|
ĐẠO ĐỨC PHẬT GIÁO
-
ĐẠO ĐỨC PHẬT
GIÁO
-
&
HẠNH PHÚC CON NGƯỜI
-
Hòa Thượng Thích Minh Châu
---o0o---
-
-
27
-
- KINH VÍ
DỤ TẤM VẢI
-
- Việc huấn
luyện tâm và cải thiện tâm là vấn đề được đức Phật quan tâm hàng
đầu. Chúng ta có thể thấy có rất nhiều phương thức được đức Phật
trình bày như là pháp môn tu tập nhằm huấn luyện và cải thiện
tâm. Ở đây, chúng tôi muốn giới thiệu một pháp môn tu tập rất
thiết thực, cụ thể, đơn giản nhưng đầy đủ, đó là pháp môn tu tập
qua kinh Ví Dụ Tấm Vải.
- (1) Trước
hết, đức Phật trình bày giáo lý nhân quả được cụ thể hóa bằng ví
dụ tấm vải. Ngài dạy:
- "Này các
Tỷ-kheo, như một tấm vải cấu uế, nhiễm bụi, một người thợ nhuộm
nhúng tấm vải ấy vào thuốc nhuộm này hay thuốc nhuộm khác, vải
ấy sẽ được màu nhuộm không tốt đẹp, sẽ được màu nhuộm không sạch
sẽ. Vì sao vậy? Này các Tỷ-kheo, vì tấm vải không được sạch sẽ.
Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, cõi ác chờ đợi một tâm cấu uế. Này
các Tỷ-kheo, như một tấm vải thanh tịnh, trong sạch, một thợ
nhuộm nhúng tấm vải ấy vào thuốc nhuộm này hay thuốc nhuộm khác,
vải ấy sẽ được màu nhuộm tốt đẹp, sẽ được màu nhuộm tốt đẹp. Vì
sao vậy? Này các Tỷ-kheo, vì tấm vải được trong sạch. Cũng vậy,
này các Tỷ-kheo, cõi thiện chờ đợi một tâm không cấu uế".
- Tâm Không cấu
uế sẽ đưa đến kết quả được sanh vào cõi thiện, còn tâm cấu uế sẽ
đưa đến kết quả sanh vào cõi ác; cũng như tấm vải dơ hay sạch
tất sẽ đưa đến kết quả màu nhuộm của nó xấu hay đẹp của chính
nó, cho dù được nhuộm với màu với màu nhuộm gì. Thực tế là như
vậy, bởi vì giá trị tấm vải trước hết phải là chất lượng, chứ
không phải màu nhuộm. Ở đây chịu trách nhiệm tạo ra mọi hạnh
phúc hay khổ đau của chính chúng ta trong đời này và đời sau.
Khi chúng ta hành động cho dù bất cứ công việc gì thì công việc
ấy vẫn chưa xác định là thiện hay ác, nếu chưa có sự tác ý của
tâm. Mọi hình thức công việc trong đời này chỉ là "màu nhuộm" mà
thôi. Màu nhuộm ấy luôn luôn có giá trị tùy thuộc vào "tấm vải"
tâm của chúng ta. Mối tương quan này là nghiệp nhân; và nghiệp
quả là cõi thiện, cõi ác. Với ví dụ tấm vải, chúng ta dễ dàng
soi rọi vào tâm của chúng ta, dễ dàng thấy được quy luật nhân
quả vận hành như thế nào để có chánh kiến cho đường hướng tu tập
của mình.
- (2) Kế tiếp,
đức Phật đi sâu vào phân tích các trạng thái cấu uế của tâm; và
khi biết được chúng là cấu uế của tâm thì cấu uế ấy được đoạn
trừ. Chẳng hạn, khi biết được tham dục là cấu uế của tâm đưa đến
cõi ác trong tương lai thì tham dục ấy được đoạn trừ. Như một
người biết một món ăn được nấu bằng những chất liệu có nhiều độc
tố gây bệnh nguy hiểm và ảnh hưởng đến tính mạng trong tương
lai, người ấy sẽ từ bỏ, không ăn món ăn đó.
- Bằng kinh
nghiệm chúng ngộ, đức Phật phân tích cấu uế của tâm gồm có mười
sáu pháp, tức là dục tham, sân, phẫn, hận, hư ngụy, não hại, tật
đố, xan tham, man trá, khi cuống, ngoan cố, cấp tháo, mạn, quá
mạn, kiêu, phóng dật (abhijjha-visama-lobha, byapada, kodha,
upanaha, makkha, palasa, issa, macchariya, maya, satheyya,
thambha, sarambha, mana, atimana, mada, pamada).
