|
- Thư Viện Chùa Dược Sư
- KINH TẠNG
-
- KINH TRƯỜNG A
HÀM
- Hán Dịch: Phật Ðà Da Xá &
Trúc Phật Niệm
- Việt Dịch: Thích Tuệ Sỹ
-
- PHẦN III
- 27. KINH
SA-MÔN QUẢ
-
- Tôi
nghe như vầy:
- Một thời,
Phật trú tại La-duyệt-kỳ, trong vườn Am-bà của Kỳ Cựu đồng
tử, cùng với Tỳ-kheo một ngàn hai trăm năm mươi người.
- Bấy giờ,
A-xà-thế, con trai bà Vi-đề-hi, vào ngày rằm, lúc trăng
tròn, sai gọi một phu nhân đến, bảo rằng:
- “Đêm nay
trong sáng không khác gì ban ngày. Ta nên làm gì?”
- Phu nhân
tâu:
- “Đêm nay
rằm trăng tròn, như ban ngày không khác. Nên tắm gội sạch
sẽ, cùng các thể nữ hưởng thụ ngũ dục.”
- Vua lại
lệnh gọi thái tử thứ nhất là Ưu-da-bà-đà đến hỏi:
- “Đêm nay
rằm trăng tròn, không khác gì ban ngày. Ta nên làm gì?”
- Thái tử
tâu:
- “Đêm nay
rằm trăng tròn, như ban ngày không khác. Nên tập họp bốn thứ
quân, cùng bàn mưu chinh phạt phản nghịch biên cương, sau đó
trở về cùng hưởng thụ dục lạc.”
- Vua lại
ra lệnh triệu đại tướng Dũng Kiện đến hỏi:
- “Nay ngày
rằm trăng tròn, đêm sáng trong không khác gì ban ngày. Ta
nên làm gì?”
- Đại tướng
tâu:
- “Đêm nay
trong sáng, không khác gì ban ngày, nên tập họp bốn thứ
quân, đi tra xét thiên hạ để biết có sự thuận hay nghịch.”
- Vua lại
sai triệu Bà-la-môn Vũ-xá đến hỏi:
- “Nay ngày
rằm trăng tròn, đêm sáng trong không khác gì ban ngày. Ta
nên đến Sa-môn, Bà-la-môn nào, để có thể khai ngộ tâm ta?”
- Khi ấy
Vũ-xá tâu vua:
- “Đêm nay
trong sáng, không khác ban ngày. Có Bất-lan Ca-diệp, là
người lãnh đạo, đứng đầu chúng lớn, được nhiều người biết
đến, tiếng tăm đồn xa, cũng như biển cả dung nạp được nhiều,
được mọi người cúng dường. Đại vương, nên đến kia thăm
viếng. Nếu Đại vương gặp vị ấy, hoặc giả tâm được khai ngộ.”
- “Vua lại
lệnh gọi em Vũ-xá là Tu-ni-đà đến hỏi: “Nay ngày rằm trăng
tròn, đêm sáng trong không khác gì ban ngày. Ta nên đến
Sa-môn, Bà-la-môn nào, để có thể khai ngộ tâm ta?”
- Khi ấy
Tu-ni-đà tâu vua:
- “Đêm nay
trong sáng, không khác ban ngày. Có Mạt-già-lê Cù-xá-lê, là
người lãnh đạo, đứng đầu chúng lớn, được nhiều người biết
đến, tiếng tăm đồn xa, cũng như biển cả dung nạp được nhiều,
được mọi người cúng dường. Đại vương, nên đến kia thăm
viếng. Nếu Đại vương gặp vị ấy, hoặc giả tâm được khai ngộ.”
- Vua lại
sai triệu Điển tác đại thần đến hỏi:
- “Nay ngày
rằm trăng tròn, đêm sáng trong không khác gì ban ngày. Ta
nên đến Sa-môn, Bà-la-môn nào, để có thể khai ngộ tâm ta?”
