc đề xướng pháp môn tu Tịnh-độ và có thành lập hội Tịnh-độ Liên-xã, đã kết nạp được 123 người vào trong hội để thực hành Phật giáo. Đời Ngụy có ngài Đàm-Loan, đời Đường ngài Đạo-Trác đều là những vị danh Tăng thiền đức chuyên tu pháp môn Tịnh-độ. Tông Tịnh-độ còn có tên khác là Liên-tông, cũng rất thạnh hành tại Nhật-Bản. 
Tại Việt-Nam, tông Tịnh-độ vào đời Lý Trần (thế kỷ 10-12) đã được pha trộn với Thiền-tông và mãi cho tới nay trong các thiền môn Việt-Nam còn chịu ảnh hưởng của hai luồng tư tưởng nầy như torng thời tụng kinh Tịnh-độ buổi tối gồm các kinh Di-Đà, niệm danh hiệu Phật A-Di-Đà, chú Vãng-Sanh và Sám-Nguyện-Thập-Phương thuộc về Tịnh-độ và các bài thần chú Đại-Bi, Bát-Nhã Tâm Kinh, danh hiệu chư Phật, Bồ-Tát, thuộc về Thiền, và các bài thần chú thuộc Chơn-ngôn-tông. 
Pháp môn tu Tịnh-độ rất dễ thực hành và có thể áp dụng cho bất cứ hạng tuổi nào, vì hành giả chỉ cần việc chuyên tâm chánh niệm là đủ. 
Đức Phật Thích-Ca đã nói kinh Di-Đà để dẫn dắt chúng sanh con đường tu nhanh chóng, vậy thì hành giả nên thực hành pháp môn niệm Phật để được vãng sanh Cực-Lạc. 
8.-  Tông Thành Thật : Việc Truyền Pháp VÀ Tông Yếu Thế Nào ? 
Tông Thành-Thật phát nguyên từ Ấn-Độ, là tông sau cùng của việc thành lập tông phái và lấy chỗ tánh tướng của Tiểu-thừa hay căn cứ vào bộ "Thành-Thật-Luận" của ngài Ha-Lê-Bạt-Ma tạo để lập ra một tông gọi là Thành-Thật. 
Khởi đi từ pháp Tứ-Đế : Khổ, tập, diệt, đạo mà vạn vật hình thành. Người nào muốn diệt khổ phải tinh tấn tu hành mới đạt được, là chân lý đúng cho mọi hoàn cảnh, thời gian. Thành-Thật còn có nghĩa là trung tín với chính mình và thật tâm tự trọng đới với người. Hành giả phải gạn lọc tâm phiền não để tu tập các pháp lành tức là không tự dối mình và luôn luôn có tinh thần cầu tiến với các đức tánh : Khoan dung, chân thật ... Người tu hành không tự cao ngã mạn mà cần phải hòa đồng vào trong đại chúng để học hỏi kinh nghiệm và tu luyện trí, đức cho được vẹn toàn. 
Tông Thành-Thật khi truyền đến Trung-Quốc lại chia ra thành 3 tông : Thành-Thật, Nam-tông và Bắc-tông. Đến đời nhà Lương (thế kỷ 6) có ngài Tam-Đại Pháp-sư cũng y cứ vào tông yếu tổ truyền để hành đạo và triển khai thêm chỗ cốt yếu của tông môn mà thành. 
Tại Nhật-Bản và Việt-Nam, tông Thành-Thật không được thạnh hành. Tuy nhiên, cho tới nay tông Thành-Thật vẫn còn tồn tại, nhưng sự bành trướng không được mạnh như các tông : Tào-Động, Lâm-Tế, Tịnh-Độ ... 
9.- Tam Luận Tông Căn Cứ Vào Đâu Để Thành Lập ? Do Ai Khai Sáng Ra Tông Nầy ? 
Tam-Luận-Tông y cứ vào luận tạng để thành lập. Lấy 3 bộ luận : Trung-Luận do ngài Long-Thọ tạo với 500 bài kệ và 27 phẩm ; Thập-Nhị-Môn-Luận cũng do ngài Long-Thọ tạo. Trong ấy các pháp môn có chia ra thành 12 nên gọi là Thập-Nhị-Môn ; Bách Luận, do đệ tử ngài Long-Thọ là ngài Đề-Bà tạo, gồm 20 phẩm, mỗi phẩm 5 bài kệ và tổng số là 100 bài kệ nên gọi là Bách Luận để thành hình tông chỉ của tông nên gọi là Tam-Luận-Tông. 
