TỦ SÁCH PHẬT HỌC

THẬP BÁT A LA HÁN
Tác Giả: Lâm Thế Mẫn
   Việt Dịch:
Thích Đạo Luận
--o0o--
Phụ Trương Về Thập Bát La Hán
            
             HUYỀN THOẠI DÂN GIAN VỀ MƯỜI TÁM VỊ LA-HÁN
1. Sự tích thứ nhất được kể trong tập sách viết bằng chữ Hán của thầy giáo thọ Hoằng Khai, trụ trì chùa Càn an, tỉnh Bình định, vào năm Tự Ðức thứ tư (1857). Theo sách này thì nước Triệu có một nàng công chúa tên Hy Ðạt, vốn chí thành mộ đạo, nàng chuyên niệm danh hiệu đức Phật A Di Ðà. Năm mười lăm tuổi, nàng ăn một đóa hoa sen vàng, rồi hoài thai đến sáu năm mới sinh ra mười tám đồng tử. Các đồng tử ấy về sau được đức Quan Âm hóa độ và thọ ký để họ trở thành mười tám vị La-hán.
Nội dung sự tích này khá lý thú, tương đối có giá trị về mặt văn chương, nhưng cốt truyện lại pha trộn tinh thần Phật, Khổng, Lão nên ít có giá trị về mặt lịch sử.
2. Sự tích thứ hai: Tương truyền ngày xưa, tại Trung Quốc có mười tám tên cướp rất hung dữ. Về sau họ hồi tâm cải tà quy chánh, nương theo Phật pháp tu hành và đắc giả A-la-hán.
Sự tích này tương đối có ý nghĩa, nhưng lại có tính cách huyền thoại, do đó ít được người ta chấp nhận.
Ðạo Luận (sưu tầm)
Theo truyền thuyết Trung Hoa
Thuở xưa, ở ngôi làng nọ có một vị trưởng giả giàu lòng nhân từ, tôn thờ Tam bảo, tin hiểu nhân quả. Nhà ông ta giàu có, ruộng vườn mênh mông bát ngát “cò bay thẳng cánh”. Trong nhà, ông ta có nuôi một con bạch mã để hàng ngày chuyên chở thóc lúa.
Vào một đêm, ông trưởng giả cứ trằn trọc bâng khuâng, giấc ngủ chẳng thành, trạng thái bất an vương vấn mãi trong lòng. Sẵn đêm khuya cảnh vắng, gió mát trăng thanh, ông ngồi dậy dạo gót ra vườn, rồi lần hồi đi qua chuồng ngựa, thì bỗng nhiên có người gọi giật ngược: “Ông trưởng giả!”. Ông trưởng giả giật mình ngó quanh chẳng thấy ai. “Ông trưởng giả!” – Tiếng gọi một lần nữa lại phát ra. Lúc đó, ông mới biết đích thật âm thanh ấy phát ra từ chuồng ngựa. Chưa kịp trấn tĩnh thì con bạch mã nói tiếp: “Ông đừng ngạc nhiên, chính tôi gọi ông đấy!” Ông trưởng giả lắp bắp: “Mày.....mày.... nói được tiếng người sao?”. Con bạch mã đáp: “Ðúng vậy! Ông đừng lấy làm lạ, tôi sẽ kể cho ông nghe mọi chuyện”.
             Vào thời quá khứ, tôi đã ăn cắp của ông bảy nắm thóc, nhân quả báo ứng nên kiếp này phải đọa làm thân ngựa chở thóc trả nợ cho nhà ông đúng bảy năm. Giờ thì mãn kiếp, giây lát nữa đây tôi sẽ từ giã cõi đời nhưng vì ơn ông đối xử với tôi quá tốt, không một chút đòn roi, tôi không biết làm sao để tỏ lòng tri ân. Vậy tôi mách bảo một chuyện cho ông biết. Khuya mai, cũng vào giờ này có mười tám tên tướng cướp, chúng sẽ tấn công gia trang của ông. Ông phải thiết bày hương án để nghinh đón họ và giải thích nhân quả để cho họ biết mới mong thoát khỏi đại nạn.
Dứt lời, bạch mã từ từ quị xuống nhắm mắt lại, bắt đầu giấc ngủ ngàn thu. Ông trưởng giả ngậm ngùi xót thương và làm theo lời bạch mã.