- Khi ấy Điển tác đại thần tâu
vua:
- “Đêm nay
trong sáng, không khác ban ngày. Có A-kỳ-đa
Sí-xá-khâm-bà-la, là người lãnh đạo, đứng đầu chúng lớn,
được nhiều người biết đến, tiếng tăm đồn xa, cũng như biển
cả dung nạp được nhiều, được mọi người cúng dường. Đại
vương, nên đến kia thăm viếng. Nếu Đại vương gặp vị ấy, hoặc
giả tâm được khai ngộ.”
- Vua lại
sai triệu tướng thủ thành môn là Già-la đến hỏi:
- “Nay ngày
rằm trăng tròn, đêm sáng trong không khác gì ban ngày. Ta
nên đến Sa-môn, Bà-la-môn nào, để có thể khai ngộ tâm ta?”
- Khi ấy
tướng thủ thành môn là Già-la tâu vua:
- “Đêm nay
trong sáng, không khác ban ngày. Có Bà-phù-đà Già-chiên-na,
là người lãnh đạo, đứng đầu chúng lớn, được nhiều người biết
đến, tiếng tăm đồn xa, cũng như biển cả dung nạp được nhiều,
được mọi người cúng dường. Đại vương, nên đến kia thăm
viếng. Nếu Đại vương gặp vị ấy, hoặc giả tâm được khai ngộ.”
- Vua lại
sai triệu Ưu-đà-di Mạn-đề Tử đến hỏi:
- “Nay ngày
rằm trăng tròn, đêm sáng trong không khác gì ban ngày. Ta
nên đến Sa-môn, Bà-la-môn nào, để có thể khai ngộ tâm ta?”
- Khi ấy
Ưu-đà-di tâu vua:
- “Đêm nay
trong sáng, không khác ban ngày. Có Tán-nhã-di
Tỳ-la-lê-phất, là người lãnh đạo, đứng đầu chúng lớn, được
nhiều người biết đến, tiếng tăm đồn xa, cũng như biển cả
dung nạp được nhiều, được mọi người cúng dường. Đại vương,
nên đến kia thăm viếng. Nếu Đại vương gặp vị ấy, hoặc giả
tâm được khai ngộ.”
- Vua lại
sai triệu em là Vô Úy đến hỏi:
- “Nay ngày
rằm trăng tròn, đêm sáng trong không khác gì ban ngày. Ta
nên đến Sa-môn, Bà-la-môn nào, để có thể khai ngộ tâm ta?”
- Khi ấy Vô
Úy tâu vua:
- “Đêm nay
trong sáng, không khác ban ngày. Có Ni-kiền Tử, là người
lãnh đạo, đứng đầu chúng lớn, được nhiều người biết đến,
tiếng tăm đồn xa, cũng như biển cả dung nạp được nhiều, được
mọi người cúng dường. Đại vương, nên đến kia thăm viếng. Nếu
Đại vương gặp vị ấy, hoặc giả tâm được khai ngộ.”
- Vua lại
sai triệu Thọ Mạng đồng tử đến hỏi:
- “Nay ngày
rằm trăng tròn, đêm sáng trong không khác gì ban ngày. Ta
nên đến Sa-môn, Bà-la-môn nào, để có thể khai ngộ tâm ta?”
- Thọ Mạng
đồng tử tâu:
- “Có Phật,
Thế Tôn, nay đang ở trong vườn xoài của tôi. Đại vương nên
đến đó thăm hỏi. Nếu Đại vương gặp Phật, tâm tất khai ngộ.”
- Vua bèn
sắc lệnh Thọ Mạng:
- “Hãy
thắng kiệu con voi báu mà ta thường cưỡi, cùng với năm trăm
thớt voi trắng.”
- Thọ Mạng
vâng lệnh, cho trang nghiêm con voi của vua cùng với năm
trăm thớt voi xong, tâu vua rằng:
- “Xa giá
đã trang nghiêm. Xin Đại vương biết thời.”
