CHUYỆN LẠ THẾ GIỚI

Phận Đàn Ông Trong
“Vương Quốc Đàn Bà”
 
Những người phụ nữ Moso thu tiền của đàn ông sau một ngày lao động vất vả. Ảnh: Tuổi Trẻ.
 
Tất cả những đứa trẻ sinh ra đều mang họ mẹ, trong kho tàng ngôn ngữ Moso không có từ cha, hình bóng mẹ cao cả như cánh chim đại bàng, còn người cha như hạt cát bên hồ Lugu. Phận làm trai trong “vương quốc đàn bà” chỉ là phục tùng.
Sha Chu, chàng trai Moso ngoài 30 tuổi, rất khó khăn khi diễn đạt về cha mình: “Tôi đã gặp mặt và trò chuyện với ông ấy tất cả ba lần, cho dù hai nhà chỉ cách nhau một quãng đường ngắn. Mẹ tôi bảo người nuôi tôi khôn lớn chính là cậu, em của mẹ”. Sha Chu sinh ra sau một cuộc “tẩu hôn” ngắn ngủi, và giống như bao người đàn ông Moso khác phải tuân thủ luật lệ từ xa xưa, người cha chỉ được phép đến xem mặt Sha Chu khi anh đầy tháng và thừa nhận với mọi người đây là đứa bé được hạ sinh qua “tẩu hôn” truyền thống. Và từ đó, ông không còn trách nhiệm gì với đứa trẻ nữa, cho dù người mẹ qua đời thì ông cũng không được phép mang đứa trẻ máu mủ của mình về nuôi. Mọi việc sẽ do gia tộc bên người mẹ quyết định. Vai trò của người đàn ông ở “Nữ nhi quốc” đơn giản chỉ là người phối giống, hay đơn giản hơn là công cụ sản sinh.
 Học giả Tống Thường Ân là người đầu tiên ở Trung Quốc tìm đến và nghiên cứu về “vương quốc đàn bà” từ năm 1960. Ông viết trong cuốn Nữ nhi quốc: “Con cái người Moso đều sống chung với mẹ, không hề có quan hệ xã hội hoặc kinh tế với người cha. Người đàn ông đến nhà vợ chủ yếu để “tẩu hôn”, đêm đến, sáng đi vì thế khái niệm về từ “cha đẻ” cũng không hề có. Hiện tượng này đã có từ rất lâu đời trong xã hội thị tộc mẫu hệ thời nguyên thủy và được tộc người Moso bảo tồn cho đến hôm nay theo kiểu gia đình “hữu mẫu, vô phụ”. 
Tiểu Trần, người dẫn đường cho chúng tôi trong những ngày sống cùng bộ tộc Moso, cũng thế. Anh đã 27 tuổi nhưng cũng chỉ mới trò chuyện với người cha ruột của mình vài lần. Ngày anh khăn gói lên đường về thành phố Lệ Giang học trung học, ông tìm đến cho anh ít tiền và chỉ hỏi một câu: “Mày có khỏe không, đi học xong có trở về hồ Lugu không?”. Tiểu Trần nói với chúng tôi một cách điềm nhiên: “Tôi cũng không có gì để nói nhiều với người đàn ông xa lạ này”.
Trong những ngày sống ở “vương quốc đàn bà”, ngôn từ mà chúng tôi được nghe nhiều nhất đó là a ma hay a mi (mẹ). Đối với người Moso, tên gọi mẹ rất thiêng liêng, bởi mọi truyền thuyết sinh ra giống nòi này đều bắt nguồn từ mẹ. Ngàn năm trước, bộ tộc họ được sinh ra dưới đỉnh núi cao nhất thế giới Everest - Thánh Mẫu vũ trụ, và rồi qua bao biến thiên của xã hội, người Moso di dân đến khu vực hồ Lugu và tôn thờ đỉnh Cách Mẫu Sơn là người mẹ sinh ra họ một lần nữa. Và dòng họ A Vân Sơn - nữ vương của người Moso - cũng thể hiện uy lực của người phụ nữ trong vương quốc này.
Quyền lực tuyệt đối của người phụ nữ cũng hiện diện trong từng gia đình. Tất cả các chị em gái trong một gia đình lớn đều được đàn trẻ gọi bằng mẹ và con trai cũng bị đánh đồng là “chị em gái”. Như A Po Zha Xi có năm người anh trai và một cô em gái, nhưng khi có ai hỏi thì anh vẫn bình thản cho biết: “Tôi có sáu chị em gái!”. Người cậu trong gia đình sẽ đóng vai trò của người cha theo sự phân công của tổ mẫu.
Ở bến thuyền ven hồ Lugu, cứ mỗi chiều tà, chúng tôi thường thấy những người đàn ông Moso lam lũ sau một ngày vất vả chèo thuyền đưa khách sang bên kia hồ tụ tập lại đếm tiền. Chỉ trong chốc lát, hàng chục người phụ nữ kéo đến, cánh đàn ông rụt rè nạp đủ số tiền mà họ kiếm được trong ngày. Tiểu Trần giải thích: “Đó là những tổ mẫu - người đứng đầu trong mỗi gia tộc, đến thu tiền mà những người đàn ông kiếm được. Tất cả mọi thu chi trong gia tộc đều do tổ mẫu kiểm soát và quyết định, đàn ông chỉ làm theo sự phân công mà thôi”. Những người đàn ông chúng tôi gặp trong những ngày ở Lạc Thủy Thôn đều khá trầm lặng, ít nói. Họ như những chiếc bóng lặng lẽ bên hồ Lugu.
Chúng tôi tìm đến thăm nhà Tama Nuchi, cô gái Moso 22 tuổi rất nổi tiếng bởi gia đình cô còn lưu giữ cả một bộ sưu tập các tấm hình xưa chụp cung điện, chân dung nữ vương, các nữ quan và binh lính “Nữ nhi quốc”, do chính nhà khoa học người Mỹ chụp từ những năm 1930, người mà tương truyền rằng đã bị nữ vương bắt mang về làm nô lệ tình dục trong suốt 1/4 thế kỷ. Ông đã ở lại Lugu phủ nhiều năm không phải vì bị bắt làm nô lệ, mà do quá ấn tượng với “vương quốc đàn bà” độc nhất vô nhị trên trần gian này.
 
