|
- Thư Viện Chùa Dược Sư
- KINH TẠNG
-
- KINH
TĂNG NHẤT A HÀM
- Việt Dịch: Hòa Thượng
Thích Thanh Từ
Hiệu Đính: Hòa Thượng Thích Thiện Siêu
- Viện Nghiên Cứu Phật
Học Việt Nam
PL 2541 - TL 1997
-
- TẬP
HAI
- 6
-
XXXIX. Phẩm Đẳng Pháp
-
-
1. Tôi nghe như vầy:
-
Một thời, Phật ở nước Xá-vệ, rừng
Kỳ-đà, vườn Cấp Cô Ðộc.
-
Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
-
- Nếu có Tỳ-kheo thành tựu bảy pháp
thì sẽ ở trong pháp hiện tại được sự an vui vô cùng, muốn được hết lậu hoặc
liền sẽ được hết. Thế nào là bảy pháp? Ở đây, vị Tỳ-kheo biết pháp, biết
nghĩa, biết thời, có thể biết mình, lại có thể biết đủ, và cũng biết vào trong
chúng, quan sát mọi người. Ðó là bảy pháp.
-
Thế nào là Tỳ-kheo biết pháp?
Tỳ-kheo biết pháp là biết Khế kinh, Kỳ-dạ, Kệ, Nhân duyên, Thí dụ, Bổn mạt,
Quảng diễn, Phương đẳng, Vị tằng hữu, Quảng phổ, Thọ quyết, Sanh kinh. Nếu có
Tỳ-kheo không biết pháp là không biết mười hai bộ kinh. Ðây chẳng phải là
Tỳ-kheo. Vì Tỳ-kheo thì phải hay hiểu rõ pháp. Ðó gọi là biết pháp. Như thế là
Tỳ-kheo hiểu rõ pháp.
-
Thế nào là Tỳ-kheo hiểu rõ nghĩa? Ở
đây, Tỳ-kheo biết cơ thú (chỗ nhắm đến) của Như Lai, hiểu rõ nghĩa sâu không
có nghi nan, Nếu Tỳ-kheo không hiểu rõ nghĩa thì không phải Tỳ-kheo. Vì
Tỳ-kheo có thể biết thầm nghĩa, nên gọi là hiểu nghĩa. Như thế là Tỳ-kheo có
thể phân biệt được nghĩa.
-
Thế nào là Tỳ-kheo biết thời nghi?
Ở đây, Tỳ-kheo biết thời tiết, lúc nên tu quán thì tu quán, lúc nên tu chỉ thì
tu chỉ, lúc nên im lặng biết im lặng, nên đi thì biết đi, nên tụng thì biết
tụng, nên giáo thọ cho người ở trước mặt thì giáo thọ cho người ở trước mặt,
nên nói thì biết nói. Nếu Tỳ-kheo chẳng biết những điều này, chẳng biết nên
chỉ, quán, tiến, dừng thì chẳng phải là Tỳ-kheo. Nếu Tỳ-kheo biết thời tiết,
không mất thời nghi, đó gọi là tùy thời nghi. Như thế là Tỳ-kheo biết thời
nghi.
-
Thế nào là Tỳ-kheo tự biết mình? Ở
đây, Tỳ-kheo tự biết mình: nay ta có kiến, văn, giác niệm, hiểu biết này, có
trí tuệ như thế, đi bước, tiến, dừng, hằng theo Chánh pháp. Nếu Tỳ-kheo không
tự biết trí tuệ mình, nên ra, vào, đi đến, thì đây không phải Tỳ-kheo. Vì
Tỳ-kheo có thể tự tu thích nghi với sự tiến, dừng của mình. Ðây gọi là tự tu
hạnh mình. Ðây là Tỳ-kheo tự biết mình.
-
Thế nào là Tỳ-kheo tự biết đủ? Ở
đây, Tỳ-kheo có thể tự điều hòa ngủ nghỉ, tỉnh thức, ngồi, nằm, kinh hành, các
cách thức tiến, dừng. Ðều có thể biết dừng đủ. Nếu Tỳ-kheo không thể biết như
thế thì chẳng phải Tỳ-kheo. Vì Tỳ-kheo có thể hiểu rõ điều này, nên gọi là
biết đủ. Như thế là Tỳ-kheo biết đủ.
-
Thế nào là Tỳ-kheo biết vào đại
chúng? Ở đây, Tỳ-kheo phân biệt đại chúng: 'Ðây là dòng Sát-lợi, đây là chúng
Bà-la-môn, đây là chúng Trưởng giả, đây là chúng Sa-môn. Ta sẽ dùng phép tắc
này để thích ứng ở trong chúng kia'; nên nói hay nên im lặng đều biết tất cả.
Nếu Tỳ-kheo chẳng biết cách nhập chúng này thì chẳng phải là Tỳ-kheo. Vì
Tỳ-kheo biết vào đại chúng nên gọi là biết nhập chúng. Ðó là, Tỳ-kheo biết
nhập chúng.
-
Thế nào là Tỳ-kheo biết căn nguyên
của mọi người? Tỳ-kheo nên biết! Có hai hạng người. Thế nào là hai? Có hạng
người muốn đến vườn quán để gần gũi Tỳ-kheo; còn hạng thứ hai không ưa đến gặp
Tỳ-kheo. Trong hai hạng người này, hạng người muốn gần gũi Tỳ-kheo là hơn.
-
Này Tỳ-kheo! Lại có hai hạng người.
Thế nào là hai? Hạng người thứ nhứt tuy đến chỗ Tỳ-kheo mà chẳng hỏi nghi
thức; hạng người thứ hai cũng chẳng vào chùa gặp Tỳ-kheo. Trong hai hạng này
thì hạng người đến chùa kia là hơn cả.
-
Này Tỳ-kheo! Lại có hai hạng người.
Thế nào là hai? Hạng người thứ nhất đến chỗ Tỳ-kheo thăm hỏi thời nghi; hạng
người thứ hai không đến chỗ Tỳ-kheo thăm hỏi thời nghi. Trong hai hạng người
này thì hạng người đến chùa kia là hơn cả.
-
Này Tỳ-kheo! Lại có hai hạng người.
Thế nào là hai? Hạng người thứ nhất hay quan sát, thọ trì, đọc tụng; hạng
người thứ hai chẳng thể thọ trì, đọc tụng. Trong hai hạng này thì hạng người
thọ trì đọc tụng kia là hơn cả.
- Này
Tỳ-kheo! Lại có hai hạng người. Thế nào là hai? Hạng người thứ nhất nghe pháp
rồi hiểu nghĩa; hạng người thứ hai nghe pháp mà không hiểu nghĩa. Hạng người
nghe pháp hiểu nghĩa kia là hơn.
-
Này Tỳ-kheo! Lại có hai hạng người.
Thế nào là hai? Hạng người thứ nhất nghe pháp, mọi pháp đều thành tựu; hạng
người thứ hai chẳng nghe pháp, chẳng thành tựu pháp. Hạng người nghe pháp,
thành tựu pháp kia là hơn.
-
Này Tỳ-kheo! Lại có hai hạng người.
Thế nào là hai? Hạng người thứ nhất nghe pháp có thể kham nhẫn tu hành, phân
biệt hộ trì Chánh pháp; hạng người thứ hai chẳng thể kham nhẫn tu hành. Vậy
hạng người tu hành pháp kia là hơn. Ví như, bò có lạc, do lạc có tô, do tô có
đề hồ, đề hồ là hơn cả, không gì bì kịp. Ðây cũng như thế, nếu ai có thể tu
hành, người này là hơn cả, không ai sánh kịp. Ðó là Tỳ-kheo quán sát căn
nguyên của người. Người nào không rõ điều này thì chẳng phải Tỳ-kheo. Vị
Tỳ-kheo nghe pháp, phân biệt nghĩa này. Ðây là đệ nhất. Như thế là Tỳ-kheo
quán sát căn nguyên của người.
-
Nếu Tỳ-kheo nào thành tựu bảy pháp
này thì ở trong hiện pháp được vui thích vô vi, ý muốn dứt hết lậu, cũng chẳng
có gì nghi ngờ. Thế nên, Tỳ-kheo! Hãy cầu phương tiện thành tựu bảy pháp này.
Như thế, Tỳ-kheo, hãy học điều này.
-
Bấy giờ các Tỳ-kheo nghe Phật dạy
xong, vui vẻ vâng làm.
