Kinh Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật
QUYỂN THỨ TƯ

Hán dịch: Pháp Sư Cưu Ma La Thập
Việt dịch: Hòa Thượng Thích Trí Tịnh


PHẨM ÐOẠN CHƯ KIẾN THỨ MƯỜI BỐN

           Ngài Xá-Lợi-Phất thưa: "Bạch đức Thế-Tôn! Con cũng muốn nói sở dĩ Bồ-Tát được gọi là đại Bồ-Tát.
           Ðức Phật bảo ngài Xá-Lợi-Phất: "Ông cứ nói.
           Ngài Xá-Lợi-Phất nói: "Ngã kiến, thọ kiến, mạng kiến, chúng sanh kiến, sanh kiến, dưỡng dục kiến, chúng số kiến, nhơn kiến, tác kiến, sử tác kiến, khởi kiến, sử khởi kiến, thọ kiến, sử thọ kiến, tri giả kiến, kiến giả kiến đoạn kiến, thường kiến, hữu kiến, vô kiến, ấm kiến, nhập kiến, giới kiến, đế kiến, nhơn duyên kiến, niệm xứ kiếnnhẫn đến bất cộng pháp kiến, Phật đạo kiến, thành tựu chúng sanh kiến, tịnh Phật quốc độ kiến, Phật kiến, chuyển pháp luân kiến.
           Vì dứt trừ những kiến chấp trên đây mà vì người thuyết pháp nên Bồ-Tát được gọi là đại Bồ-Tát.
           Ngài Tu Bồ Ðề hỏi: "Duyên cớ gì sắc kiến là vọng kiến? Duyên cớ gì thọ tưởng hành thức kiến nhẫn đến chuyển pháp luân kiến là vọng kiến?
           Ngài Xá-Lợi-Phất nói: "Lúc thật hành Bát-Nhã ba la mật, vì không phương tiện nên Bồ-Tát ở nơi sắc sanh kiến chấp, ở nơi thọ tưởng hành thức nhẫn đến chuyển pháp luân sanh kiến chấp, vì pháp dụng hữu sở đắc vậy".
           Nơi đây đại Bồ-Tát thật hành Bát-Nhã ba la mật dùng sức phương tiện mà vì họ thuyết pháp để dứt trừ những vọng kiến, vì pháp dụng vô sở đắc vậy.
           Ngài Tu Bồ Ðề bạch đức Phật: "Bạch đức Thế-Tôn! Con cũng muốn nói sở dĩ mà Bồ-Tát được gọi là đại Bồ-Tát.
           Ðức Phật bảo ngài Tu Bồ Ðề: "Ông cứ nói.
           Ngài Tu Bồ Ðề nói: "Tâm vô thượng bồ đề, tâm vô đẳng đẳng đây chẳng cùng chung với tâm Thanh Văn Bích Chi Phật. Tại sao vậy? Vì đây là tâm nhứt thiết trí vô lậu chẳng hệ phược. Cũng chẳng chấp trước trong tâm nhứt thiết trí vô lậu chẳng hệ phược đây. Do duyên cớ này mà Bồ-Tát được gọi là đại Bồ-Tát.
           Ngài Xá-Lợi-Phất hỏi: "Những gì là tâmvô đẳng đẳng của đại Bồ-Tát chẳng cùng tâm với tâm Thanh Văn Bích Chi Phật?
           Ngài Tu Bồ Ðề nói: "Ðại Bồ-Tát từ lúc sơ phát tâm trở đi trọn không thấy một pháp nào có sanh có diệt có cấu có tịnh có tăng có giảm. Nếu đã là pháp chẳng sanh chẳng diệt chẳng cấu chẳng tịnh chẳng tăng chẳng giảm thời trong đó không tâm Thanh Văn không tâm Bích Chi Phật không tâm vô thượng bồ đề không Phật tâm. Ðây gọi là tâm vô đẳng đẳng của đại Bồ-Tát chẳng cùng chung với tâm Thanh Văn Bích Chi Phật.
           Ngài Xá-Lợi-Phất nói: "Như lời ngài Tu Bồ Ðề nói trong tâm nhứt thiết trí vô lậu chẳng hệ phược đây cũng chẳng chấp trước.
           Này ngài Tu Bồ-Ðề! Sắc cũng chẳng chấp trước, thọ ưởng hành thức cũng chẳng chấp trước, tứ niệm xứ nhẫn đến bất cộng pháp cũng chẳng chấp trước. Sao ngài chỉ nói tâm đây chẳng chấp trước?
           Ngài Tu Bồ Ðề nói: "Phải lắm! Sắc nhẫn đến pháp bất cộng cũng chẳng chấp trước.
           Ngài Xá-Lợi-Phất nói: "Tâm phàm phu cũng là vô lậu chẳng hệ phược, vì tánh rổng không vậy. Tâm Thanh Văn tâm Bích Chi Phật tâm chư Phật cũng là vô lậu chẳng hệ phược, vì tánh rổng không vậy.
           Ngài Tu Bồ Ðề nói: "Phải lắm!
           Ngài Xá-Lợi-Phất nói: "Sắc cũng là vô lậu chẳng hệ phược, vì tánh không vậy. Thọ tưởng hành thức nhẫn đến ý xúc nhơn duyên sanh thọ cũng là vô lậu chẳng hệ phược, vì tánh không vậy. Tứ niệm xứ nhẫn đến mười tám pháp bất cộng cũng là vô lậu chẳng hệ phược, vì tánh không vậy.
           Ngài Tu Bồ Ðề nói: "Vâng! Như lời ngài Xá-Lợi-Phất đã nói tâm phàm phu nhẫn đến pháp bất cộng cũng là vô lậu chẳng hệ phược, vì tánh không vậy.
           Ngài Xá-Lợi-Phất nói: "Như lời ngài Tu Bồ Ðề đã nói vì tâm là không nên chẳng chấp trước tâm.
           Này ngài Tu Bồ Ðề! Vì sắc là không nên chẳng chấp trước sắc. Vì thọ tưởng hành thức nhẫn đến ý xúc sanh thọ là không nên chẳng chấp trước thọ tưởng hành thức nhẫn đến chẳng chấp trước ý xúc sanh thọ. Vì tứ niệm xứ là không nhẫn đến bất cộng pháp là không nên chẳng chấp trước tứ niệm xứ nhẫn đến chẳng cấp trước bất cộng pháp.
           Ngài Tu Bồ Ðề nói: "Vâng, vì sắc là không nên trong sắc chẳng chấp trước. Nhẫn đến vì pháp bất cộng là không nên trong bất cộng pháp chẳng chấp trước.
           Ðại Bồ-Tát lúc thật hành Bát-Nhã ba la mật dùng tâm vô thượng bồ đề tâm vô đẳng đẳng chẳng cùng chung với tâm Thanh Văn Bích Chi Phật, cũng chẳng nghĩ nhớ có tâm vô đẳng đẳng này, cũng chẳng chấp trước tâm vô đẳng đẳng này, vì pháp dụng vô hữu vậy. Do duyên cớ này mà Bồ-Tát được gọi là đại Bồ-Tát.