KINH TRUNG A HÀM
Hán Dịch: Phật Ðà Da Xá & Trúc Phật Niệm
Việt dịch: Thích Tuệ Sỹ
03- PHẨM XÁ LÊ TỬ TƯƠNG

 

 

          Tôi nghe như vầy:
         Một thời Phật du hóa tại thành Vương xá trong rừng Trúc, vườn Ca-lan-đa, cùng chúng Đại Tỳ-kheo an cư mùa mưa.
          Bấy giờ Tôn giả Xá-lê Tử đang ở nước Xá-vệ cũng an cư mùa mưa.
          Lúc ấy, có một Tỳ-kheo ở thành Vương xá, sau khi trải qua ba tháng an cư mùa mưa xong, vá sửa lại các y, rồi xếp y, ôm bát từ thành Vương xá đi đến nước Xá-vệ, ở trong rừng Thắng lâm, vườn Cấp cô độc.
          Tỳ-kheo ấy đi đến chỗ Tôn giả Xá-lê Tử, cúi đầu đảnh lễ dưới chân  rồi ngồi sang một bên.
          Tôn giả Xá-lê Tử hỏi:
         “Này Hiền giả, Thế Tôn an cư tại thành Vương xá. Thánh thể có được an khang khỏe mạnh, không bệnh tật, đi lại thoải mái, khí lực bình thường không?”
          Vị Tỳ-kheo đáp:
          “Thật vậy, bạch Tôn giả Xá-lê Tử. Thế Tôn an cư tại thành Vương xá. Thánh thể được an khang khỏe mạnh, không bệnh tật, đi lại thoải mái và khí lực bình thường”.
          Lại hỏi:
          “Này Hiền giả, đại chúng Tỳ-kheo và đại chúng Tỳ-kheo-ni an cư mùa mưa tại thành Vương xá; Thánh thể có được an khang khỏe mạnh, không bệnh tật, đi lại thoải mái, khí lực bình thường không? Có thường xuyên thăm viếng Đức Phật và mong muốn được nghe pháp không?”
         Đáp:
         “Thật vậy, bạch Tôn giả Xá-lê Tử. Đại chúng Tỳ-kheo và đại chúng Tỳ-kheo-ni an cư mùa mưa tại thành Vương xá; Thánh thể an khang khỏe mạnh, không bệnh tật, đi lại thoải mái, khí lực bình thường. Có thường xuyên thăm viếng Đức Phật và mong muốn được nghe pháp”.
          Lại hỏi:
         “Này Hiền giả, chúng Ưu-bà-tắc và chúng Ưu-bà-di trú tại thành Vương xá, thân thể có được an khang khỏe mạnh, không bệnh tật, đi lại thoải mái, khí lực bình thường không? Có thường xuyên thăm viếng Đức Phật và mong muốn được nghe pháp không?”
         Đáp:
         “Thật vậy, thưa Tôn giả Xá-lê Tử. Chúng Ưu-bà-tắc và chúng Ưu-bà-di trú tại thành Vương xá, thân thể có được an khang khỏe mạnh, không bệnh tật, đi lại thoải mái, khí lực bình thường. Có thường xuyên thăm viếng Đức Phật và mong muốn được nghe pháp”.
          Lại hỏi:
          “Này Hiền giả, tất cả các Sa-môn, Phạm chí dị học an cư mùa mưa tại thành Vương xá, thân thể có được an khang khỏe mạnh, không bệnh tật, đi lại thoải mái, khí lực bình thường không? Có thường xuyên thăm viếng Đức Phật và mong muốn được nghe pháp không?”
          Trả lời rằng:
         “Thật vậy, thưa Tôn giả Xá-lê Tử, tất cả các Sa-môn, Phạm chí dị học an cư mùa mưa tại thành Vương xá, thân thể có được an khang khỏe mạnh, không bệnh tật, đi lại thoải mái, khí lực bình thường. Có thường xuyên thăm viếng Đức Phật và mong muốn được nghe pháp”.
