|
- Thư Viện Chùa Dược Sư
- KINH TẠNG
-
- KINH
LỜI VÀNG
- Việt Dịch: Hòa Thượng
Thích Trí Nghiêm
Tác Giả: Dương Tú Hạc
- --o0o--
- PHẦN III –
NHƠN QUẢ
- CHƯƠNG I
-
-
MUÔN VẬT TRONG VŨ TRỤ
- (Chương này hơi khó hiểu,
vì đạo lý cao siêu. Lời dịch giả)
-
-
A.
THẬT TƯỚNG CỦA MUÔN VẬT
-
Gây Quả là Nhơn,
được Quả là Quả.
-
Luận Chỉ Quán
-
-
Thật tướng là mẹ
cuả các đức Phật ba đời.
-
Kinh Bát Nhã
-
-
Nầy các Thiện
nam tử! Bồ Tát trụ đạo mới thấy chơn nghĩa các pháp. Chơn ấy là chơn thật vậy.
Mà thật nghĩa là in như hư không tức là chơn như. Chơn như là tự mình thân
chứng bên trong, chớ chẳng phải dùng văn tự mà có thể phô bày được. Tại sao?
Vì nó siêu vượt tất cả văn tự ngôn thuyết và những lời nói vô nghĩa vậy. Nó xa
lìa các tướng ra vào, phân biệt, xa lìa các cảnh giới tà ma và phiền não. Tự
tính yên lặng, nên không nhơ, và không thấm nhơ, rất trong sạch mầu nhiệm hơn
hết. Thường trú bất động chẳng hoại diệt; nếu các đức Phật có ra đời, hoặc
không ra đời nó vẫn thường trú mà chẳng biến đổi.
-
Nay các Bồ tát
vì muốn làm lợi ích cho các Thiện nam tử, nên mới đem sức dũng mãnh tinh tiến
mà chứng lấy vậy thôi; nên mới có nhiều tên gọi sai khác là: chơn như, thật
tướng, nhất thế trí, nhất thế chủng trí và bất khả tư nghì v.v... Cho nên
chúng ta, nhờ dùng trí huệ nghe, hoặc suy nghĩ chớ chưa được khéo chứng.
-
Ví như có người
gặp mùa nóng bức mà đang đi giữa đồng nội; người này từ Đông đi qua Tây; lại
có người khác từ Tây đi qua Đông. Người qua Tây vì khát nước rất ngặt, gặp
người từ Đông qua liền hỏi thăm nước để uống. Người từ Đông qua đáp: "cách đây
chẳng xa có một suối nước, tôi mới vừa uống, từ đây qua đó, giữa đường có hai
đường trẽ, anh nên đi trẽ qua đường bên hữu, mà đừng đi đường bên tả, thời anh
sẽ thấy trên quả núi có đám rừng xanh biếc; trong đám rừng ấy có một suối nước
mát mẻ, có thể giải khát cho anh."
-
Nầy các Thiện
nam tử! Người kia bị nắng nóng và khát nước khó chịu lắm, nhưng nhờ nghe được
tên nước mà có thể chữa được bịnh khát nước. Người bị khổ khát nước ấy, trong
thân sẵn có nước thanh tịnh, nhiên hậu mới trừ được bịnh nóng và khát. Cũng
như chỉ nghe và suy nghĩ như thế, chớ chẳng phải đã chứng được chơn như.
-
Này các Thiện
nam tử! Đồng nội, chỉ cho sanh tử. Nóng và khát, chỉ cho vì nóng phiền não mà
bị khát. Kẻ chỉ đường, chỉ cho Bồ tát Thiện tri thức. Mình tự uống, chỉ cho
phương tiên khéo léo vậy.
-
Kinh Bảo Võ
-
-
Tâm chơn như là
bản thể đại tổng tướng pháp môn của nhất pháp giới vậy. Có chỗ đã gọi là tâm
tính chẳng sanh chẳng diệt, cả thảy các pháp chỉ do vọng niệm mà có sai khác.
Nếu xa lìa vọng niệm thời không có tướng sai khác của tất cả các cảnh giới.
Cho nên tất cả các pháp từ hồi nào đến giờ, xa tướng nói phô, lìa tướng danh
tự và xa lìa các tướng tâm duyên rốt ráo bình đẳng không có biến đổi sai khác,
không thể phá hoại; duy chỉ nhất tâm, nên gọi là chơn như.
