-
-
|
PHẬT HỌC CƠ BẢN
- Cây Giác-Ngộ
The Tree of Enlightenment.
- Chương 10
- (Trang 96 - 104.)
- Duyên Khởi
- Interdependent
Origination.
- ~~~~~~~
- Trong chương
này, tôi tiếp tục nói về một đề tài rất quan trọng của Phật học:
thuyết Duyên khởi. Tôi biết một điều là nhiều người tin rằng
thuyết Duyên khởi hay Duyên sinh là một môn học rất khó. Tôi không
muốn nói là không có sự thật trong sự tin tưởng đó. Khi Ananda có
một lần nhận xét rằng, dù khó khăn nhưng thuyết Duyên khởi thực sự
khá giản đơn, đức Phật đã khiển trách ông, và nói rằng thuyết này
thực sự rất sâu xa.
- Thuyết Duyên
khởi là một trong những lời dạy quan trọng và sâu sắc nhất trong
Phật giáo. Tuy thế thỉnh thoảng tôi cảm thấy lo là thuyết này ở
một mức nào đó không được bảo đảm chắc chắn. Ðể bắt đầu với chính
cái từ này thì thấy không có gì là khó cả. Nói chung, tất cả chúng
ta đều biết chữ tương duyên (interdepence), khởi ra, sinh ra
(birth, origination, arising) nghĩa là gì. Chỉ khi chúng ta bắt
đầu xét đến nhiệm vụ và nội dung của thuyết Duyên khởi thì chúng
ta mới nhận ra là giáo lý này rất sâu sắc và có ý nghĩa.
- Trang 96. Ý
nghĩa của thuyết này có thể được lấy ra từ những lời phát biểu
riêng của Phật. Ngài thường diển tả kinh nghiệm giác ngộ của mình
bằng một trong hai cách: lý Tứ Ðế và thuyết Duyên khởi. Nói một
cách khác là muốn chứng đắc sự giác ngộ, ta phải thấy biết và suy
nghĩ đúng đắn ý nghĩa thật sự hai giáo thuyết này.
- Trên căn bản
những lời phát biểu của đức Phật, chúng ta có thể thấy sự liên hệ
rất gần gũi giữa lý Tứ Ðế và thuyết Duyên khởi. Hai công thức này
có chung nhau điểm gì? Ðó là cái nguyên tắc của nhân và quả, của
hành động và hậu quả. Từ chương 4 đến chương 7, tôi đã lưu ý rằng
Tứ diệu Ðế được chia ra thành hai nhóm--hai sự thật đầu (sự có mặt
của đau khổ và nguyên nhân của nó) và hai sự thật sau (sự diệt trừ
đau khổ và con đường dẫn đến sự diệt trừ nó). Trong cả hai nhóm
này, chính luật nhân và quả chi phối sự liên hệ đó. Nói một cách
khác, đau khổ là cái quả từ cái nhân huân tập, và sự diệt trừ được
đau khổ là kết quả có được từ cái nhân của con đường đạo hạnh.
- Trang 97. Ở
đây, với thuyết Duyên khởi, nguyên tắc căn bản thực tế là nhân và
quả. Với Thuyết này, chúng ta có sự mô tả chi tiết hơn về những gì
thực sự xãy ra trong tiến trình nhân quả. Hãy lấy một vài thí dụ
chứng minh tính chất của Duyên khởi được Phật dùng. Ngài nói, ngọn
lửa trong cây đèn dầu cháy được nhờ chất dầu và cái bấc: có dầu và
bấc thì ngọn lửa cháy, nhưng nếu một trong hai không còn, ngọn lửa
sẽ ngừng cháy. Lấy thêm thí dụ về cái mầm: tùy thuộc vào hạt, đất,
nước, gió và ánh sáng mà cái mầm nỡ ra.
- Có vô số thí dụ
về Duyên khởi vì không có một hiện tượng nào mà không là cái quả
của Duyên khởi. Tất cả những hiện tượng này hiện ra tùy thuộc vào
một số yếu tố nhân quả. Ðây là nguyên tắc rất giản dị của Duyên
khởi (hay Duyên sinh).
