|
- Thư Viện Chùa Dược Sư
- KINH TẠNG
-
- KINH
TĂNG NHẤT A HÀM
- Việt Dịch: Hòa Thượng
Thích Thanh Từ
Hiệu Đính: Hòa Thượng Thích Thiện Siêu
- Viện Nghiên Cứu Phật
Học Việt Nam
PL 2541 - TL 1997
-
- TẬP
BA
- 1
-
XXXX.1. Phẩm Thất Nhật (1)
-
-
1. Tôi nghe như vầy:
-
Một thời Phật ở nước Xá-vệ, rừng
Kỳ-đà, vườn Cấp Cô Ðộc.
-
Bấy giờ, rất nhiều Tỳ-kheo, sau khi
thọ thực, tụ tập tại giảng đường Phổ Hội luận nghị thế này:
-
- Núi Tu-di này rất rộng lớn, các
núi khác không thể bì kịp; rất kỳ đặc, cao rộng chót vót. Như thế mà không bao
lâu cũng sẽ bị bại hoại không còn gì cả. Nương núi Tu-di lại có những núi lớn
cũng lại bị bại hoại.
-
Bấy giờ Thế Tôn dùng Thiên nhĩ nghe
những Tỳ-kheo ấy luận nghị như thế, liền từ tòa đứng lên đến giảng đường và
đến chỗ ngồi. Khi ấy, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
-
- Các Thầy ở đây bàn luận những gì?
Muốn thi hành điều gì?
-
Các Tỳ-kheo đáp:
-
- Mọi người tụ tập ở đây luận bàn
việc pháp, điều vừa luận bàn đều đúng pháp.
-
Thế Tôn bảo:
-
- Lành thay! Tỳ-kheo! Các Thầy xuất
gia đúng là phải nên luận bàn hợp pháp, lại cũng không bỏ sự im lặng của Hiền
Thánh. Vì sao thế? Nếu Tỳ-kheo tụ tập một chỗ, nên thi hành hai việc. Thế nào
là hai? Một là cùng nhau luận bàn Phật pháp; hai là hãy im lặng như Hiền
Thánh. Các Thầy luận hai việc này trọn sẽ được an ổn, không mất thời nghi. Các
Thầy vừa rồi luận nghị như pháp những gì?
-
Các Tỳ-kheo đáp:
-
- Nay chúng Tỳ-kheo tụ tập ở giảng
đường này luận nghị như vầy: Thật là kỳ đặc! Núi Tu-di này rất là cao lớn rộng
rãi, nhưng núi Tu-di này như thế chẳng bao lâu sẽ bị bại hoại và các núi Thiết
Vi ở bốn bên cũng sẽ bại hoại như thế. Vừa rồi chúng con tụ tập ở đây bàn luận
pháp như thế.
-
Thế Tôn bảo:
-
- Các Thầy có muốn nghe sự biến đổi
bại hoại của cảnh giới thế gian này không?
-
Các Tỳ-kheo bạch Phật:
-
- Nay thật đúng lúc, cúi mong Thế
Tôn hãy diễn thuyết khiến cho chúng sanh tâm được giải thoát.
-
Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
-
- Các Thầy hãy khéo suy nghĩ, ghi
nhớ trong lòng!
-
Các Tỳ-kheo đáp:
-
- Xin vâng, bạch Thế Tôn.
-
Các Tỳ-kheo vâng lời Phật dạy, Thế
Tôn bảo:
-
- Núi Tu-di rất là rộng lớn, các
núi không bì kịp. Nếu Tỳ-kheo muốn biết núi Tu-di vượt trên mặt nước khoảng
tám vạn bốn ngàn do-tuần, ăn sâu vào nước cũng tám vạn bốn ngàn do-tuần. Núi
Tu-di do bốn loại báu làm thành là vàng, bạc, thủy tinh, lưu ly. Lại có bốn
góc, cũng làm bằng bốn thứ báu: vàng, bạc, thủy tinh, lưu ly. Thành vàng quách
bạc, thành bạc quách vàng, thành thủy tinh quách lưu ly, thành lưu ly quách
thủy tinh. Trên núi Tu-di có năm bậc Trời cư ngụ ở đó, đều do túc duyên mà
trụ. Năm bậc nào? Trong thành bạc kia có trời Tế Khước ở. Trong thành vàng kia
có Trời Thi-lợi-sa cư ngụ, trong thành thủy tinh có Trời Hoan Duyệt cư ngụ;
trong thành lưu ly có Trời Lực Thạnh ở đấy.
-
Giữa thành vàng và bạc có Tỳ-sa-mô
Thiên vương cư ngụ, cùng các Dạ-xoa nhiều không thể kể. Giữa thành vàng và
thành thủy tinh có Tỳ-lưu-bác-xoa Thiên vương, cùng các Long thần cư ngụ. Giữa
thành thủy tinh và thành lưu ly có Tỳ-lưu-lặc-xoa cư ngụ. Giữa thành lưu ly và
thành bạc có Ðề-đầu lại-tra Thiên vương cư ngụ.
-
Tỳ-kheo nên biết, dưới núi Tu-di có
A-tu-la cư trú. Nếu lúc A-tu-la muốn đánh nhau với trời Ba mươi ba, trước hết
họ đánh nhau với trời Tế Khước; nếu thắng được, họ lại đến thành vàng đánh với
trời Thi-lợi-sa; thắng trời Thi-lợi-sa rồi, họ lại đến thành thủy tinh đánh
trời Hoan Duyệt; thắng rồi, họ lại đến thành lưu ly; thắng được trời đó mới
cùng trời Ba mươi ba đánh nhau.
-
Tỳ-kheo nên biết! Trời Ba mươi ba
cư ngụ trên đỉnh núi Tu-di, ngày đêm chiếu ánh sáng, tự chiếu lẫn nhau nên đến
như thế, nước vào núi Tu-di có mặt trời, mặt trăng di chuyển. Nhật thiên tử có
thành quách rộng năm mươi mốt do-tuần, Nguyệt thiên tử có thành quách rộng ba
mươi chín do-tuần; ngôi sao lớn nhất rộng một do-tuần, ngôi sao nhỏ nhất rộng
hai trăm bộ. Trên đỉnh Tu-di, Ðông, Tây, Nam, Bắc rộng tám vạn bốn ngàn
do-tuần. Gần núi Tu-di, về phía Nam có núi Ðại Thiết Vi, dài tám vạn bốn ngàn
do-tuần, cao tám vạn dặm. Ở ngoài núi này có núi Ni-di-đà bao bọc núi ấy, cách
núi Ni-di-đà lại có núi tên là Khư-la, cách núi này lại có núi tên Tỷ-sa, cách
núi này lại có núi tên Mã Ðầu, rồi lại có núi tên Tỳ-na-da; kế núi Tỳ-na-da
lại có núi tên Thiết Vi Ðại Thiết Vi. Ở giữa Thiết Vi có tám địa ngục lớn,
giữa hai địa ngục có mười sáu bức ngăn. Núi Thiết Vi có nhiều lợi ích cho cõi
Diêm-phù-đề. Diêm-phù-đề nếu không có núi Thiết Vi có núi Hương Tích, bên núi
Hương Tích có tám vạn bốn ngàn bạch tượng vương sống ở đó, mỗi con có sáu ngà
và đeo vàng bạc. Trong núi Hương Tích có tám vạn bốn ngàn hang, có voi ở đó.