-
Bởi vì tất cả
lời nói phô là gia danh chứ không thật, chỉ tùy theo vọng niệm, chứ chẳng khá
được vậy. Mà nói là chơn như cũng không có tướng, nghĩa là cùng tột của lời
nói vậy thôi, bởi vì đem lời nói để khiển trừ lời nói, mà bản thể của chơn như
không thể khiển trừ được, vì tất cả pháp đều là "chơn", và cũng không thể
thành lập được, vì tất cả pháp đều là "như".
-
Cho nên phải
biết, tất cả pháp chẳng khá nói, chẳng khá nghĩ, cho nên gọi là chơn như.
-
Có lời hỏi: Nếu
như các nghĩa vừa nói trên, thì các chúng sanh làm sao "thuận theo" mà có thể
"chứng vào" được?
-
Đáp: Nếu biết
tất cả pháp, tuy nói mà không có pháp hay nói và bị nói; tuy nghĩ mà cũng
không có pháp hay nghĩ và bị nghĩ. Ấy là thuận theo, nghĩa là nếu xa lìa được
vọng niệm gọi là được chứng vào.
-
Lại nữa: Chơn
như, mà nương theo sự phân biệt do lời nói phô thì có hai nghĩa: một là như
thật không, vì hay hiện thật rốt ráo vậy; hai là như thật bất không, vì tự thể
có đầy đủ tánh công đức vô lậu vậy.
-
Nói rằng: "như
thật không" là từ hồi nào đến giờ, nó chẳng tương ưng với tất cả các pháp ô
nhiễm nghĩa là xa lìa tướng sai khác của tất cả các pháp, bởi vì nó không có
tâm niệm hư vọng vậy.
-
Và phải biết: tự
tánh của chơn như, chẳng phải có tướng, chẳng phải không tướng, chẳng phải
chẳng có tướng, chẳng phải chẳng không tướng; chẳng phải tướng có không chung
lại. Chẳng phải nhất tướng, chẳng phải dị tướng; chẳng phải chẳng nhất tướng,
chẳng phải chẳng dị tướng; và cho đến nói tóm tắt.
-
Bởi tất cả chúng
sanh đem vọng tâm mỗi niệm phân biệt đều chẳng tương ưng, cho nên nói là
"không". Nếu rời vọng tâm, thật không thể nói là "không" vậy.
-
Còn nói rằng
"bất không" là vì đã hiển hiện pháp thể, thời không còn vọng tâm, tức là chơn
như, thường hằng chẳng biến đổi, các pháp trong sạch đầy đủ, nên gọi là "bất
không". Cũng không có tướng có thể nắm lấy được vì nó xa lìa cảnh giới tâm
tướng, duy chỉ chứng được mới tương ưng mà thôi.
-
Luận Đại Thừa
Khởi Tín
-
-
Tướng của các
pháp như trò huyển thuật, không có tự tánh cũng không có tha tánh, xưa kia tự
nhiên, nên nay chẳng diệt.
-
Kinh Duy Ma Cật
-
-
Tự tính của các
pháp chẳng khá được, in như hành dâm trong chiêm bao thảy đều hư giả.
-
Kinh Bảo Tích
-
-
Hiểu thấu các
thế gian, giả danh không có thật, chúng sanh và thế gian, như chiêm bao, ánh
sáng.
-
Kinh Hoa Nghiêm
-
-
Rõ biết các thế
gian, như ánh nắng, ánh sáng, như tiếng vang và mộng, như trò huyển và biến
hóa.
-
Kinh Hoa Nghiêm
-
-
Đức Phật dạy
ngài Đức Bổn rằng: Nầy Đức Bổn! Các pháp ước lược có 3 món: một là các pháp
đều giả danh mà an lập, tùy theo mà khởi ra lời nói, là tướng chấp đắm của
chúng sanh; hai là tất cả pháp do nhơn duyên sanh, nghĩa là do vô minh duyên
sanh ra hành, cho đến duyên cuối cùng là nhóm họp một đống đại khổ; ba là hiện
ra tướng trạng tuy có sai khác, nhưng bản tính của tất cả pháp ấy thảy đều
bình đẳng chơn như. Biết được bản tính của các pháp như vậy, thời quay về lại
bản tính.
