|
PHẬT HỌC CƠ BẢN
-
Cây Giác-Ngộ
The Tree of
Enlightenment.
-
Chương 41
- (Trang
349 - 353)
-
Vi Diệu Pháp trong Ðời sống Hằng ngày
-
Abhidharma in Daily Life.
-
~~~~~~~
-
Trong chương cuối cùng này, tôi xin chú trọng một vài quan điểm
đã được xét đến trong các chương 30 và 40, áp dụng chúng vào đời
sống hằng ngày cũng như vào việc thực tập giáo lý Phật. Tôi đã
thảo luận Vi diệu pháp rất nhiều, trong đó một vài tài liệu có
phần khá chuyên biệt khó hiểu. Mặc dù không thể nào sử dụng toàn
bộ những gì chúng ta đã nghiên cứu và học hỏi, tôi hy vọng nó sẽ
chiếm một góc trong tâm của bạn, và bạn sẽ có khả năng trở lại
với nó và dùng nó theo dòng thời gian.
-
Tôi muốn bắt đầu bằng cách xin bạn chú ý đến hướng đi căn bản
của đức Phật và Phật giáo đối với câu hỏi toàn bộ về sự tiến bộ
tâm linh. Bạn hẵn nhớ lại rằng hầu hết trong số 37 pháp dẫn đến
giác ngộ (xem Chương 40) đều có liên hệ đến cái tâm và
tính cố gắng. Sự nhấn mạnh trong Phật giáo luôn luôn đặt
trên 2 khía cạnh này. Nó tương phản rõ rệt với các tín ngưỡng
khác, nơi mà các câu trả lời thông thường nhất cho câu hỏi về
tiến bộ tâm linh là định mệnh hay ân huệ do một
vài quyền lực ở ngoài chúng ta, có thể là một quyền lực siêu
nhân, vô hình, quyết định số mệnh mình, định đoạt
sự tiến bộ cho ta; hay là một quyền lực cá nhân ban ân
phát huệ, như Thượng đế. Ðịnh mệnh và ân huệ là những câu
trả lời điển hình được các tôn giáo khác trong thời của Phật cho
biết, và những câu trả lời đó vẫn còn đến ngày hôm nay. Chúng có
chung một đặc tính: tùy thuộc vào một cái gì đó ngoài chúng ta
mà chúng ta không có hay có rất ít khả năng kiểm soát hay điều
khiển.
-
Phật đã dạy rằng chính cái tâm và tính cố gắng riêng của bạn
quyết định sự tiến bộ và số mệnh của bạn. Cái tâm và
tính cố gắng là chìa khóa cho sự tự phát triển, như đã được phản
ảnh rõ rệt trong 37 pháp dẫn đến giác ngộ. Ðây là lý do tại sao
người ta thường nói rằng cái tâm là một vật quí giá nhất mà
chúng ta có được. Cái tâm thường được so sánh như một viên ngọc
làm thỏa mãn các sự mong cầu, ở chỗ là nó có thể giúp ta tái
sanh vào những hoàn cảnh may mắn cũng như không may mắn. Chính
trên căn bản của cái tâm mà người ta bước qua ngưỡng cửa của sự
hiện hữu đã bị định sẵn để nhập vào tình trạng siêu thế gian của
các vị thánh. Nó là cái tâm quyết định, và nó làm như vậy qua sự
chủ động để đạt kết quả cho mình trong những hoàn cảnh đặc biệt.
-
Chúng ta cũng có thể thấy sự quan trọng của tâm được phản ảnh
trong pháp ‘Tứ như ý túc’ (xem trang 40), nó là các nhân tố tinh
thần có thể ảnh hưởng và kiểm soát vật chất. Những gì chúng ta
cần làm là tăng cường, vun trồng và nâng cao cái tâm. Chúng ta
có thể thấy điều này rõ ràng khi nhớ lại ‘Năm yếu tố
định’(jhananga) và ‘Ngũ chướng’ (nivarana), tức hai mặt của thức
thế gian thông thường (xem chương 34). ‘Ngũ chướng’ là điển hình
cho tâm thức ở mức độ thấp nhất, như thức của thú vật, dẫy đầy
với các yếu tố chướng ngại. Sự hiện diện của những chướng ngại
này có nghĩa là tâm con người hoàn toàn bị duyên theo và bị khai
dụng bởi những kích thích khác nhau.
