TỦ SÁCH PHẬT HỌC
- HÃY ĐẾN ĐỂ
THẤY
Phật Giáo, Con
Đường Đưa Đến Hạnh Phúc
Tác Giả: Ni Sư Ayya Khema
Việt Dịch: Chơn Minh Nguyễn Văn Phú,
- Tịnh Nghiêm Nghiêm Xuân Cường &
Diệu Liên Lý Thu Linh
- Come And See For Yourself The
Buddhist Path To Happiness 2006
Nguyên tác Đức ngữ
‘Komm Und Sieh Selbst’ @ Jhana Verlag 1998
Bản Anh ngữ ‘Come And See For Yourself’ @ Windhorse Publications 2002
ISBN 1 899579 45
Việt dịch từ Anh
ngữ và ấn tống với sự đồng ý của Buddha Haus e..V./Jhana Verlag,
Germany
- CHƯƠNG NĂM
Hai
Loại Tài Sản
-
-
Bấy giờ Ugga, vị đại thần của vua đi đến
Thế Tôn, sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên.
Ngồi xuống một bên, Ugga, vị đại Thần của Vua, bạch Thế Tôn.
-
- Thật vi diệu thay, bạch Thế Tôn!
Thật hy hữu thay, bạch Thế Tôn! Giàu có đến như vậy, đại phú đến như
vậy, tài sản nhiều đến như vậy, bạch Thế Tôn, là Migara Rohaneyyo!
-
- Này Ugga, Migara Rohaneyyo giàu có đến mức nào, đại phú đến mức
nào, tài sản nhiều đến mức nào?
-
- Bạch Thế Tôn, về vàng có đến trăm trăm ngàn, còn nói gì về bạc!
-
- Này Ugga, đây có thể là tài sản chăng? Không phải Ta nói rằng
đây không phải là tài sản. Nhưng tài sản ấy bị chi phối bởi lửa, nước,
vua chúa, ăn trộm, các kẻ thừa tự, thù địch. Có bảy tài
sản, này Ugga không bị lửa, nước, vua chúa, ăn trộm, kẻ thừa tự,
thù địch chi phối. Thế nào là bảy? Tín tài, giới tài, tàm tài,
quý tài, văn tài, thí tài, tuệ tài. Bảy loại tài sản này, này
Ugga, không bị lửa, nước, vua chúa, ăn trộm, các kẻ thừa tự, thù địch
chi phối.
- Tăng Chi
Bộ VII.7 (4)
(Anguttara-Nikaya Vii.7)
(4) Hòa Thượng
Thích Minh Châu, Tăng Chi Bộ Kinh, Tập 3, trang 283, NXB Tôn Giáo 2005
-
Bài giảng ‘Hai Loại Tài Sản’ trích từ Tăng Chi Bộ kinh, cái ‘Giỏ của
Những Lời Phật Dạy Tiệm Tiến’ (Basket of Gradual Sayings) hay ‘Sưu Tập
của Những Bài Giảng Có Đánh Số’. Các kinh (sutta) trong Tăng Chi Bộ
được tập họp thành nhóm căn cứ theo số đề mục được nói đến, nên trong
quyển đầu tiên tất cả bài giảng nói về một vấn đề, quyển hai hai vấn
đề và liên tục như thế. Bài giảng này nói về bảy khía cạnh của
một vấn đề, đặc biệt liên hệ đến chúng ta vì nó cho ta thấy sự khác
biệt giữa đời sống thế tục và đời sống tâm linh, phân tích rõ rệt hai
chiều hướng mà ta có thể chọn lựa trong đời sống, và hai loại tài sản
mà ta có thể tích lũy. Không có nghĩa rằng ta phải coi thường một
trong hai loại tài sản này. Vì coi thường, trước hết, là một
thái độ tiêu cực. Thêm nữa, cho là cuộc sống đời thường mất hết
mọi giá trị một khi chúng ta đã bước vào con đường phát triển tâm linh
là một quan niệm sai lầm vô cùng nguy hại; chúng ta vẫn còn phải phụ
thuộc vào cuộc sống để có phương tiện tiếp tục tu tập.
-
Tất cả các tôn giáo đều nhắc nhở chúng ta rằng mọi của cải vật chất mà
ta có được ở trên đời sẽ mất đi, và phần lớn chúng ta tự trong tiềm
thức vẫn biết điều này, nhưng lại hay quên nó đi khi ta bắt đầu tích
lũy tài sản thế tục. Những nguy cơ mà Đức Phật nói đến vẫn luôn ở
quanh ta, tuy đôi lúc thể hiện dưới những hình thức khác nhau: thay vì
các vua chúa, chúng ta phải đóng thuế cho chính phủ, cộng với công ăn
việc làm bấp bênh, trong khi nạn trộm cắp lúc nào cũng có, và nước,
lửa, thiên tai cùng các tai ương do con người tạo ra luôn đe dọa chúng
ta.
-
Một trong nhiều nỗi lo sợ mà tất cả mọi người phải đối mặt dầu nhiều
hay ít là sự sợ mất mát các sở hữu vật chất của mình. Người ta tự hỏi,
‘Điều gì sẽ xảy ra khi tôi già?’ hay ‘Tình trạng kinh tế có vẻ ngày
càng tệ hại hơn - chừng nào mới hết đây?’ Sự bất an trong tâm do
những nỗi sợ hãi này gây ra khó thể chế ngự được cho đến khi chúng ta
nhận thức được rằng tài sản nội tâm giá trị nhiều hơn bất cứ những gì
ta đang sợ mất – và rằng những lợi lạc ở bên ngoài cũng sẽ tự động
theo sau một khi ta đã có được một tài sản tâm linh. Nhưng ít
người tin điều này; họ không có sự tự tin sâu sắc mà tín tâm đòi hỏi.
-
Phần đông chúng ta dựa vào của cải bên ngoài - những sở hữu vật chất
như là tài sản và tiền bạc – và sự lo sợ mất mát khiến chúng ta càng
tích lũy nhiều hơn nữa. Ít khi chúng ta giới hạn những điều mình tham
cầu, hay nghĩ rằng mình đã có đủ. Giới hạn thường là do các yếu tố bên
ngoài định đoạt. Hoặc là vì chúng ta không thể kiếm thêm được nữa hay
do ta đã lực cùng sức kiệt, hay bị bế tắc vì những yếu tố khác.
Khi còn có khả năng, tư duy, vọng tưởng, chúng ta luôn nghĩ là mình
thiếu thốn. Rất hiếm khi có người được thừa hưởng một gia tài
vật chất lớn. Và ngay cả trong trường hợp này, người thừa hưởng gia
tài cũng phải cố gắng để gìn giữ các ân huệ và tài sản thừa tự
được –cho nên bài pháp cũng cảnh giác rằng người thừa tự có thể phung
phí, làm tiêu tan tài sản. Để có thể hưởng của cải một cách thích đáng
cũng cần phải có sự nỗ lực.