-
2. Tôi nghe như vầy:
-
Một thời, Phật ở nước Xá-vệ, rừng
Kỳ-đà, vườn Cấp Cô Ðộc.
-
Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
-
- Cây trú độ ở cõi trời Ba mươi ba,
gốc của nó to năm mươi do tuần, cao một trăm do-tuần, bóng che bốn phía năm
mươi do tuần. Các trời Ba mươi ba vui chơi ở đó bốn tháng.
-
Tỳ-kheo nên biết! Có lúc hoa lá của
cây trú độ héo vàng rơi rụng trên đất. Lúc ấy, chư Thiên thấy điểm ứng này,
tất cả đều hoan hỷ, vui vẻ: 'Cây này chẳng bao lâu sẽ sanh hoa trái'.
-
Tỳ-kheo nên biết! Có lúc hoa trái
của cây rơi rụng đầy đất. Bấy giờ, trời Ba mươi ba lại càng thêm hoan hỷ bảo
nhau:
-
- Cây này không bao lâu sẽ có màu
tro.
-
Tỳ-kheo nên biết! Trải qua khoảng
thời gian, cây kia ngã màu tro. Bấy giờ chư Thiên trời Ba mươi ba lại rất vui
mừng bảo nhau.
-
- Cây này đã có màu tro, chẳng bao
lâu sẽ nẩy chồi.
-
Chư Thiên trời Ba mươi ba thấy cây
trú độ đã nẩy chồi, chẳng bao lâu sẽ sanh nụ hoa. Thấy rồi, chư vị ấy sanh
lòng hoan hỷ: 'Hôm nay, cây này đã sanh nụ hoa (bạc tiết), chẳng bao lâu sẽ nở
tròn.
-
Tỳ-kheo nên biết! Chư Thiên trời Ba
mươi ba thấy cây này dần dần nở tròn liền vui mừng: 'Cây này đã dần dần nở
tròn, chẳng bao lâu sẽ đều đầy hoa'.
-
Tỳ-kheo nên biết! Lúc cây này nở tròn, mọi người đều hoan hỷ: 'Hôm nay, tất cả
cây này đều đơm hoa'. Bấy giờ hương thơm bay ngược gió, trong vòng một trăm
do-tuần, ai cũng ngửi được mùi thơm. Lúc ấy, chư Thiên ở đó vui chơi suốt
trong bốn tháng, thích thú không thể kể.
-
Ðây cũng như thế! Nếu bậc đệ tử
Hiền Thánh ý muốn xuất gia học đạo thì cũng giống như cây kia lúc muốn rụng
lá.
-
Lại nữa, bậc đệ tử Hiền Thánh, bỏ
vợ con tài sản, đem lòng tin kiên cố xuất gia học đạo, cạo bỏ râu tóc giống
như cây kia rụng lá đầy đất.
-
Tỳ-kheo nên biết! Nếu bậc đệ tử
Hiền Thánh, không có tưởng tham dục, trừ bỏ pháp bất thiện, niệm giữ hoan hỷ,
để chí ở Sơ thiền, như cây trú độ có màu tro.
-
Lại nữa, bậc đệ tử Hiền Thánh, có
giác, có quán, dừng bên trong sanh hoan hỷ, chuyên chú nhất tâm, không giác,
không quán, dạo tâm ở Nhị thiền, ví như cây kia sanh chồi.
-
Lại nữa, bậc đệ tử Hiền Thánh,
không niệm mà có hộ (xả), tự biết thân có lạc, là điều chư Hiền Thánh cầu, xả
niệm đầy đủ, dạo ở Tam thiền, giống như cây kia sanh nụ hoa.
-
Lại nữa, bậc đệ tử Hiền Thánh, khổ
lạc đã dứt hết, không có sầu lo, không khổ không vui, xả niệm thanh tịnh, dạo
ở Tứ thiền, giống như cây kia dần dần nở tròn.
-
Lại nữa, bậc đệ tử Hiền Thánh, dứt
hết hữu lậu, thành tựu vô lậu, tâm giải thoát, trí huệ giải thoát, ở trong
hiện pháp tự vui thích, sanh tử đã dứt, Phạm hạnh đã lập, việc làm đã xong,
không còn tái sanh, như thật mà biết, giống như cây kia trổ hoa đầy đủ.
-
Bấy giờ, hương giới đức của bậc đệ
tử Hiền Thánh bay khắp bốn phương, ai cũng khen ngợi. Trong bốn tháng vui chơi
là dạo tâm ở Tứ thiền, đầy đủ hạnh bổn.
- Thế
nên, các Tỳ-kheo! Hãy tìm phương tiện thành tựu hương giới đức. Như thế, các
Tỳ-kheo, hãy học điều này.
-
Bấy giờ các Tỳ-kheo nghe Phật dạy
xong, vui vẻ vâng làm.
-
3. Tôi nghe như vầy:
-
Một thời, Phật ở nước Xá-vệ, rừng
Kỳ-đà, vườn Cấp Cô Ðộc.
-
Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
-
- Nay Ta sẽ nói bảy thí dụ về nước.
Người cũng như thế. Hãy lắng nghe! Lắng nghe! Khéo suy nghĩ về chúng.
-
Các Tỳ-kheo đáp:
-
- Xin vâng, Thế Tôn!
-
Thế Tôn bảo:
-
- Bảy thí dụ về nước giống như
người thế nào?
-
Ví như, có người chìm ở đáy nước;
có người tạm ngoi lên mặt nước rồi chìm xuống lại; có người ra khỏi nước nhìn
xem; có người ra khỏi nước mà đứng; có người muốn đi qua nước; có người ra
khỏi nước muốn đến bờ kia; có người đã lên hẳn trên bờ. Ðó là, này Tỳ-kheo, có
bảy thí dụ về nước xuất hiện ở đời.
-
Thế nào là người chìm đáy nước
không ra khỏi được? Ở đây, có người toàn thân hành pháp bất thiện, trải qua
kiếp số không thể trị liệu. Ðó là người chìm ở đáy nước.
-
Thế nào là người ra khỏi nước rồi
chìm lại? Ở đây, có người lòng tin cạn cợt, tuy có pháp lành mà không kiên cố.
Người ấy thân, miệng, ý làm lành, sau lại hành bất thiện. Sau khi thân hoại
mạng chung, người ấy sanh vào địa ngục. Ðó là người ra khỏi nước lại chìm.
-
Thế nào là người ra khỏi mặt nước
nhìn trông? Ở đây, có người có tín thiện căn, thân, miệng, ý làm lành nhưng
không tăng trưởng pháp này, tự giữ đứng. Người ấy thân hoại mạng chung sanh
trong A-tu-la. Ðó là người ra khỏi nước nhìn.
- Thế
nào là người ra khỏi nước mà đứng? Ở đây, có người có lòng tin, tinh tấn đoạn
ba kiết sử, không thối chuyển nữa, chắc chắn đạt được cứu cánh thành đạo vô
thượng. Ðó là người ra khỏi nước mà đứng.
-
Thế nào là người muốn đi qua nước?
Ở đây, có người tín căn tinh tấn, hằng ôm lòng hổ thẹn, mong đoạn ba kiết sử
dâm, nộ, si. Người ấy trở lại đời này mà đoạn dứt mé khổ. Ðó là người muốn qua
nước.
-
Thế nào là người muốn đến bờ kia? Ở
đây, có người tín căn tinh tấn, đoạn năm hạ phần kiết sử, thành A-na-hàm, liền
đó nhập Niết-bàn, không trở lại đời này nữa. Ðó là người muốn đến bờ kia.
-
Thế nào là người đã đến bờ kia? Ở
đây, hoặc có người tín căn tinh tấn, ôm lòng hổ thẹn, dứt hết hữu lậu, thành
tựu vô lậu. Ở trong hiện pháp, người ấy tự an vui; sanh tử đã dứt, Phạm hạnh
đã lập, việc làm đã xong, không còn tái sanh, như thật mà biết; nơi Vô dư
Niết-bàn mà nhập Niết-bàn. Ðó là người đã qua đến bờ kia.
- Này
Tỳ-kheo! Ðó là bảy thí dụ nước và người, Ta nói với các Thầy. Chỗ chư Phật Thế
Tôn đáng tu hành tiếp độ mọi người, nay Ta đã thi hành. Các Thầy nên ở chỗ
vắng vẻ, như dưới cội cây, hãy nhớ tọa Thiền chớ có lười biếng. Ðây là lời Ta
dạy dỗ.