- Trang 97. Dĩ
nhiên, chúng ta đặc biệt quan tâm nguyên tắc Duyên khởi vì nó liên
hệ đến vấn đề đau khổ và tái sinh. Chúng ta quan tâm đến Duyên
khởi để xem nó cắt nghĩa như thế nào về cái tình trạng mà ta tự
thấy bây giờ và ở đây. Với ý này, thật là điều quan trọng để nhớ
rằng Duyên khởi cần thiết và chủ yếu là một điều dạy có liên hệ
đến vấn đề đau khổ và có liên hệ đến cách giúp ta tự giải thoát ra
khỏi đau khổ. Nó không phải là thuyết mô tả về sự tiến hóa của vũ
trụ.
- Trang 98. Tôi
xin kể ra 12 yếu tố nối kết tạo nên thuyết Duyên khởi (tức Thập
nhị nhân duyên): 1. vô minh, 2.hành, 3. thức, 4. danh sắc, 5. lục
nhập, 6. xúc, 7. thọ, 8. ái, 9. thủ, 10. hữu, 11. sanh, và 12.
lão, tử.
- Có hai cách để
ta có thể hiểu 12 yếu tố này. Cách một là theo thứ tự tam thế quá
khứ thế, hiện tại thế và vị lai thế. Trong trường hợp này, vô minh
và hành thuộc về quá khứ thế, chúng là các duyên có trách nhiệm
cho sự xãy ra trong hiện tại thế. Tám thành phần thức, danh sắc,
lục nhập, xúc, thọ, ái, thủ, hữu thuộc về đời hiện tại này. Nói
ngắn gọn, 8 thành phần tạo thành tiến trình tiến hóa trong hiện
tại thế. Hai thành phần cuối cùng, sanh và lão tử thuộc về vị lai
thế.
- Trang 98. Với
cách thứ nhứt, chúng ta có thể thấy 12 nhân duyên được phân phối
như thế nào qua tam thế-- 2 duyên đầu, vô minh và hành, gây quả
sinh ra trong cuộc đời này với đặc tính tâm sinh lý của quá khứ,
và lần lượt những hành động làm trong cuộc đời này gây quả sinh ra
trong đời vị lai. Ðấy là cách giải thích phổ thông và có căn cứ
của 12 nhân duyên.
- Trang 98. Có
một cách giải thích khác cũng có thẩm quyền và có sự hỗ trợ được
chấp nhận của các tổ sư và bồ tát. Nó được gọi là chu kỳ lặp lại
đều đặn, không phân phối 12 nhân duyên qua tam thế. Nó chia 12
thành phần ra thành 3 loại: 1. các phiền não, 2. các hành động, và
3. các đau khổ.
- Trong lối giải
thích thứ hai này, ‘vô minh, ái và thủ’ thuộc nhóm phiền não;
‘hành và hữu’, thuộc nhóm hành động; và 7 thành phần còn lại thuộc
nhóm đau khổ. Với lối giải thích này, ta có thể thấy rõ thuyết Tứ
diệu Ðế, đặc biệt ‘tập đế’ (nhân đau khổ) được kết hợp như thế nào
với thuyết nghiệp báo và tái sinh, và cũng thấy 2 thuyết quan
trọng đó giải nghĩa một cách hoàn chỉnh hơn, tiến trình của tái
sinh và đầu mối của đau khổ.
- Trang 99. Trở
lại thuyết Tứ Diệu Ðế, ta đã biết rằng vô minh, vướng mắc và phiền
não là nguyên nhân của đau khổ. Còn 3 thành phần của thuyết Duyên
khởi thuộc nhóm phiền não là vô minh, ái và thủ. Ở đây, vô minh là
chi căn bản nhất. Vì vô minh mà chúng ta tham ái, vướng mắc các
lạc thú thuộc giác quan, thuộc sắc và không. Vì vô minh mà chúng
ta bám thủ các thú vui thuộc giác quan, các kinh nghiệm vui thú,
các ý tưởng và nhất là một cái ngã độc lập, thường hằng. Tóm lại,
‘vô minh, ái và thủ’ là nguyên nhân của ‘hành và hữu’ thuộc nhóm
hành động.