-
Ðối lại với ‘Ngũ chướng’ là ‘Ngũ định’, cũng có trong thức của
thú vật. ‘Ngũ chướng’ đối mặt và sau đó diệt trừ ‘Ngũ chướng’.
Chúng ta có thể giảm thiểu nghiệp lực của các chướng ngại đến
một mức nào đó để có thể từ đó vun trồng các pháp định.
-
Giả thử chúng ta đang đứng tại ngã tư đường. Tất cả mười yếu tố
chướng ngại và pháp định đều hiện diện trong tâm của chúng ta.
Vấn đề là ta cho phép các chướng ngại chi phối ta hay ta phát
triển các nhân tố tăng cường của định? Ðây là một trận chiến rất
quan trọng vì phút giây nào mà các chướng ngại còn khống chế ta
thì chắc chắn ta sẽ thấy kết quả trong cuộc đời này và trong
cuộc đời kế tiếp, dưới hình thức tái sanh trong các tình trạng
bất lợi hay khốn khổ hơn. Nếu tâm ta được nâng cao bằng cách vun
trồng ‘Năm yếu tố định’, chúng ta sẽ đạt được sự phát triển ở
đẳng cấp cao trong cuộc đời này và cuộc đời sau.
-
Trang 351. Một lần nữa chúng đã tăng cường và nâng cao sức mạnh
của tâm bằng cách phát triển ‘Ngũ định’, chúng ta có thể điều
động và hướng dẫn tâm ta theo hướng đi mong muốn. Ðiều này được
thực hiện qua ‘Ngũ Ðiều Căn’: tín, tấn, niệm, định, huệ (xem
trang 40). Người ta nói rằng, muốn hành trì Phật pháp, có hai
việc cần yếu: lòng tin và trí tuệ. Trí tuệ là việc chính, trong
khi lòng tin là điều kiện tiên quyết. Trong vài tín ngưỡng không
phải Phật giáo, lòng tin có nghĩa là sự gắn bó mù quáng. Với
Phật giáo, lòng tin có nghĩa là sự tự tin có thể thành công. Nói
cách khác, nếu không tin là thành công, ta sẽ không có cơ hội
hoàn tất sự thành công ấy cho dù ta cố gắng mấy di chăng nữa.
Với ý này, nếu không có lòng tin thì việc tu tập tâm linh giống
như một hạt giống đã bị ‘lép’. Nó sẽ không bao giờ đâm chồi tiến
bộ, cho dù đất tốt bao nhiêu hay công chăm bón cẩn thận thế nào
đi chăng nữa.
-
Tín và huệ là chi đầu tiên và chi cuối cùng trong ‘Ngũ Ðiều
Căn’. Ba chi còn lại là ‘tấn, niệm, định’ lại xuất hiện trong
nhóm ‘Bát chính đạo’ (Chương 5, 6 và 7). ‘Tấn, niệm và định’
tương ứng với ‘chánh tinh tấn, chánh niệm và chánh định’ của
nhóm ‘Bát chính đạo’ (Con đường tám bước).
-
Lòng tin (Tín) liên hệ với nhóm đạo đức (tức Giới) của ‘Bát
chính đạo’ vì chính nhờ lòng tin mà nó bắt buộc ta để ý sâu sắc
đến các giới luật về đức hạnh và tin tưởng vào luật nhân quả
ngay từ đầu cho việc hành trì của mình. Nếu ta chưa hoàn thành
được trình độ siêu thường của tâm thức (như Phật và các đại đệ
tử của ông, những người có khả năng nhận thức trực tiếp sự hiệu
quả của các hành động thiện và bất thiện), chúng ta phải dựa vào
lòng tin để tạo ra nền tảng cho việc thực tập đạo đức.
-
Chi ‘huệ’, một hình thức phôi thai trong Ngũ điều căn, tương ứng
với nhóm ‘huệ’ (gồm ‘chánh kiến’ và ‘chánh tư duy’) của Bát
chính đạo.
-
Trang 352. Ðể kết luận, để hướng đến mục tiêu giác ngộ, ta cần
phải tăng cường, thúc đảy và nâng cao tâm thức của mình. Cách
làm là: 1. Tập ‘Ngũ định’ để giảm bớt ảnh hưởng ‘Ngũ chướng’, 2.
phát triển ‘Ngũ Ðiều Căn’ và nối kết chúng với việc hành trì
‘Bát chính đạo’. Khi đã vững ‘Ngũ Ðiều Căn’ thì chúng tự phát
triển thành ‘Ngũ Lực’ (xem chương 40). ‘Ngũ Lực’ sẽ đem lại cho
ta các tình trạng siêu thế gian của các vị thánh.
