|
ĐẠO ĐỨC PHẬT GIÁO
-
ĐẠO ĐỨC PHẬT
GIÁO
-
&
HẠNH PHÚC CON NGƯỜI
-
Hòa Thượng Thích Minh Châu
---o0o---
-
-
29
-
- KINH
ĐIỀM LÀNH TỐI THƯỢNG
-
- Bài kinh
"Điềm lành tối thượng" nói về nếp sống học pháp và hành pháp của
người Phật tử, một nếp sống thiết thực, có cân nhắc chọn lựa
giữa thiện và bất thiện: một nếp sống cung kính khiêm tốn, biết
làm tròn các bổn phận; một nếp sống không phóng dật, biết điều
phục thân tâ, hướng đến Thiền định và trí tuệ.
- Bài kinh này
(kinh số IV, Phẩm Nhỏ, Kinh Tập) do đức Phật thuyết giảng cho
một vị này đến hỏi Ngài về ý nghĩa của điềm lành. Sau đây là câu
hỏi của vị Thiên nhân:
- "Nhiều thiên nhân và người
Suy nghĩ đến điềm lành
Mong ước và chờ đợi
Xin Ngài hãy nói lên
Về điềm lành tối thượng".
- Như vậy, điềm
lành là niềm mong ước và chờ đợi của tất cả mọi người. Cả chư
Thiên và loài Người đều mong ước và chờ đợi điềm lành, đúng như
lời vị Thiên nhân đã nói. Nhưng điềm lành ấy là gì? Đó là một
nếp sống an toàn và an lành, đáp ứng lòng tha thiết của mọi
người. Quả vậy, tất cả mọi người chúng ta đều mong ước và chờ
đợi một nếp sống an toàn. Nhưng nếp sống an toàn sẽ không tự
dưng đến với chúng ta nếu không được nuôi dưỡng và xây dựng tốt
cả mọi người chúng ta. Và đó là lý do vì sao đức Phật giảng dạy
kinh Điềm lành của người Phật tử, mà chúng tôi sẽ lần lượt trình
bày sau.
- Trước hết điềm lành thứ nhất là:
- "Không thân cận kẻ ngu
Nhưng gần gũi bậc trí
Đảnh lễ người đáng lễ
Là điềm lành tối thượng".
- Điềm lành tối
thượng đầu tiên mà người Phật tử cần nuôi dưỡng là thái độ chọn
lựa giữa kẻ ngu và bậc trí để giao thiệp, thân cận, người ngu
thời xa lánh, bậc trí thời gần gũi. Đây là thái độ hết sức căn
bản nhằm xác định người nào nên theo, cũng như pháp nào nên
theo, pháp nào cần từ bỏ. Người trí tiêu biểu cho tiếng nói của
Chánh pháp, thiện hạnh, đạo đức, do đó là người nên theo, nên
gần gũi, thân cận. Kẻ ngu tiêu biểu là tà pháp, ác hạnh, phi đạo
đức, do đó cần xa lánh, không nên gần gũi. Đây là điềm lành thứ
nhất mở đường cho nếp sống thiện, nếp sống thiện, nếp sống bỏ ác
làm lành của người Phật tử.
- "Học nhiều nghề nghiệp giỏi
Khéo huấn luyện học tập
Nói những lời khéo nói
Là điềm lành tối thượng".
- Một điềm lành
khác mà người Phật tử cần nuôi dưỡng ấy là về phương diện học
tập và rèn luyện cho thật giỏi. Để xây dựng cuộc sống hạnh phúc,
người Phật tử cần phải nỗ lực học tập thật nhiều cũng như cần
phải nắm vững tay nghề của mình và không ngừng học hỏi thêm
nhiều kinh nghiệm trong cuộc sống. Học tốt làm tốt rồi, người
Phật tử cũng cần nói lời tốt đẹp nữa. Đó là điềm lành tối thượng
thứ hai vậy.
- Điềm lành tiếp theo đây là:
- "Hiếu dưỡng mẹ và cha
Nuôi dưỡng vợ và con
Làm nghề không rắc rối
Là điềm lành tối thượng".
