|
- Thư Viện Chùa Dược Sư
- KINH TẠNG
-
- KINH
TĂNG NHẤT A HÀM
- Việt Dịch: Hòa Thượng
Thích Thanh Từ
Hiệu Đính: Hòa Thượng Thích Thiện Siêu
- Viện Nghiên Cứu Phật
Học Việt Nam
PL 2541 - TL 1997
-
- TẬP
MỘT
- 2
-
XV. Phẩm Hữu Vô
-
-
1. Tôi
nghe như vầy:
-
Một thời Phật ở
nước Xá-vệ, rừng Kỳ-đà, vườn Cấp Cô Ðộc.
-
Bấy giờ Thế Tôn bảo
các Tỳ-kheo:
-
- Nên biết có hai
kiến (chấp) này. Thế nào là hai? Nghĩa là hữu kiến và vô kiến.
Có các Sa-môn, Bà-la-môn đối với hai kiến này đã học tập, đã
tụng đọc, trọn không theo pháp, như thực chẳng biết. Ðây chẳng
phải là Sa-môn, Bà-la-môn. Ở trong Sa-môn thì phạm pháp
Sa-môn, ở trong Bà-la-môn thì phạm pháp Bà-la-môn. Sa-môn,
Bà-la-môn này trọn chẳng do thân tác chứng mà tự du hí.
-
Có các Sa-môn,
Bà-la-môn đối với hai kiến này tụng đọc, nghĩ nhớ biết xả bỏ,
như thực mà biết. Ðây là Sa-môn biết giữ hạnh Sa-môn,
Bà-la-môn biết giữ hạnh Bà-la-môn, tự thân thụ chứng, để tự du
hí; sanh tử đã dứt, Phạm hạnh đã lập, việc phải làm đã làm
xong, không còn thọ thân sau nữa, như thật mà biết. Thế nên,
các Tỳ-kheo, đối với hai kiến này, chẳng nên học hành, chẳng
nên đọc tụng, nên lìa bỏ hẳn. Như thế, này các Tỳ-kheo, nên
học điều này!
-
Bấy giờ các Tỳ-kheo
nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.
-
2. Tôi
nghe như vầy:
-
Một thời Phật ở
nước Xá-vệ, rừng Kỳ-đà, vườn Cấp Cô Ðộc.
-
Bấy giờ Thế Tôn bảo
các Tỳ-kheo:
-
- Có hai kiến này.
Thế nào là hai kiến? Ðó là hữu kiến và vô kiến. Thế nào là hữu
kiến? Nghĩa là dục hữu kiến, sắc hữu kiến, vô sắc hữu kiến.
Thế nào là dục hữu kiến? Nghĩa là ngũ dục. Thế nào là ngũ dục?
Nghĩa là mắt thấy sắc rất yêu thích nghĩ nhớ. Người đời tôn
thờ chưa từng xa lìa, như tai nghe tiếng, mũi ngửi mùi, lưỡi
biết vị, thân biết xúc chạm, ý rõ các pháp. Ðó là hữu kiến.
-
Thế nào gọi là vô
kiến? Nghĩa là thấy hữu thường và thấy vô thường. Có cái thấy
đoạn diệt và thấy không đoạn diệt, thấy hữu biên, thấy vô
biên; thấy có thân, thấy không thân; thấy có mạng, thấy không
mạng; thấy thân khác, thấy mạng khác. Sáu mươi hai kiến (chấp)
này gọi là vô kiến, cũng chẳng phải là chân kiến. Ðó gọi là vô
kiến.
-
Thế nên, các
Tỳ-kheo, nên bỏ hai kiến này. Như thế, các Tỳ-kheo, nên học
điều này!
-
Bấy giờ các Tỳ-kheo
nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.
-
3. Tôi
nghe như vầy:
-
Một thời Phật ở
nước Xá-vệ, rừng Kỳ-đà, vườn Cấp Cô Ðộc.
-
Bấy giờ Thế Tôn bảo
các Tỳ-kheo:
-
- Có hai sự bố thí
này. Thế nào là hai? Ðó là pháp thí và tài thí. Này các
Tỳ-kheo! Bố thí hơn hết không gì qua pháp thí. Thế nên, các
Tỳ-kheo, nên thường học pháp thí. Như vậy, này các Tỳ-kheo,
nên học điều này!
-
Bấy giờ các Tỳ-kheo
nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.
-
4. Tôi
nghe như vầy:
-
Một thời Phật ở
nước Xá-vệ, rừng Kỳ-đà, vườn Cấp Cô Ðộc.
-
Bấy giờ Thế Tôn bảo
các Tỳ-kheo:
-
- Có hai nghiệp.
Thế nào là hai nghiệp? Có pháp nghiệp và có tài nghiệp. Nghiệp
trên hết không gì qua pháp nghiệp. Thế nên, này các Tỳ-kheo,
nên học pháp nghiệp, chớ học tài nghiệp. Như thế, này các
Tỳ-kheo, nên học điều này!