-
Trí huệ, nhóm cuối cùng của Bát chánh đạo, đặc biệt liên hệ đến
môn học Vi diệu pháp. Trí huệ là sự hiểu biết về sự thật tuyệt
đối (chơn đế) và Vi diệu pháp chuyên về phần trình bày chơn đế.
Khi nói đến trí huệ, ta có hai thành phần chính: 1. vô ngã và 2.
tánh không.
-
Chúng ta đã thảo luận về các phương pháp phân tích và tổng hợp
cho việc phân tích kinh nghiệm cá nhân trong thuyết vô ngã và
thuyết duyên khởi. Khi xét đến vô ngã, chúng ta cần nghĩ đến cái
ngã có liên hệ đến ngũ uẩn. Cũng giống như ý nghĩ sai lầm về con
rắn tùy thuộc và có liên hệ đến sợi dây và bóng tối, khi ta xét
cái ngã có liên hệ đến ngũ uẩn, ta thấy rằng nó không hiện hữu
chút nào cả. Cái ngã không thể nào tìm thấy trong 5 uẩn thức,
thọ, tưởng, hành và sắc. Cái ngã không thể làm chủ các uẩn cũng
như chúng ta với chiếc xe. Cái ngã không điều khiển các uẩn. Nó
không điều khiển cái tâm cũng không kiểm soát cái thân. Cái ngã
không có cách nào xác minh được ở trong cũng như ở ngoài các uẩn
được.
-
Sau khi đạt được sự hiểu biết về vô ngã, ta có thể xét thêm một
chút về ‘các nhân tố tích tập lại để hợp thành người’ gọi gọn
lại là ‘uẩn’. Từ điểm này, ta chuyển từ việc phân tích kinh
nghiệm cá nhân xét theo ‘ngũ uẩn’ qua việc phân tích ‘ngũ uẩn’
xét theo ‘thuyết duyên khởi’. Ngũ uẩn không khởi đầu một cách
tình cờ cũng không phải khởi đầu mà không có nguyên nhân. Sự
khởi đầu của chúng có tính cách tùy thuộc--tùy thuộc vào vô
minh, ái, thủ và vào nghiệp, hành và hữu (xem thêm chương 10).
-
Người ta nói rằng thuyết duyên khởi là gia tài lớn nhất trong
giáo lý của Phật. Hiểu được thuyết duyên khởi là chìa khóa tháo
gở cái mối đã giữ riệt ta quá lâu trong kiếp luân hồi. Chính
Phật đã nói rằng ai thấy được thuyết duyên khởi tức thấy Pháp,
và ai thấy Pháp tức thấy Phật. Ðây là một nhận xét rất khích lệ,
vì nếu ta có thể bắt đầu thấy được kinh nghiệm hằng ngày của
chúng ta theo thuyết duyên khởi--tức tính chất bị điều kiện hóa,
tương đối và không tánh trong các yếu tố kinh nghiệm--thì ta sẽ
thấy được Pháp; và qua việc thấy Pháp, ta sẽ thấy Phật. Ðến lúc
đó thì bạn không thể nào nói được rằng bạn không thấy Phật, rằng
Phật không hiện diện ‘bây giờ và ở đây’.
-
Tôi hy vọng rằng bài nghiên cứu Vi diệu pháp này không phải chỉ
là bài tập kiến thức mà nó sẽ được áp dụng vào đời sống hằng
ngày của chúng ta, cho dù ở mức độ không đáng kể. Mặc dầu nó có
thể khó áp dụng cho tất cả 12 chương sau cùng, nhưng tôi nghĩ
tất cả chúng ta, những người đã nghiên cứu Vi diệu pháp sẽ không
còn lầm lẫn khi nghĩ đến cái thực tại là cái ngã thuần nhất, độc
lập và thường hằng và các vật cần thiết, trọng yếu chung quanh
ta. Nếu được vậy là ta đã chuyển được về một hướng mới, đó là sự
hiểu biết thực tướng theo các nhân tố và các phần hành có tính
cách tương đối và tương tác nhau. Chúng ta đã hướng tầm nhìn của
mình để thấy Pháp và thấy Phật.
--o0o--
|
|