-
Bấy giờ các Tỳ-kheo nghe Phật dạy
xong, vui vẻ vâng làm.
-
4. Tôi nghe như vầy:
-
Một thời, Phật ở nước Xá-vệ, rừng
Kỳ-đà, vườn Cấp Cô Ðộc.
-
Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
-
- Bậc Thánh vương trị nước, nếu
thành tựu bảy pháp thì chẳng bị oan gia, giặc cướp bắt bớ, khiến cho bên ngoài
không thể đến xâm phạm. Thế nào là bảy? Thành quách cao lớn, sửa sang tề
chỉnh; đó là pháp thành tựu thứ nhất. Cửa thành lại kiên cố; đó là pháp thành
tựu thứ hai. Ngoài thành hào lũy rất sâu rộng; đó là pháp thành tựu thứ ba.
Trong thành lại chứa nhiều lúa thóc, kho lẫm tràn đầy; đó là pháp thành tựu
thứ tư. Thành ấy lại có nhiều củi, cỏ; đó là pháp thành tựu thứ năm. Thành lại
có nhiều binh khí, đầy đủ các chiến cụ; đó là pháp thành tựu thứ sáu. Người
chủ thành kia lại thông minh tài cao, dự biết lòng người, đáng phạt thì đánh
phạt, đáng trị thì trị; đó là pháp thành tựu thứ bảy, khiến cho bên ngoài
không thể đến xâm phạm.
-
Này Tỳ-kheo! Ðó là bảy pháp mà vị
quốc chủ thành tựu được thì người ngoài không thể đến gần quấy nhiễu. Tỳ-kheo
cũng vậy, nếu thành tựu được bảy pháp thì tệ ma Ba-tuần chẳng được thuận tiện.
Thế nào là bảy?
-
Ở đây, Tỳ-kheo thành tựu giới luật,
đầy đủ oai đức, phạm luật nhỏ còn sợ hãi huống là tội lớn. Ðó là, Tỳ-kheo,
thành tựu pháp thứ nhất, khiến tệ ma Ba tuần không được thuận tiện; ví như
thành cao rộng kia rất nghiêm ngặt không thể phá hoại.
-
Lại nữa, này Tỳ-kheo! Nếu mắt thấy
sắc chẳng khởi tưởng dính mắc, cũng không dấy niệm, đầy đủ nhãn căn không có
thiếu sót, mà gìn giữ nhãn căn; tai đối với tiếng, mũi với mũi, lưỡi với vị,
thân với xúc, ý với pháp cũng vậy; cũng chẳng khởi tưởng, đầy đủ ý căn mà
không loạn tưởng, ủng hộ ý căn đầy đủ. Ðó là Tỳ-kheo thành tựu pháp thứ hai
khiến tệ ma Ba tuần chẳng được thuận tiện như cửa thành kiên cố.
-
Lại nữa, Tỳ-kheo nghe nhiều chẳng
quên, hằng nhớ tư duy chánh pháp, đạo giáo ngày xưa trải qua đều biết đầy đủ.
Ðó là Tỳ-kheo thành tựu pháp thứ ba, khiến tệ ma Ba-tuần không được thuận
tiện; như hào lũy ngoài thành vừa sâu, vừa rộng.
-
Lại nữa, Tỳ-kheo có nhiều phương
tiện, có các pháp ban đầu thiện, ở giữa thiện, cuối cùng thiện, thanh tịnh đầy
đủ, tu được Phạm hạnh. Ðó là Tỳ-kheo thành tựu pháp thứ tư, khiến tệ ma
Ba-tuần không được thuận tiện; như thành quách có nhiều lúa thóc, giặc ngoài
không dám đến xâm lấn.
-
Lại nữa, Tỳ-kheo tư duy bốn pháp
tăng thượng tâm, cũng không thiếu sót. Ðó là Tỳ-kheo thành tựu pháp thứ năm,
khiến tệ ma Ba-tuần chẳng được thuận tiện; như thành quách có nhiều củi cỏ,
người ngoài không thể đến quấy rối.
-
Lại nữa, Tỳ-kheo được bốn thần túc
làm việc không khó khăn.
-
Ðó là Tỳ-kheo thành tựu pháp thứ
sáu, khiến tệ ma Ba tuần không được thuận tiện, như trong thành đầy đủ binh
khí.
-
Lại nữa, Tỳ-kheo có thể phân biệt
ấm, nhập, giới đầy đủ, cũng phân biệt được pháp mười hai nhân duyên khởi lên.
Ðó là Tỳ-kheo thành tựu pháp thứ bảy, khiến tệ ma Ba-tuần không được thuận
tiện; như người chủ thành quách thông minh, tài cao, đáng thâu thì thâu, nên
bỏ thì bỏ. Tỳ-kheo cũng vậy, biết phân biệt ấm, trì, nhập.
-
Nếu có Tỳ-kheo thành tựu bảy pháp
này thì tệ ma Ba-tuần sẽ không được tiện lợi. Thế nên các Tỳ-kheo! Hãy tìm
phương tiện phân biệt ấm, trì nhập và mười hai nhân duyên, chẳng mất thứ lớp,
liền vượt khỏi cảnh ma, không ở trong đó nữa. Như thế, Tỳ-kheo! Hãy học điều
này.
-
Bấy giờ các Tỳ-kheo nghe Phật dạy
xong, vui vẻ vâng làm.
-
5. Tôi nghe như vầy:
-
Một thời, Phật ở nước Xá-vệ, rừng
Kỳ-đà, vườn Cấp Cô Ðộc.
-
Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
-
- Nay Ta sẽ thuyết về bảy chỗ trụ
của thần thức. Các Thầy hãy lắng nghe và khéo suy nghĩ.
-
Các Tỳ-kheo đáp:
-
- Xin vâng, Thế Tôn!
-
Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
-
- Sao gọi là bảy trụ xứ của thần
thức? Nghĩa là chúng sanh có nhiều thân, nhiều tưởng; như là Trời và Người.
Lại có chúng sanh nhiều thân mà có một tưởng như là trời Phạm-ca-di mới xuất
hiện ở đời. Có chúng sanh một thân mà có nhiều tưởng như là trời Quang Âm. Có
chúng sanh một thân, một tưởng như là trời Biến Tịnh. Có chúng sanh vô lượng
không như là trời Không xứ. Có chúng sanh vô lượng thức như là trời Thức xứ.
Có chúng sanh vô hữu xứ như là trời Vô hữu xứ.
- Này
Tỳ-kheo! Ðó là bảy trụ xứ của thần thức. Nay Ta đã nói xong bảy thức xứ, chư
Phật Thế Tôn có thể thi hành, tiếp độ mọi người, hôm nay Ta đã giải thích
xong. Các Thầy nên ở nơi vắng vẻ, dưới cội cây, khéo tu hạnh ấy, chớ có giải
đãi. Ðây là lời giáo hối của Ta.
-
Bấy giờ các Tỳ-kheo nghe Phật dạy
xong, vui vẻ vâng làm.
-
6. Tôi nghe như vầy:
-
Một thời, Phật ở nước Xá-vệ, rừng
Kỳ-đà, vườn Cấp Cô Ðộc.
- Bấy
giờ, Tỳ-kheo Quân-đầu mắc bệnh nặng nằm trên giường không thể tự cử động.
Tỳ-kheo liền nghĩ rằng: 'Hôm nay, Như Lai Thế Tôn chẳng thấy rũ lòng lân mẫn,
ta mang bệnh nặng, chẳng nhận được thuốc men. Ta lại nghe Thế Tôn nói rằng:
'Nếu một người chưa được độ, Ta chẳng bỏ họ'. Mà nay ta thấy Thế Tôn bỏ sót
ta, còn gì khổ hơn nữa!'
-
Bấy giờ, Thế Tôn dùng thiên nhĩ
nghe Tỳ-kheo Quân-đầu trách móc như thế, liền bảo các Tỳ-kheo:
-
- Các Thầy hãy tụ tập đến chỗ
Tỳ-kheo Quân-đầu hỏi thăm bệnh ông ta.
-
Các Tỳ-kheo đáp:
-
- Xin vâng, Thế Tôn!
-
Thế Tôn dẫn chúng Tỳ-kheo từ từ đến
phòng Tỳ-kheo Quân-đầu. Tỳ-kheo Quân-đầu xa thấy Thế Tôn đến, liền gieo mình
xuống đất. Khi ấy, Thế Tôn bảo Quân-đầu rằng:
-
- Nay Thầy mang bệnh nặng, chẳng
nên xuống giường. Ta tự có chỗ ngồi.
