-
-
|
PHẬT HỌC CƠ BẢN
- Con Đường Hạnh Phúc
- Viên Minh &
Trần Minh Tài
- --- o0o ---
-
- Tiến Trình
Giải Thoát
-
- Nói tới tiến bộ
chúng ta thường liên tưởng đến sự lớn mạnh của khoa học trong mấy
thế kỷ gần đây. Quả thật nhân loại đã tiến xa trong lãnh vực văn
minh vật chất và đã thành công phần nào trong nỗ lực chinh phục
tạo hóa. Nhưng còn tiến bộ tinh thần nhất là về phương diện đạo
đức thì sao? Con người đã thực sự độc lập đối với những điều kiện
ngoại giới chưa? Và một điều quan trọng hơn hết đã được Đức Phật
Thích Ca cũng như những nhà hiền triết Đông Tây ca ngợi là cuộc
chinh phục tự ngã, thì con người đã tiến bộ đến mức nào?
- Một nhà tư
tưởng nói : "Tỏ ra mình hơn người khác chưa phải là hay, hay hơn
hết là có thể tỏ ra rằng: Hôm nay mình đã hơn chính mình ngày hôm
qua". Sự tiến bộ mà nhà tư tưởng trên vừa nói là một sự tiến bộ
thật sự khó khăn nhất mà cũng đáng khuyến khích nhất.
- Một hôm Đức
Phật dạy Đại Đức Ananda: "Như Lai không khen ngợi sự chùn bước
và ngừng nghỉ, mà chỉ khen ngợi sự tiến bộ" . Chữ tiến bộ
trong lời dạy này là nghĩa chính của danh từ Dhamma (Pháp)
vì Dhamma là tiến bộ từ thấp kém đến cao thượng, đặc biệt nhấn
mạnh đến tiến bộ tinh thần của mỗi cá nhân trong cuộc chinh phục
tự ngã.
- Đề cập tới tiến
bộ ta phải nói tới giai đoạn. Vậy một người Phật tử tiến bộ trong
Đạo Pháp phải trải qua những giai đoạn nào ?
- Bất cứ ai
nghiên cứu Đạo Phật cũng đều biết rằng ba giai đoạn của Dhamma là:
Sila (Giới), Samadhi (Định) và Panna (Huệ).
Và đó chính là 3 giai đoạn trong tiến trình từ Mê đến Giác, từ
Phàm tới Thánh.
- Tuy vậy trước
khi bước vào ngưỡng cửa của tiến trình nầy, người Phật Tử phải
trải qua một thời gian dự bị để un đúc đức tin (saddha)
vì đó là một sức mạnh tất yếu khả dĩ thúc đẩy họ đặt bước chân đầu
tiên vào cuộc hành trình một cách tự tín và cương quyết.
- Đức tin không
có nghĩa là một sự tin tưởng mù quáng, mà phải là kết quả của óc
nhận xét và phán đoán, để có thể tiên định đâu là đích cuối cùng
của con đường mà ta sắp theo đuổi. Tiến trình đi đến Giải Thoát
của người Phật tử được ví như sự phát triển của một hạt giống.
Trước hết phải có sức mạnh cần thiết để mầm có thể phá vỡ lớp vỏ
dày bao phủ bên ngoài và bắt đầu tiến trình phát triển. Sức mạnh
tất yếu đó là đức tin. Kế đến, khi đã thoát ra khỏi vỏ, mầm cây
bắt đầu nẩy rễ để giúp thân con đâm cành trổ lá, rễ càng dài càng
vững chắc thì thân cây càng mau lơn. Rễ ví như Giới, thân cây ví
như Định, và cuối cùng khi đã lớn mạnh, cây mới có thể đơm hoa kết
trái. Hoa ví như Tuệ Giác và trái là quả vị Niết Bàn.
- Chúng ta đã đề
cập đến đức tin như một điều kiện tiên quyết và tất yếu để bước
vào tiến trình giải thoát tự ngã. Bay giờ chúng ta hãy tìm hiểu ba
giai đoạn chính của tiến trình nầy.