Tông Tam-Luận khởi nguyên từ Bồ-Tát Văn-Thù sau truyền đến ngài Mã-Minh và ngài Long-Thọ là đời pháp thứ 3. Đến đời ngài Long-Thọ có 2 người đệ tử và được chia ra thành 2 nhánh : Nhánh thứ nhất từ ngài Long-Thọ truyền xuống các ngài Long-Trí, Thanh-Biện, Trí-Quang, Sư-Tử-Quang ; nhánh thứ hai kể từ ngài Long-Thọ kế tục truyền xuống ngài Đề-Bà, La-Hầu-La, Đa-Sa-Xa-Vương-Tử và ngài La-Thập. Ngài La-Thập khi đến Trung-Quốc đã tận lực dịch bộ Tam-Luận. Đối với Phật giáo Trung-Quốc về Tam-Luận-Tông thì ngài La-Thập là vị cao tổ. Ngài truyền xuống cho đệ tử có hơn 3000 người. Trong số đó đáng kể nhất là các ngài Đạo-Dung, Tăng-Thục, Tăng-Kích, Đạo-Sanh đều là những vị trước thuật rất nhiều để xiển dương giáo nghĩa của tông môn và được người đương thời gọi là Tứ-Kiệt vậy. Kế ngài Đạo-Sanh có các ngài Đàm-Tế, Tăng-Cẩn, Đạo-Thú. Sau ngài Đàm-Tế có ngài Đạo-Lãng. Kế ngài Đạo-Lãng có ngài Tăng-Thuyên ở vào đầu đời Bắc-Tề và việc truyền lưu tông pháp được liên tục không dứt. Sau ngài Tăng-Thuyên, các vị cao tăng thay nhau kế tục truyền thừa tông pháp là các ngài Pháp-Lãng, Biện-Công, Huệ-Dũng, Huệ-Bố đều lấy những tác phẩm trước thuật của thầy làm tông yếu cho việc truyền pháp. Sau đó có Đại-sư Gia-Tường y cứ vào 3 bộ luận căn bản nói trên để xiển dương giáo nghĩa Đại-thừa của Tam-Luận-Tông và từ Ngài trở về trước gọi là Cổ-Tam-Luận hay còn được gọi là Tam-Luận của miền Bắc. 
Tam-Luận-Tông ngày nay không thấy còn được duy trì, nhất là đối với Phật giáo Nhật-Bản và Phật giáo Việt-Nam. 
10.-  Địa Luận Tông Do Ai Thành Lập Và Việc Kế Truyền Tông Pháp ? 
Địa-Luận-Tông căn cứ vào Thập-Địa-Luận (*) để thành lập nên gọi tên theo chỗ luận về các pháp viên dung vậy. 
Phật tánh đồng nhất, nhưng theo tinh thần Hoa-Nghiêm lập thành 3 kỳ thành Phật mà không cho rằng nhất niệm thành Phật, nên gọi là "phi viên giáo". Thập-Địa-Luận trong kinh Hoa-Nghiêm hội thứ 6, phẩm thứ nhất và phần luận thích kinh Thập-Địa biệt hạnh có các ngài Luận-sư Kiên-Huệ, Kim-Cương-Quân và Thế-Thân cùng nhau luận giải chỗ rốt ráo về lý tánh của vạn pháp. Ngày nay, căn cứ vào Thập-Địa-Luận của ngài Thế-Thân làm luận dẫn cho việc thành lập tông. 
Đời nhà Lương có các ngài Quang-Thống, Huệ-Thuận, Đạo-Thận là những bậc danh tăng đứng ra đề xướng giáo nghĩa của tông nầy. Tới đời Đường, tông Hoa-Nghiêm thạnh hành, do đó tông Địa-Luận cơ hồ ít được người lưu tâm tới. 
Mỗi tông phái được thành lập là do công trình nghiên cứu, áp dụng và quảng bá của người sáng lập, rồi sau đó truyền lưu cho các thế hệ kế tiếp kế tục duy trì và phát triển thì tông môn mới được tồn tại. Tông Địa-Luận, căn cứ vào chỗ thâm áo của các bộ luận của ngài Thế-Thân tạo để hình thành. Khi đến Trung-Quốc, tông phái nầy chỉ được kế thừa trong một giai đoạn rồi phải bị đình thoái mà nguyên nhân chính hẳn giáo nghĩa quá cao sâu không theo kịp với trình độ của người tu tập. 
Tông Địa-Luận cho tới nay chỉ còn lại trên danh nghĩa và sử liệu truyền pháp, còn trên thực tế không có dấu hiệu nào cho thấy sự tồn tại, ngay chính nơi phát tích ra tông như Trung-Quốc cũng vậy. 
--------
(*) Thập địa : Hoan-hỷ địa, ly-cấu địa, phát-quang địa, diệm-huệ địa, cực-nan-thắng địa, hiện-tiền địa, viễn-hành địa, bất-động địa, thiện-huệ địa, và pháp-vân địa. Ngoài ra còn có 2 các phân biệt khác nhau theo Tiểu-thừa và theo bộ luận Trí-Độ cũng đều chỉ các giai đoạn tu đạt đạo của các hàng Thanh-văn, Duyên-giác, Bồ-tát vậy. 