-
Migāra được nhắc đến một vài lần trong tạng kinh Pali. Ông sinh
trưởng trong một gia-đình khá giả, được thừa hưởng gia tài do ông nội,
là Rohana, tích lũy được. Đức Phật không phủ nhận đây là một gia tài.
Ngài không nói, ‘Tài sản vật chất là xấu.’ Nhưng Ngài chỉ rõ rằng tài
sản ấy không bền vững và không đáng tin cậy. Nếu người có một
gia sản lớn và biết sử dụng nó một cách khôn ngoan thì tất cả đều tốt
đẹp, nhưng chúng ta biết có một tài sản dành cho chúng ta còn quý báu
hơn nhiều, mang lại hạnh phúc chân thật, không lệ thuộc vào của cải
vật chất, mà lệ thuộc vào đời sống nội tâm của ta.
-
Những người rất giàu có trong xã hội thường phải sống dưới nhiều áp
lực, luôn phải lo âu, phiền não trong nỗ lực bám víu lấy tài sản, cố
bảo vệ nó, do đó cuộc sống không có được chút an lạc nào. Nhưng
với người làm việc bình thường, vì quá bận rộn kiếm tiền nên không có
thì giờ và sinh lực để tích lũy tài sản tâm linh, thì cũng không khá
hơn chút nào. Sinh lực của chúng ta dĩ nhiên là bị hạn chế, nên
nếu muốn theo đuổi con đường tâm linh thì ta cần dành chỗ, tạo điều
kiện cho việc đó trong cuộc sống hằng ngày của mình. Chúng ta nên xem
xét lại các nhu cầu vật chất của mình để có thể tiết giảm bớt đi.
Nhờ đó năng lượng dành dụm được có thể sử dụng vào việc phát triển tài
sản nội tại.
-
Từ ngữ ‘tài sản’ được sử dụng ở đây rất thích hợp. Đời sống nội tâm
của chúng ta có thể là một thế giới hỗn loạn và là nguồn gốc của nỗi
khổ niềm đau. Tuy nhiên, đời sống nội tâm cũng có thể là một thế
giới đầy cái đẹp và sự hài hòa đáng trân quý, một hạnh phúc rạng rỡ và
là một nguồn vui tràn đầy để chia sẻ với tha nhân.
-
Việc phát triển đời sống tâm linh cũng cần nhiều nỗ lực và tự nguyện
như là trong công việc nghề nghiệp thế sự, và chúng ta cần duy trì sự
quân bình khôn khéo cho cả hai. Dĩ nhiên, chúng ta cần duy trì công ăn
việc làm để hỗ trợ bản thân và môi trường quanh ta. Nhưng thường
các hoàn cảnh bên ngoài do chúng ta tạo dựng nên không mang hạnh phúc
đến cho đời sống nội tâm. Thực vậy, một khuynh hướng thuần vật
chất, dù thành công đến đâu đi nữa, cũng có thể là một cản trở thật sự
cho những nhu cầu sâu xa hơn của ta. Chúng ta chỉ có thể vui
hưởng một đời sống hạnh phúc nội tại khi có thể bỏ công sức quán tưởng
về các kinh nghiệm tâm linh của bản thân, và biết tạo không gian để
tích lũy tài sản tâm linh, loại tài sản thứ hai mà tựa đề của kinh
nhắc đến.
-
Tín Tâm Và Tự Tin
-
Tài sản tâm linh đầu tiên mà Đức Phật nói đến là lòng tin và tự tin
(tín tài). Đa số chúng ta cần một đối tượng cho lòng tin, và đối tượng
này thường là một hay nhiều người, có thể cũng không toàn hảo giống
như ta. Lòng tin thành hình một cách tầm thường như thế, chứ
không phải đặt căn bản trên tâm linh, thì không thể tránh khỏi thất
vọng.
-
Chúng ta chỉ có thể tin vào những gì ta yêu thương. Chúng ta cần một
lý tưởng mà mình có thể yêu thích, nhưng cũng phải là một lý tưởng có
thể vạch rõ cho ta thấy còn có một cái gì nữa vượt trội hơn đời sống
thế tục. Tất cả chúng ta quá quen thuộc với những giá trị
nhị nguyên vốn đã có sẵn trong chốn thị trường: khi đi mua bán,
chúng ta muốn thu lại cái gì đó tương đương với số tiền đã trả ra.
Nhưng vì thái độ mà chúng ta mang đến thị trường luôn là cái tâm
anh-tôi, do đó phân chia giữa ta với người, khiến ta luôn cũng cảm
thấy bị đe dọa, không bao giờ được an toàn. Chúng ta nghĩ rằng mình có
thể mua được sự an toàn, nhưng cái cảm giác an toàn không thể mua
được. Đến một mức độ nào đó, chúng ta cần nhận thức rằng lề lối suy tư
mua bán này, lề lối thường tình của thế gian, chỉ có thể là căn bản
cho sự sinh tồn tối thiểu, và chúng ta là những con người có thể vượt
lên trên mức sinh tồn này. Nếu chúng ta có thể nhận thức được rằng
trong ta đã có sẵn tiềm năng ý thức được một lý tưởng cao cả hơn, một
lý tưởng mà ta có thể yêu thương và tin tưởng, thì ta cũng sẽ có
được sự tự tin để phát triển những phẩm chất nội tâm giúp chúng ta thể
hiện được tiềm năng đó.
-
Tìm an lạc và hạnh phúc nội tâm trong đời sống thế tục là điều không
tưởng. Chúng ta được hòa bình khi không có chiến tranh, và hạnh
phúc khi có những sự giao tiếp thoải mái. Nhưng bản chất
của các cảm giác dễ chịu thường ngắn ngủi, và luôn cần được làm mới
lại. Ngược lại với tài sản phong phú của đời sống tâm linh, chúng ta
có thể luôn mang theo mình. Bản chất của nó là luôn luôn
cống hiến một cái gì đó cho cuộc sống của ta, bất kỳ ta là ai; và cũng
không ai có một đời sống tâm linh giống ai. Một khi chúng ta bắt
đầu thấy được điều này, tài sản tâm linh sẽ thay thế cho của cải trên
thế gian, trở thành mục đích sống của ta.