          Lại hỏi rằng:
          “Này Hiền giả, tại thành Vương xá có một Phạm chí tên là Đà-nhiên[02], vốn là bạn của tôi trước kia tôi chưa xuất gia[03]; Hiền giả có biết vị ấy không?”
          Trả lời rằng:
          “Thưa có biết”.
          Lại hỏi rằng:
          “Hiền giả, Phạm chí Đà-nhiên ở thành Vương xá, thân thể có được an khang khỏe mạnh, không bệnh tật, đi lại thoải mái, khí lực bình thường không? Có thường xuyên thăm viếng Đức Phật và mong muốn được nghe pháp không?”
          Đáp:
         “Tôn giả Xá-lê Tử, Phạm chí Đà-nhiên ở thành Vương xá thân thể an khang khỏe mạnh, không bệnh tật, đi lại thoải mái, khí lực bình thường, nhưng không muốn thăm viếng Đức Phật và không ưa nghe pháp”.
          “Vì sao thế?”
           “Tôn giả Xá-lê Tử, Phạm chí Đà-nhiên không tinh tấn, phạm vào các cấm giới. Ông ấy dựa thế vua để dối gạt[04] các Phạm chí, cư sĩ; dựa thế các Phạm chí, cư sĩ để dối gạt vua[05]“.
          Tôn giả Xá-lê Tử nghe rồi, và ba tháng an cư mùa mưa ở nước Xá-vệ đã qua, sau khi vá sửa các y, ngài xếp y, ôm bát từ nước Xá-vệ đi đến thành Vương xá, ở trong rừng Trúc, vườn Ca-lan-đa.
          Bấy giờ đêm đã qua, vào lúc sáng sớm, Tôn giả Xá-lê Tử, khoac y, ôm bát vào thành Xá-vệ lần lượt đi khất thực. Sau khi khất thực xong, ngài đi đến nhà của Phạm chí Đà-nhiên.
          Lúc ấy, Phạm chí Đà-nhiên từ nhà đi ra, đến bên bờ suối, đang hành hạ cư dân[06]. Phạm chí Đà-nhiên từ xa trông thấy Tôn giả Xá-lê Tử, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, trịch vai sửa áo, chắp tay hướng đến Tôn giả giả Xá-lê Tử mà tán thán rằng:
          “Kính chào Xá-lê Tử, đã lâu lắm rồi Xá-lê Tử không đến đây”.
          Rồi Phạm chí Đà-nhiên, với lòng cung kính, ôm Tôn giả Xá-lê Tử dìu vào nhà, trải giường đẹp mà mời ngồi. Tôn giả Xá-lê Tử liền ngồi trên giường đó. Phạm chí Đà-nhiên thấy Tôn giả Xá-lê Tử đã ngồi xuống, liền bưng một cái chậu sữa bằng vàng[07] mời Tôn giả Xá-lê Tử ăn. Tôn giả Xá-lê Tử nói:
          “Thôi, thôi, Đà-nhiên, chỉ trong lòng vui là đủ”.
          Phạm chí Đà-nhiên lặp lại ba lần mời ăn. Tôn giả Xá-lê Tử cũng ba lần nói rằng:
          “Thôi, thôi, Đà-nhiên, chỉ trong lòng vui là đủ”.
          Lúc đó Phạm chí Đà-nhiên nói rằng:
          “Xá-lê Tử, cớ gì vào nhà như thế này mà chẳng chịu ăn?”
          Đáp:
          “Này Đà-nhiên, ông không tinh tấn lại phạm vào các giới cấm. Dựa thế vào vua để dối gạt Phạm chí, Cư sĩ; dựa thế Phạm chí, Cư sĩ để dối gạt vua”.
          Phạm chí Đà-nhiên trả lời rằng:
          “Xá-lê Tử, nên biết, nay tôi còn sống tại gia, lấy gia nghiệp làm bổn phận. Tôi còn phải lo cho mình được an ổn, cung cấp cha mẹ, săn sóc vợ con, cung cấp nô tỳ, phải nộp thuế cho vua, thờ tự thiên thần, cúng tế tổ tiên, và còn phải bố thí cho các Sa-môn, Phạm chí để sau này còn được sanh lên các cõi trời, mong được trường thọ, được quả báo an lạc. Xá-lê Tử, các việc ấy không thể nào bỏ đi, một mực theo đúng pháp”.
