Kinh Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật
QUYỂN THỨ MƯỜI

Hán dịch: Pháp Sư Cưu Ma La Thập
Việt dịch: Hòa Thượng Thích Trí Tịnh

PHẨM TÔN ÐẠO THỨ BA MƯƠI SÁU

            Ngài A Nan thưa: "Bạch đức Thế-Tôn! Cớ sao chẳng ca ngợi đàn na la mật đến mười tám pháp bất cộng, mà chỉ ca ngợi Bát-Nhã ba la mật.
            Ðức Phật nói: "Ðối với năm môn ba la mật đến mười tám pháp bất cộng thời Bát-Nhã ba la mật là tôn đạo của tất cả.
            Này A Nan! Bố thí mà chẳng hồi hướng nhứt thiết trí thời có được gọi là đàn na ba la mật chăng? Trì giới nhẫn nhục tinh tấn thiền định và trí huệ mà chẳng hồi hướng nhứt thiết trí thời có được gọi là thi la ba la mật chăng?
            Ngài A Nan thưa: "Bạch đức Thế-Tôn! Không.
            Ðức Phật nói: "Do đó m à biết rằng Bát-Nhã ba la mật là tôn đạo đối với năm ba la mật đến mười tám pháp bất cộng, nên phải ca ngợi.
            Ngài A Nan thưa: "Bạch đức Thế-Tôn! Thế nào là bố thí đến trí huệ hồi hướng nhứt thiết trí được thành đàn na ba la mật đến Bát-Nhã ba la mật?
            Ðức Phật nói: "Dùng bố thí không có hai pháp mà hồi hướng nhứt thiết trí, thời gọi là đàn na ba la mật, vì bất sanh bất khả đắc nên bố thí hồi hướng nhứt thiết trí thời gọi là đàn na ba la mật.
            Nhẫn đến dùng trí huệ không có hai pháp hồi hướng nhứt thiết trí thời gọi là Bát-Nhã ba la mật.
            Ngài A Nan thưa: "Bạch đức Thế-Tôn! Thế nào dùng pháp không hai mà bố thí nhẫn đến dùng pháp không hai mà trí huệ hồi hướng nhứt thiết trí, thời gọi là đàn na ba la mật đến gọi là Bát-Nhã ba la mật?
            Ðức Phật nói: "Này A Nan! Vì sắc không hai pháp, vì thọ tưởng hành thức không hai pháp, nhẫn đến vì vô thượng bồ đề không hai pháp vậy.
            Tại sao vậy?
            Vì sắc sắc tướng rỗng không. Ðàn na ba la mật và sắc không hai không khác, nhẫn đến vô thượng bồ đề và đàn na ba la mật không hai không khác. Năm ba la mật kia cũng như vậy.
            Vì thế nên, này A Nan! Chỉ ca ngợi Bát-Nhã ba la mật là tôn đạo của năm ba la mật đến nhứt thiết chủng trí.
            Này A Nan! Ví như mặt đất, đem hột giống rải lên trên, đủ nhơn duyên hòa hiệp bèn mọc lên. Các hột giống ấy nương nơi đất mà mọc lên.
            Cũng vậy, năm ba la mật nương Bát-Nhã ba la mật mà sanh. Tứ niệm xứ đến nhứt thiết chủng trí đều nương Bát-Nhã ba la mật mà sanh. Thế nên Bát-Nhã ba la mật là tôn đạo của năm ba la mật đến mười tám pháp bất cộng.
            Thiên Ðế thưa: "Bạch đức Thế-Tôn! Ðức PhậtÕ nói chưa hết công đức của người thọ trì đến chánh ức niệm Bát-Nhã ba la mật.
            Tại sao vậy? Vì người thọ trì đến chánh ức niệm Bát-Nhã ba la mật thời thọ lấy đạo vô thượng của tam thế chư Phật. Vì muốn được nhứt thiết trí phải tìm cầu trong Bát-Nhã ba la mật. Muốn được Bát-Nhã ba la mật phải tìm cầu trong nhứt thiết trí.
            Bạch đức Thế-Tôn! Do thọ trì đến chánh ức niệm Bát-Nhã ba la mật mà thế gian xuất hiện thập thiện đạo, tứ thiền, tứ vô lượng tâm, tứ vô sắc định, nhẫn đến mười tám pháp bất cộng.
            Do thọ trì đến chánh ức niệm Bát-Nhã ba la mật mà thế gian bèn có những danh nhơn vọng tộc, trời Tứ Vương đến trời Sắc Cứu Cánh.
