|
LÂM TẾ CHÚC THÁNH
& TỔ ĐÌNH PHÁP HỘI BÌNH THUẬN
Nhất Quán-Thích Đồng Trung
-
CHƯƠNG I
-
-
NGUỒN GỐC TRUYỀN THỪA
-
CỦA THIỀN TÔNG
-
1. TẠI ẤN
ĐỘ
Khi nói
về nguồn gốc của thiền tông là chúng ta liên tưởng ngay đến Pháp
Hội Linh Sơn, thời điểm quan trọng khi đức bổn sư truyền trao
chánh pháp nhãn tạng cho Tôn Giả Ma Ha Ca Diếp thừa kế ngôi vị
thiền tổ thứ nhất. Sau đó dòng thiền được truyền trao cho chư tổ
kế tiếp, đến đời Ngài Bồ Đạt Ma là tổ thứ 28. Sau khi được Tổ Bát
Nhã Đa La truyền pháp và phú chúc Ngài sang Trung Hoa truyền đạo;
vâng lời Thầy, nên Ngài đã dùng thuyền vượt biển sang Trung Quốc.
Ngài lênh đênh trên biển gần ngót ba năm, thuyền mới cặp bến
Quảng-Châu, nhằm đời nhà Lương niên hiệu Phổ-Thông năm đầu (520
sau T.C.), ngày 21 tháng 9 năm Canh-Tý. Thích-sử tỉnh nầy ra đón
tiếp Ngài, đồng thời dâng sớ về triều tâu vua Lương-Võ-Đế. Vua
được sớ, liền sai sứ lãnh chiếu chỉ đến thỉnh Ngài về Kim-Lăng
(Kinh đô nhà Lương).
2. TẠI
TRUNG QUỐC
Qua những
cuộc đối thoại, Vua Lương Võ-Đế không lãnh ngộ được thiền cơ, Tổ
Bồ Đề Đạt Ma thấy Vua Lương Võ Đế chỉ là một phật tử thuần thành
trong việc hộ đạo, của một người phật tử tại gia. Ngài biết căn cơ
chẳng hợp, tạm lưu lại đây ít hôm. Đến ngày 19, Ngài bỏ vua Lương,
âm thầm sang sông qua Giang-Bắc. Ngài nhập cảnh nước Ngụy đi đến
Lạc-Dương nhằm đời Hậu-Ngụy, vua Hiếu-Minh-Đế niên hiệu
Chánh-Quang năm đầu (520 TL.) ngày 23 tháng 11. Ngài dừng trụ tại
chùa Thiếu-Lâm ở núi Trung-Sơn, trọn ngày ngồi xây mặt vào vách im
lặng. Tăng chúng đều không hiểu được Ngài tu pháp môn gì, và người
đời gọi Ngài là Thầy Bà-la-môn ngồi nhìn vách (Bích quán
Bà-la-môn).
Và nhân
duyên đã đến, có vị Tăng tên Thần-Quang học thông các sách, giỏi
lý diệu huyền, nghe danh Ngài tìm đến yết kiến. Qua những trắc
nghiệm thử thách, Ngài nhận làm đệ tử ban phát đạo hiệu là Huệ
Khả. Cơ duyên đã đến Ngài truyền trao y bát cho Nhị Tổ Huệ Khả.
Nếu tính
từ thời Đệ Nhất Thiền Tổ Ma Ha Ca Diếp thì Ngài Huệ Khả là thiền
tổ đời thứ 29, nhưng tại Trung Hoa là thiền tổ thứ hai. Như thế
dòng thiền luân lưu tại Trung Hoa cũng từ đó đến đời thứ sáu Lục
Tổ Huệ Năng tại Trung Hoa, nhưng mà là thiền tổ đời thứ 33 trong
thiền tông Ấn - Hoa.
Cũng tại
Trung Hoa, sau Lục Tổ Huệ Năng - Đại Giám thì dòng thiền được
truyền thừa cho Nam Nhạc - Hoài Nhượng đời 34, Mã Tổ - Đạo Nhất
(đời 35), Bách Trượng - Hoài Hải (đời 36), Hoàng Bá - Hy Vận (đời
37), Lâm Tế - Nghĩa Huyền (đời 38); Ngài Lâm Tế - Nghĩa Huyền
thành lập Tông Lâm Tế nên là Sơ Tổ Tông Lâm Tế. Hưng Hóa - Tồn
Tưởng (đời 39), Đời thứ 2 Tông Lâm Tế Chánh Tông; Nam Viện - Huệ
Ngung (đời 40), đời thứ 3 Tông Lâm Tế Chánh Tông; Phong Nguyệt -
Diên Chiểu (đời 41), đời thứ 4 Lâm Tế Chánh Tông; Thủ Sơn - Tỉnh
Niệm (đời 42), đời thứ 5 Lâm Tế Chánh Tông; Phần Dương - Thiện
Chiểu (đời 43) đời thứ 6 Lâm Tế Chánh Tông; Thạch Sương - Sở Viên
(đời 44), đời thứ 7 Lâm Tế Chánh Tông; Dương Kỳ - Phương Hội (đời
45), đời thứ 8 Lâm Tế Chánh Tông; Bạch Vân - Thủ Đoan (đời 46),
đời thứ 9 Lâm Tế Chánh Tông; Ngũ Tổ - Pháp Diễn (đời 47), đời thứ
10 Lâm Tế Chánh Tông; Viên Ngộ - Khắc Cần (đời 48), đời thứ 11 Lâm
Tế Chánh Tông; Hổ Khưu - Thiện Long (đời 49), đời thứ 12 Lâm Tế
Chánh Tông; Ứng Am – Đàm Hoa (đời 50), đời thứ 13 Lâm Tế Chánh
Tông; Mật Am - Hàm Kiệt (đời 51); đời thứ 14 Lâm Tế Chánh Tông;
Phá Am – Tổ Tiên (đời 52), đời thứ 15 Lâm Tế Chánh Tông; Vô Chuẩn
- Sư Phạm (đời 53), đời thứ 16 Lâm Tế Chánh Tông; Tuyết Nham - Tổ
Khâm (đời 54), đời thứ 17 Lâm Tế Chánh Tông; Cao Phong - Nguyên
Diệu (đời 55), đời thứ 18 Lâm Tế Chánh Tông; Trung Phong - Minh
Bổn (đời 56), đời thứ 19 Lâm Tế Chánh Tông; Thiên Nham - Nguyên
Trường (đời 57), đời thứ 20 Lâm Tế Chánh Tông; Vạn Phong - Thời Úy
(đời 58 Thiền Ấn - Hoa) đời 21 Lâm Tế Chánh Tông tại Trung Hoa.