-
Ví như có người
mắt bị bệnh mù lòa, dụ cho món thứ nhất; như người mù lòa ấy, thấy các tướng
hiện ra sai khác hoặc xanh vàng đỏ trắng, dụ cho món thứ hai; như khi người ấy
trừ được bệnh mù lòa, mắt được trong sáng, biết được bản tính, là dụ cho món
thứ ba.
-
Kinh Giải Thâm
Mật
-
-
Các pháp do nhơn
duyên sanh khởi, không có tự tính, vì không có tự tính, tức là rốt ráo
"không"; cái rốt ráo "không" ấy, từ hồi nào đến giờ vẫn là "không", chớ chẳng
phải Phật hay người nào làm cho nó mới bị "không".
-
Luận Trí Độ
-
-
Các pháp chẳng
phải có, cũng chẳng phải không, vì do nhơn duyên phát khởi các pháp vậy.
-
Kinh Duy Ma Cật
-
-
Bồ tát dùng
chánh niệm mà quan sát các pháp trong thế gian đều bởi nghiệp duyên mới có, và
quan sát tất cả pháp đều do nhơn duyên mà phát khởi, không có sanh cho nên
không có diệt.
-
Kinh Hoa Nghiêm
-
-
Đức Phật dạy: Tự
tính của các pháp, xưa nay vắng lặng, là tự tánh Niết bàn; vì Niết bàn nên
chẳng nhận được tự tính, nên nói là không có tự tính. Vì chấp đắm các pháp là
có, nên mới có tướng chúng sanh, chỉ là giả danh mà không thật có.
-
Lại nữa, các
pháp do nhơn duyên mới được thành lập, thế thì giả dối là có; mà chơn thật
thời không.
-
Lại nữa: bản
tính của các pháp, chẳng khá nghe, không sanh cũng không diệt.
-
Kinh Giải Thâm
Mật
-
-
Các Đức Phật Như
Lai đã chứng được pháp tính, pháp ấy, pháp nào an trụ vị trí pháp nầy; Như Lai
có ra đời hay không ra đời, pháp ấy vẫn thường trú mà chẳng biến đổi.
-
Kinh Lăng Già
-
-
Này các Phật tử!
Tướng chơn thật của các pháp là không có tướng, vì chẳng sanh chẳng diệt;
chẳng thường chẳng đoạn; chẳng một chẳng khác; chẳng đến và chẳng đi.
-
Kinh Phạm Võng
-
-
Tất cả chúng
sanh đều "Nhu", tất cả các pháp đều "Nhu", các bậc Hiền Thánh cũng đều "Nhu",
cho đến Ngài Di Lặc cũng là "Nhu" vậy.
-
Kinh Duy Ma Cật
-
-
Tất cả các pháp
đều "Nhu", tất cả cảnh giới các Đức Phật cũng vậy, cho đến không có một pháp
nào ở trong "Nhu" mà có sanh diệt; nhưng vì chúng sanh vọng phân biệt, nên mới
có Phật và thế giới. Nếu hiểu thấu pháp tính thời không có Phật và thế giới.
-
Kinh Hoa Nghiêm
-
-
Tất cả pháp tính
thường vắng lặng, không một pháp nào năng tạo tác.
-
Kinh Hoa Nghiêm
-
-
Pháp giới tức là
Như Lai, vì đấy là chơn thân Như Lai vậy.
-
Kinh Tối Thắng
Vương
-
-
Bấy giờ Ngài Đại
Trang Nghiêm Bồ tát và tám muôn các vị Đại Bồ tát vừa nói xong bài kệ khen
Phật, và đồng thành thưa Phật rằng: Bạch Đức Thế Tôn! Cả tám muôn Bồ tát chúng
tôi nay đối trong chánh pháp của Như Lai có điều muốn thưa hỏi, vậy chẳng biết
Thế Tôn có rũ lòng thương xót mà cho phép chăng?
-
Đức Phật bảo
Ngài Đại Trang Nghiêm và tám muôn Đại Bồ tát rằng: Hay thay! Hay thay! Các
Thiện nam tử, các ngươi khéo biết nhắm thời, mặc ý các ngươi muốn hỏi gì cứ
hỏi; Như Lai chẳng còn bao lâu nữa sẽ vào Niết bàn. Sau khi ta vào Niết bàn
khiến mọi chúng sanh không còn nghi ngờ gì nữa. Các ngươi muốn hỏi điều chi,
thì nên hỏi ngay.
