|
PHẬT GIÁO VIỆT NAM
CHÁNH PHÁP & HẠNH PHÚC
Nhà
Xuất Bản Tôn Giáo-2001
H. T. Thích
Minh
Châu
---o0o---
-
9. Ý NGHĨA PHẬT THÀNH ĐẠO
-
-
Theo truyền thuyết Nam tông, đức Phật đản sinh, thành đạo và
nhập Niết Bàn cùng trong một ngày, tức là ngày Rằm trăng tròn
tháng Tư âm lịch. Theo truyền thuyết Bắc tông, đức Phật đản sinh
vào ngày Rằm tháng Tư (trước ngày mồng 8 tháng Tư), thành đạo
ngày mồng 8 tháng Chạp, và nhập Niết Bàn vào ngày Rằm tháng Hai
âm lịch. Nhưng Bắc tông hay
Nam
tông, quan hệ và ý nghĩa Lễ Thành Đạo chỉ là một. Chí nguyện
xuất gia, quá trình tầm đạo học đạo, hành khổ hạnh, hành Thiền,
tu tập Thiền quán, chứng Chánh Đẳng Giác cùng là một. Quá trình
ấy đều được các học phái chấp nhận, dù có những sai khác về chi
tiết.
-
Theo truyền thống, Thái tử đi dạo chơi bốn cửa thành, thấy một
người già, một người bệnh, một người chết và một người tu sĩ
xuất gia. Bốn hình ảnh được chứng kiến này làm Ngài xúc động rất
mạnh. Ba hình ảnh đầu mở mắt cho Ngài thấy cảnh sinh, lão, bệnh,
tử đè nặng trên kiếp sống con người. Hình ảnh thứ tư giới thiệu
con đường giải thoát ra khỏi khổ đau: sanh, già, bệnh, chết. Do
vậy chí nguyện xuất gia của Ngài đã được minh định rõ ràng như
đã được diễn tả trong kinh Thánh Cầu sau đây:
-
"Này các Tỳ kheo, Ta cũng vậy, trước khi giác ngộ, khi chưa
chứng Chánh Đẳng Giác, khi còn là Bồ-tát, tự mình bị sanh lại
tìm cầu cái bị sanh, tự mình bị già lại tìm cầu cái bị già , tự
mình bị bệnh... tự mình bị chết... tự mình bị sầu...
tự mình bị ô nhiễm lại tìm cầu cái bị ô nhiễm... Vậy
Ta tự mình bị sanh. Sau khi biết rõ sự nguy hại của cái bị sanh,
hãy tìm cầu cái không sanh, vô thượng an ổn, khỏi các khổ ách,
Niết Bàn; tự mình bị già... cái không già... tự
mình bị bệnh... cái không bệnh... tự mình bị sầu...
cái không sầu... tự mình bị ô nhiễm. Sau khi biết rõ
sự nguy hại của cái bị ô nhiễm, hãy cầu tìm cái không ô nhiễm,
vô thượng an ổn khỏi các khổ ách, Niết Bàn" (Trung Bộ Kinh I,
163).
-
Ở nơi đây, chúng ta sẽ nhận thấy vai trò của cảm thọ (Vedanà)
rất là đặc biệt trong quá trình xuất gia, tu đạo và thành quả
của Ngài, chính vì thấy sự đau khổ của chúng sinh, và đau khổ
(Dukkha) là một cảm thọ, đau khổ vì bị sanh, đau khổ vì bị già,
đau khổ vì bị bệnh, đau khổ vì bị chết nên Ngài mới xuất gia tìm
đạo. Cho nên đạo Phật có thể nói là một đạo bắt đầu với một cảm
thọ tức là khổ thọ và chấm dứt cùng vớì một cảm thọ, tức là lạc
thọ, giải thoát lạc, chánh gìác lạc. Ở đây chúng ta hiểu một
cách toàn diện câu nói rất đặc biệt của đức Phật: “Trọn đời Ta
thuyết pháp, Ta chỉ nói có hai điều: sự khổ và sự diệt khổ"
(Trung Bộ I, 140).
