Thư Viện Chùa Dược Sư
KINH TẠNG
KINH LỜI VÀNG
Việt Dịch: Hòa Thượng Thích Trí Nghiêm
Tác Giả: Dương Tú Hạc
--o0o--
 
Quyển Kinh Lời Vàng này nguyên danh là " Phật Giáo Thánh Kinh " do nữ Phật tử Dương Tú Hạc biên trước bằng Hán Văn (người Trung Hoa). Nữ Phật tử đã dày công trích yếu trong ba Tạng giáo điển: Kinh, Luật, Luận, những đoạn cốt yếu cao siêu, thích ứng, thiết thực, rõ ràng và dễ hiểu.
Trích yếu ba tạng gồm có 175 bộ vừa Kinh, Luật, Luận. Tổng số được mười vạn lời.
Những bộ Kinh vĩ đại nhất của Phật Giáo đều có mặt ở trong này là như : bộ Đại Bát Nhã 600 quyển, bộ Tạp Thí Dụ 80 quyển, bộ Hoa Nghiêm 80 quyển. Riêng bộ Hoa Nghiêm được trích dẫn đến 80 lần.
Một công trình biên khảo ngần ấy giáo điển tập thành một quyển Kinh tổng hợp đầy đủ năm Thừa giáo lý từ thấp lên cao. Nội dung phân khoa chia mục trình bày thứ tự theo phương pháp khoa học rất dễ hiểu, khiến cho độc giả sau khi đọc xong tiện bề thu thập ghi nhớ, tránh được nỗi phiền phức phải lẫn quẫn trong rừng giáo lý.
Còn về nội dung hay dở thế nào, lẽ dĩ nhiên xin độc giả gắng đọc rồi sẽ biết.
Muốn thay cho lời tựa này được đầy đủ ý kiến, dịch giả xin dịch hai bức thư bằng Hán văn sau đây : Một của dịch giả xin phép biên giả để dịch in, một cuả biên giả phúc đáp vui lòng đồng ý.
Thích Trí Nghiêm 
          Phật lịch 2506           
Nha Trang ngày 20 tháng 10 năm Nhâm Dần
(Tức ngày 16 tháng 11 năm 1962)
 
NAM MÔ BỔN SƯ THÍCH CA MÂU NI PHẬT
Tôi Tỳ Kheo hiệu TRÍ NGHIÊM kính gởi thư này đến Dương Tú Hạc nữ Phật tử, vui lòng xem xét.
Thưa Bà.
Tình cờ tôi gặp được quyển " Phật Giáo Thánh Kinh " sau khi tôi xem xong bài tựa mới biết Bà đã nhiều năm lắm công, say sưa với ba Tạng Giáo lý mà biên chép thành. Và sau khi đọc kỹ trọn quyển, tôi nhận thấy nội dung Giáo lý và lối phân khoa chia mục rất có giá trị, từ xưa đến nay những kẻ biên chép Giáo lý chưa từng sánh kịp. Do đó nên tôi muốn phiên dịch và ấn hành để truyền bá Giáo lý của Đức Phật Đà. vậy nên tôi mới gởi thư này đến xin Bà vui lòng cho tôi được mãn nguyện.
Thưa Bà.
Sở dĩ tôi muốn làm việc này, không phải tôi, vì tôi mà là vì lợi ích cho kẻ khác, cũng như ý nguyện của Bà vậy.
Nguyên do tôi thấy bài tựa của Bà ở đầu Kinh có 4 điều chí nguyện, trong điều thứ 4 có nguyện rằng : " Tôi xuất bản quyển Kinh này với ý định là muốn sau khi phát hành thu được tài chánh vào, còn dư ít nhiều để làm món tiền cơ sở mà kiến thiết " Quan Âm Cô nhi viện ". Vì lòng tôi rất thương yêu các em cô nhi đáng thương ấy v.v..."
Thật quí hóa quá ! Như thế là đã bộc lộ tinh thần muốn hướng Phật Giáo về với sự nghiệp từ thiện, cứu tế xã hội rất rõ rệt.
Thưa Bà.
Hiện nay tại Việt Nam chúng tôi cũng đã có một cơ sở Cô Nhi Viện của Hội Phật Giáo Việt Nam hiện đặt tại thị xã Tuy Hoà thuộc tỉnh Phú Yên. Hiện nay tại Viện đã có hơn một trăm em cô nhi bạc phước nằm ngo ngoe la khóc ngày đêm thật đáng thảm thương.
Viện này hiện do Tỉnh Hội Phật Giáo Phú Yên quản trị, và nhờ các Ni cô thường trực chăm sóc.
Về việc tài chánh để chi độ hằng ngày thì rất là thiếu thốn, cũng bởi một phần vì thời cuộc gây nên.
Vì lẽ trên nên tôi muốn dịch quyển Kinh này sang tiếng Việt văn, và đem bản dịch cho Cô nhi Viện nói trên ấn hành mà kiếm chút ít của để góp một phần tài chánh làm cơ sở mà nuôi các em cũng y như ý nguyện của Bà vậy.
Nếu được Bà hoan hỉ việc này là Bà đã ban cho hàng ngàn vạn lon sữa cam lồ pháp nhũ, các em được hân hạnh sung sướng bú mút ngày đêm. Thế thì tôi làm việc này cũng chỉ là thi hành chí nguyện của Bà chớ có khác chi đâu ?
Lại nữa, nếu được Bà đồng ý thời có hai điều lợi ích : Một là truyền bá Giáo lý của Đức Phật, hai là cứu độ những đứa con bạc phước của loài người. Vậy là chúng ta phụng thờ lòng Từ bi của Phật bằng cách cứu người như Ngài đã làm !
Và còn một điều nữa tôi xin thưa luôn : Nếu được Bà vui lòng cho tôi toàn quyền dịch in thời thật là muôn phần tốt đẹp, hoặc giả cho trong phạm vi hưũ hạn thì cũng tốt vậy.
Sau khi gửi thư này, tôi trông đợi lời phúc đáp của Bà.
Đến đây vì giấy hẹp lời quê nên không viết được nữa. Tôi xin thành tâm cầu nguyện:
TAM BẢO gia hộ : Thiện tín họ Dương, Phật tử chân chánh, thân tâm dũng mãnh, Phước Huệ song tu, Lòng Từ rộng lớn. Thọ Bồ Tát giới, Tu Bồ Tát hạnh, chúng sanh khắp nhờ, Phước Quả vô biên. Kính cầu :
Đạo an
Nay kính thư
Ký tên : THÍCH TRÍ NGHIÊM
 