- Mười sáu pháp
này là mười sáu pháp tu quán, nhìn thẳng vào tâm của mình. Khi
biết loại cấu uế nào khởi lên trong tâm, thấy sự nguy hiểm của
cấu uế này và quán sát như vậy nhiều lần, chúng ta có thể đoạn
trừ được nó.
- (3) Khi biết
và đoạn trừ được cấu uế của tâm, vị ấy thành tựu lòng tin tuyệt
đối đối với đức Phật: "Ngài là bậc Thế Tôn A-la-hán, Chánh đẳng
giác, Minh hạnh túc, Thiện thệ, Thế gian giải, Vô thượng sĩ,
Điều ngự trượng phu, Thiên nhân sư, Phật, Thế Tôn". Vị ấy thành
tựu lòng tin tuyệt đối với Pháp: "Pháp được Thế Tôn khéo thuyết
giảng, thiết thực hiện tại, không có thời gian, đến để mà thấy,
có khả năng hướng thượng, được người có trí chứng hiểu". Vị ấy
thành tựu lòng tin tuyệt đối đối với Tăng: "Diệu hạnh là chúng
Tăng đệ tử Thế Tôn, trực hạnh là chúng Tăng đệ tử Thế Tôn, như
lý hạnh là chúng Tăng đệ tử Thế Tôn, Chánh hạnh là chúng Tăng đệ
tử Thế Tôn. Tức là bốn đôi tám vị. Chúng Tăng đệ tử của Thế Tôn
đáng được cung kính, tôn trọng cúng dường, đáng được chấp tay,
là phước điền vô thượng ở đời".
- Ba ngôi báu
là chuẩn mực lý tưởng cho đời sống tâm linh của người đệ tử
Phật. Lòng tin Tam bảo ở đây là lòng tin ở mức độ cao, với cấu
uế đã được đoạn trừ, nên đức Phật gọi là "Thành tựu lòng tin
tuyệt đối" đối với Tam bảo. Đây là sự thành tựu của hành giả
trên đạo lộ tu tập đoạn trừ các tâm cấu uế.
- (4) Đến giai
đoạn này, vị ấy đã đạt đến sự giải thoát, sự xả ly. Vị ấy tự
nghĩ: "Ta thành tựu lòng tin tuyệt đối với Phật, Pháp. Tăng" và
chứng được nghĩa tín thọ, pháp tín thọ, chứng được hân hoan liên
hệ đến pháp; từ hân hoan, hỉ sanh; từ hỉ, thân được khinh an; từ
thân khinh an, cảm giác được lạc thọ; với lạc thọ, tâm được
Thiền định. Chỉ với lòng tịnh tín bất động đối với Tam bảo, vị
ấy cũng có thể đạt được giải thoát.
- Vị Tỷ-kheo
thành tựu giới như vậy (đoạn trừ cấu uế), pháp như vậy (thành
tựu lòng tin tuyệt đối đối với Tam bảo), tuệ như vậy (sự giải
thoát, sự xả ly), nếu có ăn đồ ăn khất thực với gạo thơm, hạt
đen được vất đi, với các món ăn khác cũng không vì vậy trở thành
một chướng ngại cho vị ấy, Như một tấm vải cấu uế, nhiễm bụi,
được bỏ vào trong nước sạch trở thành thanh tịnh sạch sẽ, như
vàng bỏ vào lò lửa trở thành thanh tịnh sạch sẽ.
- Vị hành giả
đến đây đã được đạt tâm tự tại. Dù vị ấy có thọ dụng các vật
dụng thế gian, hay hành động với hình thức nào thì những hình
thức đó đều biểu lộ sự vô hại, không trở thành chướng ngại cho
vị ấy, vì vị ấy không còn tham đắm, tâm không bị chi phối bởi
các vật dụng. Lúc này vị ấy sống nương tựa vào pháp, an trú vào
pháp; và chính pháp đã khiến cho vị này trở thành thanh tịnh
sạch sẽ hơn; như nước trong sạch làm cho tấm vải sạch sẽ hơn,
lửa làm cho vàng tinh khiết hơn.
- (5) Qua quá
trình tu tập như vậy, vị hành giả đạt được sự thanh tịnh tự
thân; và tâm không còn bị dao động. Khi đạt được như vậy, đức
Phật hướng dẫn cho hành giả tu tập bước tiếp theo, đó là tu tập
bốn vô lượng tâm: từ, bi, hỉ, xả. Ngài dạy: "Vị ấy an trú, biến
mãn một phương với tâm cùng khởi với từ, cũng vậy phương thứ
hai, cũng vậy phương thứ ba, cũng vậy phương thứ tư. Như vậy
cùng khắp thế giới, trên dưới, bề ngang, hết thảy phương xứ,
cùng khắp vô biên giới, vị ấy an trú biến mãn với tâm cùng khởi
với từ, quảng đại vô biên, không hận, không sân. Vị ấy an trú
biến mãn một phương với tâm cùng khởi với bi... , hỉ... , xả...
quảng đại vô biên, không hận, không sân".