- A-xà-thế
tự mình cưỡi voi báu; cho năm trăm phu nhân cưỡi năm trăm
voi cái, tay mỗi người đều cầm một bó đuốc, thể hiện uy nghi
của vua, ra khỏi La-duyệt-kỳ, chậm rãi tiến đi trên con
đường hướng đến chỗ Phật. Vua bảo Thọ Mạng:
- “Ngươi
nay gạt ta, hãm hại ta, dẫn ta và đại chúng đến cho kẻ thù.”
- Thọ Mạng
tâu:
- “Đại
vương, thần không dám lừa dối Đại vương. Không dám hãm hại
Đại vương, dẫn Đại vương và đại chúng đến cho kẻ thù. Đại
vương cứ tiến về phía trước, tất thu hoạch được phúc khánh.”
- Rồi thì,
tiến tới một quãng ngắn, vua lại bảo Thọ Mạng:
- “Ngươi
nay gạt ta, hãm hại ta, dẫn ta và đại chúng đến cho kẻ thù.”
- Vua nói
ba lần như vậy.
- “Vì sao?
Kia có một ngàn hai trăm năm mươi người, nhưng lại vắng lặng
không tiếng động. Hẳn là có âm mưu rồi.”
- Thọ Mạng
ba lần tâu:
- “Đại
vương, thần không dám lừa dối Đại vương. Không dám hãm hại
Đại vương, dẫn Đại vương và đại chúng đến cho kẻ thù. Đại
vương cứ tiến về phía trước, tất thu hoạch được phúc khánh.
Vì sao? Sa-môn kia theo pháp thường ưa sự thanh vắng, do đó
không có tiếng động. Đại vương cứ tiến tới. Khu vườn đã xuất
hiện.”
- Vua
A-xà-thế đi đến cổng vườn, xuống voi, giải kiếm, cất lọng,
dẹp bỏ năm thứ uy nghi, bước vào cổng vườn, nói với Thọ
Mạng:
- “Phật,
Thế Tôn đang ở đâu?”
- Thọ Mạng
trả lời:
- “Đại
vương, Phật đang ở trên cao đường kia, phía trước Ngài có
ngọn đèn. Thế Tôn ngồi trên tòa sư tử, mặt hướng về phía
Nam. Đại vương đi tới một chút, tự mình gặp Thế Tôn.”
- Bấy giờ,
A-xà-thế đi đến chỗ giảng đường, rửa chân ở bên ngoài, sau
đó mới bước lên giảng đường, im lặng nhìn bốn phía, sanh tâm
hoan hỷ, miệng tự phát lên lời:
- “Nay các
Sa-môn yên tĩnh lặng thinh, đầy đủ chỉ quán. Mong sao thái
tử Ưu-đà-di của tôi cũng chỉ quán thành tựu, như thế này
không khác.”
- Khi ấy, Phật nói với vua
A-xà-thế:
- “Đại
vương nghĩ đến con, nên từ miệng mình phát ra lời: Mong sao
thái tử Ưu-đà-di cũng chỉ quán thành tựu như vậy không khác.
Đại vương hãy ngồi phía trước đó.”
- A-xà-thế
bèn đảnh lễ Phật, rồi ngồi sang một bên, bạch Phật rằng:
- “Nay có
điều muốn hỏi, nếu Ngài có rảnh, tôi mới dám hỏi.”
- Phật nói:
- “Đại
vương, có điều gì muốn hỏi, xin cứ hỏi.”
- A-xà-thế
bạch Phật:
- “Thế Tôn,
như nay người cưỡi voi, xe ngựa, tập luyện đao, mâu, kiếm,
cung tên, binh khí, phép chiến đấu; vương tử, lực sĩ, đại
lực sĩ, tôi tớ, thợ da, thợ hớt tóc, thợ bện tóc, thợ đóng
xe, thợ gốm, thợ đan, thợ dệt cói; mỗi người đều sinh sống
bằng các kỹ thuật khác nhau, tự mình hưởng thụ dục lạc; và
cùng với cha, mẹ, vợ con, nô bộc vui hưởng lạc thú. Các nghề
nghiệp như vậy đều có quả báo hiện tại. Nay các Sa-môn hiện
tại tu hành, được những quả báo hiện tại gì?”
