PHẬT HỌC CƠ BẢN
Con Đường Hạnh Phúc
 Viên Minh & Trần Minh Tài
--- o0o ---
Vô Thường
 
Tam Tướng (Tilakkahana), Vô Thường (Aniccà), Khổ não (Dukkha) và Vô Ngã (Anattà) là ba yếu tố căn bản của toàn bộ giáo lý Đức Phật. Thêm vào ba yếu tố này, một mệnh đề thường được giáo lý đại thừa đề cập đến là "Vạn Pháp Như Thị". Thực ra mệnh đề này không phải là yếu tố mới mà chỉ là một hệ luận của ba định lý trên. Cũng vậy khi nói "Tất cả Hữu Vi Pháp đều Khổ não" (Sabbe sankhàrà dukkhà) chúng ta phải hiểu rằng mệnh đề này chỉ để nhấn mạnh nguyên lý thứ nhất "Tất cả Hữu Vi Pháp đều Vô Thường" (Sabbe Sankhàrà Aniccà).
Lý Vô Thường không phải là giáo lý duy nhất của Đạo Phật. Vào thế kỷ thứ 6 trước Tây Lịch, một triết gia Hy-Lạp Herakleitos đã nói "Tất cả đều ở trong trạng thái biến đổi" (All is in a state of flux) hay "Mọi vật đều trôi chảy" nghĩa là vạn hữu đều bị chi phối bởi luật Vô Thường, biến đổi. Về phương diện hiện tượng giới, chân tính của lý Vô Thường đã được chứng thực một cách hùng hồn qua kinh nghiệm giác quan của chúng ta.
"Không có thực tại. Chỉ có biến đổi. Tình trạng của mọi cá thể đều bất định, tạm thời và chắc hẳn phải hủy diệt. Trong mỗi sinh cơ bao gồm những yếu tố vật chất và một chuỗi yếu tố tâm linh liên tục. Chính sự phối hợp giữa những yếu tố này đã tạo ra cá nhân. Mọi người, mọi vật và cả Chư Thiên vì thế cũng là tập thành, duyên hợp. Và trong mỗi cá nhân, sự liên hệ giữa những phần tử tập thành luôn luôn thay đổi, không bao giờ tồn tại trong hai sát na liên tiếp. Khi một cá thể vừa mới tập thành thì sự phân tán cũng đã bắt dầu. Không có một cá thể nào không tập thành, không một tập thành nào không thay đổi, không một thay đổi nào không dị biến, và không một dị biến nào lại không phân tán, hủy diệt, chu trình đó không sớm thì muộn cũng phải hoàn tất" (Rhys Davids).
Nhưng chúng ta có thể hỏi tại sao vạn hữu đều vô thường, biến đổi?
Nên biết rằng luật Vô Thường phổ quát liên hệ mật thiết với định lý nhân quả, trong đó sự hình thành phỏng định hủy diệt và sự hủy diệt phỏng định một sự hình thành khác.
Như kinh Màhàparinibbàna (Đại Niết Bàn, Trường Bộ Kinh) dạy: "Cái gì hiện hữu cũng phải có nguyên nhân, điều kiện và hủy diệt".
Luật Vô Thường được biểu thị qua ba phương diện:
- Vô Thường của kiếp sống
- Vô Thường qua sát na
- Vô Thường trong Pháp hữu vi
1. Vô thường trong kiếp sống: Ngày nay không ai phủ nhận tính cách bất khả hủy diệt của vật chất. Phật Giáo nhìn nhận vạn pháp tồn tại qua ba thời điểm: quá khứ, hiện tại và vị lai. Chính kinh Pháp Hoa (Saddharma Pundarìka) dạy rằng: "Vạn pháp như thị". Về phương diện vũ trụ, thì không có bắt dầu, không có chấm dứt (vô thủy, vô chung). Thật vậy, khó mà chấp nhận được rằng "Có" sinh từ "Không", hay "Không" sinh ra từ "Có". Làm gì có một vật tự sinh mà không do những điều kiện đã có sẵn, và cũng không thể có một vật đi đến hủy diệt hoàn toàn?