-
Lòng tin và sự tự tin đòi hỏi ta phải biết trân quý con đường tiến hóa
tâm linh, để đặt hết lòng tin vào đó, và để khám phá nó ngay nơi bản
thân. Chúng đòi hỏi sự ý thức rằng ta có thể hoàn toàn hiến mình
cho con đường đó, hoàn toàn chuyển đổi chúng ta về hướng đó. Dĩ nhiên,
lòng tin và sự tự tin cũng là những phẩm chất nội tại cần thiết, tương
quan đến tiềm năng phát triển tâm linh của chúng ta. Vì thế có thể ta
cần phải thay đổi bất cứ những gì cần thiết để đặt giá trị tâm linh
lên trên đời sống thế tục hằng ngày, nhưng không nhất thiết là phải bỏ
việc làm hay bán nhà đi. Sự trưởng thành xảy ra bên trong ta.
-
Lòng tin và sự tự tin đòi hỏi một sự tự nguyện buông xả hoàn toàn.
Không có sự tự nguyện này thì không thể có thiền định; khi thiền quán
chúng ta sẽ tiếp tục bám víu vào quá trình tư duy như là một thành lũy
cuối cùng hỗ trợ cho cái ngã. Tự nguyện hướng đến một lý tưởng
tâm linh, một sự thật tối thượng, để vượt qua được thân phận con người
chỉ có thể có được với lòng tin và tự tin. Trong thiền định ta
có thể dễ dàng tin cậy vào hơi thở của mình -suy cho cùng, chúng ta đã
biết nó qua bao thập niên rồi. Nhưng tại sao việc quên mình đi để chỉ
nương theo hơi thở của chính mình vẫn còn quá khó khăn? Chúng ta
sợ phải buông bỏ tư duy vì khi không tư duy, ta không ý thức được sự
hiện hữu của chính mình.
-
Lòng tin, và trên tất cả là lòng tin nơi bảy tài sản, mở cánh cửa vào
đời sống tâm linh, vì lòng tin cho ta thấy một cái gì cao cả hơn. Mỗi
người đều chứa kho báu này bên trong mình. Đã bao lâu nay lòng
tin ấy bị chôn vùi trong sự suy tư tiêu cực, lòng tham và thù hận -có
thể nói là một đống gạch vụn. Nhưng ta có thể thu dọn đống gạch vụn
này, mở cánh cửa này ra qua thiền định và từ đó làm hiển lộ những lớp
tư tưởng mới, trong đó có sự yêu thương biểu lộ qua lòng tin và sự tự
tin. Trong khi cả hai, khối óc và con tim đều cần thiết, nhưng
lòng tin và sự tự tin nói chung là vấn đề của con tim.
-
Nếu không đặt lòng tin và tự tin vào điều gì, thì tâm ta không cảm
thấy gắn bó. Chúng ta sẽ thấy mình khập khểnh bước tới, trên một
chân của tri thức, và sẽ không tiến được xa lắm. Tri thức giúp chúng
ta hiểu, nhưng chỉ có tâm mới có thể chiêm nghiệm, và những điều Đức
Phật dạy cần được chiêm nghiệm, chứ không chỉ để hiểu mà thôi.
Lòng tin gắn bó với tiềm năng của tâm, nơi các quan điểm và ý kiến của
ta không còn quan trọng nữa. Chúng ta tự tin vào một lý tưởng.
Không cần phải đặt tên cho nó, chúng ta có thể cũng không biết nó là
gì, nhưng trong thâm tâm ta biết có một cái gì đó cao hơn, một cái gì
đó vượt lên trên những vấn đề thế sự. Phần lớn chúng ta, khi
quán sát nội tâm, khám phá ra sự khát khao cho một cái gì đó không thể
diễn tả được, và trong quá trình tìm kiếm điều đó, ta thường bị sai
lệch hay đi lầm hướng, trước khi ta ý thức được rằng chỉ có thể tìm
thấy điều đó trong nội tâm mình.
-
Tư Cách Đạo Đức
-
Tư cách đạo đức (giới tài) là tài sản thứ hai, tương quan đến ngũ
giới. Các giới này tạo căn bản chủ yếu cho một đời sống hài hòa.
Nếu sống với giới luật như thế mỗi ngày, chúng ta sẽ không gặp phải
những khó khăn có thể làm lụn bại sự tu tập tâm linh của mình.
-
Giới đầu tiên là không sát sinh. Điều này bao gồm tất cả sinh
linh, bất chấp lớn nhỏ. Giới này nhằm mục đích làm giảm bớt và
bứng tận gốc rễ của sân hận trong chúng ta, để dần đưa đến sự loại trừ
tất cả mọi tiêu cực đối với bất cứ điều gì. Điều này không có nghĩa là
chúng ta sẽ không phân biệt giữa tốt và xấu. Chúng ta vẫn biết
được tốt và xấu, nhưng ta hiểu rằng mình không có quyền phán đoán tha
nhân. Bổn phận của chúng ta không gì khác hơn là đạt được giải thoát
bằng cách diệt trừ mọi uế nhiễm.
-
Chức năng của giới này không chỉ làm giảm bớt đi lòng sân hận trong
ta, mà đồng thời còn phát triển tình yêu thương vô điều kiện.
Những ý tưởng chúng ta có về tình yêu thương luôn gắn liền với bao
phiền não –không những vì chúng ta bị ràng buộc, mà còn vì tâm đổi
chác làm điên đảo chúng; khi cho đi là chúng ta muốn nhận lại một cái
gì đó. Cách suy nghĩ này thật là lầm lạc: bản chất của tình yêu
thương là giải phóng, không phải để ràng buộc, và không chứa đựng sự
sợ hãi. Tình yêu thương chỉ có một mục đích: trao tặng, và với
thời gian chúng ta sẽ hiểu điều này, tình yêu là một phẩm chất của con
tim, nó không tùy thuộc nơi người nhận, nhưng tùy vào khả năng ban
tặng bất chấp người nhận. Từ khía cạnh của tình yêu thương, việc
người này thay vì người khác được nhận chỉ là việc ngẫu nhiên.
Thật ra việc tình thương yêu có được biết đến hay mong đợi –hay ngay
cả có ai nhận nó hay không, cũng không quan trọng lắm.
-
Nếu thông minh là khả năng của tri thức, thì tình yêu thương là
khả năng của con tim. Nhưng trong lúc phần lớn các học viện đề cao sự
huấn luyện tri thức, thì ta lại không có những cơ sở giáo dục dạy về
sự phát triển phẩm chất của con tim. Chúng ta mong muốn tình yêu
thương đến một cách tự nhiên. Nhưng không có gì xảy ra một cách
tự động; ngay cả những tiến trình tự nhiên như là thở cũng lệ thuộc
vào sự hỗ trợ của một số điều kiện tương ứng nào đó. Suy nghĩ
rằng tình yêu thương tự nó có thể điều chỉnh là một hư cấu của trí
tưởng tượng, không đem lại gì khác hơn là phiền não, rắc rối.