- Phật nói
với vua A-xà-thế:
- “Đại
vương đã từng đến các Sa-môn, Bà-la-môn để hỏi ý nghĩa như
vậy chưa?”
- Vua bạch
Phật:
- “Tôi đã
từng đi đến các Sa-môn, Bà-la-môn để hỏi ý nghĩa như vậy.
- “Nhớ lại,
một thời tôi đến Bất-lan Ca-diệp, hỏi rằng: như người cưỡi
voi, xe ngựa, tập luyện binh pháp. cho đến, bằng các sự mưu
sinh khác nhau, hiện tại có quả báo. Nay chúng đây hiện tại
tu đạo, hiện tại có được quả báo không? Bất-lan Ca-diệp kia
trả lời tôi rằng: Đại vương nếu tự mình làm hay sai bảo
người khác làm. Chặt, bửa, tàn hại, nấu, nướng, cắt, xẻ, não
loạn chúng sanh, khiến cho sầu ưu, than khóc; sát sanh, trộm
cắp, dâm dật, vọng ngữ, trèo tường cướp bóc, phóng lửa thiêu
đốt, chận đường làm chuyện ác. Đại vương, hành động như vậy
không phải là ác. Đại vương, nếu lấy kiếm bén mà lóc thịt
chúng sanh, làm thành một đống thịt, ngập tràn cả thế gian;
đó không phải là sự ác, cũng không tội báo. Ở bờ Nam sông
Hằng, lóc thịt chúng sanh, cũng không có ác báo. Ở phía Bắc
sông Hằng, thiết hội bố thí lớn, bố thí tất cả chúng sanh,
lợi cho tất cả mọi người, cũng không có quả báo của tội
phước .”
- Rồi vua
bạch Phật:
- “Cũng như
một người hỏi về dưa thì trả lời về mận; hỏi mận thì trả lời
dưa. Kia cũng vậy. Tôi hỏi hiện tại có được quả báo không,
nhưng kia trả lời tôi là không có tội phước. Tôi bèn suy
nghĩ rằng: Ta là vua Quán đảnh dòng Sát-lỵ, không duyên cớ
mà lại giết người xuất gia, bắt trói, đuổi đi. Khi ấy, trong
lòng tôi phẫn nộ, suy nghĩ như vậy rồi, bèn bỏ mà đi .”
- Rồi nhà
vua lại bạch Phật:
- “Nhớ lại,
một thời tôi đến Mạt-già-lê Câu-xá-lê, hỏi rằng: như người
cưỡi voi, xe ngựa, tập luyện binh pháp v.v..., cho đến, bằng
các sự mưu sinh khác nhau, hiện tại có quả báo. Nay chúng
đây hiện tại tu đạo, hiện tại có được quả báo không? Kia trả
lời tôi rằng: Đại vương, không có bố thí, không có sự cho,
không có pháp tế tự . Cũng không có thiện ác; không có quả
báo của thiện ác. Không có đời này, không có đời sau. Không
có cha, không có mẹ, không có chư Thiên, không có sự hóa
sanh, không có chúng sanh. Ở đời không có Sa-môn, Bà-la-môn,
bình đẳng hành giả và họ cũng không tự mình chứng ngộ đời
này hay đời sau, rồi phô diễn cho người hay. Những ai nói
có, thảy đều hư dối.
- “Cũng như
một người hỏi về dưa thì trả lời về mận; hỏi mận thì trả lời
dưa. Kia cũng vậy. Tôi hỏi hiện tại có được quả báo không,
nhưng kia trả lời bằng thuyết vô nghĩa. Tôi bèn suy nghĩ
rằng: Ta là vua Quán đảnh dòng Sát-lỵ, không duyên cớ mà lại
giết người xuất gia, bắt trói, đuổi đi. Khi ấy, trong lòng
tôi phẫn nộ, suy nghĩ như vậy rồi, bèn bỏ mà đi.”