Tuy vậy, về phương diện cá thể, không một ai thoát khỏi định luật Vô Thường. Trong kinh Pháp Cú (Dhammapada) Đức Phật dạy rằng:
Na antalikkhe na samuddamajjhe
Na pabbatànam vivaram pavissa
Navijjàtì so jagatippadeso
Yatthatthitam nappasaheyya maccu
"Dù trên không trung, giữa đại dương hay trong hang sâu núi thẳm, không đâu trên thế gian này có thể tránh khỏi tử vong".
Sinh, Lão và Tử là những bất hạnh lớn lao của kiếp người. Một đời sống được kể là bắt dầu từ khi mới sinh và trải qua các giai đoạn trưởng thành, dị biến (bởi bịnh, lão) và cuối cùng chấm dứt bằng cái chết.
Vào thế kỷ thứ 4, Ngài Asanga (Vô Trước), một vị luận sư đại thừa sáng lập phái Yogàcàra (Du Già) đã viết trong Trung Quán Luận (Madhyànugama):
"Vạn pháp đều tạo thành bởi sự kết hợp giữa nhân và duyên, nên không có tự tánh, khi sự kết hợp đã bị phân hóa thì chắc chắn phải có sự hủy diệt. Thân của chúng sanh gồm Tứ Đại (đất, nước, gió, lửa), và khi tứ đại dung giải thành nguyên tố thì sự chết sẽ tiếp theo".
2. Vô thường qua sát na: Danh từ sát na (Khana) được dùng để chỉ thời gian chớp nhoáng của mỗi biến đổi. Theo Abhidhamma Mahàvibhàsa (Đại Trí Luận) những sự biến đổi của hiện tượng giới được giải thích một cách rõ ràng như sau: "Vạn pháp luôn luôn biến đổi, không một vật gì có thể tồn tại trong hai sát na liên tiếp". Một ngày 24 giờ được tính bằng sáu ngàn bốn trăm tỷ, chín vạn, chín ngàn, chín trăm tám mươi sát na.
Vào thế kỷ thứ 5, Ngài Phật Âm (Buddhaghosa) đã viết trong Visuddhimagga (Thanh Tịnh Đạo) như sau:
"Theo nghĩa rốt ráo, mỗi sát na của sự sinh tồn rất ngắn ngủi, chớp nhoáng như một ý niệm phát khởi. Giống như một bánh xe, khi lăn chỉ tiếp xúc với mặt phẳng tại một điểm, khi dừng cũng chỉ tựa trên một điểm, cũng vậy mỗi sát na sinh tồn của chúng sanh chỉ tồn tại trong một tâm niệm, khi tâm niệm chấm dứt, thì đời sống chúng sanh ấy cũng chấm dứt. Ở quá khứ, chúng sanh ấy chỉ sống trong một tâm niệm quá khứ chứ không sống trong một tâm niệm hiện tại và vị lai; trong hiện tại chúng sanh ấy chỉ sống trong một tâm niệm hiện tại, không sống trong một tâm niệm quá khứ, vị lai; trong vị lai chúng sanh ấy chỉ sống trong một tâm niệm vị lai chứ không sống trong tâm niệm quá khứ và hiện tại."
Như vậy, có một nguyên động lực nào nhờ đó mọi vật biến đổi hay không? Tất cả xe cộ chạy được là nhờ dùng một động cỏ, máy xay chạy bằng gió, quả đất quay quanh trục và quĩ đạo vì ảnh hưởng của nó đối với mặt trời. Ngay cả một ngón tay của ta cũng không tự nó cử động được. Vì thế động lực của sự biến đổi, thể hiện theo một công thức gọi là Tứ-Hữu-Vi-Tướng: "Sanh, Trụ, Dị, Diệt", hay "Thành, Trụ, Hoại, Không", gọi là Tứ Tướng.
Theo Nhất Thiết Hữu Bộ (Sarvastivàda), bốn tính chất của Pháp hữu vi được diễn tả như sau :
Trong giai đoạn hình thành, mọi vật được đưa từ tình trạng quá khứ đến tình trạng hiện hữu.
Trong giai đoạn duy trì, mọi vật được giữ nguyên tình trạng hiện hữu trước khi đi vào tình trạng vị lai.