Con voi tối thượng do vàng bạc thủy tinh, lưu ly tạo thành. Thích-đề-hoàn-nhân
cỡi voi tối thượng, còn Chuyển luân Thánh vương cỡi voi thấp nhất. Bên núi
Hương Tích có hồ nước Ma-đà, sanh toàn hoa Ưu-bát Liên và hoa Câu-mâu-đầu;
những con voi kia bới rễ mà ăn. Bên cạnh hồ nước Ma-đà có núi Ưu-xà-già-la,
núi ấy mọi rất nhiều cây cỏ, chim chóc, cọp (trùng) báo đều nương núi này, có
những vị thần thông đắc đạo ở đó. Kế đó lại có núi tên Bàn-trà-bà, kế đó lại
có núi tên Kỳ-xà-quật. Ðây là nơi cõi Diêm-phù-đề nương tựa.
-
Tỳ-kheo nên biết, hoặc có lúc thế
gian này muốn bại hoại, khi ấy trời chẳng mưa, những hạt mầm gieo trồng không
lớn lên, bao nhiêu khe suối, sông nhỏ đều khô kiệt, tất cả các hành đều quy về
vô thường, không tồn tại lâu dài.
-
Tỳ-kheo nên biết, hoặc có lúc bốn
dòng sông lớn là Hằng Hà, Tư-đầu, Tất-đà, Bà-xoa cũng đều khô cạn tất cả. Ðúng
thế Tỳ-kheo, vô thường trăm lần biến đổi, chính là thế.
-
Tỳ-kheo, hoặc có lúc, thế gian có
hai mặt trời xuất hiện, khi ấy trăm thứ cỏ cây đều rơi rụng, điêu tàn. Ðúng
thế, Tỳ-kheo , vô thường biến đổi không có bền lâu. Lúc ấy các nguồn suối,
dòng nước nhỏ đều khô cạn. Tỳ-kheo nên biết, khi hai mặt trời xuất hiện, nước
bốn biển lớn khô cạn, trong khoảng một trăm do-tuần, dần dần đến bảy trăm
do-tuần, nước tự nhiên cạn.
-
Tỳ-kheo nên biết, lúc thế gian có
ba mặt trời xuất hiện, nước bốn biển lớn trong vòng một ngàn do-tuần, tự nhiên
khô cạn, dần dần đến bảy ngàn do-tuần nước tự nhiên cạn.
-
Tỳ-kheo nên biết, nếu lúc bốn mặt
trời xuất hiện ở thế gian, thì nước bốn biển sẽ rút sâu một ngàn do-tuần. Ðúng
vậy, Tỳ-kheo, tất cả hành đều vô thường không có bền lâu.
-
Tỳ-kheo nên biết, hoặc có lúc năm
mặt trời xuất hiện ở thế gian, khi đó nước bốn biển chỉ còn bảy trăm do-tuần,
dần dần đến một trăm do-tuần.
-
Tỳ-kheo nên biết, lúc năm mặt trời
xuất hiện, khi ấy nước biển còn một do-tuần, dần dần khô cạn không còn gì hết.
Nếu lúc năm mặt trời xuất hiện, còn đúng bảy thước nước. Lúc năm mặt trời xuất
hiện, bốn biển khô cạn không còn chút nước nào. Tỳ-kheo nên biết, tất cả hành
vô thường không được bền lâu.
-
Tỳ-kheo nên biết, hoặc có lúc sáu
mặt trời xuất hiện, cõi đất dày sáu vạn tám ngàn do-tuần này sẽ bốc khói hết.
Núi Tu-di cũng dần dần chảy tan. Lúc sáu mặt trời xuất hiện, tam thiên đại
thiên quốc độ này đều chảy tan hết, ví như người thợ gốm đốt đồ gốm. Lúc ấy
tam thiên đại thiên cõi nước cũng lại như thế, lửa dậy khắp mọi nơi.
-
Tỳ-kheo nên biết, lúc sáu mặt trời
xuất hiện, tám địa ngục lớn cũng bị tiêu diệt, mọi người chết hết. Năm bậc
Trời ở núi Tu-di cũng mạng chung, trời Ba mươi ba, trời Diệm thiên, cho đến
trời Tha hóa tự tại cũng mạng chung, cung điện trống trơn. Nếu lúc sáu mặt
trời xuất hiện, núi Tu-di và tam thiên đại thiên cõi nước đều trống không
chẳng còn gì. Ðúng vậy Tỳ-kheo, tất cả hành vô thường, không có bền lâu.
-
Tỳ-kheo nên biết, có lúc bảy mặt
trời xuất hiện ở đời, đất này tuy dày sáu vạn tám ngàn do-tuần và tam thiên
đại thiên cõi nước thảy đều bốc lửa. Lúc bảy mặt trời xuất hiện, núi Tu-di dần
dần tan chảy, trăm ngàn do-tuần tự nhiên đổ vỡ không còn gì cả, không còn thấy
một phần khói bụi huống là thấy tro.
-
Khi ấy từ trời Ba mươi ba cho đến
trời Tha hóa tự tại, tất cả cung điện đều bốc lửa, lửa hừng nóng đến trời Phạm
thiên. Thiên tử mới sanh ở cung trời ấy, vì chưa thấy kiếp thiêu, thấy ánh lửa
nóng này thảy đều hoảng sợ, lo sẽ bị lửa đốt. Nhưng những vị Thiên tử sống
lâu, đã từng thấy kiếp thiêu liền đến an ủi những Thiên tử sanh sau: 'Các ông
chớ khiếp sợ, lửa này không đến thấu đây'.
-
Tỳ-kheo nên biết, lúc bảy mặt trời
xuất hiện, từ cõi đời này đến sáu từng trời cõi dục cho đến tam thiên đại
thiên quốc độ đều thành tro đất, không còn bóng dáng hình chất. Ðúng vậy,
Tỳ-kheo, tất cả hành vô thường, chẳng thể bảo đảm lâu bền, tất cả đều đi đến
hoại diệt.
-
Khi ấy nhân dân chết hết, sinh vào
quốc độ phương khác hoặc sanh lên Trời. Các chúng sanh ở trong địa ngục nếu
tội cũ đã xong thì sanh lên Trời hoặc cõi nước phương khác. Tỳ-kheo nên biết,
nếu lúc bảy mặt trời xuất hiện, không còn dấu vết của ánh sáng mặt trời, mặt
trăng, tinh tú. Khi đó mặt trời, mặt trăng đã hoại diệt, không còn ngày đêm.
Này Tỳ-kheo, đó là do báo duyên nên bị bại hoại như thế.