          Bấy giờ Tôn giả Xá-lê Tử bảo rằng:
          “Này Đà-nhiên, nay tôi hỏi ông, tùy theo sự hiểu biết mà trả lời. Phạm chí Đà-nhiên, ông nghĩ thế nào? Nếu có người vì cha mẹ mà tạo các việc ác; vì tạo ác nên khi thân hoại mạng chung, đi thẳng vào cõi ác, sanh vào địa ngục. Sanh vào địa ngục rồi, khi ngục tốt bắt trói hành hạ rất khổ sở, người ấy hướùng về phía ngục tốt mà nói thế này: ‘Ngục tốt, hãy biết cho, chớ hành hạ tôi. Vì sao thế? Tôi đã vì cha mẹ tạo các nghiệp ác’. Thế nào, Đà-nhiên, người ấy có thể nào từ ngục tốt mà thoát khỏi sự khổ sở ấy không?”
         Phạm chí Đà-nhiên trả lời rằng:
          “Không thể”.
          Lại hỏi:
          “Này Đà-nhiên, ông nghĩ thế nào? Nếâu có người vì vợ con mà tạo các việc ác, vì tạo ác nên khi thân hoại mạng chung, đi thẳng vào cõi ác, sanh vào địa ngục. Sanh vào địa ngục rồi, khi ngục tốt bắt trói hành hạ rất khổ sở, người ấy hướùng về phía ngục tốt mà nói thế này: ‘Ngục tốt, hãy biết cho, chớ hành hạ tôi. Vì sao thế? Tôi đã vì vợ con tạo các nghiệp ác’. Thế nào, Đà-nhiên, người ấy có thể nào từ ngục tốt mà thoát khỏi sự khổ sở ấy không?”
          Phạm chí Đà-nhiên trả lời rằng:
          “Không thể”.
          Lại hỏi:
          “Này Đà-nhiên, ông nghĩ thế nào? Nếâu có người vì nô tỳ mà tạo các việc ác, vì tạo ác nên khi thân hoại mạng chung, đi thẳng vào cõi ác, sanh vào địa ngục. Sanh vào địa ngục rồi, khi ngục tốt bắt trói hành hạ rất khổ sở, người ấy hướùng về phía ngục tốt mà nói thế này: ‘Ngục tốt, hãy biết cho, chớ hành hạ tôi. Vì sao thế? Tôi đã vì nô tỳ tạo các nghiệp ác’. Thế nào, Đà-nhiên, người ấy có thể nào từ ngục tốt mà thoát khỏi sự khổ sở ấy không?”
          Phạm chí Đà-nhiên trả lời rằng:
          “Không thể”.
          Lại hỏi:
          “Này Đà-nhiên, ông nghĩ thế nào? Nếâu có người vì quốc vương, vì thiên thần, vì tổ tiên, vì Sa-môn, Phạm chí mà tạo các việc ác, vì tạo ác nên khi thân hoại mạng chung, đi thẳng vào cõi ác, sanh vào địa ngục. Sanh vào địa ngục rồi, khi ngục tốt bắt trói hành hạ rất khổ sở, người ấy hướùng về phía ngục tốt mà nói thế này: ‘Ngục tốt, hãy biết cho, chớ hành hạ tôi. Vì sao thế? Tôi đã vì quốc vương, vì thiên thần, vì tổ tiên, vì Sa-môn, Phạm chí mà tạo các nghiệp ác’. Thế nào, Đà-nhiên, người ấy có thể nào từ ngục tốt mà thoát khỏi sự khổ sở ấy không?”
          Phạm chí Đà-nhiên trả lời rằng:
          “Không thể”.
         “Này Đà-nhiên, một tộc tánh tử[08], vẫn có thể như pháp, như nghiệp, như công đức[09] mà làm ra tiền của, để tôn trọng kính phụng, hiếu dưỡng cha mẹ, làm các việc phước đức chớ chẳng gây nghiệp ác.
