|
Kinh Ma
Ha Bát Nhã Ba La Mật
QUYỂN THỨ
SÁU
Hán dịch: Pháp Sư Cưu
Ma La Thập
Việt dịch: Hòa Thượng
Thích Trí Tịnh
PHẨM
QUẢNG THỪA THỨ MƯỜI CHÍN
-
Ðức Phật bảo ngài Tu Bồ Ðề: "Có đại Bồ-Tát đại thừa, chính là tứ
niệm xứ.
Thế nào là bốn?
Này Tu Bồ Ðề!
Ðại Bồ-Tát, trong nội thân, theo thân quán sát, cũng không có thân
giác vì bất khả đắc vậy.
Trong ngoại
thân, theo thân quán sát cũng không có thân giác, vì bất khả đắc
vậy.
Trong nội
ngoại thân, theo thân quán sát, cũng không có thân giác vì bất khả
đắc vậy.
Ðại Bồ-Tát
quán thân siêng tinh tấn nhứt tâm trừ sự tham ưu của thế gian.
Nội thọ nội
tâm nội pháp, ngoại thọ ngoại tâm ngoại pháp, nội ngoại thọ nội
ngoại tâm nội ngoại pháp, đại Bồ-Tát theo thọ tâm pháp quán sát,
cũng không có thọ giác tâm giác pháp giác vì bất khả đắc vậy,
siêng tinh tấn nhứt tâm trừ sự tham ưu của thế gian.
Này Tu Bồ Ðề!
Thế nào là đại Bồ-Tát trong nội thân theo thân quán sát?
Lúc đại Bồ-Tát
đi thời biết là đi, lúc đứng thời biết là đứng, lúc ngồi thời biết
là ngồi, lúc nằm thời biết là nằm. Thân hành động thế nào thờiÕ
biết như vậy. Ðây là trong nội thân, đại Bồ-Tát theo thân quán sát
siêng tinh tấn nhứt tâm trừ sự tham ưu của thế gian, vì bất khả
đắc vậy.
Ðại Bồ-Tát lúc
đến lúc đi, lúc nhìn ngó coduỗi cúi ngửa,, lúc đắp y cầm bát, lúc
ăn uống, lúc nằm nghỉ ngủ thức ngồi đứng nói nín, lúc nhập thiền
xuất thiền cũng thường nhứt tâm. Ðây là trong nội thân, đại Bồ-Tát
theo thân quán sát lúc thật hành bát nhã ba la mật, vì bất khả đắc
vậy.
Trong nội thân
lúc theo thân quán sát, đại Bồ-Tát nhứt tâm niệm, lúc t hở vào
biết là thở vào, lúc thở ra bbiết là thở ra,, lúc th ở vào dài
thời biết là thở vào dài,, lúc t hở ra dài thời biết thở ra dài,
lúc thở vào vắn thời biết là thở vào vắn, lúc thở ra vắn thời biết
thở ra vắn. Ðây là trong nội thân đại Bồ-Tát theo thân quán sát
siêng tinh tấn nhứt tâm trừ sự tham ưu của thế gian, vì bất khả
đắc vậy.
Ðại Bồ-Tát
quán sát thân tứ đại nghĩ rằng trong thân thể có địa đại thủy đại
hỏa đại phong đại.
Ví như nhà
hàng thịt dùng dao bén giết bò chia làm bốn phần rồi hoặc đứng
hoặc ngồi quán sát bốn phần thịt bò này.
Cũng vậy, đại
Bồ-Tát lúc thật hành Bát-Nhã ba la mật quán sát thân thể bốn đại:
địa đại thủy đại hỏa đại phong đại. Ðây là trong nội thân, đại
Bồ-Tát theo thân quán sát vì bất khả đắc vậy.