- Đây là điềm
lành nói về trách nhiệm và bổn phận của một người Phật tử sống
tại gia đình, có trách nhiệm chăm lo đời sống cho vợ con và bổn
phận đối với cha mẹ khi cha mẹ tuổi già. Là người Phật tử thì
trách nhiệm và bổn phận đối với cha mẹ, vợ con là hết sức quan
trọng. Gia đình có hạnh phúc hay không sẽ tùy thuộc vào mỗi
thành viên trong gia đình có làm tốt trách nhiệm và bổn phận của
mình đối với gia đình hay không. Dĩ nhiên, trách nhiệm và bổn
phận sẽ tùy thuộc vào vị trí và vai trò của từng thành viên
trong gia đình mà có sự sai khác. Ở đây vì nhấn mạnh đến vai trò
chủ quản của người Phật tử ở trong gia đình nên trách nhiệm và
bổn phận của vị ấy là chăm sóc nuôi dưỡng vợ con và phụng dưỡng
cha mẹ. Bởi có trách nhiệm chăm lo đời sống cho cha mẹ vợ con
nên người ấy cần có công ăn việc làm ổn định. Người ấy cần làm
việc với nghề nghiệp hợp pháp, đúng pháp. Vị ấy không nên vì bất
cứ lý do gì mà làm các nghề nghiệp không hợp pháp khiến gây bất
an cho gia đình và làm rối loạn xã hội. Trong trách nhiệm nuôi
dưỡng vợ con thì người Phật tử không những phải chăm lo đầy đủ
các tiện nghi vật chất cho vợ con, mà còn phải chú ý đến đời
sống tinh thần của vợ con nữa. Người Phật tử cần dành thì giờ để
chăm lo việc giáo dục con cái, hướng dẫn trở thành những đứa con
ngoan, những học trò giỏi. Người ấy cần vui vẻ, hòa thuận với vợ
mình trong mọi công việc và đặc biệt, cần lắng nghe và tham khảo
ý kiến của cha mẹ trong nhiều trường hợp. Đó là dấu hiệu của
điềm lành tối thượng dành cho những ai khéo cư xử tốt trong các
trách nhiệm và bổn phận đối với gia đình.
- Một điềm lành khác:
- "Bố thí, hành đúng pháp
Săn sóc các bà con
Làm nghiệp không lỗi lầm
Là điềm lành tối thượng".
- Ngoài các
quan hệ có tính cách gia đình ra, người Phật tử cũng cần có
những quan hệ khác như quan hệ với bà con thân hữu, quan hệ với
mọi người ở trong xã hội. Ở đây, một điềm lành khác chờ đợi
người Phật tử đó là việc bố thí đúng pháp và săn sóc các bà con
thân thuộc khi những người này cần đến sự giúp đỡ của mình.
Trong trường hợp này, người
- Phật tử cần có thái độ hoan hỷ
và thiệp vì đây là những quan hệ khá tế nhị. Việc bố thí không
những cần đúng pháp, đúng đối tượng, mà cũng cần đúng lúc, đúng
thời và cần được làm với một tâm tư hoan hỷ, trân trọng. Tương
tự, việc săn sóc, giúp đỡ các bà con cũng cần được tiến hành với
các tinh thần trên thì mới có kết quả tốt đẹp, lợi mình, lợi
người. Mọi việc làm của người Phật tử cần phải được làm một cách
đúng pháp, không lỗi lầm thì kết quả mới tốt đẹp. Đó là dấu hiệu
của điềm lành tối thượng vậy.
- Một điềm lành khác nữa:
- "Chấm dứt, từ bỏ ác
Chế ngự đam mê rượu
Trong pháp, không phóng dật
Là điềm lành tối thượng".
