TỦ SÁCH PHẬT HỌC

THẬP BÁT A LA HÁN
Tác Giả: Lâm Thế Mẫn
   Việt Dịch:
Thích Đạo Luận
--o0o--
 
              5- NẶC CỰ LA
 
             Tôn giả Nặc-cự-la là vị La-hán thứ năm trong mười sáu vị La-hán. Hiện tại, ngài cùng hơn tám trăm vị đệ tử trú tại Nam Thiệm-bộ Châu.
             Nam Thiệm-bộ Châu còn gọi là Nam Diêm-phù-đề nằm trong biển lớn phía nam núi Tu Di.
             Nặc-cự-la chứng quả rất sớm. Ðương thời, có vị ngoại đạo tên Uất-đầu-lam-tử, công phu thiền định của ông ta rất cao, có thể tọa thiền suốt ba tháng.
Có lần, Uất-đầu-lam-tử nói với Nặc-cự-la:
- Tôi không tin Phật pháp cũng không cần tu theo phương pháp của Phật nhưng vẫn đắc được định lực, đạt đến cảnh giới nhất tâm bất loạn.
- Ồ không, ông sai rồi! Thiền định nhà Phật không giống cách tọa thiền của ngoại đạo. Công phu nhà Phật vượt qua sự quán chiếu bằng trí tuệ, nhẫn nhục thử thách, nghiêm trì tịnh giới mới đạt được, vả lại khi đạt đến rồi thì không bao giờ thối chuyển. Còn ông theo phương pháp tu luyện của ngoại đạo, tuy đạt được định lực, song chỉ là tạm thời không thể an trú vĩnh viễn trong pháp lạc thanh tịnh giải thoát, một khi bị hoàn cảnh bên ngoài quấy nhiễu, định lực sẽ hủy hoại, tán loạn.
- Hừ, ông còn kém lắm! – Uất-đầu-lam-tử không tin.
Thấy Uất-đầu-lam-tử không tin, Nặc-cự-la cũng không phản bác lại. Ngài lặng lẽ bỏ đi. Dù sao thì sự thật sẽ chứng minh tất cả.
Ðương thời, vua nước Ma-kiệt-đà rất tôn kính Uất-đầu-lam-tử. Vua cho rằng pháp thuật và công phu thiền định của ông ta hơn hẳn Nặc-cự-la nên cứ cách mỗi nửa tháng thì tổ chức một lần trai diên để cúng dường Uất-đầu-lam-tử. Mỗi lần đến, ông ta đều bay từ không trung xuống, thần khí phi thường.
Lần nọ, vua có việc đi xa có thể phải mất ba tháng mới về. Sắp đi, vua gọi đến một thể nữ vừa đẹp, vừa biết hầu hạ dặn cứ cách năm ngày phải luộc rau thật ngon chiêu đãi Uất-đầu-lam-tử.
Ðược thể nữ tiếp đãi tận tình chu đáo, Uất-đầu-lam-tử vô cùng thích thú, trong lòng bỗng nảy ra ý nghĩ: “Thể nữ này vừa xinh vừa luộc rau ngon, hầu hạ lại hết lòng, nếu như được bầu bạn luôn bên ta, điều đó há chẳng phải là sung sướng biết chừng nào sao?!”
Do mống khởi ý niệm này mà công phu thiền định bấy lâu của Uất-đầu-lam-tử đều tiêu mất, không bay được nữa. Ông ta đành đi bộ về lại chỗ mình ở.
Uất-đầu-lam-tử kinh sợ, thấy không thể coi thường nên vội kiết già tọa thiền để công lực khôi phục lại. Nhưng khi mới ngồi xuống thì trong đầu hiện lên toàn giọng nói và hình bóng của thể nữ, ông ta không thể nhập định được.
Uất-đầu-lam-tử chạy đến rừng ngồi thì tiếng kêu rú của chim thú vang lên trong tai. Ông ta chạy đến bên sông thì lại nghe tiếng huyên náo của các loài cá, ba ba dưới nước. Không nhập định được, ông ta căm ghét bọn chúng, giận dữ lập một ác nguyện: “Ta nguyện đời sau đầu thai làm một quái vật, trên trời quắp hết các loài chim, dưới đất vồ chụp hết dã thú, trong nước túm bắt tất cả cá, ba ba.”
Vì khởi ác niệm như thế nên toàn bộ công phu thiền định trước kia của ông ta đều tiêu mất. Ðáng thương hơn là sau khi chết, ông ta bị đọa vào địa ngục thọ khổ.
Nặc-cự-la dùng thiên nhãn thông thấy Uất-đầu-lam-tử đọa địa ngục. Ngài than, rồi nói với vua:
- Ðó chính là chỗ pháp tu không rốt ráo của ngoại đạo, những phiền não cơ bản của con người, ông ta chưa diệt trừ hết.
- Ngài nói sao? - Vua hỏi.
- Tôi ví dụ phiền não giống như cỏ độc, chúng ta nhổ cỏ phải nhổ tận gốc, nếu chỉ dùng lưỡi liềm cắt thì không lâu nó sẽ mọc dài ra lại.
- À, Ngài nói có lý.
Lúc này, vua mới hiểu Phật pháp chân chánh đáng quý và phát khởi niềm tôn kính Tôn giả Nặc-cự-la vô hạn. Từ đó, vua dốc lòng ủng hộ hoằng dương Phật giáo.

 

--o0o--