|
PHẬT GIÁO VIỆT NAM
CHÁNH PHÁP & HẠNH PHÚC
Nhà
Xuất Bản Tôn Giáo-2001
H. T. Thích
Minh
Châu
---o0o---
-
18. XUÂN VỀ VỚI NHỮNG LỜI PHẬT
DẠY
-
-
Hôm nay là ngày mồng một Tết năm Tân Mùi 1991, chư vị Thượng
tọa, Đại đức, Tăng, Ni, quý vị Phật tử và thân hữu, quy tụ tại
Thiền viện Vạn Hạnh này lễ Phật, nghe Pháp đầu năm, nói lên lòng
tôn kính chân thành của hàng Phật tử xuất gia và tại gia đối với
bậc Đạo sư chí tôn chí kính. Trong không khí trang nghiêm trân
trọng của buổi lễ đầu năm, chúng ta hãy lắng nghe một số lời dạy
căn bản của đức Thế Tôn, trên con đường hoằng hóa độ sanh của
Ngài.
-
Tại Vương Xá, Ambalatthika, Nalanda v.v... Thế Tôn nhấn
mạnh và nhắc đi nhắc lại nhiều lần ba pháp Vô lậu học Giới,
Định, Tuệ mà mọi đệ tử xuất gia cần phải hành trì: "Đây là
Giới, đây là Định, đây là Tuệ. Định cùng tu với Giới sẽ đưa đến
quả vị lớn, lợi ích lớn. Tuệ cùng tu với Định sẽ đưa đến quả vị
lớn, lợi ích lớn. Tâm cùng tu với Tuệ sẽ đưa đến giải thoát hoàn
toàn các lậu hoặc, tức là Dục lậu, Hữu lậu, Vô minh lậu" (Kinh
Đại Bát-niết-bàn, tr. 84).
-
Tại Pataligàma, Thế Tôn giảng cho các cư sĩ ở đây năm sự nguy
hiểm cho những ai phạm giới sống trái với luật:
-
"Ở đây này các Gia chủ, người phạm giới sống trái với luật sẽ bị
tiêu hao tiền của rất nhiều, vì sống phóng dật. Đó là điều nguy
hiểm thứ nhất cho những ai phạm giới, sống trái giới luật.
-
"Lại nữa, này các Gia chủ, người phạm giới, sống trái giới luật
bị tiếng dữ đồn xa. Đó là điều nguy hiểm thứ hai cho những ai
phạm giới, sống trái giới luật.
-
"Lại nữa, này các Gia chủ, người phạm giới, sống trái giới luật
khi vào đồ chúng nào, hoặc Sát-đế-lỵ, hoặc Bà-la-môn, hoặc Gia
chủ, hoặc Sa-môn, người ấy đi vào với tâm thân sợ hãi bối rối.
Đó là điều nguy hiểm thứ ba cho những ai phạm giới, sống trái
giới luật.
-
"Lại nữa, này các Gia chủ, người phạm giới, sống trái với luật
sẽ chết với tâm hồn rối loạn. Đó là điều nguy hiểm thứ tư cho
những ai phạm giới, sống trái giới luật.
-
"Lại nữa, này các Gia chủ, người phạm giới, sống trái giới luật
sau khi thân hoại mạng chung, sẽ bị sanh vào khổ cảnh, ác thú,
đọa xứ, địa ngục. Đó là điều nguy hiểm thứ năm cho những ai phạm
giới, sống trái giới luật.
-
"Này các Gia chủ, đó là năm điều nguy hiểm cho những ai phạm
giới, sống trái giới luật.
-
"Này các Gia chủ, có năm sự lợi ích cho những ai giữ giới, sống
theo giới luật. Thế nào là năm?
-
"Ở đây này các Gia chủ, người giữ giới, sống theo giới luật sẽ
có tiền của dồi dào, vì sống không phóng dật. Đó là sự lợi ích
thứ nhất cho những ai giữ giới, sống theo giới luật".
-
"Lại nữa, này các Gia chủ, người giữ giới sống theo giới luật
được tiếng tốt đồn xa. Đó là sự lợi ích thứ hai cho những ai giữ
giới, sống theo giới luật.
-
"Lại nữa, này các Gia chủ, người giữ giới, sống theo giới luật
khi đi vào đồ chúng nào, hoặc Sát-đế-lỵ, hoặc Bà-la-môn, hoặc
Gia chủ, hoặc Sa-môn, người ấy đi vào với tâm thần không sợ hãi,
không bối rối. Đó là lợi ích thứ ba cho những ai giữ giới, sống
theo giới luật.
-
"Lại nữa, này các Gia chủ, người giữ giới sống theo giới luật,
sau khi thân hoại mệnh chung với tâm hồn không rối loạn. Đó là
sự lợi ích thứ tư cho những ai giữ giới, sống theo giới luật.
-
"Lại nữa, này các Gia chủ, người giữ giới sống theo giới luật,
sau khi thân hoại mạng chung sẽ được sanh vào thiện thú, thiên
giới, c õi đời này. Đó là sự lợi ích thứ năm cho những ai giữ
giới, sống theo giới luật. Này các Gia chủ, đó là năm sự lợi ích
cho những ai giữ giới, sống theo giới luật”.