- Hành là các ấn
tượng, thói quen mà ta đã tạo ra thành từng mãng thức, hoặc những
chuỗi liên tục về thức. Những ấn tượng được thành hình bởi những
hành động được lặp lại. Chúng ta có thể chứng minh điều này với
một thí dụ về địa chất học. Chúng ta biết rằng một dòng sông hình
thành đường nước chảy bởi một quá trình xói mòn liên tục. Khi mưa
rơi xuống trên một sườn đồi, tụ họp lại thành một đường nước nhỏ,
dần dần tạo thành một dòng kênh cho chính nó và trở thành một dòng
nước. Sau đó, dòng kênh của dòng nước ấy sâu thêm và mở rộng bởi
những dòng nước liên tục: dòng nước ấy trở thành một con sông với
bờ sông hẵn hòi và một đường nước rõ rệt.
- Cũng như vậy,
hành động của chúng ta trở nên quán tính. Các quán tính này trở
thành phần lớn cá tính ta, huân tập các quán tính này từ đời này
qua đời khác mà ta gọi là hành, hình thái tinh thần, hay tập khí,
hoặc chủng tử. Hành động của chúng ta trong cuộc đời này bị tác
động bởi các thói quen đã được hình thành qua vô số cuộc đời trước
đây.
- Trang 100. Trở
lại với dẫn dụ về dòng nước và con sông của nó, chúng ta có thể
nói rằng các tập khí hay chủng tử hay hình thái tinh thần là cái
dòng nước của một con sông, trong khi các hành động chúng ta làm
trong cuộc đời này là dòng nước mới chảy qua đường nước đã bị xói
mòn bởi những hành động trước đây. Những hành động chúng ta làm
trong cuộc đời này được biểu hiện bởi cái tên là ‘hữu’ (becoming).
Chúng ta có những thói quen phát triển qua vô số cuộc sống (quá
khứ thế), cùng với những hành động mới được tạo ra trong hiện tại
thế. Hai dòng này hợp lại nhau gây ra kết quả tái sinh và đau khổ.
- Trang 100. Ðể
tóm tắt, chúng ta có những phiền não, có thể được mô tả là sự
nhiễm ô của tâm--có tên là, vô minh, ái và thủ. Những tạp chất
tinh thần này gây quả hành động--hành động được tạo ra trong các
cuộc đời trước đây, có tên là ‘hành’ hay ‘tập khí’; và hành động
được làm trong cuộc đời hiện tại, có tên là ‘hữu’ và nó chắc chắn
phải chịu ảnh hưởng rất nhiều vào những gì đã có trong những cuộc
đời trước.
- Những nhiễm ô
của tâm thức và của các hành động cùng nhau gây ra kết quả tái
sinh. Nói một cách khác, chúng gây thành thức, thành danh sắc, lục
nhập, thành xúc giữa lục căn và lục trần, thọ, từ đó có sanh, lão
và tử. Với lối giải thích này, năm thành phần của thuyết thập nhị
nhân duyên gồm nhóm phiền não và nhóm hành động--vô minh, ái, thủ,
hành và hữu--là nhân của tái sinh và đau khổ. Bảy thành phần
kia--thức, danh sắc, lục nhập, xúc, thọ, sanh và lão và tử--là quả
của phiền não và hành động.
- Các phiền não
và các hành động cùng với nhau cắt nghĩa nguồn gốc đau khổ và
những hoàn cảnh đặc biệt trong đó mỗi chúng ta tìm thấy cho mình
sinh ra trong các hoàn cảnh riêng tư. Trở lại chương 8, tôi đã
chứng minh rằng, bất cứ chỗ nào có phiền não xảy ra cho tất cả các
sinh vật thì nghiệp báo khác biệt nhau từ người này qua người
khác. Nói một cách khác, mặc dầu phần phiền não là áp dụng chung
cho tất cả chúng ta là tù nhân trong vòng luân hồi, nhưng phần
hành động của chúng ta giải thích cho sự kiện là có kẻ thì được
sinh ra là người, kẻ khác là thánh, và các sinh vật khác là thú
vật. Với ý nghĩa này, thuyết thập nhị nhân duyên đưa ra một hình
ảnh luân hồi với nhân và quả của chúng.