-
Tỳ-kheo lại nên biết, lúc kiếp
thành tựu trở lại, lúc ấy lửa tự diệt mất, trong hư không có đám mây lớn nổi
lên, dần dần mưa xuống, khi đó ba ngàn đại thiên thế giới tràn ngập nước, lên
đến trời Phạm thiên. Tỳ-kheo nên biết, lúc đó nước dần dần dừng lại rồi tự
tiêu diệt, lại có gió nổi lên gọi là Tùy lam (khí núi) thổi nước này tụ vào
một chỗ. Khi ấy, gió kia làm nổi lên ngàn núi Tu-di, ngàn núi Kỳ-di-đà, ngàn
núi Ni-di-đà, ngàn núi Khư-la, ngàn núi Y-sa, ngàn núi Tỳ-na, ngàn núi Thiết
Vi, ngàn núi Ðại Thiết Vi; lại sanh tám ngàn địa ngục, lại sanh ngàn núi Mã
Ðầu, ngàn núi Hương Tích, ngàn núi Bàn-trà-bà, ngàn núi Ưu-xà-già, ngàn
Diêm-phù-đề, ngàn Cù-da-ni, ngàn Phất-vu-đệ, ngàn Uất-đơn-việt, lại sanh nước
ngàn biển, lại sanh ngàn cung Tứ thiên vương, ngàn trời Ba mươi ba, ngàn Diễm
thiên, ngàn Ðâu-suất thiên, ngàn Hóa tự tại thiên, ngàn Tha hóa tự tại thiên.
-
Tỳ-kheo nên biết, lúc ấy nước diệt,
đất lại sanh trở lại, trên mặt đất tự nhiên có lớp đất màu mỡ, rất là thơm
ngon hơn cả cam lồ. Nên biết mùi vị của lớp đất màu mỡ này ví như rượu ngọt bồ
đào.
-
Tỳ-kheo nên biết, khi ấy trời Quang
Âm bảo nhau: 'Chúng tôi muốn đến Diêm-phù-đề ngắm xem hình thể cõi đất ấy lúc
hoàn thành trở lại'.
-
Chư Thiên trời Quang Âm liền xuống
thế gian, thấy trên đất có lớp đất màu mỡ này liền lấy tay quẹt đưa vào miệng
nếm và ăn. Khi ấy Thiên tử nào ăn lớp đất mày này nhiều thì trở nên mất oai
thần, cũng không có ánh sáng, thân thể trở nên nặng nề, sanh ra xương thịt,
mất hết thần túc, không bay được nữa. Thiên tử nào ăn đất màu ít, thân thể
không nặng, không mất thần túc, cũng có thể phi hành trong hư không. Lúc đó
các Thiên tử mất thần túc, cùng nhau kêu khóc và bảo nhau: 'Hôm nay, chúng ta
thật là nguy khốn, mất hết thần túc, phải ở thế gian, không lên trời được
nữa!'. Họ bèn ăn lớp đất màu này và nhìn nhau sắc nhau. Người nào dục ý nhiều
thì thành đàn bà, rồi làm tình dục, cùng nhau vui thú.
-
Này Tỳ-kheo, đó là lúc thế gian mới
thành lập, có sự dâm dục lan tràn thế gian. Ðó là cách thức thông thường của
đàn bà xuất hiện ở đời, cũng là pháp cũ không phải mới có đây.
-
Khi ấy, các Thiên tử Quang Âm khác,
thấy các thiên tử này đọa lạc, đều đến trách mắng họ: 'Các Ông vì sao lại làm
hạnh bất tịnh này?' Khi đó các chúng sanh nghĩ: 'Chúng ta phải tìm cách nào
tiện nghi để ăn ở với nhau cho người chẳng thấy'. Rồi từ từ họ làm nhà cửa để
che thân thể. Tỳ-kheo, đó là nguyên nhân ngày nay có nhà cửa.
-
Tỳ-kheo nên biết, lúc đó, lớp đất
màu mỡ tự nhiên chui vào đất, sau lại sanh lúa gạo, rất tươi tốt, sạch sẽ
không có lớp vỏ, rất thơm ngon khiến người ăn mập trắng. Sáng, người ta thu
thập, chiều nó lại sanh; nếu chiều thu thì sáng sanh ra. Tỳ-kheo, từ đó mới
sanh ra tên lúa gạo. Tỳ-kheo, khi ấy nhân dân lười biếng, chẳng siêng năng
sinh hoạt, họ nghĩ: 'Nay ta ngày ngày đi thu gạo thóc làm chi. Hãy để hai ngày
đi gom một lần'. Khi ấy, người kia để hai ngày mới đi thu một lần. Nhân dân
lần lượt có thai. Do đây mới có việc sanh đẻ. Lại có chúng sanh bảo người kia:
-
- Chúng ta cùng đi thu lúa gạo đi!
-
Người kia đáp:
-
- Tôi đã lấy lương thực hai ngày
rồi.
-
Người này nghe xong liền tự nghĩ:
'Mình nên chứa lương thực bốn ngày'. Rồi liền lo lương thực bốn ngày. Lại có
người bảo người ấy rằng:
-
- 'Nên cùng nhau ra ngoài thu lúa
gạo'.
-
Người này đáp:
-
- 'Tôi đã thu lương thực bốn ngày'.
-
Người kia nghe xong liền nghĩ: 'Ta
nên lo lương thực tám ngày'. Và người ấy lo dự trữ thức ăn tám ngày. Khi ấy
lúa gạo kia không sanh ra nữa. Mọi người đều nghĩ: 'Thế gian có tai nạn lớn.
Nay lúa gạo này không còn như cũ. Hãy chia lúa gạo này ra'.
-
Rồi họ chia lúa gạo. Bấy giờ chúng
sanh lại nghĩ: 'Nay ta hãy giấu lúa gạo của mình và hãy ăn trộm lúa gạo người
khác'.
-
Khi ấy, chúng sanh kia giấu lúa gạo
của mình rồi ăn trộm lúa gạo người khác. Người chủ kia thấy trộm lúa gạo mới
bảo người ấy:
-
- 'Ông vì sao lấy lúa gạo của ta.
Lần này ta tha tội cho Ông, chớ có tái phạm'.
-
Bấy giờ, thế gian bắt đầu có tâm
trộm cắp. Lại có chúng sanh nghe lời này liền nghĩ: 'Nay ta nên giấu lúa gạo
của mình và ăn trộm lúa gạo người khác'.
-
Khi ấy, chúng sanh kia bỏ vật của
mình và lấy trộm của người. Người chủ kia thấy rồi bảo người ấy rằng:
-
- 'Nay Ông vì sao lấy lúa gạo của
ta?'.
-
Nhưng người đó im lặng không đáp.
Lúc đó người chủ mới dùng nắm tay mà đánh nhau:
-
- 'Từ nay về sau chớ có xâm phạm'.
-
Khi ấy, rất nhiều người nghe chúng
sanh ăn trộm lẫn nhau, mỗi người đều nhóm họp bảo nhau rằng:
-
- 'Thế gian có việc phi pháp này,
mỗi người cùng ăn trộm lẫn nhau. Nay hãy lập người giữ ruộng, để giữ gìn ruộng
rẫy. Có chúng sanh tài cao, thông minh, hãy lập làm chủ giữ ruộng'.
-
Bấy giờ, họ chọn lựa điền chủ và
bảo:
-
- 'Các Ông nên biết, thế gian có sự
trộm cắp phi pháp này. Nay Ông giữ ruộng hãy coi sóc bông hạt, nhưng người đến
lấy lúa gạo của người khác thì nêu tội họ'.
-
Khi ấy liền đặt điền chủ.
-
Tỳ-kheo nên biết! Bấy giờ người giữ
ruộng gọi là dòng Sát-lợi. Ðó là pháp cũ, chẳng phải là pháp mới.
-
Khi ấy Thế Tôn liền nói kệ này:
-
Ðầu tiên dòng Sát-lợi,
-
Cao nhất trong các dòng,
-
Người thông minh cao tài,
-
Ðược Trời Người cung kính.