-
Thế Tôn bảo Quân-đầu:
-
- Bệnh Thầy tăng hay giảm, hay
không tăng giảm? Có thể nghe Ta dạy được không?
-
Tỳ-kheo Quân-đầu bạch Phật:
-
- Hôm nay, đệ tử bịnh rất nặng, chỉ
có tăng chứ không giảm, không được đầy đủ thuốc men.
-
Thế Tôn hỏi:
-
- Ai săn sóc bịnh cho Thầy?
-
Quân-đầu bạch:
-
- Các vị Phạm hạnh có đến thăm bịnh
con.
-
Bấy giờ Thế Tôn bảo Quân-đầu:
-
- Nay Thầy có thể nói bảy giác ý
cho Ta nghe chăng?
-
Quân-đầu liền nêu tên bảy giác ý ba
lần:
-
- Nay con có thể thuyết pháp bảy
giác ý trước Như Lai được.
-
Thế Tôn nói:
-
- Nếu có thể thuyết cho Như Lai thì
hãy thuyết đi!
-
Khi ấy, Tỳ-kheo Quân-đầu bạch Phật:
-
- Bảy giác ý. Những gì là bảy?
Nghĩa là niệm giác ý, pháp giác ý, tinh tấn giác ý, hỷ giác ý, khinh an giác
ý, định giác ý, hộ xả giác ý. Bạch Thế Tôn, có bảy giác ý chính là đây.
-
Tỳ-kheo Quân-đầu nói xong liền lành
bệnh, không còn các khổ não. Quân-đầu bạch Thế Tôn:
-
- Bình đựng thuốc chính là pháp bảy
giác ý này. Con muốn nói thuốc không gì hơn bảy giác ý này. Nay con tư duy bảy
giác ý này, các bịnh đều được lành.
-
Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
-
- Các Thầy thọ trì pháp bảy giác ý
này, khéo nghĩ nhớ tụng đọc; chớ có hồ nghi đối với Phật, Pháp, Tăng. Chúng
sanh có bệnh sẽ được lành. Vì cớ sao? Bảy giác ý này rất khó hiểu hết. Nếu
hiểu rồi, tất cả các pháp đều liễu tri cả, chiếu sáng tất cả các pháp, cũng
như thuốc hay trị liệu tất cả các bịnh. Ví như cam lồ, ăn không biết chán. Nếu
không được bảy giác ý này thì chúng sanh lưu chuyển sanh tử. Các Tỳ-kheo! Hãy
cầu phương tiện tu bảy giác ý. Như thế, các Tỳ-kheo, hãy học điều này.
-
Bấy giờ các Tỳ-kheo nghe Phật dạy
xong, vui vẻ vâng làm.
-
7. Tôi nghe như vầy:
-
Một thời, Phật ở nước Xá-vệ, rừng
Kỳ-đà, vườn Cấp Cô Ðộc.
-
Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
-
- Nếu lúc Chuyển luân Thánh vương
xuất hiện ở đời, liền có bảy báu xuất hiện thế gian; đó là xe báu, voi báu,
ngựa báu, châu báu, ngọc nữ báu, cư sĩ báu, điển binh báu. Lúc Chuyển luân
Thánh vương xuất hiện ở đời liền có bảy báu lưu bố thế gian.
-
Lúc Như Lai xuất hiện ở thế gian,
liền có báu bảy giác ý xuất hiện thế gian. Thế nào là bảy? Ðó là niệm giác ý,
pháp giác ý, tinh tấn giác ý, hỷ giác ý, khinh an giác ý, định giác ý, hộ (xả)
giác ý, xuất hiện ở đời. Nếu lúc Như Lai xuất hiện thế gian, liền có bảy giác
ý quý báu này xuất hiện thế gian. Thế nên, các Tỳ-kheo! Hãy cầu phương tiện tu
bảy giác ý này. Như thế, các Tỳ-kheo, hãy học điều này.
-
Bấy giờ các Tỳ-kheo nghe Phật dạy
xong, vui vẻ vâng làm.
-
8. Tôi nghe như vầy:
-
Một thời, Phật ở nước Xá-vệ, rừng
Kỳ-đà, vườn Cấp Cô Ðộc.
-
Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
-
- Lúc Chuyển luân Thánh vương xuất
hiện ở đời, khi ấy liền chọn lựa đất tốt để xây thành quách, Ðông Tây hai mươi
do-tuần. Nam Bắc bảy do-tuần, đất đai thuần thục, sung sướng vô kể.
-
Bấy giờ, ngoài thành quách ấy, có
bảy lớp bao quanh làm bằng bảy báu. Bảy báu là vàng, bạc, thủy tinh, lưu ly,
hổ phách, mã não, xa cừ; đó là bảy báu. Lại có bảy hào bằng bảy báu vây quang
bảy lớp ấy, rất sâu, rộng khó vượt qua, trong đó toàn cát vàng. Lại có bảy lớp
cây mọc ở đó. Các cây ấy lại có bảy màu: vàng, bạc, thủy tinh, lưu ly, xa cừ,
mã não, hổ phách.
-
Vây quanh thành, có bảy lớp cửa
kiên cố, cũng làm bằng bảy báu. Cửa bạc để dép vàng ở đó, cửa vàng đặt dép
bạc, cửa thủy tinh để dép lưu ly, cửa lưu ly để dép thủy tinh, cửa mã não để
dép hổ phách, rất là sung sướng, thật không thể nói.
-
Thành đó bốn mặt có bốn ao tắm. Mỗi
ao tắm dài rộng một do-tuần, tự nhiên có nước làm bằng vàng, bạc, thủy tinh,
lưu ly. Ao nước lưu ly đông lại thành báu lưu ly. Ao nước thủy tinh đông lại
thành báu thủy tinh. Ao nước bạc đông lại thành báu bạc. Ao nước vàng đông lại
thành báu vàng. Và Chuyển luân Thánh vương lấy đây dùng.
-
Bấy giờ, trong thành lại có bảy
loại âm thanh. Thế nào là bảy? Ðó là tiếng ốc, tiếng trống, tiếng trống nhỏ,
tiếng chuông, tiếng trống tế yêu, tiếng múa, tiếng ca. Ðó là bảy loại tiếng.
-
Bấy giờ, dân chúng thường vui chơi
với nhau bằng những thứ này. Những chúng sanh ấy không bị nóng lạnh, không bị
đói khát, cũng không tật bệnh.
-
Vị Chuyển luân Thánh vương ở đời du
hóa, thành tựu được bảy báu này và bốn thần túc, không có thiếu thốn, không
mất mát gì cả. Thế nào là Chuyển luân Thánh vương thành tựu bảy báu? Ðó là xe
báu, voi báu, ngựa báu, châu báu, ngọc nữ báu, cư sĩ báu, điển binh báu; lại
có một ngàn người con hết sức dũng mãnh, có thể hàng phục giặc ngoài. Ðất
Diêm-phù-đề này không dùng dao gậy để giáo hóa quốc dân.
-
Bấy giờ, có một Tỳ-kheo bạch Thế
Tôn:
-
- Làm sao Chuyển luân Thánh vương
lại thành tựu được xe báu?
-
Thế Tôn bảo:
-
- Lúc ấy, Chuyển luân Thánh vương,
sáng sớm ngày mười lăm, tắm rửa, gội đầu rồi lên đại điện, các ngọc nữ vây
quanh. Bấy giờ, bánh xe báu đầy đủ ngàn căm từ phương Ðông lại đến trước điện,
ánh sáng huy hoàng không phải người làm được, cách mặt đất bảy nhẫn, từ từ đến
trước vua dừng lại. Chuyển luân Thánh vương thấy rồi liền hỏi:
-
- 'Ta nghe người xưa nói: 'Chuyển
luân Thánh vương, ngày mười lăm tắm rửa, gội đầu, rửa tay lên điện ngồi. Bánh
xe báu từ phương Ðông đến dừng ở trước vua'. Nay ta hãy thử xe báu này!'.
-
Chuyển luân Thánh vương lấy tay
phải cầm luân bảo và nói:
-
- 'Nay Ngươi hãy xoay chuyển cho
đúng pháp, chớ phi pháp!'