          Này Đà-nhiên, nếu một tộc tánh tử như pháp, như nghiệp, như công đức, mà làm ra tiền của, để tôn trọng, kính phụng, hiếu dưỡng cha mẹ, làm các việc phước đức chớ chẳng gây nghiệp ác. Đà-nhiên, nếu một tộc tánh tử như pháp, như nghiệp, như công đức mà làm ra tiền của, để tôn trọng kính phụng, hiếu dưỡng cha mẹ, làm các việc phước đức chớ chẳng gây nghiệp ác, người ấy được cha mẹ thương yêu và nói thế này: ‘Mong cho con được mạnh khỏe, sống lâu vô cùng. Vì sao thế?Vì ta nhờ con nên được an ổn khoái lạc’. Này Đà-nhiên, nếu người nào được cha mẹ thương yêu rất mực, đức người đó ngày càng tăng thêm, không bao giờ suy giảm.
          “Này Đà-nhiên, một tộc tánh tử, vẫn có thể như pháp, như nghiệp, như công đức mà làm ra tiền của, yêu thương và săn sóc vợ con, làm các nghiệp phước đức chớ chẳng gây nghiệp ác.
           “Này Đà-nhiên, nếu một tộc tánh tử như pháp, như nghiệp, như công đức, mà làm ra tiền của, yêu thương và săn sóc vợ con, làm các nghiệp phước đức chớ chẳng gây nghiệp ác, thì người ấy được vợ con tôn trọng, và nói thế này: ‘Mong cho tôn trưởng được mạnh khỏe, sống lâu vô cùng. Vì sao thế? Vì chúng tôi nhờ tôn trưởng nên được an ổn khoái lạc’. Này Đà-nhiên, nếu người nào được vợ con tôn trọng rất mực, đức người đó ngày càng tăng thêm, không bao giờ suy giảm.
          “Này Đà-nhiên, một tộc tánh tử, vẫn có thể như pháp, như nghiệp, như công đức mà làm ra tiền của, yêu thương, chu cấp và săn sóc nô tỳ, làm các nghiệp phước đức chớ chẳng gây nghiệp ác.
          “Này Đà-nhiên, nếu một tộc tánh tử như pháp, như nghiệp, như công đức, mà làm ra tiền của, yêu thương, chu cấp và săn sóc nô tỳ, làm các nghiệp phước đức chớ chẳng gây nghiệp ác, thì người ấy được nô tỳ tôn trọng, và nói thế này: ‘Mong cho đại gia được mạnh khỏe, sống lâu vô cùng. Vì sao thế? Vì chúng tôi nhờ đại gia nên được an ổn’. Này Đà-nhiên, nếu người nào được nô tỳ tôn trọng rất mực, đức người đó ngày càng tăng thêm, không bao giờ suy giảm.
          “Này Đà-nhiên, một tộc tánh tử, vẫn có thể như pháp, như nghiệp, như công đức mà làm ra tiền của, tôn trọng cúng dường các vị Sa-môn, Phạm chí, làm các nghiệp phước đức chớ chẳng gây nghiệp ác.
          “Này Đà-nhiên, nếu một tộc tánh tử như pháp, như nghiệp, như công đức, mà làm ra tiền của, tôn trọng cúng dường các vị Sa-môn, Phạm chí, làm các nghiệp phước đức chớ chẳng gây nghiệp ác, thì người ấy được các Sa-môn, Phạm chí yêu mến rất mực, và nói thế này: ‘Mong cho thí chủ được mạnh khỏe, sống lâu vô cùng. Vì sao thế? Vì chúng tôi nhờ thí chủ nên được an hưởng khoái lạc’. Này Đà-nhiên, nếu người nào được các Sa-môn, Phạm chí yêu mến rất mực, đức người đó ngày càng tăng thêm, không bao giờ suy giảm”.