- Trang 101. Không có ích lợi gì khi
vẻ ra được hình ảnh luân hồi mà không có ý dùng nó để thay đổi
tình trạng của chúng ta, để ra khỏi cái vòng sanh và tử. Nhận ra
được vòng luân hồi hay vòng nhân duyên tức là nắm bắt được cái mối
bắt đầu cho sự giải thoát. Tại sao như thế? Ngay khi phiền não và
hành động hiện diện, tái sinh và đau khổ sẽ xãy ra. Khi chúng ta
thấy rằng vô minh, ái, thủ và hành động liên tiếp dẫn đến tái sinh
và đau khổ, chúng ta sẽ nhận ra sự cần thiết để phá vỡ vòng luẩn
quẩn này.
- Chúng ta hãy
lấy một thí dụ thực tế. Giã thử bạn đang tìm căn nhà của một người
quen mà chưa bao giờ đi thăm trước đây. Lái xe khoảng nửa tiếng
đồng hồ mà vẫn chưa tìm được nhà. Giã thử, bất thình lình bạn nhận
ra một chỗ đặc biệt, nó giúp cho bạn biết rõ ràng rằng bạn đã chạy
qua đó cách đây nửa tiếng. Ngay lúc đó bạn thấy ngay là mình đang
đi vòng vòng. Bạn liền cho xe ngừng, xem lại bản đồ, hoặc hỏi
đường từ một người bộ hành để tránh việc đi vòng vo vô ích.
- Ðây là lý do
tại sao đức Phật nói rằng ai hiểu biết thuyết Duyên khởi thì thấy
Pháp, và ai thấy Pháp thì thấy Phật. Ðó cũng là lý do tại sao ông
nói rằng hiểu biết thuyết Thập nhị nhân duyên là chìa khóa cho sự
giải thoát. Một khi thấy sự vận hành của thuyết này, chúng ta có
thể bắt đầu tấn công vào cái vòng luẩn quẩn của nó. Chúng ta có
thể làm được chuyện này bằng cách tháo gỡ được những nhiễm ô của
tâm trí--vô minh, ái và thủ. Một khi chúng bị tiêu trừ, các hành
động vô ích sẽ không còn được tạo ra nữa và tập khí sẽ không còn
sản sinh ra nữa. Một khi hành động ngừng, tái sinh và đau khổ sẽ
không còn hiện diện.
- Trang 102. Tôi
muốn xin bỏ thêm một chút thời gian về một ý nghĩa quan trọng khác
của thuyết Duyên khởi. Duyên khởi cũng là sự diễn tả của Trung
đạo. Trong hai chương 3 và 4, chúng ta đã có dịp nói đến Trung đạo
nhưng tự giới hạn mình vào ý nghĩa căn bản nhất của từ ngữ đó.
Chúng ta đã nói rằng Trung đạo là tránh cực đoan trong việc tự
chìu mình chìm đắm trong lạc thú của các giác quan và cũng tránh
cái cực đoan của sự khổ hạnh. Trong bối cảnh đó, Trung đạo đồng
nghĩa với không thái quá.
- Trong bối cảnh
của thuyết Duyên khởi, Trung đạo có môt ý nghĩa khác, nó có liên
hệ đến ý nghĩa căn bản nhất nhưng sâu sắc hơn. Trong bối cảnh này,
Trung đạo có nghĩa là tránh 2 cực đoan của thuyết vĩnh cửu và
thuyết hư vô. Thế là thế nào? Ngọn lửa trong ngọn đèn dầu sở dĩ có
là tùy thuộc vào chất dầu và cái bấc. Khi một trong hai cái này
không có, ngọn lửa sẽ tắt. Tức là ngọn lửa không thường hằng cũng
không độc lập. Cũng giống như vậy, cái gọi là cá tính của chúng ta
tùy thuộc vào sự tổng hợp các điều kiện phiền não và nghiệp báo.
Nó không thường hằng cũng không độc lập.