11.-  Nhiếp Luận Tông Do Ai Sáng Lập Và Việc Kế Truyền Ra Sao ?  
Nhiếp-Luận-Tông lấy từ bộ luận Nhiếp-Đại-Thừa của ngài Vô-Trước. Sau đó hai ngài Thế-Thân và Vô-Tánh đều có tạo thêm luận Nhiếp-Địa-Thừa và tông nầy được thành lập căn cứ vào bộ luận nói trên. 
Đời nhà Lương, ngài Chân-Đế dịch bộ luận của ngài Vô-Trước và của ngài Thế-Thân. Đời nhà Đường, ngài Huyền-Trang cũng dịch bộ luận của ngài Vô-Trước và của 2 ngài Thế-Thân, Vô-Tánh. Chánh pháp được truyền lưu y cứ vào các bộ luận dịch nầy mà truyền bá rộng ra là Nhiếp-Luận-Tông. Đương thời có ngài Huệ-Khoảng thân cận để nghe ngài Chân-Đế giảng bộ luận Nhiếp-Đại-Thừa và đồng thời còn có các vị sa-môn như Pháp-Thường, Trí-Nghiễm cũng nghiên cứu bộ luận nầy. Sau đó những vị Thiền-đức kế tục con đường nghiên cứu là các ngài Đạo-Khuyết, Huệ-Hưu ở vào đời Trần, đời Tùy đều đề xướng giáo nghĩa của tông nầy. Nhưng đến khi tông Pháp-Tướng được đề xướng, thì tông chỉ của Nhiếp-Luận-Tông không còn nữa. Có phải chăng giáo pháp tùy duyên nhưng bất biến và vì thế mà danh nghĩa của tông có đổi thay, song việc hoằng truyền chánh pháp không thay đổi. 
Các bản dịch của ngài Chân-Đế gọi là cựu dịch, trong khi đó bản dịch của ngài Huyền-Trang gọi là tân dịch. Căn cứ vào văn mạch và tánh cách để truyền thông giáo nghĩa Phật-Đà mà người đời gọi như thế, cũng có phần nào đúng theo ngôn ngữ thông thường ngày nay. 
Như vậy, Nhiếp-Luận-Tông là một trong 13 tông phái thuộc Phật giáo Trung-Quốc mà không phổ cập được ở các nước theo Phật giáo Đại-thừa như các tông khác. 
12.- Tông Chơn Ngôn Căn Cứ Vào Bộ Kinh Gì Để thành Lập Và Do Ai Chủ Xướng ?  
Chơn-ngôn là tông phái thuộc Đại-thừa Phật giáo vừa có tính cách bí mật lại vừa có tính cách siêu hình, nên vượt ra ngoài việc nghĩ bàn của chúng ta. 
Phật là bậc đã giác ngộ, tu đạt được chánh quả mới hiểu thấu suốt được chỗ sâu sắc của những lời mật ngữ, do đó, tông Chơn-ngôn còn có tên khác gọi là Chơn-ngôn Đà-la-ni. 
Các tông thuộc Đại-thừa Phật giáo như Pháp-Tướng y cứ vào phẩm "Pháp Tướng" trong kinh Giải-Thâm-Mật. Trong khi đó, Tam-Luận-Tông y cứ vào chỗ lý luận biện chứng trong giáo lý để lập tông ; còn tông Thiên-Thai lại căn cứ vào chỗ trụ xứ nơi chánh bổn của kinh Hoa-Nghiêm để lập tông, tông Chơn-ngôn lại do nơi mật ngữ (lời lẽ bí mật khó diễn tả) trong tam mật ngữ để thành lập tông chỉ. 
Tam mật là gì ? Đó là ngữ mật, thân mật và tâm mật. Theo truyền thuyết, quan niệm cho rằng đức Phật Đại-Nhựt Như-Lai một thuở nọ đã vượt qua cõi tam giới ở cõi trời Sắc-cứu-cánh và chứng ngộ được Kim-cang-tát-đỏa, do nơi nội tâm phát ra, tức là thành Phật và chính Ngài nói kinh Đại-Nhựt để giáo hóa quần sanh mà tông Chơn-ngôn y cứ vào kinh nầy để lập tông. 
Cũng như tông Niết-Bàn, tông Chơn-ngôn không được truyền bá thạnh hành tại Việt-Nam, Trung-Quốc mà chỉ có Phật giáo Nhật-Bản ngày nay còn duy trì và phát triển tông phái Chơn-ngôn. Tổng bổn sơn của tông Chơn-ngôn đặt tại Cao-Dã-Sơn thuộc huyện Wakayama ở miền nam nước Nhật. Nơi đây có cả một làng Phật giáo gồm 6 ngôi tổ đình trên núi như một làng du lịch nổi tiếng cho du khách từ nhiều nơi đến viếng thăm Nhật-Bản vào những dịp nghỉ hè. 