- 1-
Giới (Sila): Giới là nền tảng
của tiến bộ tinh thần. Giống như trong một lớp mẫu giáo, người ta
dạy trẻ con bằng cử chỉ, bằng những hình ảnh cụ thể chứ chưa dùng
đến những danh từ trừu tượng phải vận dụng cả tâm trí mới hiểu
được. Tuy nhiên từ những cử chỉ vòng tay, cúi đầu, từ những lời
nói thưa dạ, vâng... dần dần các em hiểu biết được thế nào là lễ
độ. Hình ảnh một bà mẹ đang ru con ngủ, người cha lo làm lụng nuôi
gia đình... giúp các em có thể biết thế nào là tình thương. Cũng
vậy, Giới nhằm cải thiện hành động và lời nói cho chân chính để
đưa đến một tâm hồn trong sạch và sáng suốt. Đối với hàng Thinh
Văn hay Bồ Tát, cư sĩ tại gia hay xuất gia đều xem giới là trọng.
Kinh Bồ Tát Giới viết:
- Giới như đại minh đăng
Năng tiêu trương dạ ám
Giới như chơn bảo kính
Chiếu Pháp tận vô di
Giới như ma ni châu
Vũ vật tế bần cùng
Ly thế tốc thành Phật
Duy thử Pháp vi tối
- (Giới như ngọn
đèn lớn, có khả năng tiêu trừ đem dài tăm tối. Giới như tấm gương
quý báu, soi hết thẩy các Pháp. Giới như viên ngọc Như Ý, hóa vật
để giúp kẻ nghèo. Muốn được mau giải thoát thành Phật, chỉ có giới
là hơn hết).
- Và một lần nữa
chúng ta thấy trong Kinh Phạm Võng, Giới được ca tụng như sau:
- Giới như minh nhật nguyệt
Diệc như anh lạc châu
Vi trần Bồ Tát chúng
Do thử thành chánh giác
- (Giới như mặt
trăng, mặt trời chiếu sáng hoặc như ngọc Anh Lạc, vô số Bồ Tát nhờ
đó mà thành Chánh Giác).
- Như vậy Giới là
những bước đầu tiên trong việc cải thiện Thân, Khẩu, và Ý cho đến
toàn chân, toàn thiện, toàn mỹ.
- 2-
Định (Samadhi): Khi giới được
hoàn hảo thì hành động và lời nói được chân chính. Theo nguyên lý
"tướng năng chuyển tánh", hình thức bên ngoài chân chính đưa đến
một nội tâm thanh tịnh và nhờ đó ta mới có thể định tâm được.
- Chế ngự tâm là
một việc làm khó khăn, vì tâm con người luôn luôn biến đổi, chỉ
trong một giây lát đôi khi có cả hàng trăm hàng ngàn ý nghĩ khác
nhau; tệ hại nhất là những niệm bất thiện, như tham lam, dục vọng,
sân hận, tật đố, nham hiểm ... có thể làm cho tâm điên loạn, mù
quáng.
- Đời sống của
chúng ta, không phải chỉ bị ảnh hưởng bởi những tư tưởng trong ý
thức giới, mà lắm khi còn bị chi phối bởi những sinh hoạt của cõi
vô thức, điển hình nhất là lúc ngủ, nhiều giấc chiêm bao đã làm
cho ta hãi hùng kinh sợ.
- Bởi thế trong
kinh Dhammapada (Kinh Pháp cú), Phật dạy:
- "Chế ngự
được tâm là quý, vì cái tâm thật khó kiểm soát, nó không ngừng
chạy theo tham dục. Tâm đã chế phục sẽ đem đến hạnh phúc".
- Thiền định là
một phương pháp phát huy sức mạnh tinh thần hiệu nghiệm nhất, theo
đó hành giả chú tâm vào một đối tượng cho đến khi tâm an trú,
không vọng động.
- Trong khi
chuyên niệm, nhiều thiền giả phát huy được một số tịnh quang tâm
sở (Sobhana cetasika) gọi là thiền chi. Những thiền chi như Tầm
(Vitakka), loại trừ được trạng thái hôn trầm (Thìna middha); Tứ
(Vicara) hủy diệt nghi hoặc (vicikiccha); Hỷ (Piti) đối trị sân
hận (Vyapada); Lạc (Sukha) thay thế trạo cử và hối
(Uddhacca-Kukkucca); Nhất Tâm (Ekaggata) chế phục lòng tham dục
(Kamachanda).