          Bấy giờ Phạm chí Đà-nhiên liền từ chỗ ngồi đứng dậy, trịch vai sửa áo, chắp tay hướng về phía Xá-lê Tử thưa rằng:
          “Thưa Tôn giả Xá-lê Tử, tôi có người vợ yêu tên là Đoan Chánh[10]. Tôi vì say mê nó nên đã buông lung, tạo quá nhiều ác nghiệp tội lỗi. Thưa Tôn giả Xá-lê Tửû, bắt đầu từ đây tôi bỏ người vợ Đoan Chánh kia, xin quy y với Tôn giả Xá-lê Tử”.
          Tôn giả Xá-lê Tử trả lời rằng:
          “Này Đà-nhiên, ông chớ quy y tôi. Ông nên quy y nơi Phật là Đấng mà tôi quy y”.
          Phạm chí Đà-nhiên thưa rằng:
          “Thưa Tôn giả Xá-lê Tử, từ hôm nay tôi xin quy y Phật, Pháp và Chúng Tỳ-kheo. Cúi mong Tôn giả Xá-lê Tử nhận tôi làm Ưu-bà-tắùc của Phật; trọn đời xin tự quy y cho đến mạng chung”.
          Thế rồi Tôn giả Xá-lê Tử thuyết pháp cho Phạm chí Đà-nhiên, khuyên bảo, khích lệ, thành tựu hoan hỷ. Sau khi dùng vô lượng phương tiện để thuyết pháp khuyên bảo, khích lệ, thành tựu hoan hỷ. Ngài liền từ chỗ ngồi đứng dậy đi đến thành Vương xá.
          Ở đây được vài ngày, ngài xếp y, ôm bát rời thành Vương xá ra đi, đến Nam sơn[11], trụ trong rừng Thi-nhiếp-hòa[12], thuộc phía Bắc thôn Nam sơn.
          Bấy giờ có một vị Tỳ-kheo đi đến thành Vương xá. Ở đây được vài ngày, xếp y ôm bát từ thành Vương xá ra đi, đến Nam sơn cũng trụ trong rừng Thi-nhiếp-hòa, thuộc phía Bắc thôn Nam sơn.
          Rồi vị Tỳ-kheo ấy đi đến chỗ Tôn giả Xá-lê Tử, cúi đầu đảnh lễ dưới chân rồi ngồi sang một bên. Tôn giả Xá-lê Tử hỏi rằng:
          “Hiền giả từ nơi nào tới đây và du hành ở đâu?”
          Tỳ-kheo ấy trả lời rằng:
          “Bạch Tôn giả Xá-lê Tử, tôi từ thành Vương xá đi đến đây và du hành ở thành Vương xá”.
           Lại hỏi rằng:
          “Hiền giả ngài có biết Phạm chí Đà-nhiên ở thành Vương xá, vốn là bạn của tôi xưa kia lúc tôi chưa xuất gia không?”
          “Thưa có biết”.
          Lại hỏi rằng:
          “Này hiền giả, Phạm chí Đà-nhiên ở thành Vương xá, thân thể có được an khang khỏe mạnh, không bệnh tật, đi lại thoải mái, khí lực bình thường và có thường thăm viếng Đức Phật và mong muốn được nghe pháp không?”
          Trả lời rằng:
           “Bạch Tôn giả Xá-lợi-phất, Phạm chí Đà-nhiên thường đến thăm viếng Đức Phật và mong muốn được nghe pháp; nhưng không được khỏe mạnh, khí lực dần dần suy yếu. Vì sao vậy? Bạch Tôn giả Xá-lê Tử, hiện giờ Phạm chí Đà-nhiên mang tật bệnh rất khốn khổ, nguy hiểm khôn chừng, do đó có thể mạng chung”.
          Tôn giả Xá-lê Tử nghe xong lời ấy, liền xếp y ôm bát rời Nam sơn ra đi, đến thành Vương xá, trú trong rừng Trúc, vườn Ca-lan-đa. Bấy giờ đêm đã qua, vào lúc sáng sớm, Tôn giả Xá-lê Tử khoác y, ôm bát đi đến nhà Phạm chí Đà-nhiên. Phạm chí Đà-nhiên từ đằng xa trông thấy Tôn giả Xá-lê Tử đi đến, muốn rời giường đứng dậy. Tôn giả Xá-lê Tử thấy Phạm chí Đà-nhiên muốn rời giường đứng dậy, liền ngăn ông ấy rằng:
          “Này Phạm chí Đà-nhiên, ông cứ nằm, đừng đứng dậy. Đã có giường khác đây, rồi tôi sẽ ngồi riêng”.