-
Liên khi ấy,
Ngài Đại Trang Nghiêm cùng tám muôn Bồ tát tức thì đồng thanh mà thưa Phật
rằng: Bạch Đức Thế Tôn! Đại Bồ tát muốn được mau trọn nên quả Chánh đẳng Chánh
giác cao tột, cần nên tu hành những pháp môn nào? Và những pháp môn nào có
năng lực khiến các Đại Bồ tát mau chứng được quả cao tột ấy.
-
Đức Phật bảo Đại
Trang Nghiêm Bồ tát và tám muôn Bồ tát rằng: Các Thiện nam tử! Có một pháp môn
khiến Bồ tát mau chứng được quả Chánh đẳng Chánh giác cao tột; nếu Bồ tát nào
học được pháp môn ấy thì chắc mau được chứng quả cao tột kia.
-
Các Bồ tát thưa:
Bạch đức Thế Tôn! Pháp môn ấy danh tự là gì? Nghĩa nó thế nào và Bồ tát làm
sao tu học?
-
Phật dạy: Các
Thiện nam tử! Pháp môn ấy gọi là "Vô lượng nghĩa". Bồ tát muốn được tu học
pháp Vô lượng nghĩa, cần phải quan sát tất cả các pháp từ xưa đến nay tính,
tướng văng lặng, không lớn không nhỏ, không sanh không diệt, chẳng trụ chẳng
động, chẳng tiến chẳng thoái; in như hư không, không có hai thứ. Mà các chúng
sanh luống dối quấy chấp: là đây là kia, là được là mất, rồi sanh niệm bất
thiện, gây các ác nghiệp; do đó bị trôi lẵn trong sáu thú chịu bao khổ sở, vô
lượng ức kiếp không thể tự ra khỏi. Các Đại Bồ tát quan sát kỹ càng như thế,
mới sanh lòng thương xót, phát tâm đại từ bi mà cứu vớt chúng sanh.
-
Lại nữa: phải
quan sát sâu vào trong tất cả các pháp; pháp nầy tướng như thế, nên "Sanh"
pháp như thế, pháp nầy tướng như thế, nên "Trụ" pháp như thế; pháp nầy tướng
như thế, nên "Dị" pháp như thế; pháp nầy tướng như thế, nên "Diệt" pháp như
thế.
-
Pháp nầy tướng
như thế, hay "Sanh" ác pháp; pháp này tướng như thế, hay "Sanh" thiện pháp.
"Trụ, Dị, Diệt" cũng đều quan sát như thế.
-
Bồ tát quan sát
đầu đuôi của bốn tướng như thế, hiểu biết tường tận khắp cả, rồi mới lần lữa
quan sát kỹ càng, tất cả các pháp, từng mỗi niệm chẳng đứng dừng, mới mới
luôn, vì sanh diệt; và lại quan sát: chính đang lúc sanh diệt ấy vẫn gồm đủ
sanh, trụ, dị, diệt đủ bốn tướng.
-
Quan sát như thế
rồi, mới quan sát sâu vào tính dục của các căn cơ chúng sanh; vì tính dục
nhiều vô lượng nên nói pháp cũng phải nhiều vô lượng; vì nói pháp nhiều vô
lượng thời nghĩa cũng nhiều vô lượng; mà nghĩa nhiều vô lượng là từ "một pháp"
mà sanh ra; một pháp ấy tức là vô tướng vậy. Vô tướng như thế, là vô tướng tức
bất tướng, bất tướng tức vô tướng, gọi là thật tướng.
-
Kinh Vô Lượng
Nghĩa
-
-
Đức Thế Tôn từ
trong chánh định quang minh xuất định và thong thả đứng dậy rồi bảo Ngài Xá
Lợi Phất rằng: Trí huệ của các đức Phật sâu thẳm không lường được, cửa trí huệ
ấy khó hiểu khó vào, nên tất cả hàng Thanh Văn và Bích Chi Phật không thể biết
được. Ta đã từng gần gũi cúng dường các đức Phật nhiều vô số trăm ngàn vạn ức,
và tu hết đạo pháp của các đức Phật nhiều vô lượng, cho nên danh tiếng mạnh mẽ
tinh tấn được đồn khắp, và trọn nên pháp thẳm sâu chưa từng có, tùy theo căn
cơ mà nói pháp, ý thú rất khó hiểu.