-
Bấy giờ, bánh xe báu tự nhiên xoay
chuyển rồi dừng trên không, Chuyển luân Thánh vương lại cùng bốn bộ binh cũng
ở trong hư không, xe báu lại xoay về phương Ðông. Chuyển luân Thánh vương cũng
theo xe báu mà đi. Nếu lúc xe báu dừng thì Chuyển luân Thánh vương cùng chúng
đem theo cũng dừng trong không.
- Khi
ấy các vị tiểu vương ở phương Ðông cùng nhân dân từ xa thấy vua lại, đều đứng
dậy chào đón, lại đem bát vàng đựng đầy bạc, bát bạc đựng đầy vàng, dâng lên
Chuyển luân Thánh vương và tâu:
-
- 'Kính chào Thánh vương! Xứ này
nhân dân đông đúc, khoái lạc vô cùng. Kính mong Ðại vương hãy cai trị chốn
này'.
-
Chuyển luân Thánh vương bảo dân
chúng rằng:
-
- 'Các Ngươi nên sống đúng pháp,
chớ làm việc phi pháp, cũng chớ nên sát sanh, trộm cắp, dâm dật. Cẩn thận chớ
làm phi pháp'.
-
Xe báu lại di chuyển đến phương
Nam, phương Tây, phương Bắc và Chuyển luân Thánh vương đến đâu cũng vỗ về,
khuyên nhủ dân chúng. Rồi xe báu quay trở về chỗ vua cai trị, đứng cách mặt
đất bảy nhẫn. Tỳ-kheo! Chuyển luân Thánh vương thành tựu xe báu như thế đó.
-
Các Tỳ-kheo bạch Thế Tôn:
-
- Chuyển luân Thánh vương thành tựu
voi báu thế nào?
-
Thế Tôn bảo:
-
- Tỳ-kheo, nên biết, Chuyển luân
Thánh vương vào ngày rằm, tắm rửa rồi lên đại điện. Khi ấy, voi báu từ phương
Nam đến, có sáu ngà, lông toàn trắng, bảy chỗ bằng phẳng đều có đeo vàng bạc,
trân bảo trang sức, có thể bay trên hư không. Bấy giờ, Chuyển luân Thánh vương
thấy được liền nghĩ: 'Voi báu này rất thù diệu, hiếm có ở đời, tánh nết nhu
hòa, không hung bạo. Nay ta hãy thử nó'. Rồi Chuyển luân Thánh vương, sáng
sớm, mặt trời vừa lên, liền cỡi voi báu này dạo khắp bốn biển, cai trị dân
chúng. Chuyển luân Thánh vương thanh tựu voi báu như thế!
-
Tỳ-kheo bạch Thế Tôn:
-
- Chuyển luân Thánh vương làm sao
thành tựu ngựa báu?
-
Thế Tôn bảo:
-
- Lúc Chuyển luân Thánh vương xuất
hiện ở đời, ngựa báu liền từ phương Tây đến, lông toàn màu xanh, lông đuôi ánh
đỏ, bước đi không di động, có thể bay ở hư không, không chướng ngại. Vua thấy
xong, rất mực vui mừng nói:
-
- 'Ngựa báu này rất thù diệu, nên
sử dụng nó. Tánh nó lại hiền lành, không nổi chứng. Nay ta hãy thử ngựa báu'.
-
Chuyển luân Thánh vương liền cỡi
ngựa nay đi khắp bốn thiên hạ. trị hóa nhân dân, rồi trở về chỗ vui cai trị.
Tỳ-kheo! Chuyển luân Thánh vương thành tựu ngựa báu như thế.
-
Tỳ-kheo bạch Phật:
-
- Lại do nhân duyên gì, Chuyển luân
Thánh vương thành tựu được châu báu?
-
Thế Tôn bảo:
-
- Ở đây, Tỳ-kheo! Lúc Chuyển luân
Thánh vương xuất hiện ở đời, châu báu liền từ phương Ðông lại, có tám góc, bốn
mặt tỏa hỏa quang dài một thước sáu tấc. Chuyển luân Thánh vương thấy rồi liền
nghĩ: 'Châu báu này rất thù diệu, nay ta sẽ thử nó'. Chuyển luân Thánh vương
nửa đêm tụ tập bốn bộ binh, đem báu ma-ni này đặt trên ngọn cờ cao, ánh sáng
của nó chiếu xa mười hai do-tuần trong nước. Bấy giờ nhân dân trong thành thấy
ánh sáng này, ai nấy tự bảo:
-
- 'Mặt trời đã lên, hãy làm việc
nhà!'.
-
Chuyển luân Thánh vương ở trên
điện, thấy khắp nhân dân xong liền trở về cung, đem hạt ma-ni này đặt trong
cung, trong ngoài đều sáng, không đâu không khắp. Tỳ-kheo! Chuyển luân Thánh
vương thành tựu châu báu như thế đó!
-
Bấy giờ, Tỳ-kheo bạch Phật:
-
- Chuyển luân Thánh vương thành tựu
ngọc nữ báo thế nào?
-
Thế Tôn bảo:
-
- Tỳ-kheo nên biết! Lúc Chuyển luân
Thánh vương xuất hiện ở đời, tự nhiên có ngọc nữ báu này xuất hiện, nhan mạo
đoan chánh, mặt mày như màu hoa đào, chẳng cao chẳng thấp, chẳng trắng chẳng
đen, tánh nết nhu hòa, không hung dữ, hơi miệng thơm mùi hoa sen, thơm mùi
chiên-đàn, hằng hầu hạ một bên Thánh vương, không trái thời tiết, thường tươi
cười nhìn mặt vua. Tỳ-kheo! Chuyển luân Thánh vương thành tựu ngọc nữ báu này
như thế!
-
Bấy giờ, Tỳ-kheo bạch Phật:
-
- Chuyển luân Thánh vương thành tựu
cư sĩ báu thế nào?
-
Thế Tôn bảo:
-
- Ở đây, Tỳ-kheo! Chuyển luân Thánh
vương xuất hiện ở đời liền có cư sĩ báu này xuất hiện thế gian, không cao
không thấp, thân thể hồng hào, tài cao trí tột, việc gì cũng thông suốt, lại
được Thiên nhãn thông. Lúc ấy, cư sĩ đến chỗ vua, tâu vua rằng:
-
- 'Kính mong Thánh vương sống lâu
vô cùng! Nếu vua có cần vàng, bạc, trân bảo, tôi sẽ cung cấp đầy đủ cả'.
-
Bấy giờ, cư sĩ dùng Thiên nhãn quán
sát nơi nào có kho báu hay không kho báu đều thấy hết. Vua cần báu gì thì tùy
thời cung cấp. Chuyển luân Thánh vương muốn thử cư sĩ này, liền cùng cư sĩ qua
sông. Khi chưa đến bờ kia, vua bảo cư sĩ:
-
- 'Nay ta muốn cần vàng bạc, châu
báu. Nên lo xong ngay bây giờ!'.
-
Cư sĩ đáp:
-
- 'Bước lên bờ, hạ thần sẽ cấp
cho'.
-
Chuyển luân Thánh vương nói:
-
- 'Ta cần ngay bây giờ, chẳng chờ
lên bờ'.
-
Bấy giờ cư sĩ liền quỳ gối, chắp
tay hướng xuống nước, bảy báu trong nước liền vọt lên.
-
Chuyển luân Thánh vương bảo cư sĩ:
-
- 'Thôi! Thôi! Cư sĩ! Ta không cần
báu nữa'.
-
Tỳ-kheo! Chuyển luân Thánh vương
thành tựu cư sĩ báu như thế đó.
-
Bấy giờ, Tỳ-kheo bạch Phật:
-
- Chuyển luân Thánh vương thành tựu
điển binh báu thế nào?
-
Thế Tôn bảo:
-
- Ở đây, Tỳ-kheo! Lúc Chuyển luân
Thánh vương xuất hiện ở đời, liền có điển binh báu này tự nhiên đến ứng hầu,
thông minh cái thế, biết trước lòng người, thân hình đẹp tốt, đến trước Chuyển
luân Thánh vương, tâu Thánh vương rằng:
-
- 'Kính mong Thánh vương chóng được
vui vẻ. Nếu Thánh vương muốn cần binh lính, thần sẽ cung cấp ngay, cách thức
tiến lui rất đúng lúc'.
