|
- Thư Viện Chùa Dược Sư
- KINH TẠNG
-
- KINH
TĂNG NHẤT A HÀM
- Việt Dịch: Hòa Thượng
Thích Thanh Từ
Hiệu Đính: Hòa Thượng Thích Thiện Siêu
- Viện Nghiên Cứu Phật
Học Việt Nam
PL 2541 - TL 1997
-
- TẬP
BA
- 1
-
XXXX.2. Phẩm Thất Nhật (2)
-
-
7. Tôi nghe như vầy:
-
Một thời Phật ở bên bờ sông A-du-xà
cùng với năm trăm chúng đại Tỳ-kheo.
-
Khi ấy Ðại Quân-đầu đang ở chỗ nhàn
vắng nghĩ rằng: 'Có nghĩa này hằng thêm công đức hay không có lý này?'.
-
Quân-đầu liền đứng dậy đến chỗ Thế
Tôn, cúi lạy rồi ngồi một bên. Bấy giờ Quân-đầu bạch Phật:
-
- Bạch Thế Tôn! Vừa rồi con ở chỗ
vắng vẻ có nghĩ: 'Có lý làm các việc được thêm công đức hay không?'. Nay con
hỏi Thế Tôn, cúi mong thuyết cho.
-
Thế Tôn bảo:
-
- Có thể được tăng thêm công đức.
-
Quân-đầu bạch Phật:
-
- Ðược tăng thêm công đức thế nào?
-
Thế Tôn bảo:
-
- Tăng thêm có bảy việc, phước ấy
không thể cân lường, cũng không ai có thể tính toán được. Thế nào là bảy? Ở
đây, con nhà vọng tộc trai hoặc gái, chưa từng cất già lam cho Tăng, liền lập
già-lam. Phước này không thể kể.
-
Lại nữa, Quân-đầu! Nếu thiện nam,
thiện nữ, có thể đem giường tòa thí cho tăng-già-lam và cho Tỳ-kheo Tăng. Này
Quân-đầu! Ðó là phước thứ hai không thể tính kể.
-
Lại nữa, Quân-đầu! Nếu thiện nam,
thiện nữ dùng thức ăn bố thí Tỳ-kheo Tăng. Này Quân-đầu! Ðó là phước thứ ba
không thể tính kể.
-
Lại nữa, Quân-đầu! Nếu thiện nam,
thiện nữ cấp áo che mưa cho Tỳ-kheo Tăng. Này Quân-đầu! Ðó là phước thứ tư,
không thể tính kể.
-
Lại nữa, Quân-đầu! Nếu trai gái nhà
vọng tộc đem thuốc men cho Tỳ-kheo Tăng. Này Quân-đầu! Ðó là phước thứ năm
không thể tính kể.
-
Lại nữa, Quân-đầu! Nếu thiện nam,
thiện nữ ở đồng trống làm giếng tốt. Này Quân-đầu! Ðó là phước thứ sáu không
thể tính kể.
-
Lại nữa, Quân-đầu! Thiện nam, thiện
nữ làm nhà gần đường cho người sẽ đi qua có chỗ trú ngụ. Ðó là phước thứ bảy
không thể tính kể.
-
Ðây là, này Quân-đầu! Pháp bảy công
đức, phước không lường được. Hoặc đi hoặc ngồi, cho dù mạng chung, phước cũng
theo sau như bóng theo hình, đức này không thể tính kể mà bảo rằng có bao
nhiêu phước. Cũng như nước biển lớn không thể dùng thăng đấu đong rồi bảo có
bao nhiêu nước; bảy công đức này cũng lại như thế, phước không có hạn lượng.
-
Thế nên Quân-đầu! Thiện nam, thiện
nữ hãy cầu phương tiện hoàn thành bảy công đức. Như thế, Quân-đầu, hãy học
điều này!
-
Bấy giờ, Quân-đầu nghe Phật dạy
xong, vui vẻ vâng làm.
-
8. Tôi nghe như vầy:
-
Một thời Phật ở nước Xá-vệ, rừng
Kỳ-đà, vườn Cấp Cô Ðộc.