Ðại Bồ-Tát lại
quán sát thân thể từ đảnh đầu đến chân da mỏng bao bọc, nhiều thứ
bất tịnh đầy trong thân. Nghĩ rằng thân thể có tóc, lông, móng,
răng, da mỏng, da dày, gân, thịt, xương, tủy, tim, gan, phổi, tỳ,
cật, mật, tiểu trường, đại trường,, bao tử, bàng quang, phẩn, dãi,
mồ hôi, cáu ghét, nước mắt, nước mũi, nước miếng, máu, mủ, đàm,
nhớt, não óc.
Ví như trong
kho của nhà nông chứa lộn lạo đầy những lúa, nếp, mè, đậu, bắp.
Người có dôi mắt sáng mở kho liền thấy rõ là lúa, là nếp, là mè,
là đậu, là bắp.
Ðại Bồ-Tát
quán sát trong thân từ đầu đến chân thấy rõ từng chi tiết bất tịnh
siêng tinh tấn nhứt tâm trừ sự tham ưu của thế gian vì bất khả
đắc vậy.
Ðại Bồ-Tát nếu
thấy thân người chết đã trải qua một ngày hai ngày đến năm ngày
xanh ứ sình chương mủ nước rỉ chảy, tự nghĩ rằng thân thể ta đây
rồi cũng như vậy, tất chẳng thoát khỏi thế ấy. Ðây là đại Bồ-Tát
trong nội thân theo thân quán sát, siêng tinh tấn nhứt tâm trừ sự
tham ưu của thế gian vì bất khả đắc vậy.
Ðại Bồ-Tát nếu
thấy thân người chết vất bỏ đã sáu ngày bảy ngày bị chồn chó sài
lang quạ kên kên xé ăn, tự nghĩ rằng thân thể của ta đây rồi cũng
sẽ như vậy, tất chẳng thoát khỏi thế ấy. Ðây là đại Bồ-Tát trong
nội thân theo thân quán sát, siêng tinh tấn nhứt tâm trừ sự tham
ưu của thế gian vì bất khả đắc vậy.
Ðại Bồ-Tát
nếu thấy thây người chết vất bỏ bị cầm thú xé ăn rã rời hôi thúi
bất tịnh, tự nghĩ rằng thân thể của ta đây rồi cũng sẽ như vậy,
tất chẳng thoát khỏi thế ấy. Nếu thấy thây người chết vất bỏ da
thịt đã tan lộ bày gân xương liên tỏa, đại Bồ-Tát tự nghĩ rằng
thân thể của ta đây rồi cũng sẽ như vậy, tất chẳng thoát khỏi thế
ấy. Nếu thấy thây người chết vất bỏ xương cốt đã rã rời trên đất,
đại Bồ-Tát tự nghĩ rằng thân thể của ta đây rồi cũng như vậy, tất
chẳng thoát khỏi thế ấy. Nếu thấy thây người chết vất bỏ xương cốt
rã rời trên đất, xương chân chỗ này, xương đầu chỗ nọ, mỗi lóng
mỗi đốt đều khác chỗ, đại Bồ-Tát tự nghĩ rằng thân thể của ta rồi
cũng như vậy, tất chẳng thoát khỏi thế ấy. Nếu thấy xương khô bỏ
lâu ngày gió thổi nắng soi màu trắng như vỏ ốc, đại Bồ-Tát tự nghĩ
rằng thân thể của ta rồi cũng như vậy, tất chẳng thoát khỏi thế
ấy. Nếu thấy xương khô bỏ trên đất lâu ngày mục rã nát bấy lộn với
đất, đại Bồ-Tát tự nghĩ rằng thân thể của ta rồi cũng như vậy, tất
chẳng thoát khỏi thế ấy. Trong nội thân, đại Bồ-Tát theo thân quán
sát siêng tinh tấn nhứt tâm trừ sự tham ưu của thế gian vì bất khả
đắc vậy.
Như quán sát
nội thân, với ngoại thân cùng nội ngoại thân cũng theo thân quán
sát như vậy.
Cũng phải theo
như trên đây mà giải thuyết rộng về thọ niệm xứ tâm niệm xứ và
pháp niệm xứ.