Ðêm hôm sau, đúng vào giờ tý canh hai, từ xa có tiếng vó ngựa vọng lại, rồi dần dần rầm rộ trước cửa gia trang ông trưởng giả. Ngay lập tức, bọn cướp tung cửa xông vào; nhưng đột ngột tên thủ lĩnh kéo dây cương, làm con ngựa dừng lại, đưa hai chân, hí lên một tiếng vang dội giữa đêm khuya thanh vắng. Vì phía trước có một bàn hương án khói hương nghi ngút chắn ngang, và một ông lão quắc thước ngồi im lặng bất động, hòa quyện giữa màn sương lạnh đêm khuya mờ mờ ảo ảo. Cả toán cướp rợn cả người chưa kịp xử lý ra sao thì ông trưởng giả đứng dậy. “Choảng!” tên thủ lĩnh tuốt gươm khỏi bao, lưỡi thép già sắc xanh phản ánh trăng chiếu lên khuôn mặt hắn đầy sát khí. Ông trưởng giả bình tĩnh thong thả bước đến vái chào tên thủ lĩnh:
 - Tôi đã chờ các vị từ lâu rồi.
Tên thủ lĩnh kinh ngạc hỏi dồn:
             - Ông làm sao biết ta đêm nay hạ sơn cướp gia trang mà đón chờ? Vì sao không tìm cách đối phó mà lại bày trò quái quỉ gì đây?
Ông trưởng giả bèn thuật lại đầy đủ câu chuyện của con ngựa đã mách bảo. Sau giây phút bàng hoàng im lặng, tên thủ lĩnh xuống ngựa đến trước bàn hương án nói:
             - Chỉ có bảy nắm thóc mà phải chở lúa trả nợ bảy năm huống gì cuộc đời của ta mười năm gươm không ráo máu, giết người không gớm tay, tội lỗi cao như núi, nghiệp chướng sâu như biển. Giờ thì mới hiểu, những thú vui ngắn ngủi phù du của một kiếp người, trong chốc lát đã dọn đường cho sự đau khổ triền miên ở cõi bên kia.
Ðoạn ngước mặt lên trời thở một hơi dài, đôi dòng lệ lăn tròn trên má. Bất chợt, tên thủ lĩnh rút dao ngắn đâm vào ngực, móc trái tim bỏ lên bàn rồi ngã xuống, máu loang đỏ cả mặt đất.
- Ðại ca! – Mười bảy tên cướp cùng kêu to chạy tới quỳ mọp xuống đất, hòa trong tiếng khóc nấc nghẹn đớn đau. Biết đại ca mình đã ăn năn hối lỗi phải đền nợ sám hối bằng trái tim máu chân thành, nên cuối cùng mười bảy tên cướp còn lại ấy cũng tự sát theo cái chết cao cả của đại ca, dâng tiếp mười bảy trái tim lên bàn hương án tạ tội.
Ðêm nay trái đất như ngừng quay, thời gian như đứng im lắng đọng, để tiễn đưa mười tám linh hồn vừa thức tỉnh sau cơn mê trở về miền Tây phương cực lạc. Có lẽ, nẻo đường của Bồ-tát là thị hiện và hạnh nguyện, đem hạt giống Bồ-đề gieo ngay cánh đồng sanh tử khô cằn với những khổ đau triền miên của chúng sanh. Vì vậy, họ lại mang sứ mạng của Như lai làm mười tám vị La-hán, quay lại cõi Ta bà để cứu vớt những chúng sanh với khát vọng cháy bỏng mong tìm con đường sáng.
Cuộc đời mười tám vị La-hán có nhiều chi tiết mà ta ngỡ là hoang đường khó tin, như truyện Liêu Trai Chí Dị. Nhưng sự thật trên đời có gì đẹp hơn, thi vị hơn cho bằng những câu chuyện hoang đường, thần thoại, cổ tích, truyền kỳ? Chính những câu chuyện hoang đường, thần thoại, cổ tích, truyền kỳ ấy mới nói lên thực tại kỳ bí của con người và cuộc đời.
Nha Trang, Long Sơn thân cận thiện xứ.
Như Giáo
--o0o--