          Bấy giờ Tôn giả Xá-lê Tử liền ngồi xuống giường ấy, rồi bảo rằng:
          “Hôm nay bệnh tình ra sao? Ăn uống được nhiều ít? Sự đau đớn bớt dần, không đến nỗi tăng thêm chăng?”
          Đà-nhiên trả lời rằng:
          “Bệnh tình con rất là khốn đốn, ăn uống chẳng được gì cả; đau đớn chỉ tăng thêm mà không thấy giảm bớt tí nào. Thưa Tôn giả Xá-lê Tử, giống như người lực sĩ đem con dao bén nhọn đâm vào đầu, chỉ sanh sự khốn khổ quá mức thôi. Đầu con hôm nay cũng nhức nhối giống như vậy. Thưa Tôn giả Xá-lê Tử, cũng như lực sĩ lấy sợi dây thừng chắt đem quấn riết chung quanh đầu, chỉ sanh sự khốn khổ quá mức. Đầu con hôm nay cũng nhức nhối giống như vậy. Thưa Tôn giả Xá-lê Tử, cũng như người mổ trâu, đem con dao bén mổ bụng trâu, chỉ sanh sự đau đớn quá mức. Bụng con hôm nay cũng quặn đau giống như vậy. Thưa Tôn giả Xá-lê Tử, cũng như hai lực sĩ bắt một người ốm yếu đem nướng trên ngọn lửa, chỉ sanh ra sự đau khổ đến cùng cực. Thân thể con hôm nay đau đớn, cả mình sanh ra khổ sở, chỉ tăng thêm chớ không giảm bớt; cũng giống như vậy”.
          Tôn giả Xá-lê Tử bảo rằng:
          “Này Đà-nhiên, bây giờ tôi hỏi ông, tùy sự hiểu biết mà ông trả lời. Này Phạm chí Đà-nhiên, địa ngục và súc sanh, nơi nào tốt đẹp hơn?”
         Đà-nhiên trả lời rằng:
          “Súc sanh tốt đẹp hơn”.
          Lại hỏi rằng:
          “Này Đà-nhiên, súc sanh và ngạ quỉ, loài nào tốt đẹp hơn?”
          Đà-nhiên trả lời rằng:
          “Ngạ quỉ tốt đẹp hơn”.
           Lại hỏi rằng:
          “Này Đà-nhiên, ngạ quỉ và loài người, loài nào tốt đẹp hơn?”
          Đà-nhiên trả lời rằng:
          “Loài người tốt đẹp hơn”.
           Lại hỏi rằng:
          “Này Đà-nhiên, người và Tứ vương thiên, cõi nào tốt đẹp hơn?”
          Đà-nhiên trả lời rằng:
          “Tứ thiên vương tốt đẹp hơn”.
           Lại hỏi rằng:
          Này Đà-nhiên, Tứ vương thiên và Tam thập tam thiên, cõi nào tốt đẹp?
          Đà-nhiên trả lời rằng:
          “Tam thập tam thiên tốt đẹp hơn”.
          Lại hỏi rằng:
          “Tam thập tam thiên với Diệm ma thiên cõi nào tốt đẹp hơn?”
         Đà-nhiên trả lời rằng:
          “Diệm ma thiên tốt đẹp hơn.”
           Lại hỏi rằng:
           “Này Đà-nhiên, Diệm ma thiên với Đâu-suất-đà thiên, cõi nào tốt đẹp hơn?”
          Đà-nhiên trả lời rằng:
          “Đâu-suất-đà thiên tốt đẹp hơn”.
          Lại hỏi rằng:
          “Này Đà-nhiên, Đâu-suất-đà thiên với Hóa lạc thiên cõi nào tốt đẹp hơn?”
          Đà-nhiên trả lời rằng:
          “Hóa lạc thiên tốt đẹp hơn”.