-
Nầy Xá Lợi Phất!
Ta từ khi thành Phật đến nay, đã dùng các món nhơn duyên, thí dụ để rộng diễn
nói giáo pháp, và dùng vô số phương tiện khéo léo để dắt dẫn chúng sanh, khiến
xa lìa các chấp trước, ấy là Như Lai đầy đủ phương tiện tri kiến rốt ráo vậy.
-
Nầy Xá Lợi Phất!
Tri kiến của Như Lai rộng lớn sâu xa, thiền định, giải thoát vô lượng, vô
ngại, và sức vô sở úy quan sát sâu vào các pháp không ngằn mé, trọn nên tất cả
các pháp chưa từng có.
-
Nầy Xá Lợi Phất!
Như Lai hay dùng nhiều món phân biệt khéo léo mà nói pháp, lời lẽ êm dịu, để
cho những kẻ nghe ưa thích. Này Xá Lợi Phất! Phật thảy đều trọn nên ngần ấy
pháp chưa từng có, nhiều vô lượng vô biên. Nhưng thôi, Ta chẳng cần nói nữa.
Những pháp mà Phật đã trọn nên là hiếm có và khó hiểu đệ nhứt, duy Phật với
Phật mới có thể cùng tột thật tướng của các pháp. Gọi là thật tướng là hành
tướng các pháp như thế, tự tính như thế, bản thể như thế, năng lực như thế,
tác dụng như thế, chánh chơn như thế, trợ duyên như thế, kết quả như thế,
nghiệp báo như thế, và trước sau rốt ráo vẫn như thế.
-
Kinh Pháp Hoa
-
-
B.
MUÔN VẬT SANH KHỞI
-
Tâm sanh diệt
ấy, là vì nương Như Lai tạng nên có tâm sanh diệt; có chỗ nói: bất sanh bất
diệt hòa hiệp với sanh diệt, chẳng phải một, chẳng phải khác, gọi đó là thức A
lại da. Thức này có hai nghĩa hay thu nhạn tất cả các pháp, và hay sanh ra tất
cả các pháp. Nhưng hai nghĩa gì? Một là nghĩa giác, hai là nghĩa bất giác.
Nghĩa giác, nghĩa là bản thể của tâm xa lìa tưởng niệm; xa lìa tưởng niệm ấy,
là như cõi hư không, không chỗ nào chẳng khắp, pháp giới nhất tướng tức là Như
Lai bình đẳng pháp thân vậy. Còn nghĩa bất giác ấy, là vì chẳng như thật trí
chơn như pháp nhất, nên sanh khởi tâm bất giác mà có ra niệm; niệm ấy không có
tư tưởng, vì chẳng lìa bản giác; giống như người mê đương vì nương theo phương
hướng nên mới có mê, nếu lìa phương hướng thời không có mê. Chúng sanh cũng
thế, nương nơi "giác" nên mới có "mê", nêu lìa giác tính thời không có bất
giác. Vì có tâm bất giác vọng tưởng, nên mới hay biết danh nghĩa, gọi là chơn
giác. Nếu lìa tâm bất giác thời không có tư tưởng của chơn giác mà khá nói.
-
Luận Đại Thừa
Khởi Tín
-
-
Trong Phật pháp
của Ta lấy tâm làm chủ, tất cả các pháp đều do tâm sanh.
-
Kinh Tâm Địa
Quán
-
-
Tâm, như kẻ họa
sĩ, có thể họa các thế gian, năm món uẩn đều sanh. Nếu người tâm hành thời
khắp biết tạo các thế gian, người ấy sẽ thấy Phật, vì hiểu rõ Phật chớn thật
tính vậy. Tại sao thế? Vì tâm, Phật và chúng sanh ba pháp ấy không sai khác.
Nếu ai muốn biết rõ các đức Phật ba đời nên quan sát pháp giới tánh, tất cả
chỉ tâm tạo.