Tông Chơn-ngôn trong cách hành trì cũng có phần nào khác với các tông Tào-Động, Lâm-Tế ... vì trong tự thể của nó đã có phần bí mật mà hành giả tin rằng chỉ có niềm cảm ứng thì đạo mới giao hòa được. 
13.-  Luật Tông Do Ai Thành Lập VÀ Căn Cứ Vào Đâu Hình Thành ? 
Luật tông căn cứ vào giới luật để thành lập. Luật là một trong 3 tạng kinh điển của Phật giáo, nhờ giới luật mà duy trì được mạng mạch của người tu hành. 
Luật-tông, người khởi xướng là ngài Đạo-Tuyên tu ở núi Nam-Sơn vào đời nhà Đường, y cứ vào bộ Luật-Tứ-Phần (xem bài riêng) để hoằng truyền giới pháp nên gọi là Luật-tông. Nguyên lai của bộ Luật-Tứ-Phần có từ sau Phật nhập Niết-Bàn khoảng 100 năm (444 năm trước Tây-lịch), ngài La-Hán Đàm-Vô-Đức lập riêng thành một bộ. Khi Phật giáo truyền đến Trung-Quốc thì bộ Luật-Tứ-Phần được dịch sang tiếng Trung-Hoa, cho đến đời Đường, ngài Nam-Sơn mới hệ thống hóa lại và lập nên một tông phái. Đương thời có 3 nhà Luật-sư chuyên đề xướng bộ Luật-Tứ-Phần là ngài Pháp-Khoáng chùa Nhật-Quang, đất Tương-Châu, y cứ vào bộ Luận-Thành-Thật để tạo ra bộ Luật-Tứ-Phần sớ gồm có 10 quyển ; ngài Đạo-Tuyên căn cứ vào Luận-Duy-Thức làm ra bộ Luật-Tứ-Phần hành sự sao, 3 quyển vào ngài Hoài-Tố chùa Tây-Thái-Nguyên tạo ra bộ Luật-Tứ-Phần khai thông ký, gồm 10 cuốn. Cả 3 nhà Luật-sư trên đều ở vào đời Đường, đã có sự tranh chấp nhau chỗ thành lập tông bất đồng nên gọi là 3 nhà Luật-sư vậy. 
Luật-tông lấy giới luật làm đầu trong việc tu học và để răn cấm người tu giữ gìn đúng luật. Mặt khác, tông nầy không được phổ cập rộng rãi trong quần chúng, một phần vì bộ Luật-Tứ-Phần là giới luật dành riêng cho hàng xuất gia, một phần vì sự tranh chấp nhau giữa các nhà luật gia chủ trương, và do đó Luật-tông chỉ hình thành được trong một giai đoạn mà không có tính cách lâu dài. 
Trên phương diện phân chia tông phái, Luật-tông cũng như một phần ưu thế trong cách truyền pháp, tuy không gây được nhiều ảnh hưởng như các tông Thiền, Tịnh-độ .... 
14.-  Tông Niết Bàn Lấy Kinh GÌ Làm Tông Chỉ Và Do Ai Sáng Lập ?  
Tông Niết-Bàn là một trong số 13 tông thuộc Phật giáo Trung-Quốc. Tông Niết-Bàn y cứ vào bộ kinh Niết-Bàn để lập tông. Lập luận cho rằng Phật tánh thường trụ bất biến theo đúng như tinh thần của kinh Niết-Bàn mà đức Phật đã giảng dạy cho các hàng đệ tử trước khi Ngài viên tịch. Vào đời Lương có ngài Đàm-Vô-Sấm là người đầu tiên dịch bộ kinh Niết-Bàn từ chữ Phạn sang chữ Hán. Đến đời nhà Tống (thế kỷ thứ 10) có các ngài Huệ-Thành, Đàm-Vô-Thanh, Tăng-Trang, Đạo-Uông, Tĩnh-Lâm, Huệ-Định, Đàm-Võ, Siêu-Tấn, Pháp-Đao, Đạo-Đăng, Đàm-Độ, Đạo-Thành là những vị cao tăng thạc đức viết sách làm sớ văn truyền bá chánh pháp sâu rộng bằng cách xiển dương giáo nghĩa và chỗ thâm áo của kinh Niết-Bàn. Đời Tùy (581) thì có các ngài Tịnh-Ảnh, Trí-Huy, Pháp-Khoáng, Đạo-Trác ... là những vị cao tăng lấy kinh Niết-Bàn làm tông chỉ cho việc biện đạo nhiếp chúng. Đến đời Đường (608-907) có các ngài Đạo-Tuyên, Pháp-Bảo, cũng đều y cứ vào lý thú của kinh Niết-Bàn mà hoằng pháp lợi sanh. Tông Niết-Bàn sau nầy được sát nhập vào với tông Thiên-Thai là một. 