           Lại hỏi rằng:
          “Này Đà-nhiên, Hóa lạc thiên với Tha hóa lạc thiên, cõi nào tốt đẹp hơn?”
          Đà-nhiên trả lời rằng:
          “Này Đà-nhiên, Tha hóa lạc thiên với Phạm thiên cõi nào tốt đẹp hơn?”
          Đà-nhiên trả lời rằng:
          “Phạm thiên là tốt đẹp hơn cả. Phạm thiên là tối thắng”.
          Tôn giả Xá-lê Tử bảo rằng:
          “Đức Thế Tôn là bậc tri kiến, là Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, có nói về bốn Phạm thất[13]. Nếu một tộc tánh nam tử hay một tộc tánh nữ nào tu tập nhiều, đoạn dục, xả niệm tưởng về dục, khi thân hoại mạng chung sẽ sanh lên cõi Phạm thiên. Những gì là bốn?
          “Này Đà-nhiên, Thánh đệ tử đa văn có tâm câu hữu với từ, biến mãn một phương, thành tựu và an trụ. Cũng vậy, với hai, ba bốn phương, tứ duy và thượng hạ, thấu khắp tất cả, tâm câu hữu với từ, không kết, không oán, không sân hận, không não hại, bao la, quảng đại, vô lượng, khéo tu tập, biến mãn khắp tất cả thế gian, thành tựu và an trụ. Cũng vậy, tâm câu hữu với bi, hỷ; với xả, biến mãn một phương, thành tựu và an trụ. Cũng vậy, với hai, ba bốn phương, tứ duy và thượng hạ, thấu khắp tất cả, tâm câu hữu với từ, không kết, không oán, không sân hận, không não hại, bao la, quảng đại, vô lượng, khéo tu tập, biến mãn khắp tất cả thế gian, thành tựu và an trụ. Đà-nhiên, đó là Đức Thế Tôn, là Bậc Tri Kiến, là Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, có nói về bốn Phạm thất. Nếu một tộc tánh nam tử hay một tộc tánh nữ nào tu tập nhiều, đoạn dục, xả niệm tưởng về dục, khi thân hoại mạng chung sẽ sanh lên cõi Phạm thiên”.
          Bấy giờ, sau khi giáo hóa cho Đà-nhiên, nói về pháp Phạm thiên, Tôn giả Xá-lê Tử từ chỗ ngồi đứng dậy mà đi. Tôn giả Xá-lê Tử từ thành Vương xá đi, chưa đến Trúc lâm vườn Ca-lan-đa, đang nửa đường ấy, Phạm chí Đà-nhiên do tu tập bốn Phạm thất, đoạn dục, xả dục niệm, thân hoại mạng chung sanh lên cõi Phạm thiên.
          Bấy giờ Đức Thế Tôn đang thuyết pháp cho vô lượng đại chúng đang vây quanh trước sau. Đức Thế Tôn thấy Tôn giả Xá-lê Tử từ đàng xa đi tới, nói với các thầy Tỳ-kheo rằng:
          “Tỳ-kheo Xá-lê Tử là bậc thông tuệ, tốc tuệ, tiệp tuệ, lợi tuệ, quảng tuệ, thâm tuệ, xuất yếu tuệ, minh đạt tuệ, biện tài tuệ[14]; Tỳ-kheo Xá-lê Tử đã thành tựu thật tuệ. Tỳ-kheo Xá-lê Tử đã giáo hóa Phạm chí Đà-nhiên, nói về Phạm thiên rồi mới về đây. Nếu lại giáo hóa cao hơn nữa thì người kia mau biết pháp, như pháp[15]“.
          Bấy giờ Tôn giả Xá-lê Tử đi đến chỗ Phật, cúi đầu đảnh lễ dưới chân rồi ngồi sang một bên. Đức Thế Tôn bảo rằng:
          “Này Xá-lê Tử, vì sao ông không giáo hóa Phạm chí Đà-nhiên bằng một pháp cao hơn Phạm thiên? Nếu ông giáo hóa cao hơn thì người kia sẽ mau biết pháp, như pháp”.