- Rồi nhà
vua lại bạch Phật:
- “Một
thời, tôi đến A-kỳ-đa Sí-xá-khâm-bà-la, hỏi rằng: Đại đức,
như người cưỡi voi, ngựa xe, luyện tập binh pháp, cho đến,
các loại mưu sinh khác nhau, đều có quả báo hiện tại. Nay
đây chúng hội này hiện tại tu đạo, hiện tại có được quả báo
không? Kia trả lời tôi rằng: Con người lãnh thọ bốn đại, khi
mạng chung, đất trở về đất, nước trở về nước, lửa trở về
lửa, gió trở về gió; thảy đều hư rã, các căn trở về hư
không. Khi người chết, nhà đồ khiêng xác để trong bãi tha
ma, lửa đốt cháy thành xương như màu bồ câu, hoặc biến thành
tro đất. Hoặc ngu, hoặc trí, đến lúc mạng chung, thảy đều hư
rã, là pháp đoạn diệt .
- “Cũng như
một người hỏi về dưa thì trả lời về mận; hỏi mận thì trả lời
dưa. Kia cũng vậy. Tôi hỏi hiện tại có được quả báo không,
nhưng kia trả lời bằng thuyết đoạn diệt. Tôi bèn suy nghĩ
rằng: Ta là vua Quán đảnh dòng Sát-lỵ, không duyên cớ mà lại
giết người xuất gia, bắt trói, đuổi đi. Khi ấy, trong lòng
tôi phẫn nộ, suy nghĩ như vậy rồi, bèn bỏ mà đi.”
- Rồi nhà
vua lại bạch Phật:
- “Một
thời, tôi đến Ba-phù-đà Già-chiên-diên, hỏi rằng: Đại đức,
như người cưỡi voi, ngựa xe, luyện tập binh pháp, cho đến,
các loại mưu sinh khác nhau, đều có quả báo hiện tại. Nay
đây chúng hội này hiện tại tu đạo, hiện tại có được quả báo
không? Kia trả lời tôi rằng: Không có lực, không có tinh
tấn, con người không sức mạnh, không phương tiện. Chúng sanh
nhiễm trước không do nhân gì hay duyên gì. Chúng sanh thanh
tịnh không do nhân gì hay duyên gì. Hết thảy chúng sanh,
những loài có mạng, thảy đều không sức mạnh, không được tự
tại, không có cái gì được gọi là oán là thù, ở trong sáu
sanh loại mà thọ các khổ hay lạc.
- “Cũng như
một người hỏi về dưa thì trả lời về mận; hỏi mận thì trả lời
dưa. Kia cũng vậy. Tôi hỏi hiện tại có được quả báo không,
nhưng kia trả lời bằng thuyết Vô lực. Tôi bèn suy nghĩ rằng:
Ta là vua Quán đảnh dòng Sát-, lỵ, không duyên cớ mà lại
giết người xuất gia, bắt trói, đuổi đi. Khi ấy, trong lòng
tôi phẫn nộ, suy nghĩ như vậy rồi, bèn bỏ mà đi.”
