- KINH TRUNG A HÀM
Hán Dịch: Phật
Ðà Da Xá & Trúc Phật Niệm
Việt dịch: Thích Tuệ Sỹ
|
- 3-
PHẨM XÁ LÊ TỬ TƯƠNG ƯNG
- Tôi
nghe như vầy:
- Một thời Phật
du hóa tại nước Xá-vệ, ở trong rừng Thắng lâm, vườn Cấp cô
độc.
- Bấy giờ Tôn giả
Xá-lê Tử[02]
cùng chúng Tỳ-kheo vân tập tại giảng đường[03]
vào ban đêm, nhân đem các nội kết sử[04]
và ngoại kết sử[05]
mà phân biệt nghĩa lý cho các Tỳ-kheo.
- “Này chư Hiền,
trên đời quả thật có hai hạng người. Những gì là hai? Đó là
người có nội kết sử, bậc A-na-hàm, không trở lại thế gian này,
và người có ngoại kiết sử, không phải là bậc A-na-hàm, sẽ còn
trở lại thế gian này.
- “Này chư Hiền,
thế nào là người có nội kết sử, bậc A-na-hàm, không còn trở
lại thế gian này?
- Nếu có người tu
tập các giới cấm, không bị thủng, không sứt mẻ, không ô uế,
không vẩn đục, hoàn toàn không thể chỉ trích, được bậc Thánh
khen ngợi, khéo tu, khéo đầy đủ. Vị ấy nhân tu tập giới cấm,
không bị thủng, không sứt mẻ, không ô uế, không vẩn đục, hoàn
toàn không thể chỉ trích, được bậc Thánh khen ngợi, khéo tu,
khéo đầy đủ, nên lại học nhàm tởm dục, không dục và đoạn dục.
Nhân học nhàm tởm dục, không dục và đoạn dục mà chứngđược tịch
tịnh tâm giải thoát[06].
Sau khi chứng đắc như vậy, trong cảm thọ lạc mà mến tiếc,
không chịu xa lìa, trong đời hiện tại không được cứu cánh trí,
khi thân hoại mạng chung vượt qua các cõi trời Đoàn thực[07]
sanh về các cõi ý sanh khác[08].
Khi sanh về các nơi ấy rồi, vị ấy suy nghĩ thế này: ‘Ta trước
kia còn làm người[09],
lúc ấy tu tập các giới cấm, không bị thủng, không sứt mẻ,
không ô uế, không vẩn đục, hoàn toàn không thể chỉ trích, được
bậc Thánh khen ngợi, khéo tu, khéo đầy đủ. Nhân tu tập giới
cấm, không bị thủng, không sứt mẻ, không ô uế, không vẩn đục,
hoàn toàn không thể chỉ trích, được bậc Thánh khen ngợi, khéo
tu, khéo đầy đủ, nên lại học nhàm tởm dục, không dục và đoạn
dục. Nhân học nhàm tởm dục, không dục và đoạn dục mà chứng
được tịch tịnh tâm giải thoát. Sau khi chứng đắc như vậy,
trong cảm thọ lạc mà mến tiếc, không chịu xa lìa, trong đời
hiện tại không được cứu cánh trí, khi thân hoại mạng chung
vượt qua các cõi trời Đoàn thực, sanh về các cõi ý sanh khác,
và đang ở nơi đây[10].
- “Này chư Hiền,
lại có một hạng người tu tập giới cấm không rách nát, không bị
thủng, không sứt mẻ, không ô uế, không vẩn đục, hoàn toàn
không thể chỉ trích, được bậc Thánh khen ngợi, khéo tu, khéo
đầy đủ. Vị ấy nhân tu tập giới cấm, không bị thủng, không sứt
mẻ, không ô uế, không vẩn đục, hoàn toàn không thể chỉ trích,
được bậc Thánh khen ngợi, khéo tu, khéo đầy đủ, nên lại học
tập nghiệp đoạn trừ sắc hữu, đoạn trừ tham[11],
học xả ly dục. Nhân học tập nghiệp đoạn trừ sắc hữu, đoạn trừ
tham, học xả ly dục, mà chứng được tịch tịnh tâm giải thoát.