-
Với tâm nguyện giải quyết vấn đề sanh, lão, bệnh, tử nên Thái tử
xuất gia tu đạo, như được chính Ngài diễn tả trong đoạn kinh sau
đây:
-
"Rồi này các Tỳ kheo, sau một thời gian, khi Ta còn trẻ, niên
thiếu, tóc đen nhánh, đầy đủ huyết khí của tuổi thanh xuân,
trong thời vàng son cuộc đời, mặc dù cha mẹ không bằng lòng,
nước mắt đầy mặt, than khóc. Ta cạo bỏ râu tóc, đắp áo cà-sa,
xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình. Ta xuất gia như
vậy, để đi tìm cái gì chí thiện, tìm cầu vô thượng, tối thắng an
tịnh, đạo lộ, hướng đến tịch tịnh..." (Trung Bộ Kinh I,
trang 163).
-
Sau khi xuất gia, Thái tử đi đến học đạo với Alàra Kàlàma và
Udaka Ràmaputta, và sau khi học và tu chứng quả Vô sở hữu xứ và
Phi tưởng phi phi tưởng xứ, quả vị cao nhất mà hai vị này đạt
được, Ngài suy nghĩ: "Pháp này không hướng đến yểm ly, ly tham,
đoạn diệt, an tịnh, thượng trí, giác ngộ, Niết Bàn mà chỉ đưa
đến sự chứng đạt Vô sở hữu xứ... Phi tưởng phi phi tưởng
xứ. Như vậy, này các Tỳ kheo, Ta không tôn kính các pháp này, và
từ khước pháp ấy, Ta bỏ đi” (Trung Bộ Kinh I, trang 166).
-
Tiếp đến là những năm khổ hạnh của Ngài vì trong thời bấy giờ,
có nhiều vị giáo chủ tin tưởng rằng khổ hạnh là con đường đưa
đến giải thoát; có hành hạ thân xác, có cảm thọ khổ đau mới hy
vọng giải thoát giác ngộ.
-
Trong Đại kinh Saccaka, vị Bồ-tát tu tập nghiến răng, dấu chặt
lưỡi lên nóc họng, lấy tâm chế ngự tâm, nhiếp phục tâm, đánh bại
tâm. Rồi Ngài tu tập Chỉ tức Thiền (tức là Thiền nín thở), chịu
những khổ đau kinh khủng, khi thì bị tiếng gió động kinh khủng
thổi ngang qua lỗ tai như tiếng ống bệ, khi thì bị ngọn gió kinh
khủng thổi ngang qua đầu, khi thì bị đau đầu một cách kinh
khủng, khi thì bị một sức nóng kinh khủng, thiêu đốt. Đức Phật
tường thuật lại đời sống tu khổ hạnh:
-
"Và này Aggivessana, trong khi Ta giảm thiểu tối đa sự ăn uống,
ăn từng giọt một, như súp đậu xanh, súp đậu đen, hay súp đậu hột
hay súp đậu nhỏ, thân của Ta trở thành hết sức gầy yếu. Vì ta ăn
quá ít, tay chân Ta trở thành như những cọng cỏ hay những đốt
cây leo khô héo. Vì Ta ăn quá ít, bàn trôn của Ta trở thành như
móng chân con lạc đà; vì Ta ăn quá ít, xương sống phơi bày của
Ta giống như một chuỗi trái bóng; vì Ta ăn quá ít, các xương
sườn gầy mòn của Ta giống như rui cột của một sàn nhà hư nát; vì
Ta ăn quá ít, con ngươi long lanh của Ta nằm sâu thẳm trong lỗ
con mắt giống như ánh nước long lanh nằm sâu trong một giếng
nước thâm sâu; vì Ta ăn quá ít, da đầu của Ta trở thành nhăn
nheo khô cằn như trái bí trắng đắng, cắt trước khi chín, bị cơn
gió nóng làm cho nhăn nheo khô cằn. Này Aggivessana, nếu Ta
nghĩ: "Ta hãy rờ da bụng" thì chính xương sống bị Ta nắm lấy.
Nếu Ta nghĩ: "Ta hãy rờ xương sống" thì chính da bụng bị Ta nắm
lấy. Vì Ta ăn quá ít, này Aggivessana, da bụng của Ta đến bám
chặt xương sống”. (Kinh Saccaka, Trung Bộ Kinh I, trang 245).
-
Hiện nay ở các chùa Việt Nam có thờ tượng Phật gọi là tượng
Tuyết Sơn hay tượng Phật tu khổ hạnh, chỉ còn da bọc lấy xương,
như chúng ta được thấy ở chùa Bút Tháp.