Tổ mẫu và cậu. Ảnh: Tuổi Trẻ
 
Những tấm hình ông chụp được là những tư liệu tham khảo vô giá mà mãi đến năm 1961, có một đoàn nghiên cứu sử học Trung Quốc lần đầu tiên vượt núi vào đây để tìm hiểu “Nữ nhi quốc” và công bố thông tin ra bên ngoài. Họ đã đi bộ hơn 10 ngày từ Lệ Giang lên Vĩnh Ninh và mãi đến năm 1972, hơn 10 năm sau khi khám phá bộ tộc này, con đường mòn xẻ núi mới được mở. Trước đây, bộ tộc Moso được cai quản bởi dòng tộc nữ vương A Vân Sơn, nhưng sau đó để thống nhất quản lý, chính quyền đã trục xuất dòng họ nữ vương ra khỏi khu vực hồ Lugu. Nữ vương A Vân Sơn đã đi xa, các nữ quan bị truất quyền trở về với công việc đồng áng, chăn nuôi. Việc điều hành bộ tộc được giao cho một hội đồng các thôn gồm cả nam lẫn nữ. Thế nhưng tập tục nữ quyền vẫn ăn sâu vào trong máu của người Moso, do đó nữ quyền vẫn âm thầm thống trị trong từng gia đình qua quyền lực của các tổ mẫu.
Chúng tôi đến thăm nhà trưởng thôn Lạc Thủy Ta Shi Po Che, phải chờ đợi rất lâu mới được gặp ông vì ông còn phải xin phép tổ mẫu. Ta Shi đã 50 tuổi, làm trưởng thôn hơn ba năm, do chính quyền chỉ định. Ngày xưa nữ vương cai trị bộ tộc bằng luật nữ nhi, ngày nay ông Ta Shi cai quản người Moso ở Lạc Thủy Thôn bằng lương của nhà nước cấp, mỗi tháng 700 nhân dân tệ (khoảng 1,4 triệu đồng). Nhưng ông cho biết tiền lương ông đều nộp cho tổ mẫu để sinh hoạt chung trong gia đình, ngoài ra ông cũng phải lên núi, lên nương làm công việc đồng áng theo sự điều hành của tổ mẫu. Tất cả mọi chuyện hằng ngày trong thiên hạ Ta Shi đều ghi chép rất kỹ, để mỗi đêm về ông đều đưa ra xin phép ý kiến tổ mẫu rồi mới dám quyết định.
Cho dù chính quyền luôn muốn thống nhất luật pháp, nhưng với người Moso luật tục truyền kiếp vẫn không thể thay đổi. Việc đăng ký kết hôn, sống chế độ một vợ một chồng được đề ra nghiêm khắc, nhưng trưởng thôn Ta Shi chân thật cho biết: “Từ hồi tôi làm trưởng thôn tới nay vẫn chưa có ai đến đăng ký kết hôn cả. “Tẩu hôn” vẫn diễn ra hằng đêm, an ninh trật tự vẫn tốt như xưa và mọi chuyện trong cộng đồng vẫn do các tổ mẫu quyết định, đàn ông chúng tôi phải phục tùng. Vai trò nữ quyền đối với người Moso không thể thay đổi!”.
Như bao căn nhà khác trong cộng đồng Moso, nơi trang trọng nhất trong nhà trưởng thôn Ta Shi là mẫu thất với khung cửa cao, nhưng đỉnh lại khá thấp khiến mọi người khi bước vào đều phải cúi đầu như một cách sùng bái với mẫu thân. Giữa mẫu thất là bếp lửa không bao giờ tắt - biểu tượng của trung tâm gia đình, quyền uy của tổ mẫu. Chiếc giường ngủ của tổ mẫu cũng lạ kỳ như một chiếc tủ mà phần trên là nơi tổ mẫu nằm và phần dưới chứa của cải quí báu trong nhà. Ngay cả hai cây cột trong phòng tổ mẫu cũng mang dáng dấp nữ quyền, nhất thiết đều được lấy từ một cây, phần cột nữ từ gốc cây, phần cột nam từ ngọn cây với ý nghĩa nữ là gốc, còn nam chỉ là ngọn trong cuộc đời này.
(Tuổi Trẻ)
--o0o--