            Do thọ trì đến chánh ức niệm Bát-Nhã ba la mật mà thế gian bèn có Tu Ðà Hoàn, Tư Ðà Hàm, A Na Hàm, A La hán, Bích Chi Phật, đại Bồ-Tát.
            Do thọ trì đến chánh ức niệm Bát-Nhã ba la mật mà có chư Phật Thế-Tôn xuất hiện thế gian.
            Ðức Phật nói: "Này Kiều Thi Ca! Người thọ trì đến chánh ức niệm Bát-Nhã ba la mật, ta chẳng nói họ chỉ được ngần ấy công đức.
            Này Kiều Thi Ca! Thiện nam thiện nữ thọ trì đến chánh ức niệm Bát-Nhã ba la mật chẳng rời tâm nhứt thiết trí thời thành tựu vô lượng giới phẩm, thành tựu vô lượng định phẩm, huệ phẩm, giải thoát phẩm, giải thoát tri kiến phẩm. Phải biết người này như Phật.
            Tất cả giới phẩm, định phẩm, huệ phẩm, giải thoát phẩm, giải thoát tri kiến phẩm của hàng Thanh Văn Bích Chi Phật đối với người này không bằng một phần trăm ngàn muôn ức, nhẫn đến toán số thí dụ đều không bằng.
            Này Kiều Thi Ca! Nếu có thiện nam thiện nữ biên chép thọ trì quyển kinh Bát-Nhã ba la mật rồi cúng dường cung kính tôn trọng cũng được công đức trong đời này và đời sau.
            Thiên Ðế thưa: Bạch đức Thế-Tôn! Tôi phải thường thủ hộ những thiện nam thiện nữ thọ trì đến chánh ức niệm Bát-nhã ba la mật chẳng rời tâm nhứt thiết trí cúng dường cung kính tôn trọng Bát-Nhã ba la mật.
            Ðức Phật nói: "Này Kiều Thi Ca! Lúc thiện nam thiện nữ muốn đọc tụng giảng thuyết Bát-Nhã ba la mật, thời vô lượng trăm ngàn chư Thiên đều đến nghe pháp.
            Thiện nam thiện nữ giảng thuyết pháp Bát-Nhã ba la mật, thời chư Thiên giúp thêm đởm lực cho những người ấy.
            Các pháp sư ấy nếu mỏi mệt, nhờ chư Thiên giúp thêm đởm lực nên lại có thể giảng thuyết nữa.
            Thiện nam thiện nữ thọ trì đến chánh ức niệm cúng dường Bát-Nhã ba la mật, cũng được công đức hiện đời này.
            Lại này Kiều Thi Ca! Thiện nam thiện nữ ấy ở giữa bốn bộ chúng, lúc giảng thuyết Bát-Nhã ba la mật, lòng không khiếp nhược. Lúc bị luận nạn cũng không sợ sệt. Tại sao vậy? Vì thiện nam thiện nữ ấy được hộ trì của Bát-Nhã ba la mật.
            Trong Bát-Nhã ba la mật cũng phân biệt tất cả pháp, hoặc thế gian hay xuất thế gian, hoặc hữu lậu hay vô olậu, hoặc thiện hay bất thiện, hoặc hữu vi hay vô vi, hoặc pháp Thanh Văn, pháp Bích Chi Phật, pháp Bồ-Tát hay Phật pháp.
            Vì thiện nam thiện nữ ấy an trụ trong nội không đến vô pháp hữu pháp không, nên chẳng thấy có ai chướng nạn được Bát-Nhã ba la mật, cũng chẳng thấy người bị luận nạn, cũng chẳng thấy Bát-Nhã ba la mật.
            Thiện nam thiện nữ ấy được Bát-Nhã ba la mậ ủng hộ, nên không ai nạn hoại được.
            Lúc thọ trì đến chánh ức niệm Bát-Nhã ba la mật, thiện nam thiện nữ ấy chẳng mất chẳng kinh chẳng sợ.
            Tại sao vậy? Vì thiện nam thiện nữ ấy chẳng thấy có pháp mất, chẳng thấy có pháp kinh sợ.
            Này Kiều Thi Ca! Thiện nam thiện nữ thọ trì đến chánh ức niệm cúng dường Bát-Nhã ba la mật, lại được công đức thời hiện tại này.