Sau khi chứng đắc như vậy, trong cảm thọ lạc mà mến tiếc,
không chịu xa lìa, trong đời hiện tại không được cứu cánh trí,
khi thân hoại mạng chung vượt qua các cõi trời Đoàn thực, sanh
về các cõi ý sanh khác. Khi sanh về các nơi ấy rồi, vị ấy suy
nghĩ thế này: ‘Ta trước kia còn làm người, lúc ấy tu tập các
giới cấm, không bị thủng, không sứt mẻ, không ô uế, không vẩn
đục, hoàn toàn không thể chỉ trích, được bậc Thánh khen ngợi,
khéo tu, khéo đầy đủ. Nhân tu tập giới cấm, không bị thủng,
không sứt mẻ, không ô uế, không vẩn đục, hoàn toàn không thể
chỉ trích, được bậc Thánh khen ngợi, khéo tu, khéo đầy đủ, nên
lại học tập nghiệp đoạn trừ sắc hữu, đoạn trừ tham; học tập xả
ly dục. Nhân học tập nghiệp đoạn trừ sắc hữu, đoạn trừ tham,
học xả ly dục, mà chứng được tịch tịnh tâm giải thoát. Sau khi
chứng đắc như vậy, trong cảm thọ lạc mà mến tiếc, không chịu
xa lìa, trong đời hiện tại không được cứu cánh trí, khi thân
hoại mạng chung vượt qua các cõi trời Đoàn thực, sanh về các
cõi ý sanh khác, và đang ở nơi đây.
- “Này chư Hiền,
thế nào là người có ngoạïi kết sử, không phải A-na-hàm, còn
trở lại thế gian này? Nếu có người tu tập các giới cấm, thủ hộ
biệt giải thoát luật nghi[12],
lại còn khéo thâu nhiếp các oai nghi lễ tiết[13],
thấy những tội lỗi nhỏ nhặt cũng thường sanh tâm lo sợ, thọ
trì học giới. Này chư Hiền, đó là người có ngoại kết sử, không
phải A-na-hàm, sẽ còn trở lại thế gian này”.
- Bấy giờ, một số
đông thiên chúng Đẳng tâm[14],
sắc tượng vời vợi, ánh sáng rực rỡ, lúc đêm gần tàn, đi đến
chỗ Phật, cúi đầu làm lễ rồi đứng sang một bên, bạch rằng:
- “Bạch Thế Tôn,
Tôn giả Xá-lê Tử, đêm qua cùng chúng Tỳ-kheo vân tập tại giảng
đường, nhân đem nội kết sử và ngoại kết sử mà phân biệt nghĩa
lý cho các Tỳ-kheo nghe như vầy: ‘Này chư Hiền, trên đời quả
thật có hai hạng người: người có nội kết sử và người có ngoại
kết sử.’ Bạch Thế Tôn, Đại chúng đã hoan hỷ, cúi mong Thế Tôn
từ bi thương xót mà đến nơi giảng đường.”
- Lúc đó Thế Tôn
im lặng nhận lời chư Thiên Đẳng tâm. Chư Thiên Đẳng tâm biết
Thế Tôn đã im lặng nhận lời, cúi đầu đảnh lễ sát chân Phật,
nhiễu quanh ba vòng rồi biến mất khỏi chỗ đó.
- Không bao lâu,
sau khi chư Thiên Đẳng tâm đi khỏi, Đức Thế Tôn đi đến giảng
đường, trải chỗ ngồi mà ngồi trước chúng Tỳ-kheo. Sau khi ngồi
xong, Đức Thế Tôn khen rằng:
- “Lành thay,
lành thay! Xá-lê Tử, thầy thật rất khéo léo. Vì sao thế? Vì
đêm qua, thầy và chúng Tỳ-kheo vân tập tại giảng đường, nhân
đem nội kết sử và ngoại kết sử mà phân biệt nghĩa lý cho các
Tỳ-kheo nghe như vầy: ‘Này chư Hiền, trên đời quả thật có hai
hạng người, người có nội kết sử và người có ngoại kết sử’.
- “Xá-lê Tử, lúc
đêm gần tàn, chư Thiên Đẳng tâm đi đến chỗ Ta, cúi đầu làm lễ
rồi đứng sang một bên, bạch rằng:
- “– Bạch Thế
Tôn, Tôn giả Xá-lê Tử, đêm qua cùng chúng Tỳ-kheo vân tập tại
giảng đường, nhân đem nội kết sử và ngoại kết sử mà phân biệt
nghĩa lý cho các Tỳ-kheo nghe như vầy: ‘Này chư Hiền, trên đời
quả thật có hai hạng người: người có nội kết sử và người có
ngoại kết sử’. Bạch Thế Tôn, Đại chúng đã hoan hỷ, cúi mong
Thế Tôn từ bi thương xót mà đến nơi giảng đường.
- “Xá-lê Tử, Ta
im lặng nhận lời chư Thiên Đẳng tâm. Chư Thiên Đẳng tâm biết
Ta đã im lặng nhận lời, cúi đầu đảnh lễ sát chân Ta, nhiễu
quanh ba vòng rồi biến mất khỏi chỗ đó.