Tuy nhiên, chúng ta có thể sử dụng tình yêu thương mà chúng ta biết
như là một vườn ươm hạt giống, và cố gắng tạo ra kinh nghiệm của tình
yêu vô điều kiện từ kinh nghiệm của tình yêu có điều kiện. Làm
được như vậy, chúng ta cũng huân tập để giảm bớt tâm sân hận.
Chữ ‘sân hận’ ở đây là chỉ chung cho tất cả mọi sự tiêu cực, cùng với
những lời chối lỗi, biện minh mà chúng ta dùng để bênh vực nó.
-
Không nên coi gíao lý của Đức Phật như là lý thuyết tâm lý, tâm lý
liệu pháp, hay là chuyên luận về triết lý, mà là những lời dạy thực
tiễn đưa ta tới hạnh phúc và an lạc nội tâm. Ngày nào chúng ta
còn lệ thuộc nơi các điều kiện bên ngoài hay nơi người khác, chúng ta
vẫn không được tự do. Khi còn phải lệ thuộc vào những gì xảy ra
theo ý mình, chúng ta khác gì những tên nô lệ. Chúng ta chỉ có
thể vượt khỏi sự ràng buộc này khi đã thanh lọc bản thân và phát triển
các tiềm năng của tâm đến mức chúng có thể tự hỗ trợ cho nhau. Sự độc
lập này là khởi điểm của sự giải thoát, nơi ta có thể nhìn thấy được
bóng dáng của giải thoát thực sự.
-
Ai cũng có khả năng yêu thương, nhưng phần lớn chỉ phát triển nó đến
một mức độ giới hạn bằng việc tùy thuộc vào đối tượng có dễ thương
không, hay tình thương yêu đó có được đáp trả không. Có người
lại còn nghĩ rằng mình không có tiềm năng đó. Thật ra, ai cũng
có khả năng yêu thương, nếu họ biết cách phát triển nó. Dĩ
nhiên, sẽ dễ có cảm giác yêu thương khi đối diện với một người đẹp và
đáng yêu, nhưng cảm giác đó là cảm giác tùy thuộc, và Đức Phật
dạy rằng về phương diện này chỉ có sự độc lập mới đưa chúng ta cuối
cùng ra khỏi khổ đau, khỏi tiếc nuối.
-
Giới thứ hai là không lấy của không cho. Đối nghịch với trộm cắp
là tính hào phóng hay mở rộng vòng tay vị tha mà tự nó là một trong
bảy tài sản sẽ nói đến sau. Câu nói ‘ta được nhiều khi cho hơn khi
nhận,’ rất nổi tiếng nhưng thật sự mấy ai thực hành vì tin như vậy.
Ai thật sự làm theo những câu châm ngôn như thế trong đời sống hằng
ngày? Thường thì chúng ta không nghĩ đến điều này, vì biết và
thực hành là hai cực đối nghịch. Tuy chúng ta có thể có sự hiểu biết
lý thuyết, ta không biết rằng mình ít khi áp dụng nó. Kiến thức
tuy hữu dụng, và được coi như là một trong bảy tài sản -sự thực tập
thật sự chỉ bắt đầu khi chúng ta có thể biến những tài sản này thành
của mình. Chúng ta phải làm việc mỗi ngày để kiếm sống, và với
đời sống tâm linh cũng phải thế. Chúng ta cũng phải hằng ngày
quán sát bản thân để khám phá ra những tài sản nội tâm này.
-
Giới thứ ba là không tà dâm. Đối nghịch với tà dâm là trung
thành, có trách nhiệm, và đáng tin cậy -kể cả trung thành với bạn bè
và gia đình. Nói chung, giới này đòi hỏi ta phải sống thế nào để
không làm ai đau đớn về tinh thần, hay thể xác. Nguyên tắc không
làm khổ hại ai dựa trên nền tảng của sự vun trồng tình yêu thương,
nhưng cũng như giới thứ hai, giới này cũng nhắm vào việc giảm thiểu
tham dục –trong ý nghĩa của bất cứ những gì có liên hệ đến sự mong cầu
và tham muốn của chúng ta. Lòng tham muốn sở hữu mang đến cho ta
bao rắc rối, khó khăn, đồng thời khiến ta chìm đắm trong tâm trạng bất
an. Một khi chúng ta muốn cái gì, sẽ không bao giờ có đủ, vì
chúng ta bám víu vào nó. Chúng ta muốn tiếp tục được có nó hay
có nó mãi, điều này thật là một sự phí phạm năng lực. Dầu cùng
nguy hại như nhau, lòng tham dục khó nhận biết hơn là sân hận.
-
Khi chê trách, tránh né hay phản kháng một điều gì, chúng ta có thể
-nếu chú ý cẩn thận- nhận biết một cảm giác khó chịu không thể nhầm
lẫn. Tuy nhiên, tham muốn lại hứa hẹn một sự hài lòng, vì chúng ta
tưởng tượng rằng một khi mong ước của mình được thỏa mãn, tất cả mọi
thứ đều sẽ êm đẹp. Đến một lúc nào đó, chúng ta ý thức rằng
những gì chúng ta mong cầu đều không phải đúng là vật ta muốn, không
phải là điều đem đến cho ta sự thỏa mãn tuyệt đối thì lòng tham muốn
của ta lại chuyển qua đối tượng khác. Cứ như thế, chúng ta bị mắc vào
cái bẫy của sự bất an không dừng dứt, một sự lo âu liên tục không biết
mình sẽ được những gì mình muốn hay không và không biết mình có nắm
giữ được nó mãi không. Khi điều không thể tránh xảy ra và ta mất
nó, cái vòng tham muốn lại tái diễn.
-
Để nhận diện được mô thức này chúng ta cần có chánh niệm ở một mức độ
nào đó. Những tài sản này chỉ có thể được nhận biết khi chúng ta chú
tâm đến bản thân. Chánh niệm tuy không được coi như một trong
bảy tài sản này, nhưng nó là điều kiện tiên quyết cho con đường tâm
linh. Không có cái nhìn quán chiếu, chúng ta sẽ không thể khám phá ra
được kho báu bên trong.
-
Giới kế tiếp liên quan đến việc nói sai sự thật và dùng ác ngữ.
Bao gồm bất cứ loại ngôn từ nào có thể gây não hại, chê trách điều gì
một cách bất nhã, phơi bày ác ý, và cả những lời thị phi, chuyện trò
vô bổ. Đối nghịch lại là nỗ lực thanh lọc ý để có được những lời
nói chân thật, hòa nhã. Điều kiện tiên quyết để làm được như thế
là phải chánh niệm về nội dung tư tưởng của mình. Khi bắt đầu
thiền định chúng ta ý thức được ngay là tâm ta nghĩ tưởng ra bao điều
không thật có, đôi khi rất quái dị, không ích lợi và không đưa đến đâu
cả - chỉ là bao ý nghĩ, và mộng tưởng vô dụng. Nhận thức được
điều này sẽ giúp ta loại được những tư tưởng xấu trong đời sống hằng
ngày dễ dàng hơn, hay biến chúng thành những tư tưởng tốt. Nếu
chúng ta muốn theo con đường tâm linh, sự thực tập chánh niệm là điểm
khởi đầu ích lợi nhất.