-
Bấy giờ có nhân dân nào xâm phạm
vật của người khác thì dòng Sát-lợi sẽ trừng phạt họ. Nhưng sau người kia
không sửa lỗi, lại phạm nữa, chủ Sát-lợi ra lệnh làm đao gậy chặt đầu người
kia. Lúc ấy thế gian mới bắt đầu có sát sanh. Nhiều người nghe lệnh giết này:
'Người ăn trộm lúa gạo người khác, Sát-lợi chủ sẽ bắt giết' đều sợ hãi, lông
tóc dựng ngược. Ai nấy đều cất nhà cỏ, ngồi Thiền trong đó, nhất tâm tu Phạm
hạnh, bỏ lìa nghiệp nhà, vợ con, hầu thiếp. Một mình ở chỗ vắng vẻ, dốc chí tu
Phạm hạnh. Nhân đây về sau có tên họ của Bà-la-môn.
-
Khi đó, có hai chủng tánh xuất hiện
ở đời. Tỳ-kheo nên biết, khi ấy do trộm cắp mà có sát sanh, do sát sanh nên có
dao gậy. Sát-lợi chủ bảo nhân dân:
-
- 'Người nào đoan chính tài cao,
hãy cho thống lãnh nhân dân này'.
-
Sát-lợi chủ lại bảo họ rằng:
-
- 'Nhân dân nào ăn trộm thì cho
trừng trị tội nó'.
-
Khi đó liền có chủng tánh Tỳ-xá
xuất hiện ở đời. Có nhiều chúng sanh nghĩ rằng: 'Ngày nay chúng sanh sát sinh
lẫn nhau đều do tiền nghiệp gây ra. Nay ta nên qua lại xoay vần để tự sinh
sống'.
-
Bấy giờ liền có chủng tánh
Thủ-đà-la xuất hiện thế gian.
-
Khi ấy Thế Tôn liền nói kệ này:
-
Trước tiên dòng Sát-lợi,
-
Kế có Bà-la-môn,
-
Thứ ba là Tỳ-xá,
-
Tiếp là họ Thủ-đà.
-
Có bốn chúng tánh này,
-
Lần lần sanh lẫn nhau,
-
Ðều là thân Trời đến,
-
Cùng đồng là một vẻ.
-
Tỳ-kheo nên biết, lúc có tâm giết
và trộm này, không còn có lúa gạo tự nhiên hiện nữa. Khi ấy, liền có năm loại
ngũ cốc: rễ, cọng, cành, hoa, trái, và sanh các hạt giống khác. Ðó là năm hạt
giống đều là từ cõi nước phương khác theo gió thổi đến, người ta lấy trồng
dùng đây để sống.
-
Như thế, Tỳ-kheo thế gian có điềm
ứng này, liền có sanh, già, bệnh, chết đến, khiến hôm nay có thân năm ấm,
chẳng dứt được mé khổ. Ðây gọi là sự biến đổi của kiếp thành hoại. Ta nói với
các Thầy! Việc đáng làm của chư Phật Thế Tôn, nay Ta đã nói hết cho các Thầy,
hãy ưa thích chỗ vắng vẻ, nên nhớ tọa thiền chớ giải đãi, ngày nay nếu không
tinh thành, sau hối hận vô ích. Ðây là lời dạy của Ta.
-
Bấy giờ các Tỳ-kheo nghe Phật dạy
xong, vui vẻ vâng làm.
-
2. Tôi nghe như vầy:
-
Một thời Phật ở thành La-duyệt
trong vườn trúc Ca-lan-đà, cùng với chúng đại Tỳ-kheo năm trăm người.
-
Bấy giờ, vua A-xà-thế nước Ma-kiệt
nói với quần thần rằng:
-
- Nước Bạt-kỳ rất thịnh vượng, dân
cư đông đúc. Ta sẽ chinh phạt chiếm đất nước đó.
-
Lúc ấy, vua A-xà-thế lại bảo
Bà-la-môn Bà-lợi-ca rằng:
-
- Nay Ông đến chỗ Thế Tôn, đem tên
họ ta thăm hỏi Thế Tôn, lễ kính, thừa sự rồi thưa rằng: 'Vua A-xà-thế bạch đức
Thế Tôn, vua có ý muốn chinh phạt nước Bạt-kỳ có được hay không?' Nếu Như Lai
có nói gì, Ông hãy khéo suy nghĩ rồi về nói cho ta. Vì sao thế? Như Lai nói
không hai lời.
-
Bấy giờ Bà-la-môn vâng lời vua dạy,
đến chỗ Thế Tôn, thưa hỏi rồi ngồi một bên. Khi đó, Bà-la-môn bạch Phật:
-
- Vua A-xà-thế lễ kính Thế Tôn,
thừa sự, thăm hỏi.
-
Và Bà-la-môn ấy bạch thêm rằng:
-
- Ý vua muốn chinh phạt nước
Bạt-kỳ, trước đến hỏi Phật xem có được không?
-
Khi ấy Thế Tôn thấy Bà-la-môn kia
lấy y che đầu, chân mang giày ngà voi, lưng đeo kiếm bén, chẳng nên thuyết
pháp cho ông ta. Thế Tôn mới bảo A-nan:
-
- Nếu dân chúng Bạt-kỳ-tu bảy pháp
thì trọn không bị ngoại xâm tiêu diệt. Thế nào là bảy? Nếu nhân dân Bạt-kỳ tụ
tập một nơi không phân tán thì không bị nước khác phá hoại. Ðó là pháp đầu
tiên không bị giặc ngoài phá hoại.
-
Lại nữa A-nan, người nước Bạt-kỳ
trên dưới hòa thuận, thì nhân dân Bạt-kỳ không bị người ngoài cầm giữ. A-nan!
Ðó là pháp thứ hai không bị giặc ngoài phá hoại.
-
Lại nữa A-nan, nếu người nước
Bạt-kỳ không dâm dục với đàn bà của người khác. Ðó là pháp thứ ba không bị
giặc ngoài phá hoại.
- Lại
nữa A-nan, nếu người nước Bạt-kỳ không đem việc ở đây truyền đến chỗ kia, cũng
lại không đem việc đàng kia truyền lại đàng này... Ðó là pháp thứ tư không bị
giặc ngoài phá hoại.
-
Lại nữa A-nan, nếu người nước
Bạt-kỳ cúng dường Sa-môn, Bà-la-môn, thừa sự, lễ kính người Phạm hạnh... Ðó là
pháp thứ năm không bị giặc ngoài phá hoại.
-
Lại nữa A-nan, nếu người nước
Bạt-kỳ không tham lam tài sản của người khác... Ðó là pháp thứ sáu không bị
giặc ngoài phá hoại.
-
Lại nữa A-nan, nếu người nước
Bạt-kỳ đều đồng một lòng không theo thần tự, chuyên tinh ý mình, liền chẳng bị
giặc ngoài phá hoại. Ðó là pháp thứ bảy không bị giặc ngoài phá hoại.
-
A-nan, đó là người Bạt-kỳ tu bảy
pháp này, trọn không bị giặc ngoài phá hoại.