-
Điều quan hệ ở nơi đây là những bài học, những kinh nghiệm, vị
Bồ-tát đã rút tỉa ra được, khi tự mình tu khổ hạnh như vậy: "Này
Aggivessana, dù Ta có chí tâm, tinh cần, tinh tấn, tận lực, dù
cho niệm được an trú không dao động, nhưng thân của Ta vẫn bị
khích động không được khinh an, vì Ta bị chi phối bởi sự tinh
tấn, do tinh tấn chống lại khổ thọ ấy". Rồi vị Bồ-tát nghĩ đến
lúc còn nhỏ khi vua cha đang dự lễ cày cấy, và Thái tử được đặt
ngồi dưới một gốc cây, Thái tử nhập sơ Thiền: “Ta ly dục, ly bất
thiện pháp, chứng và trú Thiền thứ nhất, một trạng thái hỷ lạc
do ly dục sanh, có tầm có tứ". Khi an trú như vậy, Ta nghĩ: "Đạo
lộ này có thể đưa đến giác ngộ chăng?”. Và này Aggivessana, tiếp
theo ý niệm ấy, ý thức này khởi lên nơi Ta: "Đây là đạo lộ đưa
đến giác ngộ”. Này Aggivessana, rồi Ta suy nghĩ: "Ta có sợ
chăng, lạc thọ này, một lạc thọ ly dục, ly bất thiện pháp?". Này
Aggivessana, rồi Ta suy nghĩ: "Ta không sợ lạc thọ này, một lạc
thọ ly dục, ly bất thiện pháp" (Đại kinh Saccaka, Trung Bộ Kinh
I, trang 246).
-
Vị Bồ-tát nói lên kinh nghiệm riêng của Ngài về vấn đề Thiền như
sau:
-
"Và này Aggivessana, sau khi ăn thô thực, và được sức lực trở
lại, Ta ly dục, ly bất thiện pháp chứng và trú Thiền thứ nhất,
một trạng thái hỷ lạc do ly dục sanh, có tầm có tứ. Này
Aggivessana, như vậy lạc thọ khởi lên nơi Ta, được tồn tại nhưng
không chi phối tâm ta. Diệt tầm và tứ, chứng và trú Thiền thứ
hai, một trạng thái hỷ lạc do định sanh, không tầm không tứ, nội
tĩnh nhất tâm. Này Aggivessana, như vậy lạc thọ khởi lên nơi Ta,
được tồn tại nhưng không chi phối tâm Ta. Ly hỷ trú xả, chánh
niệm tỉnh giác, thân cảm sự lạc thọ mà các bậc Thánh gọi là xả
niệm lạc trú, chứng và trú Thiền thứ ba. Này Aggivessana, như
vậy lạc thọ khởi lên nơi Ta, được tồn tại nhưng không chi phối
tâm Ta. Xả lạc xả khổ, diệt hỷ ưu đã cảm thọ trước, chứng và trú
Thiền thứ tư, không khổ không lạc, xả niệm thanh tịnh. Này
Aggivessana, như vậy lạc thọ khởi lên nơi Ta, được tồn tại,
nhưng Ta không chi phối tâm Ta”. (Trung Bộ Kinh I, trang 247).
-
Ở đây, thế giới hành Thiền là một thế giới cảm thọ, cảm thọ sơ
Thiền đưa đến hỷ lạc là một cảm thọ này do sống viễn ly đưa đến.
Thiền thứ hai cũng là một cảm thọ, cảm thọ hỷ lạc, nhưng hỷ lạc
này do định sanh. Thiền thứ ba cũng là một cảm thọ. Xả niệm lạc
trú, không còn hỷ, chỉ có thuần túy lạc thọ. Và Thiền thứ tư
cũng là một cảm thọ, xả niệm thanh tịnh, lạc cũng không còn, và
được xả thay thế và xả cũng là một cảm thọ.