- Rồi nhà
vua lại bạch Phật:
- “Một
thời, tôi đến Tán-nhã Tỳ-la-lê Tử, hỏi rằng: Đại đức, như
người cưỡi voi, ngựa, xe, luyện tập binh pháp, cho đến, các
loại mưu sinh khác nhau, đều có quả báo hiện tại. Nay đây
chúng hội này hiện tại tu đạo, hiện tại có được quả báo
không? Kia trả lời tôi rằng: Đại vương, hiện tại có quả báo
của Sa-môn. Hỏi như vậy, đáp sự việc ấy như vậy. Sự việc này
là thật, sự việc này là khác; sự việc này không phải khác
cũng không phải không khác. Đại vương, hiện tại không có quả
báo của Sa-môn. Hỏi như vậy, đáp sự việc ấy như vậy; sự việc
này là thật, sự việc này là khác; sự việc này không phải
khác cũng không phải không khác. Đại vương, hiện tại vừa có
vừa không có quả báo của Sa-môn. Hỏi như vậy, đáp sự việc ấy
như vậy; sự việc này là thật, sự việc này là khác; sự việc
này không phải khác cũng không phải không khác. Đại vương,
hiện tại không phải có cũng không phải không có quả báo của
Sa-môn. Hỏi như vậy, đáp sự việc ấy như vậy; sự việc này là
thật, sự việc này là khác; sự việc này không phải khác cũng
không phải không khác. Hỏi như vậy, đáp sự việc ấy như vậy;
sự việc này là thật, sự việc này là khác; sự việc này không
phải khác cũng không phải không khác. Thế Tôn, cũng như một
người hỏi về dưa thì trả lời về mận; hỏi mận thì trả lời
dưa. Kia cũng vậy. Tôi hỏi hiện tại có được quả báo không,
nhưng kia trả lời bằng thuyết dị luận. Tôi bèn suy nghĩ
rằng: Ta là vua Quán đảnh dòng Sát-lỵ, không duyên cớ mà lại
giết người xuất gia, bắt trói, đuổi đi. Khi ấy, trong lòng
tôi phẫn nộ, suy nghĩ như vậy rồi, bèn bỏ mà đi.”
- Rồi nhà
vua lại bạch Phật:
- “Một
thời, tôi đến Ni-kiền Tử, hỏi rằng: Đại đức, như người cưỡi
voi, ngựa xe, luyện tập binh pháp, cho đến, các loại mưu
sinh khác nhau, đều có quả báo hiện tại. Nay đây chúng hội
này hiện tại tu đạo, hiện tại có được quả báo không? Kia trả
lời tôi rằng: Đại vương, tôi là bậc Nhất thiết trí, là người
thấy tất cả, biết thấu suốt không sót. Hoặc đi, hoặc đứng,
hoặc nằm, hoặc ngồi, hoặc ngủ, hoặc thức, bất cứ lúc nào,
trí thường hiện tiền. Thế Tôn, cũng như một người hỏi về dưa
thì trả lời về mận; hỏi mận thì trả lời dưa. Kia cũng vậy.
Tôi hỏi hiện tại có được quả báo không, nhưng kia trả lời
bằng thuyết dị luận. Tôi bèn suy nghĩ rằng: Ta là vua Quán
đảnh dòng Sát-lỵ, không duyên cớ mà lại giết người xuất gia,
bắt trói, đuổi đi. Khi ấy, trong lòng tôi phẫn nộ, suy nghĩ
như vậy rồi, bèn bỏ mà đi.
- “Thế Tôn, hôm nay tôi đến
đây để hỏi ý nghĩa như vầy: như người cưỡi voi, ngựa xe,
luyện tập binh pháp, cho đến, các loại mưu sinh khác nhau,
đều có quả báo hiện tại. Nay đây Sa-môn hiện tại tu đạo,
hiện tại có được quả báo không?”
- Phật nói
với vua A-xà-thế:
- “Nay Ta
trở lại hỏi Đại vương, xin tùy ý trả lời. Thế nào, Đại
vương, có đồng bộc của Đại vương, người làm các công việc
trong và ngoài, đều thấy Đại vương vào ngày rằm, lúc trăng
tròn, tắm gội sạch sẽ, ở trên điện cao cùng hưởng thụ dục
lạc với các thể nữ, bèn suy nghĩ như vầy: Lạ thay, quả báo
của hành vi đến như thế sao? Vua A-xà-thế này vào ngày rằm,
lúc trăng tròn, tắm gội sạch sẽ, ở trên điện cao cùng hưởng
thụ dục lạc với các thể nữ. Ai có thể biết được đấy lại là
quả báo của hành vi? Người kia, một thời gian sau, cạo bỏ
râu tóc, mặc ba pháp y, xuất gia tu đạo, thực hành pháp bình
đẳng. Thế nào, Đại vương, Đại vương từ xa thấy người ấy đi
đến, há có khởi lên ý nghĩ rằng: Đấy là nô bộc của ta?”