Ngài Vạn
Phong - Thời Ủy, cho ra bài kệ mới gồm 20 chữ:
- Tổ Đạo
Giới Định Tông
Phương
Quảng Chứng Viên Thông
Hạnh Siêu
Minh Thiệt Tế
Liễu Đạt
Ngộ Chơn Không.
Đến Hòa
thượng Ngộ Thiệu Minh Lý (đời 39 Thiền Lâm Tế) chùa Thập Tháp Di
Đà cho thêm 4 câu, 20 chữ:
- Như
Nhật Quang Thường Chiếu
Phổ Châu
Lợi Ích Đồng
Tín Hương
Sinh Phước Huệ
Tương Kết
Chấn Từ Phong.
Ngài Vạn
Phong - Thời Ủy có hai đệ tử xuất sắc là:
Tổ Đức
tức là Bảo Tạng - Phổ Trí (59), đời thứ 22 Tông Lâm Tế, và Tổ Định
- Tuyết Phong (đồng thời đời 22 tông Lâm Tế Trung Hoa), kế thừa
chùa Thiên Đồng. Tiếp theo thiền sư Tổ Đức - Bảo Tạng - Phổ Trí
thì có:
Đông Minh
- Huệ Nhạc (đời 60), đời thứ 23 Tông Lâm Tế; Hải Chu - Vĩnh Từ
(đời 61), đời thứ 24 Lâm Tế Chánh Tông; Bảo Phong - Trì Tuyên (đời
62), đời thứ 25 Lâm Tế Chánh Tông; Thiên Kỳ - Bổn Thụy (đời 63),
đời thứ 26 Lâm Tế Chánh Tông; Tuyệt Học – Minh Thông (đời 64), đời
thứ 27 Lâm Tế Chánh Tông; Tiếu Nham - Đức Bảo (đời 65), đời thứ 28
Lâm Tế Chánh Tông; Huyễn Hữu - Chánh Truyền (đời 66), đời thứ 29
Lâm Tế Chánh Tông.
Ngài
Huyễn Hữu - Chánh Truyền có hai đệ tử nổi danh là Thiền Sư Mật Vân
- Viên Ngộ trụ trì chùa Thiên Đồng, và Viên Tu - Thiên Ấn trụ trì
chùa Khánh Sơn.
Mật Vân -
Viên Ngộ (đời 67), đời thứ 30 Lâm Tế Chánh Tông; Về sau Thiền sư
Mộc Trần - Đạo Mân đắc pháp với Thiền sư Mật Vân – Viên Ngộ, nên
có pháp danh Thông Thiên - Hoằng Giác (đời 68), đời thứ 31 Lâm Tế
Chánh Tông.
Ngài Mộc
Trần - Đạo Mân tức là Thông Thiên – Hoằng Giác cho ra bài kệ:
- Đạo Bổn
Nguyên Thành Phật Tổ Tiên
Minh Như
Hồng Nhật Lệ Trung Thiên
Linh
Nguyên Quảng Nhuận Từ Phong Phổ
Chiếu Thế
Chơn Đăng Vạn Cổ Truyền.
Tiếp theo
tổ Mộc Trần - Đạo Mân là Khoáng Viên - Bổn Quả (đời 69), đời thứ
32 dòng Lâm Tế Chánh Tông; Siêu Bạch - Thọ Tông (đời 70), đời thứ
33 dòng Lâm Tế Chánh Tông; Minh Hải - Đắc Trí - Pháp Bảo (đời 71),
đời thứ 34 dòng Lâm Tế Chánh Tông.
3. TẠI
VIỆT NAM
Như chúng
ta biết, thiền phái Lâm Tế tuy đã được Thiền sư Lâm Tế - Nghĩa
Huyền lập tôn rất sớm tại Trung Hoa, nhưng mãi cho đến năm 1633
mới được Thiền Sư Chuyết Công và Minh Hành Tại Tại truyền vào Đàng
Ngoài của Đại Việt (Việt Nam). Còn Thiền Phái Lâm Tế Đàng Trong
thì mãi cho đến năm 1665 tức là cho đến 32 năm sau mới được Thiền
Sư Nguyên Thiền - Hoán Bích truyền vào Đại Việt. Về sau dòng Thiền
Lâm Tế cả hai Đàng, Đàng Trong và Đàng Ngoài đều được các thiền tổ
phát huy đúng mức nên đã chính thức định hình cho tông Lâm Tế phát
triển lâu dài, rõ ràng nhất tại Việt Nam trãi qua mấy trăm năm
nay.
A. LÂM TẾ
ĐÀNG NGOÀI
Thiền sư
Viên Văn Chuyết Chuyết (đời 72 Thiền Ấn - Hoa), đời 34 Thiền Lâm
Tế Việt Nam. Minh Hành đời 73 Thiền Ấn - Hoa (đời Thiền Lâm Tế
Việt Nam 35).
Thiền sư
Viên Văn Chuyết Chuyết tên đời là Lý Thiên Tộ, sinh năm 1590 tại
Tiệm Sơn, quận Thanh Sơn, tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc. Lớn lên theo
học với Trưởng lão Tiệm Sơn, có pháp hiệu là Hải Trừng. Về sau
tham yết Hòa thượng Tăng Nguyên Đà Đà ở Nam Sơn, được Tổ truyền
tâm ấn. Tổ nói:
- Ngày
sau, Ta sẽ nhường chỗ cho người này. Y sẽ bước khỏi đầu sào trăm
trượng.
Sau khi
đắc pháp, Ngài đi hoằng hóa khắp nơi tại miền Nam Trung Quốc.
Năm 1633
thiền sư đã cùng một số đệ tử trong đó có thiền sư Minh Hành Tại
Tại đến kinh thành Thăng Long, thầy trò ở lại Chùa Khán Sơn, Hà
Nội và bắt đầu giảng dạy Phật Pháp. Trước khi đến kinh thành Thăng
Long, Thiền Sư Chuyết Chuyết (1*) và Minh Hành Tại Tại đã từ Cao
Miên đi qua Chiêm Thành rồi sang Đại Việt. Trước khi ra đàng ngoài
đã đi qua Đàng Trong, và có thể thầy trò đã dừng chân hoằng hóa
tại Bình Định (lúc bấy giờ Bình Định đã thuộc về lãnh thổ Đại
Việt) và Thuận Hóa, và đã ghi dấu chân các Ngài ở những nơi đó.