- Khi các Triền
Cái (Nivarana) đã được loại trừ ra khỏi tâm, thì tinh thần trở nên
một nguồn năng lực vô song, khiến cho thiền giả có thể đạt đến mức
thần thông biến hóa dễ dàng. Thực vậy, sức mạnh của tâm còn vĩ đại
hơn cả nguyên tử lực vì nguyên tử chỉ biến đổi được hình thức vật
chất, trong khi định lực có thể hủy diệt một "hợp chất" phức tạp
nhất là phiền não và chấm dứt luôn cả vòng sinh tử luân hồi.
- 3-
Huệ (Panna) : Mặc dầu định lực
có một sức mạnh vô song, nhưng Phật Giáo dùng nó không ngoài mục
đích phát triển trí tuệ. Định có hai loại: Chỉ (Samatha) và Quán
(Vipassana). Chỉ mà chúng ta đề cập ở trên dùng để định tâm. Giống
như nước được để yên hay lọc kỹ trở nên trong suốt, tâm an trụ sẽ
phát sinh trí tuệ. Tuy nhiên, ở đây chúng ta lưu ý đến loại thiền
thứ hai là Quán, một phương pháp phân tích đặc biệt của Phật Giáo
theo đó hành giả phải luôn luôn chuyên niệm (Sati) và giác tỉnh
(Sampajanna) để ghi nhận một cách trung thực (yoniso manasikara)
các diễn biến của hiện tượng giới như hiện tượng sinh vật lý, hiện
tượng thọ cảm, hiện tượng tâm giới và hiện tượng pháp giới (thân,
thọ, tâm, pháp). Khi chúng ta ghi nhận một cách giác tỉnh như thế
các hiện tượng sẽ tự phân tích thành một chuỗi động tác nối liền
bằng một mối dây liên hệ nhân quả, y như lúc ta nhìn kỹ một khúc
phim chiếu bóng.
- Như vậy tuệ
tổng hợp phát sinh nhờ Chỉ, tuệ phân tích phát sinh do Quán. Và
cuối cùng cả hai biến thành trực giác để trực nhận chân lý, giác
ngộ và giải thoát. Đạo Phật đặc biệt chú trọng đến trí tuệ và xem
đó như bước tiến cuối cùng trên đường giải phóng tự ngã.
- Tiến trình
Giới-Định-Huệ được thực hành nhanh hay chậm còn tùy thuộc vào ý
chí của mỗi người, ý chí đó phát khởi dưới hai hình thức là tinh
tấn (viriya) và nhẫn nại (khanti) . Thật vậy nếu thiếu cố gắng và
kiên trì thì tiến trình sẽ bị ngưng trệ và gẫy đổ hoàn toàn.
- Trong kinh điển
Pali, tiến trình giải thoát được khai triển theo thứ tự luận lý
như sau:
- - Giới (Sila)
- Bất hối (Avippatisara)
- Hoan (Pamojja)
- Hỷ (Piti)
- Thư thái (Passaddhi)
- Lạc (Sukkha)
- Định (Samadhi)
- Như tướng tri kiến (Yatha-bhuta-nana dassana)
- Ly dục (Viraga)
- Giải thoát (Vimutti).
- Giới trong sạch
thì tâm không có điều hối tiếc (Bất hối), tâm không ân hận tất
được vui vẻ và dần dần bước qua các giai đoạn vi tế hơn là Hỷ, Thư
thái,và Lạc. Lạc kiến cho tâm không Trạo Cử và đưa đến an tịnh,
sáng suốt, nhờ đó có thể thấy được tướng của vạn hữu. Khi chân
tướng đã phô bày thì không còn tham ái tức là giải thoát.
- Tóm lại tiến
trình của Pháp qua Giới-Định-Huệ được chuẩn bị bằng đức tin, và
thực hiện bằng ý chí tinh tấn, nhẫn nại liên tục cho đến bao giờ
được hoàn toàn giải thoát ra khỏi vòng sanh tử luân hồi.
--o0o--
|
|