Ðây gọi là đại
Bồ-Tát đại thừa, vì bất khả đắc vậy.
Này Tu Bồ Ðề!
Lại có đại Bồ-Tát đại thừa, chính là tứ chánh cần.
Những gì là
bốn?
Ðại Bồ-Tát đối
với những pháp ác bất thiện chưa phát sanh, vì làm cho pháp ác
chẳng sanh nên muốn có tâm siêng tinh tấn và nhứt tâm hành đạo.
Ðối với các pháp ác và bất thiện đã phát sanh, vì dứt trừ nên muốn
có tâm siêng tinh tấn và nhứt tâm hành đạo. Ðối với các pháp thiện
chưa phát sanh vì phát sanh nên muốn có tâm siêng tinh tấn và
nhiếp tâm hành đạo. Ðối với pháp thiện đã phát sanh, vì làm cho
còn mãi để tu tập đến được đầy đủ rộng lớn nên muốn có tâm siêng
tinh tấn và nhiếp tâm hành đạo. Vì bất khả đắc vậy. Ðây gọi là đại
Bồ-Tát đại thừa.
Này Tu Bồ Ðề!
Lại có đại Bồ-Tát đại thừa, chính là tứ như ý phần.
Những gì là
bốn?
Ðại Bồ-Tát
dùng sự mong muốn định hạnh thành tựu mà tu như ý phần, dùng sự
tinh tấn định hạnh thành tựu mà tu như ý phần, dùng sự tư duy
định hạnh thành tựu mà tu như ý phần, dùng sự nhứt tâm định hạnh
thành tựu mà tu như ý phần. Ðây là đại Bồ-Tát đại thừa, vì bất khả
đắc vậy.
Này Tu Bồ Ðề!
Lại có đại Bồ-Tát đại thừa chính là ngũ căn.
Những gì là
năm?
Tín căn, tinh
tấn căn, niệm căn, định căn, huệ căn. Ðây là đại Bồ-Tát đại thừa,
vì bất khả đắc vậy.
Lại có Bồ-Tát
đại thừa chính là ngũ lực.
Những gì là
năm?
Tín lực, tinh
tấn lực, niệm lực, định lực, huệ lực. Ðây là đại Bồ-Tát đại thừa,
vì bất khả đắc vậy.
Lại có đại
Bồ-Tát đại thừa, chính là thất giác phần.
Những gì là
bảy?
Ðại Bồ-Tát tu
niệm giác phần, trạch pháp giác phần, tinh tấn giác phần, hỉ
giác phần, trừ giác phần, định giác phần và xả giác phần, nương
nơi ly nơi vô nhiễm hướng đến Niết Bàn. Ðây gọi là đại Bồ-Tát
đại thừa, vì bất khả đắc vậy.
Lại có bát
thánh đạo phần là đại Bồ-Tát đại thừa.
Những gì là
tám?
Chánh kiến,
chánh tư duy, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm
và chánh định. Ðây gọi là đại Bồ-Tát đại thừa vì bất khả đắc vậy.
Lại có ba môn
tam muội là đại Bồ-Tát đại thừa.
Những gì là
ba?
Không Tam
Muội, Vô Tướng Tam Muội và Vô Tác Tam Muội.
Không tam muội
là nói các pháp tự tướng rỗng không. Ðây gọi là không giải thoát
môn.
Vô tướng tam
muội là nói diệt hoại các pháp tướng không nghĩ không nhớ. Ðây
gọi là vô tướng giải thoát môn.
Vô tác tam
muội là nói đối với các pháp không mong cầu tạo tác. Ðây gọi là vô
tác giải thoát môn.
Ba môn này là
đại Bồ-Tát đại thừa, vì bất khả đắc vậy.
Lại có đại
Bồ-Tát đại thừa, chính là khổ trí, tập trí, diệt trí, đạo trí, tận
trí, vô sanh trí, pháp trí, tỉ trí, thế trí, tha tâm trí và như
thiệt trí.