            Lại này Kiều Thi Ca! Thiện nam thiện nữ thọ trì đến chánh ức niệm biên chép cúng dường quyển kinh Bát-Nhã ba la mật, người này được cha mẹ yêu thương, thân tộc bè bạn kính mến, được sa môn bà la môn kính nể, được chư Phật chư đại Bồ-Tát, chư Bích Chi Phật, chư A La Hán đến chư Tu Ðà Hoàn ái kính, tất cả thế gian chư Thiên ma phạm A Tu La cũng ái kính người này.
            Người này thật hành đàn na ba la mật, đàn na ba la mật không lúc nào đoạn tuyệt. Thi la ba la mật đến Bát-Nhã ba la mật cũng như vậy không lúc nào đoạn tuyệt.
            Người này tu nội không chẳng dứt, đến tu vô pháp hữu pháp không chẳng dứt, tu tứ niệm xứ đến bất cộng pháp chẳng dứt, tu các môn tam muội chẳng dứt, tu các môn đà la ni chẳng dứt, tu những Bồ-Tát thần thông chẳng dứt, thành tựu chúng sanh thanh tịnh Phật độ chẳng dứt, nhẫn đến tu nhứt thiết chủng trí chẳng dứt. Người này có thể hàng phục kẻ luận nạn hủy báng.
            Này Kiều Thi Ca! Thiện nam thiện nữ thọ trì đếncúng dường Bát-Nhã ba la mật cũng được công đức đời này đời sau như vậy.
            Lại này Kiều Thi Ca! Tại chỗ ở của thiện nam thiện nữ biên chép quyển kinh, chư Thiên cõi trời Tứ Vương, Ðao Lợi nhẫn đến cõi trời Sắc Cứu Cánh, toàn thể chư Thiên trong cõi Ðại Thiên này và trong thế giới mười phương những vị đã phát tâm vô thượng bồ đề, đều đến chỗ ấy để ra mắt quyển Bát-Nhã ba la mật và thọ trì đọc tụng giảng thuyết cúng dường lễ lạy rồi trở về.
            Ngoài những hàng Thiên Long bát bộ trong cõi này và trong cõi thế giới mười phương cũng đều đến chỗ ấy để ra mắt quyển Bát-Nhã ba la mật và thọ trì đọc tụng giảng thuyết cúng dường lễ lạy rồi trở về.
            Thiện nam thiện nữ này nghĩ rằng chư Thiên cùng bát bộ thần trong cõi này và trong những thế giới mười phương đều đến ra mắt quyển Bát-Nhã ba la mật và thọ trì đọc tụng giảng thuyết cúng dường lễ bái, như thế thời tôi đã ban bố pháp thí rồi.
            Này Kiều Thi Ca! Chư Thiên trong cõi Ðại Thiên cùng chư Thiên trong những thế giới mười phương, từ trời Tứ Vương đến trời Sắc Cứu Cánh, những vị đã phát tâm vô thượng bồ đề, đều ủng hộ các thiện nam thiện nữ này, làm cho những kẻ ác những việc ác không xâm hại được. Ngoại trừ đời trước của người ấy có trọng tội.
            Này Kiều Thi Ca! Các thiện nam thiện nữ này cũng được công đức đời hiện tại. Những Thiên Tử đã phát tâm vô thượng bồ đề đều đến chỗ ở của người này.
            Tại sao vậy? Vì những Thiên Tử đã phát tâm vô thượng bồ đề đều muốn cứu hộ tất cả chúng sanh, chẳng bỏ tất cả chúng sanh, muốn an lạc tất cả chúng sanh vậy.
            Thiên Ðế thưa: "Bạch đức Thế-Tôn! Các thiện nam thiện nữ này làm sao biết được chư Thiên trong thế giới đây cùng chư Thiên trong những thế giới mười phương đều ra mắt Bát-Nhã ba la mật để thọ trì đọc tụng giảng nói cúng dường lễ lạy?
            Ðức Phật nói: "Này Kiều Thi Ca! Nếu các thiện nam thiện nữ thấy quang minh thanh tịnh lớn, thời biết chắc là lúc có chư Thiên đến ra mắt Bát-Nhã ba la mật để thọ trì đọc tụng giảng tuyết cúng dường lễ lạy.
            Lại nếu các thiện nam thiện nữ nghe mùi hương lạ vi diệu, cũng biết chắc là lúc có chư Thiên đến ra mắt Bát-Nha ba la mật để thọ trì đọc tụng giảng thuyết cúng dường lễ lạy.
            Lại này Kiều Thi Ca! Vì các thiện nam thiện nữ công hạnh tịnh khiết, nên chư Thiên đến ra mắt Bát-Nhã ba la mật để thọ trì đọc tụng giảng thuyết cúng dường hoan hỉ lễ lạy.