- “Xá-lê Tử, chư
Thiên Đẳng tâm kia hoặc có mười hay hai mươi vị, hoặc ba mươi
hay bốn mươi vị, hoặc năm mươi hay sáu mươi vị, cùng đứng trên
đầu mũi dùi vẫn chẳng ngại chướng ngại lẫn nhau. Này Xá-lê Tử,
chư Thiên Đẳng tâm chẳng phải sanh ra trong cõi ấy, nhưng do
tụ tập thiện tâm rất rộng rất lớn cho nên chư Thiên Đẳng tâm
hoặc có mười hay hai mươi vị hoặc ba mưoi hay bốn mươi vị,
hoặc năm mươi hay sáu mươi vị, cùng đứng trên đầu mũi dùi vẫn
chẳng ngại lẫn nhau. Này Xá-lê Tử, chư Thiên Đẳng tâm không
phải sanh trong cõi trời này rồi mới bắt đầu tu thiện tâm, với
tâm cực kỳ rộng lớn, khiến cho chư thiên Đẳng tâm cùng đứng
trên đầu mũi dùi vẫn chẳng ngại lẫn nhau. Này Xá-lê Tử, chư
Thiên Đẳng tâm trước kia khi còn là loài người đã tu tập thiện
tâm rất rộng, rất lớn, do đó nên khiến chư Thiên Đẳng tâm hoặc
có mười hay hai mươi vị, hoặc ba mươi hay bốn mươi vị, hoặc
năm mươi hay sáu mươi vị, cùng đứng trên đầu mũi dùi vẫn chẳng
chướng ngại lẫn nhau.
- “Do đó, này
Xá-lê Tử, nên học pháp tịch tĩnh, các căn tịch tĩnh, tâm ý
tịch tĩnh, ba nghiệp thân, khẩu ý tịch tĩnh, hướng về Đấng Thế
Tôn và các vị phạm hạnh có trí. Này Xá-lê Tử, các hàng dị học
dối trá, luôn luôn suy tổn, vĩnh viễn lầm lạc. Vì sao vậy? Vì
không đượïc nghe diệu pháp như thế này”.
- Phật thuyết như
vậy. Các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.
-
-
Chú Thích:
-
[01] Bản Hán, quyển
5. Tương đương Pāli: A.II. 46. Samacittā.
-
[02] Xá-lê Tử.
Pāli: Sāriputta.
-
[03] Bản Pāli:
Pubbārāme Migāramātupāsāde, trong giảng đường của bà
Migāramātu, khu vườn phía Đông (Đông viên Lộc Tử Mẫu giảng
đường).
-
[04] Hán: nội kết. Pāli: ajjhattasayojana, sự ràng buộc nội tâm.
-
[05] Hán: ngoại kết. Pāli: bahiddhāsayojana.
-
[06] Hán: tức tâm
giải thoát. Pāli: santacitovimutti, tâm tịch tĩnh
(vắng lặng) giải thoát.
-
[07] Hán: Đoàn thực
thiên. Pāli: Kabalikārahārabhakkha-deva. Chỉ các cõi
trời thuộc về Dục giới, ở đây còn phải nuôi sống bằng thực
phẩm vật chất.
-
[08] Ý sanh thiên, cõi trời ý sanh, chỉ cho các trời Sắc giới mà một vị
A-na-hàm thác sinh. Nhưng, bản Pāli tương đương: aññataau
devanikāya upajjati, vị ấy sinh một cõi trời khác.
-
[09] Nghĩa là còn ở
Dục giới.
-
[10] Một vị thượng
lưu A-na-hàm, sau khi đã đoạn trừ năm hạ phần kết, nhưng do vị
ngọt trong cảm thọ lạc của các sắc giới tịnh lự vị ấy lần lượt
thác sanh từ cõi trời Phạm thiên của Sơ thiền, cho tới khi
thác sanh đến Sắc cứu cánh của Tứ thiền ở đó mà nhập Niết-bàn
(Xem Đại Tỳ-bà-sa 17, Đại 27, tr, 875c).
-
[11] Chỉ đoạn trừ
tham ái dẫn tái sanh Sắc giới.
-
[12] Hán: thủ hộ tùng
giải thoát, thường được nói là biệt giải thoát luật
nghi. Pāli: pātimokkhasasarasavuto, được thủ hộ bằng sự
phòng hộ của Pātimokkha.
-
[13] Hán: thiện nhiếp
oai nghi lễ tiết. Pāli: ācāragocarasampanno, đầy
đủ oai nghi chánh hạnh.
-
[14] Đẳng tâm thiên. Pāli: Samacittādevartā.
|