-
Lời Đức Phật dạy về 'tứ chánh cần' có thể được nhớ đến một cách dễ
dàng qua công thức xúc tích sau đây: ‘ngăn ngừa, chế ngự, phát triển,
duy trì’ – nhưng dĩ nhiên, thực hành được chúng lại là một điều khác.
Trước hết nó nhắc nhở ta làm thế nào để không cho các tư tưởng xấu có
cơ hội phát khởi. Nếu chúng đã có mặt thì phải kiềm chế chúng,
bằng cách thay thế chúng với các tư tưởng thiện. Nếu các thiện ý chưa
phát khởi, phải tạo ra chúng. Và thứ tư, nếu các thiện ý đang có mặt,
phải duy trì chúng.
-
Khi bắt đầu thực hành tứ chánh cần, chúng ta không còn buông thả tư
tưởng của mình như trước. Chúng ta không còn thật sự tin cậy
những tư tưởng của mình, và chúng ta kiểm nhận cẩn thận xem chúng là
tốt hay xấu, khéo hay vụng. Điều này lúc đầu khó làm nhưng sau một
thời gian nó đến một cách tự nhiên, và nó trở nên rất rõ ràng là ta có
thể thay thế các ác ý bằng thiện ý, kết quả là tâm được tĩnh lặng.
-
Các tư tưởng tiêu cực, uế nhiễm đem lại sự bất an, nặng nề cho tâm, và
nếu chúng ta muốn có một đời sống tâm linh hài hòa, thì quan trọng là
ta phải quán sát các trạng thái tâm linh để có thể khiến chúng hiển
bày, nếu không, sự hăng say của ta, ngay cả ở mức độ tâm linh, chỉ đưa
đến mộng tưởng và cao vọng. Hơn bao giờ hết, sự thanh lọc tâm có
thể giúp ta chế ngự được những bấn loạn của tâm.
-
Vì đối thoại là một tiến trình tức thời, chúng ta thường không ý thức
được lời nói đến từ tư tưởng, vì vậy điều kiện tiên quyết để giúp ta
giữ được giới thứ tư là sự chánh niệm quán sát các tư tưởng và hành
động thông thường của ta.
-
Giới thứ năm là về việc không uống rượu và sử dụng ma túy vì chúng chỉ
làm cho đầu óc ta thêm xáo trộn. Nói rõ hơn, giới này nhắc ta thực
hành chánh niệm trong đời sống hằng ngày. Khi luôn quan sát bản thân,
ta sẽ hiểu mình rõ hơn, sâu sắc hơn, rồi dần dần ta sẽ có thể nhìn
thấy được chân lý tuyệt đối của sự hiện hữu. Chúng ta có rất nhiều ảo
tưởng về ta là ai - những ý tưởng này duy trì ảo tưởng rằng chúng ta
là một ai đó đặc biệt, hư cấu rằng chúng ta luôn đổi mới do chấp ngã.
Tuy nhiên nếu quán sát sâu sắc hơn, ta sẽ nhận thức được mình thật sự
là ai.
-
Chánh niệm trong đời sống hằng ngày bắt đầu với sự quan sát những
chuyển động nơi thân, các cảm giác, trạng thái, và tư tưởng. Sự
chánh niệm của ta có thể dễ dàng bị xao lãng, nhưng khi ta nhận biết
được điều này thì ta có thể trở lại với chánh niệm. Vấn đề là ta
phải huân tập làm sao để cẩn trọng hơn với tâm, việc này cũng tương tự
như khi chúng ta học cách chăm sóc cơ thể của mình - ta không muốn có
tai nạn, hay chỉ trầy da thôi – do đó ta cần suy nghĩ, nói năng, và
hành động một cách thận trọng, để tâm ta không bị tổn thương.
-
Hành vi đạo đức là một phần rất quan trọng và sâu xa trong gia tài nội
tâm của ta. Không những chúng ta nhận biết được các tiêu chuẩn
phải theo để bảo vệ bản thân, mà sự hành trì giới luật cũng mở ra các
cơ hội để phát triển thiện xảo của hai tài sản kế tiếp, sự biết hổ
thẹn và sự sợ bị thiện tri thức khiển trách.
-
Hổ Thẹn
-
Sự hổ thẹn (tàm tài) và sợ bị thiện tri thức quở trách được coi là
những hộ vệ của cuộc đời, vì sự cảm nhận về lễ nghi, phép tắc và
sự sợ bị người tốt khiển trách không cho phép chúng ta làm việc xấu.
Nếu các lễ nghi, phép tắc căn bản không còn, như trong thời chiến hay
dưới các chế độ độc tài, thì kết quả là đạo đức bị đảo lộn, ảnh hưởng
đến tâm trí của cả một dân tộc nói chung - dầu trong những hoàn cảnh
như thế, mỗi cá nhân vẫn phải có trách nhiệm, có lương tâm đạo đức.
Vậy thì sự biết hổ thẹn là người bảo vệ cho cả cộng đồng và cá nhân
không rơi vào sự đổ vỡ đạo đức quá mức tệ hại.
-
Không có ai có thể sống không có sự hỗ trợ của tha nhân. Đôi khi
chúng ta cần nên hỏi: ‘Thức ăn của tôi từ đâu đến? Ai xây lên nhà tôi?
Ai làm ra áo quần tôi mặc? Thư từ đến tay tôi bằng cách nào? Là một
thành viên trong cộng động, tôi phải làm gi?’ Trả lời những câu hỏi
trên chúng ta có thể thấy không ai có thể hoàn toàn sống một mình. Tất
cả chúng ta không thở cùng một bầu không khí sao? Tất cả chúng ta
không tùy thuộc vào cùng một thế giới thiên nhiên sao?
-
Dĩ nhiên điều ngược lại cũng đúng. Khi chúng ta nói rằng một
người làm điều xấu là mang vết nhơ ấy vào cuộc sống và làm ô nhiểm môi
trường, chúng ta muốn nói đến sự tương quan giữa tất cả. Chúng ta chỉ
cần nhớ đến bất cứ biến cố nào đã gây thiệt hại đến nhân mạng. Môi
trường có thể bị ô nhiễm bởi tư tưởng của chỉ một người hay một nhóm
người nhưng hằng triệu người phải đau khổ gánh chịu; ví như cuộc thế
chiến vừa qua.