Thế nào gọi là
khổ trí? Biết khổ chẳng sanh, đây gọi là khổ trí.
Thế nào gọi là
tập trí? Biết tập phải dứt, đây gọi là tập trí.
Thế nào gọi là
diệt trí? Biết khổ dứt diệt, đây gọi là diệt trí.
Thế nào gọi là
đạo trí? Biết bát thánh đạo phần, đây gọi là đạo trí.
Thế nào gọi là
tận trí? Biết tham sân si diệt tận, đây gọi là tận trí.
Thế nào gọi là
vô sanh trí? Biết trong các cõi hữu lậu là vô sanh, đây gọi là vô
sanh trí.
Thế nào gọi là
pháp trí? Biết bổn sự của ngũ ấm, ,đây gọi là pháp trí.
Thế nào gọi là
tỉ trí? Biết nhãn vô thường nhẫn đến biết ý xúc nhơn duyên sanh
thọ vô thường, đây gọi là tỉ trí.
Thế nào gọi là
thế trí? Biết nhơn duyên danh tự, đây gọi là thế trí.
Thế nào gọi là
tha tâm trí? Biết tâm niệm của những chúng sanh khác, đây gọi là
tha tâm trí.
Thế nào gọi là
như thiệt trí? Biết nhứt thiết chủng trí của chư Phật, đây gọi là
như thiệt trí.
Mười một trí
này là đại Bồ-Tát đại thừa, vì bất khả đắc vậy.
Lại có tam căn
là đại Bồ-Tát đại thừa.
Những gì là
ba? Vị tri dục tri căn, tri căn và trí giả căn.
Tín căn, tinh
tấn căn, niệm căn, định căn và huệ căn, ngũ căn của hàng hữu học
chưa đắc quả, đây gọi là vị tri dục tri căn.
Ngũ căn của
hàng hữu học đã đắc quả, đây gọi là tri căn.
Ngũ ăn của bực
vô học, hoặc A La Hán, Bích Chi Phật, hoặc chư Phật, đây gọi là
trí giả căn.
Tam căn này là
đại Bồ-Tát đại thừa, vì bất khả đắc vậy.
Lại có tam
muội là đại Bồ-Tát đại thừa. Những gì là ba? Hữu giác hữu quản tam
muội, vô giác hữu quản tam muội và vô giác vô quán tam muội.
Rời những dục
nhiễm và rời những pháp ác bất thiện có giác có quán rời dục
nhiễm phát sanh hỉ lạc nhập sơ thiền, đây gọi là hữu giác hữu quán
tam muội.
Chặng giữa của
sơ thiền và nhị thiền, đây gọi là vô giác hữu quán tam muội.
Từ nhị thiền
đến phi hữu tưởng phi vô tưởng định, đây gọi là vô giác vô quán
tam muội.
Tam tam muội
này là đại Bồ-Tát đại thừa, vì bất khả đắc vậy.
Lại có thập
niệm đại Bồ-Tát đại thừa.
Những gì là
mười? Nniệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng, niệm giới, niệm xả, niệm
thiên, niệm thiện, niệm xuất nhập tức, niệm thân và niệm tử.
Mười chánh
niệm này là đại Bồ-Tát đại thừa, vì bất khả đắc vậy.
Lại có tứ
thiền, tứ vô lượng tâm, tứ vô sắc định, bát bội xả và cửu thứ đệ
định là đại Bồ-Tát đại thừa, vì bất khả đắc vậy.
Lại có đại
Bồ-Tát đại thừa, chính là thập lực.