-
Khi đã nhận thức được con đường phải đi, vị Bồ-tát đi tới
Uruvelà (Ưu-lâu-tần-loa), thấy một địa điểm khả ái một khóm rừng
thoải mái, có con sông trong sáng chảy gần, có một chỗ lội qua
dễ dàng khả ái, và chung quanh có làng mạc bao bọc dễ dàng đi
khất thực. Thật là một chỗ vừa đủ cho một thiện nam tử tha thiết
tinh cần có thể tinh tấn. “Và này các Tỳ kheo, Ta ngồi xuống tại
chỗ ấy và nghĩ: "Thật là vừa đủ để tinh tấn””. Chỗ ngồi mà vị
Bồ-tát lựa chọn là dưới gốc cây Bồ đề ở Bồ đề Đạo tràng, và con
sông kế cận là con sông Neranjara (Ni-liên-thiền). Theo truyền
thống
Nam
tông, đêm ấy Ngài thành đạo chứng quả Bồ đề, và sau khi thành
đạo, Ngài ở lại chung quanh cây Bồ đề đến 49 ngày. Theo truyền
thống Bắc tông, sau khi Ngài đến cây Bồ đề, ở lại 49 ngày rồi
mới chứng quả. Đó là những sai khác về học phái chưa được giải
thích tường tận. Điều quan hệ là Ngài đã thành đạo dưới gốc cây
Bồ đề, sau khi thực hiện quá trình thành đạo: xuất gia, học đạo,
tu khổ hạnh, hành Thiền, tuệ quán và chứng quả Chánh Đẳng Giác.
-
Con đường đức Phật tự mình tu hành chứng quả và giảng dạy lại
cho các đệ tử là con đường Giới, Định, Tuệ. Giới là một nếp sống
lành mạnh, xa rời các dục, các bất thiện pháp, như đã được diễn
tả trong nhiều kinh điển. Thứ hai là Định, tức là Thiền định,
phương pháp tập trung nội tâm trên những đối tượng lựa chọn để
đoạn trừ năm triền cái: tham, sân, hôn trầm thụy miên, trạo hối,
nghi và thay thế bằng năm Thiền chi: tầm, tứ, hỷ, lạc, nhất tâm.
Các Thiền chi này được giảm dần cho đến Thiền thứ tư, chỉ có xả
và nhất tâm. Tới đây chấm dứt giai đoạn Thiền định thứ hai và mở
đầu giai đoạn thứ ba tức là giai đoạn trí tuệ.
-
Chính xả và nhất tâm, tức là Thiền thứ tư đóng một vai trò rất
quan trọng trong quá trình giác ngộ của vị tu sĩ. Một mặt, Thiền
thứ tư là vị trí người hành giả, có đủ nội lực, nghị lực để đối
trị ác ma, đối trị sức mạnh của dục. Thiền thứ tư với xả và nhất
tâm đạt được địa vị cao nhất của Thiền sắc giới, Thiền này chấm
dứt giai đoạn Giới (Sìla) và Định (Samàdhi) và mở đường cho giai
đoạn thứ ba tức là Tuệ (panna). Thiền này chấm dứt Samatha (Chỉ)
và mở đầu cho Vipassanà (Quán). Nói một cách khác, phải với định
lực của Thiền thứ tư là xả và nhất tâm, người hành giả mới có
sức mạnh để Thiền quán có hiệu quả và tiến dần đến đích giác
ngộ, giải thoát. Tiến trình giải thoát, giác ngộ của đức Phật
dược diễn tả như sau:
-
"Với tâm định tĩnh, thuần tịnh, không cấu nhiễm, không phiền
não, nhu nhuyến, dễ sử dụng, vững chắc, bình tĩnh như vậy. Ta
dẫn tâm đến Túc mạng minh...
-
Như vậy, Ta nhớ đến nhiều đời sống quá khứ cùng với các nét đại
cương và các chi tiết. Này Aggivessana, đó là đệ nhất minh Ta đã
chứng được trong đêm canh một. Vô minh diệt thì minh sanh, ám
diệt thì ánh sáng sanh, do Ta sống không phóng dật, nhiệt tâm,
tinh cần. Như vậy, Này Aggivessana, lạc thọ sanh nơi Ta, được
tồn tại nhưng không chi phối tâm Ta.