-
Rồi điển binh báu tùy ý vua, tập
họp binh chúng ở cạnh vua. Bấy giờ, Chuyển luân Thánh vương muốn thử điển binh
báu, liền nghĩ: 'Làm sao cho binh chúng của ta tụ tập ngay!'. Tức thời, binh
chúng liền ở ngoài cửa của vua. Nếu ý Chuyển luân Thánh vương muốn binh chúng
đứng, họ liền đứng; muốn tiến, họ liền tiến. Tỳ-kheo! Chuyển luân Thánh vương
thành tựu điển binh báu này như thế đó.
-
Tỳ-kheo nên biết! Chuyển luân Thánh
vương thành tựu được bảy báu này.
-
Tỳ-kheo kia bạch Thế Tôn:
-
- Chuyển luân Thánh vương làm sao
thành tựu bốn thần túc, chóng được lợi lành?
-
Phật bảo Tỳ-kheo:
-
- Ở đây, Chuyển luân Thánh vương,
nhan mạo đoan chánh, hiếm có ở đời, vượt hẳn mọi người, không ai sánh kịp. Dù
cho Thiên tử cũng không bì kịp. Này Tỳ-kheo, đó là Chuyển luân Thánh vương
thành tựu thần túc thứ nhất.
-
Lại nữa, Chuyển luân Thánh vương
thông minh cái thế, rành rẽ mọi việc, là bậc hùng mạnh trong loài người, không
ai có trí tuệ hơn Chuyển luân Thánh vương này. Này Tỳ-kheo, đó là Chuyển luân
Thánh vương thành tựu thần túc thứ hai.
- Lại
nữa, Tỳ-kheo! Chuyển luân Thánh vương không có tật bệnh, thân thể khang kiện,
thức ăn uống tự nhiên tiêu hóa, không cần phải đại, tiểu tiện. Này Tỳ-kheo, đó
là Chuyển luân Thánh vương thành tựu được thần túc thứ ba này.
-
Lại nữa, Tỳ-kheo! Chuyển luân Thánh
vương thọ mạng rất dài không đếm nổi. Mọi người không ai sống lâu hơn Chuyển
luân Thánh vương. Này Tỳ-kheo, đó là Chuyển luân Thánh vương thành tựu thần
túc thứ tư này.
-
Này Tỳ-kheo, đó là Chuyển luân
Thánh vương thành tựu bốn thần túc này.
-
Bấy giờ, Tỳ-kheo kia bạch Phật:
-
- Chuyển luân Thánh vương sau khi
mạng chung sẽ sanh về đâu?
-
Thế Tôn bảo:
-
- Chuyển luân Thánh vương sau khi
mạng chung sẽ sanh cõi trời Ba mươi ba, sống lâu ngàn tuổi. Vì sao thế? Chuyển
luân Thánh vương không tự mình sát sanh, lại dạy người khác khiến không sát
sanh; tự mình không trộm cắp, lại dạy người khác khiến không trộm cắp; tự mình
không dâm dục, lại dạy người khác khiến không dâm dục; tự mình không vọng ngữ,
lại dạy người khác khiến không vọng ngữ; tự mình hành pháp thập thiện, lại dạy
người khác khiến hành thập thiện.
-
Tỳ-kheo nên biết! Do công đức này, Chuyển luân Thánh vương sau khi mạng chung
sẽ sanh lên cõi trời Ba mươi ba.
-
Bấy giờ, Tỳ-kheo kia liền nghĩ:
'Chuyển luân Thánh vương rất đáng hâm mộ. Muốn nói là người, nhưng lại không
phải là người. Kỳ thực không phải là Trời mà thi hành việc Trời, nhận thọ các
diệu lạc, chẳng đọa ba đường ác. Nay nếu ta trì giới dũng mãnh, sẽ có phước,
đến đời sau được làm Chuyển luân Thánh vương, không thích hay sao?'.
-
Bấy giờ, Thế Tôn biết tâm niệm
Tỳ-kheo ấy mới bảo Tỳ-kheo ấy:
-
- Nay Thầy ở trước Như Lai, chớ nên
nghĩ thế. Vì cớ sao? Chuyển luân Thánh vương tuy thành tựu bảy báu, và bốn
thần túc không ai bì kịp; nhưng vẫn chưa thoát khỏi ba đường ác: địa ngục, súc
sanh, ngạ quỷ. Vì sao thế? Vì Chuyển luân Thánh vương chẳng được Tứ thiền, Tứ
thần túc và Tứ đế. Do nhân duyên này, lại đọa vào ba đường ác. Thân người rất
khó được, gặp phải tám nạn, cầu xa lìa rất khó; sanh ở chính quốc cũng chẳng
phải dễ dàng; cầu có bạn tốt lành cũng không phải dễ; muốn theo học đạo trong
pháp Như Lai cũng lại khó gặp. Như Lai xuất hiện thật khó thể gặp. Pháp được
diễn bày cũng lại như thế. Pháp Tứ đế giải thoát và Tứ vô thượng thật chẳng
thể được nghe. Chuyển luân Thánh vương chẳng được cứu cánh của bốn pháp này.
-
Này Tỳ-kheo! Lúc Như Lai xuất hiện
ở đời liền có bảy báu xuất hiện ở thế gian, thời báu thất giác ý của Như Lai
đến tột cùng vinh dự của Người, Trời. Này Tỳ-kheo! Ngày nay, hãy khéo tu Phạm
hạnh, ở đời này tự thân dứt hết được mé khổ, dùng bảy báu của Chuyển luân
Thánh vương làm gì?
-
Khi ấy, Tỳ-kheo kia nghe Như Lai
dạy như thế rồi, liền ở chỗ vắng vẻ, tư duy đạo pháp mà do đó, bậc vọng tộc,
cạo bỏ râu tóc, xuất gia học đạo, muốn tu chánh nghiệp vô thượng; sanh tử đã
dứt, Phạm hạnh đã lập, việc làm đã xong, không còn tái sanh nữa; như thật mà
biết. Bấy giờ, Tỳ-kheo kia liền thành A-la-hán.
-
Bấy giờ các Tỳ-kheo nghe Phật dạy
xong, vui vẻ vâng làm.
-
9. Tôi nghe như vầy:
-
Một thời, Tôn giả đồng chân Ca-diếp
ở vườn Trú Ám, nước Xá-vệ.
-
Bấy giờ, Tôn giả Ca-diếp đi kinh
hành nửa đêm, có vị Trời đến chỗ Tôn giả, ở trên hư không bảo rằng:
-
- Tỳ-kheo nên biết! Nhà này ban đêm
có khói, ban ngày bị lửa đốt. Bà-la-môn bảo người trí rằng:
-
'Nay Ông nên cầm dao đục núi. Khi
đục núi, Ông sẽ gặp phụ vật, hãy cứu giúp nó. Rồi tiếp tục đục núi. Ông sẽ gặp
núi. Ông hãy bỏ núi ấy đi. Và tiếp tục đục núi, Ông sẽ thấy ễnh ương, hãy bỏ
ễnh ương. Và tiếp tục đục núi, lúc ấy Ông sẽ thấy một đống thịt. Thấy đống
thịt rồi, hãy rời bỏ nó. Ðục núi tiếp, sau đó Ông sẽ gặp gông cùm, hãy rời bỏ
nó. Và đục núi tiếp, Ông sẽ thấy hai con đường, hãy rời bỏ nó. Và hãy đục núi,
Ông sẽ thấy cành cây, thấy cành cây rồi, hãy bỏ nó đi. Ðục núi nữa, Ông sẽ
thấy rồng. Thấy rồng. Ông chớ nói chuyện với rồng, hãy tự quy mạng, kính mộ
cho được chỗ'.
-
Tỳ-kheo! Hãy khéo suy nghĩ nghĩa
này. Nếu Ông không hiểu, hãy đến thành Xá-vệ hỏi đức Thế Tôn ý nghĩa này. Nếu
Như Lai có nói gì, hãy khéo nhớ thực hành. Vì cớ sao? Nay tôi chẳng thấy có
Sa-môn, Bà-la-môn, Ma hay Ma thiên nào có thể hiểu được nghĩa này, trừ đức Như
Lai và đệ tử của Ngài, theo tôi được nghe.
-
Tôn giả Ca-diếp đáp:
-
- Việc này rất hay!