Những gì là
mười? Một là Phật biết như thiệt những tướng thị xứ bất thị xứ của
tất cả pháp. Hai là Phật biết như thiệt những nghiệp những thọÕ
pháp của chúng sanh khác, biết chỗ tạo nghiệp, biết nhơn duyên,
biết báo của chúng sanh khác. Ba là Phật biết như thiệt những
tướng cấu tịnh sai khác của các thiền giải thoát các tam muội và
các định. Bốn là Phật biết như thiệt những tướng căn tánh thượng
hạ của chúng sanh khác. Năm là Phật biết như thiệt những loại dục
giải của chúng sanh khác. Sáu là Phật biết như thiệt vô số tánh
loại sai khác của thế gian. Bảy là Phật biết như thiệt chỗ đến của
tất cả đạo hạnh. Tám là Phật biết như thiệt túc mạng của mình và
của chúng sanh khác từ một đời đến vô lượng đời trong vô lượng
kiếp có tướng như vậy có nhơn duyên như vậy. Chín là Phật thiên
nhãn thanh tịnh hơn chư thiên, như thiệt thấy biết chúng sanh chết
đây sanh kia, hoặc thiện đạo hoặc ác đạo. Mười là Phật biết như
thiệt các lậu tận nên vô lậu tâm giải thoát, vô lậu huệ giải
thoát, trong pháp hiện tại tự chứng biết nhập vào pháp ấy, nghĩa
là chứng biết như thiệt ta đã hết sanh tử đã thành phạm hạnh, từ
đời nay chẳng còn lại thấy có đời sau nữa.
Mười trí lực
này là đại Bồ-Tát đại thừa, vì bất khả đắc vậy.
Lại có đại
Bồ-Tát đại thừa, chính là tứ vô sở úy.
Những gì là
bốn? Phật nói lời thành thiệt rằng ta là bực nhứt thiết chánh trí.
Ðối với những điều như thiệt gạn hỏi về các pháp của tất cả đại
chúng, Phật không tự thấy có mảy may e sợ. Vì thế nên Phật được
rất an ổn được vô sở úy an trụ ngôi thánh chúa, ở giữa đại chúng
như sư tử hống chuyển pháp luân thanh tịnh mà tấtcả hàng sa môn ba
la mộn chư thiên vương phạm vương ma vương cùng chúng sanh khác
đều không chuyển được. Ðây là vô sở úy thứ nhứt.
Phật nói lời
thành thiệt rằng ta là bực tất cả lậu đã dứt diệt hết sạch. Ðối
với chỗ gạn hỏi như thiệt về lậu phiền não dứt diệt đây của tất cả
đại chúng, Phật không tự thấy có mảy may e sợ. Vì thế nên Phật
được rất an ổn được vô sở úy an trụ ngôi thánh chúa, ở giữa đại
chúng an trụ như sư tử hống chuyển pháp luân thanh tịnh mà trời
người cùng chúng sanh khác không chuyển được. Ðây là vô sở úy thứ
hai.
Phật nói lời
thành thiệt rằng đây là những pháp chướng ngại chánh đạo giải
thoát. Ðồi với những lời gạn hỏi như thiệt về pháp chướng đạo đây
của tất cả đại chúng, Phật không tự thấy có mảy may e sợ. Vì thế
nên Phật được rất an ổn được vô ở úy an trụ bực thánh chúa, ở giữa
đại chúng như sư tử hống chuyển pháp luân thanh tịnh mà tất cả
nhơn thiên cùng chúng sanh khác đều không chuyển được. Ðây là vô
sở úy thứ ba.
Phật nói lời
thành thiệt rằng những thánh đaọ mà ta đã dạy quyết định có thể
ra khỏi thế gian, theo đây thật hành thời có thể hết khổ. Ðối với
những lời gạn hỏi như thiệt về thánh đạo đây của tất cả đại chúng,
Phật không tự thấy có mảy may e sợ. Vì thế nên Phật được rất an ổn
được vô sở úy an trụ bực thánh chúa, ở giữa đại chúng như sư tử
hống chuyển pháp luân thanh tịnh mà tất cả nhơn thiên cùng chúng
sanh khác đều không chuyển được. Ðây là vô sở úy thứ tư.
Tứ vô sở úy
này là đại Bồ-Tát đại thừa, vì bất khả đắc vậy.
Lại có đại
Bồ-Tát đại thừa chính là tứ vô ngại trí.