Ta biết
rằng Thiền Sư Chuyết Chuyết và Minh Hành Tại Tại trước khi đến
Kinh thành Thăng Long cũng đã từng dừng chân hoằng hóa tại Nghệ
An, hành đạo tại chùa Thiên Tượng và ở tại Thanh Hóa khai sáng
Chùa Trạch Lâm. Với uy tín đó, nên khi bắt đầu giảng pháp tại Chùa
Khán Sơn, người đến học gồm cả hai giới người Hoa và Việt rất
đông. Sau một thời gian thiền sư đến hành đạo lâu dài tại chùa Vạn
Phúc (Phật Tích), Bắc Ninh; cách kinh thành khoảng 30 cây số.
Trong thời gian giáo hóa ở đây Thiền Sư được chúa Trịnh Tráng rất
quý mến, và xem như bậc thầy. Vua Lê Thần Tông và các bậc công hầu
cũng đều rất kính trọng. Trong số đệ tử quy có cả nhà Vua, chúa
Trịnh Tráng, hoàng hậu Trịnh Thị Ngọc Trúc và công chúa Lê Thị
Ngọc Duyên… Năm 1643, sau khi hoàng hậu Trịnh Thị Ngọc Trúc (vợ
vua Lê Thần Tông) pháp danh Diệu Viên, hiệu Pháp Tánh tu bổ chùa
Ninh Phúc (Bút Tháp), Bắc Ninh xong, cung thỉnh Tổ Chuyết Chuyết
sang trụ trì, còn Minh Hành Tại Tại trụ trì chùa Vạn Phúc (Phật
Tích). Vào ngày rằm tháng bảy năm Giáp Thân (1644) thiền sư Chuyết
Chuyết viên tịch, thọ 55 tuổi. Thiền Sư Minh Hành xây tháp Bảo
Nghiêm thờ tại chùa Vạn Phúc (Phật Tích), và xây tháp thờ vọng tại
chùa Ninh Phúc (Bút Tháp). Tổ để lại nhục thân không rã, còn tôn
trí đến ngày nay. Sau khi viên tịch, Tổ được vua Lê Trang Tông ban
thụy hiệu “Minh Việt Phổ Giác Quảng Tế Đại đức Thiền sư”.
Sau khi
Tổ Chuyết Chuyết viên tịch, thiền sư Minh Hành Tại Tại đời 73
Thiền tổ Ấn – Hoa, đời 35 Thiền Lâm Tế Việt Nam), Phái Lâm Tế Đàng
Ngoài trụ trì chùa Ninh Phúc (Bút Tháp), Ni sư Pháp Tánh - Diệu
Viên trụ trì chùa Vạn Phúc (Phật Tích). Thiền Sư Minh Hành Tại Tại
cho ra bài kệ truyền pháp Lâm Tế Đàng Ngoài (Bắc Việt) như sau:
- Minh
Chân Như Bảo Hải
Kim Tường
Phổ Chiếu Thông
Chí Đạo
Thành Chánh Quả
Giác Ngộ
Chứng Chơn Không.
Nghĩa là:
- Thấy
chân như biển rộng
Ánh vàng
chiếu vô cùng
Đạt đạo
thành chánh quả
Giác ngộ
chứng chân không.
Khi thiền
sư Minh Hành Tại Tại viên tịch năm 1659, thọ 64 tuổi, thì Ni sư
Diệu Viên thay thế trụ trì chùa Ninh Phúc, trong khi đó công chúa
Lê Thị Ngọc Duyên xuất gia pháp danh Diệu Tuệ trụ trì chùa Vạn
Phúc (Phật Tích). Cho đến thời Tây Sơn - Pháp thuộc, chùa bị phá
hủy chỉ còn lại di tích Bảo tháp có toàn thân Tổ Viên Văn Chuyết
Công và tượng Phật Di-đà do vua Lý Thánh Tông tạc năm 1057.
Song song
với sự truyền đạo của Tổ Minh Hành Tại Tại, tại đạo tràng của tổ
thứ 3 phái Lâm Tế Đàng Ngoài là chùa Liên Tôn (Liên Phái Hà Nội),
do thiền sư Như Trừng Lân Giác (tên đời là Trịnh Thập) sáng lập.
Thiền sư Như Trừng Lân Giác là đệ tử của tổ Minh Lương, chùa Vĩnh
Phúc, nhưng cầu pháp xuất gia với Thiền sư Chân Nguyên Chánh Giác
(chùa Lân, Long Động, Yên Tử, Quảng Ninh) nên được thiền sư Chân
Nguyên ban pháp danh Như Trừng Lân Giác, hoằng hóa tông Lâm Tế một
thời gian dài, có sự kế thừa rõ nét từ: thiền sư Minh Lương (đời
73), đời 35 Lâm Tế Việt Nam; Chân Nguyên Chánh Giác (đời 74) đời
36 Tông Lâm Tế Việt Nam, Như Trừng Lân Giác, Như Hiện - Nguyệt
Quang), Thuần Giác (đời 75 cùng đời); đời 37 Tông Lâm Tế Việt Nam,
Đỗ Đa Lưỡng Quốc, Tánh Tĩnh (cùng đời 76), đời 38 Tông Lâm Tế Việt
Nam; Từ Phong Hải Quýnh (đời 77), đời 39 Tông Lâm Tế Việt Nam; Kim
Liên Tịch Truyền (đời 78), đời 40 Tông Lâm Tế Việt Nam, Tường
Quang Chiếu Khoan (đời 79), đời 41 Tông Lâm Tế Việt Nam, Phổ Tánh
(đời 80), đời 42 Tông Lâm Tế Việt Nam, Sơn Tây (đời 81), đời 43
Tông Lâm Tế Việt Nam, xuất gia với Tổ Từ Tánh chùa Thiên Quang núi
Đại Hùng (Hà Tây - Hà Nội), về sau trụ trì chùa Từ Ân Bổn Xả, pháp
danh Tánh Kim. Đến đây, phái Lâm Tế Đàng Ngoài từ từ hòa nhập với
tông Tào Động Việt Nam.