Thư Phúc Đáp Của Bà Dương Tú Hạc
 
Kính Ngài TRÍ NGHIÊM Thượng Nhơn
 
Vâng đọc bức thư Pháp giáo đề ngày 20 tháng 10 âm lịch do Pháp sư Siêu Trần chuyển đến Đệ tử lấy làm vui sướng vô cùng.
Ngài là người Đức trọng Đạo cao, được bổn chúng trong nước Đệ tử kính mến từ lâu; Nhưng riêng Đệ tử chỉ vì nhân duyên còn lận đận nên chưa có thể vượt non qua bể, đến hầu Pháp với Ngài, thật nghĩ cảm cho kẻ phước mỏng này.
Đệ tử, vì nghiệp nặng chướng dày, đã tự mình cam lòng làm kẻ tín đồ Cơ đốc giáo hơn 20 năm trời rồi mới gặp cơ duyên quay về cửa Phật.
Sau khi vào cửa Phật, được nhờ các bậc Sư hữu chỉ mê khai ngộ cho đội ba phen mà chỉ mới mường tượng con đường của kiếp " Nhơn sanh đại đạo " là thế nào !
Rồi Đệ tử liền phát tâm lập chí đóng cửa xem Kinh, mới nhận thấy Phật Pháp là vĩ đại, Kinh Tạng uyên thâm là dường nào; tất cả các môn học của thế gian không làm sao sánh kịp. Do đó mới đem chổ tâm đắc trong thời xem Kinh, trích yếu chép ra biên thành quyển Phật Giáo Thánh Kinh này.
Quyển Kinh này toàn lấy pháp thế gian và xuất thế gian của Đức Phật đã nói mà làm tài liệu cho trung tâm tư tưởng để biên trước với mục đích giải trừ kỹ nghệ nguyên tử cho xã hội nhân dân tiện bề đối với " PHẬT HỌC " mà học Phật nghiên cưú và tu trì.
Lại gặp duyên may, lúc bấy giờ có ông Bộ trưởng Quốc Gia Giáo Dục là Trương Kỳ Quân được Ông xem đọc kỹ càng ba phen và ông công nhận là quyển sách rất hay từ trước đến nay chưa từng có. May hơn nữa, là ông đã vui lòng cho một số tiền để xuất bản quyển sách. Ấy là một nhân duyên to tát mà Phật Giáo Thánh Kinh được ra chào đời. Được xuất bản vào mùa Phật Đản, từ năm Dân Quốc thứ 46 ( tức năm 1957 ).
Qua năm Dân quốc thứ 47 thì Đệ tử tự nguyện nhận lãnh chức Viện Trưởng cho Dục Ấu Viện do bộ Tư lệnh Không Quân sáng lập. Viện này vừa mới sáng lập với mục đích là chỉ thu dưỡng những con em của ngành Không quân mà thôi. Kể đến nay đã được 5 năm, tất cả công việc của Viện cũng được thuận lợi đẹp lòng và khả quan. Ấy cũng là nhờ nguyện lực Bất khả tư nghì vậy.
Nay nhơn Ngài có quan tâm đến quyển sách, nên mới đem tình cảnh như trên mà lược bày cho Ngài hiểu.
Còn về việc biên chép quyển sách này nếu Ngài chẳng cho là vụng về mà phát tâm dịch sang chữ Việt và đem cho Cô nhi viện của quý xứ ấn hành để góp phần cơ sở tài chánh mà nuôi các em, ấy là một nghĩa cử cao cả. Đệ tử rất tán đồng không có gì trở ngại chỉ xin sau khi in xong gởi cho vài quyển để làm kỷ niệm mà thôi, rất mong.
Cuối thư Đệ tử xin kính chúc Tâm Bồ Đề Ngài ngang với tâm Phật, công đức vô lượng.
Nay phụng phúc đáp. Kính cầu.
PHẬT AN
Đệ tử DƯƠNG TÚ HẠC đảnh lễ
Dục Ấu Viện Không Quân Đài Bắc ngày 15-12-1962(tức là ngày 19 tháng 11 năm Nhâm Dần )
--o0o--