Những gì là
bốn? Pháp vô ngại trí, nghĩa vô ngại trí, từ vô ngại trí và lạc
thuyết vô ngại trí. Ðây là đại Bồ-Tát đại thừa, vì bất khả đắc
vậy.
Lại có đại
Bồ-Tát đại thừa, chính là thập bát bất cộng pháp.
Những gì là
mười tám? Một là thân của chư Phật không lỗi, hai là khẩu của chư
Phật không lỗi, ba là ý niệm của chư Phật không lỗi, bốn là chư
Phật không có dị tướng, năm là chư Phật không có tâm bất định, sáu
là chư Phật không có tâm chẳng biết rồi mà xả, bảy là nguyện dục
không diệt, tám là tinh tấn không diệt, chín là chánh niệm không
diệt, mười là huệ không diệt, mười một là giải thoát không diệt,
mười hai là giải thoát tri kiến không diệt, mười ba là tất cả thân
nghiệp của Phật đều theo trí huệ mà hiện hành, mười bốn là tất cả
khẩu nghiệp đều theo trí huệ mà hiện hành, mười lăm là tất cả ý
nghiệp đều theo trí huệ mà hiện hành, mười sáu là trí huệ của Phật
thấy biết thuở quá khứ không ngại không chướng, mười bảy là trí
huệ thấy biết thuở vị lai không ngại không chướng, mười tám là trí
huệ thấy biết thuở hiện tại không ngại không chướng. Ðây là đại
Bồ-Tát đại thừa, vì bất khả đắc vậy.
Lại có đại
Bồ-Tát đại thừa, chính là tự đẳng ngữ đẳng chư tự nhập môn.
Những gì là tự
đẳng ngữ đẳng chư tự nhập môn?
A tự môn, vì
tất cả pháp từ đầu vốn bất sanh vậy.
LA tự môn, vì
tất cả pháp ly cấu vậy.
BA tự môn, vì
tất cả pháp đệ nhất nghĩa vậy.
GIÁ tự môn, vì
tất cả pháp trọn bất khả đắc vậy, vì tất cả pháp bất diệt bất sanh
vậy.
NA tự môn, vì
tất cả pháp rời danh tướng bất đắc bất thất vậy.
LÃ tự môn, vì
tất cả pháp thoát khỏi thế gian vậy, cũng là vì ái chi nhơn duyên
dứt diệt vậy.
ÐÀ tự môn, vì
tất cả pháp thiện tâm phát sanh, cũng là tướng xả thí vậy.
Bà tự môn, vì
các pháp bà tự rời lìa vậy.
ÐỒ tự môn, vì
các pháp đồ tự thanh tịnh vậy.
SA tự môn, vì
các pháp tự tại tánh thanh tịnh vậy.
HÒA tự môn, vì
nhập vào các pháp, dứt bặt ngữ ngôn vậy.
ÐA tự môn, vì
nhập vào các pháp như tướng bất động vậy.
Dạ tự môn, vì
nhập vào các pháp như thiệt bất sanh vậy.
TRA tự môn, vì
nhập vào các pháp, chiết phục bất khả đắc vậy.
CA tự môn, vì
nhập vào các pháp, tác giả bất khả đắc vậy.
TA tự môn, vì
nhập vào các pháp, thời gian bất khả đắc vậy, vì các pháp thời
gian lay chuyển vậy.
MA tự môn, vì
nhập vào các pháp, ngã sở bất khả đắc vậy.
GIẢ tự môn, vì
nhập vào các pháp, khứ giả bất khả đắc vậy.
THA tự môn, vì
nhập vào các pháp, xứ sở bất khả đắc vậy.
XÀ tự môn, vì
nhập vào các pháp, sanh bất khả đắc vậy.
BẢ tự môn, vì
nhập vào các pháp, bả tự bất khả đắc vậy.
ÐÀ tự môn, vì
nhập vào các pháp, tánh bất khả đắc vậy.