        Tôn giả Xá-lê Tử thưa rằng:
          “Bạch Thế Tôn, các Phạm chí từ lâu đời ái trước Phạm thiên, ưa thích Phạm thiên, cho Phạm thiên là rốt ráo, Phạm thiên là tôn quý, thật có Phạm thiên là Phạm thiên của ta. Do đó, bạch Thế Tôn, nên con đã giáo hóa như vậy”.
          Phật thuyết như vậy. Tôn giả Xá-lê Tử và vô lượng trăm nghìn đại chúng, sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.
 
          Chú Thích:
[01] Tương đương Pāli: M.97. Dhānañjāni-suttam.
[02] Đà-nhiên. Pāli: Dhānañjāna (cũng viết, Dhanañjāni).
[03] Pāli: Taulapālidvārāya Dhānañjāni nāma brahmao atthi, “ở Taulapālidvāra có một người Bà-la-môn tên là Dhānañjāni”; không nói sự kiện là bạn cũ.
[04] Hán: khi cuống. Pāli: rājāna nissāya brāhmaagahapatike vilumpati, “dựa thế vua cướp bóc các Bà-la-môn và gia chủ”.
[05] Pāli thêm chi tiết: Vợ trước của ông là người có tín tâm, từ gia đình có tín tâm (saddhā saddhākulā ātītā), còn bà vợ sau thì không.
[06] Hán: khổ trị cư dân. Pāli: tena kho pana samayena Dhanañjāni brāhmao bahinagare gāvo gohe dohapeti, “Lúc bấy giờ Bà-la-môn Dhanañjāni đang sai người vắt sữa bò trong chuồng bò ở ngoài thành”.
[07] Hán: kim táo quán. Pāli: chỉ nói mời uống sữa.
[08] Hán: tộc tánh tử. Pāli: kulaputta, thiện gia nam tử, hay thiện nam tử, người thuộc một trong bốn giai cấp.
[09] Hán: như pháp như nghiệp như công đức. Pāli: Sahetukā dhammikā kammantā: những nghề nghiệp đúng pháp, có nhân.
[10] Bản Pāli không nói tên người vợ. Sự mê hoặc này, trong bản Pāli, là lời tường thuật của vị Tỳ-kheo mà ngài Xá-lợi-phất hỏi thăm các tin tức chứ không phải là lời tự thú của Đà-nhiên.
[11] Nam sơn. Pāli: Dakkhiagiri, một ngọn núi ở phía Nam thành Vương xá.
[12] Rừng cây sisapa; xem các cht. trên. Nam sơn Bắc thôn và Thi-nhiếp-hòa lâm: không rõ các địa danh này.
[13] Phạm thất, hay Phạm trú; Pāli: Brahmavihāra, đời sống (có phẩm tính) như Phạm thiên, hay sống chung với Phạm thiên. Bản Pāli: Brahmāa... Sahavyatāya magga desessāmi, “Ta sẽ nói về con đường dẫn đến cọng trú với Phạm thiên”.
[14] Hán: thông tuệ, tốc tuệ, tiệp tuệ, lợi tuệ, quảng tuệ, thâm tuệ, xuất yếu tuệ, minh đạt tuệ, biện tài tuệ.Bản Pāli ở đây không nói các đặc điểm trí tuệ của ngài Xá-lợi-phất, nhưng có thể tìm thấy đoạn tương đương M.iii, tr, 25: Paito (tuệ thông bác), mahāpānno (đại tuệ), javanapānno (tuệ nhạy bén), tikkhapānno (tuệ sắc bén), nibbedhikapānno (tuệ sâu sắc).
[15] Hán: tri pháp như pháp; thường gặp trong bản Hán dịch này, mà tương đương Pāli thường là dhamma-anudhamma, pháp và tùy pháp tức những yếu tố phụ thuộc pháp. Đoạn văn này, Pāli tương đương: (...) sati uttarikaraīye hine Brahmaloke patihāpetvā ..., “trong khi có pháp cao hơn nữa cần chứng, nhưng lạïi xác lập ở Phạm thiên giới...”
-ooOoo-