-
Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
-
- Các Thầy hãy tu hành về tưởng
chết, tư duy tưởng chết.
-
Khi ấy có Tỳ-kheo Thượng tọa bạch
Thế Tôn:
-
- Con thường tu hành tư duy tưởng
chết.
-
Thế Tôn bảo:
-
- Thầy tư duy tu hành tưởng chết
thế nào?
-
Tỳ-kheo bạch Phật:
-
- Con tư duy tưởng chết rằng: 'Chỉ
còn sống bảy ngày nữa, nên tư duy thất giác ý, ở trong pháp Như Lai có nhiều
lợi ích, sau khi chết không hối hận'. Bạch Thế Tôn, con tư duy tưởng chết như
thế.
-
Thế Tôn bảo:
-
- Thôi, thôi, Tỳ-kheo! Ðây chẳng
phải tu hành về tưởng chết. Ðây gọi là pháp phóng dật.
-
Lại có Tỳ-kheo bạch Thế Tôn:
-
- Con có thể kham nhận tu hành
tưởng chết.
-
Thế Tôn bảo:
-
- Thầy tu hành tư duy tưởng chết
thế nào?
-
Tỳ-kheo bạch Phật:
-
- Nay con nghĩ rằng: 'Ý muốn còn có
sáu ngày, suy nghĩ Chánh pháp Như Lai rồi sẽ chết. Ðiều này có ích'. Con tư
duy tưởng chết như thế.
-
Thế Tôn bảo:
-
- Thôi, thôi, Tỳ-kheo! Thầy cũng
theo pháp phóng dật, chẳng phải là tư duy tưởng chết.
-
Lại có Tỳ-kheo bạch Phật: 'Muốn còn
năm ngày, hoặc bốn ngày, hoặc ba ngày, hai ngày, một ngày'.
-
Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
-
- Thôi, thôi, Tỳ-kheo! Ðây cũng là
pháp phóng dật, chẳng phải là tư duy tưởng chết.
-
Khi ấy lại có một Tỳ-kheo bạch Thế
Tôn:
-
- Con có thể kham nhẫn tu hành
tưởng chết như vầy: Con đến giờ đắp y ôm bát vào thành Xá-vệ khất thực, xong
lại ra khỏi thành Xá-vệ trở về chỗ mình. Về trong thất vắng, con tư duy thất
giác ý rồi mạng chung. Ðây là tư duy tưởng chết.
-
Thế Tôn bảo:
-
- Thôi, thôi, Tỳ-kheo! Ðây cũng
chẳng phải tư duy tu hành tưởng chết. Lời nói của các Thầy đều là hạnh phóng
dật, chẳng phải là pháp tu hành tưởng chết.
-
Lúc đó Thế Tôn lại bảo Tỳ-kheo:
-
- Người có thể làm được như Tỳ-kheo
Bà-ca-lợi. Ðây gọi là tư duy tưởng chết. Tỳ-kheo ấy khéo hay tư duy tưởng
chết, chán ghét thân này là nhơ nhớp bất tịnh. Nếu Tỳ-kheo tư duy tưởng chết,
buộc ý ở trước, tâm không di động, nhớ số hơi thở ra vào, qua lại, trong đó tư
duy thất giác ý, thì ở trong pháp Như Lai được nhiều lợi ích. Vì sao thế? Tất
cả các hạnh đều không, đều tịch; khởi và diệt đều là huyễn hóa, không chân
thật. Thế nên Tỳ-kheo! Nên ở trong hơi thở ra vào mà tư duy tưởng chết thì sẽ
thoát sanh, già, bệnh, chết, sầu lo khổ não. Như thế, này các Tỳ-kheo, nên học
như vậy!
-
Bấy giờ, các Tỳ-kheo nghe Phật dạy
xong, vui vẻ vâng làm.
-
9. Tôi nghe như vầy:
-
Một thời Phật ở nước Xá-vệ, rừng
Kỳ-đà, vườn Cấp Cô Ðộc.