-
Khi ấy Phạm chí bạch Phật:
-
- Dù cho người nước Bạt-kỳ chỉ
thành tựu một pháp thôi, cũng không thể phá hoại được, huống là đến bảy pháp
thì làm sao phá hoại được. Thôi, thôi! Bạch Thế Tôn, việc nước bề bộn tôi muốn
trở về chỗ mình.
-
Bấy giờ Phạm chí liền từ tòa đứng
lên mà đi. Ông ta đi chưa xa, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
-
- Nay Ta sẽ nói bảy pháp bất thối
chuyển, các Thầy nên lắng nghe, khéo suy nghĩ.
-
Các Tỳ-kheo bạch Phật:
-
- Thưa vâng, bạch Thế Tôn.
-
Bấy giờ, các Tỳ-kheo vâng lời Phật
dạy, Thế Tôn bảo:
-
- Thế nào là bảy pháp bất thối
chuyển? Tỳ-kheo nên biết, Tỳ-kheo tụ họp chung một chỗ, hòa thuận với nhau,
trên dưới kính nhường, càng lúc càng tiến lên, tu các pháp lành không thối
chuyển, không để Ma được lợi thế. Ðó là pháp bất thối chuyển đầu tiên.
-
Lại nữa, chúng Tăng hòa hợp, thuận
theo lời dạy càng tiến lên, không thối chuyển, chẳng bị Ma vương phá hoại. Ðó
là pháp bất thối chuyển thứ hai.
- Lại
nữa, Tỳ-kheo không đắm công việc, không tập tành việc đời, cứ tiến tới, không
để Thiên ma được tiện lợi. Ðó là pháp bất thối chuyển thứ ba.
-
Lại nữa, Tỳ-kheo, không tụng đọc
sách tạp, suốt ngày thúc liễm tình ý càng tiến lên, không để Ma vương được
tiện lợi. Ðó là pháp bất thối chuyển thứ tư.
-
Lại nữa, Tỳ-kheo chuyên cần tu pháp
trừ khử thùy miên, hằng tự răn nhắc tỉnh táo, càng tiến lên trên, không để Ma
được tiện lợi. Ðó là pháp bất thối chuyển thứ năm.
-
Lại nữa, Tỳ-kheo, không học toán
thuật, cũng không khiến người tập thành nó, ưa chỗ vắng vẻ, tu tập pháp này,
ngày càng tiến lên, không để Ma được tiện lợi. Ðó là pháp bất thối chuyển thứ
sáu.
-
Lại nữa, Tỳ-kheo, khởi lên ý tưởng
'tất cả thế gian không có gì đáng ưa thích', tu tập Thiền hạnh, kham nhẫn theo
các pháp được dạy, càng tiến lên, không để Ma được tiện lợi. Ðó là pháp bất
thối chuyển thứ bảy. Nếu có Tỳ-kheo thành tựu bảy pháp này, hòa thuận với
nhau, thì Ma sẽ không được tiện lợi.
-
Khi ấy, Thế Tôn nói kệ:
-
Trừ bỏ các sự nghiệp,
-
Không suy nghĩ loạn bậy,
-
Nếu không hành điều này,
-
Cũng chẳng được tam-muội.
-
Người hay vui với pháp,
-
Phân biệt nghĩa pháp này,
-
Tỳ-kheo ưa hạnh này,
-
Sẽ đến tam-muội định.
-
Thế nên, Tỳ-kheo, hãy cầu phương
tiện thành tựu bảy pháp này. Như thế, này các Tỳ-kheo, hãy học điều này!
-
Bấy giờ các Tỳ-kheo nghe Phật dạy
xong, vui vẻ vâng làm.
-
3. Tôi nghe như vầy:
-
Một thời Phật ở nước Xá-vệ, rừng
Kỳ-đà, vườn Cấp Cô Ðộc.
-
Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
-
- Nay Ta sẽ nói về bảy sử. Các Thầy
hãy khéo nghĩ nhớ.
-
Các Tỳ-kheo đáp:
-
- Xin vâng, bạch Thế Tôn.
-
Khi ấy, các Tỳ-kheo vâng lời Phật
dạy. Thế Tôn bảo:
-
- Thế nào là bảy? Tham dục sử, sân
nhuế sử, kiêu mạn sử, si sử, nghi sử, kiến sử, dục thế gian sử.
-
Này Tỳ-kheo, đó là bảy sử khiến cho
chúng sanh thường ở trong u tối, bị trói buộc thân mình, lưu chuyển trong thế
gian không hề ngừng nghỉ, cũng không thể biết cội rễ sanh tử. Ví như hai con
trâu một đen, một trắng, mang chung một ách cùng kéo dẫn nhau, không cách xa
được. Chúng sanh cũng như thế, bị tham dục sử, vô minh sử, trói buộc không lìa
nhu được. Năm sử kia cũng lại đuổi theo; năm sử vừa theo, bảy sử cũng thế.
Người phàm phu bị bảy sử này trói buộc, lưu chuyển trong sanh tử không giải
thoát được, không thể biết nguồn gốc của khổ.
-
Tỳ-kheo nên biết, do bảy sử này bèn
có ba đường ác: địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh. Do bảy sử này không thể qua khỏi
cảnh giới tệ Ma. Nhưng bảy sử này lại có bảy phương thuốc. Thế nào là bảy?
Tham dục sử thì có niệm giác ý trị. Sân nhuế sử có trạch pháp giác ý trị. Tà
kiến sử có tinh tấn giác ý trị. Dục thế gian sử có hỷ giác ý trị. Kiêu mạn sử
có khinh an giác ý trị. Nghi sử có định giác ý trị. Vô minh sử có hộ (xả) giác
ý trị. Này Tỳ-kheo! Ðó là bảy sử dùng bảy giác ý trị.
-
Tỳ-kheo nên biết! Lúc Ta chưa thành
Phật, đang hành hạnh Bồ-tát, ngồi dưới cây Bồ-đề, khởi niệm này: 'Chúng sanh
cõi dục bị những gì trói buộc?' Rồi lại nghĩ: 'Chúng sanh bị bảy sử trói buộc
lưu chuyển trong sanh tử, mãi mãi không giải thoát được. Nay Ta cũng bị bảy sử
này trói buộc không được giải thoát'. Lúc ấy Ta lại nghĩ: 'Bảy sử này dùng gì
để trị?'. Ta lại suy nghĩ nữa: 'Bảy sử này sẽ dùng Bảy giác ý trị'.
-
Ta nên tư duy Bảy giác ý. Lúc Ta tư
duy Bảy giác ý, tâm hữu lậu được dứt, liền được giải thoát. Sau thành đạo Vô
Thượng Chánh Chân.
-
Trong bảy ngày ngồi kiết-già, tư
duy Bảy giác ý này một lần nữa.
-
Thế nên các Tỳ-kheo! Nếu muốn bỏ
bảy sử, nên nhớ tu hành pháp Bảy giác ý. Như thế, các Tỳ-kheo, nên học điều
này.
-
Bấy giờ các Tỳ-kheo nghe Phật dạy
xong, vui vẻ vâng làm.
-
4. Tôi nghe như vầy:
-
Một thời Phật ở nước Xá-vệ, rừng
Kỳ-đà, vườn Cấp Cô Ðộc.