B. LÂM TẾ
ĐÀNG TRONG
Trong
thâm ý của Chúa Nguyễn, đạo Phật có thể làm nơi nương tựa tinh
thần cho công trình lập quốc của dòng họ Nguyễn sau nầy, cho nên
ngay sau khi Doãn Quốc Công Nguyễn Hoàng (1558-1613) vào trấn thủ
đất Thuận Hóa ông đã để ý đến việc lập chùa (2*). Năm 1601, ông đã
bắt đầu xây dựng chùa Thiên Mụ ở xã Hà Khê, huyện Hương Trà. Năm
sau vào ngày Vu Lan, Chúa đến chùa Thiên Mụ lập trai đàn làm lễ bố
thí. Chúa lại cho dựng chùa Sùng Hóa trên nền một ngôi chùa cổ ở
xã Triêm Ân huyện Phú Vang. Năm 1609, Chúa lại lập chùa Kinh Thiên
ở Thuận Trạch, Quảng Bình. Sau khi Chúa dựng xong dinh Quảng Nam ở
xã Cần Húc, Chúa lại cho lập một ngôi chùa gần đó gọi là Chùa Long
Hưng, ở về mé đông của trấn. Đó là lý do sau nầy các Chúa Nguyễn
đều tỏ vẻ sùng thượng đạo Phật, và nhân dân Đàng Trong cũng nghênh
đón các vị du tăng Trung Hoa với một tấm lòng chân thật, mặn nồng.
Trong thời đại chuyển tiếp giữa hai triều Minh - Thanh, nhiều cao
tăng Trung Hoa đã tới Đàng Trong hoằng pháp, trong thế kỷ thứ 17
ghi nhận sự có mặt của các thiền sư Trung Hoa sau đây:
- Các
thiên sư Viên Cảnh và Viên Khoan ở Quảng Trị
- Thiền
Minh Hoàng khai sơn chùa Ấn Tôn, Thuận Hóa
- Thiền
sư Giác Phong khai sơn chùa Thiên Thọ, Thuận Hóa
- Thiền
sư Từ Lâm khai sơn chùa Từ Lâm, Thuận Hóa
- Thiền
sư Nguyên Thiều khai sơn chùa Thập Tháp Di Đà, Bình Định và các
chùa Quốc Ân và Hà Trung, Thuận Hóa.
- Thiền
sư Minh Hải - Đắc Trí - Pháp Bảo khai sơn chùa Chúc Thánh, Quảng
Nam
- Thiền
sư Tế Viên, khai sơn chùa Hội Tông, Phú Yên
- Thiền
sư Pháp Hóa khai sơn chùa Thiên Ấn, Quảng Ngãi, và nhiều vị thiền
sư khác nữa.
Hai trong
những vị thiền sư đã từng đặt chân đến phần đất Đàng Trong để
truyền đạo, và sau nầy lập nên dòng Thiền Lâm Tế Chúc Thánh được
chư tăng và tín đồ biết nhiều đó là hai vị Thiền Sư Minh Hải - Đắc
Trí - Pháp Bảo và Nguyên Thiều - Hoán Bích.
Tổ họ Tạ
pháp danh Nguyên Thiều, hiệu Hoán Bích, ngài còn có pháp danh khác
là Siêu Bạch hiệu Thọ Tông sinh năm Mậu Tý (1648), người huyện
Trình Hưng, phủ Triều Châu, tỉnh Quảng Đông. Năm 19 tuổi Ngài Xuất
gia tại chùa Báo Tư, tu học dưới sự hướng dẫn của thiền sư Khoáng
Viên - Bổn Quả. Ngài theo thuyền buôn sang Đại Việt trong đời chúa
Nguyễn Phúc Tần, và ngài cũng là người nối pháp đời thứ 33 Tông
Lâm Tế Chánh Tông. Ban đầu khi mới đến Đại Việt, Ngài cư trú tại
phủ Quy Ninh (Bình Định bây giờ). Vào năm 1678, lúc đó ngài vừa
tròn 30 tuổi, Ngài cho xây dựng chùa Thập Tháp Di Đà, công trình
đến năm 1683 hoàn thành. Chùa nầy tọa lạc ở làng Thuận Chánh,
huyện Tuy Viễn, vì sau chùa có mười ngôi cổ tháp Chàm, cho nên
chùa được gọi là Chùa Thập Tháp. Tổ cử hành lễ khánh thành, được
vua Lê Hy Tông ban bảng vàng: Sắc Tứ Thập Tháp Di Đà Tự.
Sau đó
thiền sư Nguyên Thiều - Hoán Bích ( Siêu Bạch - Thọ Tông) ra Thuận
Hóa dựng chùa Quốc Ân và xây tháp Phổ Đồng. Chùa Quốc Ân tọa lạc
tại ấp Phước Quả. Chùa cũng được chúa Nguyễn Phúc Chu ban cho liễn
đối có ghi đạo hiệu của chúa là Thiên Túng Đạo Nhân.
Sở dĩ tổ
có hai tên là Nguyên Thiều - Hoán Bích và Siêu Bạch - Thọ Tông
(3*) là vì thiền tôn truyền đến đời thiền sư Nghĩa Huyền, ngài lập
ra nhánh gọi là Lâm Tế và Ngài là sơ tổ của dòng Lâm Tế. Dòng Lâm
Tế truyền đến đời 21 là Vạn Phong Thời Ủy chùa Thiên Đồng (Trung
Hoa) xuất ra bài kệ: Tổ, Đạo, Giới …. truyền đến đời 31 là ngài
Đạo Mân lại xuất ra một dòng kệ khác: Đạo, Bổn, Nguyên, Thành ….
Xét về
Nguyên Thiều - Hoán Bích là thuộc về dòng kệ của Ngài Đạo Mân, tức
là sư tổ của Ngài mới lập ra hai đời; Còn Siêu Bạch - Thọ Tông là
thuộc về dòng kệ của Ngài Vạn Phong - Thời Ủy, tức là tổ mười hai
đời của Ngài truyền xuống. Do đó người ta bảo ngài đã thọ giáo cả
hai bên. Bên dòng kệ của ngài Vạn Phong - Thời Ủy thì ngài được
hiệu là Siêu Bạch - Thọ Tông; bên dòng kệ của ngài Đạo Mân thì
ngài được hiệu là Nguyên Thiều - Hoán Bích. Vì là thọ giáo cả hai
bên, nên một bên ngài truyền xuống dòng kệ chữ Siêu của tổ Vạn
Phong, một bên ngài muốn truyền xuống dòng kệ chữ Nguyên của tổ sư
mình, cho nên trong quá trình truyền thừa, ý Tổ Nguyền Thiều muốn
giữ cả hai dòng kệ, vì cùng chung một môn phái Lâm Tế Nghĩa Huyền,
cùng một chốn Tổ là Thiên Đồng, Thiên Khai, Báo Tư, nên khi truyền
pháp, Ngài dùng hai chữ: Bên chữ Nguyên cho đến Thành, Phật, Tổ,
Tiên… hay bên chữ Siêu cho đến Minh, Thiệt, Tế ..v.v… tùy theo
nhân duyên phú pháp.