XA tự môn, vì
nhập vào các pháp, định bất khả đắc vậy.
KHƯ tự môn, vì
nhập vào các pháp, hư không bất khả đắc vậy.
XOA tự môn, vì
nhập vào các pháp, diệt tận bất khả đắc vậy.
ÐÁ tự môn, vì
nhập vào các pháp, hữu bất khả đắc vậy.
NHÃ tự môn, vì
nhập vào các pháp, trí bất khả đắc vậy.
THA tự môn, vì
nhập vào các pháp, tha tự bất khả đắc vậy.
BÀ tự môn, vì
nhập vào các pháp, phá hoại bất khả đắc vậy.
XA tự môn, vì
nhập vào các pháp, dục bất khả đắc vậy, ngũ ấm như ảnh cũng bất
khả đắc vậy.
MA tự môn, vì
nhập vào các pháp, ma tự bất khả đắc vậy.
HỎA tự môn, vì
nhập vào các pháp, kêu gọi bất khả đắc vậy.
TA tự môn, vì
nhập vào các pháp, ta tự bất khả đắc vậy.
NOA tự môn, vì
nhập vào các pháp, chẳng đến chẳng đi chẳng đứng chẳng ngồi chẳng
nằm vậy.
PHẢ tự môn, vì
nhập vào các pháp, biên bờ bất khả đắc vậy.
CA tự môn, vì
nhập vào các pháp, tụ họp bất khả đắc vậy.
SAI tự môn, vì
nhập vào các pháp, sai tự bất khả đắc vậy.
GIÀ tự môn, vì
nhập vào các pháp, hiện hành bất khả đắc vậy.
TRA tự môn, vì
nhập vào các pháp, cong vạy bất khả đắc vậy.
ÐỒ tự môn, vì
nhập vào các pháp, chỗ tột biên bờ nên chẳng diệt chẳng sanh vậy.
Quá chữ Ðồ
thời không chữ có thể trên thuyết. Tại sao vậy? Vì không còn có
chữ vậy.
Những chữ vô
ngại vô danh, cũng diệt, chẳng nói được, chẳng chỉ được, chẳng
thấy được, chẳng biên chép được.
Này Tu Bồ Ðề!
Phải biết tất cả pháp như hư không. Ðây gọi là đà la ni môn, chính
là nghĩa của chữ A.
Nếu đại
Bồ-Tát, nơi những tự môn ấn a tự ấn này, hoặc nghe, hoặc thọ, hoặc
đọc, hoặc tụng, hoặc trì, hoặc giảng nói cho người khác thời biết
rằng sẽ được hai mươi công đức.
Những gì là
hai mươi? Ðược nhớ biết dai. Ðược tàm quí. Ðược tâm kiên cố. Ðược
chỉ thú của kinh. Ðược trí huệ. Ðược lạc thuyết vô ngại. Dễ được
những môn đà la ni khác. Ðược tâm không nghi hối. Ðược nghe lành
chẳng mừng, nghe dữ chẳng giận. Ðược chẳng cao chẳng hạ, an trụ
tâm không tăng không giảm. Ðược thiện xảo biết lời nói của chúng
sanh. Ðược khéo phân biệt ngũ ấm, thập nhị nhập, thập bát giới,
thập nhị nhơn duyên, tứ duyên và tứ đế. Ðược khéo phân biệt những
căn tánh lợi độn của các chúng sanh. Ðược khéo biết tâm niệm của
kẻ khác. Ðược khéo phân biệt ngày tháng năm mùa. Ðược khéo phân
biệt thiên nhĩ thông. Ðược khéo phân biệt túc mạng thông. Ðược
khéo phân biệt sanh tử thông. Ðược có thể khéo tuyên thuyết thị xứ
phi xứ. Ðược khéo biết thân oai nghi qua lại ngồi đứng.
Những đà la ni
môn, tự môn, a tự môn này gọi là đại Bồ-Tát đại thừa, vì bất khả
đắc vậy.
-
-
|
|