-
Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
-
- Có bảy hạng người đáng thờ, đáng
kính, họ là phước điền vô thượng của thế gian. Thế nào là bảy hạng người? Ðó
là: Hành từ, hành bi, hành hỉ, hành hộ (xả), hành không, hành vô tướng, hành
vô nguyện. Ðó là bảy hạng người đáng thờ, đáng kính, là phước điền vô thượng
của thế gian. Vì sao thế? Nếu có chúng sanh hành bảy pháp này thì ở trong hiện
pháp thu hoạch được quả báo.
-
Bấy giờ A-nan bạch Thế Tôn:
-
- Vì cớ sao Thế Tôn không nói
Tu-đà-hoàn, Tư-đà-hàm, A-na-hàm, A-la-hán, Bích-chi Phật và Phật mà lại nói
bảy pháp này?
-
Thế Tôn bảo:
-
- Người hành từ cho đến bảy pháp
hành cùng với Tu-đà-hoàn cho đến Phật, việc này không đồng. Dù cúng dường
Tu-đà-hoàn cho đến Phật cũng không được quả báo hiện tại; nhưng cúng dường bảy
người này, ở hiện đời được quả báo. Thế nên, A-nan, nên chuyên cần dũng mãnh
thêm để hoàn thành bảy pháp. Như thế, A-nan, nên học điều này!
-
Bấy giờ, A-nan nghe Phật dạy xong,
vui vẻ vâng làm.
-
5. Tôi nghe như vầy:
-
Một thời Phật ở Tỳ-xá-ly, bên ao
Di-hầu, cùng với năm trăm chúng đại Tỳ-kheo.
-
Khi ấy Thế Tôn đến giờ đắp y, ôm
bát, cùng A-nan vào Tỳ-xá-ly khất thực. Bấy giờ trong thành Tỳ-xá-ly có đại
trưởng giả tên Tỳ-la-tiên, giàu có, nhiều tài sản chẳng thể tính kể, nhưng lại
keo kiệt tham lam không có lòng bố thí, chỉ hưởng phước cũ, không tạo thêm
phước mới. Lúc đó trưởng giả ấy đang cùng các dâm nữ ở hậu cung đàn hát, ca
xướng vui chơi.
-
Thế Tôn đi đến hướng ấy, Ngài biết
mà vẫn hỏi Tôn giả A-nan:
-
- Nay Ta nghe tiếng hát xướng, kỹ
nhạc là ở nhà nào?
-
A-nan bạch Phật:
-
- Ðó là ở nhà trưởng giả
Tỳ-la-tiên.
-
Phật bảo A-nan:
-
- Trưởng giả này sau bảy ngày sẽ
chết và sanh trong địa ngục Thế Khốc. Vì sao thế? Ðó là lẽ thường. Nếu người
đoạn căn lành thì lúc mạng chung đều sanh trong địa ngục Thế Khốc. Nay trưởng
giả này phước cũ đã hết, lại không chịu tạo phước mới.
-
A-nan bạch Phật:
-
- Có nhân duyên nào khiến trưởng
giả này sau bảy ngày không chết chăng?
-
Phật bảo A-nan:
-
- Chẳng có nhân duyên nào mà làm
ông ta không chết được. Những hạnh ông ta gieo trồng ngày xưa, hôm nay đã hết.
Ðiều này không thể tránh khỏi.
-
A-nan bạch Phật:
-
- Có cách nào khiến trưởng giả này
không sanh vào địa ngục Thế Khốc chăng?
-
Phật bảo:
-
- A-nan! Có cách này có thể khiến
trưởng giả không vào địa ngục.
-
A-nan bạch Phật:
-
- Những nhân duyên nào khiến trưởng
giả không vào địa ngục?
-
Phật bảo A-nan:
-
- Nếu trưởng giả này chịu cạo bỏ
râu tóc, mặc ba pháp y, xuất gia học đạo thì có thể khỏi tội này được.
-
A-nan bạch Phật:
-
- Nay con có thể khiến cho trưởng
giả này xuất gia học đạo.
-
Bấy giờ Tôn giả A-nan từ giã Thế
Tôn, đi đến đứng ngoài cửa nhà ông trưởng giả. Lúc ấy, Trưởng giả từ xa trông
thấy A-nan đến liền ra cửa tiếp đón thỉnh ngài vào ngồi. Rồi A-nan bảo trưởng
giả:
-
- Nay tôi ở bên bậc Nhất Thiết Trí
được nghe Như Lai thọ ký Ông sau bảy ngày sẽ chết và sanh vào địa ngục Thế
Khốc.
-
Trưởng giả nghe xong lông tóc dựng
ngược, kinh hãi bạch Tôn giả A-nan:
-
- Có nhân duyên gì làm tôi trong
bảy ngày không chết chăng?
-
A-nan bảo:
-
- Không có nhân duyên nào khiến Ông
trong bảy ngày khỏi chết.
-
Trưởng giả lại bạch:
-
- Có nhân duyên nào khiến tôi chết
không sanh vào địa ngục Thế Khốc chăng?
-
A-nan bảo:
-
- Thế Tôn cũng có dạy rằng nếu
Trưởng giả cạo tóc, mặc ba pháp y, xuất gia học đạo sẽ không phải vào địa ngục
Thế Khốc. Ông phải nên xuất gia học đạo, đến được bờ kia.
-
Trưởng giả bạch:
-
- Ngài A-nan hãy đi trước đi, tôi
sẽ đến ngay.
-
Khi ấy, Tôn giả A-nan liền bỏ đi.
Trưởng giả liền nghĩ: 'Nói bảy ngày cũng còn xa, nay ta nên vui chơi ngũ dục,
rồi sau hãy xuất gia học đạo'.
-
Tôn giả A-nan ngày hôm sau đến nhà
trưởng giả, bảo ông ta:
-
- Một ngày đã qua, còn có sáu ngày,
phải xuất gia đi!
-
Trưởng giả bạch:
-
- Ngài A-nan hãy đi trước, tôi sẽ
theo sau ngay.
-
Nhưng trưởng giả ấy vẫn không đi.
Ngài A-nan, hai ngày, ba ngày cho đến sáu ngày đến nhà trưởng giả, bảo ông ta:
-
- Bây giờ hãy xuất gia, nếu không
sau hối không kịp. Nếu không xuất gia hôm nay sẽ chết, rồi sanh trong địa ngục
Thế Khốc.
-
Trưởng giả bạch A-nan:
-
- Tôn giả hãy đi trước, tôi sẽ theo
sau.
-
A-nan bảo:
-
- Trưởng giả! Hôm nay Ông dùng thần
túc nào đến kia được mà bảo ta đi trước? Ta muốn đi một lượt với Ông.
-
Khi ấy A-nan dẫn trưởng giả này đến
chỗ Thế Tôn, cúi lạy và bạch Phật:
-
- Nay trưởng giả này muốn được xuất
gia học đạo, cúi mong Như Lai hãy cạo bỏ râu tóc cho ông ta, để ông ta được
học đạo.
-
Phật bảo A-nan:
-
- Nay chính Thầy có thể độ trưởng
giả này.
-
A-nan vâng lời Phật dạy tức thời
cạo tóc cho trưởng giả, dạy đắp ba pháp y và học Chánh pháp. Lúc ấy A-nan dạy
Tỳ-kheo đó rằng:
-
- Ông nên nhớ tu hành, niệm Phật,
niệm Pháp, niệm Tỳ-kheo Tăng, niệm Giới, niệm Thí, niệm Thiên, niệm Thôi dứt,
niệm Hơi thở, niệm Thân, niệm Tử. Nên tu hành pháp như thế. Tỳ-kheo hành mười
niệm này sẽ được quả báo lớn, được pháp vị cam lồ.