-
Tại Kotigàma, Thế Tôn dạy cho các Tỳ kheo bốn Thánh đế Khổ, Tập,
Diệt, Đạo, nguyên nhân và con đường khởi lên và đoạn diệt sanh
tử luân hồi.
-
"Này các Tỳ kheo, chính không giác ngộ, không thông hiểu Khổ
Thánh đế mà chúng ta phải lưu chuyển luân hồi lâu năm. Ta và các
ông. Này các Tỳ kheo, chính vì không giác ngộ, không thông hiểu
Khổ tập thánh đế, Khổ diệt Thánh đế, Khổ diệt đạo Thánh đế mà
chúng ta phải lưu chuyển luân hồi lâu năm, Ta và các ông. Này
các Tỳ kheo khi Khổ Thánh đế này được giác ngộ, được thông hiểu,
khi Khổ tập Thánh đế này được giác ngộ, được thông hiểu, khi Khổ
diệt Thánh đế này được giác ngộ, được thông hiểu, khi Khổ diệt
đạo Thánh đế này được giác ngộ, được thông hiểu, thời hữu ái
được diệt trừ, sự dắt dẫn đến một đời sống được đoạn tuyệt, nay
không còn hậu hữu nữa".
-
Thế Tôn thuyết như vậy. Thiện Thệ lại nói thêm:
-
"Chỉ vì không thấy như thật Bốn Thánh đến nên có sự luân chuyển
lâu ngày trong nhiều đời”.
-
"Khi những sự thực này được nhận thức, nguyên nhân của một đời
sống khác được trừ diệt”.
-
"Khi khổ căn được đoạn trừ, sẽ không còn một đời sống khác nữa”.
-
Tại Vadikà, Thế Tôn giảng về Gương pháp (Pháp kính), chính nhờ
soi vào gương này, phàm là đệ tử xuất gia hay tại gia, chứng đạt
pháp này sẽ tự tuyên bố về mình như sau:
-
"Đối với Ta, sẽ không còn địa ngục, sẽ không còn tái sanh cõi
bàng sanh, ngạ quỷ, đọa xứ, ác thú. Ta sẽ chứng quả Dự lưu, nhất
định không đọa ác đạo, sẽ đạt Chánh giác”.
-
"Này Ananda, Pháp kính ấy là gì mà Thánh đệ tử, sau khi chứng
đạt pháp nghĩa này, nếu muốn sẽ tự tuyên bố về mình như sau:
"Đối với ta, sẽ không còn địa ngục, sẽ không tái sinh cõi bàng
sanh, ngạ quỷ, ác xứ, ác thú. Ta đã chứng quả Dự lưu, nhất định
không đọa ác đạo, sẽ đạt Chánh giác”? Này Ananda, vị Thánh đệ tử
có chánh tín đối với Phật: “Thế Tôn là bậc A-la-hán, Chánh Đẳng
Giác, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ,
Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn". Vị ấy có
chánh tín đối với Chánh pháp: “Chánh pháp được Thế Tôn khéo
giảng dạy, thiết thực, vượt ngoài thời gian chi phối, đến để mà
thấy, đưa đến giải thoát, được kẻ trí tự mình thâm hiểu". Vị ấy
có chánh tín đối với chúng Tăng: “Chúng Tăng đệ tử Thế Tôn chân
trực tu hành, chúng Tăng đệ tử Thế Tôn chân trí tu hành, chúng
Tăng đệ tử Thế Tôn chân tịnh tu hành, tức là bốn đôi tám vị.
Chúng Tăng đệ tử Thế Tôn đáng được nghênh đón, đáng được cúng
dường, đáng được chiêm ngưỡng, đáng được chắp tay, là phước điền
vô thượng ở trên đời”. Vị ấy đầy đủ giới hạnh, được bậc Thánh
mến chuộng, được viên mãn không manh múng, được vẹn toàn không
sứt mẻ, không tỳ vết, không ô nhiễm, những giới hạnh đưa đến
giải thoát, được người trí tán thán, hướng dẫn đến Thiền định.
-
"Này Ananda, chính Pháp kính này mà Thánh đệ tử sau khi chứng
đạt pháp nghĩa này, nếu muốn sẽ tự tuyên bố về mình như sau:
"Đối với ta, sẽ không còn địa ngục, sẽ không tái sanh cõi bàng
sanh, ngã quỷ, ác xứ, ác thú Ta đã chứng quả Dự lưu, nhất định
không đọa ác đạo, sẽ đạt Chánh giác”.
-
Chính tại Beluvà, Thế Tôn khích lệ Tôn giả Ananda và các vị Tỳ
kheo:
-
"Vậy nên, này Ananda, hãy tự mình là ngọn đèn cho chính mình,
hãy tự mình y tựa chính mình, chớ y tựa một gì khác. Dùng Chánh
pháp làm ngọn đèn, dùng Chánh pháp làm chỗ nương tựa, chớ nương
tựa một gì khác. Này Ananda, thế nào là vị Tỳ kheo tự mình là
ngọn đèn cho chính mình, tự mình y tựa chính mình, không y tựa
một gì khác, dùng Chánh pháp làm ngọn đèn, dùng Chánh pháp làm
chỗ nương tựa, không nương tựa một gì khác".