- Đây là điềm
lành nói về sự tu tập cá nhân, không phóng dật trong cuộc sống,
từ bỏ điều ác và chế ngự sự đam mê cờ bạc, rượu chè. Có thể nói
đây là các đức tánh hết sức căn bản nhằm xây dựng nhân cách tốt
đẹp cho người Phật tử, bởi vì người Phật tử là người luôn luôn
gương mẫu trong nếp sống không phóng dật, nếp sống từ bỏ điều
ác, làm các điều lành và nếp sống không chạy theo rượu chè, cờ
bạc. Không phóng dật tức là không để cho thân, khẩu, ý tự do
hoạt động theo sở thích của mình, mà ngược lại, cần phải thường
xuyên theo dõi và kiểm soát thân, khẩu, ý, không để chúng rơi
vào các hành vi ác, bất thiện. Chấm dứt hay từ bỏ ác có nghĩa là
xa lìa các hành động ác, bất thiện như sát sanh, lấy của không
cho, tà hạnh trong các dục, nói láo, nói hai lưỡi, nói lời độc
ác, nói lời phù phiếm, tham dục, sân hận, tà kiến. Đây là nếp
sống thông minh, sáng suốt của người Phật tử nhằm xây dựng hạnh
phúc cho cá nhân, gia đình và xã hội. Chế ngự đam mê rượu chè là
nếp sống thông minh, sáng suốt của người Phật tử. Bởi rượu chè
làm cho con người mất đi bản tính sáng suốt, thiếu tự chủ trong
mọi hành động, dẫn đầu nhiều hậu quả tai hại. Do đó, người Phật
tử kiên quyết không uống rượu hay các chất say tức là đang sống
một đời sống tỉnh táo, sáng suốt, có thể nhìn rõ mọi sự bằng cặp
mắt bình thường của mình, chớ không phải bằng con mắt quờ quạng,
bệnh hoạn. Vì cuộc sống vốn đã quay cuồng rồi, cần phải tỉnh táo
sáng suốt hơn, chớ không nên góp phần làm cho thêm quay cuồng
nữa!
- Tiếp theo là
điềm lành nói về thái độ nghe pháp, thái độ cung kính khiêm tốn
và thái độ cung kính khiêm tốn và thái độ biết đủ, biết ơn của
người Phật tử:
- "Kính lễ và hạ mình
Biết đủ và biết ơn
Đúng thời nghe Chánh pháp
Là điềm lành tối thượng".
- Là người Phật
tử thì việc học pháp, nghe pháp hết sức cần thiết để nuôi dưỡng
tuệ đức cho cá nhân và đóng góp tiếng nói trí tuệ cho con người
và cuộc đời. Bởi trí tuệ là sự nghiệp lớn, giải thoát con người
và cuộc đời khỏi mọi sai lầm, tối tăm do lòng dục, lòng sân và
lòng si gây nên. Vì việc nghe pháp nhắm pháp triển trí tuệ nên
rất quan trọng đối với người Phật tử; có nghe pháp và hành pháp
thì trí tuệ mới phát sinh. Thiếu hoặc không nghe pháp, giống như
người đi trong đêm tối rất khó định hướng, lối đi của mình. Đạo
Phật đề cao trí tuệ, xem trí tuệ là ngọn đèn soi sáng hướng đi
giải thoát của người Phật tử, giống như ngọn hải đăng luôn soi
tỏ hướng đi của các con tàu vậy. Ngoài việc nghe pháp, phát
triển trí tuệ, người Phật tử cần nuôi dưỡng thêm các đức tính
như lòng cung kính khiêm tốn, thái độ biết đủ, biết ơn đối với
cuộc đời vậy. Đây là các đức tính đặc biệt của người Phật tử,
bởi sự khiêm cung luôn là sức mạnh chinh phục mọi kiêu căng, ngã
mạn của con người, thái độ biết ơn là lòng thủy chung cao đẹp;
và mọi cám dỗ của tham dục. Cuộc sống đang ra sức cám dỗ con
người bằng nhiều hình thức hấp dẫn và phương tiện tinh vi, nếu
không nhận ra sự thật của lòng dục (nghĩa là vị ngọt, sự nguy
hiểm, sự xuất ly của các dục) thì con người khó lòng thoát khỏi
sự chi phối của lòng dục. Vì các dục vui ít, khổ nhiều, não
nhiều, sự nguy hại càng nhiều. Do đó thái độ sống biết đủ của
người Phật tử đối với các nhu cầu cuộc sống chính là mũi tên phá
vỡ mọi ràng buộc cám dỗ của tham dục đang nô lệ hóa con người
vậy.
- Các đức tính
khác như nhẫn nhục, nói lời hòa nhã, yết kiến các Sa môn, và bàn
luận chánh pháp cũng là điềm lành cần được nuôi dưỡng của người
Phật tử:
- "Nhẫn nhục lời hòa nhã
Yết kiến các Sa môn
Đúng thời, bàn luận pháp
Là điềm lành tối thượng".