Ngày nay tại Trung-Quốc không lấy tông Niết-Bàn làm tông chỉ mà chỉ còn lại tông Thiên-Thai. Việc thay đổi có nhiều lý do mà điều chính yếu vẫn do nhân tâm không thấu đạt được diệu lý của kinh điển mà thành. 
Tông Niết-Bàn tại Nhật-Bản và Việt-Nam cũng không mấy phát triển. Tông nầy được nhắc tới như là một sự nghiên cứu hơn là trên thực tế. Có người còn cho rằng, tông Niết-Bàn là một tông phái kém linh động, vì trước khi Phật sắp nhập diệt Ngài mới nói ra kinh nầy. Điều nhận xét trên không đúng, vì việc truyền bá chánh pháp là do chư Tổ kế thừa, còn giáo lý gồm trong 3 tạng kinh điển của Phật luôn luôn vẫn là chân lý có một giá trị thực tiển để xây dựng cho xã hội nhân gian một nền hòa bình an lạc và pháp tu chứng đạt đạo. 
Trong Phật giáo bất cứ tông phái nào biết áp dụng đúng mức tinh thần vị tha, vô ngã để đem lạm lợi ích cho mình và người khác đều được duy trì và phát triển lớn mạnh. 
15.- Phái Đại Thừa Phật Giáo Phát Triển Như Thế Nào Tại Các Nước Trên Thế Giới Ngày Nay ? 
Ngay sau khi đức Phật Thích-Ca nhập Niết-Bàn, trong Phật giáo đã chia ra làm 2 bộ phái là Thượng-tọa-bộ và Đại-chúng-bộ hay Tiểu-thừa và Đại-thừa. 
Sau Phật nhập diệt khoảng 100 năm, các bộ phái được chia thành 20 tông khác nhau. Từ đó mỗi tông hay bộ phái đều giữ một đặc tính riêng trong việc kế truyền Phật Pháp. Ngày nay, các tông như Lâm-Tế, Tào-Động, Hoa-Nghiêm, Pháp-Tướng, Tịnh-Độ ... đều được duy trì và phát triển tại các nước sớm ảnh hưởng Phật giáo như Nhật-Bản, Trung-Quốc, Triều-Tiên, Tây-Tạng ... Điểm nổi bậc hơn cả là mỗi tông trong Phật giáo đều chủ trương đạt ngộ chân tâm kiến tánh thành phật theo như tinh thần vô ngã và vạn pháp đều vô tướng (phá ngã chấp tức chấp chặt cái "TA" và pháp chấp "TƯỚNG" như lớn, nhỏ, dài, ngắn ...) của Đại-thừa Phật giáo để đưa người hành trì tới con đường giải thoát an vui. Do từ chỗ phân phái đó mà các học giả Âu-Châu khi nghiên cứu về Phật giáo có chia ra làm 2 lãnh vực là Nam-phương và Bắc-phương hay Phật giáo truyền theo đường bộ và đường thủy. Và cũng do từ quan niệm truyền giáo mà Phật giáo có Tiểu-thừa và Đại-thừa. Vấn đề Tiểu-thừa hay Đại-thừa không phải là điều quan trọng, vì Phật giáo Nam-phương căn cứ vào kinh điển bằng văn tự tiếng Pali, trong khi đó, Phật giáo truyền theo Bắc-phương theo kinh điển bằng tiếng, Phạn, Sanskrit, điều cần thiết là chúng ta có biết áp dụng phương pháp đạo Phật vào đời sống hằng ngày hay không, mới đáng luận bàn, phê phán. 
Phật giáo phát nguyên từ Ấn-Độ, nhưng trải qua nhiều thời kỳ suy vong và bị đình đốn, áp bức ... cho tới ngày nay tại Ấn chỉ còn lại một sống những di tích lịch sử, tháp chuông, trụ đá kỷ niệm, những ngôi chùa cổ, còn việc truyền bá Phật giáo hầu như không mấy thạnh hành ! 
Tại Trung-Hoa lục địa, Phật giáo cũng bị ngưng trệ trải qua nhiều giai đoạn cam go, nhấn là từ năm 1966, sau cuộc văn hóa đại cách mạng (thời kỳ Mao-Trạch-Đông), Phật giáo được xem như một món đồ cổ để trang sức trong viện bảo tàng cho du khách thập phương ! Vào cuối năm 1979 chính quyền Trung-Quốc tìm cách cho phục hồi Phật giáo trở lại, nhưng đây lại là một thứ Phật giáo không thuần túy tôn giáo cổ truyền mà đã pha trộn lẫn mầu sắc chính trị ... 
