Kinh Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật
QUYỂN THỨ BA

Hán dịch: Pháp Sư Cưu Ma La Thập
Việt dịch: Hòa Thượng Thích Trí Tịnh
PHẨM KHUYẾN HỌC THỨ TÁM

            Ngài Tu Bồ Ðề thưa: "Bạch đức Thế-Tôn! Ðại Bồ-Tát muốn đầy đủ Ðàn Na ba la mật thời phải học Bát-Nhã ba la mật, muốn đầy đủ Thi La ba la mật, Sằn Ðề ba la mật, Tỳ Lê Gia ba la mật, Thiền Na ba la mật và Bát-Nhã ba la mật thời phải học Bát-Nhã ba la mật.
            Ðại Bồ-Tát muốn biết ngũ uẩn, thập nhị xứ, thập bát giới, muốn biết nhãn xúc cùng nhãn xúc làm nhơn duyên sanh ra thọ, nhẫn đến ý xúc làm nhơn duyên sinh ra thọ thời phải học Bát-Nhã ba la mật.
            Ðại Bồ-Tát muốn dứt tham sân si mạn nghi thân-kiến giới-thủ các thứ tâm sở phiền não thời phải học Bát-Nhã ba la mật. Muốn dứt tứ phược tứ kiết tứ điên đảo, thời phải học Bát-Nhã ba la mật.
            Ðại Bồ-Tát muốn biết thập thiện tứ thiền, tứ vô lượng tâm, tứ vô sắc định, tứ niệm xứ, nhẫn đến mười tám pháp bất cộng đều phải học Bát-Nhã ba la mật.
            Ðại Bồ-Tát muốn nhập giác ý tam muội, muốn nhập lục thần thông, muốn nhập cửu thứ đệ định, muốn nhập siêu việt tam muội, đều phải học Bát-Nhã ba la mật.
            Ðại Bồ-Tát muốn được sư tử du hí tam muội, sư tử phấn tấn tam muội, muốn được tất cả môn đà la ni, muốn được thủ lăng nghiêm tam muội, bửu ấn tam muội, diệu nguyệt tam muội, nguyệt tràng tướng tam muội, nhứt thiết pháp ấn tam muội, quán ấn tam muội, tất pháp tánh tam muội, tất trụ tướng tam muội, như kimcang tam muội, nhập nhứt thiết pháp môn tam muội, tam muội vương tam muội, vương ấn tam muội, tịnh lực tam muội, cao xuất tam muội, tất nhập nhứt thiết biện tài tam muội, nhập chư pháp danh tam muội, quán thập phương tam muội, chư đà la ni môn ấn tam muội, nhứt thiết pháp bất vong tam muội, nhiếp nhứt thiết pháp tụ ấn tam muội, hu không trụ tam muội, tam phần thanh tịnh tam muội, bất thối thần thông tam muội, xuất bát tam muội, chư tam muội tràng tướng tam muội, đều phải học Bát-Nhã ba la mật.
            Bạch đức Thế-Tôn! Ðại Bồ-Tát muốn thõa mãn nguyện vọng của tất cả chúng sanh đều phải học Bát-Nhã ba la mật.
            Muốn được đầy đủ những thiện căn sau đây: Thường chẳng đọa vào ác đạo, chẳng sanh nhà ti tiện, chẳng ở trong hàng Thanh Văn Bích Chi Phật, chẳng sa vào Bồ-Tát-đảnh thời phải học Bát-Nhã ba la mật.
            Ngài Xá-Lợi-Phất hỏi: "Thế nào là sa vào Bồ-Tát-đảnh?
            Ngài Tu Bồ Ðề nói: "Nếu đại Bồ-Tát chẳng dùng pháp phương tiện mà thật hành sáu ba la mật nhập không vô tướng vô tác tam muội, chẳng sa vào hàng Bích Chi Phật và cũng chẳng nhập Bồ-Tát vị, đây gọi là đại Bồ-Tát pháp ái sanh, vì thế nên sa vào Bồ-Tát đảnh.