Trong giai đoạn dị biến, mọi vật trưởng thành và suy vi.
Trong giai đoạn hủy diệt, mọi vật bị đưa trở về quá khứ.
Tất cả mọi vật thay đổi đều qua bốn tác động trên. Tuy nhiên có một vấn đề đã được bàn luận sôi nổi trong những thế kỷ sau khi Đức Thế Tôn nhập Niết Bàn là bốn tính chất sinh, trụ, hoại, diệt xảy ra đồng thời hay kế tiếp nhau. Nhất Thiết Hữu Bộ (Sarvastivàda) và Thượng Tọa Bộ (Theravada) chủ trương đồng thời, trong khi Sautrantika cho là kế tiếp.
3. Vô thường trong pháp Hữu Vi: Pháp Hữu Vi là tất cả những gì hiện hữu do nhiều nhân và duyên tạo thành. Trong sự biến đổi của pháp hữu vi, chúng ta có thể chấp nhận ngay rằng mọi vật đều có sự sinh diệt, nhưng khó mà thấy được sự sinh diệt đó trong từng giờ, từng phút. Mặc dù mệnh đề "Vạn Pháp Giai Không" có thể được xem như là kết luận cuối cùng của định luật vô thường, nhưng đó cũng chính là một cái bẫy nguy hiểm cho các học giả nghiên cứu Đạo Phật. Các học giả Tây Phương dịch chữ "Không" (Sunyatà) là "Hư Vô" (Nothingness) hay tệ hơn nữa là "Hủy Diệt" (Annihilation), và vì thế Mahàsunàtavàda bị gán là "Hư Vô Luận" (Nihilism). Người Phật Tử phải hiểu "Vạn Pháp Giai Không" là tất cả các Pháp Hữu Vi trong hiện tượng giới đều biến đổi không ngừng. Ngài Nàgàrjuna (Long Thọ), một luận sư đại thừa, đã viết trong cuốn Madhyamika: "Chính vì 'Không' mà mọi vật trở thành khả hữu, thiếu nó thì không một vật gì trên thế gian này có thể có được".
Nếu vạn hữu không thường biến chuyển thì làm thế nào có sự tiến hóa và phát triển? Và nếu cuộc sống cứ tiếp tục giữ nguyên như lúc bắt đầu không có hoại, diệt thì kết quả và ý nghĩa của nó sẽ ra sao?
Trong cuốn Phật Giáo Đại Thừa Cương Yếu, thiền sư Suzuki viết:
"Sunyatà (Không) không có nghĩa là hư vô, như các nhà luận giải đôi khi đã phiên dịch, mà chỉ có nghĩa là điều kiện tính hay tính cách tạm bợ của mọi hiện hữu trong thế giới hiện tượng, nó đồng nghĩa với Aniyata (bất định) hay Pratiyà (duyên). Vì thế 'Không' trong Phật Giáo theo nghĩa tiêu cực là vắng bóng của tính cách đặc thù, là phi hữu tính của mọi cá thể, và theo nghĩa tích cực là tình trạng dị biến của hiện tượng giới, là dòng chuyển hóa liên tục, một chuỗi quả nhân bất tận. Không nên hiểu theo nghĩa 'hủy diệt' hay 'hư vô' vì đối với Phật Giáo, Hư-Vô-Luận chỉ là một thực-tại-luận ngây thỏ."
Nhưng một vấn đề được nêu lên là: -- Đức Phật có chủ trương Không Luận như một vài đệ tử sau này của Ngài hay không? Câu trả lời là Đức Phật không hề lập một môn phái hay một triết luận riêng rẽ nào cả. Ngài cũng không khuyến khích môn đệ của Ngài chủ trương học thuyết này hay môn phái nọ, Ngài chỉ dạy con đường tự giác cho những ai tín nhiệm Ngài. Lời dạy của Ngài không phải để người sau rút tỉa thành những triết phái riêng của mình rồi cố chấp và bảo thủ, mà chỉ để cho những ai ứng dụng lời dạy đó như một phương tiện cho cứu cánh giải thoát ra khỏi thế giới vô thường giả tạm này.
--o0o--