-
Bấy giờ, Tôn giả Ca-diếp, sáng sớm
đến chỗ Thế Tôn, cúi lạy và ngồi một bên, rồi đem nhân duyên bạch với Thế Tôn,
và thưa:
-
- Nay con xin hỏi nghĩa Như Lai, vị
Trời muốn nói gì? Vì sao mà nói: 'Nên biết nhà này đêm có khói, ngày sẽ bị lửa
đốt? Vì sao gọị là Bà-la-môn? Sao gọi là người trí? Lại nói là đục đá, nghĩa
này nói về gì? Lại nói dao, con cũng không hiểu. Vì sao lại nói ễnh ương? Sao
lại nói đống thịt? Sao lại nói gông cùm? Vì cớ gì lại nói hai con đường? Cành
cây, nghĩa này thế nào? Sao lại gọi là rồng?'.
-
Thế Tôn bảo:
-
- Nhà tức là thân thể, do tứ đại
tạo ra, nhận huyết mạch của cha mẹ, dần dần to lớn, hằng nuôi dưỡng thức ăn,
không để thiếu thốn. Ðêm có khói là chỉ tâm niệm chúng sanh. Ban ngày lửa đốt
là thân, miệng, ý tạo các hạnh. Bà-la-môn là A-la-hán. Trí giả là người học.
Ðục núi là tâm tinh tấn. Dao là trí tuệ. Phụ vật là năm kiết sử. Núi là kiêu
mạn. Ễnh ương là tâm sân giận. Ðống thịt là tham dục. Gông là ngũ dục. Hai con
đường là nghi. Cành cây là vô minh. Rồng là Như Lai Chí Chân Ðẳng Chánh Giác.
Vị Trời ấy nói với nghĩa như thế. Nay Thầy nên suy nghĩ kỹ càng, không bao lâu
sẽ dứt hết hữu lậu.
-
Bấy giờ, Tôn giả Ca-diếp nhận lời
dạy của Như Lai như thế, liền đến chỗ vắng vẻ tự tu hành. Thế rồi, vị vọng tộc
cạo bỏ râu tóc, xuất gia học đạo, muốn tu Phạm hạnh, sanh tử đã dứt, Phạm hạnh
đã lập, việc làm đã xong, không còn tái sanh nữa; như thật mà biết. Khi ấy Tôn
giả Ca-diếp liền thành A-la-hán.
-
Bấy giờ, Tôn giả Ca-diếp nghe Phật
dạy xong, vui vẻ vâng làm.
-
10. Tôi nghe như vầy:
-
Một thời Phật ở thành La-duyệt,
vườn trúc Ca-lan-đà cùng với chúng đại Tỳ-kheo năm trăm người. Tôn giả Mãn-từ
Tử cũng đem năm trăm Tỳ-kheo đi về quê, nơi sanh trưởng.
-
Bấy giờ, Thế Tôn ở thành La-duyệt
nhập hạ qua chín mươi ngày xong, du hóa trong nhân gian dần dần đến vườn Cấp
Cô Ðộc, ở rừng Kỳ-đà, trong thành Xá-vệ. Khi ấy, nhiều Tỳ-kheo tản mát trong
nhân gian cũng đến chỗ Thế Tôn, cúi lạy rồi ngồi một bên. Thế Tôn hỏi, các
Tỳ-kheo:
-
- Các Thầy đã nhập hạ ở đâu?
-
Các Tỳ-kheo đáp:
-
- Chúng con nhập hạ ở quê quán.
-
Thế Tôn bảo:
-
- Các Thầy! Nơi sanh của các Thầy
chính là ở trong chúng Tỳ-kheo, phải năng tự thực hành A-lan-nhã, lại hay khen
ngợi A-lan-nhã. Tự mình hành khất thực và dạy người khác hành khất thực, không
mất thời nghi. Tự mình mặc áo vá, lại dạy người khác mặc áo vá. Tự mình tu tri
túc lại hay khen ngợi hạnh tri túc. Tự mình hành thiểu dục, lại khen ngợi hạnh
thiểu dục. Tự mình ưa thích nơi vắng vẻ, lại khuyên người khác nên ở chỗ nhàn
vắng. Tự mình giữ hạnh này lại khuyên người giữ hạnh này. Thân mình giới hạnh
thanh tịnh đầy đủ, lại dạy người khác khiến tu giới này. Tự mình thành tựu
tam-muội, lại dạy người khác hành tam-muội. Tự mình thành tựu trí tuệ, lại
khiến người hành trí tuệ. Thân mình thành tựu giải thoát, lại dạy người khác
hành giải thoát. Tự mình thành tựu giải thoát tri kiến, lại dạy người thành
tựu pháp này. Giáo hóa không chán, thuyết pháp không lười mỏi.
-
Bấy giờ các Tỳ-kheo bạch Thế Tôn:
-
- Tỳ-kheo Mãn-từ Tử ở trong chúng
Tỳ-kheo này, kham nhận giáo hóa, chính mình tu hạnh A-lan-nhã, cũng lại khen
ngợi hạnh A-lan-nhã; thân mình mặc áo vá, thiểu dục, tri túc, tinh tấn, dũng
mãnh, khất thực, ưa chỗ vắng vẻ, thành tựu giới, tam-muội, trí tuệ, giải
thoát, giải thoát kiến tuệ, lại dạy người khác khiến hành pháp này, và thuyết
pháp không biết chán.
-
Bấy giờ, Thế Tôn thuyết pháp vi
diệu cho các Tỳ-kheo. Các Tỳ-kheo nghe Phật thuyết pháp rồi, ở lại một chút
rồi từ chỗ ngồi đứng lên, nhiễu quanh Phật ba vòng và lui đi.
-
Lúc ấy, Tôn giả Xá-lợi-phất ở cách
Thế Tôn không xa, ngồi kiết-già, chính thân, chính ý, buộc niệm ở trước, rồi
nghĩ: 'Nay Mãn-từ Tử chóng được lợi lành. Vì cớ sao? Các Tỳ-kheo Phạm hạnh
khen ngợi đức của Tôn giả, và đức Thế Tôn chấp nhận điều này, không phản đối.
Hôm nào ta sẽ gặp gỡ và nói chuyện cùng Tôn giả ấy'
-
Bấy giờ Tôn giả Mãn-từ Tử đang ở
quê mình đi khất thực và giáo hóa trong nhân gian dần dần đến chỗ Thế Tôn, cúi
lạy và ngồi một bên. Thế Tôn từ từ thuyết pháp cho ngài. Tôn giả Mãn-tử Từ
nghe thuyết pháp xong, từ chỗ ngồi đứng lên cúi lạy và lui đi, vắt tọa cụ lên
vai phải đi đến vườn Trú Ám.
-
Bấy giờ, có một Tỳ-kheo trông thấy
Tôn giả Mãn-từ Tử vắt tọa cụ trên vai phải đi đến vườn kia, liền đến chỗ Tôn
giả Xá-lợi-phất bạch:
-
- Tôn giả Mãn-từ Tử, người thường
được Phật khen ngợi, vừa ở chỗ Thế Tôn nghe pháp, nay đến trong vườn. Tôn giả
nên biết là đã đến lúc.
-
Tôn giả Xá-lợi-phất nghe vị Tỳ-kheo
nói thế, liền đứng lên, vắt tọa cụ lên vai phải, đi đến vườn kia. Lúc ấy, Tôn
giả Mãn-từ Tử ngồi kiết-già dưới một gốc cây. Tôn giả Xá-lợi-phất cũng đến một
gốc cây, ngồi ngay ngắn tư duy. Rồi Tôn giả Xá-lợi-phất đứng dậy, đến chỗ Tôn
giả Mãn-từ Tử, chào hỏi và ngồi một bên, và hỏi:
-
- Thế nào Tôn giả Mãn-từ Tử! Có
phải do Thế Tôn mà Tôn giả được tu Phạm hạnh và làm đệ tử không?
-
Tôn giả Mãn-từ Tử đáp:
-
- Ðúng thế, đúng thế!
-
- Tôn giả lại nhân Thế Tôn mà tu
giới được thanh tịnh chăng?
-
- Không phải.
-
- Tôn giả do tâm thanh tịnh đối với
Như Lai mà tu Phạm hạnh phải không?
-
- Không phải.
-
- Tôn giả do kiến thanh tịnh đối
với Như Lai mà tu Phạm hạnh phải không?
-
- Không phải.
-
- Thế nào? Hay Tôn giả do không do
dự mà tu được Phạm hạnh chăng?
-
- Không phải.
-
- Hay Tôn giả do hành tích thanh
tịnh mà được tu Phạm hạnh?
-
- Không phải.
-
- Thế nào? Có phải Tôn giả đối với
đạo được trí thanh tịnh mà tu Phạm hạnh chăng?
-
- Không phải.