            Ngài Xá-Lợi-Phất hỏi: "Thế nào gọi là Bồ-Tát sanh?
            Ngài Tu Bồ Ðề nói: "Sanh gọi là pháp ái.
            Ngài Xá-Lợi-Phất hỏi: "Những gì là pháp ái?
            Ngài Tu Bồ Ðề nói: "Ðại Bồ-Tát thật hành Bát-Nhã ba la mật, sắc thọ tưởng hành thúc là không, là vô tướng là vô tác, là tịch diệt là vô thường là khổ là vô ngã, Bồ-Tát nhẫn thọ ghi nhớ nắm giữ nơi đây thời gọi là thuận đạo pháp ái sanh.
            Ðây là khổ phảiÕ biết, đây là tập phải dứt, đây là diệt phải chứng, đây là đạo phải tu, pháp này cấu, pháp này tịnh, nên gần pháp này, chẳng nên gần pháp này, chỗ này nên làm, chỗ này chẳng nên làm, đây là Bồ-Tát đạo, đây chẳng phải Bồ-Tát đạo, là chỗ học của Bồ-Tát, chẳng phải chỗ học của Bồ-Tát, đây là Ðàn Na ba la mật nhẫn đến Bát-Nhã ba la mật của Bồ-Tát, đây chẳng phải sáu ba la mật của Bồ-Tát, đây là phương tiện của Bồ-Tát, đây chẳng phải phương tiện của Bồ-Tát, đây là chỗ thành thục của Bồ-Tát, đây chẳng phải của Bồ-Tát thành thục. Lúc thật hành Bát-Nhã ba la mật, nếu đại Bồ-Tát nhẫn thọ ghi nhớ nắm những pháp trên đây thời gọi là thuận đạo pháp-ái sanh.
            Ngài Xá-Lợi-Phất hoỏi: "Thế nào là Bồ-Tát bất sanh?
            Ngài Tu Bồ Ðề nói: "Ðại Bồ-Tát lúc thật hành Bát-Nhã ba la mật, trong nội không chẳng thấy ngoại không, trong ngoại không chẳng thấy nội không, trong ngoại không chẳng thấy nội ngoại không, trong nội ngoại không chẳng thấy ngoại không, trong nội ngoại không chẳng thấy không không, trong không không chẳng thấy nội ngoại không, trong đại không chẳng thấy không không, trong đại không chẳng thấy đệ nhứt nghĩa không, trong đệ nhứt nghĩa không chẳng thấy đại không, trong đệ nhứt nghĩa không chẳng thấy hữu vi không, trong hưu vi không chẳng thấy đệ nhứt nghĩa không, trong hữu vi không chẳng thấy vô vi không, trong vô vi không chẳng thấy hữu vi không, trong vô vi không chẳng thấy tất-cánh không, trong tất-cánh không chẳng thấy vô thỉ không, trong vô thỉ không chẳng thấy tất-cánh không, trong vô thỉ không chẳng thấy tán không, trong tán không chẳng thấy vô thỉ không, trong tán không chẳng thấy tánh không, trong tánh không chẳng thấy tán không, trong tánh không chẳng thấy chư pháp không, trong chư pháp không chẳng thấy tánh không, trong chư phá không chẳng thấy tự tướng không, trong tự tướng không chẳng thấy chư pháp không, trong tự tướng không chẳng thấy vô sở đắc không, trong vô sở đắc không chẳng thấy tự tướng không, trong vô sở đắc không chẳng thấy vô pháp không, trong vô pháp không chẳng thấy vô sở đắc không, trong vô pháp không chẳng thấy hữu pháp không, trong hữu pháp không chẳng thấy vô pháp không, trong hữu pháp không chẳng thấy vô pháp hữu pháp không, trong vô pháp hữu pháp không chẳng thấy hữu pháp không.