- Các đức tính
này tỏ cho thấy người Phật tử là người có hành trì pháp và tôn
trọng pháp. Bởi có hành trì pháp, tôn trọng pháp, người Phật tử
mới có các đức tính nói trên. Thái độ nhẫn nhục là thái độ của
người Phật tử biết kham nhẫn mọi phiền toái của cuộc đời không
để cho cuộc đời lung lạc bởi sự khen chê, tốt xấu. Với sự nhẫn
nhục đúng pháp, người Phật tử nhìn cuộc đời một cách an nhiên tự
tại, không vui khi được khen, không buồn khi bị chê. Vị ấy đón
nhận mọi việc với lòng thanh thản, thản nhiên. Người Phật tử
cũng là người khéo nói với lời từ tốn, hòa nhã vì "Lời nói không
mất tiền mua". Vậy vì sao không tìm lời tao nhã để nói với nhau?
Một lời nói tao nhã, lịch sự không những để gây cảm tình với
người khác mà còn khiến cho nhân cách người nói được nâng cao.
"Yết kiến các Sa môn và bàn luận chánh pháp": Vì các Sa-môn là
những vị sống tùy thuận pháp và hành trì pháp. Do vậy, yết kiến
Sa-môn, bàn luận chánh pháp với các Sa-môn, là điềm lành tối
thượng của người Phật tử có học pháp và hành pháp vậy.
- Điềm lành
tiếp theo là:
- "Khắc khổ và Phạm hạnh
Thấy được lý Thánh đế
Giác ngộ quả Niết-bàn
Là điềm lành tối thượng".
- Ðây là điềm
lành đòi hỏi nhiều thực hành, thực sâu của người Phật tử trong
giáo pháp giải thoát của đức Phật. Các việc như sống Phạm hạnh
kham khổ, thấy lý Thánh đế, giác ngộ quả Niết-bàn là những việc
khó làm, nhưng đó cũng là các mục tiêu cần hướng đến của người
Phật tử, Phạm hạnh là nếp sống chuyên sâu vào việc thực hành
Giới Ðịnh Tuệ, là nếp sống thanh tịnh về giới đức, từ bỏ hay xa
lìa các dục, các ác pháp, bất thiện pháp để đi vào Thiền chứng;
còn sự phát triển trí tuệ giải thoát nhằm đoạn trừ các phiền
não, lậu hoặc, chấm dứt sinh tử khổ đau. Thấy lý Thánh đế tức là
thấy rõ về bốn chân lý: khổ, khổ đoạn diệt, và con đường đưa đến
khổ diệt. Thấy rằng sanh, già, bệnh, chết là khổ; sự có mặt của
thân ngũ uẩn là khổ, thấy rõ ái là nguyên nhân đưa đến sự khổ
đau tập khởi, thấy rõ ái diệt là khổ diệt, thấy rõ Bát Chánh Ðạo
là con đường đưa đến đoạn diệt khổ đau. Giác ngộ quả Niết-bàn
tức là giác ngộ quả vị tối thượng Bồ-đề của chư Phật. Rõ ràng
người Phật tử sống tại gia khó hoàn thành trọn vẹn đời sống Phạm
hạnh với các sở hành, sở chứng nói trên. Tuy nhiên, đây là các
mục tiêu mà người Phật tử cần nhắm đến, nhất là việc giữ gìn các
giới đức (ngũ giới, thập thiện giới), và hành Thiền là hết sức
cần thiết cho cuộc sống hằng ngày của người Phật tử.
- Một điềm lành
khác nữa chứng tỏ nếp sống có hành trì Thiền định của người Phật
tử:
- "Khi xúc chạm việc đời
Tâm không động, không sầu
Không uế nhiễm, an ổn
Là điềm lành tối thượng."