Nhật-Bản ngày nay, Phật giáo không có dấu hiệu nào cho thấy đang trên đà phát triển về mặt hình thức cả, nhưng đạo Phật đã bám sâu được gốc rễ trong lòng dân tộc qua ngôn ngữ, văn tự, giáo dục, kiến trúc ... thật hết sức đặc biệt. Đời sống trong các tự viện cũng đã được cải cách hoàn toàn từ hơn 100 năm nay. Người Tăng sĩ Nhật hầu hết đều có gia đình vợ con ở ngay trong chùa. mặc dù vậy lòng tôn kính của người tín đồ vẫn không hề bị sút giảm. Ở mỗi chùa đều có một đời sống kinh tế rất dồi dào sung túc. Hẳn đây là nét nổi bậc hơn cả trong các nước Phật giáo, theo con đường truyền giáo Bắc-phương mà chỉ có Nhật-Bản : Là dân tộc đầu tiên áp dụng đạo Phật đi vào nhân gian một cách thành công. 
Riêng tại Việt-Nam, Phật giáo đã bị ách hại từ ngày Cộng-sản chiếm miền Nam vào mùa xuân năm 1975, chùa chiền bị tàn phá, tượng Phật bị hủy diệt, Tăng sĩ bị tù đày, hoàn tục, tín độ bị bắt bớ, hăm dọa là dấu hiệu báo nguy cho thời đại của chúng ta hôm nay ! 
Một điều hiển nhiên mà ai cũng phải thành thật công nhận là Phật giáo đang có khuynh hướng truyền bá rộng rãi ở khắp các nước Âu Mỹ ngày nay. 
16.- Tông Tào Động Do Ai Sáng Lập Và Việc Kế Truyền Ra Sao ? 
Tông Tào-Động là một trong năm tông phái lớn và có tầm hoạt động lớn mạnh ngày nay của Phật giáo phái Thiền-tông. 
Người sáng lập tông do Thiền-sư Hy-Thiên, đệ tử của ngài Thanh-Nguyên, tu ở một cái am dựng trên một tảng đá lớn thuộc núi Hoành-Sơn, nên người đương thời ưa gọi ngài là Thạch-Đầu Hòa-Thượng. Ngài Hy-Thiên truyền cho ngài Dược-Sơn, ngài Dược-Sơn truyền cho ngài Vân-Nham, ngài Vân-Nham truyền cho ngài Lương-Giới, tu ở núi Đông-Sơn, nên còn gọi là ngài Đông-Sơn, ngài Đông-Sơn truyền cho ngài Bổn-Tịch ở núi Tào-Sơn thuộc đất Vũ-Châu, đó là việc kế truyền trong hệ phái của tông Tào-Động. 
Căn cứ theo sách "Tổ-Đình Sự-Uyển" thì ngài Bổn-Tịch (Tào-Sơn) là con kế tự của Thiền-sư Đông-Sơn. Ngày nay khi nói tới Phật giáo Tào-Động phần nhiều người chỉ biết có ngài Tào-Sơn mà không tìm hiểu thấu chỗ phát khởi của tông môn. Tông Tào-Động rất có ảnh hưởng tới Phật giáo các nước thuộc hệ tư tưởng Đại-thừa. 
Tại Nhật-Bản có ngài Hám-Sơn Thiền-sư cùng với ngài Đạo-Nguyên Thiền-sư là những bậc cao tăng thạc đức đã đem ánh sáng đạo thiền soi sáng trong dân chúng vào đầu thế kỷ thứ 12 Tây-lịch. Nhờ tinh thần phóng khoáng biết dung hòa tư tưởng thiền, các Thiền-sư đã mang lại niềm phấn khởi cho người hành trì. Thiền Tào-Động vì thế còn sáng lạn trong lịch sử văn học Phật giáo Nhật-Bản mãi đến ngày nay. Trong các tông phái thiền tại Nhật, có lẽ tông Tào-Động phát triển mạnh nhất, rồi mới đến tông Lâm-Tế, Chơn-Ngôn, Nhật-Liên ... 
Ở một số các nước khác như Trung-Quốc, Việt-Nam ... tông Tào-Động không lớn mạnh bằng tông Lâm-Tế, Tịnh-Độ .... nhưng vẫn còn được duy trì. 
 
           
17.-  Tông Chỉ Của Thiền Tông Trong Phật Giáo Ra Sao? 
Trong Phật giáo có chia ra thành Hiển-giáo và Mật-giáo. Y cứ theo kinh điển của Phật thuyết, thiền lấy tâm truyền tâm, trực chỉ lòng người, thấy tánh thành Phật ngay không lập thành văn tự. Đây gọi là giáo ngoại biệt truyền. 
Cũng như người dùng ngón tay chỉ mặt trăng, giáo lý chỉ là phương tiện để hiển bày chân tánh. Chư Tổ không dùng ngôn ngữ mà lấy tâm truyền tâm để đưa người hành trì ngộ được chân tâm của mình. 