-
Bấy giờ, vua Ba-tư-nặc ra lệnh cho
quần thần: 'Mau sửa soạn xe vũ bảo. Ta muốn đến chỗ Thế Tôn, lễ bái thăm hỏi'.
-
Rồi Ðại vương ra khỏi thành đến chỗ
Thế Tôn, cúi lạy rồi ngồi một bên. Khi ấy Như Lai đang thuyết pháp cho vô số
chúng vây quanh.
-
Lúc này có bảy Ni-kiền Tử, lại có
bảy người lõa hình, lại có bảy hắc Phạm chí, lại có bảy Bà-la-môn lõa hình, đi
qua cách Thế Tôn không xa. Khi ấy, vua Ba-tư-nặc thấy những người này đi qua
chỗ Thế Tôn không xa, liền bạch Phật:
-
- Con xem những người này đi qua
không dừng lại, đều là người thiểu dục tri túc không có gia nghiệp. Nay ở thế
gian, những người này là thượng thủ nhất trong hàng A-la-hán. Vì sao thế? Họ ở
trong mọi người mà rất là khổ hạnh, không tham lợi dưỡng.
-
Thế Tôn bảo:
-
- Ðại vương! Ông trọn chưa biết
chân nhân La-hán, chẳng do lộ bày hình thể mà gọi là A-la-hán. Ðại vương nên
biết! Ðây đều không phải hạnh chân thật. Nên nhớ quán sát lâu đài cho chính
đáng; rồi lại nên quán đáng thân biết thân, đáng gần biết gần. Vì sao thế?
Thời quá khứ lâu xa có bảy Phạm chí cùng học một nơi, tuổi đã già yếu, lấy cỏ
làm y phục, ăn quả hạt của cỏ, khởi các tà kiến, mỗi người nghĩ: 'Chúng ta tu
pháp khổ hạnh này để sau làm đại Quốc vương, hoặc cầu làm Phạm Tứ thiên
vương'.
-
Bấy giờ có Thiên sư A-tư-đà là tổ
phụ của các Bà-la-môn, biết tâm niệm các Phạm chí kia, liền từ trời Phạm thiên
hiện xuống chỗ bảy Bà-la-môn. Khi ấy Thiên sư A-tư-đà bỏ phục sức của Trời,
hiện hình Bà-la-môn đi kinh hành ngoài trời, bảy Phạm chí xa thấy A-tư-đà kinh
hành ai nấy nổi giận mà nói:
-
- Ðây là hạng người đắm trước dục
lạc nào mà lại đi trước những người Phạm hạnh chúng ta? Nay ta sẽ chú cho nó
tiêu thành tro.
-
Rồi bảy Phạm chí lấy tay bụm nước
rảy Phạm chí kia chú rằng:
-
- Nay Ông mau thành tro đất.
-
Nhưng Bà-la-môn càng ôm sân giận,
thì nhan sắc Thiên sư càng thêm đoan chánh. Tại sao thế? Vì lòng từ có thể
diệt sân.
-
Bấy giờ bảy Phạm chí liền nghĩ:
'Chúng ta chẳng phải cấm giới sắp thối chuyển sao? Chúng ta ngay khi khởi sân
hận, người kia liền được đoan chánh'.
-
Khi ấy bảy Phạm chí liền nói kệ này
với Thiên sư:
-
Là Trời, Càn-thát-bà,
-
Hay La-sát Quỷ thần,
-
Lúc này gọi là gì?
-
Chúng tôi muốn được biết.
-
Khi ấy Thiên sư A-tư-đà liền đáp
kệ:
-
Không phải Càn-thát-bà,
-
Không Quỷ thần, La-sát,
-
Thiên sư A-tư-đà,
-
Nay chính là thân ta.
-
Nay ta biết tâm các Ông nghĩ gì nên
từ trời Phạm thiên xuống đây. Phạm thiên cách đây thật là xa xôi; thân Trời Ðế
Thích cũng lại như thế, Chuyển luân Thánh vương cũng chẳng thể được. Chẳng thể
dùng khổ hạnh này mà làm Phạm Tứ thiên vương.