-
"Với tâm định tĩnh, thuần tịnh không cấu nhiễm, không phiền não,
nhu nhuyến, dễ sử dụng, vững chắc, bình tỉnh như vậy, Ta dẫn tâm
hướng tâm đến trí tuệ về sanh tử của chúng sinh, Ta với thiên
nhãn thuần tịnh, siêu nhãn, thấy sự sống và chết của chúng sinh
... Này Aggivessana, đó là đệ nhị minh Ta đã chứng được
trong đêm canh hai, vô minh diệt, minh sanh; ám diệt, ánh sáng
sanh, do Ta sống không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần Như vậy
này Aggivessana, lạc thọ sanh nơi Ta, được tồn tại nhưng không
chi phối tâm Ta.
-
"Với tâm định tĩnh, thuần tịnh, không cấu nhiễm, không phiền
não, nhu nhuyến dễ sử dụng, vững chắc, bình tĩnh như vậy, Ta dẫn
tâm, hướng tâm đến Lậu tận trí Ta biết như thật: “Đây là Khổ",
biết như thật: "Đây là nguyên nhân của Khổ", biết như thật "Đây
là Khổ diệt", biết như thật "Đây là con đường đưa đến Khổ diệt”,
biết như thật: "Đây là các Lậu hoặc", biết như thật: "Đây là
nguyên nhân của các Lậu hoặc", biết như thật: "Đây là các Lậu
hoặc diệt", biết như thật: "Đây là con đường đưa đến sự diệt trừ
các lậu hoặc”. Nhờ hiểu biết như vậy, nhận thức như vậy, tâm của
Ta thoát khỏi Dục lậu, thoát khỏi Hữu lậu, thoát khỏi Vô minh
lậu. Đối với tự thân đã giải thoát như vậy khởi lên sự hiểu
biết: "Ta đã giải thoát". Ta đã biết: "Sanh đã tận, Phạm hạnh đã
thành, việc cần làm đã làm, sau đời hiện tại không có đời sống
nào khác nữa". Này Aggivessana, đó là đệ tam minh Ta đã chứng
trong canh ba, vô minh diệt, minh sanh, ám diệt, ánh sáng sanh,
do Ta sống không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần. Như vậy, này
Aggivessana, lạc thọ sanh nơi Ta, được tồn tại nhưng không chi
phối tâm Ta”.
-
Có một con đường làm nổi bật vai trò các cảm thọ trong quá trình
giải thoát và giác ngộ, vì trong phương pháp này, chúng ta thấy
rõ sự đóng góp vô cùng quan trọng của cảm thọ.
-
Vị hành giả, cùng với xả và nhất tâm của Thiền thứ tư, thanh
tịnh trong sáng như vậy, không tập trung vào bốn Không định vì
là những pháp hữu vi, còn bị sanh diệt; cũng không suy tưởng đến
Hữu hay Phi hữu, nên không có chấp thủ mọi sự vật gì ở đời.
Không chấp thủ nên không sợ hãi tháo động. Do không sợ hãi tháo
động, vị hành giả chứng Niết Bàn, tự biết mình đã chứng quả
A-la-hán: "Sanh đã tận, Phạm hạnh đã thành, những điều gì nên
làm đã làm, không còn trở lại trạng thái này nữa". Khi vị ấy cảm
thọ lạc thọ, khổ thọ hay bất khổ bất lạc thọ, vị ấy biết cảm thọ
ấy là vô thường, không nên đắm trước, không phải là đối tượng để
hoan hỷ. Vị ấy biết không có hệ phược, vị ấy cảm giác các thọ
ấy. Khi vị ấy cảm giác một cảm thọ lấy thân làm tối hậu hay lấy
sinh mạng làm tối hậu, vị ấy biết vị ấy cảm giác một cảm thọ,
lấy thân làm tối hậu hay lấy sanh mạng làm tối hậu. Vị ấy biết
sau khi thân hoại mạng chung, mọi cảm thọ hoan hỷ ở nơi đây trở
thành thanh lương. Do vậy vị hành giả thành tựu được bốn Thắng
xứ tối thắng (Ariya adhitthàni): Vị ấy thành tựu Tối thắng tuệ
thắng xứ (Pannà) nghĩa là trí biết sự đoạn tận mọi đau khổ. Sự
giải thoát của vị này an trú vào Chân đế (Sacca) không bị dao
động, không thể đưa đến hư vọng, thuộc về Chân đế, Niết Bàn. Vị
hành giả thành tựu Tối thắng đế thắng xứ (Saccadhitthànà), tức
là Niết Bàn không có thể dựa trên hư vọng. Mọi sanh y vô trí
thức của vị ấy được đoạn tận gốc rễ, không có thể tái sanh. Vị
ấy thành tựu Tối thắng tuệ (Càgàditthànà), tức là sự xả ly tất
cả sanh y. Các tham ái, thuộc tham dục; phẫn nộ thuộc sân hận;
vô minh thuộc si mê, không có thể hiện hữu trong tương lai,
không có khả năng sanh khởi. Vị ấy thành tựu được tối thắng,
tịch tịnh thắng xứ (Upasamàditthànà). Những vọng tưởng: "Tôi là,
tôi là cái này, tôi không là cái này, tôi sẽ không là cái này.