Theo như kinh Phạm-Thiên hỏi Phật về những điều nghi vấn thì khi đức Phật còn tại thế, một hôm, Ngài đang thuyết pháp tại hội Linh-Sơn, giữa đại chúng có hơn 1000 người. Phật không nói một lời mà cầm hoa sen giơ cao lên trước đám thính chúng. Mọi người đều yên lặng, duy chỉ ngài Ca-Diếp mĩm cười, vì ngộ được tôn ý của Phật. Phật bèn truyền tâm ấn cho ngài Ma-Ha Ca-Diếp và dạy rằng : Ta có Chánh pháp nhãn tạng, Niết-Bàn diệu tâm, thật tướng vô tướng, nay giao phó lại cho ông ; Chánh pháp nhãn tạng, Niết-Bàn diệu tâm là thấu rõ được nguyên lý cấu tạo nên vũ trụ vạn hữu. Không quá lệ thuộc vào văn kinh cũng không bài bác ý kinh và cũng không chấp chặt nơi văn tự, là ý chính của việc truyền tâm pháp trong đạo thiền. 
Bồ-Đề Đạt-Ma là tổ thứ 28 của Thiền-tông thuộc Phật giáo Ấn-Độ, khi qua Trung-Quốc vào năm 520 đời Hậu-Ngụy vua Hiếu-Minh-Đế, niên hiệu Chánh-Quang năm đầu. Sau Ngài tu ở chùa Thiếu-Lâm tại Tung-Sơn cho đến khi ngộ đạo rồi truyền tâm pháp cho ngài Huệ-Khả, ngài Huệ-Khả truyền cho ngài Tăng-Xáng, ngài Tăng-Xáng truyền cho ngài Đạo-Tín, ngài Đạo-Tín truyền cho ngài Hoằng-Nhẫn, ngài Hoằng-Nhẫn (602-675) truyền cho ngài Huệ-Năng. Đó là phát nguyên của phái Thiền mà ngài Đạt-Ma là sơ tổ. 
Phái Thiền truyền tới đời lục tổ Huệ-Năng lại chia ra thành nhiều tông khác như Lâm-Tế, Tào-Động ... nhưng tôn chỉ Thiền vẫn là một. 
18.- Tông Quy Ngưỡng Trong Phật Giáo Có Phát Triển Như Các Tông Phái Khác ? 
Phật giáo khi truyền đến Trung-Hoa một thời gian bốn năm thế kỷ lại chia ra thành nhiều tông phái. 
Quy-Ngưỡng là một trong số 13 tông khác nhau và chỉ tồn tại được trong một thời gian hữu hạn thôi. 
Tổ Bách-Trượng Thiền-sư khai sơn ra tông Quy-Ngưỡng rồi truyền đến ngài Linh-Hiệu ở núi Qui-Sơn đất Đàm-Châu, ngài Qui-Sơn truyền cho ngài Ngưỡng-Sơn đất Viên-Châu. Đó là nguyên lai của việc kế thừa tông phái. Ngài Ngưỡng-Sơn tu tại núi Qui-Sơn để tiếp tục thay thầy duy trì tôn chỉ. Bách-Trượng Thiền-sư là người đầu tiên trong học giới Thiền gia đề ra nguyên tắc "bất tác bất thực", tức là không làm thì không có ăn để áp dụng trong sơm môn cho chúng thiền sinh. Nguyên tắc tuy nghiêm khắc, nhưng lại phù hợp cho thời đại ngày nay, không những chỉ riêng tại Trung-Quốc mà nó còn được áp dụng tại Nhật-Bản, Việt-Nam ... ở một số những ngôi chùa còn giữ theo đúng phép tắc của một thiền đường. Đó là phương pháp "chấp lao phục dịch" (phải ra sức làm việc để bù lại được một số lợi tức xứng hợp) mà Thiền-sư Vô-Ngôn-Thông đã đem thực hiện ở nước ta vào thế kỷ thứ 9 Tây-lịch. 
Tông Quy-Ngưỡng cũng như các tông phái khác, khi mới khai sanh ra thì được chính người khởi xướng tận lực phát triển và truyền bá cho môn đệ thừa hành. Sau một thời gian rồi do hoàn cảnh tạo nên một phần và một phần đều căn cứ vào tông chỉ thành lập tông mà tồn tại hay không. 
Đó là lý do tại sao chúng ta không thấy tông Quy-Ngưỡng còn phát triển hay duy trì được ở các nước sớm chịu ảnh hưởng Phật giáo. 
19.- Thế Nào Gọi Là Tiểu Thừa Phật Giáo ? 
Vấn đề phân phái Phật giáo đã có sau khi đức Phật Thích-Ca nhập Niết-Bàn, ngay trong kỳ kiết tập kinh điển lần thứ nhất, đã có chia ra làm Thượng-tọa-bộ và Đại-chúng-bộ, đó là nguồn gốc của Đại-thừa và Tiểu-thừa Phật giáo sau này. 