-
Khi ấy Tỳ-la-tiên tu hành pháp như
thế rồi; ngay ngày ấy mạng chung sanh trong Tứ thiên vương. A-nan liền trà-tỳ
thân ông ta, trở về chỗ Thế Tôn, cúi lạy rồi đứng một bên.
-
Bấy giờ A-nan bạch Thế Tôn:
-
- Vừa rồi Tỳ-kheo Tỳ-la-tiên đã
mạng chung, sẽ sanh về đâu?
-
Thế Tôn bảo:
-
- Nay Tỳ-kheo này mạng chung sanh
lên cõi trời Tứ thiên vương.
-
A-nan bạch Phật:
-
- Ông ta ở đó mạng chung sẽ sanh về
đâu?
-
Thế Tôn bảo:
-
- Ông ta ở đó mạng chung sẽ sanh
trời Ba mươi ba, lần lượt sanh Diệm thiên, Ðâu-suất thiên, Hóa tự tại thiên,
Tha hóa tự tại thiên. Từ đó ông ta mạng chung lại sanh trở lại cho đến trời Tứ
thiên vương. A-nan! Tỳ-kheo Tỳ-la-tiên, bảy phen xoay vần trong Trời, Người.
Cuối cùng ông ta được thân người xuất gia, học đạo, sẽ dứt mé khổ. Vì sao thế?
Vì ông ta có tín tâm đối với Như Lai. A-nan nên biết! Cõi Diêm-phù-đề này, Nam
Bắc hai vạn một ngàn do-tuần; Ðông Tây bảy ngàn do-tuần. Nếu có người cúng
dường người khắp cõi Diêm-phù-đề, phước đó có nhiều không?
-
Tôn giả A-nan bạch Phật:
-
- Rất nhiều, rất nhiều, bạch Thế
Tôn.
-
Phật bảo A-nan:
-
- Nếu có chúng sanh chỉ trong một
khoảng khắc, không dứt tín tâm tu hành mười niệm này, phước chẳng thể lường,
không thể lường được. Như thế, A-nan! Hãy cầu phương tiện tu hành mười niệm.
Như thế A-nan, hãy học điều này!
-
Bấy giờ, Tôn giả A-nan nghe Phật
dạy xong, vui vẻ vâng làm.
-
6. Tôi nghe như vầy:
-
Một thời Phật ở nước Xá-vệ, rừng
Kỳ-đà, vườn Cấp Cô Ðộc.
-
Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
-
- Ta sẽ thuyết pháp cực diệu, ban
đầu, ở giữa và rốt sau đều lành, nghĩa lý thâm sâu, đầy đủ để tu Phạm hạnh.
Kinh này gọi là 'Pháp sạch các lậu'. Các Thầy khéo suy nghĩ đó.
-
Tỳ-kheo đáp:
-
- Xin vâng, bạch Thế Tôn.
-
Các Tỳ-kheo vâng lời Phật dạy. Thế
Tôn bảo:
-
- Tại sao gọi là 'pháp sạch các
lậu'? Hoặc có hữu lậu duyên kiến mà được đoạn, hoặc có hữu lậu nhờ thân cận
được đoạn, hoặc có hữu lậu do xa lìa được đoạn, hoặc có hữu lậu do vui thích
được đoạn, hoặc có hữu lậu do oai nghi được đoạn, hoặc có hữu lậu do tư duy
được đoạn.
-
Thế nào là hữu lậu do kiến được
đoạn? Ở đây, người phàm phu chẳng gặp Thánh nhân, không thuận theo pháp Như
Lai, chẳng thể ủng hộ pháp Hiền Thánh, chẳng gần gũi Thiện tri thức, chẳng
phụng sự Thiện tri thức. Họ nghe pháp, điều đáng suy nghĩ cũng không phân biệt
được; điều không nên suy nghĩ thì lại suy nghĩ; dục lậu chưa sanh liền sanh,
dục lậu đã sanh liền tăng thêm nhiều; hữu lậu chưa sanh liền sanh, hữu lậu đã
sanh liền tăng thêm nhiều; vô minh lậu chưa sanh liền sanh, vô minh lậu đã
sanh liền tăng thêm nhiều. Ðây là pháp chẳng nên tư duy mà lại tư duy.
-
Thế nào là pháp đáng tư duy mà
không chịu tư duy pháp này? Pháp nên tư duy là dục lậu chưa sanh, khiến cho
chẳng sanh, dục lậu đã sanh thì tiêu diệt đi; hữu lậu chưa sanh khiến cho
chẳng sanh, hữu lậu đã sanh thì tiêu diệt đi; vô minh lậu chưa sanh khiến cho
chẳng sanh, vô minh lậu đã sanh thì tiêu diệt đi. Ðó là pháp đáng nên tư duy
mà không tư duy; pháp không nên tư duy thì tư duy, pháp nên tư duy lại không
chịu tư duy; dục lậu chưa sanh liền sanh, dục lậu đã sanh tăng thêm; hữu lậu
chưa sanh liền sanh, hữu lậu đã sanh liền tăng thêm; vô minh lậu chưa sanh
liền sanh, vô minh lậu đã sanh liền tăng thêm.
-
Người ấy suy nghĩ thế này: 'Thế nào
là có quá khứ lâu xa? Nay ta phải có quá khứ lâu xa'.
-
Người ấy lại suy nghĩ: 'Không có
quá khứ lâu xa. Thế nào mà có quá khứ lâu xa? Thế nào lại có tương lai lâu xa?
Nay ta sẽ có tương lai lâu xa. Hay lại nói không có tương lai lâu xa? Thế nào
sẽ có tương lai lâu xa. Ai có tương lai lâu xa? Thế nào ở đây có chúng sanh từ
lâu xa? Chúng sanh lâu xa này từ đâu mà đến, từ đây mạng chung sẽ đi về đâu?'.
-
Người ấy khởi ý nghĩ chẳng lành
này, liền nổi lên sáu kiến chấp lần lượt sanh tư tưởng tà vạy: Có ngã kiến,
xét rõ có kiến này; không có ngã kiến xét rõ khởi lên cái kiến này; có ngã
kiến, không ngã kiến, trong đó khởi xét rõ sanh kiến; lại tự quán thân rồi
khởi kiến chấp; ở nơi mình mà không thấy mình, lại khởi cái chấp này; ở chỗ vô
ngã mà không thấy vô ngã, trong đó khởi kiến chấp. Khi ấy người kia sanh tà
kiến này: 'Ngã đời này cũng là ngã đời sau, thường còn ở đời không có hư hoại,
cũng không biến đổi, cũng chẳng di động'. Ðó gọi là nhóm tà kiến. Tà kiến khổ
hoạn, ưu bi, khổ não, đều do đây sinh không thể trị liệu, cũng bỏ không được,
bèn tăng thêm gốc khổ. Do đó không phải là hạnh của Sa-môn, đạo Niết-bàn.