            Như trên đây là Bồ-Tát bất sanh, là được nhập Bồ-Tát vị.
            Này Xá-Lợi-Phất! Ðại Bồ-Tát muốn học Bát-Nhã ba la mật phải học thế này: Chẳng nghĩ nhớ ngũ uẩn thập nhị xứ thập bát giới, chẳng nghĩ nhớ sáu ba la mật nhẫn đế mười tám pháp bất cộng.
            Lúc được những tâm này, tâm vô đẳng đẳng, đại tâm, đại Bồ-Tát thật hành Bát-Nhã ba la mật chẳng nên nghĩ nhớ, chẳng nên tự đắc.
            Tại sao vậy? Vì tâm này chẳng phải tâm, vì tâm-tướng vốn là thường tịnh vậy.
            Ngài Xá-Lợi-Phất hỏi: "Thế nào là tâm tướng thường thanh tịnh?
            Ngài Tu Bồ Ðề nói: "Bồ-Tát biết rõ tâm tướng cùng với tham sân si tất cả kiết sử phiền não chẳng hiệp chẳng ly nhau, với tâm Thanh Văn tâm Bích Chi Phật vốn chẳng hiệp chẳng ly nhau. Ðây gọi là tâm tướng thường thanh tịnh.
            Ngài Xá-Lợi-Phất hỏi: "Có cái tâm không tâm tướng này chăng?
            Ngài Tu Bồ Ðề nói: "Trong tâm không tướng này có thể được những tướng hữu tâm cùng tướng vô tâm chăng?
            Ngài Xá-Lợi-Phất nói: "Chẳng thể được.
            Ngài Tu Bồ Ðề nói: "Nếu là chẳng thể được thời chẳng nên hỏi có cái tâm không tâm tướng chăng?
            Ngài Xá-Lợi-Phất hỏi: "Những gì là không tâm tướng?
            Ngài Tu Bồ Ðề nói: "Với các pháp, chẳng hư hoại chẳng phân biệt, đây gọi là không tâm tướng>
            Ngài Xá-Lợi-Phất hỏi: "Chỉ có tâm này chẳng hư hoại chẳng phân biệt, còn sắc nhẫn đến Phật đạo có là cũng chẳng hư hoại chẳng phân biệt chăng?
            Ngài Tu Bồ Ðề nói: "Nếu có thể biết tâm tướng chẳng hư hoại chẳng phân biệt, thời cũng có thể biết sắc nhẫn đến Phật đạo cũng chẳng hư hoại chẳng phân biệt.
            Ngài Xá-Lợi-Phất tán thán: "Lành thay, lành thay! Tu Bồ Ðề là chơn Phật tử từ miệng Phật mà sanh, từ thấy pháp mà sanh, từ pháp hóa sanh, lấy được pháp phần chẳng lấy tài phần. Trong chánh pháp tự tin thân được chứng.
            Ðúng như lời đức Phật từng khen ông là bực nhứt trong những người được vô tránh tam muội.
            Ðại Bồ-Tát phải học Bát-Nhã ba la mật như vậy. Trong đây cũng phải biết rõ Bồ-Tát đúng như lời ông đã nói mà thật hành thời chẳng rời Bát-Nhã ba la mật.
            Những thiện nam tử thiện nữ nhơn muốn học bực Thanh Văn cũng phải nghe Bát-Nhã ba la mật để thọ trì đọc tụng ghi nhớ thật hành. Người muốn học bực Bích Chi Phật cũng phải nghe Bát Nhã ba la mật để thọ trì đọc tụng ghi nhớ thật hành. Người muốn học bực Bồ-Tát cũng phải nghe Bát Nhã ba la mật để thọ trì đọc tụng ghi nhớ thật hành.
            Tại sao vậy? Vì trong Bát-Nhã ba la mật nói rộng về tam thừa, nên Bồ-Tát Thanh Văn Bích Chi Phật đều phải học.