Qua lần kiết tập kinh điển lần thứ hai (sau Phật Niết-Bàn 100 năm) trong Phật giáo lần lượt chia ra thành 20 bộ phái khác nhau. Mặc dầu có phân chia ra làm nhiều tông phái, nhưng tựu trung Phật giáo vẫn lấy việc giải thoát độ sanh làm cứu cánh và vẫn tôn thờ đức Giáo-chủ Thích-Ca Mâu-Ni làm thầy, cũng như tất cả các tông đều nương vào nhưng lời dạy của Phật Tổ làm kim chỉ nam cho việc tu hành, chứng đắc. 
Do đó, Phật giáo được chia ra hai ngã truyền giáo là Bắc-phương và Nam-phương hay theo lối truyền theo đường bộ và đường thủy. Phật giáo truyền theo ngã phía Bắc qua các nước Népal, Tây-Tạng, Trung-Quốc, Nhật-Bản, Việt-Nam gọi là Đại-thừa Phật giáo và theo ngã phía Nam thuộc các nước Tích-Lan (Ceylon), Miến-Điện, Thái-Lan, Lào, Cao-Miên gọi là Tiểu-thừa Phật giáo. Nam-phương Phật giáo hay Tiểu-thừa theo kinh điển tiếng Pali. Trong khi đó Bắc-phương Phật giáo hay Đại-thừa theo kinh điển tiếng Phạn (Sanskrit). Tiểu-thừa Phật giáo giữ nguyên hình thức cổ như chư Tăng quấn y vàng và hành theo hạnh khất thực, ngày ăn một bửa giống như Phật lúc còn tại thế. Việc truyền giáo của phái Tiểu-thừa lưu động, không chủ trương lập chùa chiền, cơ sở nhiều mà chỉ cần một chiếc cà-sa với một bình bát và tối lại người Tăng sĩ chỉ cần ngủ dưới gốc cây là đủ. 
Trong lịch sử truyền thừa Phật giáo từ Ấn-Độ, đức Giáo-chủ Thích-Ca Mâu-Ni khai sáng đạo Phật năm 544 trước Tây-lịch. Tiếng pháp âm vi diệu của Ngài được truyền đi khắp năm châu trên toàn thế giới. Mỗi nơi tùy theo căn cơ của chúng sanh mà Phật giáo có Đại-thừa hay Tiểu-thừa để duy trì mạng mạch đạo pháp trường tồn bất diệt. 
20.- Hãy Nói Về 20 Bộ phái Trong Phật Giáo ?  
Vấn đề phân phái trong Phật giáo đã có từ sau khi đức Phật nhập Niết-Bàn 100 năm. Có hai phái bảo thủ và cấp tiến hay Đại-chúng-bộ và Thượng-tọa-bộ, rồi phân thành 20 bộ phái khác nhau. 
Hai mươi bộ phái trong Phật giáo là : 
9 bộ phái Đại-thừa : 
Đại-chúng-bộ 
Nhất-thuyết-bộ 
Thuyết-xuất-thế-bộ 
Kê-dẫn-bộ 
Đa-văn-bộ 
Thuyết-giả-bộ 
Chế-đa-sơn-bộ 
Tây-sơn-trụ-bộ 
Bắc-sơn-trụ-bộ 
 11 bộ phái Tiểu-thừa : 
Tuyết-sơn-bộ 
Thuyết-nhất-thiết-hữu-bộ 
Độc-tử-bộ 
Pháp-thượng-bộ 
Hiền-vị-bộ 
Chánh-lượng-bộ 
Mật-lâm-sơn-bộ 
Hóa-địa-bộ 
Pháp-tạng-bộ 
Ẩm-quang-bộ 
Kinh-lượng-bộ. 
Các bộ phái tuy có phân chia và mỗi bên đều có một lối kiến giải khác nhau, nhưng trên căn bản vẫn y cứ vào giáo lý giải thoát cứu cánh của Phật tổ Thích-Ca đã chỉ dạy để tu hành. Một điều đáng tự hào là trong Phật giáo từ khởi thủy cho đến ngày nay, trải qua hơn 2500 lịch sử, đạo Phật được truyền bá sâu rộng khắp nơi trên thế giới, nhưng chưa có một cuộc thánh chiến đẫm máu nào xảy ra, vì các nhà nghiên cứu Phật học, cũng như các hàng đệ tử của Ngài đều biết dựa theo tinh thần từ bi, bình đẳng của Phật tổ để truyền thừa giáo pháp. 
Khi Phật giáo vào Trung-Quốc, Nhật-Bản, Việt-Nam ... lại có lối phân phái khác nhau mà phái Thiền được coi như phổ thông hơn cả. Đây hẳn là phương pháp tùy duyên nhi bất biến hay pháp tùy theo mỗi hoàn cảnh, quốc độ để truyền thừa chánh pháp.
--o0o--