-
Bấy giờ các Tỳ-kheo
nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.
-
5. Tôi
nghe như vầy:
-
Một thời Phật ở
nước Xá-vệ, rừng Kỳ-đà, vườn Cấp Cô Ðộc.
-
Bấy giờ Thế Tôn bảo
các Tỳ-kheo:
-
- Có hai ơn này.
Thế nào là hai? Ðó là ơn pháp và ơn tài. Hơn hết trong các ơn,
không gì qua ơn pháp. Thế nên, các Tỳ-kheo, hãy tu hành ơn
pháp. Như vậy, này các Tỳ-kheo, hãy học điều này!
-
Bấy giờ các Tỳ-kheo
nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.
-
6. Tôi
nghe như vầy:
-
Một thời Phật ở
nước Xá-vệ, rừng Kỳ-đà, vườn Cấp Cô Ðộc.
-
Bấy giờ Thế Tôn bảo
các Tỳ-kheo:
-
- Người ngu si có
hai thứ tướng mạo. Thế nào là hai? Ở đây, người ngu đối với
việc không đáng làm mà làm, việc làm sắp xong thì chán bỏ. Ðó
là, này các Tỳ-kheo, người ngu có hai tướng mạo này.
-
Lại nữa, Tỳ-kheo,
người trí có hai tướng mạo. Thế nào là hai? Ở đây, người trí
đối với việc không đáng làm thì không làm, việc làm gần xong
không chán bỏ.
-
Thế nên, này các
Tỳ-kheo, hai tướng mạo của người ngu phải nên xa lìa. Nên nhớ
tu hành hai tướng mạo của người trí. Như thế, này các Tỳ-kheo,
hãy học điều này!
-
Bấy giờ các Tỳ-kheo
nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.
-
7. Tôi
nghe như vầy:
-
Một thời Phật ở
nước Xá-vệ, rừng Kỳ-đà, vườn Cấp Cô Ðộc.
-
Bấy giờ Thế Tôn bảo
các Tỳ-kheo:
-
- Có hai pháp này,
trong tự suy xét chuyên chú một lòng cũng như lễ Như Lai. Thế
nào là hai pháp? Ðó là trí tuệ và diệt tận.
-
Như thế Tỳ-kheo đối
với hai pháp này trong tự suy xét, chuyên chú một lòng cũng
như lễ Như Lai. Như thế, này các Tỳ-kheo, hãy học điều này!
-
Bấy giờ các Tỳ-kheo
nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.
-
8. Tôi
nghe như vầy:
-
Một thời Phật ở
nước Xá-vệ, rừng Kỳ-đà, vườn Cấp Cô Ðộc.
-
Bấy giờ Thế Tôn bảo
các Tỳ-kheo:
-
- Có hai pháp này,
trong tự suy xét, chuyên chú một lòng cũng như lễ Pháp bảo hay
thần miếu của Như Lai. Thế nào là hai pháp? Có lực, có vô úy.
Như thế, Tỳ-kheo đối hai pháp này trong tự suy xét, chuyên chú
một lòng như lễ Pháp bảo và thần miếu của Như Lai. Như vậy,
này các Tỳ-kheo, nên học điều này!
-
Bấy giờ các Tỳ-kheo
nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.
-
9. Tôi
nghe như vầy:
-
Một thời Phật ở
nước Xá-vệ, rừng Kỳ-đà, vườn Cấp Cô Ðộc.
-
Bấy giờ Thế Tôn bảo
các Tỳ-kheo:
-
- Có hai pháp này,
trong tự suy xét, chuyên chú một lòng như lễ chùa của Như Lai.
Thế nào là hai pháp? Như Lai cùng người thế gian không có ai
bằng. Như Lai có đại từ, đại bi, thương xót nhớ nghĩ mười
phương. Như thế, Tỳ-kheo đối hai pháp này, trong tự suy xét,
chuyên chú một lòng như lễ chùa của Như Lai. Như vậy, này các
Tỳ-kheo, nên học điều này!
-
Bấy giờ các Tỳ-kheo
nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.
-
10. Tôi
nghe như vầy:
-
Một thời Phật ở
nước Xá-vệ, rừng Kỳ-đà, vườn Cấp Cô Ðộc.
-
Bấy giờ Thế Tôn bảo
các Tỳ-kheo:
-
- Có hai nhân, hai
duyên khởi ra chánh kiến. Thế nào là hai? Nhận lời dạy dỗ và
suy nghĩ về chỉ, quán trong lòng. Như thế, Tỳ-kheo đối hai
nhân, hai duyên khởi ra chánh kiến. Như vậy, này các Tỳ-kheo,
nên học điều này!
-
Bấy giờ các Tỳ-kheo
nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.
-
Nhị kiến và nhị
thí,
-
Người ngu có hai
tướng.
-
Lễ pháp, miếu Như
Lai,
-
Chánh kiến ở sau
cùng.
- --o0o--
|
|