-
Khi ấy Thiên sư A-tư-đà liền nói
kệ:
-
Bao nhiêu niệm trong tâm,
-
Áo ngoài thì thô xấu,
-
Nếu cần tu chánh kiến,
-
Xa lìa hẳn đường ác.
-
Tâm giới hành thanh tịnh,
-
Miệng hành cũng như thế,
-
Xa lìa các ác niệm,
-
Ắt sẽ sanh lên trời.
-
Lúc ấy bảy Phạm chí thưa Thiên sư:
-
- 'Có đúng là Thiên sư chăng?'.
-
- 'Ðúng vậy. Nhưng này Phạm chí!
Không phải do lõa hình mà được sanh lên trời, chưa chắc tu khổ hạnh này được
sanh cõi Phạm thiên, lại chẳng phải lộ bày thân thể, làm bao nhiêu khổ hạnh mà
được sanh cõi ấy. Ai có thể nhiếp tâm ý khiến không di động liền sanh lên
trời, chứ không thể do chỗ tu tập của các Ông mà được sanh chỗ ấy'.
-
Ðại vương! Quán sát nghĩa ngày thì
chẳng phải do lõa hình mà gọi là A-la-hán. Người phàm phu muốn biết được bậc
chân nhân, việc này chẳng đúng. Nhưng chân nhân có thể phân biệt được chỗ tu
tập hạnh của phàm phu. Lại nữa, người phàm phu không thể biết hạnh của phàm
phu. Bậc chân nhân thì có thể biết hạnh của phàm phu. Nếu Ðại vương muốn biết
họ, phải nên tìm phương tiện biết từ lâu xa đến nay, chứ chẳng phải ngay bây
giờ mà dùng để quán xét họ. Ðúng vậy, Ðại vương, nên dùng phương tiện mà học
điều này.
-
Bấy giờ vua Ba-tư-nặc bạch Thế Tôn:
-
- Như Lai thuyết rất hay! Chẳng
phải người đời có thể hiểu rõ. Việc nước bề bộn, con muốn trở về.
-
Phật bảo vua:
-
- Ðã đúng lúc, Ðại vương!
-
Vua liền từ chỗ ngồi đứng lên cúi
lạy Thế Tôn rồi lui đi.
-
Khi ấy vua Ba-tư-nặc nghe Phật dạy
xong, vui vẻ vâng làm.
-
10. Tôi nghe như vầy:
-
Một thời Phật tại nước Thích-sĩ
Ca-tỳ-la-vệ, trong vườn Ni-câu-lũ cùng chúng đại Tỳ-kheo năm trăm người.
-
Bấy giờ, Thế Tôn thọ thực xong, từ
vườn Ni-câu-lũ đến làng Tỳ-la-da-trí ngồi dưới một gốc cây. Khi ấy Chấp Trượng
họ Thích ra khỏi Ca-tỳ-la-vệ đến chỗ Thế Tôn, đứng trước mặt im lặng. Rồi ông
ta hỏi Thế Tôn:
-
- Sa-môn dạy những gì? Luận những
gì?
-
Thế Tôn bảo:
-
- Phạm chí nên biết! Ðiều luận của
Ta không phải chỗ Trời, Rồng, Quỷ Thần có thể bì kịp. Cũng chẳng phải dính mắt
vào đời, lại chẳng phải trụ ở đời. Ðiều luận của Ta chính như thế đó.
-
Khi ấy Chấp Trượng họ Thích cúi đầu
than thở rồi lui đi. Như Lai liền từ chỗ ngồi đứng lên, trở về chỗ ở. Lúc đó
Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
-
- Vừa rồi Ta ngồi trong vườn kia có
Chấp Trượng họ Thích đến hỏi Ta rằng: 'Sa-môn có những luận gì?' Ta đáp: 'Ðiều
luận của Ta, Trời, Rồng, Quỷ Thần chẳng thể bì kịp; chẳng phải dính mắc vào
đời, cũng chẳng phải trụ ở đời. Ðiều luận của Ta chính là vậy'. Khi ấy Chấp
Trượng họ Thích nghe lời này rồi liền lui đi.