-
Tuy nhiên, sức mạnh của điều thiện cũng mãnh liệt như việc ác, và với
tàm tài (tài sản của sự biết hổ thẹn) chúng ta có thể phấn đấu để tự
hoàn thiện bản thân và tạo được ảnh hưởng chống lại cái xấu. Vì
không sống cô lập nên mỗi chúng ta mang một trách nhiệm phải nuôi
dưỡng và duy trì điều thiện bằng tư tưởng và hành động. Điều ác có thể
áp đảo cuộc sống bằng nhiều cách, ở nhiều thời điểm khác nhau, nhưng
điều thiện vẫn trụ thế, nếu không chúng ta đã bị tiêu diệt từ lâu rồi.
Luôn có bao người làm điều thiện trong cuộc sống này.
-
Cảm nhận về nghi lễ, phép tắc bảo vệ chúng ta và cuộc sống khỏi bao uế
nhiễm. Người có phẩm cách không bao giờ ra đường với mặt
mày và áo quần dơ dáy. Nếu có, chắc chắn là họ sẽ lập tức làm gì đó để
sửa đổi - quay về rửa ráy và thay áo quần sạch sẽ. Chúng ta cũng
phải biết hổ thẹn với cái xấu, với những tư tưởng tiêu cực giống thế
và sửa đổi ngay tức khắc.
-
Nếu chúng ta có thể nhờ chánh niệm mà ý thức được rằng không ai có thể
sống tách biệt, thì ta sẽ dễ dàng thấy mình có trách nhiệm với cuộc
sống. Mỗi chúng ta đóng một vai trò quan trọng trong chuổi sự
kiện phức tạp quyết định cách thế giới này vận hành. Giữ được
năm giới này đương nhiên sẽ giúp chúng ta sống theo đạo đức để
không phải cảm thấy hổ thẹn hay nuối tiếc. Trái lại, chúng ta sẽ
vui sướng biết rằng mình đã làm tròn bổn phận.
-
Trong một bài giảng khác nói về kết quả của đời sống đạo đức, sự không
tiếc nuối được nhắc đến như là một trong những điều kiện để đi suốt
con đường tâm linh. Chúng ta sẽ không nuối tiếc, hối hận khi đã thanh
lọc tư tưởng và lời nói. Nếu cư xử không phải đạo, hiển nhiên ta
sẽ cảm thấy hối hận; không biết hỗ thẹn không phải là cách giúp ta
thoát được sự hối hận. Ngược lại, nuối tiếc chuyện quá khứ cũng không
khôn ngoan chút nào. Chúng ta phải tự nhắc nhở mình rằng người
làm điều sai bậy trong quá khứ không phải là người đang ăn năn -nếu ta
đã biết sống tỉnh thức như hiện tại, thì ta đã không làm điều sai
quấy. Thay vì than khóc chuyện đã qua, ta nên tha thứ con người quá
khứ của mình mà bắt đầu lại. Mỗi ngày là một bắt đầu mới.
Làm khổ mình bằng cách tự trách sẽ chỉ khiến ta khó bước chân lên con
đường tâm linh.
-
Sự Sợ Bị Trách Móc
-
Cùng với tài sản của sự biết hổ thẹn hay của nhân phẩm là sự lo sợ bị
thiện tri thức phê phán (quí tài). Sự sợ bị trách móc là một sự sợ hãi
lành mạnh: sợ làm điều gì không đúng. Điều này hoàn toàn hợp lý vì
chúng ta luôn bị lôi cuốn để cho sân hận hay ái dục phát sinh mà không
kể đến hậu quả của chúng. Khuynh hướng hay rơi vào tiêu cực này rất vi
tế khiến ta không nhận ra điều đó, mà tin rằng các chủ định của
ta có thể chấp nhận được. Do đó đi đôi với sự biết hổ thẹn là ý thức
về nhu cầu hành trì chánh niệm.
-
Sự sợ làm điều sai quấy cũng phát sinh khi chúng ta ý thức được mình
là đối tượng của luật nghiệp quả. Mọi người đều biết một câu từ kinh
Tân Ước: ‘Bất cứ ta gieo gì, ta sẽ gặt nấy’, nhưng liệu ta có thật sự
hiểu ý nghĩa của câu này khi thực hành? Nghiệp, hay sự giải thích của
lý nhân quả trên bình diện đạo đức là nền tảng của Phật giáo. Sự sợ
không dám làm điều ác căn cứ trên sự hiểu biết là chính mình chứ không
ai khác sẽ lãnh hậu quả. Chúng ta không nên trốn tránh sự hổ
thẹn và trách nhiệm; chúng là người bảo vệ, ngăn cản ta khỏi rơi vào
những hoàn cảnh khó khăn, phiền não trong cuộc đời.
-
Không có gì có thể bào chữa được cho những hành động bất thiện. Hoàn
cảnh khó khăn phải là động lực giúp ta tu tập. Giả sử chúng ta
đang tức giận ai: tâm sân hận này não hại chính ta hơn là người bị
giận – và đối với tất cả mọi ý tưởng tiêu cực khác đều giống như thế,
không kể đó là cao ngạo, ghen tị, đố kỵ, hoặc là tính hay đổ lỗi cho
người khác. Nhưng sự tiêu cực cũng có thể làm não hại người khác nếu
chính họ cũng phản ứng lại với những cảm giác tương tự; trong trường
hợp đó họ cũng tạo nghiệp xấu. Ta cũng có thể tạo ra sự tiêu cực
nơi tha nhân mà không ý thức được. Đức Phật đã nói, ‘Này các tỳ
kheo, hãy ghi nhớ lời ta, nghiệp bao gồm chủ định’, nhưng con đường
tâm linh đòi hỏi trước tiên là ta phải chịu trách nhiệm về tư tưởng,
lời nói và hành động của ta. Nếu không khóa xe, ta tạo cơ hội
cho người ăn cắp, đối với đời sống tâm linh cũng thế: chúng ta nên
tránh tạo cơ hội cho người khác gây nghiệp xấu.
-
Kiến Thức
-
Tài sản kế là kiến thức (văn tài). Đức Phật đã để lại một di sản
có thể đưa chúng ta đến an lạc và hạnh phúc hoàn toàn, nhưng trước khi
có thể khởi sự bước đi trên con đường này, chúng ta cần hiểu thêm về
nó. Chúng ta cần biết các phương pháp và giáo lý của Đức Phật.