- Vua bạch
Phật:
- “Không,
bạch Thế Tôn. Nếu thấy người ấy đến, phải đứng dậy nghinh
đón, mời ngồi.”
- Phật nói:
- “Đó không
phải là Sa-môn được quả báo hiện tại sao?”
- Vua đáp:
“Đúng như vậy, Thế Tôn, đó là hiện tại được quả báo Sa-môn
vậy”.
- “Lại nữa,
Đại vương, có người khách cư ngụ trong cương giới của Đại
vương, ăn thóc lúa mà Đại vương ban cho. Người ấy thấy Đại
vương vào ngày rằm trăng tròn, tắm gội sạch sẽ, ở trên điện
cao cùng các thể nữ vui thú ngũ dục, bèn nghĩ thầm rằng: Lạ
thay, quả báo của hành vi kia đến như vậy sao? Ai có thể
biết đó là quả báo của hành vi? Một thời gian sau, người ấy
cạo bỏ râu tóc, mặc ba pháp y, xuất gia tu đạo, hành bình
đẳng pháp. Thế nào, Đại vương? Nếu Đại vương từ xa thấy
người ấy đi đến, có khởi lên ý nghĩ rằng; Người ấy là khách
dân của Ta, ăn thóc lúa mà Ta ban cho hay không?”
- Vua nói:
“Không. Nếu tôi thấy người ấy từ xa đến, tôi sẽ đứng dậy
nghinh đón, chào hỏi, mời ngồi”.
- “Thế nào,
Đại vương, đó không phải là Sa-môn hiện tại được quả báo
chăng?”
- Vua nói:
“Đúng như vậy, hiện tại được quả báo của Sa-môn vậy”.
- “Lại nữa,
Đại vương, Như Lai, Chí Chân, Đẳng Chánh Giác xuất hiện ở
đời, vào trong pháp Ta, cho đến tam minh, diệt trừ các tối
tăm, phát sanh ánh sáng đại trí, gọi là lậu tận trí chứng.
Vì sao? Ầy là do tinh cần, chuyên niệm không quên, ưa sống
một mình nơi thanh vắng, không buông lung vậy. Thế nào, Đại
vương, đó không phải là quả báo hiện tại của Sa-môn sao?”
- Vua đáp:
“Thật vậy, Thế Tôn, đó thật là quả báo hiện tại của Sa-môn”.
- Bấy giờ,
vua A-xà-thế rời chỗ ngồi đứng dậy, đầu mặt lễ chân Phật,
bạch Phật rằng:
- “Cúi mong
Thế Tôn nhận sự hối hận của con. Con vì cuồng, ngu si, tối
tăm, không nhận thức. Cha con là Bình-sa vương, vua nước
Ma-kiệt-đà, cai trị bằng chánh pháp, không có thiên vạy.
Nhưng con bị ngũ dục mê hoặc, thật sự đã hại phụ vương. Cúi
mong Thế Tôn rũ lòng thương xót, nhận sự sám hối của con.”
- Phật bảo
vua:
- “Ngươi
ngu si, không nhận thức. Nhưng đã tự mình hối cải. Ngươi vì
mê say ngũ dục mà hại phụ vương. Nay trong pháp Hiền thánh
mà biết hối cải, tức là tự làm ích lợi cho mình. Ta vì
thương tưởng ngươi, nhận sự sám hối của ngươi.”