Sau một
thời gian hành đạo tại chùa Thập Tháp Di Đà, Tổ vân du hóa đạo các
tỉnh cực Bắc (Thuận Hóa), trùng tu chùa Hà Thành (chùa Hà Trung)
cửa biển Tư Dung nay là Tư Hiền, huyện Phú Lộc, Thừa Thiên Huế.
Sau đó, Tổ trùng tu chùa Vĩnh Ân, đổi tên thành chùa Quốc Ân (TP.
Huế). Năm 1690, Tổ vâng lịnh chúa Nguyễn Phúc Trăn về Trung Quốc
thỉnh một số chư Tăng sang hành đạo tại Đàng Trong và một số pháp
khí để tôn thờ tại chùa Thiên Mụ, Hà Trung, Quốc Ân v.v… Đến năm
1694, thời chúa Nguyễn Phúc Chu, Tổ cùng đệ tử vân du hành đạo tại
miền Nam, trước tiên lưu trú tại chùa Đại Giác, Cù lao Phố, Đồng
Nai.
Có thể
nói trong quá trình di dân, mở mang bờ cõi phương Nam của chúa
Nguyễn đã có nhiều lưu dân Thuận Quảng vào cư trú tại đây, mốc
thời gian cụ thể là năm 1611. Và trong đó không loại trừ các thiền
sư phái Trúc Lâm gốc Lâm Tế vào hóa đạo và xây dựng chùa chiền,
như Thiền sư Viên Cảnh Lục Hồ, Đại Thâm Viên Khoan, Viên Văn
Chuyết Chuyết, Minh Hành Tại Tại v.v… vào những năm 1630-1640. Như
vậy, chùa Đại Giác, Bửu Phong đã in dấu chân hoằng hóa của các
thiền sư này, trước khi Tổ Nguyên Thiều đến lưu ngụ và hành đạo
tại phương Nam (1694). Sang năm 1695, Tổ Nguyên Thiều xây dựng
chùa Kim Cang - Bình Thảo, Biên Hòa, Đồng Nai và hóa độ rất nhiều
đệ tử nổi danh, làm xán lạn Phật Giáo Đàng Trong cũng như Đồng Nai
- Gia Định (Nam Kỳ lục tỉnh). Vì lúc đó, Gia Định thành là gồm cả
vùng đất miền Đông và miền Tây (Dinh Trấn Biên - Biên Hòa, Dinh
Phiên Trấn - Gia Định, Chợ Lớn, Dinh Trường Đồn - Long An, Mỹ Tho;
Dinh Long Hồ - Vĩnh Long, An Giang và trấn Hà Tiên).
Như trên
đã nói, Tổ Nguyên Thiều sử dụng hai bài kệ cùng dòng phái là Tổ
Đạo Giới Định Tông và Đạo Bổn Nguyên… Do đó, khi truyền thừa pháp
phái Lâm Tế thì có hai dòng chữ: Từ chữ Nguyên cho đến chữ Thành,
Phật, Tổ, Tiên; từ chữ Siêu cho đến chữ Minh, Thật, Tế… Rồi từ đó
các Hòa thượng mang chữ Minh hay chữ Thành cũng theo gương Tổ
Nguyên Thiều truyền cho đệ tử cũng theo dòng kệ của Tổ Định Tuyết
Phong (Tổ Đạo Giới…) hoặc Đạo Mân Mộc Trần (Đạo Bổn Nguyên…),
nhưng dù chữ nào, cũng là một dòng Lâm Tế, là đệ tử Phật, đệ tử
cùng Tổ với nhau, cùng một Tổ đình Thiên Đồng, Thiên Khai, Báo Tư
- Trung Quốc, hay Thập Tháp Di Đà - Bình Định, Quốc Ân, Thiền Tôn
- Huế, Kim Cang, Đại Giác - Đồng Nai, Từ Ân, Giác Lâm - Gia Định,
Sài Gòn, Tây An, Phi Lai - Châu Đốc, An Giang v.v…
Sau hơn
80 năm hành đạo, Phật sự đã xong, công viên quả mãn, ngày 19/10
Mậu Thân, niên hiệu Bảo Thái thứ 9 (20/11/1728) ngài an nhiên thị
tịch, thọ 81 tuổi. Các hàng đệ tử, môn đồ xây tháp Tổ thờ tại chùa
Quốc Ân và Phổ Thành - Hà Trung - Phổ Đồng Thuận Hóa (Huế) và chùa
Kim Cang - Đồng Nai.
Sang năm
Kỷ Dậu, hiệu Bảo Thái thứ 10 (1729), mùa Phật đản mồng 8 tháng 4
chúa Nguyễn Phúc Trú (1725-1738) ban tặng thụy hiệu: “Thiền sư
Hạnh Đoan”, Sắc tứ Hà Trung tự Hoán Bích bi ký và bài minh khắc
vào bia tháp phụng thờ.
C. THIỀN
PHÁI LÂM TẾ CHÚC THÁNH RA ĐỜI
Có thể
nói, thiền sư Nguyền Thiều - Hoán Bích ( Siêu Bạch - Thọ Tông) là
vị tổ sư truyền phái Lâm Tế vào Trung Việt đầu tiên, thiền sư có
những đệ tử xuất gia và cầu pháp như các ngài: Minh Vật - Nhất
Trí, Minh Lượng Thành Đẳng, Minh Dung - Pháp Thông, Minh Hải -
Pháp Bảo đều là những đệ tử ưu tú thời bấy giờ. Trong số các đệ tử
của ngài, thiền sư Minh Hải - Pháp Bảo lập chùa Chúc Thánh tại Hội
An, Quảng Nam và xuất kệ truyền thừa lập tôn môn phái Lâm Tế Chúc
Thánh.