Tiếc thay, chúng ta đã có quá nhiều dữ liệu trong đầu đến nỗi khó mà
tiếp thu thêm cái mới. Thêm nữa, chúng ta thường ngay tức khắc so sánh
các dữ liệu mới với những gì mình đã biết, xem coi chúng có ăn khớp
với nhau không. Sự so sánh và đánh giá này, dựa trên quan điểm
riêng của ta, thật sự không đưa đến đâu cả. Thay vào đó, ta nên có
chút lòng tin nơi giáo lý này, thử nghiệm nó, xem nó ảnh hưởng đến
chúng ta như thế nào. Nếu không có hiệu quả, chúng ta có thể tìm
phương cách khác, nhưng nếu chỉ so sánh trên khía cạnh thuần tri thức,
theo sách vỡ thôi là sai lầm. Sự so sánh như thế chỉ có giá trị và ích
lợi khi ta đã đi trọn vẹn con đường cho đến đích. Chỉ từ cái
nhìn của sự Giác Ngộ và tỉnh thức tột cùng con người mới có thể thấy
được những con đường khác đưa đến cùng cứu cánh. Trước khi đạt đến
điểm này, sự tiếp thu các thông tin mới chỉ là tri thức.
-
Kiến thức thu thập được từ giáo lý của Đức Phật, một khi đã nhập tâm
rồi, có thể đem ra thực hành ngay, nếu như chúng ta có thể nhớ.
Tâm trí ta thường quá bận rộn với thế sự nên hoàn toàn quên việc tâm
linh, thế nên chúng ta cần luyện tâm trí trong đời sống hằng ngày. Một
trí nhớ tốt rất ích lợi cho ta, nếu không, thì viết ra giấy cũng tốt –
ví dụ như, viết ra ‘ngăn ngừa, chế ngự, phát triển, duy trì’ –
và dán lên nơi nào đó. Bất cứ khi nào nhìn thấy những chữ đó, chúng ta
sẽ được nhắc nhở để ngăn ngừa và chế ngự cái xấu, để phát triển và duy
trì điều thiện. Dĩ nhiên, lắng nghe các bài pháp thoại và ghi
chú cũng tốt, cho đến khi mọi thứ đã khắc sâu vào tâm trí để ta có thể
hiểu và thực hành giáo lý của Đức Phật một cách hiệu quả.
-
Bố Thí
-
Tài sản kế chót, bố thí (tài thí), bổ sung cho giới thứ hai: không lấy
của không cho. Bố thí –cho mà không nghĩ đến việc nhận lại-
thường được Đúc Phật đặt lên hàng đầu trong các loại công đức. Đối
nghịch với bố thí là vị kỷ hay thói coi mình là trung tâm của vũ trụ,
biểu lộ qua lòng tham muốn sở hữu cho riêng mình và tỏ ra bực tức nếu
có người muốn lấy gì của mình. Sự vị kỷ này là nguồn gốc của tất
cả mọi khổ đau của chúng ta: nếu không có cái ngã này thì có ai để khổ
đau? Do đó tất cả giáo lý của Đức Phật đều hướng về sự nhận thức được
ảo tưởng tạo ra từ sự quan trọng hóa bản ngã của mình. Bằng cách phát
huy tâm bố thí rộng rãi, chúng ta sẽ loại bỏ được lòng vị kỷ.
-
Sự thực tập chúng ta đang nói đến liên quan đến nhiều thứ hơn là làm
giảm thiểu những hành động đầy chấp ngã. Một người độ lượng, rộng rãi
không chờ đến lúc có người mong đợi quà tặng từ họ, ví dụ như trong
một dịp đặc biệt nào đó, hay đến khi được hỏi mới nghĩ đến việc bố
thí. Trong xã hội chúng ta, phần lớn ai cũng có nhiều hơn họ
cần, nên không khó để tìm những món vật chất để cho - nhưng cũng vì
vậy nên khó mà cho được những món quà vật chất có ý nghĩa. Trong
kinh này Đức Phật nói rằng lý do chánh đáng duy nhất để duy trì của
cải là để chia phần với người. Dĩ nhiên, còn tùy từng cá nhân
làm thế nào để quản lý của cải và muốn cho bao nhiêu, nhưng sự chia sẻ
như thế phải thực sự hiệu quả: không nên chỉ là bố thí của cải cho
người nghèo. Ngay nếu như không có của cải, chúng ta vẫn có thể chia
sẻ nhiều thứ khác được: thì giờ, năng khiếu, tình thương yêu,
hạnh lắng nghe. Năng lượng của chúng ta ít ra cũng đem lại lợi lạc cho
tha nhân không kém gì tiền bạc.
-
Theo Đức Phật, còn có một điều đáng quan tâm nữa: đó là sự trong sáng
của người nhận làm thanh lọc vật cho. Sự bố thí cần phải thích đáng,
biểu hiện sự quan tâm đến người nhận và nhu cầu của họ. Sự phán
đoán thường dễ biến thành lòng thương hại, và lòng thương hại, nói
đúng ra, không phải là một cảm xúc tích cực hay trong sáng.
-
Chúng ta có thể bố thí từ lòng trắc ẩn, lòng độ lượng, hay từ sự mong
muốn tạo được nghiệp tốt, nhưng tâm bố thí chân thật phát xuất từ sự
nhận thức được rằng tất cả chúng ta đều là thành phần của cùng một
thực tại, là những biểu hiện của hiện hữu. Điều này khó ý thức được vì
cái ảo tưởng rằng tất cả chúng ta đều tách biệt, nhưng trong thực tế,
không có gì tách biệt với bất cứ cái gì khác. Nói một cách đơn giản,
nếu chúng ta làm cho một người hạnh phúc, chúng ta làm tăng thêm hạnh
phúc cho cuộc đời. Tất cả chúng ta đều có khả năng -thật ra, là trách
nhiệm- ban trải hạnh phúc khắp nơi.
-
Hơn thế nữa, bố thí phải hoan hỷ. Có người gây nhiều bất mãn với
những hành vi, ý nghĩ, quan điểm phô trương mà họ cố bắt người khác
chấp nhận. Nhưng ta có thể giúp đỡ những người như thế bằng cách
nhắc họ rằng làm điều tốt nhất thiết phải với niềm vui. Tất cả chúng
ta đều cần được động viên để hướng đến điều thiện; vì tiếc thay, điều
này không tự động xảy ra. Mỗi người sanh ra với ba gốc rễ tốt và
ba gốc rễ xấu, tất cả đều biểu lộ bằng cách này hay cách khác, và
chúng ta luôn cần nỗ lực để tăng cường các gốc rễ tốt thay vì xấu.
Gốc rễ xấu chính là vô minh, trong ý nghĩa rằng ta bị ảo tưởng về bản
ngã dẫn dắt với niềm tin rằng ‘tôi là một ai đó’. Từ gốc rễ này phát
sinh hai rễ xấu khác là tham và sân. Ba gốc rễ tốt là khả năng được
trí tuệ, tình thương yêu, và độ lượng.