- Bấy giờ,
vua A-xà-thế sau khi lễ Phật, được Phật giảng pháp cho nghe,
được chỉ bày, khuyến khích, làm cho ích lợi, hoan hỷ. Sau
khi nghe những điều Phật dạy, vua liền bạch Phật:
- “Con nay
quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng. Xin chấp nhận con là
Ưu-bà-tắc trong Chánh pháp. Từ nay về sau, suốt đời không
giết, không trộm, không dâm, không dối, không uống rượu. Cúi
mong Thế Tôn cùng đại chúng sáng ngày mai nhận lời thỉnh của
con.”
- Bấy giờ,
Thế Tôn im lặng nhận lời. Rồi thì, vua thấy Phật im lặng
nhận lời, liền đứng dậy lễ Phật, đi quanh ba vòng sau đó cáo
lui.
- Vua đi
chưa bao lâu, Phật nói với các Tỳ-kheo rằng:
- “Vua
A-xà-thế này, tội lỗi đã vơi bớt, đã nhổ trọng tội. Nếu
A-xà-thế không giết cha, thì ngay tại chỗ này đã được con
mắt thanh tịnh thấy pháp. Nhưng vua A-xà-thế nay đã hối lỗi,
tội lỗi đã vơi bớt, đã nhổ trọng tội.”
- Bấy giờ,
A-xà-thế, đang trên đường đi, gọi Thọ Mạng đồng tử bảo rằng:
- “Lành
thay, lành thay! Ngươi nay làm được nhiều điều lợi ích cho
ta. Ngươi trước đã tán thán Như Lai, chỉ dẫn, khơi mở, sau
đó đưa ta đến gặp Thế Tôn, nhờ thế ta được khai ngộ. Ta rất
cám ơn ngươi, trọn không bao giờ quên.”
- Rồi thì,
vua trở về cung sửa soạn các món hào soạn, các loại thức ăn.
Sáng hôm sau, khi đã đến giờ, báo Đức Thánh biết đã đến giờ.
- Bấy giờ,
Thế Tôn khoác y cầm bát, cùng với chúng đệ tử một ngàn hai
trăm năm mươi người, đi đến vương cung, ngồi trên chỗ ngồi
dọn sẵn. Rồi, vua tự tay châm chước, cúng Phật và Tăng. Ắn
xong, cất bát, dùng nước rửa xong, vua đảnh lễ Phật, bạch
rằng:
- “Con nay
ba lần xin sám hối. Con vì cuồng dại, ngu si, tối tăm, không
nhận thức. Cha con là Bình-sa vương, vua nước Ma-kiệt-đà,
cai trị bằng chánh pháp, không có thiên vạy. Nhưng con vì mê
say ngũ dục, thật sự đã hại phụ vương. Cúi mong Thế Tôn rủ
lòng thương xót, nhận sự sám hối của con.”
- Phật bảo
vua:
- “Ngươi
ngu si, không nhận thức. Ngươi vì mê say ngũ dục mà hại phụ
vương. Nay trong pháp Hiền thánh mà biết hối cải, tức là tự
làm ích lợi cho mình. Ta vì thương tưởng ngươi, nhận sự sám
hối của ngươi.”
- Rồi thì,
sau khi đảnh lễ Phật, vua lấy một ghế nhỏ ngồi trước Phật.
Phật giảng pháp cho vua nghe, chỉ bày, khuyến khích, khiến
cho được ích lợi, hoan hỷ. Sau khi nghe Phật dạy, vua lại
bạch Phật:
- “Con nay
ba lần xin quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng. Cúi mong nhận
con làm Ưu-bà-tắc trong Chánh pháp. Từ nay cho đến trọn đời,
không giết, không trộm, không tà dâm, không dối, không uống
rượu.”
- Bấy giờ,
Thế Tôn sau khi giảng pháp cho vua nghe, chỉ bày, khuyến
khích, khiến cho được ích lợi, hoan hỷ, bèn rời chỗ ngồi ra
về.
- Vua
A-xà-thế và Thọ Mạng đồng tử sau khi nghe những điều Phật
dạy, hoan hỷ phụng hành.
- --o0o--
|
|