Như ta đã
biết, trước khi thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh ra đời, tại Quảng Nam
đã có nhiều vị thiền sư danh tiếng giáo hóa như: Minh Châu Hương
Hải, Thạch Liêm, Hưng Liên - Quả Hoằng … Với sự hoằng hóa của các
thiền sư nầy đã làm cho người dân đất Quảng thấm nhuần Phật Pháp.
Nhưng do vì các ngài tùy duyền giáo hóa, chợt đến chợt đi khiến
cho người con Phật nơi đây không có nơi nương tựa lâu dài. Chính
vì lẽ đó, khi thiền sư Minh Hải - Pháp Bảo quyết định trụ lại
Quảng Nam hoằng hóa đã đáp ứng được niềm khao khát mong đợi của
người con Phật nói riêng và toàn dân nói chung từ bấy lâu nay. Như
vậy, nếu như các ngài Minh Châu, Thạch Liêm, Hưng Liên có công xây
dựng nền móng của ngôi nhà phật Pháp, thì ngài Minh Hải - Đắc Trí
- Pháp Bảo là người có công kiến tạo tòa nhà Phật Giáo Quảng Nam
mà qua đó được tiêu biểu là dòng Lâm Tế Chúc Thánh.
D. VỀ
THIỀN SƯ PHÁP HẢI - ĐẮC TRÍ - MINH BẢO
Thiền sư
Minh Hải - Đắc Trí - Pháp Bảo (1670 - 1746) thế danh là Lương Thế
Ân, sinh vào giờ Tuất, ngày 28 tháng 6 năm Canh Tuất (1670) nhăm
năm Khang Hy thứ 8 triều nhà Thanh tại làng Thiệu An, huyện Đồng
An, phủ Tuyên Châu, tỉnh Phước Kiến, Trung Hoa. Thân phụ là Lương
Đôn Hậu, thân mẫu là Trần Thục Thận, anh trai là Lương Thế Bảo, em
trai là Lương Thế Định. Ngài là con thứ hai trong gia đình.
Thuở thiếu thời, ngài đã tỏ ra thông minh khác người và có tâm
hướng về Đạo Phật. Năm Mậu Ngọ (1678), ngài được song thân đưa đến
xuất gia tại chùa Báo Tư (nơi tổ Nguyên Thiều xuất gia, và năm Mậu
Ngọ cũng là năm tổ Nguyên Thiều khởi công xây dựng chùa Thập Tháp
Di Đà) thuộc tỉnh Quảng Châu, lúc bấy giờ ngài tròn 9 tuổi. Sau
thời gian tu học, khi vừa tròn 20 thì ngài được đăng đàn thọ cụ
túc giới với pháp danh Minh Hải, tự Đắc Trí, hiệu Pháp Bảo. Như
vậy Ngài nối pháp đời 34 dòng Lâm Tế truyền theo bài kệ của ngài
Vạn Phong - Thời Ủy.
Năm Ất Hợi (1695) thể theo lời thỉnh cầu của chúa Nguyễn Phúc Chu,
ngài cùng các ngài Minh Vật Nhất Trí, Minh Hoàng - Tử Dung, Minh
Lượng - Thành Đẳng … trong Hội Đồng Thập Sư cùng Hoà Thượng Thạch
Liêm sang An Nam truyền giới. Phái đoàn xuống thuyền bến Hoàng Phố
tại Trung Hoa và cập bến Hội An vào ngày 28 tháng Giêng năm Ất Hợi
(1695). Sau đó, đoàn ra Thuận Hóa, được chúa Nguyễn Phúc Chu đón
tiếp trọng thể và thỉnh về ngụ tại Chùa Thiền Lâm. Sau ngày đại
giới đàn tại Chùa Thiền Lâm, chùa Di Đà, chùa Thiên Mụ, ngài Thạch
Liêm và phái đoàn trở về Quảng Đông và không qua nữa.
Khi ngài Thạch Liêm về nước, có một số vị trong phái đoàn quyết
định ở lại An Nam như ngài: Minh Hoàng - Tử Dung khai sơn chùa Ấn
Tôn ở Thuận Hóa, ngài Minh Lượng - Thành Đẳng khai sơn chùa Vạn
Đức tại Cẩm Hà, Hội An, ngài Minh Hải - Đắc Trí - Pháp Bảo khai
sơn chùa Chúc Thánh tại Cẩm Phô, Hội An.
Sau khi quyết định trụ lại Hội An để hoàng dương chánh pháp, tổ
Minh Lương - Thành Đẳng khai sơn chùa Vạn Đức truyền pháp theo bài
kệ của ngài Mộc Trần - Đạo Mân, riêng ngài Minh Hải - Pháp Bảo
biệt xuất riêng một bài kệ truyền pháp. Từ đó, trong lịch sử Phật
Giáo Việt Nam xuất hiện một dòng phái mới, đó là Thiền Phái Lâm Tế
Chúc Thánh. Toàn văn bài kệ tất cả có tám câu; bốn câu đầu là pháp
danh, bốn câu sau là pháp hiệu. Bài kệ truyền pháp danh có bốn
câu, mỗi câu năm chữ như sau:
- Minh Thiệt Pháp Toàn Chương
Ấn Chơn Như Thị Đồng
Chúc Thánh Thọ Thiên Cửu,
Kỳ Quốc Tộ Địa Trường.
Và bốn câu truyền pháp tự, mỗi câu năm chữ như sau:
- Tổ Đạo Giải Hạnh Thông
Đắc Chánh Luật Vi Tông
Giác Hoa Bồ Đề Thọ
Sung Mãn Nhân Trung Thiên.
Ý nghĩa chung của bốn câu pháp danh và bốn câu pháp tự là:
- Khai sáng pháp chân thật
Tánh chân như là đồng
Cầu thánh quân muôn tuổi
Chúc đất nước vững bền
Giới luật nêu trước tiên
Giải và hành nối liền
Hoa nở cây giác ngộ
Hương thơm lừng nhân thiên.
(Thích Nhất Hạnh dịch)
Ngoài bài
kệ truyền pháp tại Quảng Nam trước đây, chư tăng môn phái Chúc
Thánh tại Bình Định cũng có một bài kệ truyền pháp như sau:
TRUYỀN
PHÁP DANH KỆ:
- Minh
Thiệt Pháp Toàn Chương
Ấn Chơn
Như Thị Đồng
Vạn Hữu
Duy Nhất Thể
Quán Liễu
Tâm Cảnh Không
Giới
Hương Thành Thánh Quả
Giác Hải
Dõng Liên Hoa
Tín Tấn
Sanh Phước Huệ
Hạnh Trí
Giải Viên Thông
Ảnh
Nguyệt Thanh Trung Thủy
Vân Phi
Nhật Khứ Lai
Đạt Ngộ
Vi Diệu Tánh
Hoằng
Khai Tổ Đạo Trường.