            Trong chỗ đó nếu có hàng tiểu quỷ liền tức thời đi ra, vì họ chẳng kham nổi oai đức lớn của chư Thiên.
            Do hàng đại đức chư Thiên đến, nên thiện nam thiện nữ này phát đại tâm. Vì thế nên chỗ nào có Bát-Nhã ba la mật, thời bốn phía phải sạch sẽ. Phải thắp đèn đốt hương thơm, rải những hoa đẹp dầu thơm rưới đất, nghiêm sức với những bảo cái tràng phan.
            Lúc thuyết pháp, các thiện nam thiện nữ này trọn không mỏi mệt, tự cảm thấy thân thể thơ thới, tâm thần an vui. Ðúng pháp nằm nghỉ, an ổn không ác mộng. Trong giấc mơ thấy Phật ba mươi hai tướng tốt tám mươi tùy hình hảo. Chúng tỳ kheo cung kính vây quanh. Ðức Phật vì chư tăng mà thuyết pháp.
            Các thiện nam thiện nữ này nghe và lãnh thọ pháp giáo. Những là lục ba la mật, tứ niệm xứ đến mười tám pháp bất cộng. Cũng phân biệt nghĩa của lục ba la mật đến nghĩa của pháp bất cộng.
            Trong giấc mơ, các thiện nam thiện nữ này cũng thấy cây Bồ-Ðề trang nghiêm rất đẹp. Thấy chư Bồ-Tát đến cội cây Bồ Ðề thành đẳng chánh giác, chuyển pháp luân. Cũng thấy trăm ngàn muôn Bồ-Tát đồng kết tập chánh pháp, luận nghị rằng: phải cầu nhứt thiết trí như vậy, phải thành tựu chúng sanh như vậy, phải tịnh Phật quốc độ như vậy. Cũng thấy mười phương vô số trăm ngàn muôn ức chư Phật. Cũng nghe danh hiệu của chư Phật ở phương nào, nước nào, hiệu là gì, có bao nhiêu Bồ-Tát, bao nhiêu Thanh Văn vây quanh cung kính, đức Phật ấy vì đại chúng mà thuyết pháp. Lại thấy mười phương vô số trăm ngàn muôn ức chư Phật nhập Niết-Bàn. Lại thấy vô số trăm ngàn muôn ức tháp thất bảo của chư Phật. Lại thấy cúng dường bảo tháp với những hương hoa nhẫn đến phan lọng cung kính tôn trọng tán thán.
            Này Kiều Thi Ca! Các thiện nam thiện nữ này chiêm bao thấy những cảnh lành như vậy, nên lúc ngủ yên lúc thưac cũng yên. Chư Thiên giúp thêm khí lực, nên người này cảm thấy thân thể nhẹ nhàng, chẳng qúa ham những đồ uống ăn y phục đồ nằm thuốc men. Ðối với tứ sự cúng dường, lòng người này phớt nhẹ. Như tỳ kheo tọa thiền, sau khi xuất thiền định, tâm hiệp với thiền định, chẳng ham uống ăn, tâm họ phớt nhẹ.
            Tại sao vậy? Vì chư Thiên tự nhiên dùng tinh chất của món ăn để thêm khí lực cho người này.
            Mười phương chư Phật và hàng thiên long quỷ thần, a tu la, càn thát bà, ca lâu la, khẩn na la, ma hầu la già cũng giúp thêm khí lực cho người này.
            Này Kiều Thi Ca! Vì thế nên các thiện nam thiện nữ muốn được công đức đời hiện tại như vậy, thời phải thọ trì thân cận đọc tụng giảng thuyết chánh ức niệm Bát-Nhã ba la mật, cũng chẳng rời tâm nhứt thiết trí.
            Nếu không thể thọ trì đến chánh ức niệm, các thiện nam thiện nữ phải biên chép quyển kinh rồi cung kính tôn trọng tán thán cúng dường hoa hương anh lạc tràng phan bảo cái.
            Này Kiều Thi Ca! Nếu các thiện nam thiện nữ nghe Bát-Nhã ba la mật này, rồi thọ trì đọc tụng giảng thuyết chánh ức niệm, biên chép quyển kinh, cung kính tôn trọng tán thán cúng dường hoa hương anh lạc, phan cái, thời công đức rất nhiều, hơn công đức tứ sự cúng dường mưới phương chư Phật và hàng đệ tử, cùng xây tháp bảy báu sau khi chư Phật và đệ tử nhập Niết-Bàn.