-
Lại nữa, Tỳ-kheo đệ tử bậc Hiền
Thánh tu hành pháp này không mất thứ tự, khéo hay ủng hộ và ủng hộ cho Thiện
tri thức. Người ấy có thể phân biệt, pháp chẳng thể tư duy cũng có thể biết;
pháp nên tư duy cũng có thể biết; pháp không nên tư duy, người ấy cũng chẳng
tư duy; pháp nên tư duy thì tư duy.
- Thế
nào là pháp chẳng nên tư duy thì chẳng tư duy? Ðối với các pháp dục lậu chưa
sanh mà sanh, dục lậu đã sanh liền tăng thêm; hữu lậu chưa sanh liền sanh, hữu
lậu đã sanh liền tăng thêm; vô minh lậu chưa sanh liền sanh, vô minh lậu đã
sanh liền tăng thêm. Ðó là pháp không nên tư duy.
-
Những pháp nào nên tư duy thì tư
duy? Ðối với các pháp dục lậu chưa sanh liền chẳng sanh, dục lậu đã sanh liền
tiêu diệt; hữu lậu chưa sanh liền chẳng sanh, hữu lậu đã sanh liền tiêu diệt;
vô minh lậu chưa sanh liền chẳng sanh, vô minh lậu đã sanh liền tiêu diệt. Ðây
là pháp đáng nên tư duy, điều chẳng nên tư duy người ấy không tư duy. Ðiều nên
tư duy liền tư duy. Người ấy tư duy như thế liền diệt được ba pháp. Thế nào là
ba? Thân tà giới, trộm, nghi. Nếu không thấy biết thì tăng thêm hạnh hữu lậu.
Nếu người thấy, nghe, nhớ, biết thì chẳng tăng thêm hạnh hữu lậu. Ðã biết, đã
thấy thì hữu lậu chẳng sanh. Ðây là lậu do kiến mà đoạn được.
- Thế
nào là lậu nhờ cung kính mà đoạn? Ở đây, Tỳ-kheo! Kham nhẫn đói lạnh, chịu khổ
gió mưa, muỗi mòng, lời ác nhục mạ, thân sanh đau đớn, rất là phiền phức, mạng
sắp muốn dứt mà có thể nhẫn được. Nếu không dứt được liền khởi khổ não, nếu
người có thể kham nhẫn được, như thế chẳng sanh. Ðó là lậu do cung kính được
đoạn.
-
Thế nào là lậu do thân cận được
đoạn? Ở đây, Tỳ-kheo! Giữ tâm thọ nhận y, không đòi trang sức, chỉ muốn giữ
gìn thân thể, muốn trừ lạnh nóng; muốn mưa gió không chạm vào thân. Lại che
thân thể không lộ ra ngoài. Lại giữ tâm theo thời khất thực, không khởi tâm
tham nhiễm, chỉ muốn gìn giữ thân thể, cho bệnh cũ được lành, bệnh mới chẳng
sanh; giữ gìn các hạnh không xúc phạm, được an ổn lâu dài mà tu Phạm hạnh được
lâu bền ở đời. Lại giữ gìn tâm ý, gần gũi sàng tòa, cũng không đắm nhiễm phục
sức vinh hoa; chỉ muốn trừ đói lạnh, gió mưa, muỗi mòng, che chở thân thể để
hành đạo pháp. Lại giữ gìn tâm, gần gũi thuốc men, chẳng sanh tâm nhiễm đắm,
đối với thuốc men chỉ muốn bịnh tật được lành, thân thể được an ổn. Nếu không
thân cận thì sanh hoạn hữu lậu, nếu thân cận thì không sinh hoạn hữu lậu. Ðó
là lậu do thân cận được đoạn.
-
Thế nào là hữu lậu do xa lìa được
đoạn? Ở đây, Tỳ-kheo! Trừ khử loạn tưởng, xem nó như voi ác, lạc đà, trâu
ngựa, cọp beo, chó, rắn độc, hầm sâu bờ hiểm, gai góc, sườn dốc, bùn sình,
thảy đều xa lìa chúng, chớ theo phụng thờ Ác tri thức, cũng không gần gũi
người ác, hay nghiền ngẫm ở trong lòng chớ bỏ qua. Nếu không ủng hộ thì sanh
hữu lậu, nếu ủng hộ thì không sanh hữu lậu. Ðó là hữu lậu do xa lìa mà đoạn.
-
Thế nào là hữu lậu do vui thích
được đoạn?
-
Ở đây, Tỳ-kheo! Sanh dục tưởng mà
chẳng xa lìa, nếu khởi sân giận cũng chẳng xa lìa, nếu lại khởi tưởng đố kỵ
cũng chẳng xa lìa. Nếu không xa lìa thì sanh hữu lậu, người có thể xa lìa thì
có thể chẳng khởi hữu lậu. Ðó là hữu lậu do vui thích được đoạn.
-
Thế nào là hữu lậu do oai nghi mà
đoạn? Ở đây, Tỳ-kheo! Nếu mắt thấy sắc không khởi sắc tưởng, cũng không khởi
tâm nhiễm ô, đầy đủ nhãn căn, cũng không thiếu sót mà hộ nhãn căn. Nếu tai
nghe tiếng, mũi ngửi mùi, lưỡi nếm vị, thân xúc chạm, ý biết pháp, đều không
khởi tâm nhiễm ô, cũng không khởi tưởng chấp trước mà gìn giữ ý căn. Nếu không
nhiếp hộ oai nghi thì sanh hữu lậu, nếu nhiếp hộ oai nghi thì không có hoạn
hữu lậu. Ðó là hữu lậu do oai nghi được đoạn.
-
Những hữu lậu nào do tư duy được
đoạn? Ở đây Tỳ-kheo! Tu niệm giác ý, y vô dục, y không nhiễm ô, y diệt tận mà
cầu xuất yếu; tu trạch pháp giác ý, tinh tấn giác ý, hỷ giác ý, khinh an giác
ý, định giác ý, hộ (xả) giác ý, y vô dục, y không nhiễm ô, y diệt tận mà cầu
xuất yếu. Nếu không tu điều này thì sanh hoạn hữu lậu, nếu người hay tu thì
không sanh hoạn hữu lậu. Ðó là hữu lậu do tư duy mà đoạn.
-
Này Tỳ-kheo! Nếu ở trong Tỳ-kheo có
các hữu lậu, người do kiến đoạn được thì hãy dùng kiến đoạn, người do cung
kính đoạn hãy dùng cung kính đoạn, người do thân cận đoạn hãy dùng thân cận
đoạn, người do xa lìa đoạn hãy dùng xa lìa đoạn, người do oai nghi đoạn hãy
dùng oai nghi đoạn, người do tư duy đoạn hãy dùng tư duy đoạn. Này Tỳ-kheo! Ðó
là đầy đủ tất cả oai nghi có thể đoạn kiết sử, bỏ được ái dục qua được bốn
dòng, dần dần vượt khỏi khổ.
-
Này Tỳ-kheo! Ðó là pháp trừ hữu
lậu. Chư Phật, Thế Tôn thường thi hành niệm từ với tất cả loài hữu tình, nay
Ta đã thi hành. Các Thầy nên ưa thích chỗ vắng vẻ, dưới gốc cây, chuyên cần
tinh tấn chớ có giải dãi; nếu nay không chuyên cần sau hối vô ích. Ðây là lời
dạy của Ta.
-
Bấy giờ Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong,
vui vẻ vâng làm.
- --o0o--
|
|