- Trong giai
đoạn này, vị hành giả phát khởi tâm rộng lớn hơn. Tâm từ, bi,
hỉ, xả được mở ra không có giới hạnh trong bất cứ đối tượng nào,
phương xứ nào. Tinh thần lợi tha được thực hiện triệt để ở nơi
đây; và trong lúc hành lợi tha, hành giả cũng đạt được tâm hướng
thượng và giải thoát cho tự thân.
- (6) Sự thành
tựu do tu tập bốn vô lượng tâm khiến hành giả dần dần bước vào
tuệ giác cứu cánh phạm hạnh. Vị ấy biết: "Có cái này, có cái hạ
liệt, có cái cao thượng, có sự giải thoát vượt qua các tưởng".
Do biết và thấy như vậy, tâm được giải thoát khỏi dục lậu, hữu
lậu, vô minh lậu. Đối với tự thân đã giải thoát, trí khởi lên:
"Ta đã giải thoát, sanh đã tận, phạm hạnh đã thành, những việc
nên làm đã làm, không còn trở lui trạng thái này nữa".
- (7) Từ khi
mười sáu pháp cấu uế hiện hữu trong tâm cho đến khi chứng được
quả A-la-hán là một quá trình gột rửa nội tâm. Đối với hành giả
thành tựu quả vị cuối cùng này, đức Phật gọi là vị "được tắm nội
tâm". Như vậy, pháp môn tu tập theo Kinh Ví Dụ Tấm Vải này là
pháp môn huấn luyện, cải thiện nội tâm theo trình tự thứ lớp
được áp dụng cho bất kỳ ai. Điều quan trọng được Kinh này nhấn
mạnh là chúng ta phải có chánh kiến ngay từ bước ban đầu, nghĩa
là do tâm tác thành. Và trong quá trình tu tập, vị hành giả luôn
luôn theo dõi sát tâm của mình, biết được cấu uế nào đang khởi
lên và đoạn trừ cấu uế ấy. Khi tất cả các cấu uế đã được đoạn
trừ, con đường thênh thang sẽ tự mở ra cho sự an lạc và giải
thoát, vì cấu uế chính là chướng ngại căn bản, làm che mờ sự
giác ngộ giải thoát. Lòng tịnh tín bất động đối với Phật, Pháp,
Tăng chỉ được phát sinh khi cấu uế của tâm đã được đoạn trừ.
Cũng như để tu tập bốn vô lượng tâm được thành tựu viên mãn thì
vị hành giả phải là người đã đoạn tận cả các tâm cấu uế.
- Không có một
sức mạnh từ bên ngoài nào có thể gột rửa được tâm cấu uế của
chúng ta. Và cũng không có một thế lực từ bên ngoài nào có khả
năng đem lại sự giải thoát cho chúng ta, mà mỗi người phải tự
mình làm cho mình giải thoát thanh tịnh, mỗi người phải tự mình
làm cho mình giải thoát. Như tiếng chuông cảnh tỉnh giữa đêm dài
chi những ai mù quáng tin theo những phong tục mê tín, đức Phật
tuyên bố sông Bahuka, sông Gàya, sông Sundarikà không thể đem
lại sự giải thoát cho kẻ ngu nhiều ác nghiệp, cũng không thể rửa
sạch nghiệp đen của kẻ ác gây tội. Rồi Ngài nói lên bài kệ sau:
- Với kẻ sống thanh tịnh,
Ngày nào cũng ngày tốt,
Với kẻ sống thanh tịnh
Ngày nào cũng ngày lành.
Các tịnh nghiệp thanh tịch,
Luôn thành tựu thiện hạnh
Này vị Bà-la-môn
Chỉ nên tắm ở đây,
Khiến mọi loài chúng sinh
Được sống trong an ổn
Nếu không nói dối trá,
Nếu không hại chúng sinh,
Không lấy của không cho,
Có lòng tin không tham,
Đi Gagà làm gì?
Gaỳa, một giếng nước!".
- Đức Phật đã
mở ra một con đường tìm cầu hạnh phúc chân thật, không huyền bí,
không cao siêu, mà rất thiết thực, phù hợp với mọi tâm tư của
con người. Trong kinh Ví Dụ Tấm Vải, đức Phật nói lên một trình
tự tu tập từ đầu cho đến khi giải thoát, tuy nhiên, ví dụ tấm
vải vẫn là biểu tượng rõ ràng cho tâm của chúng ta; và phương
pháp làm cho tấm vải trong sạch như thế nào thì phương pháp làm
cho tâm của chúng ta trong sạch cũng như vậy.
- (Kinh
Ví Dụ Tấm Vải, Trung Bộ I, số 7)
--o0o--
|
|