TRUYỀN
PHÁP TỰ KỆ:
- Đắc
Chánh Luật Vi Tông
Tổ Đạo
Giải Hạnh Thông
Giác Hoa
Viên Cảnh Trí
Sung Mãn
Lợi Nhân Thiên
Hằng Sa
Chư Pháp Giới
Tế Độ
Đẳng Hàm Sanh
Châu Viên
Thể Tướng Dụng
Quán
Chiếu Sát Trần Trung
Khứ Lai
Đương Nhất Niệm
Năng Sở
Khởi Phi Tha
Tâm Cảnh
Thùy Biên Thủ
Chơn Vọng
Tổng Giai Như.
Nguyên
nhân xuất hiện của bài kệ thứ hai này là vì vào năm 1967, có một
học tăng gốc người Hoa đến nộp đơn học tại trường trung học Bồ Đề
Nguyên Thiều (Bình Định). Qua lý lịch thì được biết học sinh này
có quan hệ thân tộc với Tổ Nguyên Thiều. Theo sự yêu cầu của thầy
giám học Thích Đổng Quán, gia đình vị học tăng này cung cấp một số
tư liệu về gia phả Tổ Nguyên Thiều, trong đó có bài kệ này. Từ đó,
chư Tăng dòng Chúc Thánh tại Bình Định sau chữ Đồng thì truyền
xuống chữ Vạn chứ không truyền xuống chữ Chúc.
Về sự
xuất hiện bài kệ thứ hai nầy, có người thắc mắc:
- Giữa
hai bài kệ thì bài nào đích thực là của Tổ Minh Hải?
- Tại sao
bài kệ Tổ Minh Hải không không nằm trong gia phả của ngài mà lại
nằm trong gia phả của ngài Nguyên Thiều?
TRƯỚC HẾT, BÀI KỆ NÀO ĐÍCH THỰC LÀ CỦA TỔ MINH HẢI - PHÁP BẢO
Chúng ta
thấy nguyên văn bài kệ thứ hai, về pháp danh cũng như pháp tự, có
tất cả mười hai câu. Cả pháp danh và pháp tự hai câu đầu đều giống
nhau, chỉ khác là cả bên pháp danh và pháp tự đều thêm tám câu.
- Phần bên pháp danh là diễn tả một quá trình tinh tấn để đến kết
quả cho tâm nguyện là: Theo dấu chân chư tổ, tinh tấn tu tập, làm
cho đạo pháp miên trường
- Phần bên pháp tự, trước hết xác định là phải dùng giới luật làm
căn bản tu tập, để rồi đạt đến thể tánh viên dung, tới lui tự tại,
nhưng cuối cùng tế độ khắp muôn loài, làm cho hương thơm giải
thoát lan tỏa khắp mọi nơi.
Xét nội dung hai bài kệ truyền pháp thì cũng không có
gì sai lệch, tuy là văn tự có thêm tám câu khác biệt, nhưng ý
nghĩa không thay đổi. Ở điểm nầy chúng ta có thể nghĩ:
- Có thể bài kệ nầy đã có từ sớm lúc tổ còn ở bên Trung Hoa, mà
nhất là trong lúc còn đang tu tập với tổ Nguyên Thiều cho nên toàn
văn đều nói lên quá trình tu tập. Nhưng đến khi sang An Nam, khai
sơn chùa Chúc Thánh, giữa một xã hội mới, lạ, trong hoàn cảnh
nhiểu nhương cho nên tổ giản lược lại với ý muốn nói:
- Đừng thay vua đổi chúa nữa,
Cầu
thánh quân muôn tuổi
Chúc đất nước vững bền
Giới luật nêu trước tiên
Giải và hành nối liền
Hoa nở cây giác ngộ
Hương thơm lừng nhân thiên.
Cho nên
chúng ta nghĩ là bài kệ nầy vẫn là của Tổ Minh Hải, nghĩa là cùng
một con người, nhưng ở hai địa phương khác nhau thì sự suy tư,
hạnh nguyện tu tập phải có sự thay đổi, nhưng căn bản thì không
thay đổi.
CÒN NÓI VỀ THẮC MẮC, BÀI KỆ NẦY TẠI SAO KHÔNG NẰM TRONG GIA PHẢ
CỦA TỔ MÀ LẠI NẰM TRONG GIA PHẢ TỔ NGUYÊN THIỀU?
Để cho rõ vấn đề nầy, xin được nhắc lại một
chút về năm sanh của tổ Nguyên Thiều - Hoán Bích. Tổ Nguyên Thiều
- Hoán Bích sanh năm 1648, xuất gia tại chùa Báo Tư năm 19 tuổi.
Sau đó tổ đã theo thuyền buôn sang An Nam (Việt Nam) đời chúa
Nguyễn Phúc Tần, đến năm Mậu Ngọ (1678) Ngài khai sơn chùa Thập
Tháp Di Đà, lúc đó ngài tròn 30 tuổi.
Tổ Minh
Hải - Pháp Bảo sinh vào năm Canh Tuất (1670), xuất gia năm Mậu
Ngọ (1678), lúc đó vừa tròn 9 tuổi, cũng là năm tổ Nguyên Thiều
thành lập chùa Thập Tháp Di Đà. Năm 20 tuổi Ngài thọ giới cụ túc
với pháp danh Minh Hải, tự Đắc trí, hiệu Pháp Bảo.
Ta biết
là năm 1678 là năm tổ Nguyên Thiều khai sáng chùa Thập Tháp Di Đà
mà cũng là năm xuất gia của tổ Minh Hải, có lẽ lúc nầy là dịp tổ
Nguyên Thiều về Trung Hoa thăm lại chùa xưa và làm lễ xuất gia cho
tổ Minh Hải? Cho đến 11 năm sau tổ Minh Hải thọ cụ túc giới lúc
vừa tròn 20 tuổi. Có lẽ lúc nầy cũng là dịp tổ Nguyên Thiều về
thăm lại chùa và chứng minh giới đàn?