-
Qua sự chia sẻ tài sản vật chất bên ngoài, chúng ta sẽ cảm nhận được
tài sản nội tại của tâm bố thí. Thực vậy, nỗ lực của chúng ta trong
việc hành trì tất cả bảy loại tài sản đưa đến nhiều kết quả tích cực
đến nỗi tài sản nội tâm trở nên đáng giá hơn bất cứ tài sản thế tục
nào. Một khi đã cảm nhận được hoàn toàn giá trị của những của
cải này, chúng ta sẽ không thể nào đánh mất niềm vui nội tâm, trong
khi đó ngay cả người giàu có nhất cũng không thể kéo dài thú vui
nghiền ngẫm các sổ tài khoản của mình - vì chắc rằng người đó đang lo
lắng cho sự trồi sụt giá cả của các chứng khoán của mình. Trong khi
chúng ta thì lại có thể tích lũy tài sản nội tâm, đồng thời cũng có
thể chia sẻ chúng với tha nhân. Không ai có thể lấy mất tài sản này.
Có lẽ điều tốt đẹp nhất chúng ta có thể chia sẻ được là niềm hỷ lạc mà
đời sống tâm linh mang lại, điều này chắc chắn sẽ giúp khuyến khích
người khác để họ tự tìm đến niềm vui này.
-
Có thể nói rằng hạnh bố thí, đứng đầu trên mọi đức hạnh, khai mở các
cánh cửa của những đức hạnh khác. Khi thật sự bố thí, chúng ta
mở lòng với tha nhân; chúng ta không muốn gì cho bản thân. Chính
yếu ở đây là ‘buông xả’; thật vậy, buông xả là chìa khóa để vào con
đường tâm linh nói chung, và vào thiền định nói riêng. Những quan điểm
chúng ta đã tích lũy và khăng khăng bám víu vào chúng cản ngăn không
cho ta nhận thức được chân lý, và sự phát khởi lòng tham sân càng gây
khó khăn cho việc tìm ra được chân hạnh phúc luôn có mặt bên trong ta.
-
Trí Tuệ
-
Tài sản cuối cùng trong số bảy tài sản là trí tuệ (tuệ tài), trong ý
nghĩa đối nghịch với vô minh. Trí tuệ biểu thị sự chứng nghiệm
trong hiểu biết, trí tuệ được chiêm nghiệm và cảm nhận trong tim ta.
Để có thể hiểu được những điều chiêm nghiệm, chúng ta cần có kiến thức
về con đường tâm linh và các giáo lý giảng dạy về con đường đó.
Chúng ta hiểu được rằng qua sự vun trồng chánh niệm, chúng ta có thể
chứng nghiệm được sự an lạc và thanh tịnh trong thiền định - bằng cách
nhận biết được lòng tham, sân, cùng si mê vọng tưởng bên trong ta, và
cố gắng loại trừ chúng.
-
Vậy thì kinh nghiệm thực chứng (understood experience) là bước đầu
tiến đến trí tuệ, vì cả hai, sự chứng nghiệm và sự hiểu biết đều cần
thiết trên con đường tâm linh. Đạt được kiến thức không khó.
Chúng ta vẫn không ngừng thu thập kiến thức, từ mẫu giáo đến đại học,
để vươn lên trong đời sống thế tục, nhưng không thể vì thế mà ta đến
gần được trí tuệ hơn. Kiến thức của chúng ta về con đường tâm
linh cần được đem ra thực hành trong suy tư, thảo luận và hành động
hằng ngày. Chúng ta kinh qua và hiểu được con đường ấy nếu chúng
ta tránh được sự ghét bỏ những điều ta không thích và sự bám víu vào
những gì làm ta hài lòng. Chỉ khi đó chúng ta mới ý thức được
những thói xấu của mình, và dựa trên đó cố gắng chuyển hóa chúng để
chúng không còn cản trở bước tiến của ta nữa. Chính ngã chấp cản
trở con đường tâm linh: Tôi muốn, tôi sẽ, tôi phải, tôi có thể, tôi
nên, tôi muốn vứt bỏ cái này hay cái kia. Hãy buông bỏ quy định
này để trở nên một quan sát viên trung lập của đời sống nội tâm của
mình, rồi thanh lọc những điều xấu, đó là con đường tâm linh giúp phát
huy trí tuệ.
-
Đọc (văn) và hiểu (tư) giúp mở các cánh cửa tâm linh, nhưng chúng
không mang lại cho ta sự chứng nghiệm. Hiểu là một tiến trình
của trí não; chứng nghiệm là tiến trình của tâm. Nếu hai điều này
không đi đôi với nhau, chúng ta chỉ mới đi được nửa đường.
-
Nếu cả tâm và trí đều tham dự, chúng ta có thể phát triển một cái nhìn
mới về cuộc đời và về chính mình, không còn nhìn cuộc đời qua cái nhìn
hạn hẹp của tự ngã, nhưng nhìn nó như là một tổng thể. Thí dụ,
nếu nói đến khổ đau hay dukkha, khuynh hướng tự nhiên của chúng ta là
phản kháng lại nó – và khi ta càng chống đối lại một điều gì, ta lại
càng cảm thấy đau đớn hơn. Nhưng khi ta hiểu được rằng đau khổ
là thường tình, ta sẽ không còn chống đối nó nữa. Kết quả là, khi
chúng ta phát khởi lòng bi mẫn đối với bản thân và tất cả muôn loài,
chúng ta không còn đau khổ như thế nữa.
-
Tiến trình này chỉ có thể được cảm nhận qua sự thực tập hằng ngày. Nếu
muốn xây dựng đời sống của mình trên một nền tảng tâm linh thật sự,
chúng ta phải hành trì chánh niệm mỗi ngày để có thể giúp phát sinh sự
‘chứng nghiệm trong hiểu biết’. Điều này lúc đầu có thể khó
khăn, vì nó mới lạ, nhưng một khi chúng ta đã thực tập trong một thời
gian, sống chánh niệm trở thành một việc tất nhiên. Suy cho cùng, sống
chánh niệm như thế cũng giúp chúng ta tránh khỏi bao ác nghiệp.
-
Cuối bài kinh, câu kệ kết này tóm lược tất cả bảy tài sản:
- Bất cứ ai
sống đời đạo hạnh, với tự tin và lòng tin,
Biết sợ trách móc và có lương tri,
Tu tập tâm rộng lượng và kiến thức,
Với trí tuệ là tài sản thứ bảy –
- Bất kỳ ai đã
tìm được những tài sản này,
Dầu nam hay nữ,
Đều được coi như những người giàu có,
Họ không sống cuộc đời vô nghĩa.
Đó là lý do thiện hữu tri thức phải
Thực hành tự tin và trì giới,
Cũng như trí tuệ và tín tâm,
Sống chánh niệm với những lời Phật dạy.
--o0o--
|