- Thiền là nếp
sống điều hòa thân tâm dựa trên pháp môn Anàpànasati (quán hiệm
hơi thở) của đức Phật. Thiền bắt đầu bằng việc xa lìa các dục,
các ác pháp, bất thiện để tập trung năng lực vào việc theo dõi
và giác tỉnh về các đối tượng. Có hai đối tượng chính đề bạt
trong Thiền là niệm hơi thở ra vào và giác quán 16 đề tài về
thân thọ, tâm và pháp. Cốt yếu của Thiền dẫn đến sự an tịnh của
thân tâm, khi thân tâm đã tịnh thì hành giả sẽ tập trung niệm
vào 16 đề tài Thiền quán để tiếp tục nuôi dưỡng niệm và để phát
triển trí tuệ về sự sanh diệt của các pháp; nhằm cắt đứt tâm
tham ái - chấp thủ. Dĩ nhiên, Thiền là pháp môn đơn giản nhưng
không dễ làm, bởi Thiền đòi hỏi sự nỗ lực kiên trì thường xuyên
của người thực hành. Người Phật tử chúng ta nên xem Thiền là
pháp môn căn bản cho sự tu tập của mình. Ðặc biệt là cần phải áp
dụng Thiền vào đời sống hằng ngày như là một sinh hoạt thường
nhật. Ban đầu tuy khó khăn nhưng hãy tập, tập nhiều lần rồi mọi
khó khăn sẽ qua đi, cho đến lúc chúng ta nhận ra Thiền là sinh
hoạt không thể thiếu trong đời sống hàng ngày của chúng ta. Nhờ
có Thiền, khi xúc chạm với mọi việc ở đời, tâm tư người Phật tử
sẽ không bị khuấy động, không sầu muộn, không bị uế nhiễm và
hoàn toàn được an ổn. Đó là điềm lành tối thượng của sự thực
hành Thiền định mà người Phật tử đạt được trong giáo lý cùa đức
Phật.
- Điềm lành sau
cùng, tóm tắt toàn bộ các điềm lành như đã trình bày:
- "Làm sự việc như vậy
Không chỗ nào thất bại
Khắp nơi được an toàn
Là điềm lành tối thượng".
- Tóm lại, Kinh
"Điềm lành tối thượng" trên đây được trình bày như là nếp
sống thiện, nếp sống bỏ ác làm lành của người Phật tử. Đây là
điều mong mỏi của chúng tôi khi trình bày với quý vị bài kinh
này. Mong rằng quý vị Phật tử chúng ta hãy yên tâm tin tưởng
nhiều hơn về nếp sống thiện, nếp sống bỏ ác làm lành của mình.
Bởi vì, khi chúng ta làm lành thì không những tự thân chúng ta
được hạnh phúc an lạc mà ngay cả người khác cũng được hạnh phú
an lạc nhờ những ảnh hưởng bởi nếp sống làm lành của chúng ta.
Một người sống làm lành, một gia đình được hạnh phúc an lạc. Một
gia đình sống làm lành, một khu phố được thêm bình yên, loại bỏ
các tệ nạn xã hội. Một thành phố trông chờ các khu phố bình yên.
Nhưng tất cả sẽ tùy thuộc vào nếp sống làm lành của mỗi người
chúng ta.
- Chúng ta làm
lành đồng thời khuyên người khác cũng làm lành. Có làm thời có
kết quả. Nếp sống làm lành của người Phật tử chúng ta được ví
như bông hoa tươi đẹp, vừa có sắc lại vừa có hương, hân hoan,
thích thú như đức Phật từng dạy:
- "Như bông hoa tươi đẹp
Có sắc lại thêm hương
Cũng vậy lời khéo nói
Có làm có kết quả". (Kinh Pháp cú)
- Bông hoa tươi
đẹp dự báo một hương sắc tinh khiết đối với người trồng hoa cần
mẫn. Cũng vậy, điềm lành tối thượng của Phật tử dự báo một nếp
sống hạnh phúc an lạc đối với người Phật tử chuyên tâm học pháp
và hành pháp. Mọi khả năng đều nằm sẵn trong bàn tay của chúng
ta, trông chờ sự quyết tâm, nỗ lực thực hành của mỗi người chúng
ta. Đã qua rồi các thời đi tìm lời giải đáp cho câu hỏi hạnh
phúc là gì và đạo đức là gì? Ngày nay, không nghi ngờ gì nữa,
chúng ta đã hiểu rõ hạnh phúc không thể trông chờ người khác và
đạo đức không chỉ là sự cổ vũ, đề cao các giá trị nhân bản trên
sách báo, hoặc trong các bài diễn văn mang tính chuyên đề. Cuộc
sống hiện đại không cần thêm lượng tri thức về hạnh phúc và đạo
đức. Cuộc sống hiện đại trông đợi nhiều những biểu hiện của đạo
đức và hạnh phúc nơi mỗi con người, mỗi gia đình, mỗi xã hội.
--o0o--
|
|