-
Khi ấy có một Tỳ-kheo bạch Tỳ-kheo:
-
- Thế nào là không dính mắc vào
đời, cũng không trụ ở đời?
-
Thế Tôn bảo:
-
- Như điều Ta luận đều không dính
mắc vào đời, như nay đối với dục được giải thoát, dứt hết các hồ nghi của họ
Thích, không có các tưởng. Ðiều luận của Ta chính là đây.
-
Như Lai nói thế xong, đứng lên vào
thất. Lúc đó các Tỳ-kheo bảo nhau:
-
- Vừa rồi Thế Tôn nói sơ lược nghĩa
của luận kia. Ai có thể kham nhậm nói rộng nghĩa này chăng?
-
Các Tỳ-kheo tự nói với nhau:
-
- Thế Tôn thường khen ngợi Tôn giả
Ðại Ca-chiên-diên. Nay chỉ có Ca-chiên-diên có thể thuyết nghĩa này.
-
Khi ấy các Tỳ-kheo nói với
Ca-chiên-diên:
-
- Vừa rồi Thế Tôn nói lược nghĩa
này, cúi mong Tôn giả hãy giảng thuyết rộng rãi nghĩa này, phân biệt từng việc
cho mọi người được hiểu.
-
Ca-chiên-diên đáp:
-
- Ví như ở làng xóm có người ra
khỏi làng muốn tìm vật chân thật. Người ấy nếu gặp cây to liền đốn chặt, lấy
cành lá, bỏ cây mà đi. Nay các Thầy cũng như thế, bỏ Như Lai rồi đi theo cành
mà tìm thực. Nhưng Như Lai xem thấy khắp tất cả, chiếu sáng thế gian, là vị
dẫn đường của Trời, Người. Như Lai là vị Chân chủ của pháp, các Thầy cũng sẽ
có thời tiết, tự nhiên sẽ gặp lúc Như Lai nói nghĩa này.
- Các
Tỳ-kheo đáp:
-
- Như Lai tuy là Chân chủ của pháp
giảng rộng nghĩa này. Nhưng Tôn giả được Như Lai thọ ký đủ sức thuyết rộng
nghĩa này.
-
Ca-chiên-diên đáp:
-
- Các Thầy lắng nghe, khéo suy nghĩ
đó, tôi sẽ diễn thuyết phân biệt nghĩa này.
-
Các Tỳ-kheo đáp:
-
- Rất tốt!
-
Khi ấy các Tỳ-kheo vâng lời rồi,
Ca-chiên-diên bảo:
-
- Nay Như Lai nói: 'Ðiều luận của
Ta, chẳng phải Trời, Rồng, Quỷ thần có thể theo kịp. Cũng chẳng phải dính mắc
vào đời, cũng chẳng phải trụ ở đời. Ta đối với đó được giải thoát, đoạn các hồ
nghi, không còn do dự nữa. Như nay chúng sanh ưa thích tranh tụng, khởi các
loạn tưởng'. Như Lai lại nói: 'Ta chẳng ở đó khởi tâm nhiễm trước'. Ðây là
tham dục sử, sân nhuế, tà kiến, dục thế gian sử, kiêu mạn sử, nghi sử, vô minh
sử, hoặc gặp sự báo ứng đao gậy đau khổ, tranh tụng với người, khởi bao nhiêu
hạnh bất thiện, khởi các loạn tưởng, hưng hạnh bất thiện. Nếu mắt thấy sắc mà
khởi thức tưởng, ba việc làm nhân cho nhau mà có. Xúc đã có xúc liền có thọ,
đã có thọ liền có sở giác, đã sở giác liền có tưởng, đã có tưởng liền cân
lường nó, khởi bao nhiêu niệm tưởng, chấp trước. Tai nghe tiếng, mũi ngửi mùi,
lưỡi nếm vị, thân lại xúc chạm, ý biết pháp mà khởi thức tưởng, ba việc làm
nhân cho nhau mà có xúc, đã có xúc liền có thọ, đã có thọ liền có giác, đã có
giác liền có tưởng, đã có tưởng liền cân lường chúng, rồi ở trong đó khởi bao
nhiêu thứ niệm tưởng chấp trước. Ðây là tham dục sử, sân nhuế sử, tà kiến sử,
kiêu mạn sử, dục thế gian sử, si sử, nghi sử, tất cả đều khởi lên sự nguy biến
của đao gậy, và bao nhiêu tai biến khác, chẳng thể tính kể. Nếu có người nói
rằng: 'Cũng không có mắt, cũng không có sắc, mà có xúc', việc này không đúng.