Từ xưa
tới nay, nhất là trong truyền thống Phật Giáo, luôn nhắc nhở Thầy,
Tổ như là bậc cha mẹ thứ hai, cho nên lúc thọ giới cụ túc, cũng là
lúc xuất bài kệ nầy, Tổ Minh Hải đã trình bài kệ nầy lên Thầy của
mình là tổ Nguyên Thiều để được ấn chứng. Có lẽ sau khi trình kệ
xong, sau đó tổ Nguyên Thiều đã vội vã về lại An Nam để lo phật sự
(vì lúc nầy tổ Nguyên Thiều đang xây dựng chùa Thập Tháp Di Đà),
cho nên những hành lý của tổ Nguyên Thiều do gia đình cất giữ. Có
thể trong mớ hành lý đó có bài kệ trình pháp của tổ Minh Hải - Đắc
Trí - Pháp Bảo?
Sự kiện
tổ Nguyên Thiều đi đi, về về giữa Việt Nam và Trung Hoa tuy là
trong sử không ghi điều nầy, nhưng căn cứ theo yêu cầu của chúa
Anh Tôn - Nguyễn Phúc Trăn (1686 - 1691) trở về Trung Hoa mời các
danh tăng, nên tổ Nguyên Thiều đã về lại Trung Hoa để thỉnh thiền
sư Thạch Liêm, và phái đoàn chư tăng qua An Nam. Có lẽ các chúa
nhà Nguyễn đã biết tổ Nguyên Thiều đã đi qua lại nhiều lần nên các
chúa mới tin tưởng và giao cho trách nhiệm cung thỉnh chư tăng.
Mãi cho đến năm Ất Hợi (1695) thể theo lời thỉnh cầu của chúa
Nguyễn Phúc Chu, tổ Minh Hải cùng các ngài Minh Vật Nhất Trí, Minh
Hoàng - Tử Dung, Minh Lượng - Thành Đẳng … trong Hội Đồng Thập Sư
cùng Hoà Thượng Thạch Liêm sang An Nam truyền giới, lúc đó thầy
trò mới có cơ hội gặp lại tại An Nam. Tại An Nam tổ Nguyên Thiều
và tổ Minh Hải còn gặp gở nhau suốt 33 năm trên tuyến đường truyền
bá chánh pháp.
Cho đến
khi tổ Minh Hải thành lập chùa Chúc Thánh và giản lươc lại bài kệ,
như chúng ta đã và đang thấy lưu truyền như hiện nay. Ta có thể
nghĩ như vậy mới thấy tánh hợp lý tại sao bài kệ của tổ Minh Hải
lại có mặt trong gia phả của tổ Nguyên Thiều, và đồng thời cho ta
biết sự liên hệ tình thầy trò từ lúc xuất gia cho khi thành đạt,
mặc dù giữa tổ Nguyên Thiều và tổ Minh Hải gặp nhau rất ít, nhưng
vẫn thắm thiết tình thầy trò giữa hai tổ Nguyên Thiều và tổ Minh
Hải.
Nếu như suy nghĩ như vậy, thì chúng ta có thể kết lưận, bài kệ mới
phát hiện sau nầy là có trước, và bài kệ được truyền thừa theo
dòng Lâm Tế Chúc Thánh là có sau, nhưng cả hai đều của tổ Minh Hải
– Pháp Bảo.
Sau gần
50 năm sang An Nam hoằng truyền chánh pháp, đến ngày mồng 7 tháng
11 năm Bính Dần (1746), Ngài gọi đồ chúng đến dặn dò và đọc kệ phú
chúc:
- Nguyên
phù pháp giới không
Chơn
như vô tánh tướng
Nhược liễu ngộ như thử
Chúng
sanh dữ Phật đồng
Tạm dịch:
Pháp
giới như mây nổi
Chân
như không tánh tướng
Nếu hiểu
được như vậy
Chúng
sanh với Phật đồng
Sau khi
phú chúc cho hàng môn đệ xong thì Ngài thâu thần thị tịch, trụ thế
77 tuổi. Đồ chúng cung thỉnh nhục thân của Ngài nhập bảo tháp ở
phía Tây Nam trong khuôn viên tổ đình Chúc Thánh.
Từ đây,
trong dòng lịch sử truyền thừa của Phật Giáo Việt Nam có một dòng
thiền mới xuất hiện mà sử sách gọi là dòng thiền Chúc Thánh, hay
còn gọi thiền phái Minh Hải Pháp Bảo. Từ khi Tổ Minh Hải - Pháp
Bảo khai sơn, chùa Chúc Thánh đã trải qua 300 năm và 12 đời trụ
trì như sau:
01. Đời
34: Ngài Minh Hải-Đắc Trí-Pháp Bảo
02. Đời
35: Ngài Thiệt Diệu-Chánh Hiền.
03. Đời
36: Ngài Pháp Diễn-Bảo Tràng
04. Đời
37: Ngài Toàn Đăng-Bảo Nguyên.
05. Đời
37: Ngài Toàn Nhâm-Vi Ý-Quán Thông.
06. Đời
38: Ngài Chương Đạo-Tuyên Tùng-Quảng Viên.
07. Đời
38: Ngài Chương Khoáng-Tuyên Điền-Chứng Đạo.
08. Đời
39: Ngài Ấn Bính-Tổ Thuận-Phổ Bảo.
09. Đời
40: Ngài Chơn Chứng-Đạo Tâm-Thiện Quả.
10. Đời
40: Ngài Chơn Nhật-Đạo Chiếu-Quang Minh.
11. Đời
41: Ngài Như Truyện-Giải Lệ-Trí Nhãn.
12. Đời
43: Ngài Đồng Mẫn-Thông Niệm-Huệ Tánh.
Từ Chúc
Thánh, các đệ tử cũng như các pháp tôn nhiều đời của Ngài đã đem
ánh sáng chánh Pháp hoằng truyền khắp mọi nơi. Từ Quảng Nam, ra
Thừa Thiên Huế, rồi Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận,
Bình Thuận trở vào phía nam đến các tỉnh miền Nam, miền Tây Nam bộ
đều có dấu chân hành hóa của chư Tăng thuộc thiền phái Chúc Thánh.
Hiện nay, dòng thiền Chúc Thánh đã truyền xuống đến các chữ Thánh,
Thọ và sự ảnh hưởng của dòng thiền này càng ngày càng thêm phát
triển và lớn mạnh.
--o0o--
|
|