-
- Thế nào? Tôn giả được tri kiến
thanh tịnh mà tu Phạm hạnh chăng?
-
Tôn giả Mãn-từ Tử đáp:
-
- Không phải.
-
Tôn giả Xá-lợi-phất nói:
-
- Tôi đã hỏi Tôn giả: 'Có phải ở
chỗ Như Lai mà được tu Phạm hạnh không?'. Tôn giả đáp: 'Ðúng thế!'. Tôi lại
hỏi: 'Tôn giả do trí huệ, tâm thanh tịnh, đạo tri kiến thanh tịnh mà được tu
Phạm hạnh chăng?' Tôn giả lại nói: 'Không'. Nay Tôn giả ở chỗ Như Lai được tu
Phạm hạnh thế nào?
-
Tôn giả Mãn-từ Tử đáp:
-
- Nghĩa của giới thanh tịnh có thể
khiến tâm thanh tịnh. Nghĩa của tâm thanh tịnh có thể khiến kiến thanh tịnh.
Nghĩa kiến thanh tịnh có thể khiến không do dự thanh tịnh. Nghĩa không do dự
thanh tịnh có thể khiến đạo thanh tịnh. Nghĩa đạo thanh tịnh có thể khiến nhập
nghĩa Niết-bàn. Ðó là tôi ở chỗ Như Lai tu được Phạm hạnh.
-
Tôn giả Xá-lợi-phất nói:
-
- Nay nghĩa Tôn giả nói nhắm về
đâu?
-
Tôn giả Mãn-từ Tử nói:
-
- Nay tôi sẽ đưa thí dụ để giải
thích nghĩa này. Người trí do thí dụ mà hiểu được nghĩa, người trí tự ngộ. Ví
như hôm nay, vua Ba-tư-nặc đi từ thành Xá-vệ đến nước Bạt-kỳ, khoảng giữa hai
nước đặt bảy cỗ xe. Bấy giờ, vua Ba-tư-nặc ra khỏi thành cỡi xe thứ nhất đến
xe thứ hai, lên xe thứ hai bỏ xe thứ nhất, đi thêm một lúc lại bỏ xe thứ hai,
lên xe thứ ba, tiến tới lại bỏ xe thứ ba, lên xe thứ tư tiến tới lại bỏ xe thứ
tư, lên xe thứ năm, rồi lại tiến tới trước bỏ xe thứ năm, lên xe thứ sáu, rồi
lại tiến đến bỏ xe thứ sáu, lên xe thứ bảy và vào nước Bạt-kỳ. Bấy giờ, vua
Ba-tư-nặc đã vào đến cung. Nếu có người hỏi: 'Hôm nay Ðại vương dùng xe nào
đến cung này?'. Vua ấy sẽ đáp thế nào?
-
Tôn giả Xá-lợi-phất nói:
-
- Nếu có người hỏi, vua sẽ đáp thế
này: 'Tôi ra khỏi thành Xá-vệ. Trước hết, ngồi xe thứ nhất, đến xe thứ hai,
rồi bỏ xe thứ hai đi xe thứ ba, lại bỏ xe thứ ba lên xe thứ tư, bỏ xe thứ tư
lên xe thứ năm, lại bỏ xe thứ năm lên xe thứ sáu, lại bỏ xe thứ sáu lên xe thứ
bảy, đến nước Bạt-kỳ. Vì sao thế? Tất cả đều do từ xe đầu đến xe thứ bảy, đến
nước Bạt-kỳ. Vì sao thế? Tất cả đều do từ xe đầu đến xe thứ hai, lần lượt nhân
nhau mà đến được nước đó'. Nếu có người hỏi, vua sẽ đáp như thế.
-
Tôn giả Mãn-từ Tử đáp:
-
- Nghĩa giới thanh tịnh cũng lại
như thế. Do tâm thanh tịnh được kiến thanh tịnh, do kiến thanh tịnh đến được
chỗ không do dự thanh tịnh, do nghĩa không do dự thanh tịnh đến được hành tích
thanh tịnh, do hành tích thanh tịnh đến được đạo thanh tịnh, do đạo thanh tịnh
đến được tri kiến thanh tịnh, do tri kiến thanh tịnh đến được Niết-bàn. Tôi ở
chỗ Như Lai tu được Phạm hạnh. Vì sao thế?
-
Nghĩa giới thanh tịnh là hình thức
thọ nhập, song Như Lai nói khiến trừ thọ nhập, nghĩa tâm thanh tịnh cũng là
lối thọ nhập, nhưng Như Lai nói trừ thọ nhập, cho đến nghĩa của tri kiến cũng
là thọ nhập. Như Lai nói trừ thọ nhập, cho đến Niết-bàn là chỗ sở đắc tu Phạm
hạnh của Như Lai.
-
Nếu ngay giới thanh tịnh cho là ở
chỗ Như Lai được tu Phạm hạnh thì người phàm phu cũng sẽ được diệt độ. Vì cớ
sao? Phàm phu cũng có giới pháp này. Lời Thế Tôn nói, do thứ tự thành đạo đến
Niết-bàn, không phải chỉ riêng giới thanh tịnh mà đến được Niết-bàn.
-
Ví như có người muốn lên trên lầu
bảy tầng, cần theo thứ tự mà lên. Giới thanh tịnh cũng vậy, dần dần đến tâm.
Do tâm đến kiến, do kiến đến không do dự, do không do dự đến được hành tích
thanh tịnh, do tịnh hành tích mà đến được đạo, do tịnh đạo đến được tri kiến,
do tịnh tri kiến đến được Niết-bàn.
-
Bấy giờ, Tôn giả Xá-lợi-phất liền
khen:
-
- Lành thay, lành thay! Tôn giả
thuyết nghĩa này thật hay! Nay Tôn giả tên gì? Các Tỳ-kheo Phạm hạnh gọi hiệu
Tôn giả là gì?
-
- Các Tỳ-kheo gọi tôi là Mãn-từ Tử.
Mẹ tôi họ Di-đa-da-ni.
-
Tôn giả Xá-lợi-phất nói:
-
- Lành thay, lành thay! Ngài Mãn-từ
Tử! Trong pháp Hiền Thánh thật không ai bằng Ngài, Ngài chứa đựng cam lồ ban
rải vô cùng. Tôi hỏi nghĩa rất sâu xa mà Ngài đều diễn nói tất cả. Dầu cho các
vị Phạm hạnh có đội Ngài trên đầu đi khắp thế gian cũng không thể báo đáp được
ân này. Ai được đến thân cận thăm hỏi sẽ chóng được lợi lành. Nay tôi cũng
được lợi lành, vâng nhận lời dạy bảo.
-
Tôn giả Mãn-từ Tử nói:
-
- Lành thay, lành thay! Như lời Tôn
giả nói. Tôn giả tên gì? Các Tỳ-kheo gọi Tôn giả là gì?
-
Tôn giả Xá-lợi-phất đáp:
-
- Tôi tên Ưu-ba-đề-xá. Mẹ tên
Xá-lợi. Các Tỳ-kheo gọi tôi là Xá-lợi-phất.
-
Tôn giả Mãn-từ Tử nói:
-
- Nay tôi cùng Ðại nhân bàn luận.
Tôi không được biết trước bậc Ðại tướng của Pháp đến đây! Nếu tôi biết Tôn giả
Xá-lợi-phất đến, tôi đã không đối đáp với Tôn giả thế này. Chỗ hỏi của Tôn giả
rất sâu xa, tùy lúc mà phát khởi.
-
Lành thay! Tôn giả Xá-lợi-phất! Tôn
giả là bậc thượng thủ trong đệ tử Phật, hằng dùng pháp vị cam lồ để tự an lạc.
Dù cho các vị Phạm hạnh dùng đầu đội Tôn giả Xá-lợi-phất mà đi trong thế gian,
năm này qua năm khác, cũng không báo được ơn này chút nào. Chúng sanh nào đến
thăm hỏi, gần gũi Tôn giả, người ấy chóng được lợi lành. Chúng tôi cũng chóng
được lợi lành.
-
Bấy giờ, hai Hiền giả ở vườn ấy
cùng nhau luận nghị như thế.
-
Bấy giờ, hai người, mỗi người nghe
nói xong, đều vui vẻ vâng làm.
-
Ðẳng pháp và trú độ,
-
Nước và dụ thành quách,
-
Thức, Quân-đầu, hai luân,
-
Bà-mật và bảy xe.
- HẾT TẬP II
- --o0o--
|
|