Nếu lại có người nói: 'Không có xúc mà có thọ', đây cũng là không đúng. Nếu
nói: 'Không thọ mà có tưởng dính mắc', việc này không đúng. Nếu có người nói:
'Không tai, không tiếng; không mũi, không mùi; không lưỡi, không vị; không
thân, không xúc chạm; không ý, không pháp, mà nói có thức', trọn không có lý
này. Nếu nói không thức mà có xúc, việc này chẳng đúng. Nếu không có xúc mà
nói có thọ, việc này không đúng. Nếu nói không thọ mà có tưởng chấp trước,
việc này không đúng.
- Nếu
lại có người nói có mắt có sắc, trong đó khởi thức; điều này đúng. Nếu nói tai
và tiếng, mũi và mùi, lưỡi và vị, thân và xúc chạm, ý và pháp, ở trong đó khởi
thức; việc này ắt đúng.
-
Chư Hiền nên biết, do nhân duyên
này, đức Thế Tôn mới nói rằng: 'Ðiều luận của Ta, Trời và Người, Ma hay Thiên
ma không thể tới kịp, cũng chẳng dính mắc vào đời, cũng chẳng trụ ở đời. Nhưng
Ta ở nơi dục mà được giải thoát, dứt hồ nghi, không còn do dự'. Thế Tôn nhân
nơi đây thuyết sơ nghĩa này.
- Các
Thầy nếu tâm không hiểu thì hãy đến chỗ Như Lai hỏi lại nghĩa này. Nếu Như Lai
có nói gì, nên nhớ phụng trì.
-
Khi ấy, những Tỳ-kheo nghe
Ca-chiên-diên nói, chẳng nói 'hay' cũng chẳng nói 'không phải', đứng lên mà
đi, tự bảo nhau rằng: 'Chúng ta nên đem nghĩa này đến hỏi Như Lai, nếu Thế Tôn
có nói gì chúng ta sẽ vâng làm'.
-
Rồi những Tỳ-kheo ấy đến chỗ Thế
Tôn cúi lạy chân Phật, ngồi xuống một bên. Bấy giờ các Tỳ-kheo đem việc này
bạch Thế Tôn đầy đủ. Khi ấy Như Lai bảo Tỳ-kheo:
-
- Tỳ-kheo Ca-chiên-diên thông minh
biện tài, đã thuyết rộng nghĩa này. Nếu các Thầy đến chỗ Ta hỏi nghĩa này, Ta
cũng nói với các Thầy như thế.
-
Khi ấy Tôn giả A-nan ở sau lưng Như
Lai. A-nan bạch Phật:
-
- Kinh này nghĩa lý rất sâu xa. Ví
như có người đi đường gặp được cam lồ, lấy mà ăn, rất thơm ngon, ăn không biết
chán. Ðây cũng như thế, thiện nam, thiện nữ, đến nơi nghe pháp này không biết
chán.
-
Và Tôn giả A-nan lại bạch Thế Tôn:
-
- Kinh này tên là gì, phải làm sao
vâng làm?
-
Phật bảo A-nan:
-
- Kinh này tên là 'Cam lồ pháp vị'
hãy nhớ phụng hành.
-
Bấy giờ Tôn giả A-nan nghe Phật dạy
xong, hoan hỉ vâng làm.
- --o0o--
|
|