-
Kinh Hoa Nghiêm
-
-
Đối tất cả pháp,
tâm là kẻ dẫn đường; nếu biết được tâm là đều biết các pháp. Các món thế pháp
đều do tâm tạo.
-
Kinh Bát Nhã
-
-
Rõ thấu ba cõi
do tâm, 12 pháp nhơn duyên cũng như thế. Sanh tử đều do tâm gây nên, nếu dứt
được tâm thời sanh tử liền hết.
-
Kinh Hoa Nghiêm
-
-
Nước biển gió
động, sóng mòi không dừng nghỉ; khi gió cảnh thổi đến, sóng thức liền sanh
ngay. Như nước biển đổi gió, như đất không sai khác, vật ngăn che có khác,
tạng thức cũng như thế. Nội tâm hiện cảnh giới, lại duyên lấy nội tâm.
-
Kinh Mật Nghiêm
-
-
Trên núi Tuyết
sơn có con ác thú, mỗi khi nó thấy trâu thì hiện hình trâu mà hại trâu ăn
thịt, hay thấy ngựa dê cũng thế. Những kẻ tà đạo cũng vậy, họ đối với thức A
lại da sanh lòng chấp "ta"; nương theo chỗ chấp đắm của mỗi người đều có sai
khác.
-
Kẻ tà đạo chẳng
biết đạo lý duy thức, rồi sanh ra chấp cái "ta", rồi gắng gượng phân biệt cho
là có ta, hoặc cho không ta; hoặc cho là một cái ta, hay là nhiều cái ta. Còn
những người tu quán hạnh đối với "thức" thanh trừ chấp ta. Hành giả tự tu tập
và khuyên người khác cũng tu tập.
-
Kinh Mật Nghiêm
-
-
Đức Phật hỏi
ngài Văn Thù rằng: Nầy Văn Thù Sư Lợi! Địa ngục do tự mình phân biệt mà có hay
tự nhiên mà sanh ra?
-
Ngài Văn Thù
đáp: Bạch Thế Tôn! Địa ngục mà có là do nương theo sự luống dối phân biệt của
kẻ phàm phu; súc sanh hay ngạ quỉ cũng thế. Chớ như trước mắt tôi đâu có địa
ngục và khổ. Ví như có người chiêm bao thấy mình bị đọa địa ngục, thân đang
chịu khổ trong chảo nước sôi, buồn rầu rất đỗi, hãi sợ la to rằng: " khổ
thay". Bấy giờ người nhà chẳng hiểu vì việc chi mà người ấy la khổ.
-
Kinh Đại Pháp Cú
Đà La Ni
-
-
Tâm lấy địa
ngục, lấy ngạ quỉ, tâm lấy súc sanh, và tâm lấy trời, người. Hễ có các hình
mạo đều do tâm gây nên. Ai có thể uốn dẹp được tâm, kẻ ấy rất nhiều sức mạnh.
-
Ta đã phấn đấu
với tâm, nhiều kiếp đến vô số, nay mới thành Phật, chỉ một mình ta ra khỏi ba
cõi.
-
Kinh Ngã Khổ
Chương Cú
-
-
Ngài Thiện Hiện
hỏi đức Phật rằng: Phật trước có nói: như chiêm bao, như hình tượng, như tiếng
vang, như ánh sáng, như ánh nắng, như huyển thuật, như đô thành tầm hương,
(giả hiện chẳng thiệt) như việc biến hóa. Những các pháp ấy không có thật sự,
vì nó đều lấy vô tính làm tự tính. Nhưng làm sao lại được thành các pháp sai
khác: nào là lành dữ, nào là hữu lậu vô lậu, nào là thế gian, xuất thế gian,
nào la hữu vi vô vi?
-
Đức Phật đáp
rằng: Này Thiện Hiện! Chúng sanh trong thế gian, chẳng biết như chiêm bao, như
hình tượng, như tiếng vang, như ánh sáng, như ánh nắng, nó cũng chẳng biết như
trò huyển, như đô thành tầm hương, và chẳng biết như việc biến hóa. Cho nên
mới điên đảo chấp đăm, rồi do thân, ngữ, ý gây ra những hành nghiệp lành,
chẳng lành, phước, chẳng phước và nghiệp bất động; cho nên mới có sai khác,
chớ kỳ thật không có sai khác.
-
Kinh Bát Nhã
-
- --o0o--
|
|