- Trang 102. Sau
khi nhận ra được tính chất tùy thuộc của các cá tính của mình,
chúng ta tránh được cực đoan của thuyết vĩnh cửu, thuyết xác định
cho việc có một cái ngã độc lập, thường hằng. Cũng vậy, sau khi
nhận ra rằng cá tính này, cuộc đời này, không phải tình cờ may rủi
mới có mà là nó đã bị điều kiện hóa bởi những nguyên nhân tương
ứng thì chúng ta tránh được cái cực đoan của thuyết hư vô, một
thuyết không chấp nhận sự liên hệ giữa hành động và hậu quả.
- Mặc dầu thuyết
hư vô là nguyên nhân chánh của sự tái sanh vào các tình trạng đau
buồn và phải được loại trừ thì thuyết vĩnh cửu cũng không cho phép
ta dẫn đến sự giải thoát. Người nào bám vào cái cực đoan của
thuyết vĩnh cửu sẽ tạo ra được những hành động lành mạnh và được
tái sanh trong những hoàn cảnh hạnh phúc, được làm người và ngay
cả thành thánh nữa, nhưng anh ta không bao giờ đạt được giải
thoát. Nhờ tránh 2 cực đoan này--qua sự hiểu biết Trung đạo--chúng
ta có thể hoàn thành hạnh phúc trong cuộc đời này và trong các
cuộc đời tương lai bằng cách thực hiện các hành động lành mạnh và
tránh các hành động không lành mạnh, và sau đó hoàn thành sự giải
thoát.
- Trang 103. Ðức
Phật xây dựng giáo pháp với sự vô cùng cẩn thận. Thật vậy, cách
ông dạy đôi khi được so sánh giống như cử chỉ của sư tử mẹ với sư
tử con. Khi một sư tử mẹ mang con bằng răng, nó phải rất cẩn thận
để sao cho việc ngậm con bằng răng không chặt quá cũng không lỏng
quá. Kẹp chặt quá, nó sẽ làm đau hay chết con mình; nếu lỏng quá,
con sẽ rơi xuống và bị thương. Cũng giống như vậy, đức Phật đã cẩn
thận để sao cho chúng ta tránh được hai cực đoan Vĩnh cửu và Hư vô
(Có và Không).
- Vì thấy rằng
bám thủ vào cái cực đoan vĩnh cửu sẽ buộc ta trong luân hồi, đức
Phật đã cẩn thận dạy ta tránh sự tin tưởng vào một cái ngã độc lập
và bất diệt; đó là việc có được tự do có thể bị gây hại bởi ‘răng
nhọn’ của sự tin tưởng vào một cái ngã, vì thế ông đã yêu cầu
chúng ta tránh cái cực đoan đó. Cũng vậy, cứ bám thủ vào cái cực
đoan hư vô sẽ dẫn đến tai họa và tái sanh vào những hoàn cảnh đau
buồn, nên Phật cũng đã cẩn thận dạy cái thực tế của luật nhân quả,
hay trách nhiệm đạo đức. Chúng ta sẽ rơi vào sự khổ đau nơi các
cỏi giới thấp kém nếu chúng ta bác bỏ luật này, vì thế ông đã dạy
chúng ta tránh cái cực đoan hư vô. Hai mục tiêu này được hoàn
thành tuyệt hảo qua việc dạy thuyết Duyên khởi. Nó bảo vệ không
những cho sự hiểu biết về một cá tính (ngã) có tính cách bị tác
động và vô thường, mà còn cho ta sự hiểu biết về cái thực tế của
luật nhân quả.
- Trong bối cảnh
của thuyết Duyên khởi, chúng ta đã thiết lập được tính chất bị tác
động và vô thường của cá tính (ngã) bằng cách phô bày ra tính cách
tùy thuộc của nó. Trong các chương sau, chúng ta sẽ đạt tới cái vô
thường và vô ngã của cá tính (ngã) đó qua việc xem xét tính chất
phức hợp của nó cũng như phân tích nó ra thành những bộ phận chi
tiết. Với các phương tiện này, chúng ta sẽ làm sáng tỏ cái sự thật
của vô ngã, mở cửa ngõ vào con đường giác ngộ.
--o0o--
|
|