-
"Này Ananda, ở đời vị Tỳ kheo, đối với than, quán thân, tinh
tấn, giác tỉnh, chánh niệm, nhiếp phục mọi tham, ái, ưu, bi trên
đời; đối với các cảm thọ ... đối với tâm ... đối
với các pháp, quán pháp, tinh tấn, giác tỉnh, chánh niệm, nhiếp
phục mọi tham, ái, ưu, bi trên đời.
-
Này Ananda, như vậy Tỳ kheo tự mình là ngọn đèn cho chính mình,
tự mình y tựa chính mình, không y tựa một gì khác dùng Chánh
pháp làm ngọn đèn, dùng Chánh pháp làm chỗ tựa, không nương tựa
một gì khác".
-
Tại Kùtàgàra, Thế Tôn cho mời tất cả vị Tỳ kheo và tổng kết lại
những pháp môn mà Ngài đã giảng dạy.
-
"Này các Tỳ kheo, nay những pháp do Ta chứng ngộ và giảng dạy
cho các ông, các ông phải khéo học hỏi, thực chứng tu tập và
truyền rộng để Phạm hạnh được trường tồn, vĩnh cửu, vì hạnh phúc
cho Chúng sinh, vì an lạc cho Chúng sinh, vì lòng thương tưởng
cho đời, vì lợi ích, vì hạnh phúc, vì an lạc cho loài Trời và
loài Người. Này các Tỳ kheo, thế nào là các pháp do Ta chứng ngộ
và giảng dạy, các ông phải khéo học hỏi, thực chứng, tu tập và
truyền rộng để cho Phạm hạnh được trường tồn, vĩnh cửu, vì hạnh
phúc cho Chúng sinh, vì an lạc cho Chúng sinh, vì lòng thương
tưởng cho đời, vì lợi ích, vì hạnh phúc, vì an lạc cho loài Trời
và loài Người? Chính là bốn Niệm xứ, bốn Chánh cần, bốn Thần
túc, năm Căn, năm Lực, bảy Bồ đề phần, tám Thánh đạo phần. Này
các Tỳ kheo, chính những pháp này do Ta chứng ngộ và giảng dạy,
mà các ông phải khéo học hỏi, thực chứng, tu tập và truyền rộng
để Phạm hạnh được trường tồn, vĩnh cửu, vì hạnh phúc cho Chúng
sinh, vì lòng thương tưởng cho đời, vì lợi ích, vì hạnh phúc, vì
an lạc cho loài Trời và loài Người".
-
Trên đây là một số lời dạy của đức Phật trong những năm truyền
giáo của Ngài, những lời dạy mà các hàng Phật tử chúng ta cần
phải khắc cốt ghi tâm những lời dạy nếu thực hành sẽ đưa chúng
ta đến con đường giải thoát và giác ngộ, sẽ giúp chúng ta ngay
trong đời sống hiện tại và trong tương lai, sống được an lạc và
hạnh phúc.
-
Chúng tôi nghĩ rằng với những lời dạy thiết thực của một bậc Đạo
sư đã nhiệt tình thương tường chúng ta, muốn chúng ta được sống
an lạc và hạnh phúc, thời trách nhiệm chung của chúng ta là xây
dựng cuộc sống hiện hữu này, trở thành một môi trường Phật giáo
lý tưởng để tất cả chúng ta, xuất gia và tại gia đều có thể sống
và hành trì theo những lời dạy của bậc Đạo sư.
-
Chúng ta sẽ cố gắng liễu tri lời Phật dạy thông qua các lớp dạy
kinh điển, trở thành như đạo tràng thuyết pháp đem lại cho chúng
ta vô lượng pháp lạc và giúp ta tìm hiểu giáo lý của đức Thế Tôn
càng ngày càng sâu rộng. Chúng ta sẽ thể hiện nếp sống đạo Phật
thông qua các hình thức tu tập Bát quan trai giới và các lớp
Thiền học, là thế nào cho các việc tu tập Bát quan trai và Thiền
hành trở thành những suối nguồn Thiền lạc cho mọi người hành
trì. Chúng ta hãy cố gắng làm thế nào cho mọi Phật tử là những
người có lòng tin sáng suốt, giữ giới đã phát nguyện, học tập
giáo lý, làm các hạnh lành về thân về lời, về ý, sống một nếp
sống lành mạnh, hoan hỷ, tích cực, theo đúng tinh thần đạo đức
Phật giáo.
-
Chúng ta, trong khả năng của mình sống theo tinh thần lục hòa,
thông cảm nhau, tìm hiểu nhau, tha thứ cho nhau, giúp đỡ lẫn
nhau đem lại niềm hạnh phúc và an lạc cho mọi người.
-
(Bài giảng đầu Xuân Tân Mùi 1991 tại Thiền viện Vạn Hạnh)
--o0o--
|
|