Tôi sẽ có sắc, có tưởng". Những vọng tưởng ấy là bệnh, là cục
bướu, là mũi tên, vị hành giả vượt khỏi các vọng tưởng và được
gọi là vị ẩn sĩ tịch tịnh tức là vị ẩn sĩ không sanh, không già,
không có dao động, không có hy cầu. Không sanh làm sao già được,
không già làm sao chết được, không chết làm sao dao động được.
Không dao động làm sao hy cầu. Cho nên vị ấy đạt được tịch tịnh.
Ở đây chúng ta nhận thấy vị hành giả khi giác ngộ giải thoát
không phải thụ động, không phải đoạn diệt, không phải trở thành
vô tri giác như thường bị hiểu lầm, nhưng là một trạng thái rất
sinh động, rất phấn khởi với cả bốn tối thắng Thánh thắng xứ
(Ariyàdhitthànàni): trí tuệ, chân đế, tuệ xả, tịch tịnh, tác
động rất mạnh mẽ. Đến đây sự đau khổ được chấm dứt hoàn toàn,
mọi cảm thọ trở thành thanh lương, tịch tịnh, không có sanh,
lão, bệnh, tử, không còn khổ vì sanh, khổ vì bệnh, khổ vì già,
khổ vì chết. Vị ấy thật sự giác ngộ giải thoát. Vị ấy đã thành
đạo.
-
Quá trình giác ngộ giải thoát của đức Phật Thích-ca Mâu-ni cũng
như sự giác ngộ, giải thoát của các vị A-la-hán, đã được thể
hiện trọn vẹn trong ngày thành đạo của Ngài. Từ nơi sự thành đạo
của Ngài, chúng ta rút tỉa được một số kinh nghiệm và hiểu biết
như sau:
-
1. Quá trình giác ngộ, giải thoát của đức Phật là một quá trình
tu tập về tâm lý, dựa trên những tâm lý của con người hiện tại,
không có thần linh, không có bùa pháp, không có cứu rỗi.
-
Trong quá trình này các cảm thọ đóng một vai trò chủ yếu vô cùng
quan trọng. Chính khổ thọ khiến Ngài xuất gia; chính khổ thọ
khiến Ngài từ bỏ khổ hạnh; chính lạc thọ khiến Ngài hành Thiền;
chính xả thọ là chân đứng để Ngài giác ngộ giải thoát, thành
đạo.
-
2. Pháp môn đưa đến giác ngộ, giải thoát là Giới, Định, Tuệ,
nghĩa là phải sống một nếp sống tốt lành trong sạch, dựa trên
nếp sống ấy, tập trung tâm tư vào những đối tượng có lựa chọn để
phát triển nội lực định tâm, và với xả và nhất tâm trong sáng
của Thiền thứ tư, bước vào Thiền quán, nhìn cái nhìn như thật
với trí tuệ, và lấy trí như thật ấy đoạn tận các lậu hoặc để
được giác ngộ giải thoát.
-
3. Đức Phật là một người như chúng ta, sanh ra là một người,
sống như một người và từ giã cõi đời như một người, nhưng là một
người vì sự đau khổ của chúng sinh mà xuất gia tu đạo, một con
người có đủ nghị lực kiên trì can đảm, để chiến thắng mọi trở
ngại cuối cùng tìm ra được con đường diệt khổ cứu độ chúng sinh.
-
Ngày Thành Đạo của Ngài nói lên sự thành công cao cả của con
người đã biết nâng cao phẩm giá tuyệt vời của con người, có khả
năng giác ngộ và đã thành tựu sự giác ngộ một cách trọn vẹn dưới
gốc cây Bồ đề.
--o0o--
|
|